Nhiều tổ chức kêu gọi EU không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam
29/8/2024
VOA Tiếng Việt
Quốc kỳ Việt Nam và EU.
Hàng chục tổ chức nhân quyền và hội đoàn gốc Việt ở Mỹ vừa kêu gọi Liên hiệp châu Âu (EU) không coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Lời kêu gọi này được đưa ra vài tuần sau khi Washington tiếp tục xác định Hà Nội là nền kinh tế phi thị trường dù quốc gia do đảng cộng sản cai trị đã cố gắng vận động để được nâng cấp.
Nhóm 70 tổ chức ở Mỹ gửi bức thư đến Uỷ ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, vào ngày 20/8, trong đó họ nêu ra rằng chính quyền Việt Nam gửi yêu cầu tới EU để xóa Việt Nam khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường, nhưng họ muốn EU bác yêu cầu này của Hà Nội.
“Trước khi Việt Nam bị Bộ thương mại Hoa Kỳ từ chối công nhận nước này có nền kinh tế thị trường thì họ đã có ý định gửi yêu cầu đến EU để xóa Việt Nam ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường”, ông Trần Quốc Hưng ở Texas, đại diện của Liên minh vì Dân Chủ cho Việt Nam, một trong những tổ chức ký tên trong thư, chia sẻ với VOA.
“Lá thư này có mục tiêu là giải thích cho EU biết là đã có quyết định như vậy từ phía Mỹ và hy vọng EU sẽ từ chối cứu xét đơn xin của Việt Nam”, ông Hưng bày tỏ kỳ vọng.
Như VOA đã đưa tin, ngày 2/8, Bộ Thương mại Mỹ ra thông cáo nói rằng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục xếp Việt Nam thuộc diện quốc gia có nền kinh tế phi thị trường. Quyết định này đã gây thất vọng cho Hà Nội.
Bức thư của các nhóm người Mỹ gốc Việt phân tích các tiêu chí bao gồm mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong việc quản lý doanh nghiệp và phân bổ nguồn lực, sự lũng đoạn nền kinh tế tư nhân, việc thực hiện hiệu quả luật phá sản, quyền sở hữu trí tuệ, các quy tắc quản trị doanh nghiệp và sự tồn tại của một lãnh vực tài chính minh bạch.
Đây là những tiêu chí để EU duy trì danh sách các nền kinh tế phi thị trường, trong số này có Việt Nam, Trung Quốc, Kazakhstan, Triều Tiên, bức thư cho biết.
Ngoài ra, bức thư còn lưu ý rằng hiện nay EU vẫn tiếp tục theo dõi Việt Nam liên quan đến cáo buộc bán phá giá. Ví dụ, vào tháng 11/2023, EC đã tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và EU, đề nghị họ đưa ra bình luận về bức thư nói trên, nhưng chưa được phản hồi.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam, cho đến nay các thị trường lớn của nước này như Mỹ hay EU cũng giữ nguyên quan điểm xem Việt Nam là kinh tế phi thị trường.
Hà Nội kỳ vọng rằng nếu được Mỹ và EU công nhận là kinh tế thị trường sẽ “có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam”, bao gồm việc doanh nghiệp Việt sẽ không chịu bất lợi khi đối mặt với các vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá.
Chính quyền Việt Nam xem EU là thị trường nước ngoài quan trọng thứ ba đối với hàng Việt từ năm 2020, khi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Việt Nam, tính từ khi EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 đến đầu tháng 8/2024, Việt Nam đã xuất sang thị trường EU các hàng hóa trị giá 170 tỷ USD.
Vẫn thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại cho thấy rằng hồi năm 2015, khi đang đàm phán EVFTA, đại diện phái đoàn Liên hiệp châu Âu lưu ý với báo giới rằng việc ký kết hiệp định này không đồng nghĩa với việc công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường.
https://www.voatiengviet.com/a/nhieu-to-chuc-keu-goi-eu-khong-cap-quy-che-kinh-te-thi-truong-cho-viet-nam/7763495.html
Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc lên án Việt Nam vì lạm dụng luật chống khủng bố đối với người Thượng
28/8/2024
Phiên tòa xét xử khoảng 100 người Thượng ở Đắk Lắk hôm 16/1/2024
STR / Vietnam News Agency / AFP
Các chuyên gia độc lập về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hôm 28/8 ra thông cáo báo chí lên án Chính phủ Việt Nam vì đã lạm dụng luật chống khủng bố để kết án khoảng 100 người Thượng hồi tháng 1 năm nay. Đây là phiên tòa lưu động công khai được mở sau vụ tấn công vào hai trụ sở chính quyền địa phương ở Đắk Lắk hồi tháng 6/2023 khiến chín người thiệt mạng.
Trong thông cáo báo chí mới, báo cáo viên đặc biệt và các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc nhận định: “phản ứng của giới chức Việt Nam (sau vụ tấn công năm 2023) dường như bao gồm cả việc bắt giữ người tùy tiện, khuyến khích dân chúng cảnh giác đối với những nhóm người thiểu số để truy tìm những người bị tình nghi là những người Thượng bản xứ”.
“Một số người bị bắt giữ đã bị tra tấn, bị đối xử tàn tệ hoặc bị trừng phạt bằng hình thức tạm giam, bao gồm cả việc ép cung. Một người bị tạm giữ là ông Y Bum Bya đã chết khi đang bị tạm giữ vào ngày 8/3/2024 sau khi bị tra tấn” – các chuyên gia Liên Hiệp Quốc viết trong thông cáo báo chí.
Theo các chuyên gia LHQ, khoảng 100 người bị kết án trong phiên tòa với các cáo buộc khủng bố rộng khắp trong một phiên tòa xét xử nhiều người cùng lúc và là phiên tòa di động không đảm bảo các tiêu chuẩn về phiên tòa công bằng của quốc tế.
“Phiên tòa lưu động thiếu vắng các cơ sở pháp lý và chịu ảnh hưởng chính trị” – các chuyên gia nhận định và viết tiếp: “phiên tòa là công cụ được dùng để bôi xấu những người bị xét xử, thiếu vắng việc đánh giá trách nhiệm cá nhân”.
Các chuyên gia LHQ cũng cho rằng giới chức Việt Nam đã có những tuyên bố công khai vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội trước khi xét xử, trong khi việc xét xử cùng lúc nhiều người không đảm bảo quyền của người bị đưa ra xét xử được chuẩn bị tự bào chữa, xem xét đối chứng giữa các nhân chứng.
Thông cáo báo chí mới của các chuyên gia LHQ cũng lên án Việt Nam đã vô lý xếp tổ chức Người Thượng vì Công lý vào danh sách khủng bố. Một số người thuộc tổ chức này đã bị kết án vắng mặt trong phiên tòa lưu động hồi tháng 1/2024.
Thông cáo mới được đưa ra sau khi Liên Hiệp Quốc công bố bức thư gửi Chính phủ Việt Nam hôm 14/6 liên quan đến việc kết án những người Thượng tội khủng bố. Bức thư được công bố sau 60 ngày theo thông lệ của LHQ.
Trong bức thư này, các chuyên gia của LHQ đã đề nghị Việt Nam phải trả lời những câu hỏi liên quan đến việc thiếu vắng phiên tòa công bằng và độc lập đối với những người Thượng và tình trạng phân biệt đối xử đối với người Thượng ở Tây Nguyên.
Trong thông cáo báo chí mới, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cũng đồng thời kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải chấm dứt vào việc nhắm mục tiêu vào những người Thượng tị nạn ở nước ngoài, bao gồm cả việc cưỡng bức hồi hương họ về từ Thái Lan.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/experts-condemn-misuse-of-counter-terrorism-law-against-montagnards-in-viet-nam-08282024094014.html
Hơn 800.000 camera giám sát tại Việt Nam bị lộ dữ liệu
RFA
28/8/2024
Hệ thống camera giám sát. (Ảnh minh họa)
AFP
Hơn 800.000 camera giám sát của Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai trên mạng internet, trong số đó có 360.000 camera có nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng dễ bị khai thác tấn công, chiếm quyền điều khiển.
Số liệu trên được truyền thông Nhà nước loan trong ngày 28/8 qua báo cáo từ hệ thống giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn an ninh mạng Athena, nhận định trên tờ Thanh Niên rằng, hiện nay đa phần các camera giám sát đang sử dụng tại VN là camera đơn giản, chỉ cho phép ghi lại hình ảnh, kết nối internet, truy cập từ xa nhưng vấn đề bảo mật không được coi trọng, các tính năng chống trộm đã được tinh giảm hết, vì vậy giá thành rất rẻ. Người tiêu dùng cũng chưa có ý thức bảo mật, chỉ khi nào thấy hình ảnh của mình xuất hiện trên mạng thì mới biết là camera "phản chủ".
Trong năm năm qua, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu khoảng 16 triệu camera giám sát, thuộc nhiều chủng loại khác nhau và 96,3% là từ Trung Quốc.
Tại Việt Nam, vẫn theo thống kê, chưa có vụ việc tấn công dữ liệu lớn, nhưng theo ông Thắng, thực trạng trên rất đáng báo động.
Năm ngoái, truyền thông loan, một số hacker đã rao bán quyền truy cập camera tại VN, có những hệ thống lên tới hơn 100.000 camera. Còn theo báo cáo mới nhất của Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) về tình hình an ninh mạng trong nửa đầu năm 2024, số thông tin cá nhân của người dùng trong sáu tháng đầu năm 2024 bị tin tặc đánh cắp tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Thông tin bị lọt lộ nhiều nhất là thông tin khách hàng, thông tin mua bán của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, tiếp theo là thông tin eKYC, thông tin của nhiều trường đại học và tổ chức giáo dục.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, vấn đề an toàn, bảo mật liên quan đến camera giám sát đang trở thành một vấn đề nhức nhối khi nhiều vụ lộ lọt thông tin cá nhân, dữ liệu hình ảnh camera riêng tư bị thu thập trái phép và tung lên mạng xã hội "gây bất an cho người sử dụng và làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh xã hội".
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/data-from-more-than-800000-surveillance-cameras-in-vn-hacked-08282024082120.html
Việt Nam CS chuẩn bị xây dựng tuyến đường sắt nào kết nối với Quảng Tây?
Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh 'kết nối cứng' với tỉnh của Trung Quốc có giao thương 36 tỷ USD với Việt Nam
Thái Hà
29/08/2024
Trong buổi làm việc với Bí thư Quảng Tây Lưu Ninh, Thủ tướng cũng đã đề cập đến 2 tuyến đường sắt quan trọng kết nối Việt Nam với Quảng Tây đó là: tuyến Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Hai dự án này mới đây cũng đón nhận tín hiệu vui. Ngày 19/8, tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, trong đó có:
Công thư giữa Bộ Giao thông Vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về nghiên cứu tính khả thi của Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội.
Dự án đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn
Ga Đồng Đăng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Lạng Sơn, là ga đặc biệt quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).
Tuyến đường sắt khổ lồng này chạy từ Lạng Sơn về Hà Nội có chiều dài toàn tuyến khoảng 167km và có 21 ga trên toàn tuyến; năng lực thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm.
Hiện nay, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn từ Lạng Sơn về Hà Nội.
Dự án đường sắt Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội
Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch và nghiên cứu tính khả thi của tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội từ Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ mở ra một tuyến mới nối cửa khẩu Móng Cái tới thủ đô Hà Nội, tạo động lực giao thương hàng hóa, xuất khẩu và phát triển du lịch.
Nếu tuyến đường sắt Móng Cái-Hạ Long-Hà Nội được đầu tư sẽ có chiều dài gần 280km. Việc sớm triển khai tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), góp phần quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.
https://soha.vn/thu-tuong-de-nghi-day-nhanh-ket-noi-cung-voi-tinh-cua-trung-quoc-co-giao-thuong-36-ty-usd-voi-viet-nam-198240829104404957.htm
Không có nhận xét nào