Việt Nam nhận 6 máy bay huấn luyện L-39NG, mốc quan trọng trong hiện đại hóa không quân
22/8/2024
VOA Tiếng Việt
Việt Nam nhận 6 máy bay huấn luyện L-39NG đầu tiên, 16/8/2024.
Việt Nam vừa chính thức nhận 6 máy bay phản lực huấn luyện L-39NG đầu tiên do hãng Aero Vodochody chế tạo ở Séc, đây là một mốc quan trọng trong việc hiện đại hóa không quân, các trang World Air News, Aerospace Global News và Aviation Week đăng bài cho hay hôm 19 và 20/8.
Ba trang tin về hàng không, không quân nói rằng việc giao máy bay được hãng sản xuất công bố hôm 16/8 sau khi hoàn thành thủ tục nghiệm thu lần đầu trên thực địa, do các phi công thử nghiệm của Aero Vodochody thực hiện.
Những cuộc kiểm tra, thử nghiệm này được thực hiện sau khi các máy bay được lắp ráp lại ở Việt Nam, và kết quả cho thấy 6 chiếc L-39NG được lắp và căn chỉnh đúng chuẩn, cũng như hoạt động với đầy đủ các chức năng, vẫn theo World Air News, Aerospace Global News và Aviation Week.
Ba trang tin kể trên dẫn lời ông Viktor Sotona, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Aero Vodochody, bày tỏ rằng ông thỏa mãn với kết quả đạt được: “Tôi vô cùng hài lòng rằng quá trình lắp ráp lần cuối và thực hiện bay 6 chiếc L-39NG đã diễn ra tốt đẹp và máy bay của chúng tôi giờ đây hoàn toàn có thể đóng vai trò là nền tảng huấn luyện cho các phi công chiến đấu cũng như là nền tảng chiến thuật hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau cho Không quân Việt Nam”.
Các bản tin của World Air News, Aerospace Global News và Aviation Week viết rằng thông tin chi tiết về địa điểm và thời gian cụ thể của việc bàn giao máy bay tại Việt Nam không được tiết lộ. Tuy nhiên, hãng Omnipol, chủ sở hữu Aero Vodochody, khẳng định rằng chương trình đang tiến triển theo đúng tiến độ đã thống nhất và hai bên đều hợp tác chặt chẽ.
Bên cạnh lô máy bay, Việt Nam cũng sắp nhận được hệ thống huấn luyện trọn bộ, bao gồm các máy mô phỏng và sách hướng dẫn, để hỗ trợ việc đào tạo phi công và thợ máy.
Việt Nam đã đặt hàng 12 chiếc L-39NG vào tháng 2/2021 nhằm thay thế phi đội máy bay L-39C Albatros đã cũ, vốn đã đóng vai trò trụ cột trong việc đào tạo phi công ở cấp độ cơ bản, World Air News, Aerospace Global News và Aviation Week cho biết.
Các máy bay L-39NG mới sẽ hoạt động cùng với máy bay phản lực huấn luyện tiên tiến Yakovlev Yak-130 do Nga sản xuất mà Việt Nam mới mua gần đây, góp phần nâng cao hơn nữa khả năng huấn luyện của Việt Nam.
L-39NG là phiên bản hiện đại hóa của loại Albatros có từ thời Chiến tranh Lạnh. L-39NG có động cơ phản lực turbofan Williams FJ44 do Mỹ sản xuất, hệ thống điện tử hàng không được cập nhật và kiểu thiết kế cánh mới giúp loại bỏ các thùng nhiên liệu ở mỏm cánh là đặc trưng của mẫu máy bay trước đó. Loại máy bay này được xây dựng cấu hình để đáp ứng yêu cầu huấn luyện của cả phương Tây lẫn phương Đông, vì vậy, L-39NG của Việt Nam được điều chỉnh để hỗ trợ việc đào tạo phi công cho máy bay chiến đấu tiền tuyến do Nga sản xuất.
Ngoài Việt Nam, L-39NG cũng thu hút được sự quan tâm từ các quốc gia khác, bao gồm các lực lượng của Hungary và Cộng hòa Séc, cả hai nước đều đã đặt hàng để tăng cường chương trình đào tạo phi công của họ.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-nhan-6-may-bay-huan-luyen-l-39ng-moc-quan-trong-hien-dai-hoa-khong-quan/7751863.html
Việt Nam chọn nhà đầu tư cho nhà máy điện khí Nghi Sơn trị giá hàng tỷ đô
21/08/2024
Reuters
Nhà máy Nghi Sơn.
Chính quyền tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam có kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thông qua quy trình đấu thầu tới tháng 10 để phát triển một nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trị giá 2,5 tỷ USD, một quan chức tỉnh cho biết hôm 21/8.
Nhà máy Điện LNG Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn ở Thanh Hóa sẽ có công suất thiết kế 1,5 gigawatt và sẽ vận hành thương mại vào năm 2030.
“Việc mở thầu sẽ diễn ra vào ngày 30/9 và tên nhà đầu tư sẽ được công bố vào giữa hoặc cuối tháng 10,” ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế này, cho biết.
Ông Tuấn cho biết thêm rằng dự án cũng sẽ bao gồm một bến cảng và kho chứa LNG cũng như các cơ sở tái hóa khí.
Truyền thông nhà nước đưa tin vào tháng 3 rằng 5 tập đoàn đã được chọn làm nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm Korea Southern Power, Korea Gas Corp, Daewoo Engineering & Construction, Gulf Energy Development, cùng với một số công ty Việt Nam.
Quốc gia Đông Nam Á, vốn đang thiếu điện, muốn có 13 nhà máy điện LNG với tổng công suất 22,4 GW vào năm 2030, nhưng khó có thể đạt được mục tiêu đó do các nhà sản xuất điện và nhà đầu tư nước ngoài không hài lòng với chiến lược sản xuất nhiên liệu LNG với giá cả phải chăng của nước này.
https://www.voatiengviet.com/a/7751203.html
Chầu thiên triều xong, Tô Lâm liền xếp ghế cho đệ tử
22/8/2024
Cảnh Chân
(VNTB) – Ổn định ngoại giao và sắp xếp xong bộ chính trị, bạo chúa Tô Lâm sẽ tiến hành đàn áp triệt để những tiếng nói dân chủ, bất đồng chính kiến
Đi Trung Quốc về ngày 20/8 thì ngày 21/8 Tô Lâm đã tổ chức phiên họp Tiểu ban Nhân sự để chuẩn bị cho đại hội 14 (diễn ra vào quý 1 năm 2026). Mang tính chất là họp tiểu ban nhân sự, nhưng thật ra Tô Lâm lại tổ chức buổi lễ giao ghế cho lính ruột để xây dựng vây cánh vững chắc trước cuộc chiến giành ghế nhiệm kỳ 2026-2031.
Trong buổi họp này, người đứng đâu đảng và nhà nước cộng sản đã chỉ định ông Trần Lưu Quang làm trưởng ban Kinh tế trung ương và cho Mai Văn Chính làm trưởng ban Dân vận trung ương. Tô Lâm đã dành những lời có cánh cho Trần Lưu Quang rằng Quang là cán bộ có nhiều kinh nghiệm, đạt được nhiều kết quả trên mọi lĩnh vực…
Khen là vậy, nhưng theo nhiều nguồn tin thì Trần Lưu Quang có mối quan hệ thân tình với Tô Lâm như anh em ruột. Vì trước năm 1975, cha của Tô Lâm là đại tá Tô Quyền từng vào miền Nam hoạt động và được gia đình Trần Lưu Quang ở Tây Ninh bảo bọc. Cho nên sau này họ Tô và họ Trần thân thiết như người trong nhà.
Ghế trưởng ban Kinh tế trung ương vốn là của Trần Tuấn Anh (con trai Trần Đức Lương), nhưng sau cuộc thanh trừng của Tô Lâm thì ghế này bị bỏ trống từ tháng 1 tới nay. Có thể nói việc cho đệ tử ruột vào ghế của đối thủ này chính là một cuộc đảo chính thành công nữa của Tô Lâm, sau khi đã ngồi vững ghế chủ tịch nước kiêm tổng bí thư.
Chưa dừng lại ở đó, vì ghế trưởng ban Kinh tế trung ương thường là do uỷ viên bộ chính trị đứng đầu. Cho nên chắc chắn Trần Lưu Quang sẽ nhanh chóng được Tô Lâm đưa vào bộ chính trị theo kiểu “nhận chức trước rồi bổ nhiệm sau”. Tô Lâm đã từng dùng cách này với Lương Tam Quang, khi cho họ Lương lên bộ trưởng bộ công an vào đầu tháng 6 trước khi vào bộ chính trị ngày 16/8 vừa qua.
Sau lần này, trong bộ chính trị sẽ có 3 người thuộc phe Hưng Yên gồm Tô Lâm, Lương Tam Quang và Trần Lưu Quang. Đó là chưa kể Lê Minh Hưng, trưởng ban Tổ chức trung ương, có hai người anh ruột là trung tướng Lê Minh Hùng và thiếu tướng Lê Minh Hà, cũng thuộc bộ công an.
Ngoài ra thì bí thư TPHCM Nguyễn Văn Nên, một uỷ viên bộ chính trị khác, cũng là đồng hương Tây Ninh với Trần Lưu Quang. Khi còn là chủ tịch tỉnh Tây Ninh, ông Nên đã hết lòng nâng đỡ Trần Lưu Quang. Thậm chí thời điểm 2020-2021 ông Nên làm bí thư TPHCM thì Trần Lưu Quang cũng nắm ghế phó bí thư thường trực tại thành phố này. Nói như vậy để thấy Trần Lưu Quang và Nguyễn Văn Nên có mối quan hệ rất khắn khít.
Có thể nói việc thăng chức cho Trần Lưu Quang là một công đôi việc. Vì khi đưa được Trần Lưu Quang vào bộ chính trị thì Tô Lâm cũng có thêm một thân tín nữa là Nguyễn Văn Nên. Vừa làm suy yếu các thế lực đối địch, vừa mở rộng phạm vi ảnh hưởng cho phe công an.
Cần nói thêm rằng, trước khi đưa Trần Lưu Quang lên trưởng ban Kinh tế trung ương thì Tô Lâm đã đưa Vũ Hồng Văn vào ghế phó chủ nhiệm uỷ ban Kiểm tra trung ương. Vũ Hồng Văn vốn là thiếu tướng, cục trưởng cục An ninh chính trị nội bộ của bộ công an. Tướng Văn quê Hưng Yên, có thông tin cho rằng ông này là em bên họ hàng nhà vợ cũ của Tô Lâm nên rất được Tô Lâm ưu ái, cho đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng.
Trong khi đó, chủ nhiệm uỷ ban Kiểm tra trung ương là Trần Cẩm Tú, vốn là thân tín phe Nghệ An – Hà Tĩnh của Nguyễn Phú Trọng. Việc đưa đệ tử ruột làm cấp phó cho phe đối thủ cũng là cách Tô Lâm tạo ra vòng vây trên khắp các mặt trận, nhằm đảm bảo ngai vị của mình. Không sớm thì muộn, Vũ Hồng Văn cũng sẽ lên thay Trần Cẩm Tú và phe Tô Lâm lại như hổ mọc thêm cánh.
Sau chuyến đi Trung Quốc lần này Tô Lâm đã thêm nhiều phần tự tin, từ đối nội tới đối ngoại. Ổn định hai mặt trận này rồi thì tiếp theo đó sẽ là những đàn áp nặng nề cho người dân dưới chế độ độc tài công an trị của tổng bí thư chủ tịch nước đại tướng công an Tô Lâm.
https://vietnamthoibao.org/vntb-chau-thien-trieu-xong-to-lam-lien-xep-ghe-cho-de-tu/
Ông Trần Lưu Quang có lại bị dính huông ghế gãy?
22/8/2024
Nguyễn Nam
(VNTB) – Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, được điều động, phân công, bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Chiều 21/8/2024, Bộ Chính trị đã cho công bố quyết định về điều động, phân công cán bộ giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và giữ chức Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Theo đó, ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ thôi giữ chức Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, điều động, phân công, bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương theo Quyết định số 1488-QĐNS/TW ngày 16/8/2024. C
Ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương được Bộ Chính trị giao cho giữ chức Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Hai ông Trần Lưu Quang cùng ông Trần Hồng Hà đã giữ chức Phó thủ tướng thay thế cho hai phó thủ tướng được cho thôi việc theo nguyện vọng cá nhân là cựu phó thủ tướng thường trực – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tính tới nay, ông Trần Lưu Quang đã nhận chức phó thủ tướng được 1 năm, 229 ngày.
Cái huông gãy ghế
Được tiếng là được giao nhiệm vụ làm công tác tham mưu, nhưng hầu như những cán bộ được giao cho chức vụ trưởng hay phó của Ban Kinh tế Trung ương gần như là ngồi chơi xơi nước. Những người đã ngồi qua ghế này và đi luôn là Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Hồng Sơn, Trần Tuấn Anh, Hoàng Trung Hải, Triệu Tài Vinh ….
Ông Nguyễn Văn Bình từng giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trước ông Trần Tuấn Anh. Trước khi giữ chức vụ này, ông từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Vào tháng 11/2020, ông Nguyễn Văn Bình bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo do vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước trong quản lý tài chính, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Ông Trần Tuấn Anh giữ chức Trưởng ban Kinh Tế Trung ương từ 05/02/2021 đế 31/1/2024 thay thế cho ông Nguyễn Văn Bình.
Ông Trần Tuấn Anh chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương và đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu đầu năm 2024.
Thái tử đã hạ cánh an toàn sau khi được đảng cho về hưu và thôi các chức vị.
Ông Hoàng Trung Hải, cựu Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đã bị kỷ luật vào tháng 1/2020 khi còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Ông Hải bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì những vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2006 đến năm 2016.
Ông Triệu Tài Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, được điều động về làm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương vào tháng 7/2019. Ông Triệu Tài Vinh đã bị kỷ luật “khiển trách” vào tháng 10/2019 do liên quan đến vụ gian lận điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang.
Ngày 27 tháng 9 năm 2021, ông Triệu Tài Vinh được điều động giữ chức Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương cho đến nay.
Ông Nguyễn Thành Phong là nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM. Ông Phong được điều về làm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từ 20/8/2021 – 31/10/2022.
Ngày 08 tháng 7 năm 2022, ông Phong bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo vì có những vi phạm nghiêm trọng, khó khắc phục, gây thất thoát ngân sách Nhà nước
Ngày 3 tháng 10 năm 2022, ông Nguyễn Thành Phong bị cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đã bị kỷ luật vào tháng 8/2023.
Ông bị cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ban Kinh tế Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 do có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản công gây thất thoát, lãng phí; đồng thời, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
https://vietnamthoibao.org/vntb-ong-tran-luu-quang-co-lai-bi-huong-ghe-gay/
Đẩy giá đất: cộng sản đang chơi dao hai lưỡi
22/8/2024
Dân Trần
(VNTB) – Dân nghèo mà giá đất thì cao, thanh niên không có tiền mua nhà, không dám sinh con, đất nước chưa kịp giàu thì đã vội già…
Vụ đấu giá đất xuyên đêm với giá trúng cao hơn 18 lần so với giá gốc đang là tâm điểm bàn luận của thị trường bất động sản những ngày qua. Từ mức giá khởi điểm chỉ 7,3 triệu đồng mỗi mét vuông, sau 10 vòng trả giá thì phải lên tới 130 triệu đồng mới được thắng đấu giá những lô đất ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Mức giá này cũng cao hơn gấp đôi mức giá thị trường so với giá đất trong khu vực này.
Báo chí nhà nước đã phân tích nhiều về những vấn đề bất hợp lý trong vụ đẩy giá đất này (1). Nhưng có một câu chuyện đáng lo ngại hơn khi nhà nước Việt Nam tiếp tay cho việc thao túng giá bất động sản thời gian qua. Đó là việc giá đất tăng cao cũng góp phần làm suy giảm dân số.
Nhiều năm nay các lãnh đạo cộng sản thường xuyên kêu gọi người trẻ phải lập gia đình, sinh đủ 2 con để đối phó với nguy cơ dân số già và thiếu hụt nguồn lao động trong 20 năm tới. Nhà nước tặng 500 ngàn tới khoảng 1 triệu đồng để khen thưởng người sinh đủ hai con. Nhưng chỉ có chừng đó là không đủ, mà người trẻ cần có công việc tốt, các chính sách an sinh xã hội tốt, và đặc biệt là nhà cửa ổn định.
Tuy nhiên vấn đề khiến rất nhiều thanh niên lo ngại chuyện kết hôn sinh con là do không muốn con cái của mình phải chui rúc trong căn phòng trọ tồi tàn, chật hẹp.
Câu chuyện này từng xảy ra ở Nhật Bản vào những năm 1990, sau khi nền kinh tế phát triển thần tốc, người dân đổ tiền vào bất động sản khiến giá nhà ở đây tăng chót vót. Giá nhà ở Nhật còn cao hơn ở Hoa Kỳ. Khiến cho những người trẻ Nhật Bản không đủ khả năng mua nhà để ở, và rất nhiều thanh niên đã chọn cuộc sống độc thân, không sinh con. Từ đó, Nhật bước vào tình trạng già hoá dân số nhanh chóng.
Việt Nam thậm chí còn tệ hơn. Vì ít ra người Nhật cũng đã trở thành một cường quốc trước khi già. Họ giàu nên họ có thể thuê lao động từ các nước khác tới làm các công việc dịch vụ, sản xuất cho họ. Họ có công nghệ phát triển nên không cần quá nhiều nhân lực để làm việc tay chân.
Còn Việt Nam thì chưa kịp giàu mà đã già. Bây giờ đất nước đang ở thời kỳ “dân số vàng” thì thanh niên Việt Nam phải sang Nhật làm thuê. Người lao động hết hợp đồng thì tìm mọi cách để ở lại Nhật. Vậy thì khi Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, ai sẽ làm việc? Kinh tế không phát triển, tiền đâu mà thuê lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc.
Trở lại câu chuyện thanh niên Việt Nam không dám sinh con vì không thể mua nhà. Đây có thể nói là đòn chí mạng mà nhà cầm quyền Việt Nam đang tự hại mình. Một mặt họ không thể phát triển kinh tế cho giàu mạnh để người dân có thể an cư lạc nghiệp. Một mặt họ lại tiếp tay thao túng thị trường bất động sản nhằm bán đất kiếm lời khiến cho đất lại càng ngày càng mắc. Điều này khiến giấc mơ sở hữu nhà của người dân nghèo ngày càng xa vời.
Mà càng không thể mua nhà thì thanh niên càng không dám lập gia đình, sinh con. Tương lai Việt Nam chắc chắn Việt Nam sẽ rơi vào cảnh thiếu hụt nguồn lao động. Trong khi hiện nay nhà nước đang tìm cách thu hút đầu tư quốc tế bằng cách bán nhân công giá rẻ. Tuy nhiên trong vòng 10-20 năm nữa, không còn đủ thanh niên để làm việc thì nền kinh tế sẽ ra sao?
Áp lực sẽ càng nặng hơn khi người dân đã già khi chưa kịp giàu. Trước đây cả gia đình hai bên ông bà nội ngoại và cha mẹ cùng nuôi 1 thanh niên. Tương lai sẽ là 1 thanh niên sẽ phải nuôi cha mẹ ông bà hai bên, nhưng thanh niên này phải làm cái gì để nuôi họ?
Giáo dục lạc hậu thì dân trí cũng không phát triển, không có lao động trẻ thì không thể thu hút đầu tư, không có công việc cho người dân. 10-20 năm tới sẽ có một thế hệ không nhà, không việc làm, không con cái, và chắc chắn lúc đó cộng sản Việt Nam cũng không thể tồn tại, vì có ai đóng thuế cho đảng tham nhũng nữa đâu!
_____________________
Tham khảo:
(1) https://vnexpress.net/nhung-bat-hop-ly-tu-phien-dau-gia-dat-xuyen-dem-o-hoai-duc-4783598.html
https://vietnamthoibao.org/vntb-day-gia-dat-cong-san-dang-choi-dao-hai-luoi/
Chính quyền Hong Kong trả lại Việt Nam 22 công dân Việt nhập cảnh trái phép
22/8/2024
VOA Tiếng Việt
Sở Di trú Hong Kong hồi hương 22 người Việt nhập cảnh bất hợp pháp về Việt Nam, 21/8/2024.
Hôm 21/8, Sở Di trú Hong Kong hồi hương 22 người Việt nhập cảnh bất hợp pháp về Việt Nam, chính quyền Đặc khu Hành chính Hong Kong thuộc Trung Quốc cho hay trong một thông cáo báo chí được gửi ra trong cùng ngày.
Thông cáo viết rằng những người bị tống xuất khỏi hòn đảo của Trung Quốc gồm 9 người đàn ông và 13 phụ nữ. Tất cả những người này đều nộp đơn xin được áp dụng điều khoản “không đẩy trả lại” (non-refoulement) theo luật quốc tế về tị nạn, nhưng bị từ chối vì không có đủ căn cứ.
Trong số 22 người đó, có những phạm nhân đã mãn án là người từng phạm tội hình sự và bị kết án tù, vẫn theo thông cáo đăng tải trên trang của chính quyền Hong Kong.
Sở di trú của hòn đảo đã cam kết nhanh chóng trục xuất khỏi Hong Kong những người nộp đơn xin “không đẩy trả lại” mà không có căn cứ để bảo đảm việc kiểm soát nhập cư hiệu quả và bảo vệ lợi ích công cộng.
Theo chính sách trục xuất đã được cập nhật và có hiệu lực từ ngày 7/12/2022, nói chung, Sở Di trú Hong Kong có thể tiến hành tống xuất người nộp đơn có hồ sơ đã bị Tòa Sơ thẩm thuộc Tòa Thượng thẩm bác sau khi xem xét, nhờ đó nâng cao hiệu quả và cải thiện các nỗ lực trong việc trục xuất những người nộp đơn không có đủ căn cứ.
Theo quan sát của VOA, trong những năm gần đây, Hong Kong đã nhiều lần tống xuất người Việt nhập cảnh bất hợp pháp, gồm 40 người hồi tháng 11/2021, 68 người và 83 người lần lượt trong các tháng 1 và 12/2018. Ngoài ra, vào tháng 4/2019, Hong Kong phạt tù 13 người Việt làm việc bất hợp pháp tại hòn đảo này.
Báo chí Việt Nam trong nhiều năm nay đã đăng các bài cảnh báo mọi người cần đề phòng những kẻ lừa đảo hứa hẹn đưa sang Hong Kong tìm việc làm được trả lương cao mà kết quả thực tế hoàn toàn trái ngược.
https://www.voatiengviet.com/a/hong-kong-tra-lai-viet-nam-22-cong-dan-viet-nhap-canh-trai-phep/7751814.html
Không có nhận xét nào