16/7/2024
Tháng 5/2024, một đại tướng công an được bầu làm chủ tịch nước trong một bối cảnh chính trị đặc biệt. Nhiệm kỳ nầy có rất nhiều biến động, khi các lãnh đạo cao cấp liên tiếp mất chức.
Việc lên chức của ông Tô Lâm là kết quả của chiến dịch chống tham nhũng do ông tổng bí thư đảng khởi xướng, trong đó ông Tô đóng vai trò đốt lò. Sau khi nhiều nhân vật cấp cao bị dính chàm và rời đi, ông Tô trở thành một trong số ít người đủ điều kiện để có thể lên làm tổng bí thư tương lai, với chuẩn bị cho những thay đổi trong ê kíp quyền lực sắp tới khi ông tổng bí thư bây giờ chống gậy hay đột quỵ.
Ưu tiên quyền lực của Tô Lâm
Dưới sự lãnh đạo của ông Tô trong tám năm qua, Bộ Công an đang ngày càng được củng cố và mở rộng với mức chi từ ngân sách trung ương ngày càng tăng. Trong dự toán ngân sách 2024, Bộ Công an được phân bổ ngân sách hơn 113.000 tỷ đồng, tăng từ mức hơn 99.000 tỷ đồng của năm 2023. [1]
Ngân sách cho ngành công an chỉ đứng thứ hai, sau ngân sách quốc phòng (hơn 207.000 tỷ đồng) và gấp đôi ngân sách dành cho ngành giáo dục và y tế cộng lại. [1]
Ưu tiên hàng đầu của tân chủ tịch nước là trọng thưởng các “công thần” trong bộ công an vì đã có những chiến tích quá to. Nổi cộm là thượng tướng Lương Tam Quang lên làm bộ trưởng bộ công an, thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc lên làm chánh văn phòng trung ương đảng để dìu dắt ông tổng bí thư đã 80 tuổi. [2]
Quyền lực của ông chủ tịch nước mới còn bao trùm cả “quốc hội”, với chiến tích là hai bộ luật mới vừa được thông qua, là Luật Cảnh vệ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ An ninh trật tự ở cơ sở.
Với bộ Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, ông Tô và các công thần công an đang triển khai rầm rộ “cánh tay nối dài” của công an trên mọi miền đất nước vào đến tận ngàn làng và muôn hẽm, với bổ sung gần 300 ngàn người vào quân số công an.
Trong lúc sôi nổi, phấn khởi ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, báo Công an đưa tin tràn ngập những hình ảnh công an diễn tập bắt bớ còng tay dân khắp địa phương. [3]
Ưu tiên của công an có phần lấn lướt ưu tiên của nhà nước. Ngành nầy đã từng đề xuất trích 70% tiền xử phạt vi phạm cho cảnh sát giao thông để phục vụ công an. Mặc dù đề xuất nầy đã bị bãi bỏ, nhà nước đã tái đề xuất cho công an được trích một phần từ khoản tiền xử phạt vi phạm giao thông để thẳng vào công quỹ ngành thay vì công quỹ nhà nước.
Ưu tiên cơm áo cho dân
Tháng 2/2024 ở Nam Dương, ông Prabowo đắc cử tổng thống trong một cuộc bầu cử cạnh tranh. Trước đòi hỏi của dân và để mua phiếu, Prabowo đã đề xuất cải thiện các chương trình bảo trợ xã hội, ví dụ như lo cơm cho dân nghèo. [4]
Những nỗ lực này nhằm mục đích hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn và hướng dẫn hộ thoát nghèo và có cuộc sống khá hơn. Chính phủ Prabowo đang triển khai chương trình bữa trưa miễn phí, cung cấp bữa ăn miễn phí cho học sinh, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai.
Từ khi Tổng thống Joko ‘Jokowi’ Widodo lên nắm quyền vào năm 2014, Nam Dương đã chứng kiến những sáng kiến bảo trợ xã hội mang tính thay đổi, bao gồm việc cung cấp hỗ trợ tiền mặt có mục tiêu cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, cung cấp trợ cấp và học bổng cho sinh viên từ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và chi trả phí bảo hiểm y tế cho 97 triệu cá nhân. [4]
Nhiệm kỳ thứ hai của Jokowi vào năm 2019 đã mở ra chương trình nâng cao năng lực của lực lượng lao động và thúc đẩy tinh thần kinh doanh.
Nam Dương đã kiên định cam kết bảo trợ xã hội, phân bổ trung bình 16% ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2013-2023. Vào năm 2024, với tổng ngân sách nhà nước là 216 tỷ USD, khoảng 15% đã được dành cho các chương trình bảo trợ xã hội.
Hiến pháp Nam Dương quy định là 20% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục. Tuy nhiên 22% các quận/thành phố và 35% (12 trên 34) tỉnh không đạt được mức phân bổ nầy. [5]
Những khoản đầu tư bền vững này đã góp phần tạo nên tiến bộ đáng kể trong công cuộc giảm nghèo, phản ánh sự cống hiến của nước này trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.
Ưu tiên Tô Lâm và tô cơm có xung đột nhau không?
Ngân sách nhà nước không phải là tiền của đảng. Ngân sách nầy cũng không phải là tiền chùa mà các nhóm lợi ích trong đảng đang cắn xé nhau để chia chát qua tham nhũng.
Ngân sách nầy là do tiền đóng thuế từ dân, đa phần là dân làm lụng vất vả, tay làm hàm nhai với cuộc sống thường xuyên đối mặt với khó khăn hàng ngày.
Ngân sách nầy có giới hạn, nếu tiêu quá nhiều cho công an và quân đội thì không còn đủ tiền cho giáo dục và y tế, cũng như không thể chi vào những dịch vụ thiết thực mà dân cần.
Nhìn từ góc độ người nghèo, việc phân bổ ngân sách lớn cho bộ máy công an và quân đội không đáp ứng đúng nhu cầu của chị Ba làm chế biến, anh Tư làm xây dựng, bác Sáu làm nông, cô Hai làm dịch vụ, chú Năm chủ tiệm, hay những người khác. Có phải chăng những người ấy muốn có việc làm hay có thể buôn bán ra vào để có tiền mà sống, có thể mua thức ăn mỗi ngày, có nhà ở đủ khả năng chi trả, có trường học tốt cho con cái, đường xá an toàn, và bệnh viện tốt trong trường hợp đau ốm? Đơn giản là họ muốn có một cuộc sống tốt.
Nhìn từ góc độ các nước trong khu vực cạnh tranh với nhau để tạo công việc cho dân mỗi nước, Nam Dương đặc ưu tiên vào cơm áo cho dân nước ấy, nhất là dân nghèo và những người bị tổn thương. Ưu tiên Tô Lâm thiên vị công an, không phải là ưu tiên cơm áo của dân.
Khi nhìn từ góc độ người dân, cũng như từ góc độ cạnh tranh với các nước trong khu vực, việc phân bổ ngân sách to lớn cho công an và quân đội là điều hết sức xấu cho dân, dẫn đến đời sống khó khăn hơn cho dân mình so với dân Nam Dương.
Nguồn:
1. BBC. Thượng tướng Lương Tam Quang làm bộ trưởng Bộ Công an. 6/6/2024; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c72285jy16ro.
2. Cảnh Chân. VNTB – Tô Lâm trọng thưởng đại thần. 14/07/2024; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-to-lam-trong-thuong-dai-than/.
3. Báo Công An. Sôi nổi, phấn khởi ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại các địa phương. 01/07/2024; Available from: https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/soi-noi-phan-khoi-ra-mat-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-tai-cac-dia-phuong-d17-t39888.html.
4. Hilman Palaon. Indonesia’s free lunch program is cooking up economic change. Lowy Institute 03/05/2024; Available from: https://www.lowyinstitute.org/publications/indonesia-s-free-lunch-program-cooking-economic-change.
5. World Bank. Revealing How Indonesia’s Subnational Governments Spend their Money on Education: Subnational Education Public Expenditure Review 2020. 18/11/2020; Available from: https://www.worldbank.org/en/country/indonesia/publication/subnational-education-public-expenditure-review-2020.
Không có nhận xét nào