Công an khởi tố 1.038 người dính vào vụ 4 tiếp viên hàng không xách ma túy về từ Pháp
VOA Tiếng Việt
20/8/2024
Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện ma túy trong hành lý mà 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mang về từ Pháp, 16/3/2023.
Công an thành phố Hồ Chí Minh, đô thị hàng đầu Việt Nam, đã khởi tố tổng cộng 1.038 bị can có liên quan đến vụ 4 tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất, hai trang tin Dân Trí và VTC News đưa tin hôm 19/8.
Tin cho hay số người nêu trên bị cáo buộc về các tội “sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; “không tố giác tội phạm”; “tàng trữ tiền giả”; “đánh bạc” và “cướp giật tài sản”.
Như VOA đã đưa tin, hồi giữa tháng 3/2023, nhóm 4 tiếp viên của hãng Vietnam Airlines bị nhà chức trách phát hiện vận chuyển hơn 11 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất. Khi bị bắt tạm giam, họ khai rằng đã “xách hộ” cho một người ở Pháp với tiền công hơn 10 triệu đồng.
Ít ngày sau, cả 4 tiếp viên được trả tự do và công an Tp.HCM nói rằng “chưa đủ cơ sở khởi tố”, gây ra nhiều phản ứng, bức xúc trên mạng xã hội.
Trong bản tin mới nhất hôm 19/8, Dân Trí và VTC News dẫn thông tin từ công an Tp.HCM tường thuật rằng công an đã làm rõ được là ngoài chuyến hàng bị bắt giữ nêu trên, các đối tượng liên quan trong vụ án đã thực hiện trót lọt 6 chuyến hàng chứa ma túy qua sân bay quốc tế Nội Bài.
Sau đó, các đối tượng chuyển phát nhanh nội địa về Tp.HCM cất giấu, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố.
Vẫn theo Dân Trí và VTC News, Công an Tp.HCM đã lật tẩy toàn bộ đường dây tội phạm, đối tượng chủ mưu, cầm đầu, bên cạnh đó, họ trả tự do cho 4 nữ tiếp viên hàng không bị tội phạm lợi dụng, và điều này thể hiện tinh thần "không bỏ lọt tội phạm", "không làm oan người vô tội".
Mở rộng điều tra, công an Tp.HCM triệt phá 343 nhánh, phân nhánh thuộc đường dây tội phạm hoạt động tại 36 tỉnh, thành phố, và khởi tố 1.038 bị can, thu giữ 323,5kg ma túy các loại, ngoài ra là nhiều súng đạn và nhiều vật chứng, chứng minh số tiền các đối tượng đã giao dịch mua bán ma túy lên tới hơn 28.000 tỷ đồng.
Công an Tp.HCM nói trong bản tin của Dân Trí và VTC News rằng trong thời gian qua, số vụ và số đối tượng phạm tội về ma túy bị phát hiện, bắt giữ ở thành phố hàng năm đều tăng.
Tính riêng 7 tháng đầu năm, công an Tp.HCM đã phát hiện, khám phá 1.924 vụ, 4.850 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ hơn 324 bánh heroin, gần 500kg ma túy tổng hợp các loại và nhiều súng đạn cũng như các vật chứng khác.
https://www.voatiengviet.com/a/cong-an-khoi-to-1038-nguoi-vu-4-tiep-vien-hang-khong-xach-ma-tuy-ve-tu-phap/7749217.html
Việt Nam-Trung Quốc ký kết 14 văn kiện hợp tác, từ đào tạo cán bộ đến y tế, truyền thông
Nguyễn Sơn
Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Bạch Vân, TP. Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 18/8. (Ảnh: dẫn qua quochoi.vn)
Lãnh đạo cấp cao khối đảng của Việt Nam – Trung Quốc đã chứng kiến việc ký kết 14 văn bản hợp tác từ đào tạo cán bộ, thương mại song phương, tài chính, y tế, đến giao thông, truyền thông.
Theo TTXVN, ngày 19/8, tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Tổng cộng 14 văn kiện được các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương hai nước ký kết trong chuyến thăm cấp Nhà nước lần này, bao gồm:
Trong đó, có bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Việt Nam và Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Học viện Hành chính Quốc gia).
Bản ghi nhớ về việc hợp tác công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc.
Giấy Chứng nhận bàn giao Hồ sơ Kết quả dự án viện trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.
Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế Việt Nam và Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc về hợp tác y tế.
Bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc về tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin về nghiệp vụ ngân hàng.
Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về thúc đẩy các dự án hợp tác phát triển trong lĩnh vực xã hội và dân sinh.
Công thư giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia Trung Quốc về nghiên cứu tính khả thi của Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn-Hà Nội và Móng Cái-Hạ Long-Hà Nội.
Thỏa thuận hợp tác nghiệp vụ giữa Thông tấn xã Việt Nam và Tân Hoa xã.
Bản ghi nhớ tăng cường hợp tác giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh truyền hình Trung ương Trung Quốc.
Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế Việt Nam và Cục Quản lý trung y dược quốc gia Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực y dược cổ truyền.
Bản ghi nhớ về Chương trình trao đổi Báo chí – Truyền thông giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Toàn quốc Trung Quốc giai đoạn năm 2024-2029.
Hồi tháng 12/2023, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, 36 văn bản thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa hai nước.
Trong đó, bao gồm thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”; xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát, Lào Cai, Việt Nam – Bá Sái, Vân Nam, Trung Quốc; hợp tác trong lĩnh vực truyền thông số giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Tổng cục phát thanh truyền hình Nhà nước Trung Quốc; hợp tác giữa Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài truyền hình Việt Nam (THVN) và Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG).
Chi tiết của các thỏa thuận không được công bố.
https://vietluan.com.au/120305/viet-nam-trung-quoc-ky-ket-14-van-kien-hop-tac-tu-dao-tao-can-bo-den-y-te-truyen-thong/
Cách thông báo bất thường của Trung Quốc về chuyến đi của TBT Tô Lâm
Băng Thanh
Ảnh minh họa: Kevin Frayer/Getty Images.
Theo thông lệ, bên công bố chuyến thăm của Tổng Bí thư mới của Việt Nam đến Trung Quốc lẽ ra không phải là Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhưng lần này lại thay đổi. Theo chuyên gia, điều này rõ ràng là không bình thường, phản ánh sự thay đổi hoặc bất ổn nào đó trong nội bộ ĐCSTQ. Việc phá vỡ thông lệ này đang muốn nói với thế giới điều gì?.
Trong lúc dư luận quốc tế rầm rộ đồn đoán và nghi ngờ về những biến động lớn tại Bắc Kinh, ngày 15/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố: “Theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 18 đến 20/8”. Điều đáng chú ý là Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại là bên thông báo việc này.
Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Chu Hiểu Huy (周晓辉) đã nhận định rằng, rõ ràng, vô số tin đồn và “tin vịt” từ bên ngoài đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc vô cùng lo lắng, họ rất cần sự xuất hiện của người đứng đầu đảng để trấn an dư luận. Tuy nhiên, việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo về chuyến thăm của Tổng Bí thư mới của Việt Nam lại ẩn chứa điều bất thường, bởi thông thường việc thông báo về chuyến thăm của lãnh đạo các nước trong khối Xã hội Chủ nghĩa hoặc chuyến thăm của Tổng Bí thư Trung Quốc đến các quốc gia này, là do Ban Liên lạc Đối ngoại Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ, viết tắt là “Ban Liên lạc” đảm nhiệm.
Ví dụ như năm 2022, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của cựu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 đến ngày 2/11 được người phát ngôn Ban Liên lạc Đối ngoại Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ thông báo vào ngày 25/10, chứ không phải Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tương tự, vào tháng 4/2023, người phát ngôn Ban Liên lạc Đối ngoại Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ thông báo đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Cuba do Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Roberto Morales dẫn đầu thăm Trung Quốc từ ngày 23 đến 28/4 theo lời mời của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 24/11/2022, người phát ngôn Ban Liên lạc Đối ngoại Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ thông báo: Theo lời mời của ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 29/11 đến ngày 1/12.
Ngày 8/1/2019, người phát ngôn Ban Liên lạc Đối ngoại Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ thông báo: Theo lời mời của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Kim Jong Un của Triều Tiên thăm Trung Quốc từ ngày 7 đến 10/1.
Ngày 17/6/2019, người phát ngôn Ban Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo: Theo lời mời của Chủ tịch Kim Jong-un của Triều Tiên, ông Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Triều Tiên từ ngày 20/21/6.
Ngày 4/9/2018, người phát ngôn Ban Liên lạc Đối ngoại Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ thông báo, nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và Chính phủ Triều Tiên, Ủy viên Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư (栗战书) sẽ dẫn đầu phái đoàn đặc biệt của Đảng và Chính phủ Trung Quốc tới thăm Triều Tiên vào ngày 8/9 và dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Triều Tiên.
Thông tin công khai cho thấy, Ban Liên lạc Đối ngoại là cơ quan chức năng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách công tác đối ngoại, trong đó có trách nhiệm phụ trách công tác giao lưu và liên lạc giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các đảng phái chính trị, các tổ chức chính trị nước ngoài. Cả Ban Liên lạc thuộc Uỷ ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ Ngoại giao thuộc Quốc vụ viện đều là cơ quan thực thi công tác đối ngoại, trong đó Ban Liên lạc đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ Ngoại giao đại diện cho Chính phủ Trung Quốc, cả hai “vừa có mối liên hệ mật thiết, vừa có sự phân công rõ ràng”. Người nắm quyền điều khiển Ban Liên lạc thường là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tuyên truyền, hiện nay là Bí thư thứ Nhất Ban Bí thư Ủy ban Trung ương ĐCSTQ Thái Kỳ.
Theo thông lệ, bên công bố chuyến thăm của Tổng Bí thư mới của Việt Nam đến Trung Quốc lẽ ra phải là Ban Liên lạc, nhưng lần này lại do Bộ Ngoại giao thay thế, theo chuyên gia Chu Hiểu Huy, điều này rõ ràng là bất thường, phản ánh sự thay đổi hoặc bất ổn nào đó trong nội bộ ĐCSTQ.
Bài viết của tác giả đề cập đến việc ngày 13/8, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ “Nhân dân Nhật báo” đã đăng tải bài viết của ông Vương Nghị với tiêu đề “Tạo dựng môi trường bên ngoài tốt đẹp để đẩy mạnh cải cách toàn diện sâu sắc, thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, nêu rõ chính sách ngoại giao mà Bắc Kinh sẽ theo đuổi sau Hội nghị Toàn thể Trung ương 3. Một thay đổi lớn trong bài viết là không còn nhắc đến sáng kiến thúc đẩy hợp tác cởi mở và bao dung có tên là “Miền Nam toàn cầu” của người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngoài ra, chính sách đối ngoại với Mỹ và châu Âu đã từ bỏ “ngoại giao chiến lang”.
Theo tác giả Chu Hiểu Huy, điều này gián tiếp cho thấy Bộ Ngoại giao do ông Vương Nghị phụ trách đã lựa chọn phe mới trong cuộc đấu tranh quyền lực mới của giới lãnh đạo Trung Nam Hải, trong khi Ban Liên lạc do ông Thái Kỳ phụ trách có lẽ vẫn đang ủng hộ ông Tập Cận Bình. Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao bây giờ cơ quan chính thức liên lạc với Việt Nam không phải là Ban Liên lạc, mà là do Bộ Ngoại giao đảm nhiệm? Ban Liên lạc đã xảy ra chuyện gì? Việc phá vỡ thông lệ này đang muốn nói với thế giới điều gì?
Chuyên gia gốc Hoa – Chu Hiểu Huy cho rằng, điều này chỉ có thể chứng minh thêm rằng nội bộ Trung Nam Hải đang có gì đó không bình thường. Bởi vì những bất thường của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian qua đều chứng tỏ rằng nội bộ thực sự đã xảy ra chuyện, nhưng dường như vẫn chưa tìm được giải pháp cuối cùng.
https://vietluan.com.au/120292/cach-thong-bao-bat-thuong-cua-trung-quoc-ve-chuyen-di-cua-tbt-to-lam/
Quảng Ninh: Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt – Hàn rơi từ tầng 19
Hiện trường nơi hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt-Hàn rơi xuống. (Ảnh: Giao Thông Quảng Ninh 24/7/Shutterstock)
Sau tiếng động mạnh từ tòa nhà 19 tầng, nhân viên bảo vệ của Trường cao đẳng Việt – Hàn chạy tới, phát hiện hiệu trưởng đã nằm bất động dưới chân tòa nhà.
Theo báo cáo của Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, sự việc xảy ra vào khoảng 13h15 ngày 19/8, trong khuôn viên của trường.
Tại thời điểm trên, nhân viên bảo vệ của trường nghe tiếng động lớn tại khu vực phía dưới chân tòa nhà 19 tầng. Khi chạy tới nơi, người bảo vệ phát hiện một người đàn ông nằm dưới chân tòa nhà, trong tình trạng thương tích nặng (quần áo rách nát, toàn thân bị chấn thương nghiêm trọng).
Nhận được tin báo, nhà trường đã liên hệ với Công an phường Hoành Bồ, thông báo về vụ việc. Công an đã nhanh chóng đến phong tỏa hiện trường, xác minh danh tính người đàn ông nói trên là ông V.Đ.M. (SN 1972, trú tại phường Hồng Hải, TP. Hạ Long) – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh.
Đến 16h cùng ngày, Công an phường Hoành Bồ, Công an TP. Hạ Long và đội pháp y tiến hành thu thập các thông tin tại hiện trường và đưa thi thể ông M. về Bệnh viện Bãi Cháy để tiến hành các thủ tục pháp y.
Cơ quan CSĐT Công an TP. Hạ Long và một số cơ quan chức năng đã lấy lời khai của cán bộ, nhân viên Trường cao đẳng Việt – Hàn, tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của ông M.
Trường cao đẳng nghề Việt – Hàn Quảng Ninh là trường công lập trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Trường được xây dựng thuộc dự án được nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của tỉnh.
Minh Sơn
Anh khuyến cáo công dân du hành đến Việt Nam có thể bị ‘cấm xuất cảnh, tịch thu hộ chiếu’
VOA
20/8/2024
Bộ Ngoại giao Anh vừa cập nhật khuyến cáo du hành đối với công dân Anh tới Việt Nam sau khi có thông tin về việc du khách bị ngăn không được rời khỏi quốc gia Đông Nam Á và bị tịch thu hộ chiếu, theo truyền thông Anh.
Báo Mirror và Wocester News cho biết rằng Bộ Ngoại giao Anh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lệnh ‘cấm xuất cảnh’ ảnh hưởng đến công dân Anh ở nước ngoài đồng thời cập nhật lời khuyên về du hành cho những người hay đến Việt Nam.
Theo tờ báo này, một xu hướng đáng lo ngại là du khách không thể rời khỏi đất nước và bị tịch thu hộ chiếu đã thúc đẩy chính phủ ban hàng các hướng dẫn mới.
“Chính quyền Việt Nam có thể áp dụng lệnh cấm xuất cảnh đối với một số cá nhân để ngăn họ rời khỏi đất nước,” một người phát ngôn của chính phủ Anh được tờ Mirror trích lời đưa ra cảnh báo hôm 16/8. “Hộ chiếu của bạn sẽ bị tịch thu cho đến khi vụ việc được điều tra đầy đủ.”
Bộ Ngoại giao Anh khuyên những công dân của mình khi rơi vào tình huống khó xử như vậy nên tìm kiếm tư vấn pháp lý và liên hệ với đại sứ quán hoặc lãnh sự Anh gần nhất.
Tờ tin tức Worcester News cũng đưa ra thông tin tương tự khi trích dẫn cập nhật về cảnh báo du hành đến Việt Nam của Bộ Ngoại giao Anh, trong đó đưa thêm vào các thông tin về lệnh cấm xuất cảnh, kiểm duyệt internet, hình phạt ma túy và bão nhiệt đới.
Tờ báo này nói rằng công dân Anh được khuyến cáo họ có thể phải chịu “án tử hình” vì tội liên quan đến ma túy. Bản cập nhật của Bộ Ngoại giao Anh bao gồm thông tin về hình phạt liên quan đến tội phạm ma túy ở Việt Nam.
Các tờ báo Anh không đưa ra chi tiết cụ thể về những thông tin gần đây về việc khách du lịch bị ngăn không được rời khỏi Việt Nam và bị tịch thu hộ chiếu ở quốc gia Đông Nam Á.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Bộ Công an Việt Nam vào tháng trước đưa ra khuyến cáo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh về tình trạng xuất nhập cảnh trái phép của công dân Việt Nam, nhưng không có cảnh báo nào đối với khách nước ngoài tới hay rời khỏi đây.
Liên quan đến khách du lịch bị kẹt ở Việt Nam, hồi đầu năm nay, một nhóm gần 300 du khách Đài Loan bị ‘bỏ rơi’ ở Việt Nam do tranh chấp giữa hai công ty du lịch. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sau đó ra văn bản yêu cầu Sở Du lịch Kiên Giang làm rõ vụ việc này nhằm tránh “các thông tin sai lệch” và “gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam.”
Về vấn đề thời tiết, VnExpress vào tháng trước đưa tin rằng có 700 khách du lịch bị mắc kẹt tại đảo Nam Du thuộc tỉnh Kiên Giang do tàu, phà cao tốc tuyến về Rạch Giá dừng chạy vì thời tiết xấu. Sau đó, tờ Tuổi Trẻ cho biết họ đã về đến đất liền.
Thông tin trên trang web của chính phủ Anh cho thấy những cập nhật về khuyến cáo du hành tới Việt Nam được đưa ra hôm 14/8 và vẫn có tác dụng vào ngày 19/8.
Chính phủ Canada tuần trước cũng cập nhật thông tin về du hành tới Việt Nam và khuyến cáo công dân của họ “hết sức thận trọng.” Các khuyến cáo này được cập nhật hôm 15/8 với lý do “tỷ lệ cao về tội phạm vặt” ở quốc gia Đông Nam Á.
Canada nhắc nhở công dân của họ khi đến Việt Nam phải thận trọng với nguy cơ bị gian lận thẻ tín dụng, tội phạm an ninh mạng, tội phạm đóng giả tài xế taxi nhắm vào du khách nước ngoài tại sân bay quốc tế Nội Bài, kiểm duyệt và giám sát trên internet, cũng như các hoạt động dưới nước do thời tiết khắc nghiệt hay tai nạn tàu thuyền trong số nhiều khuyến cáo khác.
Mỹ hồi tháng 6 cảnh báo công dân về lũ quét và sạt lở đất trong mùa bão ở Việt Nam như khuyến cáo du hành của chính phủ cho công dân tới Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất, tức “thực hiện các biện pháp phòng ngừa thông thường”, theo cập nhật đến ngày 24/7.
Việt Nam đầu tháng này cho biết có gần 10 triệu khách du lịch nước ngoài đã đến thăm Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay.
Việt Nam : Mưa lớn gây ngập lụt đe dọa an toàn của 4500 trẻ em trước kỳ tựu trường
Chi Phương /RFI
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam (Save the Children Vietnam) đưa ra cảnh báo hôm nay, 20/08/2024, về an toàn của khoảng 4500 trẻ em, trước kỳ nhập học vào tháng 09, do các trận mưa lớn, gây ngập lụt và lở đất ở miền bắc Việt Nam.
Ảnh minh họa: Cảnh ngập lụt tại xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, ngoại ô Hà Nội, Việt Nam, ngày 28/07/2024. AFP - NHAC NGUYEN
Kể từ đầu tháng 7, theo số liệu của chính quyền Việt Nam, được AFP trích dẫn, các trận mưa lớn kéo dài tại miền núi tây bắc Việt Nam đã tác động đến 29 000 ngôi nhà, phá hủy khoảng 90 000 héc ta hoa màu.
Riêng tại tỉnh Sơn La, khoảng 1,3 triệu người bị ảnh hưởng vì tình trạng thời tiết cực đoan. 11 người đã thiệt mạng, 2670 ngôi nhà và 29 cơ sở giáo dục đã bị hư hại. Tình trạng ngập lụt làm gián đoạn giao thông.
Ông Hà Công Minh, hiệu trưởng một trường học tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cho biết « tình trạng sạt lở, cầu gãy khiến đường đến trường của học sinh ngày càng khó khăn. Nhiều trẻ phải vượt các con suối để đến trường ". Ông hy vọng « có kinh phí để khắc phục tình trạng sạt lở trước năm học mới, đường xá được lưu thông cho xe máy đi từ các bản đến trung tâm xã và trường học »
Trong thông cáo, giám đốc của tổ chức Save The Children Vietnam, Lê Thị Thanh Hương cảnh báo, tại Sơn La, 4500 trẻ gặp nguy hiểm, nhất trước kỳ tựu trường vào tháng Chín, nếu không có sự can thiệp ngay lập tức.
Tại Việt Nam, mùa mưa, thông thường kéo dài từ tháng 06 đến tháng 11, gây ra lụt lội và lở đất, chủ yếu là ở vùng miền núi. Giới chuyên gia đã cảnh báo, tình trạng khí hậu cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn, không chỉ tại Việt Nam mà nhiều khu vực khác trên thế giới do biến đổi khí hậu.
https://www.rfi.fr/vi
Không có nhận xét nào