Liên Hiệp Quốc công bố 320 khuyến nghị với Việt Nam về nhân quyền
VOA Tiếng Việt
13/8/2024
Phiên thảo luận Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024 tại Geneva. Photo UN Web TV.
Nhóm công tác về Kiểm điểm định kỳ phổ quát thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa công bố bản báo cáo tổng hợp với 320 khuyến nghị từ 133 quốc gia nhằm giúp cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Báo cáo tập hợp các khuyến nghị được nêu ra tại kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5 tại Geneva và yêu cầu chính quyền Việt Nam phản hồi trước khi diễn ra kỳ họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền, dự khiến diễn ra vào ngày 9/9 sắp tới, theo một thông cáo cáo chí của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào cuối tuần trước.
Hàng chục quốc gia đề nghị Việt Nam xóa bỏ án tử hình, trong đó có Pháp, Thụy Sĩ, Iceland, Malta, Uruguay, Bồ Đào Nha, Canada, trong khi một số nước khác đề nghị Việt Nam nên giảm áp dụng hình phạt này.
Liên quan đến hình phạt an ninh quốc gia khiến nhiều nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam bị giam cầm như Điều 117 Bộ luật Hình sự quy định về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, và Điều 331 quy định về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, các quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy sĩ, Bỉ... khuyến nghị Việt Nam nên sửa đổi hai điều này của bộ luật. Ngoài ra, Đức còn khuyến nghị Việt Nam nên sửa đổi Điều 109 quy định về tội “lật đổ chính quyền”.
“Chúng tôi khuyến nghị trước hết phải xóa bỏ những điều khoản rất mơ hồ về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam... Những điều luật này của Việt Nam không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế”, bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR), tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Paris, Pháp, chia sẻ quan điểm với VOA. Bà là người đã vận động chính phủ các nước trong Liên hiệp châu Âu (EU) và tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở Geneva để Việt Nam xóa bỏ các điều luật 117, 331, và 109.
Liên quan đến các nhà hoạt động đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, chính phủ Mỹ khuyến nghị Việt Nam nên “trả tự do cho những người bị giam giữ vì thực hiện nhân quyền, và hãy điều tra các cáo buộc về việc các quan chức xâm phạm thân thể những người này, đảm bảo quyền được đối xử công bằng cho họ”.
Tương tự, Thụy Sĩ khuyến nghị Việt Nam “trả tự do cho những người bị giam giữ vì thực hiện quyền của họ về tự do ngôn luận, lập hội hoặc nhóm họp”.
Slovakia khuyến nghị Việt Nam tăng cường môi trường hoạt động của xã hội dân sự và xem xét trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền bị kết án.
Trong khi đó, Cộng hòa Czech nói rằng quốc gia Đông Nam Á này nên “tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập, quyền tự do ngôn luận trực tuyến và ngoài đời, và sự độc lập của truyền thông”. Các nước Italy, Phần Lan, Romani, và Hàn Quốc cũng đưa ra khuyến nghị tương tự.
Chính phủ các nước Áo, Bỉ, Canada, Đức khuyến nghị Hà Nội sớm phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức.
Nước láng giềng Campuchia đề nghị Việt Nam thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong Hội đồng Nhân quyền về cơ sở tôn trọng và hiểu biết để đảm bảo mọi quyền con người.
Trong các khuyến nghị của mình, Trung Quốc đề nghị Việt Nam “tiếp tục nỗ lực xây dựng đất nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách”.
Dự kiến tại kỳ họp 57 này, chính quyền Việt Nam sẽ trình bày quan điểm của mình đối với 320 khuyến nghị trên, theo thông cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt, người dẫn đầu phái đoàn của chính phủ Việt Nam gồm 22 quan chức và 2 thông dịch viên dự kỳ UPR hồi tháng 5, cho biết rằng hầu hết các khuyến nghị “đều có nội dung tích cực và Việt Nam có thể chấp nhận”. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng một số vấn đề cần được xem xét thêm về tính tương thích với luật pháp, chính sách, nguồn lực và khả năng thực thi của Việt Nam.
Nhà ngoại giao Việt Nam còn nói thêm rằng “đối với những khuyến nghị chưa thực sự phù hợp và dựa trên những thông tin không chính xác” về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại, cung cấp thông tin cho các nước để họ hiểu rõ hơn về tình hình thực tế ở Việt Nam.
Trong báo cáo của mình, phái đoàn Việt Nam nói họ chấp thuận 241 trong tổng số 293 khuyến nghị mà các quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ đưa ra trong Cơ chế UPR chu kỳ III hồi năm 2019. Phái đoàn cho biết rằng trong số 241 khuyến nghị đó họ đã “hoàn thành thực hiện có kết quả” 209 khuyến nghị.
https://www.voatiengviet.com/a/lien-hiep-quoc-cong-bo-320-khuyen-nghi-voi-viet-nam-ve-nhan-quyen/7740232.html
Uỷ ban châu Âu khởi động điều tra thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam
VOA Tiếng Việt
13/8/2024
Ảnh minh họa: Thép cán nóng.
Ủy ban châu Âu (EC) vừa ra quyết định điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản và Ai Cập, theo một công báo đăng trên cổng thông tin của Liên minh châu Âu (EU).
Công báo cho biết cuộc điều tra được khởi động từ ngày 8/8/2024, sau khi Hiệp hội Thép Châu Âu (EUROFER) đưa ra khiếu nại vào cuối tháng 6/2024, cáo buộc rằng các sản phẩm thép dẹt cán nóng có nguồn gốc từ 4 quốc gia này đang được bán phá giá vào thị trường EU và gây thiệt hại cho ngành công nghiệp của khối.
Thông báo nói rằng cuộc điều tra về bán phá giá tập trung vào giai đoạn từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2024.
Theo thông báo, đương đơn khiếu nại cho rằng trong giai đoạn nêu trên, việc sử dụng giá nội địa ở Việt Nam trong tất cả các tháng là không phù hợp, vì có những giao dịch mua bán đã được thực hiện ở mức dưới giá thành trong một số tháng, và do đó, chúng bị xem là không nằm trong quá trình thương mại thông thường.
Ngoài ra, thông báo còn nêu ra thêm rằng bên khiếu nại đã cung cấp đầy đủ bằng chứng cho thấy có thể có sai lệch về nguyên liệu thô liên quan đến sản phẩm từ Việt Nam và Ấn Độ đang bị điều tra .
Cuộc điều tra sẽ kết thúc trong vòng một năm, với thời gian gia hạn tối đa là 14 tháng.
Ngay sau khi EU thông báo khởi động cuộc điều tra này, Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam khuyến nghị Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra nghiên cứu kỹ các thông tin tài liệu gửi kèm, hợp tác đầy đủ toàn diện với EC để cung cấp các thông tin, tài liệu theo đúng thể thức và thời hạn quy định.
Thép cán nóng (HRC) mà EC đang khởi xướng điều tra được biết là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác, truyền thông Việt Nam loan tin.
Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cho hay mặc dù sản xuất thép của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN, nhưng thép Việt Nam cũng là mặt hàng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ rất nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Malaysia, Indonesia…
“Các nước vận dụng rất nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường của họ”, Cổng thông tin Chính phủ viết.
Trang này dẫn lời bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có đến 73 vụ (tức gần 30%) liên quan các sản phẩm thép.
https://www.voatiengviet.com/a/uy-ban-chau-au-khoi-dong-dieu-tra-thep-can-nong-nhap-khau-tu-viet-nam/7739837.html
Campuchia đảm bảo với Việt Nam về tính minh bạch trong dự án kênh đào Phù Nam
VOA Tiếng Việt
12/8/2024
Khu vực xây dựng sau lễ động thổ Kênh đào Funan Techo ở tỉnh Kandal, Campuchia, vào ngày 5/8/2024.
Một quan chức chính phủ cấp cao của Campuchia hôm 11/8 nói rằng nước này hoàn toàn minh bạch khi lập kế hoạch và xây dựng Kênh đào Funan Techo (Phù Nam) mang tính đột phá, và Việt Nam, với tư cách là đồng minh lâu năm của vương quốc này, nên tin tưởng vào chính quyền Campuchia trong việc giám sát quá trình xây dựng, tờ Khmer Times đưa tin hôm 12/8, sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đó nhiều lần yêu cầu Campuchia hợp tác tiến hành một nghiên cứu và đánh giá toàn diện chung về tác động của siêu dự án trị giá 1,7 tỷ đô la này đối với sông Mekong và môi trường xung quanh.
Dự án kênh đào Phù Nam, do Trung Quốc hậu thuẫn, sẽ nối liền Phnom Penh và Vịnh Thái Lan. Dự án này đã gây ra nhiều tranh cãi trong công chúng về những rủi ro an ninh tiềm tàng đối với các nước láng giềng của Campuchia và toàn bộ Đông Nam Á, cũng như khả năng tác động đến sự ổn định của khu vực và tính bền vững của môi trường.
Bất chấp Việt Nam nhiều lần lên tiếng chính thức và thông qua Ủy hội sông Mekong yêu cầu chia sẻ thông tin về dự án kênh đào, Campuchia cho tới nay dường như vẫn không đáp ứng yêu cầu này.
Hôm 5/8, Campuchia đã động thổ xây dựng kênh đào dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hun Manet.
Kênh đào dài 180 km bắt đầu từ làng Prek Takeo thuộc huyện Kien Svay, tỉnh Kandal, đi qua các tỉnh Kandal, Takeo và Kampot trước khi đổ ra biển ở tỉnh Kep.
Phản ứng về sự kiện này, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt hôm 8/8 nói Việt Nam “ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia và tôn trọng việc Campuchia triển khai Dự án Kênh đào Funan Techo”, nhưng “mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện về những tác động của dự án và có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động”.
Ông So Naro, Bộ trưởng đại biểu phụ trách các vấn đề ASEAN của Campuchia, hôm 11/8 nói với Khmer Times rằng Campuchia hoan nghênh sự hỗ trợ của Việt Nam đối với dự án Kênh đào Phù Nam.
“Chúng tôi thực sự đánh giá cao sự ủng hộ này và đây là một bước tiến tích cực”, ông So Naro nói.
Tuy nhiên, quan chức này tái khẳng định rằng không cần phải nghiên cứu và đánh giá thêm về tác động của Kênh đào Phù Nam vì dự án đã trải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng kéo dài 26 tháng do hơn 40 chuyên gia thực hiện và đã đảm bảo dự án sẽ không gây ra tác động lớn nào đến sông Mekong cũng như môi trường xung quanh.
“Chúng tôi đã đưa ra cam kết với chính phủ Việt Nam về dự án thông qua nhiều kênh, bao gồm cả đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của các quốc gia”, ông nói với Khmer Times. “Chúng tôi cũng đã nộp báo cáo phát hiện của mình cho Ủy hội sông Mekong và chính quyền Việt Nam có thể yêu cầu được tiếp cận các tài liệu. Những lo ngại của họ sẽ được giải quyết bằng những phát hiện trong các báo cáo đó”.
Quan chức của Campuchia cho rằng những lo ngại của Việt Nam có thể xuất phát từ niềm tin rằng Kênh đào Phù Nam sẽ cải thiện tính độc lập và tự chủ của Campuchia về mặt vận tải đường thủy và do đó sẽ ít phụ thuộc hơn vào việc sử dụng các tuyến đường thủy của Việt Nam sau khi dự án hoàn thành, vẫn theo Khmer Times.
Kênh đào Phù Nam là một trong số nhiều dự án cơ sở hạ tầng với nguồn vốn vay từ Trung Quốc, đóng vai trò then chốt trong sáng kiến Vành đai con đường (BRI) của Bắc Kinh.
Tờ The Diplomat hôm 7/8 dẫn những phân tích gần đây cho thấy dự án kênh đào này chỉ mang lại lợi ích kinh tế tối thiểu. Tuy nhiên, tầm quan trọng của kênh đào không chỉ giới hạn ở hàng hải, mà có lẽ hướng nhiều hơn đến khai thác mỏ, nông nghiệp và hiện đại hóa công nghiệp ở miền Nam Campuchia, nơi có Căn cứ Hải quân Ream do Trung Quốc hậu thuẫn và các vùng kinh tế của Trung Quốc.
Các chuyên gia trong khu vực và địa phương đã lên tiếng lo ngại về những tác động không thể khắc phục mà kênh đào có thể gây ra đối với hệ sinh thái địa phương và hàng triệu người dân ở cả Campuchia và các tỉnh biên giới Việt Nam.
Về phía Việt Nam, thiết kế kém và quản lý dự án yếu kém có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước hiện tại ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các chuyên gia ước tính trong trường hợp xấu nhất, nghĩa là khi kênh đào được sử dụng để tưới tiêu vào mùa khô, thì hệ thống tưới tiêu do kênh đào tạo ra sẽ chuyển hướng khoảng 30-50% lượng nước sông Mekong vào mùa khô.
Còn nếu kênh đào được “vũ khí hóa” bằng cách chuyển hướng nước từ sông Mekong đến các cửa sông ven biển, như một số nhà phân tích lo ngại, thì điều này chắc chắn có thể khiến an ninh lương thực và nước của Việt Nam gặp rủi ro cực độ, tạo cho Phnom Penh đòn bẩy đáng kể so với nước láng giềng.
Về mặt địa chính trị, kênh đào, với tiềm năng thúc đẩy các khu kinh tế do Trung Quốc hậu thuẫn và các cơ sở quân sự gần biên giới phía tây nam của Việt Nam, đặt ra một thách thức có thể thấy trước đối với an ninh quốc gia của Việt Nam, vẫn theo nhận định của The Diplomat.
https://www.voatiengviet.com/a/7739234.html
CÁI LÝ CỦA HUN SEN
Hòa OC
Có một nhà báo Mỹ hỏi Hun Sen có sợ thiên hạ gièm pha là ông thâu tóm quyền lực cho dòng họ kiểu cha truyền con nối, Hun Sen liền trả lời:
- Bush con cũng tranh cử và thắng cử giống con trai Hun Manet của tôi thôi. Bush cũng là con trai của tổng thống Mỹ vậy thôi.
Nhà báo Mỹ đớ người vì quả thật Hun Manet có tranh cử và thắng cử. Còn chuyện bầu cử có minh bạch hay không thì không ai chắc, nhưng chắc chắn nhà báo Mỹ không dám hỏi thêm, vì sợ Hun Sen phản đòn một câu nữa hỏi ngược về bầu cử Mỹ thì tiêu.
Những năm gần đây, Campuchia thu hút vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc rất nhiều, nổi bật nhất là thành phố biển Sihanoukville. TQ có tham vọng biến nơi đây thành Macau thứ 2. Hiện tại Sihanoukville có rất nhiều công trình bị bỏ hoang vì ảnh hưởng đại dịch và sự sụp đổ của thị trường địa ốc TQ khiến nhiều nhà đầu tư địa ốc TQ phải bỏ của chạy lấy người. Dù có nhiều công trình còn ngổn ngang nhưng Sihanoukville và Campuchia có được những cơ sở hạ tầng đường sá rất đẹp.
Ngoài thành phố biển Sihanoukville ra, TQ còn tặng cho Campuchia 1 sân vận động quốc gia to hơn, đẹp hơn và hiện đại hơn sân vận động quốc gia Mỹ Đình, dù sân Mỹ Đình là sân TQ thầu chớ không tặng không như sân của Campuchia. TQ còn cho vay và đang thầu xây sân bay quốc tế ở Phnôm Pênh trị giá 1.5 tỉ đô la có tên là Techo International Airport, dự là sẽ khai trương vào năm 2025.
Tuần trước TQ còn cho vay và thầu xây dựng kênh đào Funan Techo Canal có giá 1.7 tỉ đô la. Tính về mặt giao thông đường thủy và thủy lợi thì kênh đào này có lợi cho nền kinh tế của Campuchia.
Trước đó TQ cũng đã hoàn tất cải tạo quân cảng Ream với cầu cảng hiện đại đón được chiến hạm và tàu ngầm, và có thể đón được hàng không mẫu hạm của TQ.
Khi sân bay quốc tế Phn ôm Pênh xây xong, thì với 4 đại công trình này, Campuchia đã qua mặt Việt Nam toàn diện về đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế và quốc phòng. Cụ thể là Campuchia hơn Việt Nam ở mảng sân bay quốc tế, sân vận động quốc gia, đầu tư cho nông nghiệp và quân sự.
Tới đây chắc mỗi một người dân Việt rờ lại sau ót mình và hết chê dân Miên rồi, cũng không còn ai nói câu: Xứ gì mà có mỗi một trái cam mà cũng xúm lại chia.
Nhắc tới những thành tựu có thể kiểm chứng được của Campuchia không phải để chê Việt Nam, mà để thấy cái lý của Hun Sen. Hun Sen đúng là độc tài, đúng là gia đình trị cha truyền con nối, nhưng Hun Sen được lòng đa số dân Campuchia vì có những công trình vì dân.
Trong một diễn biến khác, cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng được lòng dân nhờ cái lò, chớ không nhờ làm được một công trình dân sinh nào hay bất cứ công trình nào có lợi cho nền kinh tế và sự phát triển của quốc gia. Đó là chưa kể ông bắt chuột rồi thả, thu 3/4 tiền khắc phục hậu quả mà dân chẳng thấy có đồng nào thêm vào túi của mình. Nhiều cựu tứ trụ thì bị kết tội chung chung, nói chung là tham nhũng nhưng chưa thấy lấy lại một đồng nào, và không thấy bị kết tội hay ở tù.
Lò của ông cố tổng chỉ đốt mấy nhành củi nhỏ khẳng khia, còn mấy nhánh củi gộc thì đem về trang trí trong nhà. Ấy thế mà vẫn được ca tụng là người đốt lò vĩ đại. Người đốt lò vĩ đại mà củi thì bé tẻo teo. Củi Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng hay Vương Đình Huệ chắc để trưng bày như gốc cổ thụ quý hay sao ?
Hun Sen độc tài như có công trạng và thành tựu gấp ngàn lần ông đốt lò. Huyền thoại người đốt lò vĩ đại sẽ bị xua tan trong một ngày gần đây thôi.
Hi vọng ông tổng mới hãy xua tan huyền thoại này, hãy đốt củi đủ lớn để lò được cháy lâu hơn, và hãy làm cái gì lớn cho dân như Hun Sen đã và đang làm cho người dân Campuchia.
Tính ra cái lý của Hun Sen rất hay.
https://www.facebook.com/vietwarrior
Reuters: Tân tổng bí thư Việt Nam thăm Trung Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên
12/8/2024
Reuters
Ông Tô Lâm - tân tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam.
Nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam Tô Lâm sẽ thăm Trung Quốc vào tuần tới trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi được bổ nhiệm làm tổng bí thư của Đảng Cộng sản cầm quyền vào đầu tháng 8, Reuters dẫn lời ba quan chức am tường cho biết hôm 12/8.
Động thái này càng khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước láng giềng do cộng sản lãnh đạo, vốn có quan hệ kinh tế và thương mại phát triển mặc dù thỉnh thoảng xảy ra xung đột về lãnh thổ ở khu vực Biển Đông giàu năng lượng, tuyến đường thủy thương mại quan trọng mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ khiến một số quốc gia trong khu vực bất bình.
Theo tiết lộ của hai quan chức Việt Nam và một nhà ngoại giao tại Hà Nội, tân Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm có kế hoạch đến Trung Quốc vào ngày 18/8. Ông sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác trong hai ngày tiếp theo. Các nguồn tin từ chối nêu danh tính vì chuyến đi chưa được công bố chính thức.
Bộ ngoại giao Trung Quốc và Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Trong cương vị chủ tịch nước kể từ tháng 5, ông Tô Lâm, 67 tuổi, đã đến thăm Lào và Campuchia, theo chân những người tiền nhiệm. Ông cũng đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã đến thăm Hà Nội vào tháng 6 và có cuộc điện đàm với ông vào tuần trước sau khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu đảng Cộng sản.
Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông được bổ nhiệm làm tổng bí thư vào ngày 3/8, sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời hai tuần trước đó.
Cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đều chúc mừng ông Tô Lâm sau khi ông được bổ nhiệm làm tổng bí thư, trong khi một số nhà đầu tư tại trung tâm công nghiệp khu vực cho rằng việc ông Tô Lâm lên nắm giữ chức vụ cao nhất có thể giúp chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị gần đây đã làm chậm lại các dự án và cải cách.
Theo nhiều quan chức Việt Nam và nước ngoài, ông Tô Lâm, vốn là một vị tướng và cựu bộ trưởng công an, có thể sẽ từ bỏ chức chủ tịch nước trong những tháng tới, nhiều khả năng là khi quốc hội họp phiên họp thường kỳ vào tháng 10.
Philippines mua gạo Việt Nam trị giá 1,2 tỷ USD
RFA
12/8/2024
Philippines trong sáu tháng đầu năm 2024 đã chi 1,2 tỷ USD mua gạo Việt Nam, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo điện tử Chính phủ
Philippines trong sáu tháng đầu năm 2024 đã chi 1,2 tỷ USD mua gạo Việt Nam, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết số liệu vừa nêu và truyền thông Nhà nước loan tin ngày 11/8.
Trước đó vào ngày 8/7, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel đến thăm tỉnh An Giang và bày tỏ mong muốn các công ty lúa gạo Việt Nam xem xét việc đầu tư vào đất nước Philippines. Theo lời Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines thì dân chúng nước ông tăng 1,5% mỗi năm; thế nhưng nguồn cung ứng nội địa về lúa gạo không đáp ứng được nhu cầu nên cần phải gia tăng nhập khẩu.
Vào tháng 1 vừa qua, trong chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hai phía ký thỏa thuận về mua bán gạo và hợp tác nông nghiệp.
Ngoài gạo, Philippines còn nhập các mặt hàng khác từ Việt Nam gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 175,2 triệu USD; clinker và xi măng đạt 171,1 triệu USD; cà phê đạt 133,8 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 132,6 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 89,6 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 87,6 triệu USD; sắt thép các loại đạt 62,6 triệu USD; hàng dệt may đạt 60,6 triệu USD; giày dép các loại đạt 51,9 triệu USD.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Philippines trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 1,28 tỷ USD, tăng 19,5% so với 6 tháng đầu năm 2023. Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 779,2 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 132,3 triệu USD; kim loại thường các loại đạt 103 triệu USD; dây điện và dây cáp điện đạt 48,7 triệu USD.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/philippines-spent-usd-1-point-2-billion-to-buy-vietnams-rice-08122024085424.html
Không có nhận xét nào