20/7/2024
Khi viết những giòng nầy, tôi định tựa bài nầy là “Lê Anh Hùng 1 – Viện Pháp y Tâm thần 0” vì chỉ một năm sau khi mãn án tù 5 năm, bao gồm cả một khoảng thời gian dài bị cưỡng bức uống thuốc tâm thần ở Viện, anh Hùng đã hoàn thành một cuốn sách có trình tự dễ theo dõi, các chương mục thời thượng với hơn 20 chương ngắn gọn dễ đọc, tựa đề “Quyền lực và vấn đề kiểm soát quyền lực trong xã hội”.
Tôi có tật đọc sách thường hay đọc ở dưới đi lên, nên chỉ đọc hết hai chương gần cuối về “Lựa chọn nào cho Việt Nam” và “Lời kết”. Cái tựa bài về 1 – 0 mà tôi nghĩ ban đầu tôi dân thấy là không chuẩn sau khi tôi nghĩ lại về nội dung của các chương nầy.
Anh Hùng tiếp cận việc họ lạm dụng quyền lực để tống giam và ngược đãi anh với lòng bao dung và tinh thần khoa học. Những đề xuất mà anh giải trình về những lựa chọn cho đất nước có phần độc lập với những gì xảy ra cho cá nhân anh những lúc bị giam cầm.
Khi cuộc sống hoàn toàn bất công với tôi, tôi vẫn có lựa chọn, hoặc tôi trở nên cay đắng và tìm cách nói lên nỗi hằn học, hoặc tôi cố gắng trở thành một người tốt hơn và giữ thái độ tích cực trong việc vượt qua những gì cuộc sống đối xử bất công với tôi. Tôi nghĩ anh Hùng đã chọn cách thay thế ấy.
Mặc dù đã nhận định như thế, tôi vẫn thấy cần nêu rõ sự thật – Viện Pháp y Tâm thần mang tiếng là chữa trị nhưng thật ra đã làm hại cho tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng. Lòng khoan dung của anh Hùng và cuốn sách sắp đến tay bạn đọc vào tuần tới là bằng chứng hùng hồn về sự sai trái trong hoạt động y tế của cơ sở y tế này.
Định hình quyền lực và hiểu rõ việc xử dụng và tiềm năng lạm dụng quyền lực là những câu hỏi sâu sắc đề cập đến những khía cạnh cơ bản của bản chất con người, khả năng lãnh đạo và đạo đức. Việc theo đuổi và sử dụng quyền lực là chủ đề trung tâm trong suốt lịch sử loài người và tiếp tục có liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống, từ các mối quan hệ cá nhân đến chính trị vài nơi và nhiều nơi.
Về bản chất, quyền lực là khả năng gây ảnh hưởng hoặc kiểm soát hành vi của người khác hoặc diễn biến của các sự kiện. Nó có thể thể hiện qua nhiều hình thức, quyền lực chính trị, sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng xã hội, kiến thức hoặc chuyên môn, thể lực, sức lôi cuốn hay sức thu hút cá nhân, và những hình thức khác.
Ham muốn quyền lực thường được coi là động lực cơ bản của con người, gắn liền với nhu cầu về an ninh, mong muốn được công nhận và thể hiện bản thân.
Nhưng dùng quyền lực để làm gì, có phải chăng quyền lực và trách nhiệm phải đi đôi? Mặc dù việc giành được quyền lực có thể rất hấp dẫn nhưng câu hỏi quan trọng hơn là quyền lực đó được sử dụng như thế nào.
Như người ta thường nhắc ở ngoài xứ Đông Lào: “Quyền lực lớn sẽ có trách nhiệm lớn”. Khái niệm này nêu bật khía cạnh đạo đức của quyền lực.
Nếu bạn có quyền lực, bạn dùng quyền lực ấy để phục vụ người khác hay bạn chú tâm vào lợi ích cá nhân?
Bạn có tầm nhìn và việc bạn xử dụng quyền lực có tác động dài hạn hay bạn chỉ thấy không xa hơn tầm đi đái của bạn. Những người cầm quyền hiện nay không có tầm nhìn xa.
Họ gom hết mọi thứ cho họ, gia đình, tùy tùng và lợi ích nhóm của họ. Họ không có những phương cách tản quyền hợp lý để thực hiện mục đích lớn hơn quyền lực. Họ không có kế hoạch nào để trao quyền một khi họ hoàn thành mục đích mà họ cần quyền lực để thực hiện mục đích ấy.
Có chăng một người nắm quyền đến lúc người ấy 80 tuổi và chỉ trao quyền lúc người ấy vào bệnh viện trung ương quân đội 108?
Khi họ nắm quyền, họ có khả năng vượt qua lối mòn bí mật trong cách hành xử và xử dụng quyền lực hay không. Họ có dám minh bạch những việc họ làm hay không?
Lịch sử cận đại ở xứ Đông Lào là chuỗi dài về lạm dụng quyền lực với mục đích không rõ ràng, nói một đàng làm một nẻo, càng lên cao càng tha hóa và thậm thà thậm thụt, muốn tiền mà giả đạo đức.
Ngược lại, một tù nhân lương tâm trưởng thành trong không gian đầy dẫy lạm dụng quyền lực mà vẫn trở thành bao dung, người ấy có thể xử dụng quyền lực một cách tích cực.
Quyền lực, khi được sử dụng một cách có trách nhiệm, có thể là sức mạnh mang lại nhiều lợi ích. Với trách nhiệm và bao dung, người ấy có thể tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội. Người ấy có thể bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
Người ấy có thể nâng cao kiến thức và đổi mới – cặm cụi viết sách để mang những điều mình học hỏi và trải nghiệm trong những đen tối để giúp đời. Người ấy có thể truyền cảm hứng và động lực cho người khác. Chung sức với mọi người, người ấy có thể giải quyết các vấn đề phức tạp cũng như thúc đẩy công bằng và bình đẳng. Người ấy ở đây không chỉ riêng anh Hùng, nhưng bao gồm “những người Việt Nam yêu nước cả trong lẫn ngoài hệ thống vẫn đang ngày đêm trăn trở, ưu tư với vận mệnh nước nhà”.
Những khai phóng ấy trên quê hương là cần thiết, là cấp thiết với mức độ gia tăng theo thời gian. Tác hại hiện nay của tranh giành quyền lực chỉ vì quyền lực ròng dẫn đến áp bức và chuyên chế, tràn đày việc người lợi dụng người, kẻ có quyền thì tham nhũng và làm giàu cho bản thân, thao túng và lừa dối.
Để duy trì sự lạm quyền, những người hám quyền vì muốn có quyền ấy cố dàn dựng thế lực để tham quyền cố vị. Họ tổ chức “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở” để ngăn chặn sự phản đối hoặc các quan điểm đa dạng
Câu hỏi một người sẽ làm gì với quyền lực có được cuối cùng là sự phản ánh giá trị, tính cách và tầm nhìn của một người. Nó thách thức chúng ta xem xét không chỉ những tham vọng cá nhân mà còn cả trách nhiệm của chúng ta với người khác và với xã hội chung quanh. Khi chúng ta điều hướng phạm vi ảnh hưởng của mình, dù lớn hay nhỏ, điều quan trọng là phải liên tục suy ngẫm về cách chúng ta xử dụng quyền lực mình có và mục đích của quyền lực ấy là gì.
“Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, có sợ gì đâu!”
Không có nhận xét nào