Header Ads

  • Breaking News

    Sắc lệnh di dân mới của ông Biden ‘chỉ là bỏ bớt thủ tục’

    01/7/2024 


    VOA Tiếng Việt 

    Biên giới giữa Mỹ và Mexico ở Tijuana, bang California


    Biên giới giữa Mỹ và Mexico ở Tijuana, bang California 

    Sắc lệnh hành pháp mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép người phối ngẫu không có giấy tờ của công dân Mỹ được cấp quy chế thường trú nhân, tức thẻ xanh, chỉ là một bước đi ‘cắt giảm bớt thủ tục’ cho nhóm đối tượng này, một luật sư về di trú nói với VOA.

    Tòa Bạch Ốc hôm 18/6 đã loan báo chính sách này và coi đó là ‘hành động mới để giữ các gia đình không bị ly tán’. Theo tính toán của giới chức, sắc lệnh này sẽ giúp cho khoảng 500.000 di dân không có giấy tờ không bị trục xuất.

    Cụ thể, chính sách này cho phép những người không phải công dân Mỹ vào Mỹ bất hợp pháp, đã ở Mỹ ít nhất 10 năm và đã kết hôn với công dân Mỹ được nộp đơn xin quy chế thường trú nhân mà không cần rời khỏi Mỹ như trước đây.

    Trong một buổi lễ tại Tòa Bạch Ốc, ông Biden đã gọi bước đi này là ‘sự sửa chữa mang tính lương tri’ đối với hệ thống thủ tục ‘cồng kềnh, rủi ro và gây ly tán cho các gia đình’.

    Ông cho biết sắc lệnh này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ mùa hè này và nhấn mạnh những người mới đến Mỹ sau này sẽ không nằm trong diện được xét. Thay vào đó, nó sẽ xét cho những người ‘đóng thuế và đóng góp cho đất nước chúng ta’ và thân nhân của họ.

    Tổng thống ‘tin rằng bảo vệ biên giới là cần thiết’, ông nói trong thông cáo báo chí hôm 18/6 khi công bố sắc lệnh.

    “Tổng thống cũng tin tưởng vào việc mở rộng các con đường hợp pháp và giữ cho các gia đình không ly tán, và những di dân đã ở Mỹ trong nhiều thập kỷ, đóng thuế và đóng góp cho cộng đồng của họ là một phần của kết cấu xã hội của đất nước chúng ta,” thông cáo viết.

    Bỏ qua một bước

    Trao đổi với VOA từ Houston, Texas, luật sư di trú Khanh Phạm, nhấn mạnh rằng sắc lệnh này dành cho những người đã vào Mỹ bất hợp pháp, chứ không phải những người đã vào Mỹ hợp pháp nhưng trốn ở lại bất hợp pháp.

    Khi vào Mỹ rồi, những người này đã kết hôn với công dân Mỹ và hôn thú phải ký trước ngày 17/6 năm 2024, và thời gian họ ở Mỹ là phải 10 năm trở lên thì mới được xét duyệt, ông nói rõ.

    “Thực ra không cần kết hôn bên Mỹ cũng được, miễn sao chính quyền cấp hôn thú có thẩm quyền làm như vậy,” ông nói thêm và cho biết chính sách này không phân biệt hôn nhân dị giới hay đồng giới.

    Trường hợp sống chung với nhau như vợ chồng mà không có hôn thú chính thức thì không nằm trong diện được xét duyệt, Luật sư Khanh nói.

    Tuy nhiên, đây không phải là điều gì mới mẻ vì trước khi có sắc lệnh của ông Biden, những di dân trong diện này đã được xin thẻ xanh, chỉ có điều quy trình lâu hơn với thủ tục phức tạp hơn, cũng theo lời luật sư Khanh.

    “Trước đây, họ phải xin được duyệt tờ khai 601, tức là được miễn nằm trong diện không được phê chuẩn (waiver of inadmissibility) vì tội vô Mỹ bất hợp pháp, bây giờ bỏ luôn, không cần phải xin cái đó nữa,” ông giải thích.

    Theo lời ông thì khi điền tờ khai 601, di dân phải rời khỏi nước Mỹ, thường là về lại nước của họ, đợi đến khi nào nó được Sở Di trú Mỹ chấp thuận thì họ phải đến lãnh sự quán Mỹ tại nước đó phỏng vấn xin thị thực nhập cảnh Mỹ trở lại. Thông thường quá trình này mất từ 2 đến 3 năm. Sau khi vào lại Mỹ, họ mới bắt đầu thủ tục xin thẻ xanh.

    Nhưng đến năm 2012, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã cho phép họ không cần phải về lại cố quốc để làm tờ khai 601 mà có thể chờ đợi được duyệt hồ sơ ở Mỹ luôn. Chỉ khi nào tờ khai 601 được duyệt họ mới cần ra khỏi Mỹ để xin visa vào lại.

    Khả năng họ bị rớt visa ‘rất là thấp’, cũng theo lời luật sư di trú này. Chỉ khi nào họ khai gian dối hay giấu giếm gì đó mới bị rớt visa.

    “Sắc lệnh của ông Biden cho phép họ xin thẳng thẻ xanh luôn, bỏ qua quy trình tờ khai 601, nếu họ đủ điều kiện nằm trong diện này,” ông cho biết.

    “Đây không phải coi như là sự ân xá, mà chỉ coi như là cắt bớt một quãng đường mà họ phải đi thôi,” ông nói.

    Theo giải thích của luật sư Khanh thì luật pháp về hôn thú ở các tiểu bang ở Mỹ không yêu cầu phải là người có quốc tịch hay thường trú nhân hợp pháp thì mới cấp giấy hôn thú cho họ. “Ngay cả hai người là di dân bất hợp pháp ra chính quyền làm giấy hôn thú cũng được,” ông nói.

    Có ly dị được không?

    Tùy vào độ dài của cuộc hôn nhân đến thời điểm xin thẻ xanh mà ứng viên sẽ được cấp thẻ xanh 2 năm hay 10 năm, ông cho biết. Nhưng khi đang trong thời gian xin thẻ xanh mà họ ly dị thì hồ sơ sẽ bị bác bỏ.

    Đối với những người đã có thẻ xanh 2 năm nhưng trong thời gian 2 năm đó lại ly dị thì khi đến hạn xin thẻ xanh 10 năm, họ phải chứng minh là cuộc hôn nhân của họ là thật và việc họ ly dị chỉ vì lý do bất khả kháng, luật sư Khanh nói, và cách để chứng minh là con chung hay tài sản chung.

    Còn một khi đã được cấp thẻ xanh 10 năm rồi thì dù họ có ly dị ngay lập tức cũng không sao, ông nói thêm.

    Đối tượng được xem xét phải là người không có tiền án hình sự, nhưng những tội nhẹ như vi phạm giao thông hay ăn cắp vặt thì ‘sẽ được bỏ qua’, ông cho biết.

    Khi được hỏi sắc lệnh này có ảnh hưởng nhiều đến người Việt không, Luật sư Khanh Phạm nói ‘có nhưng không bao nhiêu’.

    “Thực tế cũng ít. Vấn đề ở đây là sắc lệnh áp dụng cho những người nào vào Mỹ bất hợp pháp, Người Việt một khi qua đây đều là hợp pháp, hoặc là du lịch, hoặc là du học.”

    Sau khi vào Mỹ rồi, một số người Việt mới ở lại Mỹ bất hợp pháp và tìm cách hợp thức hóa qua con đường kết hôn với công dân Mỹ, ông nói thêm và cho biết sau này mới có tình trạng người Việt đi qua biên giới vào Mỹ bất hợp pháp.

    Về câu hỏi sắc lệnh này có làm tăng tình trạng di dân bất hợp pháp vào Mỹ hay không, Luật sư Khanh cho là ‘có’ vì sẽ có những người thiếu hiểu biết nghe theo lời bọn buôn người nói rằng chỉ cần vào Mỹ và kết hôn với người Mỹ thì sẽ trở thành thường trú nhân hợp pháp.

    “Họ không để ý đến mốc thời gian là phải có hôn thú trước ngày 17/6 năm 2024 và thời gian ở Mỹ phải ít nhất 10 năm,” ông nói.

    https://www.voatiengviet.com/a/sac-lenh-di-dan-moi-cua-ong-biden-chi-la-bo-bot-thu-tuc-/7677726.html


    Không có nhận xét nào