Kỳ 1: Định hình hai nhánh quyền lực Tổng thống và Quốc hội
Hoàng Dạ Lan /Tạp chí Luật Khoa
08/7/2024
Khung cảnh lễ nhậm chức tổng thống tại Quảng trường Tự Do với sự có mặt của các đơn vị đại diện của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Phía trên bên trái là tấm bảng lớn ghi kết quả cuộc tranh cử tổng thống vào tháng 9 năm 1967. Nguồn ảnh: Douglas Pike Photograph Collection, Vietnam Center and Sam Johnson Vietnam Archive, Texas Tech University.
Lời tòa soạn: Chuỗi bài viết “Xây dựng nhà nước Đệ nhị Cộng hòa” của tác giả Hoàng Dạ Lan phân tích mối quan hệ giữa hành pháp và lập pháp sau khi Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967 được thông qua, từ đó cung cấp cái nhìn toàn cảnh để độc giả hiểu rõ hơn về những thách thức và nỗ lực mà nền Đệ nhị Cộng hòa đã trải qua khi xây dựng một chính thể dân chủ.
Cần kíp bầu Quốc hội Lập hiến
Sau chính biến ngày 1/11/1963 lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Việt Nam Cộng hòa trải qua giai đoạn chuyển tiếp (1964 - 1967) đầy hỗn loạn khi các chính quyền dân sự và quân sự liên tục được lập lên rồi đổ vỡ.
Năm 1966, nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở miền Trung với sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội như Phật tử, học sinh, sinh viên, trí thức, công chức và quân nhân. Người biểu tình chỉ trích các tướng lĩnh vì khả năng lãnh đạo yếu kém và đấu đá phe nhóm, đồng thời kêu gọi chính quyền Thiệu - Kỳ tổ chức bầu Quốc hội Lập hiến để soạn thảo hiến pháp mới.
Trên bình diện quốc tế, đối mặt với phong trào phản chiến dâng cao tại Mỹ và nhu cầu biện minh cho việc triển khai lực lượng quân sự lớn trên lãnh thổ Việt Nam, vào tháng 2/1966, Tổng thống Mỹ Johnson đã triệu tập hội nghị ở Honolulu với Quốc trưởng Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Liên danh Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1967. Ảnh: Co Rentmeester. Nguồn ảnh: LIFE Magazine.
Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Johnson nhấn mạnh chính quyền miền Nam Việt Nam cần “chiếm được mức độ đồng thuận rộng rãi của quần chúng và tiến tới một mô hình lãnh đạo chính trị dân chủ”. [1]
Trước mối đe dọa bị thôn tính bởi cộng sản Bắc Việt, sự tồn vong của chế độ Sài Gòn phụ thuộc vào việc thiết lập một nhà nước pháp quyền dựa trên một hiến pháp dân chủ. Sau khi được hợp pháp hóa bởi một cuộc bầu cử, chính phủ có thể chính danh tập hợp nguồn lực để giải quyết các thách thức mà đất nước đang đối mặt như đói nghèo, lạm phát, tham nhũng hay tị nạn chiến tranh, v.v.
Chế độ nghị viện sẽ cho phép các nhóm tôn giáo (Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo, Công giáo, v.v.) và đảng phái quốc gia (Đảng Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng, v.v.) có đại diện trong chính quyền và tham gia đối thoại cởi mở để cùng tìm ra giải pháp cho những vấn đề then chốt của đất nước.
Các cuộc bầu cử công bằng và minh bạch cũng sẽ giúp loại bỏ những chính trị gia kém cỏi, qua đó giúp hạn chế tình trạng đảo chính quân sự và củng cố tính ổn định của chế độ. [2]
Một số biểu tượng chính trị được sử dụng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1967. Mỗi biểu tượng đại diện cho một liên danh ứng viên tổng thống - phó tổng thống. Các biểu tượng bao gồm: bông lúa, cấy lúa, người gieo mạ, con trâu, bồ câu trắng, hoa sen và lư hương, hoa sen nở, bản đồ miền Bắc và miền Nam Việt Nam trên nền quốc kỳ. Hình cuối là biểu tượng của liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ, liên danh được dự đoán có cơ hội thắng cao nhất. Nguồn ảnh: Manh Hai Gallery/ Flickr.
Về mặt quan hệ quốc tế, thể chế dân chủ không chỉ giúp chính quyền miền Nam tăng cường vị thế và uy tín so với chế độ độc đảng của cộng sản Bắc Việt, mà còn thu hút viện trợ kinh tế và quân sự, góp phần vào việc xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh chiến tranh khốc liệt, việc tiến hành dân chủ hóa trong một đất nước thiếu trải nghiệm dân chủ là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Tổng thống và Quốc hội: Sự phân chia quyền lực trong Hiến pháp 1967
Cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến đã diễn ra vào ngày 11/9/1966. Và đến ngày 1/4/1967, Hiến pháp mới được ban hành.
Về mặt đại cương, Hiến pháp 1967 của Việt Nam Cộng hòa thiết lập chế độ Cộng hòa Tổng thống. Theo đó, tổng thống nắm phần lớn quyền lực hành pháp và có quyền bổ nhiệm hay bãi nhiệm thủ tướng. Vị trí thủ tướng được lập ra nhằm vừa hỗ trợ tổng thống, vừa đứng mũi chịu sào khi Quốc hội bất tín nhiệm Chính phủ.
Tuy nhiên, đây không phải là một chế độ tổng thống thuần túy. Để tránh hành pháp lạm quyền, các nhà lập hiến đã trao cho Quốc hội nhiều quyền, bao gồm quyền thay thế từng phần hay toàn thể Chính phủ.
Lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống của Nguyễn Văn Thiệu, nhiệm kỳ 1967-1971, được tổ chức tại trung tâm Sài Gòn ngay trước trụ sở Quốc hội. Nguồn ảnh: Douglas Pike Photograph Collection, Vietnam Center and Sam Johnson Vietnam Archive, Texas Tech University.
Trong nhánh lập pháp, quyền làm luật được ủy nhiệm cho cả Hạ Nghị viện (gọi tắt là Hạ viện) và Thượng Nghị viện (gọi tắt là Thượng viện). Một dự luật muốn trở thành luật thì ngoài việc vượt qua công đoạn làm luật ở lưỡng viện quốc hội, còn phải được tổng thống chấp thuận ban hành. [3]
Ngoài ra, Tối cao Pháp viện có thẩm quyền phán quyết về tính hợp hiến của các đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành cũng như các sắc lệnh, nghị định và quyết định hành chính của hành pháp.
Quy trình làm luật được thiết kế với nhiều điểm phủ quyết (veto points) nhằm tạo ra một hệ thống cân bằng và kiểm soát, góp phần ngăn chặn việc thông qua các đạo luật kém chất lượng hoặc các chương trình cải cách đơn phương, bồng bột. Chỉ những dự luật được đông đảo các thành viên trong hệ thống ủng hộ mới có cơ hội được thông qua và trở thành luật. [4]
Tuy nhiên, sự tồn tại của nhiều điểm phủ quyết và quy trình làm luật phức tạp có thể làm chậm quá trình ra quyết định khẩn cấp trong thời chiến và làm giảm hiệu quả phản ứng của chính phủ.
Ngoài ra, trong chế độ Cộng hòa Tổng thống, có thể xuất hiện nhiều mâu thuẫn và tranh chấp quyền lực giữa hành pháp và lập pháp.
Tổng thống được bầu lên một cách độc lập với cơ quan lập pháp và phục vụ một nhiệm kỳ cố định, cũng như không cần duy trì tín nhiệm của cơ quan lập pháp để giữ quyền lực. Điều này có thể làm giảm động lực hình thành các liên minh giữa hành pháp và lập pháp. [5]
Mối quan hệ giữa hành pháp và lập pháp
Sự tranh giành quyền lực giữa lập pháp và hành pháp của Đệ nhị Cộng hòa, đặc biệt trong pháp nhiệm đầu tiên, là minh chứng rõ ràng cho cuộc cạnh tranh chính trị trong bộ máy nhà nước của các quốc gia đang chuyển đổi chế độ. Nỗ lực xây dựng dân chủ còn gặp nhiều thách thức do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.
Tiến sĩ Allan E. Goodman phân tích những vấn đề này trong cuốn sách "Politics in War: The bases of Political Community in South Vietnam" (tạm dịch là “Chính trị trong thời chiến: Nền tảng của cộng đồng chính trị tại miền Nam Việt Nam).
Goodman nghiên cứu thực địa từ tháng 8/1969 đến tháng 1/1970, trong đó phỏng vấn 280 cuộc với các chính trị gia và quan chức chính phủ, đồng thời tổ chức nhiều cuộc thảo luận chuyên sâu với 60 dân biểu Hạ viện. Qua đó, nghiên cứu nêu bật lên sự phức tạp của việc xây dựng một “cộng đồng chính trị” và nâng cao sự ủng hộ của dân chúng đối với chính quyền trong thời chiến.
Các bài viết tiếp theo của loạt bài sẽ giới thiệu những điểm quan trọng trong nghiên cứu của Goodman, giúp người đọc thấy được một bức tranh lịch sử còn ít được biết đến ở Việt Nam. (còn tiếp)
Chú thích
[1] Presidential Decisions: The Honolulu Conference February 6-8, 1966, 0240402002. Vietnam Center and Archive. 01 November 1968, Box 04, Folder 02, Larry Berman Collection (Presidential Archives Research), Vietnam Center and Sam Johnson Vietnam Archive, Texas Tech University.
[2] Veith, G. J. (2021). Building democracy during war: Nguyen Van Thieu and South Vietnam, 1965-1975 [Doctoral dissertation, Monash University], page 63.
[3] Theo điều 45 Hiến pháp 1967, Tổng thống có quyền yêu cầu phúc nghị một hay nhiều điều khoản của dự luật. Quốc hội muốn bác bỏ yêu cầu phúc nghị của Tổng thống thì chỉ cần hội đủ đa số quá bán.
[4] Chế độ đại nghị thường có ít điểm phủ quyết hơn so với chế độ Cộng hòa Tổng thống do thiếu sự phân quyền triệt để giữa hành pháp và lập pháp. Trong chế độ đại nghị, các thành viên cấp cao của Chính phủ cũng thường là thành viên của Quốc hội. Thủ tướng thường là lãnh đạo của đảng lớn nhất hoặc liên minh các đảng trong Quốc hội. Do đó, thủ tướng trong chế độ đại nghị thường có nhiều nguồn lực để tiến hành các kế hoạch cải tổ sâu rộng hơn so với tổng thống trong chế độ Cộng hòa Tổng thống.
[5] Trong hệ thống Cộng hòa Đại nghị, cơ quan hành pháp (bao gồm thủ tướng và nội các) được hình thành từ cơ quan lập pháp và phải giữ được sự tín nhiệm của đa số nghị viên để duy trì quyền lực. Do đó, hệ thống này tạo nhiều động lực thúc đẩy hình thành và duy trì các liên minh giữa lập pháp và hành pháp hơn so với chế độ Cộng hòa Tổng thống. Học giả Juan J. Linz cho rằng chế độ Cộng hòa Đại nghị có thành tích tốt hơn chế độ Cộng hòa Tổng thống trong việc thiết lập nền tảng thể chế để các quốc gia chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ thành công. Tham khảo thêm Linz, J. J., & Stepan, A. (1996) Problems of democratic transition and consolidation: Southern Europe, South America, and post-communist Europe. The Johns Hopkins University Press.
https://www.luatkhoa.com/2024/07/xay-dung-nha-nuoc-de-nhi-cong-hoa-ky-1-dinh-hinh-hai-nhanh-quyen-luc-tong-thong-va-quoc-hoi/
Không có nhận xét nào