Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam nhận 15 tỷ USD để giảm điện than nhưng xây thêm nhà máy...

     Việt Nam nhận 15 tỷ USD để giảm điện than nhưng xây thêm nhà máy: Mỹ ‘sẽ giám sát chặt’ 

    Việt Nam sắp xây băng tải vận chuyển than đá từ Lào để đảm bảo an ninh năng lượng

    BBC News

    02/7/2024


    Chụp lại hình ảnh, Mặc dù Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra cam kết tham vọng rằng Việt Nam sẽ cắt giảm điện than tới 70% vào năm 2050, nhưng việc thiếu điện trầm trọng hiện nay đã khiến Việt Nam tiếp tục cho tái khởi động các dự án nhà máy điện than đang dang dở, trong đó có Sông Hậu 2

    Kế hoạch xây dựng một nhà máy điện than mới ở Việt Nam đang thu hút sự giám sát từ các nước giàu đã cấp vốn cho gói tài chính trị giá 15 tỷ USD - được thiết kế để giúp Hà Nội thoát khỏi loại nhiên liệu này.

    Nhà máy điện Sông Hậu 2 công suất 2,1 GW, hiện đang được triển khai xây dựng, đã ký kết thỏa thuận kết nối lưới điện quốc gia và khoản vay gần 1 tỷ USD.

    Nhà máy này do Tập đoàn Toyo Ventures Holding Berhad của Malaysia làm chủ đầu tư.

    Việc xây dựng nhà máy này có thể khiến Việt Nam vi phạm giới hạn sản xuất điện than được quy định trong thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trị giá hơn 15,5 tỷ USD được công bố vào năm 2022.

     ‘Gây thất vọng và đáng lo ngại’

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Một trang trại điện gió ở Bạc Liêu. 

    Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, bà Lucy Hummer từ Tổ chức Global Energy Mornit (GEM) nói rằng việc chính thức triển khai xây dựng nhà máy Sông Hậu 2 "gây thất vọng và đáng lo ngại vì nhiều lý do". 

    Trước hết là vì việc xây dựng nhà máy này đe dọa các kế hoạch giảm công suất điện than mà Việt Nam đã thiết lập trước đây. 

    Tiếp đó, việc này cho thấy Việt Nam ủng hộ một kế hoạch năng lượng dài hạn đi ngược lại xu hướng từ bỏ than trên toàn cầu.

    Việt Nam đã cam kết giảm một nửa công suất nhà máy than vào năm 2035 và loại bỏ dần điện than vào năm 2044 để đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

    Cam kết nói trên - mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đột ngột đưa ra tại Thượng đỉnh kh hậu (COP26) tại Scotland năm 2021 - được đánh giá là đầy tham vọng nhưng "vội vàng". 

    Việt Nam đang trải qua đợt nắng nóng, khô hạn diện rộng gây thiếu điện nghiêm trọng. Và một trong các giải pháp mà Việt Nam ngay lập tức dùng để giải quyết tình hình là tái khởi động các dự án điện than đang dang dở.

    Bà Hummer nhận định rằng cả Việt Nam và chủ đầu tư từ Malaysia nên xem xét lại việc đặt cược vào tương lai của than ở Đông Nam Á - nơi các khoản tài trợ cho dự án điện than đang giảm mạnh.

    "Các thỏa thuận tài chính của các đối tác Malaysia sẽ đặt Việt Nam vào thế bị soi xét kỹ lưỡng do các lo ngại về chính trị, kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng," bà Hummer nhận định.

    Việt Nam được đánh giá là có nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào vào bậc nhất trong khu vực. 

    Do đó, việc cấp vốn và xây dựng các nhà máy than mới là "không phù hợp với vị thế quốc gia dẫn đầu khu vực của Việt Nam - về cả công suất năng lượng tái tạo đang có và tiềm năng," bà Lucy nói với BBC. 

    "Việc xây dựng các nhà máy than mới trong nước là không cần thiết do ngày càng có nhiều nguồn thay thế rẻ hơn và sạch hơn," bà nhấn mạnh. 

    Nguy hiểm hơn, công suất điện than mà nhà máy Sông Hậu 2 mang lại sẽ đặt Việt Nam vào nguy cơ vi phạm các giới hạn được thiết lập bởi gói tài trợ quốc tế trị giá 15 tỷ USD - theo thỏa thuận JETP.

    Thỏa thuận JETP có quy định rằng Việt Nam sẽ không vượt quá 6 GW công suất điện than mới.

    Đáng chú ý là, dữ liệu của GEM cho thấy Việt Nam hiện đang có năm dự án điện than chưa được tài trợ có công suất dự kiến vượt quá 6 GW nói trên, bao gồm Long Phú 1, Na Dương 2, Quảng Trạch 1, Vũng Áng 2 và Sông Hậu 2.

    Năm nhà máy này đã được gia hạn đến tháng 6/2024 để quyết định hoặc tiếp tục triển khai hoặc hủy bỏ. 

    "Chính sách này đặt ngành công nghiệp than vào sự xung đột với quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, thay vì tạo ra một cơ chế hợp tác trơn tru và bình đẳng," bà Lucy nói với BBC.

    Kể từ khi Quy hoạch phát triển điện 8 (PDP8) được phê duyệt vào tháng 5/2023, Việt Nam đã đưa một nhà máy than mới - Vân Phong 1 và 2 (với công suất dự kiến mỗi tổ máy là 716 MW) - vào hoạt động. 

    Bốn nhà máy khác cũng đã "rục rịch" là Long Phú 1 Na Dương 2, Quảng Trạch 1và Vũng Áng 2.

    Cùng với Sông Hậu 2, nếu tất cả các dự án này đều được vận hành thương mại, Việt Nam sẽ đạt công suất than vận hành là 33,2 GW theo dữ liệu của GEM, lớn hơn cả dự báo nêu ra trong PDP8 và các điều khoản của JETP.

    Mỹ ‘sẽ giám sát chặt’

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại ở Hải Dương năm 2022

    Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ và các đối tác quốc tế khác tiếp tục khuyến khích Việt Nam theo đuổi các mục tiêu nêu ra trong JETP để triển khai năng lượng tái tạo và chuyển đổi khỏi năng lượng than, theo Bloomberg.

    Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo về khả năng xây dựng và vận hành thêm nhà máy than, điều này có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực nói trên.

    “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để thực hiện những cải cách cần thiết, loại bỏ dần việc sản xuất điện đốt than, tăng cường năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện, đồng thời huy động nguồn tài chính đã cam kết để đạt được những mục tiêu này.”

    Việc Việt Nam tiếp tục xây dựng nhà máy điện than Sông Hậu 2 càng cho thấy rõ hơn những hạn chế của mô hình JETP, theo nhận định của Bloomberg.

    Theo thỏa thuận này, Liên minh châu Âu, Anh, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác đã đồng ý huy động 7,75 tỷ USD viện trợ và cho vay, cùng với 7,75 tỷ USD từ các nhà đầu tư, tổng cộng là hơn 15 tỷ USD, để giúp Việt Nam về mặt tài chính nhằm thực hiện cam kết cắt giảm điện than, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

    Jake Schmidt, giám đốc chiến lược cấp cao về khí hậu quốc tế tại Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, cho biết: “Không phải là một dấu hiệu tốt nếu một quốc gia như Việt Nam tiếp tục đầu tư vào than”.

    Lộ trình xây dựng nhà máy điện than Sông Hậu 2

    Nguồn hình ảnh, OTHER

    Chụp lại hình ảnh, Dự án nhà máy điện than Sông Hậu 2

    Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 đã ký thỏa thuận kết nối lưới điện với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và khoản vay 980 triệu USD để mua thiết bị, theo hồ sơ của nhà phát triển Toyo Ventures Holdings Berhad trên sàn Bursa Malaysia vào đầu tháng 6/2024, theo Bloomberg.

    Dự án Sông Hậu 2 trị giá 2,7 tỷ USD đã bị trì hoãn trong hơn một thập kỷ tại tỉnh Hậu Giang.

    Dự án này đã được triển khai hơn một năm sau khi giới chức Việt Nam ký gói tài chính khí hậu trị giá 15 tỷ USD với các quốc gia giàu có để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi than, loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất.

    Nếu nhà máy này được xây dựng, Việt Nam có thể vi phạm thỏa thuận đó, theo nhóm vận động về khí hậu Energy Shift Institute.

    Như một phần của thỏa thuận JETP, Việt Nam đã cam kết giữ công suất điện than ở mức 30,2 GGW vào năm 2030, ít hơn khoảng 7 GW so với kế hoạch trước đó. 

    Theo Christina Ng, giám đốc điều hành của Viện Energy Shift, với những nhà máy than hiện tại và những gì đang được xây dựng, dự án Sông Hậu 2 có thể khiến công suất điện than tại Việt Nam vượt quá giới hạn đã cam kết.

    Đàn áp giới hoạt động môi trường


    Chụp lại hình ảnh, Từ trái qua: ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Thị Minh Hồng, bà Ngô Thị Tố Nhiên

    Cuối năm 2022, Việt Nam ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một nhóm các nước giàu và các ngân hàng phát triển, trị giá 15,5 tỷ USD, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero emission) vào 2050.

    Các nước tài trợ nằm trong nhóm International Partners Group, bao gồm các quốc gia thuộc khối G7, EU, Na Uy và Đan Mạch.

    Trong các bản kế hoạch trên giấy tờ, Việt Nam được đánh giá là đang đi đúng hướng trên lộ trình loại bỏ hoàn toàn điện than vào năm 2050.

    Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về tính khả thi và minh bạch của quá trình này, nhất là khi Việt Nam gần đây đã cho bỏ tù nhiều nhà hoạt động môi trường hàng đầu - những người lẽ ra đóng vai trò giám sát độc lập việc thực hiện cam kết đầy tham vọng này.

    Ngoài bà Ngụy Thị Khanh mới được trả tự do sau 16 tháng tù, hiện một số nhà hoạt động môi trường khác vẫn đang ngồi tù, như ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Minh Hồng và bà Ngô Thị Tố Nhiên.

    Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE), là người mới nhất bị bắt giữ, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rời khỏi Việt Nam sau khi hai nước tuyên bố nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất.

    Trong tài liệu Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP dài hơn 200 trang mà Việt Nam công bố hồi tháng 12/2023 thì "NGO" (tổ chức phi chính phủ) chỉ xuất hiện có một lần, theo một phân tích của Tiến sĩ Jörg Wischermann từ Viện GIGA nghiên cứu về châu Á, đăng trên trang của Quỹ Heinrich-Böll-Stiftung (Đức) hôm 10/3.

    Ông nhận định, trên thực tế, các NGO đã không còn có thể lên tiếng trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.

    Các vụ bắt bớ và truy tố, theo ông, cho thấy "sự tương phản sâu sắc" với những cam kết trong thỏa thuận JETP với phía Việt Nam về cơ chế 'tham vấn. 

    Theo cơ chế tham vấn, các NGO và những tổ chức dân sự đã được định rõ sẽ được tham khảo ý kiến trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam bị đánh giá là "yếu về mặt chính trị". Các bộ khác thì thường xuyên “chây ì”, “trì trệ”, “cản trở và quan liêu” trong quá trình thực hiện chuyển đổi năng lượng, theo ghi chép không công khai của quan chức Anh mà trang Politico tiếp cận được hồi tháng 12/2023.

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cxe2nr2y958o

    Việt Nam sắp xây băng tải vận chuyển than đá từ Lào để đảm bảo an ninh năng lượng

    01/7/2024

    Việt Nam sắp xây băng tải vận chuyển than đá từ Lào để đảm bảo an ninh năng lượng

    Công nhân làm việc ở than cọc 6 - thị trấn Cẩm Phả, Quảng Ninh năm 2010 (minh họa) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngREUTERS/Kham 

    Một dự án băng tải than đá dài hơn sáu km từ biên giới Việt Nam - Lào về nội địa với khả năng vận chuyển 30 triệu tấn than đá/năm vừa được chính quyền tỉnh Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư.

    Truyền thông Nhà nước cho biết, vào ngày 1/7, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho hay Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư với dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam.

    Dự án được nói là để khắc phục hạn chế về đường bộ chật hẹp, xuống cấp.

    Mục đích của dự án là để đảm bảo an ninh năng lượng đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu than trong nước, đồng thời giảm áp lực thông quan hàng hóa lên cửa khẩu quốc tế La Lay và quốc lộ 15D, theo truyền thông trong nước.

    Dự án có tổng mức đầu tư là gần 1.500 tỷ đồng với diện tích là hơn 23 ha. Dự án được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 được thực hiện trong năm 2024, giai đoạn hai từ năm 2030.

    Theo truyền thông Nhà nước, mỗi ngày, cửa khẩu quốc tế La Lay tiếp nhận khoảng 4.000 tấn than, những ngày cao điểm, không ùn tắc giao thông có thể lên đến 12.000 tấn than với 400 - 450 xe và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.

    Trong năm 2023, tỉnh Quảng Trị đã nhập 2,2 triệu tấn than đá từ Lào.

    Ngoài dự án này, nhà đầu tư cũng đề nghị tỉnh Quảng Trị cho xây dựng thêm hai hệ thống băng tải nhập khẩu than từ Lào khác về Việt Nam. Ba dự án được nói có độ dài 160 km đưa than đá từ mỏ than về cảng biển Việt Nam, xuất đi các tỉnh thành và các nước.

    Hiện nhiệt điện than của Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng sản lượng điện cả nước. Các tỉnh miền Bắc Việt Nam trong hai năm qua liên tục đối mặt với khó khăn về thiếu điện do các nhà máy thủy điện thiếu nước, gây lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

    Việt Nam đã gia tăng việc nhập khẩu than từ các nước để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện của các nhà máy điện than. 

    Tuy nhiên, trong hội nghị về biến đổi khí hậu tại Glasgow, COP26 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết đến năm 2040 Việt Nam sẽ đưa mức thải ròng về 0. Điều này có nghĩa là Việt Nam phải giảm sự lệ thuộc vào nhiên liệu than và chuyển sang các nhiên liệu thân thiện với môi trường.

    Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết từng bước từ bỏ điện than, không xây dựng hoặc đầu tư nhà máy phát điện mới. 

    Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam tới năm 2030 sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới ngoài những dự án đã được phê duyệt, hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy mới tới năm 2045 và từng bước loại bỏ những nhà máy đã vận hành nhiều năm, công nghệ lạc hậu.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-to-build-system-to-import-coal-from-lao-07012024091845.html


    Không có nhận xét nào