Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 08 tháng 8 năm 2024

    Máy bay không người lái của Trung Quốc lại bay vào EEZ của Việt Nam 

    08/08/2024 


    VOA Tiếng Việt 

    Bản đồ Biển Đông.


    Bản đồ Biển Đông. 

    Một máy bay không người lái của quân đội Trung Quốc bay gần bờ biển Việt Nam vào sáng sớm ngày 7/8, lần thứ hai liên tiếp trong tuần này, trang Global Defense News và Newsweek dẫn dữ liệu theo dõi bay của Flightradar24 đưa tin.

    Máy bay không người lái này được xác định là loại Wing Loong-10, cất cánh từ đảo Hải Nam của Trung Quốc và đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, bay dọc bờ biển khoảng 800 km và sau đó quay đầu ở địa điểm gần thành phố Phan Rang, trang Global Defense News cho biết.

    Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) là vùng biển mở rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của một quốc gia, công nhận quốc gia đó có quyền đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng này. Vùng EEZ được quy định trong Công ước về Luật biển UNCLOS 1982.

    Dữ liệu từ Flightradar24, hãng Thụy Điển chuyên theo dõi các chuyến bay, cho thấy chiếc máy bay không người lái (UAV) này sử dụng ký hiệu 00CA6181 và mã HEX 783132, như vậy, đó cũng chính là máy bay WZ-10 được phát hiện gần bờ biển Việt Nam hôm 2/8.

    Như VOA đã đưa tin, hôm 2/8, một máy bay WZ-10 xuất phát từ đảo Hải Nam và quay trở lại đó sau khi thực hiện một đường bay dài khoảng 100km dọc bờ biển Việt Nam đến thành phố Nha Trang, theo bản đồ tuyến bay mà Reuters xem được và được bà Vân Phạm, Giám đốc Dự án Đại sự ký Biển Đông chia sẻ, người đã sử dụng dữ liệu theo dõi có sẵn công khai để theo dõi.

    Việc Trung Quốc điều các máy bay này đến gần quốc gia láng giềng phía nam diễn ra khi Việt Nam chuẩn bị tiến hành các cuộc thao dượt và huấn luyện bảo vệ bờ biển chung với Philippines ở Biển Đông. Hoạt động này dự kiến bắt đầu vào ngày 9/8 nhằm mục đích tăng cường hợp tác hàng hải giữa hai nước, theo Newsweek.

    Trước đó, vào tháng 7/2024, Việt Nam đã nộp hồ sơ với Liên Hiệp Quốc để khẳng định về ranh giới thềm lục địa mở rộng (ECS) ở Biển Đông, một tháng sau khi nước láng giềng Philippines trong cùng khu vực có động thái tương tự. Ngay lập tức, Trung Quốc lên tiếng phản đối động thái này của Hà Nội và Manila.

    VOA đã liên lạc với hai bộ ngoại giao và quốc phòng của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về các bản tin trên, nhưng chưa được phản hồi.

    VOA không thể xác minh độc lập dữ liệu chuyến bay nói trên hoặc dữ liệu trước đây về các chuyến bay quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

    Trả lời câu hỏi của Reuters hôm 6/8 về việc một máy bay không người lái của Trung Quốc bị phát hiện bay vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hôm 2/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói: “Chúng tôi không có thông tin nói trên”, và đề nghị Reuters liên lạc cơ quan hữu quan để tìm hiểu.

    WZ-10 là máy bay không người lái tầm cao, hoạt động lâu dài của không quân Trung Quốc, có đặc điểm bán tàng hình, khó bị radar phát hiện. Chiếc máy bay không người lái này một nền tảng tác chiến điện tử trinh sát trên không, có thể duy trì tốc độ đều đặn 620 km/h và có thời gian bay liên tục 20 giờ, vẫn theo Newsweek.

    https://www.voatiengviet.com/a/may-bay-khong-nguoi-lai-cua-trung-quoc-lai-bay-vao-eez-cua-viet-nam/7734359.html

    Tàu Hải quân Việt Nam thăm Trung Quốc trong bối cảnh hoạt động quân sự gia tăng ở Biển Đông

    Minh Phương 

    08/8/2024

    Hôm qua, 07/08/2024, bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc cho biết một tàu khu trục của hải quân Việt Nam đã đến cảng Trạm Giang, Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các hoạt động quân sự đang gia tăng tại Biển Đông với liên tiếp các cuộc thao dượt và tập trận chung giữa nhiều nước trong và ngoài khu vực. 

    Ảnh minh họa tàu chiến của Việt Nam Trần Hương Đạo. Ảnh chụp tháng 7/2024.


    Ảnh minh họa tàu chiến của Việt Nam Trần Hương Đạo. Ảnh chụp tháng 7/2024. © wikimedia/mil.ru 

    Tàu khu trục tên lửa dẫn đường 015 Trần Hưng Đạo của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đến cảng hải quân ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 5 ngày. Tờ South China Morning Post dẫn lời tư lệnh Chiến khu Nam bộ quân đội Trung Quốc cho biết hai bên sẽ “tổ chức các chuyến thăm tàu, tiếp đón trên boong, trao đổi văn hóa, thao dượt chung và các hoạt động khác” nhằm “cải thiện sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hải quân Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời tăng cường hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước”.

    Trạm Giang là nơi đặt trụ sở của bộ Tư lệnh Hải quân Chiến khu Nam bộ chuyên giám sát vùng Biển Đông ma Bắc Kinh và Hà Nội đang tranh chấp chủ quyền. Chuyến thăm của tàu hải quân Việt Nam tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các hoạt động quân sự đang gia tăng ở Biển Đông.

    Hôm qua, Philippines đã bắt đầu các cuộc tập trận hải quân và không quân hai ngày với Mỹ, Canada và Úc. Cùng lúc đó, quân đội Trung Quốc cũng thông báo tiến hành tuần tra xung quanh bãi cạn Scarborough, đồng thời nhấn mạnh “mọi hoạt động quân sự gây rối tình hình ở Biển Đông, gây căng thẳng và phá hoại hòa bình, ổn định trong khu vực đều nằm trong tầm kiểm soát”. Thông báo này được coi là ám chỉ rõ ràng đến các cuộc thao dượt quân sự giữa Philippines và các đồng minh phương Tây.

    Đầu tuần này,  một tàu của Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã đến Philippines để giao lưu và lần đầu tiên sẽ diễn tập chung với lực lượng tuần duyên Philippines. 

    https://www.rfi.fr/vi

    Nhất thể hóa là gì?

    Trịnh Hữu Long /Tạp chí Luật Khoa


    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa. 

    06/8/2024

    Đại tướng Công an Tô Lâm đã chính thức nắm cả hai vị trí chủ tịch nước và tổng bí thư. Cụm từ “nhất thể hóa” lại được xới lên bàn thảo. Nhưng nhất thể hóa là gì?

    Trong bộ truyện tranh “7 viên ngọc rồng” có đoạn hai nhân vật Sôn Gô Tên và Ca Lích triển khai thế “lưỡng long nhất thể” để hợp nhất sức mạnh của cả hai, nhằm tạo ra một nhân vật mới đủ sức đối phó với Ma Bư. Đó chính là một ví dụ theo phong cách manga cho vấn đề nhất thể hóa của chính trị Việt Nam.

    Nói dễ hiểu, nhất thể hóa là việc hợp nhất hai vị trí đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam (tổng bí thư) và của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (chủ tịch nước).

    Nhưng trước khi bàn sâu thêm, ta hãy tìm hiểu cấu trúc của hệ thống chính trị Việt Nam, vốn có một thuật ngữ là “song trùng”.

    Bạn đọc có lẽ đã quá quen thuộc với diễn ngôn liên quan tới “Đảng và Nhà nước”. Đảng và nhà nước luôn song hành với nhau trong mọi diễn ngôn của các quan chức. Bạn sẽ không thấy điều này trong sinh hoạt chính trị của các nước dân chủ như Mỹ, Đức hay Đài Loan.

    Lý do đơn giản vì mô hình hệ thống chính trị Việt Nam là mô hình độc tài Leninist do một đảng nắm toàn bộ quyền lực và chi phối hoàn toàn bộ máy nhà nước. Trong chính trị học, người ta gọi đây là mô hình đảng-nhà nước (party-state). Chương “The Communist Party of Vietnam: Consolidating Market-Leninism” của Giáo sư Jonathan D. London viết trong cuốn “Routledge Handbook of Contemporary Vietnam” (2022) giải thích rõ mô hình này. [1]

    Theo GS. London, mô hình cai trị này có năm thành phần: (1) hệ thống tổ chức đảng, (2) cơ quan lập pháp do đảng chi phối, (3) một hệ thống hành pháp do đảng chỉ định và điều hành, (4) một hệ thống tư pháp và thanh tra dưới quyền đảng, và (5) một mạng lưới các tổ chức quần chúng do đảng vận hành.

    Trong đó, (1) là đảng; (2), (3), và (4) thuộc khối chính quyền/nhà nước; và (5) là các tổ chức ngoại vi của đảng.

    Người đứng đầu đảng là tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương. Người đứng đầu chính quyền/nhà nước là chủ tịch nước. Hai vị trí này, theo thông lệ ở nước ta và cũng theo mô hình Liên Xô, thường do hai người khác nhau nắm giữ.

    Trong một hệ thống đảng chi phối hoàn toàn chính quyền, vị trí tổng bí thư xưa nay luôn được coi là người lãnh đạo cao nhất của Việt Nam trên thực tế. Đó là lý do Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nhà Trắng năm 2015 như tiếp một nguyên thủ quốc gia. Ngược lại, các nguyên thủ quốc gia tới thăm Việt Nam cũng thường có ít nhất một phiên làm việc với tổng bí thư.

    Biểu hiện rõ nhất của cơ chế đảng-nhà nước trong đối ngoại là việc cả tổng bí thư và chủ tịch nước cùng đón nguyên thủ nước ngoài trong lễ đón chính thức ở Phủ Chủ tịch. Thông lệ này được duy trì tới khoảng giữa thập niên 2000 là chấm dứt. Có lẽ lần cuối cùng Việt Nam cử hành nghi thức này là sự kiện Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng đón Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ở Hà Nội vào tháng 11/2006. [2]

    Sau này, chủ tịch nước phụ trách lễ đón chính thức, còn tổng bí thư họp riêng với nguyên thủ nước ngoài. Ngoại lệ là trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong năm cuối đời ông mà không để cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng làm.

    Trong lịch sử, đã từng có một số giai đoạn người đứng đầu đảng cũng đồng thời đứng đầu chính quyền.

    Đầu tiên là trường hợp Hồ Chí Minh, người nắm vai trò đứng đầu Đảng Cộng sản (khi đó gọi là chủ tịch đảng) và đứng đầu chính quyền (chủ tịch nước) từ năm 1945 tới khi ông qua đời năm 1969. Nhưng trong suốt giai đoạn đó, ông chỉ có thực quyền cho tới năm 1960, khi Lê Duẩn được bầu làm bí thư thứ nhất, tương đương với chức tổng bí thư ngày nay, và dần dần lấn át vai trò của Hồ Chí Minh.

    Thời đại Lê Duẩn (1960-1986), dù không hợp nhất hai chức danh nhưng vị tổng bí thư trên thực tế nắm quyền sinh sát và khuynh loát toàn bộ hệ thống chính trị. Ngược lại, chức chủ tịch nước (hay chủ tịch Hội đồng Nhà nước) không có nhiều quyền lực.

    Sau thời Lê Duẩn, có lẽ vì e ngại quyền lực tập trung quá nhiều vào tay một người, cơ chế phân quyền trong nội bộ ban lãnh đạo đảng hình thành. Ban đầu là cơ chế “tam nhân phân quyền” (tổng bí thư, chủ tịch nước và thủ tướng), rồi sau đó đến cơ chế “tứ trụ triều đình” (cộng thêm chủ tịch Quốc hội). Xu hướng phân tách quyền lực này khiến cho ý niệm về việc nhất thể hóa không có đất để thảo luận, dù đôi lúc cũng được nói tới.

    Sở dĩ người ta nói tới là vì họ ngó sang Trung Quốc.

    Từ thời Giang Trạch Dân (1993-2003), Trung Quốc hợp nhất vị trí tổng bí thư và chủ tịch nước, tạo ra một nhà lãnh đạo đứng đầu toàn bộ hệ thống chính trị có đủ nanh đủ vuốt. Thế hệ lãnh đạo sau đó như Hồ Cẩm Đào (2004-2012) và Tập Cận Bình (2012 tới nay) được thừa hưởng cơ chế này. Họ trở thành những tay anh chị khét tiếng trên chính trường quốc tế, đủ tư cách đứng ngang hàng với nhân vật cộm cán của bất kỳ cường quốc nào. Tập Cận Bình thậm chí còn tận dụng cơ chế này để thâu tóm nhiều quyền lực hơn nữa và trên thực tế đã có thể sánh ngang với Mao Trạch Đông trong lịch sử Trung Hoa cộng sản.

    Người ta nói mãi rồi một ngày nước ta cũng nhất thể hóa thật, dù chỉ là tạm thời.

    Đó là năm 2018, khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột qua đời. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội khi đó bầu làm chủ tịch nước cùng năm và giữ chức đó cho tới tháng 4/2021, khi ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm chủ tịch nước thay ông Trọng. Chính trường quay trở lại với lưỡng đầu chế.

    Với sự kiện Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư ngày 3/8 vừa qua, hai chức danh này lại nhập làm một.

    Với quyền lực của một đại tướng công an, ông Tô Lâm rất có thể sẽ giữ được hai chiếc ghế này cho tới ít nhất là Đại hội Đảng năm 2026.

    Và thậm chí còn lâu hơn nữa.

    https://www.luatkhoa.com/2024/08/nhat-the-hoa-la-gi/

    VNTB – Liệu Tô Lâm có cho khởi tố vợ chồng Nguyễn Xuân Phúc? 

     Nguyễn Thị Sen/ VNTB

    08/8/2024

    https://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2024/08/To-Lam-Tham-nhung.jpg

     (VNTB) – Tô Lâm sẽ được tạc ghi vào sử sách với công trạng “đốn trụ”

    Mạng xã hội những ngày này rộ lên tin đồn về củi gộc vào lò. 

    Với cái chết đầy bất ngờ của ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng mạng lại rộ lên tin đồn liên quan đến vợ chồng ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Trần Thị Nguyệt Thu.

    Tờ Thời Báo từ Đức loan tin vợ chồng ông Phúc bị cấm xuất cảnh vì có liên quan đến việc nhận hối lộ từ bà Trương Mỹ Lan, từ Việt Á. Ông Vũ Tiến Lộc khi đó là người đã dắt mối cho Nguyễn Xuân Phúc và Trương Mỹ Lan gặp gỡ và phát triển mối quan hệ lợi ích. Ông Lộc đã được bà Trương Mỹ Lan nhiều lần nhờ chuyển tiền và quà cho ông Phúc.

    Cũng theo tờ báo mạng này, ông Vũ Tiến Lộc có thể đã tự sát sau lần gặp mặt với Nguyễn Xuân Phúc và được biết mình sẽ “lành ít dữ nhiều” nếu không lánh đi đâu đó một thời gian.

    Và từ đây kéo theo tin đồn thứ hai là cả hai vợ chồng ông Phúc có thể sẽ vướng vòng lao lý. Ông Phúc sẽ bị khởi tố vì tội hối lộ, còn vợ ông vì tội lũng đoạn thị trường chứng khoán mà công an đã có thu thập bằng chứng đầy đủ . Tài liệu cho thấy từ năm 2016-2020, bà Trần Thị Nguyệt Thu đã thu lợi 12.000 tỷ đồng ( khoảng 500 triệu USD). Còn về phần ông Phúc thì chưa biết là đã được hưởng lợi bất chính và nhận hối lộ bao nhiêu.

    Ông Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố trước đảng và đồng chí là gia đình và vợ con ông không liên quan gì đến Việt Á những cũng không phủ nhận bản thân mình không có dính dáng gì với Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt. Người dân Việt Nam vẫn luôn thắc mắc trùm cuối của vụ Việt Á, nắm giữ đến 80% cổ phần của công ty này là ai, có gốc bự tới cỡ nào mà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp lý cho tới tận bắt giờ.

    Nếu Tô Lâm cho bắt và đem ra xét xử cả cựu Chủ tịch nước và cựu Đệ nhất phu nhân thì sẽ làm cho người dân gần như cả nước nức lòng, cúng tế cho hơn 43.000 oan hồn người dân Việt Nam đã chết tức tưởi trong dịch COVID-19. Theo đó, Tô Lâm sẽ ghi điểm tuyệt đối cho việc ” không có vùng cấm, không có ngoại lệ, .. xử một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”.

    Chưa biết tin đồn có thật hay không, nhưng phần lớn người dân đã cảm thấy sảng khoái, tác dụng này cũng giống như khi Nguyễn Phú Trọng cho “đốt lò” hết đợt này tới đợt khác để có thể nghe được từ nhiều người tấm tắc ” cũng may nhờ có ông Trọng bắt hết cái đám tham nhũng.”

    Nếu thật cho xử vợ chồng Nguyễn Xuân Phúc, Tô Lâm đã thu phục được lòng dân. Nếu xử vợ chồng Nguyễn Xuân Phúc thì Tô Lâm không chỉ cả tỉnh một vùng Quảng Nam, mà cảnh tỉnh được cả một nước Việt Nam, trấn áp được hết quân xanh lẫn quân đỏ, phe cánh nào cũng sẽ xếp re. Thêm vào đó là ân oán cá nhân từ bao năm nay cũng sẽ được giải quyết gọn nhẹ dưới chiêu bài chống tham nhũng.

    Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà Tô Tổng Chủ không xử vợ chồng cựu Chủ tịch nước cho tới cùng? Không chỉ vậy, mà còn Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh cũng không được phép bỏ sót. Đã khui cũng phải khui tới cùng để cho dân thấy Trương Thị Mai, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ cũng phải trả giá cho những điều đảng viên không được làm, thu lại những món tiền bất chính có được. Tô Tổng Chủ cũng nên khui luôn vụ Ciputra để minh chứng rằng ” có chết cũng không thoát tội”

    Giải quyết xong được hết mấy cái trụ này, Tô Tổng Chủ sẽ đứng trên đỉnh cao quyền lực chót vót mà không sợ có một ai dám phản nghịch. Tô Lâm sẽ được ghi vào sử sách với công trạng đốn “trụ”. Tới lúc đó,  với vị trí người đứng đầu tương đương với Tập Cận Bình, Tô Tổng Củ sẽ dẫn dắt công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của nước ta đi đến tiệm cận với cái đích cuối cùng mà ông Nguyễn Phú Trọng cho tới cuối đời vẫn không mò ra được.

    https://vietnamthoibao.org/vntb-lieu-to-lam-co-cho-khoi-to-vo-chong-nguyen-xuan-phuc/

    Thiên Thời – Địa Lợi –Nhân Hòa


    Hoa OC


    https://www.facebook.com/vietwarrior

    ---

    Trên mạng xã hội đang râm ran chuyện ông cựu chủ tịch nước kiêm cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp vào lò. Nếu chuyện này thành sự thật thì đúng với Thiên Thời-Địa Lợi-Nhân Hòa.

    Thiên Thời: Lò đang cháy nhưng mới thay người đốt lò. Người đốt lò cũ chỉ đốt những thanh củi cỡ nhỏ và trung. Nếu người đốt lò mới đốt luôn củi gộc thì sẽ vượt qua cái bóng của người chủ lò cũ.

    Địa Lợi: Phe Quảng Nam dưới thời ông Phúc đánh phe Quảng Nam-Đà Nẵng cũ, tức phe Hòa Vang của ông Nguyễn Bá Thanh tan nát, đến nỗi con trai của ông Thanh cũng đã bị bít đường chính trị. Về mặt địa lợi thì Quảng Nam-Đà Nẵng ở thế rất yếu. Về mặt chính trị thì chẳng có ai nằm trong bộ chính trị hay làm lớn ngoài trung ương cả. Cán bộ vùng đất này đang bị tam tai.

    Nhân Hòa: Lòng dân đang ủng hộ chuyện đốt lò, củi càng lớn, càng tươi càng tốt. Lò càng cháy lớn thì dân chúng càng hả dạ và dễ dàng chấp nhận nền kinh tế bị trì trệ, vì họ sẽ đổ thừa các quan chức tham nhũng.

    Theo tin tức tán gẫu ở quán cà phê vỉa hè khắp nơi thì vợ chồng Phúc sống không được lòng mọi người. Riêng về cô vợ có quá khứ làm bên ngành du lịch, nghe nói từng làm trong khách sạn. Nói chung thì quá khứ của Trần Nguyệt Thu cũng không phải dạng vừa. Chuyện Phúc cho đánh con trai của Nguyễn Bá Thanh để triệt đường chính trị của dòng họ Nguyễn Bá Thanh là hơi quá tay và nhỏ nhen.

    Chuyện Phúc dành mối làm ăn cho đứa con rể cũng quá tay. Nói chung là Nguyệt Thu cũng nổi tiếng trong giới làm ăn là ăn bạo.

    Xưa nay Quảng Nam nổi tiếng nhất là chủ tịch hội đồng nhà nước (chủ tịch nước) Võ Chí Công. Ông Công nghe nói hiền lành, được lòng mọi người. Nay Phúc đã vượt qua Võ Chí Công trở thành người con Quảng Nam nổi tiếng nhất từ năm 1975 cho đến nay. Sự nổi tiếng của Phúc dính liền với người con khác của Quảng Nam là Phan Quốc Việt, người Thăng Bình, giám đốc công ty Việt Á. Phan Quốc Việt phải nói là tuổi trẻ tài cao, tốt nghiệp trung học ở trung học chuyên Lê Quý Đôn-Đà Nẵng. Mỗi năm chuyên Lê Quý Đôn có hạn ngạch rất nhỏ cho học sinh không có hộ khẩu Đà Nẵng. Việt là dân Quảng Nam mà lọt vào đây thì cũng không phải dạng vừa.

    Chưa bao giờ Quảng Nam chơi lớn như ngày nay.

    Cá nhân người viết không ghét bỏ gì ông Phúc, vì thấy bề ngoài của ổng dễ gần, hơi tiếu lâm, ăn nói không sâu sắc, trợt trợt vô thưởng vô phạt. Nếu những gì xấu xa của ổng là có thật, thì có sẽ đến từ mụ vợ không phải dạng vừa của ổng.

    Công tâm mà nói, Nguyệt Thu là đệ nhất phu nhân đẹp nhất của Việt Nam kể từ năm 1975 cho đến nay.

    Mình có gì nói nấy, không bênh ai, đúng chất dân Quảng Nam ăn cục nói hòn.


    Hoa OC

    Liệu tân Tổng Bí thư có chỉ đạo khởi tố vợ chồng Nguyễn Xuân Phúc?

    Chu Hồng Quý

    08/8/2024

    Hệ thống tài chính là mạch máu của nền kinh tế quốc gia. Nền kinh tế có hoạt động hiệu quả và tăng trưởng bền vững cũng từ sự minh bạch của hệ thống tài chính. Những hành vi tham nhũng lớn đều thông qua hệ thống tài chính.

    Công cuộc chống tham nhũng làm trong sạch đảng, trước hết là cứu vãn sự sụp đổ của đảng sẽ không thể đạt được hiệu quả nếu không làm lành mạnh thị trường tài chính.

    Cải cách ruộng đất theo mô hình Trung Hoa Cộng sản cách đây hơn 60 năm theo chỉ đạo của Stalin từ cái tết Canh Dần 1950 khi cụ Hồ và Trần Đăng Ninh bí mật đi Moscow đã gây ra sai lầm giết oan hàng vạn người là ân nhân cách mạng, phá nát các giá trị đạo đức truyền thống khi con vu khống đấu tố cha, vợ vu khống đấu tố chồng, hủy hoại nền kinh tế quốc gia khi giao công cụ lao động vào tay lực lượng bần cố nông không có trình độ quản lý và kinh nghiệm tổ chức sản xuất. Cuối cùng cũng chỉ một mình ông tổng bí thư Trường Chinh mất chức.

    Ngày nay, chính sách chống dịch cúm Tàu sai lầm đã gây nên cái chết oan ức, tức tưởi của 43 ngàn đồng bào, hàng triệu lao động chạy loạn trong cơn cùng quẫn. Giai cấp công nhân, lực lượng được cho là lãnh đạo cách mạng chưa bao giờ thảm thương đến vậy. Nhưng cuối cùng, trùm cuối vẫn chưa phải chịu trách nhiệm.

    Tân Tổng bí thư Tô Lâm, người nối tiếp ngọn cờ chống tham nhũng của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nếu làm được hai việc đó, làm trong sạch hệ thống tài chính quốc gia và xử lý trùm cuối trong đại dịch cúm Tàu, thì tôi xin nguyện ủng hộ tuyệt đối và phục tùng tân Tổng bí thư, ủng hộ công cuộc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa để nước ta có thể đàng hoàng, ngạo nghễ sánh vai với Cuba, Bắc Hàn.

    Gần đây, lực lượng phản động chống phá đảng ta có tung tin đồn sắp khởi tố, bắt giam vợ chồng cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong đó, truy tố cô Thu vợ ông Phúc về tội lũng đoạn thị trường chứng khoán.

    Nhân đây, xin chia sẻ bài viết cũ. Đây là một trong loạt bài tôi viết trước và vừa ngay sau khi Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu lần thứ 3, để góp tiếng nói cùng giới đầu tư gây áp lực với nhà chức trách xử lý những sai phạm lũng đoạn thị trường. Bài viết vẫn tồn tại trên fb này đã 2 năm, nhưng kỳ lạ là chỉ mới gần đây, Facebook đột ngột thông báo xóa bài biết mà không nói rõ lý do.

    _____

    THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM ĐƯỢC QUẢN LÝ VÀ GIÁM SÁT THẾ NÀO?

    (Bài đã đăng trên FB cá nhân Chu Hồng Quý ngày 18/11/2022, mới bị xóa ngày 24/7/2024 mà không nói rõ lý do).

    Tháng 8 năm 2017, trong một phiên giao dịch sáng, lúc 10 giờ, Hệ thống cảnh báo tự động của Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải bất ngờ phát hiện một điểm bất thường trên sàn giao dịch. Cổ phiếu SHA của công ty ZheJiang DiBay Electric, mới được niêm yết trước đó 2 tháng, vào tháng 6/2017, đã bất ngờ tăng vọt, tỷ lệ tăng tích lũy đã vượt quá 40% sau 2 tháng.

    Nhân viên của Sở Giao dịch nhanh chóng điều tra và phát hiện ra hơn 400 tài khoản giao dịch cổ phiếu cùng một lúc. Trong đó có rất nhiều tài khoản vừa mới được mở gần đó. Các tài khoản đồng thời mua vào với số lượng lớn cổ phiếu, sau đó bán theo đợt, ngấm ngầm hợp tác cùng thực hiện nhiều hành vi bất thường gây ra biến động lớn về giá cổ phiếu.

    Các điều tra viên từ Đội Thanh tra CSRC phát hiện hơn 400 tài khoản này được vận hành trên hàng chục máy tính, đôi khi 30 tài khoản được giao dịch trên cùng một máy tính. Đây là hành vi mua bán ảo nhằm thổi giá.

    Nhờ đó mà Trung Quốc đã phát hiện ra một vụ thao túng chứng khoán làm rúng động thị trường tài chính toàn cầu.

    Còn ở Việt Nam, nhiều cổ phiếu có thể tăng trần hay giảm sàn liên tục mức 1.000% (một ngàn phần trăm) chỉ trong thời gian ngắn cũng chỉ là “do cung cầu thị trường” hay “tâm lý” hoặc “thị hiếu của nhà đầu tư”. Nhưng tác nhân nào làm nhà đầu tư lại có tâm lý tranh mua đua bán một cách bất thường như vậy thì chẳng ai quan tâm.

    Chỉ thí dụ với cổ phiếu FLC từ ngày 26/2/2021 đến 31/3/2021, đã tăng từ mức thấp nhất 6.000 lên cao nhất là 13.300 VND/cổ phiếu, bằng 222% chỉ qua 23 phiên trong thời gian một tháng. Đây là mức biến động còn nhẹ so với tốc độ Thánh Gióng của nhiều cổ phiếu rác khác. Có nhiều cổ phiếu rác tăng/giảm tích lũy đến mức 1.000% (một ngàn phần trăm) trong thời gian ngắn không phải là chuyện hiếm.

    Giá trị vốn hóa cổ phiếu ROS của Trịnh Văn Quyết tăng 66.000 lần chỉ trong 6 năm cũng không ai quan tâm.

    Bà Trương Mỹ Lan rút ruột ngân hàng hơn 1.066.000 tỷ đồng, chiếm 11% GDP cả nước năm 2022. Đây là vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử Việt Nam và nằm trong top 3 vụ lừa đảo tài chính lớn nhất lịch sử thế giới, trải qua một thời gian dài, vậy mà vẫn qua mặt được toàn bộ hệ thống quản lý, giám sát.

    Còn trái phiếu, một công ty vô danh vừa được thành lập 2 năm và cả 2 năm liên tục đều thua lỗ nhưng vẫn ngang nhiên phát hành trái phiếu không bảo đảm trái luật mà cơ quan quản lý nhà nước không biết. “Nhà đầu tư dám làm dám chịu”, “đã đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro”, trắng tay ráng chịu. Vậy là hàng giả cứ ngang nhiên lưu hành, chẳng có ai quản lý.

    Ở Việt Nam, một người có thể lập hơn nửa ngàn công ty ma cũng chỉ là “tự do kinh doanh”, còn xây cái chuồng gà không phép cũng dễ đi tù như chơi.

    Hệ thống Giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam đã có thời kỳ thường xuyên có dấu hiệu bóp lệnh, dễ dàng đặt lệnh mua nhưng rất khó để có thể đặt được lệnh bán, hoặc ngược lại. Điều đó đã tác động đến tương quan cung cầu thực tế làm thay đổi giá khớp lệnh. Nhưng theo họ cũng chỉ là “trục trặc kỹ thuật”. Trục trặc kiểu gì mà chỉ hạn chế lệnh bán còn lệnh mua vẫn nhập vào hệ thống một cách bình thường, lại vào đúng thời điểm nhà đầu tư cần bán xả hàng?

    Ở Việt Nam, tin giả có thể ngang nhiên lan tràn. An ninh mạng đang bận report tài khoản phản động. Thậm chí là chính các quan chức cấp cao của chính phủ cố tình tung tin giả một cách công khai mà chẳng sợ trách nhiệm. Vì “chúng ta sai thì chúng ta rút kinh nghiệm, người dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Cứ mỗi lần bộ trưởng đăng đàn đính chính thông tin “phủ nhận tin đồn thất thiệt, không có chuyện sẽ tăng giá xăng dầu”, là dân lại ào ào chen nhau đi đổ xăng trước giờ tăng giá.

    Ở Việt Nam, tài khoản của những đối tượng phải công bố giao dịch theo quy định của luật pháp như Trịnh Văn Quít vẫn được tự do giao dịch chui để đến khi dư luận phát hiện mới phạt mấy chục triệu lấy lệ.

    Nhưng sau khi anh Quít đi tù đã nửa năm thì cơ quan An ninh mới lò dò điều tra đến hàng chục vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ trên khắp hang cùng ngõ hẻm của dải đất hình chữ S.hit.

    Mình thử mua 1 lô nhỏ nhất là 100 cổ phiếu ROS thuộc nhóm FLC để theo dõi vụ Trịnh Văn Quít. Đến ngày hủy niêm yết 5/9/2022 thì 100 cổ phiếu ROS của mình theo thị giá lúc đó là 241 ngàn đồng. Nên nhớ là 241.000 VND chớ không phải tiền ông Tơn đâu nha. Vậy nhưng mấy anh an ninh kinh tế cũng lặn lội đến nhà để “điều tra”

    Việc quan trọng, cấp thiết thì không đoái nhưng chỉ dồn tài lực của dân, công lính “ra quân rầm rộ” những chuyện ruồi bu.

    Quản lý nhà nước là để ngăn chặn trước lúc xảy ra các hành vi vi phạm luật pháp chứ không phải nhằm mục đích cho thả cửa vi phạm để thỉnh thoảng theo sau tóm vài vụ phạt lấy lệ hay để tận thu ngân sách.

    Quản lý nhà nước phải đảm bảo cho những chính sách đã xây dựng và ban hành đạt được hiệu quả. Đó mới là biểu hiện của một chính phủ kiến tạo.

    Không chỉ những không thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, những kẻ có trách nhiệm lại còn tung tin thất thiệt gây thiệt hại cho nhà đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng mà chẳng ai xử lý. Chẳng đâu như xứ này, Bộ trưởng Tài chính thì làm nghề lùa gà, tuyên bố “Nếu có tiền, tôi sẽ mua chứng khoán”. Chuyên gia Kinh tế trở thành chân cò mồi khi phao tin “Tôi đã bắt đầu mua vào cổ phiếu…”.

    Không chỉ Bộ trưởng hay chuyên gia mới hành nghề lùa gà, cả phó thủ tướng cũng ra quân làm cò mồi. “Cả hệ thống chính trị vào cuộc”. Ngay từ những ngày đầu tiên xứ Giao Chỉ mới có thị trường chứng khoán, việc quan chức cấp cao đi lùa gà hoặc làm cò mồi đã trở thành truyền thống cách mạng.

    Sau tuyên bố lùa gà của phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ngày 19/3/2008, chỉ số VNINDEX đã liên tục rơi trong 12 tháng liên tiếp, từ mức 573.45 đến xuống 234.66 điểm, chỉ còn 40%, mức giảm lớn nhất kể từ ngày thành lập thị trường chứng khoán cho đến hôm nay (18/11/2022). Sau đó, cứ vật vờ đi ngang hơn 5 năm sau mới lấy lại được đà tăng.

    Thông tin mà nhà đầu tư cần là chính phủ sẽ thực thi chính sách gì để thúc đẩy thị trường tăng trưởng, chứ không phải vài ba câu bịp bợm nói suông.

    Nên nhớ, chỉ có chính sách vĩ mô của chính phủ mới có thể tác động đến quyết định của nhà đầu tư chứ không phải hành vi cò mồi của quan chức là cơ sở niềm tin để nhà đầu tư xuống tiền giải ngân.

    https://baotiengdan.com/2024/08/08/lieu-tan-tong-bi-thu-co-chi-dao-khoi-to-vo-chong-nguyen-xuan-phuc/

    Hạn trả khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ của VN Airlines được lùi thêm ba năm

    07/8/2024

    Hạn trả khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ của VN Airlines được lùi thêm ba năm


    Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 cho thấy, tính tới hết tháng 6/2024, tổng nợ của Vietnam Airlines là 69.324 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính hơn 23.300 tỷ đồng. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

    Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) được lùi thời hạn trả khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng thêm ba năm.

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào đầu tháng 8 ra quy định vừa nêu đối với khoản vay tái cấp vốn cho Vietnam Airlines.

    Hồi năm 2020, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ Hà Nội hỗ trợ gói trợ cấp 12.000 tỉ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỉ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỉ đồng).

    Vào cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đồng ý cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho các ngân hàng để Vietnam Airlines vay trước ngày 31/12/2021, lãi suất 0%/năm, được trích lập dự phòng trong ba năm. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỉ đồng.

    Sau khi có quy định của Ngân hàng Nhà nước, vào tháng 7/2021 Vietnam Airlines ký hợp đồng tín dụng với ba ngân hàng thương mại là Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) với tổng số tiền 4.000 tỉ đồng.

    Khoản vay này đến tháng 7/2024 sẽ hết hạn; nhưng vào tháng 6/2024 Chính phủ Hà Nội có tờ trình gửi Quốc hội về phương án gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng vừa nêu.

    Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 cho thấy, tính tới hết tháng 6/2024, tổng nợ của Vietnam Airlines là 69.324 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính hơn 23.300 tỷ đồng.

    Khoản lỗ lũy kế của Vietnam Airlines vẫn còn 35.811 tỷ đồng, giảm 5.246 tỷ đồng so với số đầu năm, vốn chủ sở hữu của công ty vẫn âm 11.533 tỷ đồng.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-airlines-allowed-to-postpone-payment-of-vnd4000-billion-for-three-more-years-08072024083142.html

    Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản công du Việt Nam

    06/8/2024


    Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản công du Việt Nam


    Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang (trái) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoru 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBáo Chính phủ 

    Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Minoru Kihara, vào sáng ngày 6/8 được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đón và hội đàm tại Hà Nội trong khuôn khổ chuyến công du Việt Nam của người đứng đầu ngành quốc phòng Xứ Phù Tang.

    Thông tấn xã Việt Nam loan tin cho biết chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Minoru Kihara thuộc Chương trình hoạt động đối ngoại quốc phòng năm 2024 của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

    Theo Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản lần này làm sâu sắc hơn mối quan hệ mà Hà Nội và Tokyo thiết lập hồi năm ngoái là “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng Châu Á và trên thế giới”.

    Tại cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản, ông Phan Văn Giang nhấn mạnh Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, cam kết ở khu vực; đặc biệt là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả.

    Tin cho biết, hai phía đã trao đổi Thư thỏa thuận và Biên bản thực hiện việc Nhật Bản chuyển giao hai xe vận chuyển vật liệu đa năng phục vụ công tác cứu hộ cho phía Việt Nam.

    Trước khi công du Việt Nam, Bộ trưởng Nhật Bản Minoru Kihara đã đến Campuchia vào ngày 5/8 và hội đàm cùng người đồng cấp Campuchia Tea Seiha ở thủ đô Phnom Penh.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/japans-minister-of-defense-officially-visit-vietnam-08062024090844.html


    Không có nhận xét nào