Đại học Fulbright Việt Nam phản hồi cáo buộc là "ổ dạy làm cách mạng màu"
15/8/2024
Minh họa: Bà Hilary Clinton, lúc bấy giờ là Ngoại trưởng Mỹ, phát biểu trong buổi chào mừng kỷ niệm 10 năm chương trình Fulbright tại Việt Nam ở trường Đại học Ngoại thương Hà Nội vào ngày 10/7/2012.
Reuters
Fulbright, trường đại học quốc tế ở Việt Nam do Mỹ tài trợ, có phản hồi sau khi bị các trang mạng thân chính phủ nhắm mục tiêu chỉ trích là "nơi đào tạo ra những người làm cách mạng đường phố."
Ngày 14/8, trường Đại học Fulbright Việt Nam ra tuyên bố chính thức trên trang Facebook "Fulbright University Vietnam" về thông tin sai lệch gần đây trên mạng xã hội về trường.
Trang FB có hơn 100 ngàn lượt thích và 112 ngàn người theo dõi (có dấu tích xanh) cho hay, đã có một số tuyên bố sai lệch và gây kích động về Trường Đại học Fulbright Việt Nam và cộng đồng Fulbright đã được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội với ngôn ngữ xúc phạm những ngày qua.
Dù không cho biết những tuyên bố này là gì tuy nhiên, trường đại học này nói "các kênh truyền thông chính thức của Fulbright cũng đã bị nhắm đến."
Đại học Fulbright Việt Nam gọi các tuyên bố này là “thông tin sai lệch với mục đích thao túng" nhằm lan truyền các thông tin sai sự thật về trường.
"Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc cố tình lan truyền thông tin sai lệch này và những tổn thương do hành động này gây ra cho các cá nhân hữu quan", thông cáo khẳng định.
Đại học Fulbright Việt Nam nhắc lại việc thành lập trường hồi năm 2016 là "kết quả của thiện chí hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ với sự ủng hộ mạnh mẽ liên tục từ các lãnh đạo cao nhất của hai nước," đồng thời khẳng định, "tôn chỉ giáo dục của Fulbright được xây dựng dựa trên cam kết phụng sự Việt Nam và tôn trọng tuyệt đối luật pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
Nhà trường cho hay họ đã gửi công văn tường trình đến các cơ quan chức năng để yêu cầu điều tra và hỗ trợ và sẽ tiếp tục giải quyết tình huống này "một cách chủ động, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam."
Sự việc bắt nguồn từ việc bà Sheikh Hasina, Thủ tướng Bangladesh hôm 5/8 từ chức và rời bỏ đất nước sau vài tuần biểu tình của sinh viên và người dân phản đối quyết định của chính phủ về hạn ngạch tuyển công chức, trong đó có ít nhất 300 người thiệt mạng.
Các trang mạng xã hội thân chính phủ Việt Nam khi đưa tin về sự kiện diễn ra tại Bangladesh mô tả những cuộc biểu tình đòi quyền lợi của người dân thành những cuộc bạo loạn đầy bạo lực, tàn phá nền kinh tế và gây rối an ninh, trật tự tại quốc gia láng giềng của Ấn Độ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/fulbright-in-vietnam-responded-the-accusation-a-colour-revolution-teaching-place-08152024100304.html
Nhiều hãng năng lượng mặt trời Mỹ đòi truy thuế đối với tấm pin nhập từ Việt Nam, Thái Lan
16/8/2024
Ảnh minh họa tấm pin năng lượng mặt trời.
Hôm 15/8, một nhóm các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ yêu cầu bộ thương mại nước này xem xét truy thu thuế đối với sản phẩm cùng loại nhập từ Việt Nam và Thái Lan do số lượng nhập khẩu tăng đột biến, Reuters đưa tin. Yêu cầu trên được đưa ra giữa lúc hai quốc gia châu Á phải đối mặt với các cuộc điều tra về cáo buộc là họ có các hành vi không công bằng trong thương mại trị giá hàng tỷ đôla.
Vào tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu điều tra các tế bào quang điện và tấm pin mặt trời silicon được sản xuất tại Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Campuchia. Một nhóm các nhà sản xuất nội địa Mỹ cáo buộc các sản phẩm này được bán ở Mỹ với giá quá thấp và được hưởng trợ cấp từ Trung Quốc, là nước chủ nhà của nhiều hãng sản xuất có nhà máy trong khu vực.
Theo dữ liệu thương mại của Mỹ mà Reuters xem được, 4 nước Đông Nam Á nêu trên chiếm gần 80% lượng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ vào năm ngoái, tính theo giá trị bằng đôla.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cam kết khôi phục hoạt động sản xuất của Mỹ bằng cách khuyến khích sản xuất những loại hàng hóa trong nước mà có thể góp phần chống lại biến đổi khí hậu, bao gồm các tấm pin mặt trời và pin xe điện vốn là những sản phẩm chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc. Một số hãng trong lĩnh vực sản xuất năng lượng mặt trời nhỏ bé của Hoa Kỳ nói rằng ngành này đang phải vật lộn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ.
Cùng lúc những đồn đoán về các cuộc điều tra thương mại bắt đầu lan truyền trong năm nay, xuất khẩu từ Việt Nam và Thái Lan đã tăng vọt, Liên minh Ủy ban Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời Hoa Kỳ (ASMTC) nói trong đơn khiếu nại gửi lên Bộ Thương mại, sau đơn kiến nghị trước đó vào tháng 4 rằng cần khởi xướng các cuộc điều tra thương mại. Nhóm này đại diện cho các nhà sản xuất trong nước bao gồm Hanwha Qcells và First Solar.
Cuộc điều tra đó có thể dẫn đến mức thuế cao tính từ tháng 7 đã qua, nếu các quan chức liên bang Hoa Kỳ xác nhận là đã có các hoạt động giao dịch không công bằng trong các quyết định sơ bộ của họ, dự kiến sẽ được đưa ra trong đầu tháng 10 và áp dụng việc truy thu thuế cho khoảng thời gian 90 ngày trước thời điểm có quyết định sơ bộ.
Bộ thương mại Việt Nam và Bộ thương mại Thái Lan không trả lời cho đề nghị đưa ra bình luận.
Thuế suất mới có thể đặc biệt có hại cho Việt Nam, quốc gia có nguy cơ phải chịu mức thuế cao nhất vì Mỹ coi đây là một nền kinh tế phi thị trường. Theo các chuyên gia thương mại, tình trạng đó thường dẫn đến các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn vì khó tính toán được các mức giá trong nước.
Mức chênh lệch ước tính giữa giá trong nước và giá xuất khẩu trong trường hợp của Việt Nam, được gọi là biên độ bán phá giá, được Mỹ ước tính là hơn 270% khi sử dụng Indonesia làm chuẩn, cao hơn ba lần so với Thái Lan.
Trong đơn khiếu nại mới nhất của họ, các nhà sản xuất Hoa Kỳ nêu ra rằng kim ngạch nhập khẩu hàng năng lượng mặt trời từ Việt Nam và Thái Lan tăng lần lượt là 39% và 17% trong quý 2 so với quý 1, do hai nước này được cho là đã tăng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ trước khi có thể có các mức thuế mới.
Các nhà sản xuất Mỹ cho rằng những động thái như vậy có thể được coi là “tình huống nghiêm trọng”. Cả Bộ Thương mại lẫn Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ đều cần phải thấy rằng có những tình huống nghiêm trọng thì mới có thể quyết định áp dụng các mức thuế theo dạng hồi tố.
https://www.voatiengviet.com/a/nhieu-hang-nang-luong-mat-troi-my-doi-truy-thue-doi-voi-tam-pin-nhap-tu-viet-nam-thai-lan/7744558.html
Ông Tô Lâm đến Trung Quốc cuối tuần này, dự kiến gặp ông Tập
15/8/2024
Ông Tô Lâm tiếp Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba trong tư cách chủ tịch nước Việt nam tại Hà Nội ngày 11/6/2024. Ông Lâm sẽ công du Trung Quốc lần đầu tiên với tư cách tổng bí thư kiêm chủ tịch nước cuối tuần này.
Chính phủ Việt Nam và truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 15/8 cho biết ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, sẽ đến Trung Quốc vào ngày 18 trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi ông được bầu làm lãnh đạo Đảng thay ông Nguyễn Phú Trọng.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam được báo Chính phủ đăng tải nói rằng ông Lâm cùng phu nhân sẽ đến thăm Trung Quốc từ 18 đến 20 tháng này theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm “khẳng định sự coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong chính sách đối ngoại” và “tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa hai đồng chí đứng đầu của hai Đảng, hai nước.”
Một bản tin ngắn gọn của Tân Hoa Xã trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng nói rằng ông Lâm sẽ thăm cấp nhà nước Trung Quốc trong thời gian này theo lời mời của ông Tập.
Ông Lê Hoài Trung, trưởng ban đối ngoại Trung ương, được báo Chính phủ trích lời nói với các phóng viên rằng đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Lâm trên cương vị Tổng bí thư và Chủ tịch nước Việt Nam.
Ông Lâm được bầu làm người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 3/8 và trong cùng ngày, ông Tập đã gửi điện chúc mừng ông trên cương vị mới, thay thế ông Trọng người qua đời hôm 19/7.
Thông báo của người phát ngôn Trung Quốc không cho biết nghị trình dự kiến trong cuộc gặp của ông Lâm và ông Tập sẽ bàn thảo gì trong chuyến thăm này. Trong khi đó, theo báo Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng trong khuôn khổ chuyến thăm, các nhà lãnh đạo hai nước sẽ “trao đổi về các vấn đề quan tâm của Việt Nam cũng như thúc đẩy hợp tác với đối tác vừa là láng giềng, vừa là một nước xã hội chủ nghĩa và cũng là một nước lớn.”
Với chuyến thăm của ông Lâm, Việt Nam “mong muốn cùng với Trung Quốc thúc đẩy thực hiện thỏa thuận chung cấp cao,” đặc biệt là những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm của ông Trọng tới Trung Quốc vào năm 2022 và chuyến thăm của ông Tập tới Việt Nam vào năm 2023, “theo tinh thần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược,” theo báo Chính phủ.
Nhận định về chuyến thăm sắp tới của ông Lâm tới Bắc Kinh, các chuyên gia Trung Quốc nói với South China Morning Post rằng quan hệ kinh tế dự kiến sẽ là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự, đặc biệt liên quan đến việc đảm bảo sự hỗ trợ của Trung Quốc cho các dự án đường sắt của Việt Nam.
Cheng Hanping, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Đổi mới Hợp tác Nghiên cứu Biển Đông thuộc Đại học Nam Kinh, nói với tờ báo có trụ sở ở Hong Kong rằng chuyến thăm của ông Lâm có khả năng cho thấy vai trò “gắn kết” của mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản cầm quyền.
“Bất kể thế giới thay đổi thế nào hay có những mâu thuẫn gì giữa Trung Quốc và Việt Nam, thì mối quan hệ giữa hai đảng ở Trung Quốc và Việt Nam vẫn vững chắc và không thể lay chuyển,” ông Cheng nói.
Kể từ khi nhậm chức chủ tịch nước vào tháng 5, ông Lâm đã nhắc lại với các quan chức Trung Quốc đến thăm Việt Nam, gần đây nhất là Chủ tịch Chính hiệp Vương Hỗ Ninh vào ngày 25/7, rằng Hà Nội coi mối quan hệ với Bắc Kinh là “ưu tiên hàng đầu.”
Nhưng theo SCMP, một nhà quan sát cảnh báo rằng mối quan hệ giữa các đảng cộng sản cầm quyền có thể có giới hạn trong bối cảnh có các tranh chấp đang diễn ra trên Biển Đông và lịch sử xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc.
“Khi nói đến Biển Đông, lập trường của Việt Nam sẽ không thay đổi nhưng họ sẽ tìm cách tăng cường giao tiếp với Trung Quốc hoặc yêu cầu cả hai bên giảm các hoạt động liên quan của họ ở các khu vực tranh chấp,” Zhou Chao, nhà nghiên cứu của tổ chức tư vấn độc lập Anbound có trụ sở ở Bắc Kinh, nói.
Chuyến thăm của ông Lâm diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng âm ỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc về các yêu sách chồng chéo của họ ở Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam cũng tiếp tục tăng cường quan hệ với Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ – gồm Úc, Nhật Bản và Philippines – trong động thái được nhiều người xem là làm dấy lên sự tức giận của Trung Quốc.
Tuy nhiên, với việc tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao “cây tre”, Việt Nam dưới thời ông Lâm được cho là sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bằng cách chọn Bắc Kinh là điểm đến đầu tiên của mình sau khi trở thành Tổng bí thư Đảng, ông Lâm cũng đang đi theo con đường của người tiền nhiệm. Ông Trọng đã đi thăm Trung Quốc ngay khi vừa nhậm chức Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp năm 2021.
Ngoài việc gặp gỡ các “đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc,” ông Lâm còn dự kiến sẽ có những “hoạt động rất quan trọng đối với nhân dân và đại diện nhân dân Trung Quốc,” theo báo Chính phủ.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-to-lam-den-trung-quoc-cuoi-tuan-nay-du-kien-gap-tap-can-binh/7743975.html
Thăm Trung Quốc, lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ thúc đẩy kết nối đường sắt giữa hai nước
Chi Phương/RFI
16/8/2024
Hôm qua, 15/08/2024, bộ Ngoại Giao Việt Nam và Trung Quốc thông báo tân tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Tô Lâm sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Bắc Kinh từ ngày 18-20/08/2024, gặp tổng bí thư đảng Cộng Sản, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trọng tâm của chuyến thăm là nhằm tăng cường hợp tác song phương, đặc biệt là triển khai ba tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc.
Tổng bí thư đảng Cộng Sản, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu trong cuộc họp báo tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 03/08/2024. AFP - NHAC NGUYEN
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tô Lâm kể từ khi ông được trao chức vụ tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam hồi đầu tháng 8, thay thế ông Nguyễn Phú Trọng. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hy vọng chuyến thăm sẽ giúp hai bên « làm sâu sắc hơn » việc xây dựng mối quan hệ « chung vận mệnh », « đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới ».
Theo bộ Ngoại Giao Việt Nam, được Reuters trích dẫn, trọng tâm của chuyến công du này nhằm thúc đẩy hợp tác, thực hiện các thỏa thuận đã ký và « đạt được những kết quả hợp tác thực chất mới, đặc biệt trong lĩnh vực mà cả hai cùng quan tâm, ví dụ như kết nối tuyến đường sắt giữa hai nước ».
Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, ông Hùng Ba, trả lời báo chí Việt Nam hôm 15/08, bày tỏ mong muốn « phát triển vùng biên và hợp tác vùng biên giữa hai nước », đồng thời nêu rõ là hai bên đang có đẩy nhanh kế hoạch xây 3 tuyến đường sắt : từ Lào Cai đến Hải Phòng đi qua Hà Nội, từ Lạng Sơn đến Hà Nội và từ Móng Cái đến Hải Phòng.
Quan chức Việt Nam cho biết thêm là các thỏa thuận được kỳ vọng trong chuyến đi của ông Tô Lâm tại Trung Quốc, ngoài việc phát triển hệ thống đường sắt, còn có các khoản đầu tư khác về thương mại và nông nghiệp.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, ngày càng có nhiều nhà sản xuất Trung Quốc hướng xuất khẩu sang Việt Nam, do vậy việc kết nối đường sắt rất quan trọng cho chuỗi cung ứng.
Hai nước đã kết nối đường sắt từ miền nam Trung Quốc đến thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đường sắt của Việt Nam có từ thời thực dân Pháp và có cấu trúc khác với các đường sắt cao tốc của Trung Quốc, nên hành khách và hàng hóa phải đổi tàu tại biên giới.
Vào cuối năm 2023, ông Tập Cận Bình đã đề nghị viện trợ và cho vay để giúp nâng cấp đường sắt Việt Nam. Hai nước cũng đã ký hai biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác đường sắt.
Bộ Nội vụ VN sẽ siết quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, xử lý nghiêm các vi phạm
16/8/2024
Lễ Phật đản tại chùa Quán sứ ở Hà Nội, 9/5/2017 (REUTERS/Kham).
Bộ Nội vụ Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; và bộ cũng đề nghị các tổ chức tôn giáo giám sát chức sắc, nhà tu hành, Tuổi Trẻ, Tiền Phong và nhiều báo Việt Nam đưa tin hôm 15/8.
Tuổi Trẻ, Tiền Phong và các báo trong nước cho biết rằng những điều nêu trên là một phần trong nội dung lời phản hồi của Bộ Nội vụ dành cho kiến nghị của cử tri về việc cần quản lý các cơ sở tôn giáo tốt hơn.
Theo quan sát của VOA, nhiều người Việt Nam bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội trong nhiều tháng nay về việc đã xuất hiện trên internet các đoạn video ghi lại một số vị tu sĩ thuyết pháp những điều bị xem là có tính chất mê tín dị đoan, hạ thấp hoặc thiếu tôn trọng một số công việc, nghề nghiệp, và thậm chí bị những người am hiểu Phật giáo cho rằng đã đi ngược lại giáo lý nhà Phật.
Tình trạng đó cũng đã bị một cử tri ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nêu ra với Bộ Nội vụ, kèm theo lời đề nghị rằng “cần có giải pháp quản lý và xử lý nghiêm”, Tuổi Trẻ cho biết.
Trả lời cử tri, Bộ Nội vụ nói rằng bộ đã giao Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xác minh, làm rõ các trường hợp phát ngôn, thuyết giảng của chức sắc Phật giáo lan truyền trên các trang mạng xã hội không đúng với giáo lý, giáo luật, truyền thống văn hóa của Phật giáo và lịch sử dân tộc Việt Nam, Tuổi Trẻ, Tiền Phong và các báo tường thuật.
Tiếp sau việc xác minh là xử lý nghiêm chức sắc, chức việc, nhà tu hành Phật giáo vi phạm một trong các nội dung nêu trên, bộ nói.
Trong số các nhân vật bị xử lý có thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì chùa Phật Quang ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, và đại đức Thích Nhuận Đức, thuộc Tổ đình Hộ Pháp, ở trong cùng địa phương, bộ đưa ra thông tin, được Tuổi Trẻ, Tiền Phong và các báo dẫn lại.
Tin của các báo cho hay Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật thượng tọa Thích Chân Quang không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại chùa Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm.
Ông này cũng bị thu hồi tất cả các bản văn quy y Tam bảo có nội dung tự sửa 1 trong 5 giới không đúng với giới luật ngũ giới do Đức Phật chế trong giới luật Phật giáo.
Tất cả các bài giảng của ông có nội dung gây hoang mang dư luận bị gỡ bỏ, bên cạnh đó, nhà chức trách không cho đưa các bài giảng của thượng tọa Thích Chân Quang lên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian thượng tọa nhập thất sám hối tại chùa Phật Quang. Sinh hoạt của các đạo tràng, chúng thanh niên Phật Quang tại các tỉnh, thành phố cũng bị chấn chỉnh, các báo Việt Nam viết, dẫn thông tin từ Bộ Nội vụ.
Về đại đức Thích Nhuận Đức, ông này bị cấm thuyết giảng không thời hạn dưới mọi hình thức vì có lời khiếm nhã về người Khmer và vì một số nội dung khác, vẫn theo các báo trong nước.
Bộ Nội vụ cho hay trong thời gian tới họ sẽ làm việc với lãnh đạo một số tổ chức tôn giáo, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam để tăng cường quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành.
Bộ cũng chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ thường xuyên nắm bắt thông tin, kiến nghị phản ánh của công dân về hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật, trong đó có những sai phạm trong phát ngôn, thuyết giảng của chức sắc, chức việc, nhà tu hành để kịp thời xác minh, xử lý.
Bên cạnh đó, bộ đề nghị các bên liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-noi-vu-viet-nam-siet-quan-ly-tin-nguong-ton-giao-xu-ly-nghiem-vi-pham/7744939.html
Với 570.000 người Việt ở Nhật, VN đứng đầu 15 nước về đưa người lao động sang Nhật
16/8/2024
Lao động Việt Nam ở Nhật Bản (Ảnh chụp màn hình VnEconomy)
Hiện có khoảng 570.000 người Việt sinh sống, làm việc tại Nhật Bản, tăng gần gấp 3 từ mức 200.000 hồi năm 2016. Việt Nam cũng đang đứng đầu nhóm 15 nước đưa thực tập sinh, người lao động tới Nhật, đó là những thông tin do Đại sứ Nhật Ito Naoki và Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung đưa ra khi họ gặp nhau hôm 15/8.
Hai trang tin tức Nhân Dân và Dân Trí cho hay Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tiếp tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki ở Hà Nội và hai bên bàn bạc việc tiếp tục hợp tác về đưa người Việt sang làm việc ở Nhật.
Đại sứ Ito Naoki nói rằng hiện nay các cơ sở y tế của Nhật đang mong muốn tiếp nhận nhiều hơn nữa các nhân viên điều dưỡng, hộ lý từ Việt Nam, song số lượng ứng viên tham gia chương trình chưa đáp ứng đủ nhu cầu, mặc dù phía Nhật đã nới lỏng một số tiêu chí như giảm thời gian đào tạo tiếng Nhật xuống 3 tháng, Nhân Dân và Dân Trí tường thuật.
Nhà ngoại giao Nhật mong muốn Bộ trưởng Dung quan tâm, gia tăng số ứng viên điều dưỡng sang Nhật. Ông cũng đề nghị vị bộ trưởng chú ý đến vấn đề dạy tiếng Nhật và đào tạo nhân lực trước khi đưa người Việt sang Nhật.
Một kiến nghị khác của Đại sứ Ito Naoki là lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam cần đẩy nhanh dự án "Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" mà các cơ quan liên quan của Nhật Bản và Việt Nam đang triển khai.
Cũng nhân cuộc gặp, ông Ito Naoki tỏ ý muốn thúc đẩy hai nước ký kết hiệp định về bảo hiểm xã hội để sớm thực thi, vẫn theo tin trên Nhân Dân và Dân Trí.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói với đại sứ của Nhật Bản rằng Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm, thúc đẩy hợp tác với Nhật về lao động để duy trì số lao động Việt sang làm việc tại Nhật tương đương năm 2023.
Ông Dung đề xuất Nhật Bản mở rộng việc tiếp nhận lao động ngành nghề nhà hàng và sản xuất, chế biến thực phẩm, là hai ngành có thế mạnh của người Việt.
Về việc đi đến một hiệp định bảo hiểm xã hội song phương, Bộ trưởng Dung cũng bày tỏ mong muốn hai bên đẩy nhanh các bước để ký kết, bởi lực lượng lao động Việt Nam và Nhật Bản rất lớn, không nên để người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội 2 lần, gây khó khăn cho người lao động hai nước, Nhân Dân và Dân Trí thuật lại.
Vị bộ trưởng của Việt Nam cũng chia sẻ với đại sứ Nhật rằng Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với 56 triệu người thuộc độ tuổi lao động trong dân số hơn 100 triệu người, được xem là “lợi thế vô cùng lớn”. “Hiện có nhiều quốc gia 'đặt hàng' Việt Nam cung cấp lượng lớn nhân lực”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói với Đại sứ Ito Naoki.
https://www.voatiengviet.com/a/voi-570000-nguoi-viet-o-nhat-vn-dung-dau-15-nuoc-ve-dua-nguoi-lao-dong-sang-nhat/7744904.html
Không có nhận xét nào