Kỳ 2: Có gì ở kỳ Quốc hội đầu tiên?
Hoàng Dạ Lan /Tạp chí Luật Khoa
09/7/2024
Bầu cử Hạ viện năm 1971 ở miền Nam. Nguồn ảnh: Manh Hai Gallery/ Flickr.
Ở kỳ trước, bài viết đã thông tin đến độc giả về việc cần kíp bầu ra một Quốc hội Lập hiến và sự ra đời của Hiến pháp 1967 - Bản hiến pháp tiến bộ và dân chủ nhất trong lịch sử Việt Nam.
Bài viết này, tác giả tóm lược những nghiên cứu của Goodman, tập trung phân tích vai trò và tầm quan trọng của các cơ quan lập pháp, đặc biệt là Hạ viện trong việc định hình, phát triển các thiết chế và văn hóa chính trị của quốc gia.
Thượng viện
Trước khi đi sâu vào phân tích Hạ viện, cần biết rằng tôn giáo có vai trò quan trọng hơn đảng phái trong việc quyết định kết quả bầu cử. Ví dụ, trong cuộc tuyển cử Thượng viện năm 1967, các liên danh Trời Việt, Bông Huệ, Sao Sáng, Bạch Tượng đã thắng cử nhờ vào sự ủng hộ của cử tri Công giáo. [6]
Đến cuộc bầu cử bán phần Thượng viện năm 1970, trong ba liên danh chiến thắng, liên danh Hoa Sen của Giáo sư Vũ Văn Mẫu đắc cử nhờ sự ủng hộ của Phật giáo, còn liên danh Bông Huệ của Nguyễn Văn Huyền thì nhờ vào lá phiếu của cử tri Công giáo. Ngay cả liên danh chính đảng mạnh nhất của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, vốn là lãnh tụ của Đảng Tân Đại Việt và Tổng thư ký của Phong trào Quốc gia Cấp tiến, cũng không thể giành chiến thắng. [7]
Theo Hiến pháp 1967, các nghị sĩ trong Thượng viện do cử tri toàn quốc bầu lên theo thể thức liên danh đa số. Mỗi liên danh gồm 10 ứng viên, tương đương 1/6 tổng số nghị sĩ. Theo các nhà lập hiến, thể thức bầu cử không chia đơn vị này thể hiện tính cách nhất nguyên của quốc gia. Nghị sĩ muốn đắc cử cần có đủ uy tín để thu hút phiếu bầu trên toàn quốc.
Trong pháp nhiệm đầu tiên, các khối trong Thượng viện vẫn mang tính cục bộ, tập trung vào việc duy trì các liên danh tranh cử của họ thay vì hình thành các liên minh rộng rãi.
Bầu cử Tổng thống và Thượng viện năm 1967. Nguồn ảnh: Manh Hai Gallery/ Flickr.
Khối đáng chú ý nhất ban đầu là Nông Công Binh do cựu trung tướng Trần Văn Đôn lãnh đạo, thu hút được sự ủng hộ của nhiều cử tri ở cả nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, khối này sớm tan rã vào năm 1969 vì các mâu thuẫn nội bộ.
Trần Văn Đôn cũng tham gia sáng lập Mặt trận Cứu nguy Dân tộc nhằm tạo ra một liên minh chính trị để bảo vệ và cứu nguy Việt Nam Cộng hòa trong bối cảnh chiến tranh ác liệt. Mặt trận này cũng nhằm tham gia vào các hoạt động chính trị và xã hội, tạo ra một lực lượng có khả năng cạnh tranh trong các cuộc bầu cử và đưa ra các chính sách có lợi cho quốc gia. Tuy nhiên, phong trào này cũng sớm tan rã vì nghị sĩ Đôn chủ yếu sử dụng phong trào như một công cụ chính trị phục vụ tham vọng tranh cử tổng thống vào năm 1971 chứ không phải xây dựng chương trình hành động chung, tạo kết nối và huy động sự ủng hộ của quần chúng.
Ví dụ trên thể hiện những thách thức trong việc chuyển đổi thành công bầu cử thành ảnh hưởng chính trị lâu dài. Những nỗ lực tạo ra các liên minh lưỡng viện cũng thất bại do những ưu tiên khác nhau và sự yếu kém trong tổ chức.
Các khối trong Hạ viện
Hạ viện của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong pháp nhiệm đầu tiên (1967-1971) có 137 dân biểu, được bầu lên theo thể thức đơn danh từ 53 đơn vị bầu cử. Dân biểu có nhiệm kỳ bốn năm và có độ tuổi trung bình là 39. [8]
Bầu cử Hạ viện năm 1971. Nguồn ảnh: Manh Hai Gallery/ Flickr.
Theo nghiên cứu của Goodman, từ khi Hạ viện được thành lập cho đến cuối năm 1969, có bảy khối được hình thành, bao gồm: Dân chủ, Dân tiến, Đoàn kết, Thống nhất, Độc lập, Dân tộc và Xã hội. Những vị không tham gia khối nào trong Hạ viện được gọi là dân biểu độc lập và nhóm thành khối không liên kết.
Hầu hết các dân biểu đã tham gia ít nhất một khối và có hơn một nửa đã tham gia ít nhất hai khối trong giai đoạn này. Các khối nhóm họp khoảng hai tuần/lần, tổ chức hội thảo, tranh luận chính sách, chuẩn bị thông cáo báo chí và tham gia đối thoại với hành pháp.
Kỷ luật nội khối thay đổi tùy vào số lượng thành viên; khối nhỏ hơn thường có các thành viên biết rõ nhau hơn và dễ gây áp lực lẫn nhau để bỏ phiếu theo thống nhất trước đó. Dù vậy, ngay cả các khối ổn định nhất cũng không thể ràng buộc các thành viên bỏ phiếu theo quan điểm chung của khối.
Bảng dưới tóm tắt các khối chính trong Hạ viện và biến động của các khối này trong giai đoạn 1967-1970:
Bảng: Biến động các khối trong Hạ viện giai đoạn 1967-1970. Nguồn: Goodman (1973), trang 154.
Khối Độc lập (Independence) là khối bảo thủ và ổn định nhất trong Hạ viện, chủ yếu bao gồm các trí thức Công giáo gốc Bắc có tham gia Lực lượng Đại đoàn kết, Khối Công dân Công giáo hoặc Đảng Đại Việt Cách mạng. Ở thời điểm đỉnh cao vào tháng 4/1968, khối này có 21 thành viên. Đến năm 1969, số thành viên ổn định ở mức 17, chủ yếu là các dân biểu Công giáo có lập trường cứng rắn chống lại đàm phán với Việt Cộng và hòa giải với Phật giáo.
Khối Dân chủ (Democratic Bloc) là một nhóm chính trị thiên hữu, có khuynh hướng thân chính. Ở thời điểm đỉnh cao với 52 thành viên vào tháng 1/1968, khối này bao gồm các dân biểu dân tộc thiểu số, dân biểu theo các tôn giáo ở đồng bằng sông Cửu Long, cùng các cựu công chức gốc miền Trung và miền Nam. Khối này được hình thành nhằm thể hiện sự ủng hộ các chính sách của Chính phủ, qua đó hỗ trợ chính quyền đối phó hiệu quả với Washington và Hà Nội.
Tuy nhiên, nói thêm, khối này gặp nhiều chia rẽ nội bộ vì các thành viên ủng hộ các chính trị gia khác nhau. Khi quyền lực của Nguyễn Cao Kỳ sụp đổ và Mỹ gây áp lực buộc Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tham gia hòa đàm tại Paris, khối này đã tan rã và được khối Dân tiến thay thế. Tương tự như tiền thân của nó, do thiếu sự quan tâm, nâng đỡ của Tổng thống Thiệu và thiếu mục tiêu chung giữa các thành viên nên khối này đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì đoàn kết và kỷ luật nội khối.
Khối Thống nhất (Unification Bloc) là một nhóm chính trị trung tả, ban đầu là một liên minh giữa các dân biểu Việt Nam Quốc dân Đảng, Cao Đài và Hòa Hảo. Khối này chuyển từ đối lập vừa phải với chính quyền sang ủng hộ nội các của Thủ tướng Trần Văn Hương, và sau đó quay trở lại khuynh hướng đối lập sau khi nội các Trần Văn Hương sụp đổ.
Đến cuối năm 1969, khối này chứng kiến sự thay đổi lớn về mặt thành viên khi nhiều người tham gia mới có quan hệ mật thiết với các Phật tử đấu tranh (militant Buddhists), nhưng không liên kết rõ ràng với Phật giáo Ấn Quang. Điều này khiến cho mục đích và ý định tương lai của khối vẫn chưa rõ ràng.
Kết quả tạm thời bầu cử dân biểu Hạ viện năm 1971. Nguồn ảnh: Manh Hai Gallery/ Flickr.
Khối Dân tộc (People’s Bloc) là một nhóm chính trị thiên tả, chủ yếu bao gồm các Phật tử đấu tranh và các dân biểu từ Phong trào Phục hưng miền Nam. Dù là một khối đối lập với Chính phủ nhưng họ có xu hướng hỗ trợ các Phật tử tham gia vào quy trình chính trị thay vì đối đầu công khai và cố gắng lật đổ chính quyền như trước đây.
Sự thay đổi thái độ của Phật tử đối với Chính phủ là kết quả của việc Việt Cộng chiếm Huế trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, khi họ nhận ra rằng tương lai của Phật giáo miền Nam phụ thuộc vào sự tồn tại bền vững của chính quyền miền Nam.
Các dân biểu cũng tin rằng thông qua việc tham gia vào cơ quan lập pháp, họ có thể làm việc hiệu quả hơn để chấm dứt sự đàn áp của Chính phủ đối với các lãnh tụ Phật giáo so với việc đứng ngoài khuôn khổ đó.
Khối Dân tộc tan rã vào mùa thu năm 1969 do những bất đồng nội bộ và áp lực từ bên ngoài, đặc biệt là sau các tuyên bố gây tranh cãi của dân biểu Phạm Thế Trúc - một thành viên sáng lập. Trong cuộc họp báo ở Nhật Bản do các nhóm cánh tả và phản chiến tổ chức vào tháng Sáu năm 1969, ông Trúc tuyên bố ủng hộ kết thúc chiến tranh, rút toàn bộ lực lượng quân sự của Mỹ và đồng minh ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, lật đổ Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu và mở cửa chính quyền cho sự tham gia đầy đủ của Phật giáo.
Sau khi tan rã, các cựu thành viên phân tán, một vài người gia nhập khối Xã hội, những người khác gia nhập khối Thống nhất hoặc tuyên bố hoạt động độc lập.
Chân dung Phạm Thế Trúc, dân biểu đơn vị Bình Thuận. Nguồn ảnh: Niên giám Hạ viện, pháp nhiệm một (1967-1971).
Khối Đoàn kết (Solidarity Bloc) bao gồm 20 dân biểu, trong đó có sáu người trước đây là dân biểu độc lập và những người khác là đại diện dân tộc thiểu số từ khối Dân chủ. Trong số này, có tám người Khmer, một người Chàm và hai người Thượng. Hầu hết các thành viên của khối là cựu công chức, từng thăng tiến nhanh chóng dưới thời Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, nhưng sự nghiệp bị chững lại khi phe Kỳ thoái trào.
Mục tiêu chung của khối Đoàn kết là giải quyết những bức xúc về hệ thống bổ nhiệm và thăng chức trong ngành công chức và quân đội, cũng như tìm cách soạn thảo luật mới để cải cách hành chính.
Khối Xã hội (Society Bloc) được chính thức thành lập vào cuối tháng 11/1969 dù đã hoạt động không chính thức từ khi Hạ viện mới ra đời. Lãnh đạo chủ chốt của khối là những đại biểu thuộc nhóm Xã hội Mới từ năm 1967, nhóm Phong trào Phục hưng miền Nam trong Quốc hội Lập hiến và Đảng Tân Đại Việt.
Khối Xã hội chủ trương thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhóm chính trị đa dạng, vượt lên biên giới tôn giáo, vùng miền, sắc tộc cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án phục vụ cộng đồng. Một số hoạt động nổi bật của khối Xã hội bao gồm chương trình phát triển quận 8 Sài Gòn và giải quyết những bất cập về việc giam giữ và tra tấn nghi phạm của chiến dịch Phượng Hoàng. [9]
Bầu cử Hạ viện năm 1971 tại đường Lê Văn Duyệt. Nguồn ảnh: Manh Hai Gallery/ Flickr.
Các khối trong Quốc hội được thành lập vì ba lý do chính: tạo ra các liên minh vững chắc hơn cho các chiến dịch bầu cử (bao gồm tranh cử vị trí lãnh đạo các ủy ban trong Quốc hội), thay vì chỉ dựa vào các hợp tác tạm bợ giữa các chính trị gia; phát triển lực lượng thân chính và đối lập; xây dựng các đảng chính trị mới dựa trên lợi ích chung.
Điều đáng tiếc là các khối chưa đạt được hiệu quả cao trong việc soạn thảo hoặc ủng hộ các sáng kiến lập pháp, chưa kể, chương trình hành động của nhiều khối còn chưa rõ ràng.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Allan E. Goodman, nỗ lực sử dụng các khối làm hạt nhân để hình thành các đảng chính trị mới cũng chưa thành công do:
(1) Văn hóa chính trị Việt Nam đề cao lòng trung thành cá nhân, và các dân biểu thường hình thành liên minh dựa trên các mối quan hệ cá nhân hơn là sự đồng thuận về mặt ý thức hệ;
(2) Các khối còn thiếu ổn định và nhiều dân biểu chú trọng vào các liên minh ngắn hạn để thích ứng với môi trường chính trị thay vì theo đuổi mục tiêu xây dựng đảng trong dài hạn;
(3) Các khối thiếu khả năng tổ chức và nguồn lực tài chính cần thiết để chuyển đổi thành các đảng chính trị hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, trong pháp nhiệm đầu tiên, đã có những nỗ lực hợp tác giữa các khối, góp phần thúc đẩy sự ổn định chính trị cũng như chống lại xu hướng lạm quyền của hành pháp. Ở kỳ tiếp theo, bài viết sẽ nói rõ hơn về các hoạt động phục vụ cử tri của các dân biểu, các chương trình nghị sự, đồng thời đề cập đến các lỗ hổng tham nhũng và mầm mống thoái trào dân chủ. (còn tiếp)
https://www.luatkhoa.com/2024/07/xay-dung-nha-nuoc-de-nhi-cong-hoa-ky-2-co-gi-o-ky-quoc-hoi-dau-tien/
Không có nhận xét nào