Dân biểu Đức bảo trợ cho nhà hoạt động Đặng Đình Bách
27/8/2024
VOA Tiếng Việt
Nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách. Photo StandwithBach.org
Ông Andreas Jung, Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức, vừa nhận bảo trợ cho ông Đặng Đình Bách trong chương trình “Dân biểu bảo vệ Dân biểu” của Quốc hội Liên bang Đức. Ông Bách là một nhà hoạt động bảo vệ môi trường và khí hậu đang bị cầm tù ở Việt Nam.
“Tôi dành sự kính phục lớn nhất cho ông Bách vì sự dấn thân dũng cảm và kiên quyết của ông”, Dân biểu Jung, đại diện cho địa hạt cử tri Konstanz, đồng thời là Phó chủ tịch liên bang của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc Đức (CDU), cho biết trong thông cáo hôm 23/8.
“Điều cốt yếu nhất mà tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam là cần trả tự do cho ông Bách ngay lập tức”, vị dân biểu Đức, cũng là một luật sư, nêu rõ.
Trong tư cách là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), một tổ chức phi chính phủ về môi trường, ông Bách đã bị kết án 5 năm tù vào tháng 1/2022 với cáo buộc “trốn thuế” liên quan đến số tiền tài trợ cho các hoạt động của tổ chức phi chính phủ của ông.
“Việc bắt giam ông đã bị các nhà quan sát độc lập xem là một biện pháp chính trị để triệt hạ các tiếng nói phản biện về chính sách khí hậu”, thông cáo của dân biểu Đức viết.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về thông cáo nêu trên của ông Jung, nhưng chưa được trả lời.
Trước khi bị bắt vào tháng 6/2021, ông Bách kêu gọi chính quyền cho phép các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tham gia vào chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), một chương trình hợp tác giữa G7 và Việt Nam để tạo năng lượng bền vững.
Ông Đặng Đình Bách được biết đến là một nhà hoạt động đã lên tiếng về nạn ô nhiễm môi trường tại Việt Nam và những ảnh hưởng đến đời sống của người dân từ các dự án điện than và dự án công nghiệp gây ô nhiễm khác.
Theo ông Jung, phát ngôn viên về Bảo vệ Môi trường và Khí hậu của khối liên kết hai đảng Cơ đốc Đức (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), trên thực tế, hiện ở Việt Nam đã không còn bất kỳ tổ chức xã hội dân sự độc lập nào dám công khai lên tiếng về chính sách khí hậu nữa.
“Những họat động của ông Đặng Đình Bách và LPSD có liên quan đến 2 vấn đề chung của Liên hiệp châu Âu (EU) và Đức: việc thành lập một mạng lưới của 21 NGO muốn làm việc trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) và mối quan tâm bảo vệ khí hậu toàn cầu”, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Điều hành của tổ chức nhân quyền VETO! có trụ sở tại Đức, chia sẻ ý kiến với VOA.
“Điều này cho thấy Việt Nam không thể tách rời vấn đề nhân quyền của mình ra khỏi thế giới. Do đó, những quốc gia và tổ chức có quan hệ đối tác với Việt Nam cũng phải có trách nhiệm can thiệp cho những người như ông Bách đang bị giam cầm chỉ vì đã dấn thân bảo vệ các giá trị chung của nhân loại”, ông Dụng nêu nhận xét.
Chương trình “Dân biểu bảo vệ Dân biểu” là một sáng kiến của Uỷ ban Nhân quyền Quốc hội Liên bang Đức.
Khi tham gia chương trình, các dân biểu nước này có được cơ hội bảo trợ chính trị cho các đồng nghiệp ở nước ngoài hoặc cho những người bị đe dọa hoặc đàn áp vì họ dấn thân cho dân chủ và nhân quyền.
Ngoài ra, thông qua chương trình này, các dân biểu sẽ hợp tác với bộ ngoại giao, tòa đại sứ cũng như các tổ chức phi chính phủ để công khai hóa các vụ việc và thúc đẩy cải thiện tình trạng của các nạn nhân.
Các nhà hoạt động Việt Nam trước đây được các dân biểu Đức bảo trợ trong chương trình “Dân biểu bảo vệ Dân biểu” như nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, nhà báo Phạm Chí Dũng, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Thâm, nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển.
https://www.voatiengviet.com/a/7758300.html
Mỹ và Việt Nam tổ chức đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng lần thứ 13 ở Hà Nội
27/08/2024
VOA Tiếng Việt
Các quan chức tham gia đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam lần thứ 13 tại Hà Nội, ngày 26/08/2024.
Ngày 26/8, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Bonnie Jenkins và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc chủ trì đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 13.
Trong cuộc đối thoại thường niên lần này ở Hà Nội, hai bên thảo luận về những tiến bộ trong mối quan hệ song phương khi Washington và Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm năm đầu tiên của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong thông cáo hôm 26/8.
Nghị trình cuộc đối thoại năm nay bao gồm các thảo luận về quan hệ song phương, hợp tác quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật, khắc phục hậu quả chiến tranh và hợp tác công nghệ mới nổi, theo thông cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Truyền thông Việt Nam tường thuật rằng bà Jenkins, trưởng đoàn Mỹ, đánh giá cao việc hai bên triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã có về hợp tác quốc phòng-an ninh và nhất trí tiếp tục coi khắc phục hậu quả chiến tranh là ưu tiên cao trong quan hệ hai nước.
“Hoa Kỳ cam kết tiếp tục dành nguồn lực hợp tác và hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân da cam và tìm kiếm, quy tập, định danh hài cốt liệt sỹ Việt Nam”, trang Đảng Cộng sản dẫn lời bà Jenkins cho hay.
Trong khi đó Thứ trưởng Ngọc đề nghị hai bên tăng cường phối hợp, đưa khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và ổn định; tăng cường tiếp xúc cấp cao để duy trì tính ổn định và đà phát triển tích cực của quan hệ song phương, phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, trong đó có đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng.
Ngoài các cuộc gặp gỡ với giới chức chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Jenkins cũng sẽ tham gia thảo luận bàn tròn với các tổ chức phi chính phủ về triển khai công tác rà phá bom mìn chưa nổ và thảo luận với sinh viên về vai trò của phụ nữ trong an ninh quốc tế, thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm.
Trong một thông cáo hôm 23/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về an ninh dân sự, dân chủ và nhân quyền, sẽ tới Kuala Lumpur, Malaysia và Hà Nội, Việt Nam, từ ngày 25 đến 31/8, để thảo luận và tìm hiểu về nhân quyền, hợp tác nhân đạo và vấn đề an ninh dân sự lấy con người làm trung tâm.
Tại Hà Nội, Thứ trưởng Zeya sẽ nêu bật sức mạnh và sự năng động của mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới, theo thông cáo vừa nêu.
Trong những cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Việt Nam, Thứ trưởng Zeya sẽ nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam, bao gồm “việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, bao gồm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, hỗ trợ cho các nhóm bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương, và phối hợp để giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm buôn bán người và các tội phạm xuyên quốc gia khác”, thông cáo viết.
Bà Allison Peters, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) sẽ tháp tùng bà Zeya trong chuyến công du này.
https://www.voatiengviet.com/a/my-va-viet-nam-to-chuc-doi-thoai-chinh-tri-an-ninh-quoc-phong-lan-thu-13-o-ha-noi/7757911.html
World Bank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 ở mức 6,1%, cảnh báo nợ xấu
26/8/2024
Reuters
Công nhân làm việc tại một nhà máy may xuất khẩu ở Hà Nội. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng xuất khẩu sản xuất của Việt Nam sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay nhưng tăng vừa phải trong giai đoạn 2025-2026.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) hôm 26/8 dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm nay là 6,1%, nhưng cảnh báo rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn là mối quan tâm, Reuters đưa tin.
Quốc gia Đông Nam Á, một trung tâm công nghiệp của khu vực, đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay nhờ sự phục hồi bên ngoài như dự kiến và đầu tư công tăng từ mức tăng 5,05% của năm ngoái.
Theo Ngân hàng Thế giới, “với sự tăng trưởng xuất khẩu liên tục và dấu hiệu phục hồi của bất động sản, nhu cầu trong nước sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện”.
Ngân hàng này đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6,1% trong năm 2024, cao hơn so với mức 5% năm 2023, sau đó tăng lên mức 6,5% trong các năm 2025, 2026.
Dự báo của Ngân hàng Thế giới giả định rằng tăng trưởng xuất khẩu sản xuất sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay, sau mức tăng trưởng phục hồi 16,9% trong nửa đầu năm và nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm nhẹ vào năm 2024, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo World Bank, tăng trưởng xuất khẩu dự kiến sẽ tăng vừa phải trong giai đoạn 2025-2026 khi triển vọng thương mại toàn cầu và nhu cầu bên ngoài từ các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu và Trung Quốc cải thiện đôi chút.
Tuy nhiên, tổ chức này cho biết chất lượng tài sản đã trở thành mối quan tâm đáng kể của ngành ngân hàng giữa bối cảnh nợ xấu và phạm vi bảo hiểm mất vốn vay ngày càng tăng, vì mức nợ xấu đã tăng đáng kể từ 1,9% vào năm 2022 lên 4,6% tổng dư nợ vào năm 2023.
Ngân hàng này cho biết tổng số nợ có vấn đề có thể lên tới 7,9% nếu bao gồm các khoản vay được tái cấu trúc và nợ của công ty quản lý tài sản Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới cũng dự báo tỷ lệ lạm phát chung của Việt Nam là 4,5% trong năm nay, so với mức lạm phát là 3,2% vào năm ngoái, vì giá lương thực cao hơn dự kiến sẽ tiếp tục.
Trong các báo cáo gần đây, HSBC, Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) và Ngân hàng Shinhan Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2024 có thể đạt lần lượt là 6,5%, 6,3% và 6%.
https://www.voatiengviet.com/a/7757410.html
Người di cư Việt Nam kẹt ở sân bay Brazil trong tình trạng báo động
Nguồn hình ảnh, JUAN PABLO FLORES/AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Ảnh chụp ngày 23/8 cho thấy hành khách Ấn Độ và Việt Nam đang mắc kẹt tại sân bay quốc tế São Paulo Guarulhos (Brazil).
26 tháng 8 2024
Hàng trăm người di cư từ Việt Nam, Ấn Độ và Nepal mắc kẹt tại sân bay quốc tế São Paulo Guarulhos của Brazil trong nhiều tuần với điều kiện đáng báo động, theo Reuters.
Cơ quan Luật sư Công (Public Defender's Office) của Brazil cho biết một người di cư Ghana 39 tuổi đã chết cách đây khoảng hai tuần mà không rõ nguyên nhân. Cơ quan này không rõ liệu người này đã chết trong khi bị giữ lại tại sân bay hay trên đường đến bệnh viện.
Tính đến ngày 23/8, ít nhất 666 người không có thị thực Brazil đang chờ nhập cảnh vào nước này tại sân bay São Paulo Guarulhos, theo lời người phát ngôn của Cơ quan Luật sư Công.
Chính phủ Brazil ban hành những quy định mới có hiệu lực từ hôm nay 26/8 nhằm ngăn chặn dòng người nước ngoài dùng Brazil như một điểm dừng chân để di cư tới Mỹ và Canada.
Theo đó, những du khách không có thị thực Brazil mà đang trên đường tới quốc gia khác phải tiếp tục hành trình của mình hoặc quay về quê nhà.
Những người này đang bị giam giữ trong một khu vực hạn chế, nơi họ không thể tắm rửa được. Việc đi lại tại đây khó khăn, khiến họ vất vả trong việc kiếm thức ăn, nước uống. Nhiều trẻ em và thanh thiếu niên đang chịu đựng cái rét mùa đông (của Brazil) mà không có chăn mền.
Cơ quan Luật sư Công cho rằng quyền con người của những người di cư này đang bị xâm phạm và sức khỏe của họ thì ngày càng yếu đi.
Cơ quan này nói cần phải cải thiện khẩn cấp điều kiện cho những người này trong thời gian giải quyết vấn đề thị thực của họ.
Cơ quan Luật sư Công cũng thúc giục các cơ quan có thẩm quyền khác tuân thủ luật pháp của Brazil dựa trên nguyên tắc nhân đạo để chấp nhận người tị nạn và không trục xuất họ về lại quê hương.
Bộ An ninh Công cộng cho hay Brazil đang chứng kiến sự bùng nổ lượng khách nước ngoài, đặc biệt là từ châu Á, hạ cánh tại Brazil để quá cảnh trên đường đến Bắc Mỹ.
Nguồn hình ảnh, JUAN PABLO FLORES/AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Nhiều người di cư Việt Nam và Ấn Độ dùng Brazil làm điểm trung chuyển để đi lên Bắc Mỹ. Ảnh chụp tại sân bay São Paulo Guarulhos vào ngày 23/8.
Để vào Brazil, họ nộp đơn xin tị nạn, nói rằng bị ngược đãi và đe dọa ở quê nhà. Tuy nhiên, họ lập tức rời Brazil và đi lên phía bắc ngay khi có thể, theo các báo cáo mà Reuters tìm hiểu.
Bộ An ninh Công cộng khẳng định rằng giờ đây những hành khách đến São Paulo mà không có thị thực Brazil sẽ không được phép ở lại nước này.
Theo Reuters, không rõ liệu các quy định mới sẽ áp dụng cho những người nhập cư đã có mặt tại sân bay São Paulo hay chỉ áp dụng cho những người đến sau khi các quy định bắt đầu có hiệu lực.
Các chuyên gia về nhập cư lo ngại rằng các quy định được đề xuất trái ngược với Công ước Người tị nạn năm 1951 của Liên Hợp Quốc, trong đó Brazil đã kêu gọi các quốc gia tiếp nhận những người bị đe dọa ở quê nhà ngay cả khi họ không có giấy tờ.
Trưởng cơ quan tị nạn của Brazil, Jean Uema, nói với Reuters rằng các quy định mới sẽ áp dụng cụ thể cho sân bay São Paulo Guarulhos và sẽ không làm thay đổi chính sách của Brazil đối với người xin tị nạn.
Theo hãng thông tấn AP, Brazil từ lâu đã là một quốc gia thân thiện với người tị nạn cho dù tư tưởng của các nhà lãnh đạo đất nước Mỹ Latin này có thay đổi ra sao chăng nữa
Một báo cáo cho hay trong những trường hợp xin tị nạn được phân tích, 17% số người đã rời Brazil chỉ trong vòng 30 ngày. Đa phần trong đó đi qua bang Arce ở phía tây bắc Brazil, giáp với Peru.
Một phóng sự điều tra của AP vào tháng 7/2024 cho thấy có những người Việt Nam, Ấn Độ đang băng qua rừng Amazon để di cư tới Mỹ.
Tuy nhiên, họ đã phải quay trở lại bang Acre sau khi Mỹ siết chặt các chính sách về biên giới.
Một nguồn tin cảnh sát cấp cao nói với Reuters hôm 22/8:
“Họ xin tị nạn ở Brazil để tạo một đường lui an toàn. Nếu họ bị bắt tại biên giới Mỹ, họ sẽ bị gửi trở lại Brazil thay vì quốc gia của họ.”
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c80exv4z892o
Không có nhận xét nào