Header Ads

  • Breaking News

    Pháp triển khai dự án hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu tại 15 tỉnh Việt Nam

    Thu Hằng /RFI

    17/6/2024

    Việt Nam có 3.200 km bờ biển, phải đối mặt thường xuyên với giông bão, lũ lụt, sạt lở. Khoảng 30% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhấn chìm nếu nước biển dâng khoảng 50 cm. Dân số dự kiến đạt đến 120 triệu người từ nay đến 2030 trong khi nền kinh tế vẫn phát thải khí CO2 vì 42% sản lượng điện vẫn phụ thuộc vào than đá. 

    Ảnh minh họa : Cánh đồng điện mặt trời và điện gió ở Quy Nhơn, Việt Nam, ngày 11/06/2023.


    Ảnh minh họa : Cánh đồng điện mặt trời và điện gió ở Quy Nhơn, Việt Nam, ngày 11/06/2023. AP - Minh Hoang 

    Là một trong 5 nước không phải là đảo quốc bị tác động mạnh vì biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đặt ra nhiều tham vọng lớn để đạt mục tiêu trung hòa khí phát thải cho đến năm 2050. Trong hành trình này, Pháp khẳng định sát cánh với Việt Nam.

    Thông qua nhiều dự án tài trợ trực tiếp hoặc trong khuôn khổ các thỏa thuận với các đối tác quốc tế (JETP của G7, Liên Hiệp Châu Âu, Na Uy và Đan Mạch hoặc chiến lược GlobalGateway của Liên Hiệp châu Âu…), chính phủ Pháp, cũng như Cơ quan Phát triển Pháp (Agence Français de Développement, AFD), thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam, giúp Việt Nam khắc phục một số hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.

    Để hiểu hơn về các dự án đang và sắp được triển khai, đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đã trả lời một số câu hỏi của RFI Tiếng Việt ngày 13/06/2024.

    Quảng cáo

    Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Nhổn - Cầu Giấy).


    Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Nhổn - Cầu Giấy). © Ambassade de France au Vietnam 

    RFI : Hai dự án tài trợ tài chính của Liên Hiệp Châu Âu và của Pháp nhằm đầu đối phó với tác động của biến đổi khí hậu đã được thông báo vào tháng Ba vừa qua. Dự án thứ nhất ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và dự án thứ hai ở thành phố Đông Hà, tỉnh quảng Trị. Xin Đại sứ cho biết tình hình khẩn cấp đến mức độ nào để giải thích cho việc lựa chọn hai địa phương này ?

    Đại sứ Olivier Brochet : Trước tiên cần phải nhắc lại rằng Cơ quan Phát triển Pháp - AFD tại Việt Nam tập trung vào các dự án về khí hậu. Có nghĩa là những nguồn tài chính của Cơ quan Phát triển Pháp là nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, và chủ yếu là vì lợi ích của ngành điện Việt Nam, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hoặc nhằm để thích ứng với biến đổi khí hậu và trường hợp này chủ yếu có lợi cho các tỉnh.

    Trong trường hợp thứ hai này, với hai dự án nêu trên là do bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam đã đề nghị Cơ quan Phát triển Pháp đầu tư tài chính. Dự án ở Hội An liên quan đến xói lở bờ biển đang diễn ra rất nhanh, cấp bách. Cho nên dự án tài trợ đó nhằm mục đích hạn chế xói mòn bờ biển, nhất là bảo vệ các bãi biển trong khu khách sạn ven biển Hội An. Về dự án ở Đông Hà, đó là do thành phố này bị lũ lụt thường xuyên, cho nên cần phải hỗ trợ nỗ lực phòng chống lũ lụt của thành phố. Công trình được tiến hành ở lưu vực thượng nguồn để cố gắng tránh các trận lũ lụt thường xuyên ở các khu vực trung tâm. 

    Tôi điểm sơ qua về nguồn gốc của hai dự án nhưng cả hai cùng nằm trong chính sách chung do Pháp, đặc biệt là do cơ quan AFD tại Việt Nam, tiến hành vì lợi ích của các tỉnh và dĩ nhiên là có dự hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu, cũng như Quỹ WARM (Water and Natural Resources Management Facility - Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên Thiên nhiên ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam) nhằm mục đích hỗ trợ tất cả các dự án tăng cường năng lực đối phó với biến đổi khí hậu.

    RFI : Việt Nam nằm trong số 5 nước không phải là đảo dễ bị tác động nhất trước những hệ quả của biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, còn có những địa phương nào cần sự hỗ trợ và kinh nghiệm chuyên ngành của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu ?

    Đại sứ Olivier Brochet : Tôi nghĩ, có thể nói là tất cả các tỉnh ở Việt Nam đều dễ bị tác động do hệ quả của biến đổi khí hậu. Như chị nhắc ở trên Việt Nam là một trong số 5 nước không phải là đảo bị tác động nặng nề và sẽ còn bị như vậy. Có thể thấy việc này qua các trận ngập lụt, xói lở bờ biển, nước mặn xâm lấn hoặc ngược lại là tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở nhiều vùng, cho nên cần phải can thiệp ở khắp nơi.

    Hiện nay, Cơ quan Phát triển Pháp có dự án tại khoảng 15 tỉnh ở Việt Nam theo đề nghị của UBND những tỉnh mà chúng tôi duy trì mối quan hệ, đôi khi có từ lâu, và thực hiện chung nhiều dự án trước đó. Chúng ta mới nêu hai ví dụ nhưng còn nhiều dự án khác nữa. Tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt đến ba dự án mà Cơ quan Phát triển Pháp điều phối ở đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi rất dễ bị tác động trong tương lai vì 50% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ bị chìm dưới nước từ nay đến cuối thế kỷ vì nhiều lý do và đang chịu nhiều vấn đề rất trầm trọng. Ví dụ cơ quan AFD can thiệp ở Cà Mau với một dự án cũng liên quan đến xói lở bờ biển để hạn chế hiện tượng này. Còn dự án thứ hai là ở Hậu Giang về xử lý các vụ ngập lụt trong thành phố. Cả hai dự án đã được phê chuẩn và sắp được ký duyệt. Còn một dự án khác ở Vĩnh Long nhằm chống xâm nhập mặn và củng cố bờ sông.

    RFI : Đại sứ nêu ít nhất 5 dự án ở trên, liệu cơ quan AFD có giám sát, hỗ trợ hoặc chuyển giao kinh nghiệm cho đối tác Việt Nam để các dự án này bền vững sau khi đi vào hoạt động trong tương lai không ?

    Đại sứ Olivier Brochet : Có, tất cả những dự án này trước đó đều được thảo luận khá kỹ lưỡng về kỹ thuật để xác định chính xác những nhu cầu về thiết bị, về vật liệu, về công trình, cũng như nhu cầu về hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân viên - những người chịu trách nhiệm quản lý những vấn đề này. Và Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên Thiên nhiên - WARM do Liên Hiệp Châu Âu triển khai rất hữu ích cho việc này vì cho phép tài trợ, thông qua hình thức trao tặng, những chương trình hỗ trợ kỹ thuật này.  AFD được Quỹ WARM tài trợ khoảng 2 triệu euro hàng năm cho tất cả các dự án của cơ quan nhằm hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật cho cho các UBND tỉnh.

    Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đi thăm dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội, ngày 08/04/2024. Đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dự kiến đi vào hoạt động mùa hè 2024, đoạn đường hầm tiếp tục được thi công.


    Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đi thăm dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội, ngày 08/04/2024. Đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dự kiến đi vào hoạt động mùa hè 2024, đoạn đường hầm tiếp tục được thi công. © Facebook Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam 

    RFI : Tại hội nghị khí hậu COP 26, Việt Nam đã thông báo nhiều mục tiêu đầy tham vọng. Pháp và nhóm G7 sẵn sàng giúp Việt Nam thực hiện thông qua chương trình Thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng - JETP. Vậy đâu là những hướng đi để đạt được những mục tiêu đó ?

    Đại sứ Olivier Brochet : Đúng vậy, Việt Nam đã dũng cảm cam kết và quyết tâm đối phó với vấn đề nhiệt độ nóng lên trên toàn cầu. Tôi xin nhắc lại những cam kết được đưa ra tại COP 26, đó là trung hòa khí CO2 vào năm 2050, thoát khỏi than đá vào thập niên 2040, giảm khí metan mà chúng ta biết ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt do trồng lúa. Đó là những cam kết đầy tham vọng.

    Mong muốn của chúng tôi, và tôi cũng cho đó là nghĩa vụ của chúng tôi, là hỗ trợ Việt Nam thực hiện những cam kết được đưa ra. Chính vì thế Pháp đã cam kết với những đối tác khác trong khuôn khổ Thỏa thuận JETP để mang lại hỗ trợ cụ thể cho Việt Nam. Cũng vì thế vào tháng 06/2023, Pháp đã đề xuất Hiệp ước Paris vì Con người và Hành tinh (Pacte de Paris pour les peuples et la planète, 4P). Việt Nam cũng tham gia và nằm trong số 54 nước ký kết. Ý nghĩa của Hiệp ước này là những nước đang phát triển không phải lựa chọn giữa phát triển vì người dân và chống biến đổi khí hậu. Do đó, các nước giàu nhất cũng phải tham gia hỗ trợ những nỗ lực mà các nước phương Nam đã kiên quyết đưa ra. Có thể thấy Pháp đã đưa ra những cam kết chính trị rất rõ ràng, rất mạnh mẽ và chúng tôi đang thực hiện những cam kết đó ở đây.

    Tôi vừa nêu ở trên về Thỏa thuận JETP bởi vì Pháp, cùng với các đối tác trong G7, đã cam kết giải ngân 500 triệu euro trong vòng 5 năm và nhiều dự án đầu tiên sắp được thực hiện trong ngân sách này. Một trong những dự án mà tôi nghĩ tới trước tiên là dự án xây thêm một hồ thủy điện cho nhà máy thủy điện Bắc Hà giúp trữ nước, trữ nguồn năng lượng dư thừa từ pin mặt trời trong ngày để sau đó sử dụng nguồn năng lượng này vận hành tua bin nước trong hồ chứa vào buổi tối khi nhu cầu điện tăng cao. Đó là một ví dụ trong số những dự án mà chúng tôi sẽ cấp tín dụng và hiện giờ đang trong giai đoạn đánh giá, định hình.

    Ngoài ra phải kể đến sự hỗ trợ lớn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam để cải thiện mạng lưới điện bởi vì đây là một trong những vấn đề lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt. Một phần lớn sản lượng điện, đặc biệt là điện tái tạo, được sản xuất ở miền Nam trong khi nhu cầu ở miền Bắc cực kỳ lớn và không được đáp ứng đầy đủ. Do đó phải cải thiện mạng lưới điện giữa miền Bắc và miền Nam để có thể phát triển toàn diện ngành sản xuất năng lượng tái tạo. Và đó cũng là lĩnh vực chúng tôi đang hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

    Ngoài tài trợ công, Thỏa thuận JETP cũng có những cam kết của các doanh nghiệp và công ty tư nhân để đáp ứng những nhu cầu, trông đợi của Việt Nam. Trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp Pháp đã có mặt và tiếp tục cam kết. Tôi chỉ nêu ví dụ của EDF Renewables đang có dự án quan trọng về các loại năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Trong tương lai có thể còn có nhiều dự án khác mà chúng tôi đã bắt đầu suy tính tùy theo chính sách của phía Việt Nam. Pháp có thể mang đến những giải pháp về phát triển lĩnh vực hydro và có thể một ngày nào đó nếu Việt Nam tính đến vấn đề điện hạt nhân.

    Trên đây là một chút phác họa về những dự án liên quan đến năng lượng nhưng cũng còn nhiều dự án khác để hướng tới phát triển nền kinh tế ít phát thải cacbon, như dự án di chuyển đô thị, ví dụ trường hợp tài trợ cho tàu điện ngầm ở Hà Nội với tuyến tàu số 3. Hoặc trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, chúng tôi có rất nhiều chương trình nghiên cứu được thực hiện với các đối tác Việt Nam để cải thiện và giảm khí thải cacbon nông nghiệp.

    Tiếp theo, chúng tôi làm việc với chính quyền Việt Nam để hỗ trợ triển khai công cụ lập mô hình kinh tế - việc vô cùng cần thiết. Và đây là trường hợp của dự án GEMMES, đã được thực hiện từ nhiều năm qua và giúp chính quyền đưa ra biện pháp, xây dựng chiến lược kinh tế để thích ứng tốt hơn trước những tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu, cũng những hệ quả của hiện tượng này. Trên đây là một vài ví dụ về chính sách được Pháp cam kết đồng hành với Việt Nam.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet.

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào