Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 09 tháng 8 năm 2024

    Việt Nam-Nhật Bản nhất trí tăng cường hợp tác ODA, tạo điều kiện tốt cho lao động Việt

    RFA
    08/8/2024


    Việt Nam-Nhật Bản nhất trí tăng cường hợp tác ODA, tạo điều kiện tốt cho lao động Việt


    Quan cảnh phiên họp 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBNG/VNN 

    Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Nhật Bản bà Kamikawa Yoko đã đồng chủ trì phiên họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Sau phiên họp, hai bên thống nhất 25 quan điểm quan trọng nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

    Ông Bùi Thanh Sơn đang thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 7 đến 10/8, theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko. Truyền thông loan.

    Tại cuộc họp, hai bên đã rà soát lại những kết quả đạt được kể từ cuộc họp Ủy ban Hợp tác lần thứ 11 đến nay và trao đổi các biện pháp nhằm cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới được thiết lập năm 2023.

    Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa kết nối hai nền kinh tế thông qua đẩy mạnh hợp tác ODA, đầu tư, thương mại, lao động.

    Ông Sơn đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA thế hệ mới với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản và linh hoạt hơn cho Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn.

    Bộ trưởng Kamikawa Yoko khẳng định Nhật Bản mong muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045; nhấn mạnh rằng Nhật Bản mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đồng sáng tạo phát triển bền vững, hợp tác giảm phát thải, môi trường thông qua các sáng kiến như Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC).

    Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Nhật Bản tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và tiến tới miễn thị thực nhập cảnh với công dân Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng đề nghị phía Nhật Bản thúc đẩy mở các khoa giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam tại các trường Nhật Bản trong bối cảnh cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản tăng nhanh thời gian gần đây (gần 570.000 người).

    Nhân sự việc này, bà Kamikawa Yoko giới thiệu về chính sách lao động mới của Nhật Bản ban hành hồi tháng 6/2024, theo đó có nhiều chế độ ưu đãi hơn dành cho lao động nước ngoài, bao gồm Việt Nam.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-and-japan-agree-to-strengthen-oda-cooperation-creating-good-conditions-for-vietnamese-workers-08082024080631.html

    Việt Nam lên tiếng việc Campuchia khởi công kênh đào Phù Nam – Techo

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/08/Untitl34ed-10-700x480.jpg


    Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt trả lời câu hỏi về việc Campuchia khởi công dự án kênh đào Phù Nam Techo. (Ảnh: Bộ Ngoại giao) 

    Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nói Việt Nam ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia cũng như tôn trọng việc Campuchia triển khai dự án kênh đào Phù Nam – Techo.

    Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều ngày 8/8, báo chí đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước sự kiện Campuchia khởi công xây dựng dự án kênh đào Phù Nam – Techo hôm 5/8 vừa qua.

    Trả lời, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho hay sông Mê Kông là tài sản vô giá, kết nối tinh thần đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

    Theo đó, Việt Nam mong muốn các quốc gia ven sông, trong đó có Campuchia, cùng nhau hợp tác, quản lý, phát triển hiệu quả, bền vững sông Mê Kông.

    Việc này được thực hiện vì lợi ích của cộng đồng người dân trên lưu vực sông, cũng như vì tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia bên sông.

    “Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia cũng như tôn trọng việc Campuchia triển khai dự án kênh đào Phù Nam – Techo. Chúng tôi cũng mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tổng thể tác động của dự án, cũng như có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động”, ông Việt khẳng định.

    Mới đây, hôm 5/8, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã dự lễ khởi động dự án kênh đào trị giá 1,7 tỷ USD. Dự án nhằm mục đích mở một tuyến đường mới từ sông Mekong ra biển.

    Tại sự kiện, trong màn pháo hoa và tiếng trống, Thủ tướng Campuchia gọi dự án dài 180km này là “lịch sử”. Sự kiện có sự tham dự của hàng nghìn người Campuchia.

    “Chúng ta phải xây dựng kênh đào này bằng mọi giá”, ông Hun Manet nói.

    Trước đó, Thủ tướng Campuchia thông báo dự án sẽ do liên doanh giữa Cảng tự trị Sihanoukville, Cảng tự trị Phnom Penh và một công ty tư nhân nắm 51% cùng các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành theo hợp đồng BOT (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao).

    Theo kế hoạch, kênh đào Phù Nam Techo có chiều rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ nguồn, sâu 5,4m. Kênh kéo dài khoảng 180km (chỉ kém kênh đào Suez hơn 10km) từ Phnom Penh đến tỉnh ven biển Kep của Campuchia.

    Kênh đào sẽ chạy qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep với tổng dân số 1,6 triệu người sinh sống hai bên đường thủy. Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2028.

    Theo Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen, kênh đào Phù Nam Techo giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường cho hàng hóa của Campuchia bằng cách giảm chi phí vận chuyển, đồng thời kênh đào này cũng sẽ đóng vai trò là hệ thống thủy lợi ở phía tây nam Campuchia.

    Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol cho hay lưu lượng nước qua kênh đào Phù Nam Techo dự kiến là 5m3/s, tương đương 0,053% lưu lượng sông Mekong. Con kênh sẽ được sử dụng để tưới tiêu trên đất liền và đánh bắt cá.

    Campuchia đào kênh Funan Techo, ĐBSCL ảnh hưởng rất lớn

    Theo phân tích từ TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ, kênh Funan Techo sẽ liên quan đến dòng chính sông Mê Kông chứ không phải là nhánh sông hay phụ lưu và có tác động đến ĐBSCL một cách rõ ràng.

    Cụ thể, vào mùa khô sau khi có kênh Funan Techo, lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu – hai phân lưu của sông Mê Kông về đến ĐBSCL có thể giảm khoảng 50% và nghiêm trọng hơn vào những năm khô hạn.

    “Sự thay đổi dòng chảy trên sông Mê Kông (qua sông Hậu và sông Tiền) sẽ làm thay đổi đặc điểm thủy văn tự nhiên, một phần dòng chảy sẽ bị kiểm soát bởi con người, cả với những chuỗi đập thủy điện và khai thác nước từ kênh Funan Techo”, ông Tuấn nói.

    Dự án kênh Funan Techo còn tác động về hệ sinh thái, môi trường và tính đa dạng sinh học vào mùa mưa là không nhỏ. Kênh đào này với đường đắp bờ hai bên thành đường giao thông và đô thị hóa sẽ trở thành con đê cắt ngang qua các cánh đồng ngập lũ. Như vậy đặc điểm phân bố nước sẽ thay đổi nghiêm trọng, ngập sẽ gia tăng diện tích phía bắc kênh đào trong khi phần đất phía nam và vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên sẽ giảm lũ. Lũ thấp sẽ ảnh hưởng chức năng của các đập điều tiết (như đập Thala ở biên giới An Giang) mà còn làm giảm nguồn cá, phù sa, dinh dưỡng từ sinh vật phù du trong nước và thay đổi mạnh tính đa dạng sinh học…

    Ngoài ra, các công trình kiểm soát nước đã xây dựng như cống đập Trà Sư, hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, vùng đê bao 3 vụ, khu dân cư vượt lũ… sẽ thay đổi chức năng và giảm hiệu quả vận hành khi có kênh Funan Techo.

    Đặc biệt, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương trong vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể phải điều chỉnh vì trước đó đã không có xem xét yếu tố kênh đào Funan Techo là nhân tố mới liên quan nguồn nước.

    Chương trình một triệu ha lúa chất lượng cao của Chính phủ có thể bị ảnh hưởng do đặc điểm nguồn nước thiếu hụt và suy giảm sức khỏe đất, đặc biệt vào vụ Đông Xuân…

    Thiếu hụt nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ảnh hưởng hàng chục dự án ứng phó biến đổi khí hậu và dự án xóa đói giảm nghèo đã và đang triển khai. Một bộ phận người dân đã thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo và có thể gia tăng lượng di cư khỏi đồng bằng…, ông Tuấn phân tích.

    Minh Long

    https://vietluan.com.au/119902/viet-nam-len-tieng-viec-campuchia-khoi-cong-kenh-dao-phu-nam-techo/

    Việt Nam ủng hộ dự án kênh đào Phù Nam Techo của Cam Bốt

    Thùy Dương /RFI

    08/8/2024

    Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm nay 08/08/2024 cho biết Hà Nội ủng hộ nỗ lực phát triển của Cam Bốt, tôn trọng việc Phnom Penh cho triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo). 

    An aerial view shows heavy construction equipment lining the edge of the canal after a groundbreaking ceremony for the Funan Techo Canal in Kandal province on August 5, 2024.


    Ảnh chụp dự án kênh đào Phù Nam tại tỉnh Kandal, Cam Bốt. Ảnh ngày 05/08/2024. AFP - SUY SE 

    Theo báo chí trong nước, trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt 08/08 khẳng định Hà Nội "ủng hộ nỗ lực phát triển" của Cam Bốt, "tôn trọng" việc Cam Bốt triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo .

    Tuy nhiên Việt Nam mong muốn phối hợp với Cam Bốt để "nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tổng thể tác động" của dự án kênh đào Phù Nam Techo, nhằm tìm ra "những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động" của dự án này. Dự án bị cho là sẽ gây nhiều tổn thất nghiêm trọng đối với sinh kế của cư dân Việt Nam ở hạ lưu  do làm biến đổi dòng chảy sông Mêkông, và tác hại đến hoạt động sản xuất tại đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất Việt Nam.

    Phát biểu của ông Đoàn Khắc Việt được đưa ra chỉ 3 hôm sau khi Cam Bốt  khởi công xây dựng kênh đào Phù Nam, dài 180 km, nối thủ đô Phnom Penh tới vịnh Thái Lan. Dự án này trị giá 1,7 tỉ đô la, một phần do Trung Quốc tài trợ. Theo chính quyền Phnom Penh, đây là dự án nhằm chuyển hướng đa phần hoạt động vận tải đường thủy của Cam Bốt khỏi Việt Nam, giảm sự lệ thuộc vào Việt Nam.

    Việt Nam từng phản đối dự án của Cam Bốt không chỉ vì những lý do về môi trường mà còn về an ninh, quốc phòng, bởi vì dự án kênh đào có thể phục vụ lợi ích quân sự của Trung Quốc theo hướng bất lợi cho Việt Nam. 

    Cam Bốt đã từ chối đàm phán với Việt Nam về kênh đào Phù Nam. Hồi cuối tháng 04/2024, thủ tướng Cam Bốt Hun Manet khẳng định không gì có thể ngăn cản Phnom Penh xây dựng kênh đào này.

    https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20240808-vi%E1%BB%87t-nam-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-d%E1%BB%B1-%C3%A1n-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-k%C3%AAnh-%C4%91%C3%A0o-ph%C3%B9-nam-techo-c%E1%BB%A7a-cam-b%E1%BB%91t

    Thánh “Đu Càng” Việt Nam

    Đặng Đình Mạnh

    08/8/2024

    Dành tặng Dư Luận Viên và Cờ Đỏ toàn quốc

    Lời phi lộ: “Đu càng”, “Cali”, “Nail tộc”… là các từ ngữ miệt thị mà nhóm dư luận viên, cờ đỏ rất ưa dùng cho những người bất đồng chính kiến có ý kiến đi ngược với quan điểm, lợi ích của chế độ. Hoặc những người có tư tưởng cởi mở, khoáng đạt, có quan điểm gần gũi với văn minh, học thuật phương tây.

    Với những người viết phản biện như tôi sẽ được họ hào phóng “tặng” cho những từ ngữ này suốt. Khiến tôi nghĩ, sẽ không phải nếu không có sự đáp lễ. Và đây là món quà tôi tặng cho họ, nhóm dư luận viên, cờ đỏ.

    ***

    Thánh Đu Càng

    Chắc nhiều bạn sẽ thắc mắc khi tôi viết hoa tựa Thánh Đu Càng. Ráng đọc đến cuối bài, các bạn sẽ có lời giải đáp.

    “Đu càng”, nếu không sử dụng như một động từ, mà như một tính từ để chê bai, mắng mỏ một người chống Cộng, thì tôi chắc chắn rằng tính từ của từ ngữ này chỉ xuất hiện từ sau ngày 30/04/1975. Nguồn gốc không khó xác định. Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày này mỗi năm, lại dễ bắt gặp hình ảnh được phát lại về người di tản đu bám càng chiếc trực thăng quân đội tòn ten trên không trung, bất chấp nguy hiểm chỉ để “chạy loạn” Cộng Sản khi ấy đang xâm nhập, nhuộm đỏ miền nam.

    Từ một động từ phát sinh như vậy, nhóm dư luận viên, cờ đỏ đã đi xa hơn khi sử dụng như một tính từ để miệt thị đồng bào mình với hàm ý rằng họ mất gốc về tư tưởng, có ý vọng ngoại, đu càng, ảnh hưởng từ phương Tây.

    Vậy, những điều đó thì có hại gì chăng?

    Thật ra, trước thời điểm 1945, nhiều nhà ái quốc đã nỗ lực du nhập các tư tưởng tiến bộ của phương Tây vào Việt Nam với mục đích canh tân xứ sở. Những người khai phá ban đầu phải kể đến những bậc sĩ phu từ suốt thế kỷ 18, như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch … nhưng tiếc rằng khi ấy triều Nguyễn vẫn duy trì chính sách bế quan tỏa cảng, đóng chặt cánh cửa giao thương với bên ngoài, cho nên, hết thảy những lời kêu gọi canh tân đều bị bỏ ngoài tai.

    Các thế hệ sau đó cho đến trước thời điểm năm 1945, đã nỗ lực thực hiện điều đó bằng nhiều phương cách khác nhau trong các giai đoạn lịch sử. Như dịch sách, viết sách truyền bá, thuyết giảng, giáo dục và cả việc đưa người đi du học ở nước ngoài… Phong trào Duy Tân là kết quả của những nỗ lực ấy.

    Du nhập những giá trị tư tưởng từ Tây phương thì nhiều bậc sĩ phu đã từng thực hiện, nhưng xét về phương diện pháp lý, thì người chính thức du nhập và hợp pháp hóa được các tư tưởng của phương Tây vào Việt Nam lại chính là lãnh tụ Cộng sản, ông Hồ Chí Minh.

    Từ tháng 7/1920, khi ấy ông đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê Nin đăng trên Báo L’Humanite (báo Nhân đạo). Từ đó, ông bắt đầu tiếp cận với chủ nghĩa Mác – Lê Nin và cho rằng đã giải đáp tất cả những điều mà ông ấy đang băn khoăn. Dẫn lời của ông: “Tôi vui mừng đến phát khóc lên [*]. Năm tháng sau, tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc (tên Hồ Chí Minh khi đó) bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng Sản đệ III và chính thức gia nhập tổ chức này.

    Biết tư tưởng Mác – Lê Nin và trở thành thành viên tích cực của Cộng sản từ năm 1920; thế nhưng, tư tưởng phương Tây mà ông Hồ Chí Minh chính thức du nhập và hợp pháp hóa vào Việt Nam vào năm 1945 lại không phải là tư tưởng Mác – Lê Nin mà lại là tư tưởng của những bậc quốc phụ Hoa Kỳ.

    Thật vậy, bản Tuyên ngôn Độc lập đọc vào ngày 02/09/1945 tại Ba Đình, khai sinh chính thể cộng hòa đầu tiên ở Việt Nam, trong đó, ông Hồ Chí Minh được cho là người đã chấp bút bản tuyên ngôn, đã trích dẫn lại những nguyên tắc căn bản về nhân quyền từ bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ năm 1789. Cũng trong bản tuyên ngôn này, chúng ta không hề thấy dấu vết nào của tư tưởng Mác – Lê Nin!

    Đến một năm sau đó, năm 1946, sau khi gạt bỏ tất cả các đảng phái quốc gia ra khỏi chính phủ liên hiệp và bắt đầu giữ độc quyền chính trị trong chính quyền, thì ông Hồ Chí Minh bắt đầu công khai cho thực thi các chủ trương, chính sách của Cộng sản. Dĩ nhiên, các chính sách này đều du nhập từ phương Tây, cụ thể, từ Quốc tế Cộng sản đệ III do Liên Xô chỉ đạo.

    Năm 1953, du nhập từ Trung Cộng, ông Hồ Chí Minh cho phát động công cuộc cải cách ruột đất “long trời, lở đất”, kéo dài đến tận năm 1956. Hậu quả gây ra làm ảnh hưởng đến hơn 7,7 triệu người dân và hàng trăm nghìn gia đình phải chịu hệ lụy. Hơn 50 nghìn người dân bị quy là địa chủ phải chịu xử tử, gồm cả bà Nguyễn Thị Năm (chủ hiệu Cát Hanh Long), người đã hiến gần nghìn lượng vàng cho Cộng Sản, từng nuôi giấu Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị… Chưa hết, bản thân bà và gia đình cũng theo Cộng Sản, nhưng cũng bị quy địa chủ và chịu xử tử. Đích thân ông Hồ Chí Minh cải trang dân thường đi dự xét xử.

    Cho thấy, tuy không phải là những người khởi xướng du nhập tư tưởng phương Tây, hoặc từ Trung Cộng, nhưng khách quan, ông Hồ Chí Minh vẫn phải được công nhận là người có công đầu tiên trong nỗ lực thể chế hóa các tư tưởng tiến bộ của phương Tây làm nguyên tắc hoạt động bộ máy công quyền của nền cộng hòa xứ sở này vào thời điểm sơ khai. Chỉ tiếc rằng, ông Hồ Chí Minh du nhập và thực thi các tư tưởng tiến bộ ấy không thực tâm, mà chỉ lợi dụng để làm bước đệm dân chủ giả danh qua chiêu bài thành lập chính phủ liên hiệp để giành lấy chính quyền mà thôi. Sau khi giành được chính quyền, thì ông ấy đã không ngần ngại, gạt bỏ tất cả các đảng phái quốc gia ra khỏi chính quyền và áp dụng tư tưởng Mác – Lê Nin vào quản lý, điều hành chính quyền.

    Cho nên, nếu nói về đu càng theo nghĩa du nhập, ảnh hưởng văn minh, tư tưởng phương Tây như cách hiểu của nhóm dư luận viên, cờ đỏ hiện nay, thì người cần phải nhắc đầu tiên là ông Hồ Chí Minh, vốn đã là ông Thánh Đu Càng thành công nhất.

    Vì thế, khi nói đu càng để mắng mỏ người khác, các bạn dư luận viên và cờ đỏ đã quên rờ vào gáy mình để biết rằng [mình] đang mắng mỏ chính ông Hồ Chí Minh.

    Giờ thì các bạn cờ đỏ tem tém cái miệng được chưa? Hay vẫn muốn mở miệng mắng mỏ ông Thánh Đu Càng ấy thì tùy.

    Tôi ít có dịp viết bài tặng ai, nhưng bài này tôi đề tặng nhóm dư luận viên và cờ đỏ, các con cưng của chế độ Cộng sản.

    ________

    [*] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, H, 2011, t.12, tr.562.

    https://baotiengdan.com/2024/08/08/thanh-du-cang-viet-nam/

    Một chuyên án đáng chú ý!

    Lê Thiếu Nhơn

    09/8/2024

    https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/08/1-17.jpeg


    Công an bắt giữ 155 người Việt Nam đang hoạt động tại Lào để điều tra hành vi lừa đảo, buôn bán người. Ảnh: Công an Hà Tĩnh 

    Công an tỉnh Hà Tĩnh và Công an Đặc khu kinh tế Bò Kẹo – Lào cùng nhiều đơn vị nghiệp vụ liên quan, đã xuất kích tấn công tổ chức tội phạm chuyên hoạt động lừa đảo qua mạng. Kết quả, 155 đối tượng đã bị bắt, thu giữ hơn 100 hộ chiếu, gần 500 điện thoại, hàng nghìn sim điện thoại không chính chủ và nhiều công cụ, tài liệu.

    Đây là một chuyên án đáng chú ý, bởi lẽ nhiều năm qua các vụ lừa đảo qua mạng liên tục xảy ra từ thành thị đến nông thôn, đẩy nhiều gia đình vào bi kịch không dễ chia sẻ. Tổ chức tội phạm vừa bị sa lưới ở Đặc khu kinh tế Bò Kẹo do người nước ngoài cầm đầu và hoạt động trong hai năm qua theo tiêu chí “dùng người Việt lừa người Việt”.

    Thủ đoạn chủ yếu của băng nhóm này là tạo ra vỏ bọc thành đạt giàu sang rồi dụ dỗ đầu tư và mời gọi hợp tác bằng những chiêu trò khống chế tâm lý để chiếm đoạt tài sản của hàng chục nghìn người.

    Theo công bố từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các vụ lừa đảo qua mạng không ngừng tăng lên trong thời gian gần đây, mà Bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông tạm thời thống kê được 24 kiểu lừa đảo phổ biến. Năm 2023, người Việt Nam đã bị lừa đảo qua mạng chiếm đoạt 10 nghìn tỷ đồng.

    Nghĩa là, tổ chức tội phạm vừa phanh phui ở Đặc khu kinh tế Bò Kẹo chỉ là một trong rất nhiều tổ chức tội phạm vẫn đang lợi dụng không gian mạng để quấy rối cuộc sống bình yên của người Việt Nam.

    Từ một chuyên án đáng hoan nghênh tại Đặc khu kinh tế Bò Kẹo, cơ quan chức năng cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa những cuộc ra quân trấn áp tội phạm lừa đảo qua mạng. Đặc biệt, phải truy quét các đối tượng thường mạo danh công an, tòa án, viện kiểm sát… để lừa đảo người dân lương thiện và cả tin.

    Bởi lẽ, khi nhân viên công quyền bị mạo danh làm phiền lụy dân sinh, thì không chỉ làm hoen ố hình ảnh đại diện thực thi pháp luật, mà còn tạo ra nhiều hoài nghi về công lý và chính nghĩa trong cộng đồng.

    Tội phạm lừa đảo qua mạng đã mang tính quốc tế, không còn là câu chuyện của riêng nước ta. Cho nên, ngoài việc hoàn tất hồ sơ một chuyên án tại Đặc khu kinh tế Bò Kẹo để đưa ra xét xử công khai nhằm răn đe những kẻ dã tâm khác, rất cần thiết tham khảo kinh nghiệm và phối hợp tác chiến với các quốc gia trên thế giới để ngăn chặn tội phạm lừa đảo qua mạng.

    Xin lấy nước Nga làm ví dụ. Năm 2023, nước Nga đã có 15,8 tỷ ruble (tương đương 4.600 tỷ đồng Việt Nam) bị chiếm đoạt từ các vụ lừa đảo qua mạng, nên chính quyền bắt buộc các nhà khai thác dịch vụ điện thoại di động phải sử dụng hệ thống “Antifrod” (chống gian lận) để chặn các cuộc gọi đáng ngờ.

    Mới đây, Tòa án quận Petrodvortsovy của thành phố St. Petersburg tuyên phạt nhà cung cấp dịch vụ di động Megafon với số tiền 600 nghìn ruble (tương đương 175 triệu đồng Việt Nam) vì đã cho phép thực hiện cuộc gọi từ số điện thoại giả mạo.

    https://baotiengdan.com/2024/08/09/mot-chuyen-an-dang-chu-y/

    Phụ huynh ‘gồng mình’ trước các khoản phí mùa tựu trường 

    Nguyễn Lại 

    09/8/2024

    Ảnh tư liệu - Phụ huynh học sinh bốc thăm may mắn để cho con vào trường công lập tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.


    Ảnh tư liệu - Phụ huynh học sinh bốc thăm may mắn để cho con vào trường công lập tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. 


    Washington DC 

    Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tới mùa tựu trường tại Việt Nam. Hiện giờ, nhiều phục huynh đang ‘gồng mình’, chắt bóp chi tiêu để chuẩn bị các khoản chi và phí cho con cái trong năm học mới. Không ít gia đình phải thu vén, xoay sở sao cho có đủ tiền nộp vào đầu tháng 9 khi con em trở lại trường. Những khoản chi lớn, nhỏ đủ kiểu đang biến mùa khai giảng trở thành ‘cơn ác mộng’ đối với nhiều gia đình mà VOA phỏng vấn. 

    Chị Nguyễn Thị Dương, một người buôn bán lặt vặt tại quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết không cần phải đến tháng 9 mà ngay tuần rồi, cậu con trai lớp 4 của chị đã bắt đầu đi học thêm để gọi là ‘làm quen lại với trường lớp’ theo gợi ý của thầy, cô giáo. Lớp học thêm này, dù chỉ bắt đầu một tháng trước thềm năm học mới, nhưng cũng là một gánh nặng không nhỏ đối với bà mẹ đơn thân có hai con nhỏ như chịDương, người thu nhập chỉ vài triệu đồng/tháng từ việc bán buôn lặt vặt.

    “Đóng học phí gần như gấp đôi so với số tiền phải đóng hàng tháng trong năm học. Trong năm học thì phải nộp 1,4 triệu đồng/tháng kể cả tiền ăn bán trú. Còn học thêm hè này thì cô tính là mỗi cháu 2 triệu đồng/tháng,” chị Dương cho VOA biết. 

    Chị Dương nói để chuẩn bị cho con trai khai giảng vào đầu tháng 9 tới đây, chị đã phải chắt bóp trong suốt mùa hè để gom góp hơn 10 triệu đồng cho rất nhiều khoản chi, phí khác nhau.

    “Học hè xong là học chính luôn thì phải nộp tiền quỹ lớp, tiền quần áo đồng phục, tiền bảo hiểm cho con, tiền xây dựng trường để nhà trường mua điều hoà và các thứ cho các cháu nhưng thực ra chỉ mua một lần rồi các năm sau tính tiền đó vào tiền điện. Nhà trường cho biết các con đóng vào để trả vì nhà nước chỉ hỗ trợ phần nào đấy thôi,” chị Dương than thở và cho biết 10 triệu đồng là một khoản tiền rất lớn đối với gia đình chị, tương đương với hơn hai tháng buôn bán ‘đầu tắt mặt tối’ ngoài đường. 

    Có hoàn cảnh kinh tế khá giả hơn chị Dương một chút vì cả hai vợ chồng đều làm công chức nhà nước, anh Phạm Thành Trung, một cư dân tại quận Thanh Xuân, cho biết gia đình anh cũng đang siết chặt các khoản chi để có tiền cho con gái 2 tuổi chuẩn bị vàonăm học mới. Con anh còn quá nhỏ, chưa gửi được ở các trường công lập nên phải gửi trường tư, với mức học phí hơn một đầu thu nhập của vợ chồng anh.

    “Một tháng 10 triệu, còn hơn cả lương mình. Lương mình nhà nước còn chưa được 10 triệu/tháng. Mình hỏi cho con mình vào lớp chất lượng cao thôi thì người ta lại nói là lớp chất lượng cao không đủ học sinh để mở lớp, chỉ có lớp song ngữ thôi. Nên đành nghiến răng nghiến lợi cho con đi học thôi chứ biết làm sao,” anh Trung than thở.

    Anh Nguyễn Thành Nam, một cư dân ở quận Hai Bà Trưng, cho biết hai đứa con lớn của anh đều không đậu vào trường công cấp 3 nên phải theo học trường tư. Cứ tới mùa khai giảng là anh phải thắt lưng buộc bụng, chuẩn bị một khoản tiền lớn để đóng học phí. 

    “Đầu tháng 9 là phải đóng một đống tiền. Trường dân lập thì cứ đầu năm họ thu học phí cho cả năm là 50 triệu/cháu,” anh Nam cho biết. 

    Tuy nhiên theo anh, thà một lần đóng một khoản lớn như vậy còn hơn là phải ‘chăm sóc’ thầy cô giáo thường xuyên, hay phải cho con đi học thêm tất bật như thường thấy ở các trường công lập.

    Để đáp ứng các khoản chi mùa tựu trường, hầu hết các gia đình được VOA phỏng vấn đều cho biết họ đã có kế hoạch tiết kiệm chi tiêu ngay từ khi năm học trước còn chưa kết thúc. 

    “Nói chung cả năm phải cày cuốc thôi và để riêng ra một khoản đưa cho vợ để đóng tiền học phí và chi phí cho con. Còn tiền lương hàng tháng thì để chi tiêu,” anh Trần Quang Hạnh, một cư dân của quận Long Biên, cho biết. 

    Ngày 13/5 vừa qua, Bộ Giáo dục Đào tạo đã đề nghị các ban ngành liên quan nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng quy định về mức thu học phí trong năm học 2024-2025. Các khoản thu ngoài học phí được chỉ thị phải theo đúng Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành. Riêng đối với các trẻ học mầm non dưới 5 tuổi thì được miễn học phí, bắt đầu từ ngày 01/09/2024.

    Tổng cục Thống kê thừa nhận giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu của các hộ gia đình tại Việt Nam. Chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi tiêu đời sống, chi tiêu cho giáo dục đang là một gánh nặng đối với phần đông các hộ gia đình Việt Nam hiện nay, bất kể con của họ học trường công hay trường tư. 

    Tổng Cục thống kê cho rằng, từ góc độ chính sách, các cơ quan nhà nước cần nâng cao hơn nữa việc thực thi các chính sách giáo dục-đào tạo để san sẻ gánh nặng với các hộ gia đình, vốn cũng là niềm mong mỏi của phụ huynh tại Việt Nam mà bấy lâu nay chưa được đáp ứng.

    https://www.voatiengviet.com/a/7735380.html

    12 phụ nữ Việt bị bắt khi nhà chức trách Malaysia chống di dân bất hợp pháp 

    09/8/2024 


    VOA Tiếng Việt 


    https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-1ebf-08dcb811a8b3_w1023_r1_s.jpg

    Sở Di trú Bang Perak của Malaysia, giáp miền nam Thái Lan, mới bắt giữ 33 di dân bất hợp pháp bao gồm 12 phụ nữ Việt làm nghề “chuyên viên quan hệ khách hàng”, sau khi khám xét 3 cơ sở kinh doanh gồm một trung tâm giải trí, một nhà hàng và một doanh nghiệp ở thành phố Ipoh trong bang, hai trang tin Ipoh Echo và The Star cho biết hôm 8/8.

    Ipoh Echo và The Star dẫn lời Giám đốc Sở Di trú Bang Perak, Meor Hezbullah Meor Abd Malik, nói rằng hoạt động khám xét được Đơn vị Thực thi Luật Di trú thành phố Ipoh tiến hành hôm 7/8, từ 7h tối đến 12h đêm.

    Khi nhà chức trách ập vào kiểm tra tại trung tâm giải trí, tất các những phụ nữ Việt làm nghề “chuyên viên quan hệ khách hàng” đều không biết nên đã không chạy trốn, theo tin trên Ipoh Echo và The Star.

    Ông Meor Hezbullah Meor Abd Malik nói với Ipoh Echo hôm 8/8 rằng 4 người đàn ông Myanmar là nhân viên pha chế quầy bar tại cơ sở đó cũng đã bị bắt. Ông cho biết thêm rằng Sở Di trú Bang Perak (JIM) cũng tạm giữ 12 nhân viên nhà hàng và 5 thợ rửa xe ở hai địa điểm khác.

    Các chủ cơ sở đã nhận 7 giấy triệu tập làm nhân chứng, vẫn vị giám đốc sở di trú bang cho hay.

    “Tổng cộng có 33 người nước ngoài, gồm 12 phụ nữ Việt Nam, 7 người đàn ông Myanmar, 6 người đàn ông Ấn Độ, 4 người đàn ông Bangladesh, 2 người đàn ông và 1 phụ nữ Sri Lanka, và 1 người đàn ông Nepal, từ 17 đến 40 tuổi, đã bị bắt giữ vì bị tình nghi đã vi phạm Đạo luật Di trú 1959/63 và Quy định Di trú 1963”, ông Meor Hezbullah Meor Abd Malik, nói.

    Những người này bị đưa đi tạm giữ tại Trại Di trú Ipoh để điều tra thêm và sẽ bị xử lý theo luật di trú.

    Vị giám đốc cho biết thêm rằng hoạt động thanh tra diễn ra vì đã có những lời phàn nàn cũng như dựa trên thông tin tình báo mà JIM thu thập được về 3 cơ sở kinh doanh.

    https://www.voatiengviet.com/a/co-12-phu-nu-viet-bi-bat-malaysia-di-dan-bat-hop-phap/7735815.html


    Không có nhận xét nào