Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 07 tháng 8 năm 2024

    VNCS: TBT- Chủ tịch nước Tô Lâm có thể cải cách thể chế lâu nay của Việt Nam?

    RFA
    06/8/2024

    TBT- Chủ tịch nước Tô Lâm có thể cải cách thể chế lâu nay của Việt Nam?

    Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP PHOTO 

    Sau khi vừa nắm giữ được chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm cho biết sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế.

    Trong bài viết được truyền thông nhà nước đăng tải mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói mục đích cải cách thể chế nhằm đưa đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… Đồng thời ông Tổng Bí thư cũng cam kết ‘quyết tâm xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh’.

    Vẫn độc đảng liệu có thể cải cách thể chế? Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 6/8/2024 khi trao đổi với RFA nhận định:

    “Chuyện kêu gọi tháo gỡ vướng mắc trong thể chế này đã có từ nhiều năm qua rồi chứ không phải tới khi Tô Lâm lên nắm quyền. Trước đây thì ông Nguyễn Xuân Phúc thường hay than vãn tình trạng ‘trên bảo dưới không nghe’, ông Vương Đình Huệ cũng thừa nhận là bộ máy nhà nước bị "trên nóng dưới lạnh". Tức là ở trên cũng hô hào kêu gọi cải cách, đổi mới, nhưng chỉ nói cho có thôi rồi làm không được thì đổ lỗi cho ở dưới. Ông Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng cũng kêu gọi đổi mới, rồi ông Phạm Minh Chính cũng muốn xây dựng chính phủ sáng tạo, cải cách hành chính... Nhưng đó chỉ là những lời nói hoa mỹ mị dân thôi chứ cái vướng mắc của nhà nước hiện nay là tình trạng đơn đảng, độc tài.”

    Chính vì độc quyền về chính trị, không ai thay thế, không phải cạnh tranh với ai nên theo ông Trần Anh Quân, họ mới tha hoá như ngày hôm nay. Ông Quân nói tiếp:

    “Nếu ông Tô Lâm thật sự muốn giải quyết các vướng mắc của đất nước thì nên bỏ điều 4 hiến pháp, để cho nhiều đảng được cạnh tranh một cách công bằng, minh bạch, thì như vậy bộ máy chính trị mới có thể thay đổi tích cực. Ai tốt thì được người dân lựa chọn, ai dở thì bị đào thải là tự nhiên các khó khăn vướng mắc của đất nước sẽ được giải quyết nhanh chóng chứ không cần phải nói tới nói lui nhiều!”

    Thời gian qua, đã có nhiều vị lãnh đạo của Việt Nam từng tuyên bố về việc cải cách thể chế để giúp đất nước phát triển. Nhưng dư luận cho rằng, những lời tuyên bố đó nghe hay, nhưng nếu vẫn giữ chế độ độc đảng toàn trị… thì chưa đủ làm an lòng giới đầu tư tư nhân và người dân… Vì nhà nước vẫn rụt rè, rón rén và không làm một cách công khai, minh bạch, không tạo ra một thể chế văn minh, nhân văn để cho người dân có quyền tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai…

    Nhu cầu đòi cải cách không chỉ trong nhân dân, mà ngay cả trong đảng Cộng sản, khi mà những đảng viên đã trở thành những nhà tư bản. Nhưng cải cách thể chế lại đi ngược lại vai trò độc tôn của đảng Cộng sản.
    -Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

    Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 6/8/2024 khi nhận định với RFA về vấn đề này cho rằng, Đảng Cộng sản đang đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn. Thứ nhất đó là cuộc khủng hoảng về thể chế và lý luận chính trị. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã phá sản. Theo ông Vũ, ngày nay, những đảng viên cộng sản không sống cuộc đời của những người vô sản, mà ngược lại họ đã trở thành những người thuộc tầng lớp giàu có nhất Việt Nam. Chủ nghĩa Mác-Lênin không còn là chất keo gắn kết đảng Cộng sản, mà việc gắn kết đó là quyền lực và quyền lợi. Tiến sĩ Vũ nói tiếp:

    “Thứ hai là cuộc khủng hoảng kinh tế. Thể chế kinh tế phát triển dựa vào nhân công thô, nguyên liệu thô, và những ưu đãi về thuế hiện đã đạt đến ngưỡng. Chính vì sự khủng hoảng kinh tế này mà nhu cầu đòi cải cách thể chế tăng cao. Nhu cầu đòi cải cách không chỉ trong nhân dân, mà ngay cả trong đảng Cộng sản, khi mà những đảng viên đã trở thành những nhà tư bản. Nhưng cải cách thể chế lại đi ngược lại vai trò độc tôn của đảng Cộng sản.”

    Việc cải cách về thể chế kinh tế theo ông Nguyễn Huy Vũ hiện đã đạt tới giới hạn, khi mà nền kinh tế đã gần như mở hoàn toàn. Nền kinh tế Việt Nam hiện đã được mở hoàn toàn. Khúc mắc lớn nhất đó là sự hiện diện của các công ty nhà nước và các công ty chống lưng bởi các đảng viên đảng Cộng sản đã nhận được những ưu đãi lớn từ chính quyền. Những việc này khó mà xoá bỏ nếu mà đảng Cộng sản vẫn còn nắm độc quyền. Khi mà những lợi ích của nhóm công ty này bị bỏ đi, nó cũng đồng nghĩa với việc sự hiện diện của đảng Cộng sản trong nền kinh tế dần mất đi. Ông Vũ giải thích thêm:

    “Mặt khác, đảng Cộng sản hiện nay chưa đặt vấn đề về cải cách chính trị. Các chức vụ trong chính quyền từ lớn đến nhỏ đều bố trí cho các đảng viên đảng Cộng sản. Điều này nó giới hạn khả năng của những người có năng lực khác tham gia vào việc điều hành chính quyền. Chính vì vậy mà chừng nào chưa cải cách thể chế chính trị, năng lực điều hành chính sách và kinh tế quốc gia vẫn còn chưa nâng cao lên được.

    Việc điều hành đất nước nó không chỉ tập trung vào một vài người ở trên mà nó cần một bộ máy xuyên suốt từ trên xuống dưới của những người có năng lực. Trong các thể chế dân chủ, tất cả các cấp bậc, các vị trí trong chính quyền được bầu chọn dựa trên năng lực và do đó nó giúp nâng cao khả năng quản trị.”

    Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, chừng nào mà đảng Cộng sản không cải cách thể chế, thay đổi về dân chủ, thì chừng đó khả năng quản trị của nhà nước vẫn còn tắc nghẽn và khủng hoảng vẫn còn tiếp tục. Việc cải cách thể chế do đó nó sẽ đi ngược với việc duy trì sự độc đảng cầm quyền của đảng Cộng sản.

    000_368B4QC.jpg

    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hà Nội hôm 3/8/2024. AFP. 

    Vào tháng 5 năm 2022, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới - World Bank đã khuyến cáo Việt Nam cần phải cải cách thể chế để tránh bẫy thu nhập trung bình và đạt được mục tiêu là quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2045.

    Trở lại với tuyên bố của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về cải cách thể chế mới đây, một Nhà báo ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA hôm 6/8/2024 liên quan vấn đề này cho rằng:

    “Chế độ độc đảng toàn trị theo nguyên tắc căn bản nhất là tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách… Nên khi họ đưa ra những quyết định về thể chế quan trọng đều cần phải có tập thể giải quyết, nhưng khi khai triển thì họ đưa cho từng cá nhân phụ trách theo từng phần. Khi muốn có một quyết định mang tính tập thể, thì bắt buộc họ phải kéo phe cánh ủng hộ cho thể chế đó, để đạt được đa số mới được thông qua.”

    Nhà độc tài phải có một tư tưởng rõ ràng, thì ở đây tư tưởng của ông Tô Lâm chưa cho thấy một cái gì mới.
    -Một Nhà báo ở Việt Nam

    Chính vì cách làm này nên theo Nhà báo này, suốt hàng chục năm qua, đảng CSVN đã rất rối ren và bế tắc trong việc thực thi các chính sách và các thể chế quan trọng. Ông nêu ví dụ:

    “Chẳng hạn như vấn đề chống tham nhũng, càng chống càng sa lầy. Vừa rồi ông Tô Lâm đã đắc cử Chủ tịch nước và liên tiếp một cách nhẹ nhàng ông đạt được luôn vị trí quan trọng nhất là Tổng Bí thư… như vậy có thể xác định đây là một bước thành công khi chuyển từ chế độ độc đảng toàn trị… sang chế độ độc tài toàn trị.”

    Nhà báo này cho rằng, chế độ độc tài toàn trị có ưu điểm là tạo ra được một ê kíp ưng ý, để thực hiện được những tư tưởng của mình. Bằng chứng là tân Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang vừa rồi đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ chính thức làm việc về vấn đề kinh tế với hai địa phương quan trọng là Hưng Yên và Đà Nẵng. Đó là bước đầu của thể chế độc tài toàn trị đã thành công. Ông nói tiếp:

    “Tuy nhiên nhà độc tài phải có một tư tưởng rõ ràng, thì ở đây tư tưởng của ông Tô Lâm chưa cho thấy một cái gì mới. Bởi vì trong phát biểu của của ông Tô Lâm vẫn dựa trên Chủ nghĩa Mác-Lênin và tất cả các đường lối bấy lâu nay. Tôi cho rằng phát biểu mới nhất của ông Tô Lâm (về thể chế) chỉ là hình thức, bởi vì thời gian nắm cả hai chức vụ còn mới quá. Như vậy sắp tới ông Tô Lâm có bộc lộ, tức ổng phải cho thấy ổng có một tư tưởng rõ ràng, mới, trong vai trò lãnh đạo của một nhà độc tài toàn trị, thì lúc đó mới có thể xét đoán thêm.”

    Còn hiện nay theo Nhà báo này, vì quá mới nên ông Tô Lâm cũng chỉ xoay quanh những cái cũ. Cần phải có thêm thời gian mới biết rõ ông Tô Lâm thành công hay thất bại trong vai trò một nhà độc tài toàn trị.

    https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-it-possible-to-reform-institutions-as-general-secretary-to-lam-said-08062024103417.html




    Máy bay không người lái Trung Quốc hoạt động gần Việt Nam



    Duan Dang



    Aug 7






    Kể từ đầu tháng 8, Trung Quốc đã hai lần triển khai máy bay quân sự không người lái WZ-10 xuống vùng biển phía nam của Việt Nam.

    Cụ thể, vào ngày 2.8, máy bay WZ-10 đã bay từ Hải Nam dọc bờ biển Việt Nam xuống khu vực cách Cam Ranh khoảng 100 hải lý trước khi quay đầu về. Thông tin này được Reuters đưa tin ngày 5.6, dựa trên dữ liệu từ các trang theo dõi hoạt động của máy bay.

    Đây được cho là lần đầu tiên một máy bay không người lái Trung Quốc bật tín hiệu khi hoạt động ở khu vực biển gần Việt Nam.




    Đường bay của WZ-10 trong hai chuyến bay ngày 2 và 7.10

    Đến sáng 7.8, máy bay WZ-10 một lần nữa thực hiện hành trình bay xuống phía nam, dữ liệu quan sát được cho thấy nó bay xuống gần khu vực Côn Đảo trước khi quay đầu về.

    Trong cả hai chuyến bay, nó đều sử dụng hô hiệu OOCA6181, vốn được ghi nhận là thuộc về một máy bay WL-10/WZ-10 của Trung Quốc.




    Máy bay WZ-10

    WZ-10 là tên gọi của không quân Trung Quốc dành cho loại máy bay không người lái Dực Long 10 (Yilong 10 - Wing Loong 10 - WL-10), trước đây được gọi là Vân Ảnh (Cloud Shadow). Ký hiệu WZ-10 bắt nguồn từ WuZhen (Vô Trinh), tức máy bay trinh sát không người lái.

    Loại máy bay không người lái này được phân chia làm 3 loại với 3 chức năng: trinh sát, tác chiến điện tử và trinh sát tấn công. 




    Máy bay WZ-10 bay ở Hoa Đông vào tháng 5 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản

    Trước đó, máy bay này cũng được ghi nhận thường xuyên thực hiện hoạt động trinh sát ở trong vịnh Bắc Bộ. 

    Theo tôi được biết, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai máy bay không người lái xuống vùng biển phía nam của Việt Nam. Cụ thể, các máy bay BZK-005 hoặc WZ-7 cũng từng thực hiện các chuyến bay tương tự xuống gần khu vực Bãi Tư Chính song không bật tín hiệu.

    Dữ liệu thu thập ngày 7.8 cho thấy WZ-10 cất cánh từ căn cứ không quân Lạc Đông (Ledong) ở tây nam đảo Hải Nam. Trước đây căn cứ này thuộc về Trung đoàn 27, Sư đoàn Không quân 9 của Trung Quốc, nhưng nay đã được biên chế trở thành Lữ đoàn Không quân 809.




    Căn cứ không quân Lạc Đông ở Hải Nam

    Vào tháng 1.2024, hình ảnh vệ tinh cho thấy có 4 chiếc WZ-10 được triển khai ở căn cứ lưỡng dụng Phật Sơn ở Quảng Đông.

    Vào tháng 5, Lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật Bản cũng lần đầu tiên ghi nhận WZ-10 hoạt động ở Biển Hoa Đông.

    Hoạt động thường xuyên của WZ-10 ở Biển Đông trong thời gian vừa qua gợi ý nó đã được triển khai hoạt động tiền phương tại căn cứ Lạc Đông ở Hải Nam.




    Máy bay WZ-10 ở căn cứ Phật Sơn vào tháng 1 - Ảnh: Google

    Duân,

    Kênh đào Funan Techo của Campuchia: Đào kênh vì chủ nghĩa dân tộc?

    RFA
    05/8/2024


    Kênh đào Funan Techo của Campuchia: Đào kênh vì chủ nghĩa dân tộc?


    Khu vực xây dựng sau lễ động thổ kênh đào Funan Techo ở tỉnh Kandal, Campuchia, vào ngày 5 tháng 8 năm 2024. 

    AFP 

    Đúng 9 giờ 09 phút sáng hôm 5 tháng 8, 2024, vào ngày sinh nhật thứ 71 của Chủ tịch Thượng viện Hun Sen, Campuchia động thổ dự án Kênh đào Funan Techo. 

    Theo nhiều chuyên gia, lợi ích kinh tế của dự án kênh đào Funan Techo thì mù mờ, còn tác động môi trường, xã hội của dự án lại chưa được làm rõ. Tuy vậy, đối với Campuchia, dự án này là dự án phải làm bằng được, vì theo lời Thủ tướng Hun Manet, công trình này sẽ giúp Campuchia củng cố nền độc lập chính trị về mặt vận tải đường thủy…

    Cả nước ăn mừng dự án kênh đào 

    Trong bài phát biểu tại lễ khởi công kênh đào ngày 5/8/2024, ông Hun Manet tuyên bố rằng “thông qua việc xây dựng kênh đào có tính lịch sử này, chúng ta đang thể hiện tinh thần yêu nước và đoàn kết dân tộc. Đây cũng là bằng chứng rõ ràng cho thấy đặc trưng của Campuchia là hòa bình, thống nhất và tự do”. 

    Phát biểu này lặp lại tinh thần bài phát biểu hôm 2/7/2024. Khi đó, Thủ tướng Hun Manet tuyên bố dự án kênh đào Funan Techo có ý nghĩa đặc biệt “vì nó biểu đạt tinh thần của chủ nghĩa dân tộc.” Theo ông, chỉ có “một nhóm cực đoan nhỏ ở nước ngoài” là không ủng hộ dự án.

    Thủ tướng Campuchia cũng nhắc đến những tiếng nói trong xã hội Campuchia đặt ra vấn đề dự án này có thể làm Campuchia mất chủ quyền. Tuy nhiên, ông Manet khẳng định "để giải quyết những nghi ngờ này, chúng ta phải hoàn thành kênh đào bằng mọi giá". 

    Hòa chung với tuyên truyền của Chính phủ Campuchia, trước khi được khởi công, dự án được truyền thông nước này gọi là “một nỗ lực mang tính lịch sử của người dân Campuchia”, “tượng trưng cho sự đoàn kết và tiến bộ của dân tộc, có ý nghĩa to lớn đối với các thế hệ tương lai của Campuchia.”

    Chính phủ Campuchia đã ban hành chỉ thị yêu cầu cả nước cùng nhau rung chuông, đánh cồng chiêng, đánh trống vào đúng giờ khởi công để ăn mừng “sự kiện lịch sử” này. 

    Danh sách các cơ quan được yêu cầu tổ chức ăn mừng bao gồm tất cả các bộ, cơ quan nhà nước ở cả cấp trung ương và địa phương, các tổ chức dân sự, tất cả chùa chiền trên toàn quốc, tất cả trường học công lập và tư thục, cũng như mỗi người dân. Truyền thông Campuchia cho biết chỉ thị này cũng nói Chính phủ Phnompenh sẽ bắn pháo hoa trong ngày khởi công.

    Tiến sỹ Brian Eyler ở Stimson Center trao đổi với RFA qua email về những động thái nói trên của Chính phủ Campuchia: 

    “Nhu cầu củng cố chính trị của Campuchia đã làm cho nhiều yếu tố chưa được biết xung quanh Kênh đào Funan Techo bị che đậy. 

    Điều quan trọng cần lưu ý là không có thỏa thuận tài trợ lớn hoặc thỏa thuận xây dựng nào được ký kết. Chi phí đầu tư cuối cùng của dự án cũng chưa được biết. 

    Không có nghiên cứu về lợi ích và phí tổn của dự án, cũng không có nghiên cứu khả thi nào của dự án được các cơ quan bên ngoài Campuchia như Ủy hội Sông Mê Kông xem xét. 

    Kênh đào chắc chắn sẽ gây ra những phí tổn xã hội và môi trường cho cả Campuchia và Việt Nam, những phí tổn có thể được giảm thiểu thông qua tham vấn và thỏa thuận phù hợp do Ủy hội Sông Mê Kông tạo điều kiện. 

    Chính phủ Campuchia đã mắc nhiều sai lầm trong quá trình chuẩn bị cho lễ động thổ hôm nay, vốn chẳng khác nào một màn trình diễn chính trị hoành tráng. Nếu không có tài trợ, dự án kênh đào này vẫn chỉ là sự thể hiện khát vọng có tính chất chủ nghĩa dân tộc.”

    Nếu một dự án kinh tế được làm với mục đích chính trị (biểu đạt tinh thần của chủ nghĩa dân tộc) thì dự án có khả năng bị mục đích chính trị làm lệch hướng khỏi các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường, thậm chí khỏi chính các vấn đề chính trị thiết yếu hay không? Trao đổi với RFA, ông Ngô Thế Vinh, một chuyên gia về sông Mekong tại Viet Ecology, một NGO về môi trường ở California, Hoa Kỳ, cho rằng sẽ còn nhiều biến động trong những ngày sắp tới liên quan đến dự án này. 

    Bài toán kinh tế mù mờ 

    Chính phủ Campuchia khẳng định dự án trị giá khoảng 1,7 tỷ USD này “đã được nghiên cứu và lên kế hoạch tỉ mỉ, thể hiện cam kết của chúng tôi đối với sự thành công của dự án.” Truyền thông Campuchia cho biết Bộ Thông tin của Chính phủ Phnompenh chỉ đạo tất cả các cơ quan truyền thông nhà nước và truyền thông tư nhân tuyên truyền rộng rãi “lợi ích” của Dự án Kênh đào Funan Techo. Truyền thông Campuchia cũng nói Dự án kênh đào Funan Techo “có rất ít tác động, trong khi các phân tích và đánh giá kinh tế cho thấy nó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các lĩnh vực thương mại, du lịch, quy hoạch và xây dựng đô thị.”

    Trong một hội thảo ở Viện ISEAS của Singapore hôm 21/6/2024, TS. Vannarith Chheang, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quốc hội Campuchia, cho biết các công ty Trung Quốc không mặn mà với dự án này vì dự toán chi phí quá thấp (chỉ 1,7 tỷ USD cho 180 km), bởi vì ở Trung Quốc một con kênh tương tự nhưng chỉ dài 100 km đã có chi phí lên tới 10 tỷ USD. 

    Ngoài ra, Kỹ sư Phạm Phan Long, nhà sáng lập Viet Ecology, cũng chỉ ra một vấn đề lớn về dự toán chi phí của dự án. Ông cho biết đường cao tốc Phnom Penh–Sihanoukville bốn làn xe, hoàn thành vào năm 2023 với chi phí 2 tỷ USD. Con đường này được thiết kế để chịu được tải trọng giao thông 40 tấn. Kênh Funan Techo sẽ dài bằng đường cao tốc nhưng rộng hơn ba đến bốn lần. Cấu trúc kênh phải được thiết kế để chịu được cả áp lực nước và nhiễu loạn khi các tàu vận tải có trọng tải lên tới 5.000 DWT di chuyển. Tải trọng lớn đó đòi hỏi kênh phải có nền chắc chắn hơn đường cao tốc. Do đó, chi phí còn phải lớn hơn. Tuy vậy, dự toán chi phí cho kênh đào còn thấp hơn cả chi phí thực tế của dự án cao tốc Phnom Penh–Sihanoukville. 

    Không chỉ dự toán chi phí mù mờ, theo Kỹ sư Phạm Phan Long, Chính phủ Campuchia còn đưa dự kiến doanh thu từ kênh đào lớn đến mức phi thực tế. Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol đã dự kiến doanh thu từ việc thu phí qua kênh đào này là 88 triệu USD trong năm đầu tiên và đến 2050 sẽ là 570 triệu USD mỗi năm. Trong khi đó, Kỹ sư Phạm Phan Long chỉ ra rằng những dự báo kiểu như vậy dựa trên kỳ vọng là tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 8,1%. Tốc độ tăng trưởng này sẽ được duy trì liên tục trong 25 năm. Và điều này khó xảy ra, theo nhà sáng lập Viet Ecology, đồng thời cũng là một chuyên gia tư vấn về cơ sở hạ tầng và công nghệ cao.

    Nhưng nguy cơ về môi trường và xã hội lại rõ ràng 

    Từ khi Campuchia gửi thư thông báo về dự án này cho Ủy hội sông Mekong ngày 23/8/2023, rất nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về tác động môi trường và xã hội to lớn của dự án. Trao đổi với RFA nhân dịp Campuchia động thổ khởi công Kênh đào Funan Techo, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về môi trường và sông Mekong ở Đại học Cần Thơ, nói: 

    “Chúng ta biết là dự án này có thể tạo ra một số lợi ích nào đó cho Campuchia như tăng giá trị bất động sản trong khu vực, tạo ra thuận tiện đi lại, nhưng do dữ liệu không được cung cấp không đầy đủ, cho nên tôi cũng lo ngại là sẽ có những tác động ngược lại, liên quan đến kinh tế và môi trường. Cái này có lẽ nếu chúng ta có điều kiện theo dõi đầy đủ hơn thì sẽ nắm rõ hơn theo thời gian.

    Tôi nghĩ nó sẽ làm thay đổi đặc điểm dòng chảy ở vùng hạ sông Cửu Long. Chẳng hạn, lũ sẽ ít lại, phù sa sẽ tiếp tục giảm và ảnh hưởng tới nguồn cá. Đồng thời, vào mùa khô, tùy theo lượng nước mà kênh đào lấy đi, nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước canh tác cho ĐBSCL.”

    Theo các chuyên gia, một trong những tác động lớn của kênh đào Funan Techo đối với sông Mekong ở cả Campuchia và Việt Nam là nó thay đổi mùa nước nổi ở cả hai nước. Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Brian Eyler cho biết hai bờ kênh trở thành hai bức tường chặn lũ tràn đồng từ Campuchia về Việt Nam. Đồng thời, lũ tràn đồng gặp phải bờ kênh sẽ dội trở lại, tràn vào một số khu vực ở Campuchia trong lịch sử chưa từng biết đến lũ tràn đồng. Đó là những thay đổi về môi trường to lớn mà cả Campuchia và Việt Nam đều phải đối mặt. 

    Báo cáo mới đây của TS. Brian Eyler cho biết lũ tràn đồng năm 2024 đã nhiều hơn năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn mực nước trung bình hằng năm. Đồng tình với nhận định đó, TS. Lê Anh Tuấn ở Đại học Cần Thơ trao đổi với RFA: 

    “Như tôi đã nói, cái rốn của vùng nước lũ thì vùng phía bắc kênh sẽ nhiều lên, vùng phía nam kênh sẽ giảm lại. Chúng ta biết rằng vùng phía nam kênh, tiếp giáp giữa Campuchia và Việt Nam là vùng đất ngập nước quan trọng. Nó tạo ra một hệ sinh thái đặc biệt quan trọng cho khu vực. Con kênh này sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái đó.”

    Kênh đào Funan Techo vi phạm Hiệp định sông Mekong 1995 

    Bất kể những tính toán mù mờ về kinh tế và những nguy cơ rõ ràng về môi trường - xã hội mà dự án này có khả năng sẽ mang lại, như nhiều chuyên gia đã chỉ ra, Chính phủ Campuchia đã bất tuân Hiệp định Sông Mekong năm 1995 bằng cách từ khước tiến hành thủ tục tham vấn trước (thủ tục PNPCA). 

    Nguyên cớ mà Campuchia đưa ra để không thực hiện thủ tục tham vấn trước là kênh đào Funan Techo lấy nước từ sông Bassac chứ không phải Mekong. Tuy nhiên, trao đổi với RFA, TS. Brian Eyler cho biết sông Bassac (khi vào Việt Nam có tên là sông Hậu), theo định nghĩa, không phải là một nhánh của sông Mekong (khi vào Việt Nam có tên là sông Tiền). Bassac là một nhánh của dòng chính sông Mekong. Theo thuật ngữ thủy văn, Bassac là một "phân lưu" vì nó phân phối nước từ dòng chính đến Đồng bằng sông Cửu Long. Bassac là một phần của dòng chính: đây là trường hợp rõ ràng, không thể tranh cãi, theo khẳng định của vị chuyên gia về ĐBSCL của Stimson Center.

    Ngay trong thư thông báo của Campuchia gửi Ủy hội sông Mekong ngày 23/8/2023, thể hiện kênh đào này có một đoạn nối từ sông Bassac vào sông Mekong. Trong bài phát biểu tại lễ khởi công dự án ngày 5/8/2024, Thủ tướng Hun Manet cũng khẳng định “đoạn kênh đầu tiên chạy từ hạ lưu sông Mekong ở Prek Takeo đến sông Bassac ở huyện Saang, dài khoảng 21 km. Đoạn kênh này do các công ty Khmer quản lý hoàn toàn.” 

    Theo TS. Brian Eyler, Campuchia nên thực hiện thủ tục tham vấn trước theo đúng quy định của Hiệp định sông Mekong 1995. Nhà nghiên cứu Ngô Thế Vinh của Viet Ecology cũng đặt câu hỏi: “Nếu bảo rằng Kênh Funan không có ảnh hưởng gì tới giòng chảy của hệ thống sông Mekong, thì tại sao lại dứt khoát từ chối chia sẻ những thông tin ấy trước nỗi lo lắng của Việt Nam?”

    https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cambodia-funan-techo-canal-digging-for-nationalism-08052024131328.html

    SJC không mua lại vàng do chính mình sản xuất để gây sức ép với nhà nước?

    RFA
    05/8/2024

    SJC không mua lại vàng do chính mình sản xuất để gây sức ép với nhà nước?

    Vàng miếng SJC 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngREUTERS 

    Đầu tháng 8 năm 2024, các cửa hàng bán vàng của Công ty SJC không mua lại vàng miếng SJC một chữ, vàng miếng SJC bị móp méo, cong vênh... Vàng miếng SJC một chữ là mẫu mã vàng được Công ty SJC sản xuất giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1996.

    Kiểm soát người mua vàng

    Công ty SJC là doanh nghiệp kinh doanh vàng 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Công ty có mạng lưới phân phối hàng trăm cửa hàng, hàng chục đại lý được phép giao dịch vàng miếng SJC. Công ty SJC được Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu để sản xuất vàng miếng.

    Bà Hồng Lan, chủ một tiệm vàng ở Quận Bình Thạnh nói với RFA:

    “Trước đây khi SJC được tự do mua bán thì SJC mua lại vàng của chính họ sản xuất cho dù vàng cũ, móp méo, bung bao bì…chỉ có trừ tiền thôi. Và theo quy định của nhà nước, khi SJC mua về 1000 cây thì nhà nước sẽ cho SJC dập khuôn để gia công ra mã hàng mới. Bây giờ nhà nước đang siết SJC nên không cho gia công trở lại, nên SJC không thu mua vàng móp méo là một hình thức gây sức ép lại nhà nước. Và họ đã thành công bởi ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức gia công đối với số vàng mà SJC đang tồn kho.

    Bây giờ lãi suất ngân hàng xuống thấp, bất động sản đóng băng, kinh tế thì suy thoái nên người ta đâu có đầu tư vào. Do đó, lượng tiền dư còn một kênh an toàn để trú ẩn và có lợi, đó là vàng. Chính vì vậy nên người dân đầu tư vào vàng rất nhiều, nhà nước không kiểm soát được hết.”

    Đây không phải lần đầu Công ty SJC ngưng mua vàng miếng móp méo từ khách hàng. Năm 2012, Công ty SJC cũng đã từng ngưng mua vàng miếng móp méo với lý do được nói là máy móc thiết bị gia công vàng miếng của công ty đã thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước sau Nghị định 24 nên công ty không thể dập lại các miếng vàng SJC bị móp méo nên mua vào cũng chỉ để cất trong kho.

    Bây giờ nhà nước đang siết SJC nên không cho gia công trở lại, nên SJC không thu mua vàng móp méo là một hình thức gây sức ép lại nhà nước. Và họ đã thành công bởi ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức gia công đối với số vàng mà SJC đang tồn kho. - Bà Hồng Lan

    Báo nhà nước mới đây dẫn lời đại diện Công ty SJC cho hay, trong khoảng gần hai tháng qua, công ty đã thu mua vào khoảng 1.000 lượng loại một chữ và móp méo. Số vàng này mua với giá bán vàng bình thường nhưng không được bán ra lưu thông trên thị trường. Đại diện Công ty SJC khẳng định, công ty đang chờ đợi Ngân hàng nhà nước cấp phép cho gia công trở lại số vàng móp méo, một chữ.

    Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng phụ thuộc hoàn toàn vào Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành năm 2012. Tại khoản 2 và 3 Điều 4 quy định: “Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”. Có thể hiểu, không có tổ chức, cá nhân nào được sản xuất vàng miếng, kể cả Công ty SJC.

    Tiến sĩ Ngô Trí Long từng nêu quan điểm của ông với RFA về Nghị định này:

    “Nghị định 24 có rất nhiều cái bất cập. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng trung ương mà lại độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng, trong khi Nhà nước chỉ có chức năng quản lý thôi chứ không có chức năng kinh doanh. Thứ hai là Nhà nước chỉ lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu quốc gia. Chính vì sự độc quyền như thế làm cho giá vàng trong nước tăng cao so với giá vàng thế giới. Họ chuẩn bị sửa nghị định 24 và chắc chắn phải sửa vì Quốc Hội đã từng chất vấn tại sao chỉ có một thương hiệu vàng SJC.”

    Còn theo bà Hồng Lan, bây giờ nhà nước yêu cầu khách hàng mua vàng SJC phải đăng ký online để họ kiểm soát lượng bán và cả người mua.

    Đâu là rào cản của nền kinh tế thị trường?

    Đầu tháng 6 năm 2024, trang web của Ngân hàng Nhà nước ra thông báo cho hay, có bốn ngân hàng quốc doanh là Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank được bán trực tiếp vàng miếng cho người dân, không thực hiện mua vàng miếng SJC từ khách hàng. Riêng Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được phép thực hiện giao dịch mua và bán vàng miếng với khách hàng.

    Để mua được vàng miếng SJC thì người mua vàng phải có tài khoản tại các ngân hàng thương mại của nhà nước. Theo tôi, nhà nước đang săm soi, muốn quản lý túi vàng của từng người dân. Cách làm này của nhà nước là độc quyền quản lý vàng. Nó đi ngược lại quy luật của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang muốn được Hoa Kỳ công nhận. - Người dân Sài Gòn

    Thông tin cũng nêu rõ, khách hàng đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến phải có tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng trên, và tài khoản phải đang hoạt động. Trường hợp khách hàng muốn mua vàng miếng SJC mà chưa có tài khoản thanh toán tại các ngân hàng trên thì khách hàng có thể mở tài khoản online hoặc đến chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để mở tài khoản.

    Một người dân Sài Gòn nói với RFA:

    “Để mua được vàng miếng SJC thì người mua vàng phải có tài khoản tại các ngân hàng thương mại của nhà nước. Theo tôi, nhà nước đang săm soi, muốn quản lý túi vàng của từng người dân. Cách làm này của nhà nước là độc quyền quản lý vàng. Nó đi ngược lại quy luật của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang muốn được Hoa Kỳ công nhận.

    Vàng SJC do nhà nước độc quyền quản lý, nên việc không mua lại vàng mẫu mã cũ hay miếng vàng móp méo là cách làm việc không chuyên nghiệp. Chính Nhà nước đã phá bỏ quan hệ mua bán bình thường, phá vỡ quy luật thị trường khiến người dân bất an. Nhà nước đã can thiệp thô bạo vào thị trường vàng. Đây là rào cản của nền kinh tế thị trường”.

    Tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Trao đổi với báo chí nhà nước, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.

    https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-sjc-company-not-buy-back-gold-produced-by-itself-to-put-pressure-on-the-gov-08052024124438.html

    Hoa Kỳ khởi xướng rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá mật ong Việt Nam

    06/8/2024

    Hoa Kỳ khởi xướng rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá mật ong Việt Nam

    Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ tiến hành chọn các doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc trong vụ việc dựa theo số lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ nhiều đến ít theo số liệu của Cơ quan Hải quan & Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CPC). 

    AFP 

    Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa đăng thông báo khởi xướng rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá lần thứ hai đối với mật ong Việt Nam.

    Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) loan tin ngày 2/8. Cụ thể theo thông báo của Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam, thời kỳ rà soát là từ ngày 1/6/2023 đến ngày 31/5/2024. Trong vòng 35 ngày kể từ ngày đăng thông báo vừa nêu, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ tiến hành chọn các doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc trong vụ việc dựa theo số lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ nhiều đến ít theo số liệu của Cơ quan Hải quan & Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CPC).

    Doanh nghiệp nào trong danh sách này không xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ trong thời kỳ rà soát cần thông báo cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát (dự kiến đến ngày 28/8/2024) nếu có lô hàng bị dừng thanh khoản để được xem xét xử lý.

    Ngoài ra, trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xưởng rà soát, các bên có thể rút đơn yêu cầu rà soát của mình (dự kiến ngày 27/10/2024).

    Ngoài ra, để có thể hưởng thuế suất riêng rẽ, doanh nghiệp phải nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát (dự kiến ngày 28/8/2024). Trường hợp doanh nghiệp không nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ và không được chọn làm bị đơn bắt buộc, doanh nghiệp sẽ bị áp mức thuế suất toàn quốc.

    EU tăng bất thường số lượng cảnh báo đối với nông sản Việt Nam

    06/8/2024

    EU tăng bất thường số lượng cảnh báo đối với nông sản Việt Nam

    Minh họa: Thương lái thu mua trái vải ở Bắc Giang 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Thông báo thay đổi và dự thảo các biện pháp vệ sinh dịch tễ cùng kiểm dịch động thực vật (SPS) của Liên minh Châu Âu (EU) đối với nông sản nhập từ Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tăng gần 20%. Đây là mức tăng cao nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam.

    Thông tin vừa nêu do ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, đưa ra tại Hội nghị "Tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật trong Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP và các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật trong thương mại nông sản thực phẩm" sáng 2/8.

    Theo ông Nam, trong sáu tháng đầu năm 2024, số lượng cảnh báo từ EU tăng bất thường. Cụ thể, Việt Nam nhận 57 cảnh báo trong nửa năm, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo. Trong số này, Tp.HCM chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo.

    Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, Trung Quốc là nơi có nhiều thông báo nhất, chiếm hơn 60% trong số các đối tác chính về thương mại xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

    Phân tích nguyên nhân về sự tăng bất thường số lượng cảnh báo, Phó Giám đốc Văn phòng SPS cho biết, có cả lý do chủ quan lẫn khách quan. Về phía chủ quan, doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau. Việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật.

    Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn.

    Bên cạnh đó, ông Nam nhận định, tỉ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt. Ví dụ sầu riêng chỉ giám sát 52% vùng trồng và 47% cơ sở đóng gói.

    Ông Lương Ngọc Quang - Phòng Hợp tác quốc tế & Truyền thông Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT cho biết, các quy định SPS trong Hiệp định RCEP dựa trên  tiêu chí, gồm: Tuân thủ quy định quốc tế, đánh giá rủi ro dựa trên khoa học, minh bạch, khuyến khích các phương pháp công nhận lẫn nhau, hợp tác và ứng dụng công nghệ trong chứng nhận.

    Các biện pháp kiểm dịch được quốc gia đưa ra nhằm ngăn chặn các loại sinh vật gây hại nguy hiểm hoặc nguy về an toàn thực phẩm, đồng thời tránh rủi ro tại cảng ở quốc gia nhập khẩu, thúc đẩy tốc độ thông quan.

    Việt Nam và Philippines lần đầu tiên tập trận chung trên Biển Đông 

    02/08/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Tàu Cảnh sát biển Việt Nam CSB 8002 trên đường tới Philippines cho cuộc tập trận chung.

    Tàu Cảnh sát biển Việt Nam CSB 8002 trên đường tới Philippines cho cuộc tập trận chung. 

    Cảnh sát biển Việt Nam cho biết một tàu tuần duyên của họ đang trên đường đến Philippines để tham gia tập trận chung và đây là sự hợp tác đầu tiên như vậy giữa hai nước hiện đang cùng có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.

    Trong chuyến thăm hồi tháng 1 của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác tuần duyên ở Biển Đông và “giải quyết các sự cố trên biển một cách hoà bình.”

    Cảnh sát biển Việt Nam cho biết trong một thông báo rằng tàu CSB 8002 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 đã xuất phát hôm 30/7 “đưa đoàn công tác của Cảnh sát biển Việt Nam lên đường thăm, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.”

    “Hoạt động này có ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines,” Cảnh sát biển cho biết trong thông báo.

    Cũng trong chuyến thăm này, Cảnh sát biển Việt Nam cho biết tàu CSB 8002 sẽ “luyện tập chung với tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines về tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ trên biển.”

    Họ còn nói rằng đây cũng là dịp để lực lượng cảnh sát biển hai nước “nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển… góp phần duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn trên vùng biển có liên quan và trong khu vực.”

    Thông báo của CSB Việt Nam không cho biết thời gian diễn ra của cuộc tập trận.

    Báo Inquirer của Philippines hôm 22/7 trích dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết rằng một tàu trọng tải 2.400 tấn của Cảnh sát biển Việt Nam sẽ có mặt tại Manila trong chuyến thăm thiện chí từ ngày 5 đến 9 tháng 8.

    Cả Việt Nam và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc trên Biển Đông, nơi có tuyến đường thuỷ chiến lược của thế giới và khu vực.

    Vào giữa tháng 7, Bộ Ngoại giao ở Hà Nội cho biết Việt Nam đã đệ đơn lên Liên Hợp Quốc yêu cầu mở rộng thềm lục địa ra ngoài phạm vi 200 hải lý hiện tại ở Biển Đông. Philippines trước đó cũng đã thực hiện động thái tương tự.

    Trung Quốc nói rằng họ kiên quyết phản đối đệ trình của Việt Nam và đã gửi công hàm phản đối mạnh mẽ tới Hà Nội.

    Việt Nam và Philippines trước đây đã có những hợp tác trên biển. Theo truyền thông trong nước đưa tin vào tháng trước, Hải quân Việt Nam đã tiếp đón Hải quân Philippines tại Đảo Song Tử Tây trong một loạt các hoạt động giao lưu hữu nghị thường niên. Vào tháng 9 năm ngoái, Việt Nam và Philippines cùng tham gia cuộc tập trận quân sự chung của các nước ASEAN tại Biển Nam Natuna của Indonesia.

    https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-philippines-lan-dau-tien-tap-tran-chung-tren-bien-dong/7727517.html


    Không có nhận xét nào