Kỳ 3: Quốc hội làm gì?
Hoàng Dạ Lan /Tạp chí Luật Khoa
10/7/2024
Bầu cử Hạ viện năm 1971. Nguồn ảnh: Manh Hai Gallery/ Flickr.
July 10 2024 6:06 AM 13 phút đọc
Với hai kỳ trước của loạt "Xây dựng nhà nước Đệ nhị Cộng hòa", độc giả đã có cái nhìn tổng quan về các nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp, cũng như mô hình, tổ chức của một quốc hội còn non trẻ ở pháp nhiệm đầu tiên. Kỳ ba, tác giả sẽ cung cấp thông tin rõ hơn nữa về chức năng, vai trò của Hạ viện.
Phục vụ cử tri, giáo dục quan chức
Theo nghiên cứu của Goodman, hầu hết các dân biểu nhận định rằng công tác phục vụ cử tri là đóng góp quan trọng nhất của Hạ viện cho đời sống chính trị và xã hội của miền Nam. Hoạt động này giúp thiết lập mối liên kết giữa dân chúng và chính quyền, một điều chưa từng tồn tại dưới sự cai trị của Pháp và Ngô Đình Diệm.
Trong Hạ viện, khoảng 1/3 dân biểu chú trọng vào công tác phục vụ cử tri (service-oriented deputies). Xu hướng này thể hiện qua việc các dân biểu:
Duy trì ít nhất một văn phòng đại diện có nhân viên hoạt động thường trực tại địa phương;
Gia đình của dân biểu vẫn thường trú tại địa phương trong khi họ họp Quốc hội ở Sài Gòn và các dân biểu quay về khu vực bầu cử ít nhất mỗi tháng một lần;
Thúc đẩy và thực hiện một hoặc nhiều dự án phát triển tỉnh nhà ở cấp độ địa phương hay quốc gia;
Tham gia vào các dự án phúc lợi xã hội do các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị tại địa phương bảo trợ. [10]
Thông thường, họ dành ra khoảng 2/3 quỹ thời gian để xử lý các vấn đề tại khu vực bầu cử và 1/3 quỹ thời gian cho các vấn đề lập pháp.
Các đại biểu hoạt động năng nổ nhất tại khu vực bầu cử cho biết hầu hết các vấn đề mà họ xử lý xuất phát từ sự kém cỏi và thiếu trách nhiệm của chính quyền. Hình ảnh dưới đây tóm lược năm loại vấn đề chính mà các dân biểu chuyên phục vụ cử tri phải xử lý, cùng với tỷ lệ của từng vấn đề trong khối lượng công việc trung bình hằng năm (khoảng 200 - 300 vụ).
Các vấn đề trong công tác phục vụ cử tri dựa trên việc phỏng vấn tổng cộng 60 dân biểu Hạ viện. Nguồn: Goodman (1973), trang 212.
Từ đó, ta thấy rằng việc giải quyết các bất cập liên quan đến chương trình Phượng Hoàng chiếm một tỷ trọng khá lớn trong công tác phục vụ cử tri của dân biểu. Nói thêm, chương trình Phượng Hoàng là sự hợp tác giữa lực lượng quân sự và tình báo của Việt Nam Cộng hòa và Mỹ nhằm tìm kiếm và tiêu diệt các phần tử cộng sản trong các cộng đồng dân cư. Chiến dịch này đã gây ra nhiều tranh cãi và bị chỉ trích vì liên quan các vi phạm về nhân quyền.
Trong nghiên cứu của mình, Goodman cũng đưa ra nhiều phê phán đối với chương trình này. Ông cho biết đã có những cáo buộc về việc các đặc vụ hoặc quan chức địa phương lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân, buộc người dân phải hối lộ cho mình để được yên ổn, thay vì nhắm mục tiêu vào Việt Cộng. Những vụ bắt giữ tùy tiện và hành vi tham nhũng kiểu này làm suy giảm hiệu quả của chương trình, làm người dân oán giận và mất lòng tin với chính quyền.
Dân biểu Hạ viện can thiệp, giúp phóng thích những người bị bắt giữ và tra tấn trái phép trong chiến dịch Phượng Hoàng là nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân theo Điều 7 và Điều 8 của Hiến Pháp 1967, bao gồm quyền an toàn cá nhân, quyền biện hộ, quyền suy đoán vô tội, và quyền được xét xử công khai và nhanh chóng. Đây là bước đầu trong việc giáo dục các quan chức địa phương về Hiến pháp quốc gia.
Sau này, Hạ viện tập trung thúc đẩy “quy trình tố tụng chuẩn” (due process) nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, ngăn chặn sự lạm quyền của hành pháp và hạn chế quyền lực của lực lượng quân đội và an ninh ở mọi cấp độ chính quyền. Quy trình tố tụng chuẩn được xem như một công cụ để Quốc hội gia tăng quyền lực của mình trong mối quan hệ với hành pháp.
Các đội Phượng Hoàng thực hiện nhiệm vụ tại Tây Ninh năm 1969. Nguồn ảnh: Douglas Pike Photograph Collection, Vietnam Center and Sam Johnson Vietnam Archive, Texas Tech University.
Chiến dịch chống tham nhũng tại địa phương
Một phát hiện thú vị trong nghiên cứu của Goodman là vai trò tích cực của một số dân biểu trong việc đấu tranh với các quan chức tham nhũng tại địa phương.
Trong thời gian nghiên cứu thực địa tại miền Nam, Goodman nhận thấy một tồn tại lớn trong hệ thống chính quyền các cấp là tham nhũng và không mấy quan tâm tới nguyện vọng của dân chúng.
Thủ tướng Trần Văn Hương coi tham nhũng trong chính quyền là một căn bệnh ung thư, có thể khiến miền Nam rơi vào tay cộng sản. Những người cộng sản thường tuyên truyền rằng họ không chấp nhận tham nhũng. Họ tận dụng tình trạng tham nhũng ở miền Nam để gia tăng sự bất mãn của quần chúng nhân dân đối với chính quyền, nhấn mạnh sự chênh lệch giữa cuộc sống của người giàu và người nghèo. [11]
Thực trạng này của chính quyền xuất phát từ thực tế rằng con đường hoạn lộ của các quan chức không phụ thuộc vào lá phiếu và sự hài lòng của người dân. Cụ thể, các tỉnh trưởng thường được bổ nhiệm bởi các tướng lĩnh cấp cao ở Sài Gòn. Vị trí của một tỉnh trưởng có thể bị đe dọa nếu tướng lãnh đã bổ nhiệm họ mất đi quyền lực. Ví dụ, trong cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, khi Thiệu thắng thế, những tỉnh trưởng thuộc phe Kỳ sẽ bị thay thế trong một “chiến dịch chống tham nhũng”.
Ngoài ra, những tỉnh trưởng rành rẽ việc viết báo cáo và thuyết phục được thượng cấp rằng tỉnh nhà đang đạt được nhiều “thành tựu” thì sẽ có cơ hội thăng tiến, dù những báo cáo này có thể không phản ánh đúng thực tế.
Trong trường hợp tỉnh trưởng tham nhũng, các cố vấn Mỹ có thể phản đối và tạo áp lực lên thượng cấp của họ ở Sài Gòn, buộc thuyên chuyển tỉnh trưởng đến một địa phương khác hoặc giao cho người này một nhiệm vụ khác.
Cuối cùng, vị trí của một tỉnh trưởng tham nhũng có thể bị thách thức bởi một chiến dịch chống lại ông ta tại địa phương, được dẫn dắt bởi một dân biểu Hạ viện. Chiến dịch kiểu này thường kéo dài trong khoảng từ 3 - 6 tháng. Goodman ghi nhận đã có bốn chiến dịch như vậy được phát động.
Dân biểu có thể thu thập bằng chứng tham nhũng và viết thư cho cử tri tại địa phương kêu gọi họ ủng hộ chiến dịch. Tại Sài Gòn, các cáo buộc được ghi vào biên bản của Quốc hội và thường được đăng trên báo của phe đối lập kèm theo các bài xã luận ủng hộ. Dân biểu cũng có thể đưa các bằng chứng tham nhũng cho các cố vấn Mỹ và thuyết phục họ gây thêm áp lực lên Sài Gòn nhằm loại bỏ tỉnh trưởng đã nhúng chàm.
Một số chiến dịch kiểu này đã đạt thành công ngoài mong đợi. Trong hai chiến dịch đặc biệt gay gắt, các tỉnh trưởng giảm đáng kể hành vi tham nhũng và bắt đầu thực hiện công vụ một cách trách nhiệm hơn.
Tuy nhiên, các dân biểu nhận định rằng chiến dịch chống tham nhũng kiểu này cần được tiến hành thật cẩn trọng. Nếu không loại bỏ được các quan chức tham nhũng, mối hằn thù của họ sẽ khiến dân biểu không thể tiếp tục thực hiện công tác phục vụ cử tri tại địa phương.
Bầu cử Hạ viện năm 1971 tại trường Gia Long. Nguồn ảnh: Manh Hai Gallery/ Flickr.
Mua chuộc dân biểu
Theo nghiên cứu của Goodman, lý do chính dẫn đến mâu thuẫn giữa hành pháp và lập pháp trong nền Đệ nhị Cộng hòa là do trong bộ máy hành pháp có nhiều cựu quân nhân nắm quyền. Những người này vốn quen với cách vận hành theo mệnh lệnh trong quân ngũ, cấp trên ra lệnh mà không bị cấp dưới chất vấn. Họ cũng thiếu các kỹ năng đàm phán cần thiết để làm việc với đại diện của các cơ quan lập pháp. [12]
Trong khi đó, như đã bàn ở kỳ 1, Hiến pháp 1967 thiết kế một cơ chế kiểm soát và đối trọng tinh vi giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, với mục đích tối hậu là loại bỏ các dự luật yếu kém và ngăn chặn các cải cách đơn phương, bồng bột.
Sự mâu thuẫn giữa một hệ thống tam quyền phân lập với một bộ máy hành pháp hay đi tắt và lạm quyền càng trở nên sâu sắc hơn trong bối cảnh chiến tranh. Sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, Tổng thống Thiệu yêu cầu Quốc hội thông qua dự luật tổng động viên và cho phép ông điều hành Chính phủ bằng sắc lệnh trong vòng một năm để nhanh chóng giải quyết các hậu quả của cuộc tấn công.
Lo ngại đánh mất quyền lực mà các dân biểu mới có được cũng như nguy cơ đất nước trở lại chế độ độc tài, vào ngày 1/3/1968, Hạ viện bỏ phiếu áp đảo chống lại yêu cầu này. Khối đại biểu lớn nhất trong Hạ viện, vốn có quan hệ chặt chẽ với Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, đã bỏ phiếu chống lại đề xuất của Thiệu. Ông Thiệu đổ lỗi cho Kỳ vì không hỗ trợ ông và coi sự kiện này là một âm mưu nhằm làm suy yếu quyền lực của mình và khiến ông mất mặt. [13]
Nhận thấy rằng những cuộc đàm phán kéo dài và yêu cầu thỏa hiệp giữa các bên quá phiền phức, Nguyễn Văn Thiệu dần thay đổi cách làm việc với Quốc hội. Ông đã bổ nhiệm Nguyễn Cao Thắng, nguyên giám đốc của OPV - hãng dược phẩm lớn nhất miền Nam, làm phụ tá đặc trách liên lạc Quốc hội. Nếu việc thương lượng và thuyết phục các nghị sĩ và dân biểu không hiệu quả, Thắng sẽ dùng tiền và các lợi ích vật chất khác để mua chuộc và định hướng đại biểu.
Thắng biện luận rằng cách tốt nhất để đánh bại cộng sản là để cho Tổng thống Thiệu và những người nắm quyền ra quyết định, trong khi Quốc hội phải đoàn kết và hết lòng ủng hộ tổng thống. [14]
Có thể thấy thái độ khinh thị các đại biểu dân cử và hành vi mua chuộc phiếu bầu của Thắng không chỉ làm xói mòn tư thế độc lập của lập pháp mà còn đe dọa đến tính chính danh của toàn bộ hệ thống chính trị.
Nguyễn Văn Thiệu là người có công lớn trong việc thúc đẩy Việt Nam Cộng hòa chuyển từ thời kỳ quân quản đầy hỗn loạn giai đoạn 1963-1967 sang chế độ dân chủ. Ông là một trong những nhân vật chủ chốt thuyết phục các tướng lĩnh trong Hội đồng Quân lực chấp nhận bản hiến pháp mới, dọn đường để miền Nam thực hiện dân chủ hóa. Tuy nhiên, một khi các thiết chế dân chủ dần thành hình và bắt đầu thách thức quyền lực của hành pháp, Thiệu dần trở nên độc đoán và sử dụng nhiều thủ đoạn chính trị khác nhau để tập trung quyền lực, gây tổn hại đến các thiết chế này.
Điều này cho thấy rằng việc củng cố dân chủ đòi hỏi không chỉ các thiết chế và quy định pháp lý, mà còn cần sự cam kết, thỏa hiệp và thái độ đúng đắn từ tất cả các thành phần tham gia vào quy trình chính trị. Việc mua chuộc đại biểu dân cử và làm suy yếu tính độc lập của Quốc hội là một trong những nguyên nhân và biểu hiện của thoái trào dân chủ. Vấn đề này sẽ được nói rõ hơn ở bài viết tiếp theo, bài cuối cùng của chuỗi bài này. (còn tiếp)
https://www.luatkhoa.com/2024/07/xay-dung-nha-nuoc-de-nhi-cong-hoa-ky-3-quoc-hoi-lam-gi/
Không có nhận xét nào