Header Ads

  • Breaking News

    VNCS: Xăng sinh học E5: Xăng xanh thành… đống nợ

    Gồm 5 bài

    Đọt Chuối Non 

    24/7/2024

    Xăng sinh học E5: Xăng xanh thành… đống nợ
    Bài 1: Vốn nhà nước ngàn tỷ “trùm mền”
    Bài 2: Nhà máy tư nhân mòn mỏi… qua ngày
    Bài 3: Chưa xanh đã… tàn
    Bài 4: Bỏ thì thương, vương thì tội!
    Phản hồi loạt bài “Xăng sinh học E5: Xăng xanh thành… đống nợ”: Những lo ngại trước đây đã thành sự thực

    https://dcnreserve.wordpress.com/wp-content/uploads/2024/07/image-22.png?w=680

    Quang cảnh Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ bị bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: GIA KHÁNH

    ***

    Xăng sinh học E5: Xăng xanh thành… đống nợ – Bài 1: Vốn nhà nước ngàn tỷ “trùm mền”

    SGGP 09/07/2024 11:54 

    Tham gia sản xuất xăng sinh học E5 có khối nhà nước và tư nhân. Các dự án có nguồn vốn nhà nước gồm: Nhà máy Nhiên liệu sinh học (Ethanol) ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng; nhà máy ở Khu kinh tế Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) với vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng và nhà máy ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước với vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng. Thế nhưng, cả 3 nhà máy này đã đóng cửa trong nhiều năm qua.

    Hoang tàn Nhà máy Ethanol Dung Quất

    Mới đây, phóng viên Báo SGGP đã tìm đến Khu kinh tế Dung Quất để ghi nhận thực tế nhà máy Ethanol tại đây. Giữa trưa nắng như thiêu như đốt, những kho sắt xù xì bề thế vốn là các bể chứa, ống dẫn, khu xử lý nguyên liệu, nhiên liệu sinh học và cồn, đang dần xuống cấp, gỉ sét… Cả khuôn viên khu đất 24ha từng là đất đai, ruộng nương của người dân thôn Đông Lỗ (xã Bình Thuận) nay ngổn ngang những khối sắt vô hồn, bỏ hoang giữa cỏ dại…

    Bà Trần Thị Loan (59 tuổi, người dân thôn Đông Lỗ) chua xót kể: “Trước khi xây dựng nhà máy, nhà tôi có 9 khoảnh ruộng, làm lụng đủ sống qua ngày. Năm 2002, dự án Ethanol Dung Quất triển khai, chính quyền địa phương vận động, người dân chấp nhận nhường đất cho dự án với giá bồi thường chỉ vài chục ngàn đồng/m2. Đến năm 2014, nhà máy hoạt động, phát sinh hôi thối, dân kêu trời thì chính quyền và doanh nghiệp tổ chức di dời dân. Nhà tôi đành nhường hết đất vườn, đất ở với diện tích 1.800m2. Khi bồi thường, chính quyền đã thu hồi sổ đỏ, nhưng chờ mãi không thấy bố trí tái định cư, nên hơn 10 năm qua chúng tôi “sống kẹt” cạnh nhà máy”. Sống thấp thỏm, nhà cửa xuống cấp nhưng gia đình bà Loan không dám nâng cấp, xây mới. Con cái lớn dựng vợ gả chồng cũng không có đất ở, chẳng còn đất làm ruộng.

    Ông Đỗ Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết, có nhiều hộ dân tại địa phương chung tình cảnh như gia đình bà Loan. Địa phương đã đề xuất các cấp xem xét hủy thông báo và quyết định thu hồi đất trước kia để khoanh nợ, giải quyết khó khăn cho các hộ dân ven nhà máy Ethanol Dung Quất. Tuy nhiên, việc hủy bỏ thông báo, quyết định thu hồi đất này rất khó thực hiện, nên mọi chuyện đang chờ…

    Theo Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (công ty mẹ của Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) – chủ đầu tư nhà máy Ethanol Dung Quất), Dự án nhà máy Ethanol Dung Quất khởi công giữa năm 2009, với tổng vốn ban đầu gần 1.850 tỷ đồng, sau đó đội lên 2.100 tỷ đồng. Ngày 1-1-2014, nhà máy chính thức vận hành thương mại. Tuy nhiên lúc đó nhà máy liên tục thua lỗ do giá bán ethanol ngoài thị trường thấp hơn 2.000 đồng/lít so với giá thành sản xuất. Tháng 4-2015, nhà máy đóng cửa, đến tháng 3-2016 thì “đứt vốn lưu động”, tạm ngừng trả lương cho người lao động. Tình cảnh nhà máy ngày càng khó khăn do hoạt động thua lỗ.

    Ghi nhận trong báo cáo, tính đến ngày 31-12-2023, nợ ngắn hạn của BSR-BF vượt quá tài sản ngắn hạn 1.532,3 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.588 tỷ đồng và nợ quá hạn thanh toán khoảng 1.566,7 tỷ đồng. Các khoản nợ quá hạn thanh toán tính đến ngày 31-12-2023 gồm: lãi vay khoảng 439,6 tỷ đồng, số dư gốc vay khoảng 1.127,1 tỷ đồng. BSR-BF đã thế chấp toàn bộ nhà cửa, máy móc, thiết bị và các tài sản cố định hữu hình từ Nhà máy Ethanol Dung Quất để đảm bảo cho khoản tiền vay ngân hàng…

    Phóng viên Báo SGGP đã liên hệ Công ty BSR-BF, đại diện công ty cho biết vắn tắt: “Nhà máy dừng hoạt động lâu rồi. Các khó khăn, công ty đã kiến nghị nhiều lần lên tập đoàn, trung ương, Chính phủ nhưng không giải quyết được. Rất khó khăn!”. Trong khi đó, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin: “Tỉnh rất mong muốn dự án được tháo gỡ, khởi động trở lại chứ ngừng hoạt động rất lãng phí cả về đất đai, nguồn vốn, tài sản đầu tư. Mọi việc đang chờ Chính phủ xem xét, chỉ đạo!”.

    Nhiều cá nhân vướng… vòng lao lý

    Ngược ra phía Bắc, chúng tôi tìm đến vùng quê xã Vạn Xuân (xã Văn Lương trước đây, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) để tìm hiểu thực trạng Nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ. Qua ghi nhận, quy mô nhà máy khá lớn nhưng đã bỏ hoang từ lâu, không có bất cứ hoạt động gì, các hạng mục hiện trở thành “đống sắt” khổng lồ. Nhà máy chưa cung cấp ra thị trường một giọt xăng nào dù nằm dầm mưa dãi nắng gần 15 năm qua, hàng ngàn tỷ đồng chôn vùi trong đống sắt và lãi phát sinh hàng trăm tỷ đồng mỗi năm!

    Trông coi đại dự án bỏ hoang này có 2 tổ bảo vệ, một tổ do ngân hàng thuê và một tổ do Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Phú Thọ (PVB) thuê. Một bảo vệ cho biết, tổ của nhà máy gồm 10 người chia 2 ca túc trực ngày đêm. Do bên trong cỏ mọc um tùm, đất rộng hàng chục hécta, nên nhóm bảo vệ tranh thủ mua ít lưới quây để nuôi gà, ngỗng… Liên hệ với chính quyền địa phương, một phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông, cho biết, dự án do trung ương quản lý, địa phương không nắm rõ. Nhân dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị làm sao nhanh chóng tháo gỡ bế tắc, giải quyết việc làm cho địa phương, vì bỏ hoang như vậy hết sức lãng phí!

    https://dcnreserve.wordpress.com/wp-content/uploads/2024/07/image-22.png?w=680

    Quang cảnh Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ bị bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: GIA KHÁNH

    Theo hồ sơ, dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ do Công ty PVB quản lý, chủ đầu tư là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), được khởi công từ tháng 6-2009 trên diện tích 50ha, chủ yếu là đất trồng lúa của 3 xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương (nay là Vạn Xuân), với vốn đầu tư ban đầu là 1.700 tỷ đồng, sau tăng lên hơn 2.484 tỷ đồng. Nhưng sau khi đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, dự án “đắp chiếu” từ năm 2011 đến nay.

    Thông tin từ Thanh tra Chính phủ, từ cuối năm 2016 đã có kết luận về sai phạm trong đại dự án nói trên. Cụ thể, sau khi Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có chủ trương đầu tư và chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thành lập 2 công ty cổ phần và 1 công ty liên danh để thực hiện 3 dự án sản xuất ethanol tại 3 tỉnh: Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước (công suất mỗi nhà máy là 100 triệu lít/năm; nguồn vốn do các cổ đông góp 30%, còn lại vay tín dụng thương mại 70%).

    Đến thời điểm cơ quan thanh tra vào cuộc (tháng 12-2014), các dự án Ethanol Dung Quất và Bình Phước đã đầu tư xong; riêng dự án Ethanol Phú Thọ được triển khai sớm nhất (tháng 9-2009) nhưng chưa hoàn thành do nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 11-2011. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư đã lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm trong thực hiện dự án nhiên liệu sinh học, dẫn đến phải dừng thi công, trở thành hoang hóa kể từ đó cho đến nay, thế nhưng vẫn phải trả lãi các khoản nợ ngân hàng, trả lương cho bảo vệ trông coi. Liên quan đến dự án Ethanol Phú Thọ, hàng loạt nguyên lãnh đạo PVN, PVB, nhà thầu thi công cùng nhiều cá nhân liên quan đã bị khởi tố, đưa ra xét xử vì sai phạm về đầu tư công trình xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng!

    Nhà máy Ethanol Bình Phước – Lỗ chồng lỗ!

    Có mặt tại Nhà máy Ethanol Bình Phước (OBF), tọa lạc tại xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, vào trung tuần tháng 6-2024, chúng tôi thấy đóng cửa im lìm. Ông Nguyễn Văn Ẩn, bảo vệ nhà máy, cho biết, nhà máy ngừng hoạt động hơn 10 năm qua, hiện có 10 bảo vệ trông coi và 2 lãnh đạo công ty, 2 thợ bảo trì máy móc.Nhà máy Ethanol Bình Phước “trùm mền”

    Nhà máy này do OBF làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 84 triệu USD, là kết quả sự hợp tác giữa Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Tập đoàn ITOCHU (Nhật Bản). Theo thỏa thuận ban đầu, PVOIL chiếm 51% vốn, ITOCHU chiếm 49%. Đầu năm 2010, PVOIL chuyển giao 22% cho Công ty LICOGI 16 và ITOCHU cũng đã rao bán toàn bộ phần trị giá đầu tư với giá bằng 35% số tiền đã góp. Nhà máy được khởi công xây dựng tháng 10-2010 và đến tháng 4-2012 bắt đầu chạy thử để cho ra những lít xăng sinh học đầu tiên, nhưng để nghiệm thu chứ chưa vận hành thương mại.

    Đến năm 2015, nhà máy vận hành được khoảng 1 tháng rồi ngưng; năm 2018, sau thời gian duy tu, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống máy móc, nhà máy cố gắng vận hành trở lại nhưng không được, do giá sắn cao, xăng sinh học không tiêu thụ được, nên tiếp tục ngưng. Theo Kiểm toán Nhà nước, việc dừng hoạt động nhà máy này từ năm 2013 đến nay khiến OBF thua lỗ nặng. Tính đến cuối năm 2018, OBF thua lỗ khoảng 1.280 tỷ đồng và đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu khoảng 660 tỷ đồng, trong đó PVOIL mất 198 tỷ đồng, ITOCHU mất 339 tỷ đồng và LICOGI 16 mất 122 tỷ đồng. Tính đến năm 2020, OBF không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay lên đến hơn 1.600 tỷ đồng.

    HOÀNG BẮC – BÙI LIÊM

    NGỌC OAI – VĂN PHÚC – ĐỖ TRUNG

    ***

    Xăng sinh học E5: Xăng xanh thành… đống nợ – Bài 2: Nhà máy tư nhân mòn mỏi… qua ngày

    SGGP 10/07/2024 10:49

    Bên cạnh các dự án có nguồn vốn nhà nước, chương trình sản xuất xăng sinh học E5 còn có sự “vào cuộc” của khối tư nhân. Trong đó phải kể đến các nhà máy: Nhà máy sản xuất ethanol Đại Tân (Quảng Nam); Tùng Lâm (Đồng Nai); Đại Việt (Đắk Nông); Đắk Tô (Kon Tum). Vốn đầu tư mỗi nhà máy vài trăm tỷ đồng, nhưng hiện số phận các nhà máy này cũng khác nhau, có nơi ngừng hoạt động, có nơi sống mòn mỏi, bị bêu tên nợ thuế…

    Bán nợ vẫn chưa hết nợ

    Gần đây, dư luận thị trường chứng khoán rộ lên thông tin về việc bán nợ của nhà máy sản xuất cồn phục vụ xăng E5 của Công ty TNHH Đại Việt (Công ty Đại Việt) sau thời gian dài đóng cửa, bỏ hoang. Bên mua là Công ty CP Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán DGC). Thương vụ đã khép lại một khoản nợ xấu sau nhiều năm ngân hàng rao bán. Tuy nhiên, để tìm hiểu xem liệu sau thương vụ này, nhà máy ethanol của Công ty Đại Việt có hoạt động, chúng tôi đã tìm về Khu công nghiệp (KCN) Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông (nơi đặt nhà máy). Nhìn từ trên cao có thể thấy, nhiều hạng mục của nhà máy đã xuống cấp, các nhà xưởng, lò hơi bị gỉ sét do không hoạt động trong thời gian dài, không được duy tu, bảo dưỡng.

    Theo thông tin chúng tôi có được, năm 2007, Công ty Đại Việt thuê hơn 13ha đất KCN Tâm Thắng để xây dựng nhà máy sơ chế nguyên liệu, sản xuất thức ăn chăn nuôi cao cấp và sản xuất cồn công nghiệp. Đến năm 2010, Công ty Đại Việt tiếp tục thuê thêm đất tại lô CN15 của KCN Tâm Thắng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhà máy cồn… Tuy nhiên, quá trình hoạt động không hiệu quả, nhiều năm liền bị thua lỗ, đặc biệt giá cồn xuống thấp nên nhà máy phải ngừng hoạt động. Mãi đến năm 2015, Công ty Đại Việt mới khắc phục được các khó khăn và tổ chức sản xuất, kinh doanh trở lại, nhưng nhà máy sản xuất cồn công nghiệp hoạt động cầm chừng, chỉ đạt 10%-15% công suất thiết kế. Do nhiều năm liền hoạt động không hiệu quả, Công ty Đại Việt lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, không chi trả được các khoản nợ đã đầu tư vào dự án.

    https://dcnreserve.wordpress.com/wp-content/uploads/2024/07/image-23.png?w=680

    Nhà máy Ethanol Đại Tân (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) hiện đang hoạt động cầm chừng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

    Đến năm 2019, Ngân hàng Agribank Đắk Nông kê biên và phát mãi tài sản của Công ty Đại Việt nhằm đảm bảo thu hồi số tiền công ty đã vay. Việc phát mãi bán tài sản sau nhiều phiên đấu giá vẫn không có người mua. Mới đây, một lãnh đạo Ngân hàng Agribank Đắk Nông cho biết, Công ty Đại Việt tại Hà Nội và Đắk Nông đã vay của 2 chi nhánh Agribank tổng số tiền tính cả gốc và lãi hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, riêng chi nhánh Agribank Đắk Nông, Công ty Đại Việt nợ gần 150 tỷ đồng. Do Công ty Đại Việt không trả nợ nên ngân hàng phải phát mãi tài sản để thu hồi lại khoản tiền đã cho vay.

    “Qua tổ chức đấu giá, đầu tháng 4 năm nay, Công ty CP Hóa chất Đức Giang đã mua lại tài sản của Công ty Đại Việt hơn 253 tỷ đồng. Với số nợ còn lại, chúng tôi vẫn đang tiếp tục thỏa thuận với lãnh đạo Công ty Đại Việt để có hướng xử lý tiếp theo”, lãnh đạo Ngân hàng Agribank Đắk Nông thông tin thêm. Việc mua bán này cũng được ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hóa chất Đức Giang, xác nhận tại đại hội cổ đông vừa qua.

    Sống mòn, chết mòn

    Trong khối tư nhân tham gia vào chương trình sản xuất xăng E5 còn có Công ty TNHH Tùng Lâm (địa chỉ giao dịch tại số 58 Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Năm 2008, Công ty TNHH Tùng Lâm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cồn từ sắn lát có diện tích hơn 350.000m2, công suất 72 triệu lít/năm, nằm sát sông Gia Ui (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) với tổng mức đầu tư hơn 296,53 tỷ đồng. Những ngày qua, chúng tôi đã tìm đến nhà máy tìm hiểu và nhận thấy, nhà máy nằm tách biệt với khu dân cư trong vùng, trong khuôn viên có ít phương tiện vận chuyển hàng hóa. Một lãnh đạo UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Công ty hoạt động cầm chừng, nghe đâu do thiếu nguyên liệu”.

    Lùi lại 16 năm về trước, Công ty TNHH Tùng Lâm với ngành nghề là xuất khẩu nông sản, đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cồn từ sắn lát. Lúc đó, dự án được kỳ vọng làm tăng giá trị của sản phẩm trên thị trường và chủ động được nguồn nguyên liệu. Trong giai đoạn đầu, dự án xác định thị trường tiêu thụ là Trung Quốc, nhưng khi việc dùng xăng pha cồn tại Việt Nam được triển khai, toàn bộ sản phẩm của dự án sẽ được chuyển sang tiêu thụ nội địa. Nhà máy hoạt động cần khoảng 200.000 tấn mì tươi/năm nhưng sản lượng của huyện Xuân Lộc chỉ có 175.000 tấn, nên phải tìm thêm nguồn nguyên liệu ở những vùng phụ cận của tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.

    Trong quá trình hoạt động, công ty nhiều lần điều chỉnh tăng giá bán ethanol, nhưng đến nay nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng và đang tập trung sản xuất cồn y tế cùng một số ngành nghề khác để duy trì hoạt động. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, Công ty TNHH Tùng Lâm liên tục bị Cục Thuế Đồng Nai “bêu tên” vì nợ thuế. Tháng 9-2022, công ty nợ 98,1 tỷ đồng tiền thuế và Cục Thuế Đồng Nai đã có công văn yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh đối với giám đốc công ty để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Tính đến ngày 31-1-2024, công ty đứng đầu danh sách nợ thuế của tỉnh Đồng Nai với số nợ hơn 110 tỷ đồng, bị cơ quan thuế phong tỏa tài khoản để thu hồi nợ.

    Tại miền Trung, Nhà máy ethanol Đại Tân (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã đi vào hoạt động hơn 13 năm. Đến nay, dù chuyển đến đời chủ sở hữu thứ 3 nhưng nhà máy vẫn hoạt động… èo uột! Nhà máy được vận hành từ năm 2011 với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng. Vào thời điểm đó, nhà máy được cho là sản xuất cồn nhiên liệu lớn nhất Việt Nam và là 1 trong 3 nhà máy lớn nhất Đông Nam Á, sản phẩm chính là cồn dùng pha với xăng truyền thống tạo thành xăng E5. Nhà máy được đầu tư xây dựng trên diện tích 18ha, có công suất 100.000 tấn/năm, tương đương 125 triệu lít/năm. Sau khoảng 2 năm đi vào sản xuất, nhà máy phải tạm dừng hoạt động do thua lỗ, gặp khó khăn về vốn. Số nợ lúc này lên tới 700 tỷ đồng với chủ nợ là các ngân hàng, đầu mối cung ứng sắn và cung cấp nhiên liệu.

    Năm 2015, Công ty TNHH Tùng Lâm đã mua lại nhà máy, và đến năm 2022 tiếp tục chuyển chủ sở hữu sang Công ty CP sản xuất Ethanol Quảng Nam. Hiện nhà máy chủ yếu sản xuất cồn từ bột bắp nhập khẩu. Ông Phạm Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Công ty CP sản xuất Ethanol Quảng Nam, chia sẻ, mỗi ngày Nhà máy ethanol Đại Tân sản xuất 400-450 tấn bột bắp nguyên liệu, cho ra được 150 tấn cồn/ngày, tương đương với 180m3. Với công suất sản xuất này, nhà máy không bù đủ chi phí nên bị lỗ vì theo công suất thiết kế nếu hoạt động 100% cần đến 1.300 tấn nguyên liệu/ngày.

    “Chúng tôi cố gắng duy trì sản xuất vì nếu dừng liên tục thì khó khăn tài chính cho công ty, hoặc khi cần hoạt động lại sẽ không tuyển được người làm. Năm 2023 và các năm trước đó, nhà máy dừng hoạt động liên tục vì ảnh hưởng nguồn nguyên liệu và sản phẩm bán ra gặp khó khăn do thị trường trong nước cũng như thế giới bị biến động”, ông Phạm Văn Tĩnh cho biết.

    Hoạt động tốt nhờ chuyển hướng sản xuất cồn thực phẩm

    Ông Nguyễn Công Nhật, Trưởng Phòng Kinh tế – hạ tầng huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum), cho biết, tại huyện Đăk Tô, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp chế biến cồn là Nhà máy cồn và tinh bột sắn Đăk Tô (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) do Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Nhà máy có quy mô khá lớn, đầu ra ổn định, mỗi năm đóng thuế cho địa phương khoảng 60-70 tỷ đồng.

    Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, cho biết, nhà máy xây dựng năm 2009, khoảng 2 năm sau đi vào hoạt động. Dự kiến ban đầu là sản xuất cồn để pha chế làm xăng E5. Tuy nhiên, trước khi đầu tư, công ty họp lại, đánh giá khả năng rủi ro cao khi làm cồn pha chế xăng, nên sau đó chính thức quyết định chuyển hướng, xin giấy phép sản xuất cồn thực phẩm. Từ khi hoạt động đến nay, công suất chế biến trung bình 7.000-10.000 tấn/năm, ngành nghề sản xuất của nhà máy là cồn thực phẩm chứ không phải cồn pha chế xăng. Công ty sản xuất để bán cho các đơn vị xuất khẩu, hoạt động bình thường, không thua lỗ.

    HỮU PHÚC

    MAI CƯỜNG – HOÀNG BẮC – NGUYỄN CƯỜNG

    ***

    Xăng sinh học E5: Xăng xanh thành… đống nợ – Bài 3: Chưa xanh đã… tàn

    SGGP 11/07/2024 09:30

    Theo các chuyên gia, đề án sản xuất xăng sinh học E5 rơi vào tình cảnh bi đát như hiện nay do rất nhiều nguyên nhân, không chỉ từ phía các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh phân phối, mà còn có sự chủ quan, thiếu tính phản biện, dự báo khi triển khai thực hiện. Từ đó, dẫn đến hậu quả nhãn tiền là xăng chưa xanh nhưng dự án, nhà máy đã… tàn!https://www.youtube.com/embed/RIo2qqQIvWA?rel=0

    Không có lời không bán!

    Theo khảo sát của PV Báo SGGP, tại nhiều cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội hiện nay, khi người dân có nhu cầu mua xăng, hầu như chỉ đổ xăng RON95, rất ít đổ xăng sinh học E5RON92.

    Tại cây xăng trên đường Tố Hữu (Thanh Xuân, Hà Nội) vào giờ cao điểm, mặc dù xếp hàng dài, nhưng nhiều người vẫn ráng chờ đổ xăng RON95. Trong khi đó, tại Đồng Nai, xăng E5 từng được triển khai rầm rộ nhưng đến nay loại xăng này vắng bóng, thậm chí nhiều cửa hàng xăng dầu đã loại bỏ trụ bơm xăng E5RON92.

    Tương tự, tại TPHCM, từng là một thị trường lớn của xăng E5RON92 khi được đưa vào bán đại trà, nhưng theo thống kê mới nhất của Sở Công thương TPHCM thì còn bán khá khiêm tốn: Petrolimex có 47/73 cửa hàng; Saigon Petro có 3/5 cửa hàng; Công ty TM Củ Chi bán đủ 15/15 cửa hàng; Công ty CP Vật tư xăng dầu (Comeco) là 9/24 cửa hàng…

    https://dcnreserve.wordpress.com/wp-content/uploads/2024/07/image-24.png?w=680

    Một góc nhà máy Ethanol Tùng Lâm (Đồng Nai). Ảnh: HOÀNG BẮC

    Một lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây cho rằng, doanh nghiệp phải có lợi nhuận thì họ mới bán. “Doanh nghiệp nhập về một đống hàng mà không tiêu thụ được thì thua lỗ ngay”, vị này chia sẻ.

    Hiện nay, những nơi vẫn bán song song xăng E5RON92 và RON95 là hệ thống các cửa hàng thuộc những doanh nghiệp phân phối lớn như: Petrolimex, PVOil, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội… Tuy nhiên, tỷ trọng tiêu thụ xăng E5 không cao như kỳ vọng, thậm chí còn có xu hướng giảm dần đều.

    Đề cập nguyên nhân xăng E5 ngày càng “lép vế” trên thị trường, đại diện Bộ Công thương nêu lý do chính là giá bán của xăng E5RON92 không hấp dẫn vì mức thuế bảo vệ môi trường cao, dẫn đến đội giá bán.

    Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng E5RON92 ở mức 3.800 đồng/lít, bằng 95% mức thuế bảo vệ môi trường của xăng khoáng RON92, trong khi mức độ bảo vệ môi trường của xăng sinh học tốt hơn. Theo ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), giá xăng E5RON92 và xăng RON95 chỉ chênh nhau khoảng 500-1.000 đồng/lít thì không có nghĩa lý gì để người tiêu dùng phải mua xăng sinh học.

    “Nếu giá xăng sinh học mà cứ rẻ hơn xăng khoáng ít nhất khoảng 2.000 đồng/lít thì hỏi người tiêu dùng có quay sang mua xăng sinh học hay không?”, ông Ngô Trí Long đặt câu hỏi. Đại diện của Saigon Petro và PVOil cũng nêu ý kiến, để tạo sức hút cho xăng E5RON92 thì cần tạo khoảng cách sâu về giá so với xăng RON95.

    Kiến nghị cải cách chính sách về giá để khuyến khích sử dụng

    Mặc dù thị trường tiêu thụ của xăng sinh học đang gặp trở ngại nhưng Bộ Công thương vẫn khẳng định hiệu quả bảo vệ môi trường của loại xăng này. Động cơ sử dụng xăng sinh học E5 tạo ra rất ít khí thải CO và hydrocarbon (HC), ít hơn hẳn các loại xăng khoáng thông dụng như A92 và A95 trung bình tới 20%…

    Do đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ xăng E5RON92 trên thị trường, kiến nghị cải cách chính sách về giá đối với nhiên liệu sinh học để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học.

    Phá sản đề án xăng sinh học?

    Với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngày 20-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”.

    Theo đó, đến năm 2015 sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 250.000 tấn (pha được 5 triệu tấn E5, B5) đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước; đến năm 2025, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

    Theo Bộ Công thương, thực hiện đề án trên, cả nước có 7 nhà máy được quy hoạch và đầu tư để sản xuất nhiên liệu sinh học là Dung Quất, Bình Phước, Phú Thọ, Đại Tân (tỉnh Quảng Nam), Đại Việt (tỉnh Đắk Nông), Nhà máy Ethanol Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) và Nhà máy Ethanol Tùng Lâm (Đồng Nai).

    Trong đó, Dung Quất, Bình Phước và Phú Thọ là 3 nhà máy do các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư và có vốn đầu tư lớn nhất. Tiếp đó, nhằm để mở thị trường cho xăng sinh học E5 thực hiện lộ trình dần thay thế các loại xăng khoáng, vào năm 2017, Bộ Công thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép phối trộn nhiên liệu sinh học (ethanol) với nhiên liệu truyền thống (xăng nền RON92).

    Theo đó, Chính phủ đã cho phép phối trộn các loại nhiên liệu này để trở thành xăng E5RON92 nhằm cung ứng ra thị trường từ ngày 1-1-2018 đến nay; đồng thời nêu rõ “chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh 2 loại xăng là E5RON92 và xăng khoáng RON95”.

    Tại thời điểm mới áp dụng chính sách phối trộn, lượng tiêu thụ xăng E5RON92 tăng mạnh với tỷ trọng chiếm tới 42%, còn xăng RON95 chiếm tỷ trọng khoảng 58% tổng lượng tiêu thụ xăng trên thị trường nội địa.

    Trong 26 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mặt đất thì 7 thương nhân có hệ thống phối trộn xăng E5 như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), Công ty TNHH một thành viên – Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty CP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu…

    Còn về số trạm thực hiện hoạt động phối trộn xăng sinh học, cả nước có khoảng 29 trạm với tổng công suất phối khoảng 6,5-8,6 triệu m3/năm. Lượng nhiên liệu từ hệ thống phối trộn này đủ cung ứng cho thị trường cả nước, thông qua hệ thống gần 17.000 cửa hàng.

    Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, kể từ đó cho đến nay, các nhà máy hoặc dừng, hoặc chưa thể hoạt động, hoặc sống èo uột. Trong khi đó, lượng tiêu thụ xăng E5RON92 teo tóp dần: năm 2019 chỉ khoảng 3,3 triệu m3; năm 2020 còn 2,5 triệu m3; năm 2021 cũng tương tự; năm 2022 chỉ tiêu thụ khoảng 1,5 triệu m3; và năm 2023 chỉ tiêu thụ được khoảng 1 triệu m3.

    Theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tổng nguồn xăng dầu các loại gồm cả nhập khẩu, mua từ nguồn sản xuất trong nước và pha chế trong cả năm 2023 ước khoảng 26,02 triệu m3. Như vậy, với những con số tiêu thụ nói trên, nếu lấy mốc so sánh của năm 2023 thì mức tiêu thụ của xăng E5RON92 chỉ còn tỷ lệ 1/26, một con số quá nhỏ bé!

    Ông BÙI NGỌC BẢO, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam:

    Nhập khẩu ethanol thế giới rẻ hơn sản xuất trong nước

    Nếu ethanol được sản xuất từ sắn (chủ yếu tại Brazil) thì giá thành đắt hơn nhiều so với ethanol sản xuất từ ngô (bắp – chủ yếu tại Mỹ). Nguồn nhập khẩu ethanol về Việt Nam hiện nay chủ yếu từ Mỹ thông qua một số đối tác tại Hàn Quốc, Singapore…

    Nếu sản xuất ethanol trong nước, giá thành sẽ đắt hơn so với nhập khẩu, tùy thời điểm sẽ khác nhau, nhưng trung bình chênh lệch khoảng 500-1.000 đồng/lít. Chi phí sản xuất ethanol ở trong nước cao do nhiều yếu tố, trong đó một phần do năng suất sắn của Việt Nam thấp.

    Ngay như chi phí sản xuất ethanol ở Thái Lan cũng rẻ hơn của chúng ta do năng suất sắn của Thái Lan cao hơn. Do vậy, nguồn ethanol để phối trộn hiện nay là từ nhập khẩu.

    Theo tôi, để phát triển thị trường xăng sinh học và tháo gỡ khó khăn cho các dự án sản xuất lớn đang phải đắp chiếu như Nhà máy Ethanol Dung Quất, Nhà máy Ethanol Bình Phước có thể hoạt động trở lại thì vấn đề quan trọng nhất là bài toán thị trường.

    Về cơ bản, nguyên nhân các nhà máy sản xuất ethanol cũng như thị trường xăng sinh học không được thuận lợi là do ngay từ lúc bắt đầu triển khai đã không tốt. Nếu ngay từ đầu, chúng ta lựa chọn loại xăng E10 thì sẽ tốt hơn E5 vì tỷ lệ ethanol trong xăng E5 còn ít quá.

    Mục tiêu Việt Nam đề ra là sẽ phải chuyển sang dùng các loại xăng E5, E10 để thay thế các loại xăng khoáng. Việc chuyển sang xăng sinh học là tất yếu, những nước như Mỹ, Brazil, châu Âu… đều đang làm.

    Nếu chúng ta càng sớm chuyển sang sử dụng đồng bộ xăng sinh học thì càng sớm đạt được cam kết về giảm phát thải với thế giới. Hiện nay, lộ trình, cơ chế chính sách, chủ trương về xăng sinh học đã có, vấn đề là quyết tâm hành động, hiện thực hóa như thế nào thì cần phải có chỉ đạo của cơ quan nhà nước.

    PHÚC HẬU

    ***

    Xăng sinh học E5: Xăng xanh thành… đống nợ – Bài 4: Bỏ thì thương, vương thì tội!

    SGGP 12/07/2024 08:17

    Hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước đã đầu tư, xây dựng các nhà máy nhiên liệu sinh học để phối trộn thành xăng E5 RON92 trở thành đống sắt khổng lồ bất động. Hàng chục năm qua, những nhà máy này đã trở thành “cục xương” mắc nghẹn của các chủ đầu tư, hết sức lãng phí!

    Chờ phá sản, kéo ra tòa

    Giữa tháng 3-2024, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ban hành quyết định về việc duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) do “Báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên”. Sau đó, PVOIL đã có văn bản giải trình, thể hiện rõ về cách thức đề xuất hướng xử lý Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ.

    Theo đó, giá trị khoản đầu tư của PVOIL vào Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Phú Thọ (PVB) trên 271 tỷ đồng (tính đến ngày 31-12-2023) dựa theo số liệu báo cáo tài chính chưa được kiểm toán của PVB cho năm tài chính kết thúc ngày 31-12-2022. PVOIL vẫn đang chờ phê duyệt của các cơ quan chức năng về việc triển khai phương án phá sản cho PVB. Đây là khoản đầu tư góp vốn của PVOIL vào PVB – công ty liên kết do PVOIL sở hữu 39,76% vốn điều lệ để xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ (phát sinh từ trước khi cổ phần hóa OIL). Dự án đã dừng thi công từ năm 2012, nhưng đến nay vẫn trong tình trạng dở dang, chưa được nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư và công trình xây dựng chưa được nghiệm thu, quyết toán.

    Dự án nói trên nằm trong số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Thông báo của Văn phòng Chính phủ (năm 2018) cho thấy, dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ được đề nghị xem xét phương án giải thể, phá sản theo quy định pháp luật. Ông Nguyễn Tuấn Tú, Phó Tổng giám đốc PVOIL, cho biết, công ty đã có văn bản trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề xuất được xác định lại khoản đầu tư tại dự án này về mức 0 đồng khi thực hiện quyết toán cổ phần hóa (được hiểu là loại khoản đầu tư này ra khỏi công ty cổ phần). Trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản dự án, nếu có phát sinh thu hồi từ thanh lý tài sản tại Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ, PVOIL sẽ nộp toàn bộ về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

    Vấn đề này đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xin ý kiến xử lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về sắp xếp lại, xử lý nhà đất và khó khăn, vướng mắc trong quyết toán cổ phần hóa PVOIL. Tuy nhiên, việc này chưa được các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Trong khi đó, tại tờ trình đại hội cổ đông mới đây của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (công ty mẹ Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) – chủ dự án Nhà máy ethanol Dung Quất) cho thấy, việc xử lý nhà máy này đang nằm tại tòa án.

    https://dcnreserve.wordpress.com/wp-content/uploads/2024/07/image-25.png?w=680

    Cửa hàng PVOIL Comesco ở quận 10, TPHCM vẫn treo bảng hiệu bán xăng E5RON92. Ảnh: HOÀNG HÙNG

    Năm 2021, các ngân hàng tài trợ cấp tín dụng cho công ty (bao gồm Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam) đã khởi kiện BSR-BF lên TAND TP Quảng Ngãi liên quan đến các khoản vay quá hạn thanh toán và biện pháp thu hồi nợ, lãi vay hợp đồng tín dụng xây dựng nhà máy. Ngày 26-3-2023, tòa án đã tuyên án, cơ bản chấp nhận tất cả yêu cầu khởi kiện của các ngân hàng, đồng thời yêu cầu BSR-BF thanh toán các khoản nợ gốc, lãi phát sinh.

    Trong trường hợp BSR-BF không thể thanh toán thì các ngân hàng có quyền yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Sau đó, BSR-BF nộp đơn kháng cáo một số nội dung của bản án, nhưng đến ngày 22-2-2024, BSR-BF đã nộp đơn đến TAND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu mở thủ tục phá sản. Hiện nay, sự việc đang chờ quyết định thụ lý của tòa án. Về tình hình tài chính của BSR-BF, các khoản nợ quá hạn thanh toán tính đến ngày 31-12-2023 bao gồm: chi phí lãi vay 439,6 tỷ đồng, số dư gốc vay khoảng 1.127,1 tỷ đồng.

    Lửng lơ trách nhiệm

    Theo TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM), việc các nhà máy dừng sản xuất ethanol phối trộn làm xăng E5 phải có phương án xử lý dứt điểm càng sớm càng tốt để giảm thiệt hại; không nên đóng cửa nhà máy trong thời gian dài, làm phát sinh chi phí lãi vay ngày càng tăng như thời gian qua. Trong đó, ưu tiên trước hết là tái cơ cấu để hiệu quả hơn, nếu có thể, chuyển đổi sản xuất các sản phẩm có nhu cầu thị trường phù hợp với công nghệ. Nếu không khả thi sẽ tính đến phương án chuyển nhượng hoặc bán lại tài sản cho các nhà đầu tư khác.

    Nếu cả 2 phương án không khả thi thì mới xem xét đến phương án phá sản. “Việc phá sản doanh nghiệp nhà nước không đơn giản như các doanh nghiệp tư nhân. Ngoài những quy định liên quan đến phá sản, còn xử lý trách nhiệm của người được giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước theo quy định về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Người được giao vốn làm ăn thua lỗ dẫn đến mất vốn phải chịu trách nhiệm cá nhân, nếu quá trình đầu tư thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm dẫn đến thua lỗ phải chịu trách nhiệm cụ thể, thậm chí phải bồi thường”.

    Trong khi đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), nhận định, bài học ở đây là công tác tham mưu xây dựng phát triển dự án, dự báo thị trường và giám sát, triển khai dự án. Đối với dự án xăng E5, có thể thấy đã sai ngay từ đầu, đó là khâu tham mưu xây dựng dự án không phù hợp. Dự án xăng E5 ra đời khi giá dầu thế giới đang ở mức cao (trên 100 USD/thùng), việc sản xuất xăng E5 mới có thể cạnh tranh được với giá xăng dầu truyền thống, từ đó mới đem lại hiệu quả, có lãi.

    Do đó, sai sót lớn nhất là việc xây dựng dự án nhưng không được đánh giá đầy đủ cũng như các dự báo về thị trường. Cho nên, khi giá xăng dầu thế giới đã giảm xuống ở mức 70-80 USD/thùng như hiện nay thì xăng E5 đã không còn hiệu quả. Chi phí của xăng E5 khi ấy cũng không được tính toán kỹ càng. Mặc dù nói xăng sinh học sẽ đỡ giảm thải khí CO2 và có vẻ “xanh hóa”, thân thiện môi trường hơn, nhưng lại không bàn đến hiệu quả kinh tế. Thêm vào đó, tiến độ triển khai dự án lại quá chậm, kéo dài tận 5-7 năm sau mới hoàn thành thì cũng là lúc giá xăng dầu thế giới đã thay đổi. Vì vậy, nếu muốn tiếp tục đầu tư để hoàn thành thì khi vận hành sẽ càng thêm lỗ. “Có thể nói, thực trạng của các dự án bây giờ là bỏ thì thương, vương thì tội. Bởi nếu bỏ đi thì xem như là bỏ hết, mất tất cả, cả gốc lẫn lãi. Nhưng nếu giữ lại thì chi phí lãi vay, duy trì nhà máy… cũng sẽ mất theo từng ngày!

    Gần đây, có ý kiến cho rằng đã đâm lao thì theo lao, cố gắng bỏ ra chi phí để duy trì công tác bảo quản, bảo dưỡng máy móc trang thiết bị để đến một lúc nào đó khi giá xăng dầu thế giới biến động thì đưa vào vận hành. Song, điều này là rất khó, bởi chi phí vốn bảo quản đó ai sẽ bỏ ra, nhất là khi dự án vẫn còn đang mang nợ ngân hàng?”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

    PGS-TS NGÔ TRÍ LONG, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính):

    Những bê bối đối với dự án xăng E5 là câu chuyện cũ nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Thực tế, đối với dự án này không còn mong chờ phục hồi sản xuất được nữa, mà phải tính đến câu chuyện cho giải thể hoặc phá sản như thế nào. Tôi được biết, trước đây PVOIL đã có đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước báo cáo Thủ tướng cho phép đơn vị này được xác định khoản đầu tư là 0 đồng, là phá sản. Nhưng hình như đến nay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chưa đồng ý.

    Thêm vào đó, ở đây còn có câu chuyện “quả bóng trách nhiệm” mà các bên sợ nên có vẻ đang “đá chuyền chân” cho nhau, không bên nào dám ra quyết định. Những người làm trực tiếp thì vướng vòng lao lý, thế còn đơn vị tham mưu dự án, là những ai? Thời điểm ấy, đi nhập máy móc cũ kỹ về để xây dựng nhà máy xăng E5 là đã lỗi thời, bởi vì nhiều nước trên thế giới họ đã sử dụng xăng E10, E20 (tỷ lệ pha trộn từ 10%-20%). Do đó, công tác tham mưu dự án ở đây rất quan trọng. Tôi cho rằng, đến giờ mà vẫn không cho xử lý bằng phá sản hay giải thể thì hậu quả để lại sẽ rất lớn cho nền kinh tế.

    THI HỒNG – MAI HOA – LƯU THỦY

    ***

    Phản hồi loạt bài “Xăng sinh học E5: Xăng xanh thành… đống nợ”: Những lo ngại trước đây đã thành sự thực

    SGGP 13/07/2024 09:06

    Sau khi Báo SGGP đăng tải loạt bài “Xăng sinh học E5: Xăng xanh thành… đống nợ”, từ ngày 9 đến 12-7, chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, phát triển xăng xanh là tất yếu nhưng trước mắt phải xử lý dứt điểm các nhà máy sản xuất ethanol, cắt gánh nặng cho nền kinh tế. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu ý kiến của các chuyên gia kinh tế, cơ quan chức năng.

    Bà LÊ VIỆT NGA, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương): Nhiên liệu sinh học là tất yếu để thực hiện theo cam kết

    https://dcnreserve.wordpress.com/wp-content/uploads/2024/07/image-26.png?w=680

    Nhiên liệu sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác từ thập niên 70 của thế kỷ trước và theo thời gian đã được sử dụng tương đối phổ biến để đáp ứng yêu cầu xanh hóa môi trường. Tại Hoa Kỳ, nhiên liệu (xăng) pha trộn ethanol đã được sử dụng từ những năm 2006, đến nay đã có hơn 97% loại xăng bán trên thị trường chứa 10% ethanol (E10) và sắp tới thị trường này có thể bán các loại nhiên liệu có tỷ lệ trộn ethanol cao hơn nữa như E15, E20…

    Không chỉ sử dụng rộng rãi xăng sinh học để bảo vệ môi trường, hiện nay Hoa Kỳ còn là quốc gia sản xuất ethanol lớn nhất thế giới (chủ yếu từ ngô) với công suất 60 tỷ lít/năm, đồng thời cũng là quốc gia xuất khẩu ethanol nhiều nhất thế giới với hơn 5 tỷ lít/năm. Ethanol cùng các đồng sản sinh học tương tự mỗi năm đang đóng góp hơn 40 tỷ USD cho tổng sản phẩm nội địa. Sau Hoa Kỳ, đến nay một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan là những quốc gia đi đầu trong sử dụng xăng sinh học từ hơn 15 năm nay.

    Ở Việt Nam, nhiên liệu sinh học, cụ thể là xăng E5 được coi là một dạng năng lượng mới, có thể tái tạo để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan phát triển nhiên liệu sinh học, tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống… Đến nay, xăng khoáng 92 đã được phối trộn ethanol với tỷ lệ 5% để cho ra loại xăng E5RON92 (xăng sinh học) và cấm sử dụng, kinh doanh loại xăng khoáng RON92 từ năm 2018 đến nay. Mặc dù hiện nay thị trường nhiên liệu sinh học có sụt giảm so với xăng khoáng, nhưng xăng E5, E10, E20… sẽ là xu thế tiêu dùng toàn cầu trong tương lai.

    Để thực hiện lộ trình phát triển thị trường nhiên liệu sinh học hướng tới COP26, Bộ Công thương đã chỉ đạo Vụ Dầu khí và than rà soát toàn bộ lộ trình phát triển xăng E5 để thời gian tới có lộ trình phát triển loại nhiên liệu sinh học mới phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới hiện nay, với tình hình phát triển và yêu cầu của Việt Nam.

    Ông NGUYỄN VĂN LẠNG, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam: Sản xuất ethanol từ củ sắn không còn phù hợp

    https://dcnreserve.wordpress.com/wp-content/uploads/2024/07/image-27.png?w=680

    Cách đây khoảng 15 năm, chúng ta đã quy hoạch và đầu tư một số dự án rất lớn để sản xuất ethanol cho thị trường, như các nhà máy ở Phú Thọ, Bình Phước, Quảng Ngãi…, nhưng không mang lại hiệu quả do tính toán sai về chính sách, xác định sai chi phí đầu vào. Thực tế thì nhu cầu ethanol của chúng ta cũng không cần nhiều như thế.

    Những nơi đang trồng nhiều sắn để sản xuất ethanol là Tây Ninh, khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh ở miền núi phía Bắc. Thế nhưng, vùng nguyên liệu này không chỉ sản xuất ethanol cho xăng sinh học mà còn phải để phục vụ các nhà máy chế biến thực phẩm với nhu cầu tiêu thụ cũng rất lớn. Thậm chí, có thời điểm cồn sinh học dành cho công nghiệp chế biến thực phẩm còn không đáp ứng đủ, nên hầu như không có để xuất khẩu, mà còn phải nhập khẩu ethanol. Lượng ethanol không đủ đáp ứng vì vùng nguyên liệu (sắn) không đủ. Trước đây, chúng ta thường sản xuất sắn lát để xuất khẩu với hàng triệu tấn/năm, nhưng hiện nay chúng ta đang phải giảm lượng xuất khẩu (chỉ còn xuất khoảng 400.000-500.000 tấn/năm) để ưu tiên sắn làm ra tinh bột tiêu thụ ngay trong nước. Từ tinh bột này sẽ làm ra tinh bột biến tính hoặc đường gluco. Hiện các nhà máy chế biến đường gluco từ tinh bột sắn có nhu cầu lớn về nguyên liệu, thu nhập mang lại khá cao.

    Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng bột sắn cũng ngày càng nhiều, ví dụ như bột để làm bánh kẹo các loại, bột mì… Cho nên, một số doanh nghiệp cũng thu mua tinh bột sắn để xuất khẩu đi châu Âu theo các FTA, đặc biệt là nhu cầu nhập của các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản rất nhiều. Trong khi nếu đem tinh bột sắn, sắn tươi để làm thành ethanol thì có những vấn đề vướng mắc hơn như phải xử lý môi trường, xử lý nước thải… Mặc dù những vấn đề này cũng không phải quá đáng ngại, có thể xử lý được, nhưng cái gốc của vấn đề là thu nhập từ việc dùng sắn sản xuất ra ethanol ở thời điểm này là rất thấp so với dùng sản xuất đường gluco. Lợi nhuận của việc dùng sắn để sản xuất đường gluco chắc chắn là gấp đôi so với dùng để sản xuất ethanol.

    Nói chung, để sản xuất cồn ethanol không thể chỉ trông đợi vào củ sắn, mà trong bối cảnh hiện nay cần phải nghiên cứu, triển khai mô hình sản xuất ethanol từ nguyên liệu mía (Brazil là nước đang làm rất thành công giải pháp này, trở thành cường quốc trên thế giới về sản xuất ethanol từ cây mía). Còn ở Việt Nam hiện nay theo tôi, để sử dụng sắn làm nguyên liệu sản xuất cồn sinh học là rất khó khăn. Thêm nữa, hệ thống sản xuất tinh bột sắn đã phát triển lên hàng trăm nhà máy rồi, xuất khẩu tinh bột sắn hàng năm lên tới hàng tỷ USD cho nên các doanh nghiệp sẽ không muốn chuyển đổi từ củ sắn ra ethanol. Tuy nhiên, trong trường hợp nhà nước có mức giá tốt cho mặt hàng xăng sinh học thì bài toán sẽ được hóa giải, doanh nghiệp có thể chuyển đổi sắn thành ethanol.

    TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Phân định nhiệm vụ cụ thể, hồi tố trách nhiệm

    https://dcnreserve.wordpress.com/wp-content/uploads/2024/07/image-28.png?w=680

    Câu chuyện về việc xây dựng các nhà máy sản xuất xăng sinh học pha chế ethanol (xăng E5) đã từng được giới chuyên gia nói đến từ hàng chục năm trước, ngay cả khi dự án sắp triển khai. Đa số các ý kiến khi đó đều bày tỏ lo ngại về tính khả thi của dự án này. Có hai lo ngại là về giá bán xăng, với giá bán cao do chi phí cao thì sẽ khó cạnh tranh trên thị trường; và lo ngại về thiết bị máy móc sản xuất có thể đã lạc hậu cũng như tính khả thi về hạch toán kinh doanh dự án này. Đến nay, những lo ngại trên đã thành sự thực.

    Về phương án xử lý, với một dự án đã thua lỗ nặng nề và không có khả năng phục hồi lẫn tính khả thi thì giải pháp tốt nhất theo thông lệ quốc tế là cho phá sản. Sau đó thì bán hóa giá tài sản, bởi nếu càng kéo dài sẽ càng làm tăng chi phí. Theo tôi, thời gian qua, dự án vẫn tồn tại dai dẳng mà không có biện pháp xử lý rốt ráo bởi còn có tình trạng “đá trách nhiệm” giữa Bộ Công thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bây giờ Chính phủ nên đứng ra phân định trách nhiệm cụ thể của các bên để thống nhất phương án xử lý. Cuối cùng, đó là phải quy trách nhiệm được người đã quyết định chủ trương và cho phép triển khai các dự án này, cần có sự hồi tố, xử lý nghiêm khắc.

    VĂN PHÚC – LƯU THỦY thực hiện

    https://dotchuoinon.com/2024/07/14/xang-sinh-hoc-e5-xang-xanh-thanh-dong-no-5-bai/


    Không có nhận xét nào