Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam hợp tác với Trung Quốc về an ninh mạng như thế nào?

    Phong Cầm /Tạp chí Luật Khoa

    15/7/2024



    Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa. 

    Bài báo “Việt Nam - Chine: cybersécurité et contrôle social” (tạm dịch: Việt Nam - Trung Quốc: an ninh mạng và quản lý xã hội) của Tiến sĩ Benoît de Tréglodé xuất bản trên Tạp chí Quốc phòng (Revue Défense Nationale) của Pháp năm 2022 [1] phân tích về việc tăng cường cơ chế hợp tác về an ninh công cộng của chính quyền Trung Quốc và Việt Nam trong đấu tranh chống tội phạm, nhất là nhằm vào các thế lực “phản động” trên không gian mạng để bảo tồn chế độ.

    Đối với hai quốc gia, việc duy trì trật tự và bảo vệ vị thế thống trị của đảng là những ưu tiên hàng đầu. Trong khuôn khổ nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết vào năm 2008, có một phần liên quan đến hợp tác về an ninh, cảnh sát. Cụ thể là (1) xây dựng một cộng đồng có tương lai chung cho việc thực thi pháp luật và an ninh giữa Trung Quốc với Việt Nam và (2) là bảo vệ lợi ích lâu dài của hai bên, bất chấp những diễn biến ở Biển Đông và thái độ hoài nghi, hiềm khích giữa hai dân tộc.

    Theo bài báo, ở cả hai quốc gia, Bộ Công an là chủ thể chính trị có sự ảnh hưởng lớn và chịu trách nhiệm trong nhiều lĩnh vực như duy trì trật tự xã hội, chống tham nhũng, cho tới vấn đề an ninh mạng, giám sát internet và bảo vệ thông tin cá nhân. Với các văn phòng đại diện rộng khắp cả nước, Bộ Công an cũng có các đặc vụ tại các quận huyện của tất cả các thành phố lớn. 

    Hiện nay, Bộ Công an hoạt động với sáu lĩnh vực chính: cảnh sát, an ninh, tình báo chiến lược, quản lý về thi hành án hình sự, hậu cần (như sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật để tấn công, truy bắt tội phạm), khoa học và công nghệ (như quản lý về cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

    Trong đó, bộ phận an ninh có một đơn vị chuyên biệt là A.42 (Tổng cục An ninh Bộ Công an), [2] được trang bị công nghệ điện tử tiên tiến để tấn công mạng và giám sát điện thoại di động, và A05 (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) [3] chịu trách nhiệm chống tội phạm mạng. Ngoài ra, trong Bộ Công an còn có Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. [4] Cục này được thành lập trên cơ sở sáp nhập Cục An ninh mạng (ra đời năm 2014) với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) vào năm 2018.

    Tiến sĩ Benoît de Tréglodé cũng lưu ý việc những cơ quan này thi hành công vụ làm hạn chế quyền của các địa phương cũng như gây ra sự chồng chéo trong phối hợp. 

    Gia tăng sự hỗ trợ từ Trung Quốc

    Theo bài báo, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh có ở hai phương diện: song phương và đa phương. Vào mùa xuân năm 2019, bên lề Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường BRI, hai nước đã đạt thỏa thuận về việc hợp tác nhằm ổn định xã hội trong thời đại kỹ thuật số.

    Trong khối ASEAN, Trung Quốc giữ ảnh hưởng nhất định đến việc phát triển các tiêu chuẩn về an ninh mạng. Do đó, Tiến sĩ Benoît de Tréglodé lập luận rằng Việt Nam đã trở thành đối tượng chính trong chính sách an ninh mạng của Trung Quốc tại Đông Nam Á.

    Có một sự kiện nổi bật diễn ra vào tháng 6/2017, chỉ sau năm ngày kể từ khi Luật An ninh mạng Trung Quốc có hiệu lực, Bộ Công an Việt Nam đã trình Chính phủ các đề xuất để xây dựng một luật tương tự. Với bảy chương và 43 điều, Luật An ninh mạng Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) có thể coi như bản sao của Trung Quốc.

    Một điểm quan trọng trong luật mới này chính là nhà chức trách yêu cầu các công ty công nghệ có người dùng tại Việt Nam thành lập văn phòng, lưu trữ dữ liệu trong nước và tiết lộ dữ liệu người dùng cho Bộ Công an mà không cần tới quyết định của tòa án.

    Cũng giống như ở Trung Quốc, luật này nhấn mạnh việc loại bỏ nội dung "độc hại" trên Internet, giám sát những công dân "tiềm ẩn rủi ro" và kiểm soát luồng thông tin. Ngay sau khi luật có hiệu lực, Chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng Facebook vi phạm pháp luật vì đã cho phép nội dung "phỉ báng" chống chính quyền tồn tại trên nền tảng.

    Kể từ đó, phía an ninh của Việt Nam đã tăng cường hợp tác với phía Trung Quốc thông qua các khóa đào tạo định kỳ về an ninh mạng. Bắc Kinh cũng trợ giúp Hà Nội xây dựng những công cụ phân tích dữ liệu điện tử nhằm chống tội phạm mạng và từ đó, đóng góp vào việc duy trì tình hình an ninh xã hội giữa hai quốc gia.

    Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hệ thống giám sát của mình, đặc biệt là sử dụng kỹ thuật nhận diện khuôn mặt như là cách học hỏi người bạn Trung Quốc.

    Chính phủ Việt Nam cung cấp tài trợ và hợp tác với các tập đoàn như FPT, đặc biệt là trong phân khúc trí tuệ nhân tạo (FPT-AI). Một số chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể sớm áp dụng công nghệ chấm điểm công dân dựa trên dữ liệu lớn từ FPT-AI và các công ty công nghệ tài chính khác của Việt Nam để thử nghiệm một hệ thống tín dụng xã hội (còn gọi là hệ thống tín nhiệm xã hội). [5]

    Nếu nhìn từ góc độ lịch sử thì kể từ những năm 1950, chính quyền Việt Nam đã có hệ thống xếp loại hạnh kiểm học từ nước láng giềng. Công dân có một hồ sơ cá nhân (sơ yếu lý lịch) bao gồm địa chỉ cư trú, nguồn gốc dân tộc, tôn giáo, thông tin gia đình, trình độ học vấn, các trường đã học, kỹ năng ngôn ngữ, nghề nghiệp… cho tới thời gian gia nhập Đoàn Thanh niên, Đảng Cộng sản.

    Một hoạt động số hóa dữ liệu cá nhân này đang diễn ra trên toàn quốc, giúp Chính phủ thu thập và tổ chức dễ dàng hơn các tệp cá nhân này và qua đó xem xét việc thiết lập một hệ thống tín dụng xã hội theo kiểu Việt Nam.

    Việt Nam vẫn canh chừng Trung Quốc?

    Mặc dù có những nhiều hợp tác, phía Việt Nam vẫn cố gắng chống lại sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh.

    Công an luôn đại diện cho một cánh tả bảo thủ, ủng hộ việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Bộ Công an đã lâu nay tự xem mình là đối thủ của Bộ Quốc phòng, trong khi Bộ Quốc phòng thường lên tiếng về những vấn đề xã hội như kêu gọi cải cách kinh tế vào năm 1986, cảnh báo nhà nước về những hệ lụy của tham nhũng vào năm 1997. Năm 2019, cuốn Sách trắng về Quốc phòng Việt Nam [6] đã lần đầu tiên ghi nhận rằng các cuộc tấn công mạng là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia.

    Với sự tăng cường hợp tác về an ninh giữa hai nước, Bộ Quốc phòng phải đảm trách về đấu tranh trên không gian mạng trong quân đội. Ngày 8/1/2016, Lực lượng 47 được thành lập và tới cuối năm 2017 có tới 10.000 người khắp nước. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm giám sát nội bộ (hoạt động của quân đội và có lẽ cũng giám sát các thành viên của đảng trên internet và mạng xã hội).

    Ngày 15/8/2017, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86) được thành lập với tiền thân là Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Tổng tham mưu, trước khi cục này được chuyển giao về Bộ Quốc phòng năm 2018.

    Bộ Tư lệnh 86 được coi là quân đội thứ năm (bên cạnh trên bộ, trên biển, trên không, vũ trụ) với nhiệm vụ là bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trong không gian mạng. [7]

    Các cơ quan an ninh Việt Nam, bao gồm Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, đều có vai trò trong việc bảo vệ không gian mạng và đảm bảo an ninh hệ thống thông tin của quân đội.

    Tương tự như Bộ Công an, Bộ Tư lệnh 86 tham gia vào cuộc chiến chống suy thoái tư tưởng và các thế lực thù địch; trong đó bao gồm cả việc kiểm soát và quản lý mạng xã hội nằm trong phạm vi của họ.

    Tuy nhiên, còn một đơn vị khác đã tồn tại trong Bộ Quốc phòng, đó là Cục T1, thuộc Tổng cục II (Tổng cục Tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam), phụ trách tình báo trên không gian mạng và có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng Cục T1 đang hợp tác với Mỹ [8] để cân bằng các hoạt động mạng của Bộ Công An.

    Sở dĩ có sự hợp tác này, theo tác giả, là có thể bắt nguồn từ vụ tấn công của hacker Trung Quốc vào hạ tầng thông tin của các sân bay chính tại Việt Nam năm 2016. [9] Vào tháng 9/2018, Bộ Tư lệnh 86 đã cùng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ký kết một thỏa thuận hợp tác về bảo đảm an toàn thông tin mạng. [10]

    Ở Việt Nam, quân đội chiếm toàn bộ phổ điện vì họ sở hữu một nhà khai thác viễn thông và internet quan trọng với Viettel - đơn vị đã thiết lập tường lửa quốc gia và cũng là một mô hình học từ Trung Quốc. 

    Theo tác giả, không phải ngẫu nhiên khi hiện nay Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng trước đây là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel; hay Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông trước đây là Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel.

    Tiến sĩ Benoît de Tréglodé kết luận rằng Hà Nội vẫn duy trì chiến lược “vừa hợp tác vừa đấu tranh”, cẩn trọng với người anh em nước láng giềng. Mặc dù đang phát triển nền ngoại giao công khai để thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhưng sự hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh mạng cũng rất quan trọng vì nó đáp ứng các vấn đề an ninh nội bộ quan trọng cho tương lai chế độ của Việt Nam.

    Chú thích:

    [1] Benoît de Tréglodé, Viêt Nam – Chine : cybersécurité et contrôle social, 2022. https://www.cairn.info/revue-defense-nationale-2022-7-page-116.htm

    [2] Hoài Nam (2009), Cục A.42: Thầm lặng chống khủng bố, phản động, Báo SGGP. https://www.sggp.org.vn/cuc-a42-tham-lang-chong-khung-bo-phan-dong-post221180.html

    [3] Xem thêm: https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BB%A5c_An_ninh_m%E1%BA%A1ng_v%C3%A0_ph%C3%B2ng,_ch%E1%BB%91ng_t%E1%BB%99i_ph%E1%BA%A1m_s%E1%BB%AD_d%E1%BB%A5ng_c%C3%B4ng_ngh%E1%BB%87_cao

    [4] Xem thêm: https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BB%A5c_An_ninh_m%E1%BA%A1ng_v%C3%A0_ph%C3%B2ng,_ch%E1%BB%91ng_t%E1%BB%99i_ph%E1%BA%A1m_s%E1%BB%AD_d%E1%BB%A5ng_c%C3%B4ng_ngh%E1%BB%87_cao 

    [5] Xem thêm: https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%87_th%E1%BB%91ng_T%C3%ADn_d%E1%BB%A5ng_X%C3%A3_h%E1%BB%99i#:~:text=H%E1%BB%87%20th%E1%BB%91ng%20T%C3%ADn%20d%E1%BB%A5ng%20X%C3%A3%20h%E1%BB%99i%20

    [6] Đỗ Thoa (2019), Công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019, dangcongsan.vn. https://dangcongsan.vn/thoi-su/cong-bo-sach-trang-quoc-phong-viet-nam-nam-2019-543565.html 

    [7] Tiến Hưng (2021), Tác chiến điện tử trong chiến tranh hiện đại, qdnd.vn. https://www.qdnd.vn/cong-nghiep-quoc-phong-4-0/tac-chien-dien-tu-trong-chien-tranh-hien-dai-674070 

    [8] Phạm Chí Dũng (2016), T1: Hợp tác tình báo Việt - Mỹ ‘sâu’ đến đâu?, VOA. https://www.voatiengviet.com/a/t1-hop-tac-tinh-bao-viet-my-sau-den-dau/3360926.html 

    [9] Xem thêm: https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_tin_t%E1%BA%B7c_t%E1%BA%A5n_c%C3%B4ng_c%C3%A1c_s%C3%A2n_bay_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam_2016 

    [10] ACV và Bộ Tư lệnh 86 ký kết Quy chế phối hợp công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, 2018. Xem thêm: https://vietnamairport.vn/tin-tuc/tin-tuc-hoat-dong-tong-cong-ty/acv-va-bo-tu-lenh-86-ky-ket-quy-che-phoi-hop-cong-tac-bao-dam-an-toan-thong-tin-mang 


    Không có nhận xét nào