Header Ads

  • Breaking News

    Xây dựng nhà nước Đệ nhị Cộng hòa ...

     

    Xây dựng nhà nước Đệ nhị Cộng hòa - Kỳ 4: Việt Nam Cộng hòa thất bại trước cộng sản, vì sao vậy?

    Hoàng Dạ Lan /Tạp chí Luật Khoa

    11/7.2024

    Sài Gòn năm 1969 - Góc đường Bạch Đằng - Lê Quang Định, phía trước chợ Bà Chiểu. Ảnh: Dr. William Bollhofer/ manhhai/ Flickr. 

    Trong các cuộc tranh luận về lý do thất bại của Việt Nam Cộng hòa trước cộng sản Bắc Việt, nhiều ý kiến cho rằng nỗ lực dân chủ hóa là một sai lầm chiến lược. Theo quan điểm này, chính quyền miền Nam lẽ ra nên theo đuổi một chế độ độc tài mạnh mẽ hơn để quản lý dân chúng và giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến.

    Tuy nhiên, người viết muốn đưa ra một góc nhìn khác về nguyên nhân thất bại. Đó chính là việc thực hiện các cải cách chính trị nửa vời cùng với sự xói mòn dân chủ đã làm suy giảm niềm tin của dân chúng vào khả năng lãnh đạo và cam kết của chính quyền. Nói cách khác, việc chính quyền miền Nam chưa thu phục được nhân tâm và chưa khiến dân chúng ủng hộ nhiệt thành là nguyên dân làm suy yếu khả năng kháng cự của họ trước áp lực từ Bắc Việt.

    Trong một cuộc chiến tranh cách mạng (revolutionary war) lâu dài và phức tạp như chiến tranh Việt Nam, nơi không có chiến trường và chiến tuyến cố định, đối mặt với các chiến dịch tuyên truyền của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam rằng họ mới là đại diện chân chính cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân miền Nam, thì việc chính quyền Việt Nam Cộng hòa duy trì tính chính danh và giành được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân càng có ý nghĩa sống còn. Không có giải pháp thuần túy quân sự cho cuộc chiến. [15]

    Mặt khác, bài viết này chỉ ra rằng các thiết chế dân chủ của Việt Nam Cộng hòa đã có nhiều tác động tích cực đến quản trị quốc gia, góp phần giải quyết phần nào nhiều vấn nạn trong bộ máy chính quyền của miền Nam, đặc biệt là trong pháp nhiệm đầu tiên.

    Những tác động tích cực của các thiết chế dân chủ

    Các học giả chính trị học thường phân biệt rạch ròi hai khái niệm “xây dựng nhà nước” (state building) và “xây dựng dân chủ” (democracy building). Xây dựng nhà nước tập trung vào việc duy trì bộ máy hành chính hiệu lực và hiệu quả, cũng như thiết lập và duy trì lực lượng an ninh và quân đội để đảm bảo an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Trong khi đó, xây dựng dân chủ chú trọng vào việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng, cũng như bảo vệ các quyền tự do cơ bản của công dân như tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do hội họp, v.v. 

    Trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, các lãnh tụ chính trị thường bị đặt ở thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc xây dựng nhà nước hay xây dựng dân chủ, tức ưu tiên an ninh quốc gia hay bảo vệ quyền công dân. Họ cũng lo sợ kẻ thù lợi dụng các thiết chế dân chủ để phá hoại sự đoàn kết quốc gia và gây xáo trộn trong xã hội.

    Nhưng khá thú vị khi nghiên cứu của Goodman cho ta thấy hai quá trình này không mâu thuẫn, ngược lại còn có thể bổ sung cho nhau. Xây dựng dân chủ hoàn toàn có thể thúc đẩy quá trình xây dựng nhà nước. 

    Như đã đề cập ở kỳ 3, mặc dù có những hạn chế nhất định, nhưng hoạt động của nhiều dân biểu Hạ viện trong pháp nhiệm đầu tiên đã tác động tích cực đến hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao năng lực hành chính của địa phương. Sự tồn tại của cơ quan lập pháp tạo ra một cơ chế đối trọng, giúp kiểm soát và cân bằng quyền lực với Chính phủ.

    Các quan chức hành pháp phải giải thích cho các hành động và quyết định của họ trước đại diện của nhân dân. Sự minh bạch này góp phần giảm bớt tình trạng tham nhũng và lạm quyền cũng như đóng vai trò nuôi dưỡng niềm tin giữa người dân với chính quyền.

    Thêm vào đó, cơ quan lập pháp khuyến khích sự tham gia chính trị rộng rãi hơn. Cụ thể, chế độ nghị viện từng bước thuyết phục các nhóm dân tộc và tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, tham gia vào quy trình chính trị và đàm phán với chính quyền một cách ôn hòa. Đây là một thành tựu đáng kể nếu so sánh với mối quan hệ giữa Phật giáo và chính quyền trong giai đoạn trước đó. 

    Trong nền Đệ nhất Cộng hòa, chính sách đàn áp Phật giáo, sự kiện hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và sự phẫn nộ của cộng đồng Phật tử là một trong số những nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Phật giáo cũng là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia vào các cuộc biểu tình đấu tranh chống chế độ độc tài quân sự trong biến động miền Trung năm 1966.

    Năm 1967, do những mâu thuẫn lịch sử với chính quyền từ trước, nhiều Phật tử quyết định tẩy chay các cuộc bầu cử Tổng thống và lưỡng viện Quốc hội. Kết quả là, đại diện của Phật giáo trong Quốc hội, đặc biệt là ở Thượng viện, không phản ánh đúng tỷ lệ của họ trong dân số.

    Tuy nhiên, đến cuộc bầu cử bán phần Thượng viện năm 1970, cộng đồng Phật giáo đã quyết định cùng các đảng phái và tôn giáo khác tham gia vào cuộc chơi dân chủ. Họ đã tham gia một cách chủ động, tích cực, góp phần giúp liên danh Hoa Sen của giáo sư Vũ Văn Mẫu giành được số phiếu cao nhất trong số ba liên danh chiến thắng. [16]

    https://lh7-us.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXfdpIMHjrNf_SnuOaDV31XxoYIQRlpiF8_vrNcUv77biDVTFKFxDaBhV0mvHoGKaHN6TliUWpM7xjJxMMdnhosuBFxW2zLRD3M8e0_l607xL5cpcoTLqOvuIvxY41m4ijXelsut5XHwyTFTEClabwKf8rYA?key=9ZaefQrbDn4dXWk9q3FXxQ

    Địa điểm bỏ phiếu bầu bán phần Thượng viện tại Tòa Đô Chánh năm 1970. Nguồn ảnh: Douglas Pike Photograph Collection, Vietnam Center and Sam Johnson Vietnam Archive, Texas Tech University.

    Việc có nhiều dân biểu và nghị sĩ theo đạo Phật trong lưỡng viện Quốc hội cung cấp nền tảng để Phật giáo tạo ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tôn giáo và khuyến khích các Phật tử cực đoan thay đổi thái độ, trở nên ôn hòa và hợp tác hơn.

    Thêm vào đó, một sự thật lịch sử rất quan trọng nhưng ít được nhắc đến, là việc tổ chức Quốc hội Lập hiến, thông qua hiến pháp mới cùng các cuộc bầu cử dân chủ diễn ra sau đó cũng góp phần tăng tính chính danh cho chính quyền và đưa miền Nam thoát khỏi giai đoạn quân quản hỗn loạn 1964-1967. 

    Trước chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, quân đội cộng sản Bắc Việt và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam kỳ vọng rằng việc tấn công bất ngờ vào các thành phố lớn sẽ kích động quần chúng tại miền Nam nổi dậy lật đổ “chính quyền Mỹ - Ngụy,” làm rung chuyển nền tảng xã hội và chính trị của chính quyền Sài Gòn, tương tự như các cuộc biểu tình ở miền Trung năm 1966. 

    Tuy nhiên, kết quả thực tế của chiến dịch không như mong đợi của phe cộng sản. Việc quần chúng miền Nam không nổi dậy như kỳ vọng chứng tỏ các thiết chế dân chủ được thiết lập thông qua bầu cử trước đó đã củng cố niềm tin và sự ủng hộ của người dân với chính quyền, từ đó tăng sức kháng cự của miền Nam trước các cuộc tấn công quân sự của cộng sản. [17]

    Dân chủ thoái trào (democratic backsliding)

    Ở pháp nhiệm đầu tiên, các cuộc bầu cử diễn ra công bằng và dân chủ, giúp lựa chọn những người tài đức vào Thượng viện và Hạ viện. Lưỡng viện Quốc hội giữ được tư thế độc lập so với hành pháp. 

    Tuy nhiên, mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp vốn nhiều bất đồng nay lại trở nên căng thẳng hơn khi xảy ra vụ án xét xử dân biểu Trần Ngọc Châu vào năm 1970. Ông Châu bị cáo buộc liên hệ Việt Cộng thông qua anh trai của mình là Trần Ngọc Hiền, bị buộc tội phản quốc và âm mưu lật đổ chính quyền.

    Phiên tòa xét xử Trần Ngọc Châu chịu nhiều chỉ trích trong nước lẫn quốc tế vì nhiều người xem đây là một hành động nhằm dập tắt tiếng nói đối lập và củng cố quyền lực của Tổng thống Thiệu.

    https://lh7-us.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXdX-wDzzBuT_S6KSE6pLves15uxxrkW6AAAOeIeqF26K1dBHQUCSGZDW-pPQ490kRsKHaUhpgJnR0RHr09kG8CPV4fAeyt7_-y1kqvdZGCqOweF6hDaZGCZ38QZ4sxX4c0ZsSafUPSpzkxBtYtT6TBUPgU?key=9ZaefQrbDn4dXWk9q3FXxQ

    Dân biểu Trần Ngọc Châu và bà Nguyễn Phước Đại, một trong những luật sư của ông tại phiên tòa. Bà Đại là Phó chủ tịch Thượng viện, từng là một luật sư nổi tiếng tại Pháp trước khi trở về hành nghề luật tại Sài Gòn. Nguồn ảnh: Manh Hai Gallery/ Flickr.

    Trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 1971, chính quyền Thiệu bị cáo buộc can thiệp vào quy trình bầu cử, bao gồm sử dụng lực lượng cảnh sát và an ninh đe dọa các ứng viên đối lập và những người ủng hộ họ. Tổng thống cũng bị cáo buộc ra lệnh cho các tỉnh trưởng ở những khu vực nông thôn đang bị chiến tranh (những vùng “xôi đậu”) gian lận và thao túng kết quả bầu cử. [18] Những vấn đề này làm suy giảm niềm tin của người dân vào hệ thống bầu cử và gia tăng bất ổn chính trị - xã hội tại miền Nam.

    Cũng trong năm 1971, cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra với Nguyễn Văn Thiệu là ứng viên duy nhất. Các ứng viên đối lập như Dương Văn Minh và Nguyễn Cao Kỳ cáo buộc chính quyền Thiệu sử dụng nhiều biện pháp gây khó khăn cho các đối thủ chính trị và lần lượt rút lui. Điều này làm xói mòn tính chính danh của chế độ và làm suy yếu uy tín của Thiệu trước dư luận quốc tế. 

    Từ năm 1972 khi tình hình chiến sự trở nên ngày càng ác liệt, Tổng thống Thiệu dùng nhiều thủ đoạn chính trị khác nhau, từ mua chuộc đại biểu dân cử, ban hành quy chế báo chí đến các sắc luật chính đảng, nhằm tăng cường quyền lực, đàn áp đối lập và làm suy yếu tính độc lập của Quốc hội. 

    Ví dụ tiêu biểu về xu hướng độc tài của hành pháp là việc ban hành Sắc luật số 060-TT/SLU ngày 27/12/1972, sửa đổi một số quy định về chính đảng theo hướng khắt khe hơn. Phủ tổng thống biện minh rằng cần siết chặt quy định về chính đảng để khắc phục thực trạng phân hóa, yếu kém của các đảng phái quốc gia, với mục đích tối hậu là giúp lực lượng quốc gia đủ sức đương đầu với cộng sản trong một cuộc đấu tranh chính trị trực tiếp và công khai trong tương lai. 

    Tuy nhiên, sau ba tháng ban hành, những yêu cầu ngặt nghèo của sắc luật khiến cho hàng loạt các đảng phái quốc gia phải tự hủy thể và giải tán trên giấy tờ. Trên chính trường chỉ còn Đảng Dân chủ do Tổng thống Thiệu là đảng trưởng mới hội đủ các điều kiện do sắc luật đặt ra. Sắc luật này sau khi ra đời bị coi là vi hiến, phản dân chủ và chịu sự chỉ trích dữ dội từ nhiều đảng phái chính trị và phong trào nhân dân. [19]

    Tóm lại, việc hành pháp thâu tóm quyền lực đã làm chính trị phân hóa sâu sắc, gia tăng bất ổn xã hội, khiến trí thức và quần chúng nói chung ngày càng bất mãn với chính quyền.

    Trong khi đó, Quốc hội gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút sự ủng hộ rộng rãi từ dân chúng. Thiểu số đối lập trong Quốc hội không xây dựng được các gói chính sách thay thế hấp dẫn, chưa hoàn thành vai trò đối trọng và kiểm soát hành pháp. Thậm chí vì vậy mà một số thành phần bất mãn trong xã hội xem các tổ chức cộng sản như Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là đối lập đích thực với chính quyền và xứng đáng được ủng hộ. [20]

    Trên bình diện quốc tế, việc Hoa Kỳ hợp tác Trung Hoa Cộng sản và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam sau Hiệp định Paris đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong cục diện chiến tranh. Bộ Chính trị của Bắc Việt, đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Duẩn, nắm rõ lời hứa của cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger với các lãnh đạo của Liên Xô và Trung Quốc rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp trở lại Việt Nam sau khi rút quân và sẽ để cho các lực lượng tại chỗ tự quyết định tương lai của đất nước. Hiểu rõ điều này và thực trạng chính quyền Thiệu ngày càng mất lòng dân, Bộ Chính trị Bắc Việt quyết định phát động các cuộc tấn công tổng lực để giành chiến thắng bằng mọi giá. [21]

    https://lh7-us.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXfuewicxepFVePwYhXQvS0aFBtw0zj0VONJHEsWqwmLqH8mfic8a2SBaa67mChICDXpbGVSVQM-54dLJYmnP_lb_lLtp86j8AFtk0bjKoZWqffEv0_NVCaQkEiU_XZAd7kjyXxOqYn2Q_8nhs_IMfgzIEvZ?key=9ZaefQrbDn4dXWk9q3FXxQ

    Tổng thống Nixon thử một “món mới” ở Trung Hoa (tên gốc tiếng Anh: Nixon tries a new course in China). Nguồn ảnh: LIFE magazine, số báo ngày 29/12/1972).

    Trong cuộc chiến tổng lực với những người cộng sản, chính phủ Nguyễn Văn Thiệu thiếu sự chuẩn bị về trang thiết bị quân sự và mắc phải nhiều sai lầm chiến thuật ở cao nguyên và duyên hải miền Trung. 

    Khi tổng kết về những nguyên nhân dẫn đến thất bại trước cộng sản trong bài phúc trình trước Thượng viện ngày 27/3/1975, thuyết trình đoàn đã nhận định như sau:

    “Vì không có quan điểm vị quốc gia và vị đại chúng nên nhà cầm quyền đã không tìm kiếm sự tham dự của nhân dân (qua các xu hướng tôn giáo, chính trị, nghề nghiệp) trong việc hoạch định chính sách, không đếm xỉa tới những ý kiến sửa sai không những từ phía đối lập mà cả từ phía thân chính nữa. Sự tập quyền lãnh đạo quá mức khiến chính phủ bị hoàn toàn tê liệt, thiếu sáng kiến và trốn tránh trách nhiệm. Sư tê liệt còn lan rộng tới các cơ chế hiến định như Quốc hội, Tối cao Pháp viện, Giám sát viện v.v., khiến các định chế này không chu toàn được trách nhiệm trước quốc dân.
    Vì không có quan điểm vị quốc gia và vị đại chúng, nên các kế hoạch của chính phủ thường có tính cách cục bộ, vá víu tùy hứng với những giải pháp lười biếng, dễ dãi nhất mà nạn nhân lại chính là nhân dân bị coi như những vật thí nghiệm. Vì lười biếng nên mới quá ỷ lại vào ngoại viện và thiếu sự tiên liệu những biện pháp ứng phó với viễn cảnh giảm bớt ngoại viện để đến nỗi thể diện và quyền lợi quốc gia bị thương tổn”.

    Những yếu tố bên trong lẫn bên ngoài kể trên góp phần đặt dấu chấm hết cho nền Đệ nhị Cộng hòa. Thử nghiệm dân chủ của chính quyền miền Nam kết thúc lỡ dở và để lại nhiều nuối tiếc.

    Chú thích

    [15] Hall, B. (2021). Political legitimacy: The 1971 Vietnamese Presidential election. Australia’s Vietnam War. https://vietnam.unsw.adfa.edu.au/political-legitimacy-the-1971-vietnamese-presidential-election/

    [16] Tai Van Ta (2020). Democracy in action: The 1970 Senatorial elections in the Republic of Vietnam. US Vietnam Research Center. https://usvietnam.uoregon.edu/en/democracy-in-action-with-american-influence-the-1970-senatorial-elections-in-the-republic-of-southvietnam-and-the-opinions-and-behavior-of-voters-part-i/

    [17] Veith, G. J. (2021). Drawn swords in a distant land: South Vietnam’s shattered dreams. Encounter Books.

    [18] Nguyen, R. (2023). Hiến pháp Đệ nhị Cộng hòa: Những được và mất của thể chế dân chủ. US Vietnam Research Center. https://usvietnam.uoregon.edu/hien-phap-de-nhi-cong-hoa-nhung-duoc-va-mat-cua-the-che-dan-chu/?ref=luatkhoa.com

    [19] Bài thuyết trình của Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu về quy chế chánh đảng tại phiên họp khoáng đại Thượng Nghị viện ngày 20/01/1975.

    [20] Trần Văn Tuyên (1971). Sự phát triển dân chủ tại VNCH. Tập san Quốc phòng, số 10, 4-1971, trang 65-76.

    [21] Tai Van Ta (2020), part 5.

    https://www.luatkhoa.com/2024/07/xay-dung-nha-nuoc-de-nhi-cong-hoa-ky-4-viet-nam-cong-hoa-that-bai-truoc-cong-san-vi-sao-vay/


    Không có nhận xét nào