23/7/2024
Ông Tô Lâm đón ông Vladimir Putin tại Hà Nội ngày 20 tháng Sáu.
Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức lễ Quốc tang cho ông Nguyễn Phú Trọng.
Theo Nghị định số 105/NĐ-CP/2012 thì đây là hình thức lễ tang cao cấp nhất dành cho cán bộ công chức, viên chức nhà nước gồm 4 cấp: Lễ Quốc tang, Lễ Tang cấp Nhà nước, Lễ Tang cấp cao và Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
Cũng đã 4 năm, kể từ sau cái chết của ông Lê Khả Phiêu, Việt nam mới tổ chức một Lễ Quốc tang.
Dò đoán qua Ban Lễ tang
Trong một Lễ Quốc tang có Ban Lễ tang Nhà nước do Bộ chính trị quyết định thành lập. Theo quy định tại Điều 7 của Nghị định kể trên thì Ban Lễ tang Nhà nước gồm 25 đến 30 thành viên nhưng danh sách Ban Lễ Tang được đưa ra lần này thì có đến 35 thành viên, trong đó chủ tịch nước Tô Lâm làm trưởng ban.
Là một quốc gia ảnh hưởng của Nho giáo, vấn đề tang chế của bậc Đế vương luôn thu hút sự quan tâm của “bàn dân thiên hạ”. Việc ai chủ trì Lễ tang, ai đọc Điếu văn sẽ là một dấu hiệu cực kỳ quan trọng chuyển tải thông điệp về việc người kế nhiệm.
Câu chuyện phe phái tranh giành quyền lực đã được bàn tán nhiều năm, lại tiếp tục được hâm nóng ngay từ bây giờ, khi người quan trọng nhất đang nằm trong nhà tang lễ và các thủ tục cho chuẩn bị một lễ Quốc tang đang được tiến hành.
Trong những ngày này, người dân dán mắt vào từng động thái xoay quanh đám tang để “dò đoán” thái độ của từng nhân vật cấp cao.
Đã từng có những “ánh nhìn xéo” trong một đám tang để lại nhiều sự bàn tán, diễn ra không lâu sau khi ông Trọng bất ngờ hạ bệ được Thủ tướng quyền lực nhất lúc đó.
Thời gian tổ chức Lễ Quốc tang, quy cách cờ rủ, số lượng vòng hoa, dải băng đen, địa điểm tổ chức lễ tang và nơi an táng đều đã được quy định theo Nghị định.
Ông Tô Lâm, với tư cách là trưởng ban, sẽ đọc lời điếu và tuyên bố phút mặc niệm trong khi quân nhạc sẽ cử bài “Hồn tử sĩ” của cố nhạc sỹ Lưu Hữu Phước.
Ông Trọng sẽ được mai táng tại Nghĩa trang Mai Dịch và vị vua hơn 13 năm qua sẽ trở về với lòng đất vô tri vào lúc 3h chiều ngày 26 tháng 7 năm 2024.
Đằng sau một cuộc đời
Ông Nguyễn Phú Trọng được coi là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trong lịch sử hiện đại của Việt Nam. Là tiến sỹ về xây dựng đảng ông đã gây bất ngờ cho nhiều nhà quan sát chính trị khi loại được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để bước vào vị trí quyền lực tối cao vào năm 2011.
Ông có vẻ đã tạo được một điểm nhấn sau cuộc đời mình khi “ngờ nghệch” đưa ra những yêu cầu và trách nhiệm nêu gương, tưởng như đương nhiên nhưng vô cùng khó khăn đối với các đảng viên cộng sản hiện nay. Nó vẫn tiếp tục là thách thức lớn với mọi con người.
Ông cũng hé lộ sự “ngây thơ chiến lược” khi nói câu “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH ở Việt Nam hay chưa?”
Nhận định rất hồn nhiên này đã làm cho nhiều chính trị gia ở Việt Nam và Nhân dân bừng tỉnh vì sự mơ hồ về một chủ nghĩa mà trước đây Đảng cứ nói chắc như đinh đóng cột, là trong tầm tay. Đối với nhiều người đi lên CNXH là con đường tất yếu, thậm chí đã ở ngay trước mắt.
Ông cũng có biệt tài nói “suôn mồm”, người nghe thấy liền mạch và hợp lý nhưng không đọng lại được gì về mặt tư duy. Là sinh viên khoa văn, ông có thể “liên khúc” nhiều chuyện nghe “sướng tai” nhưng thường là xung đột lẫn nhau.
Chính ông cũng đang lúng túng trong một mớ lý thuyết về CNXH đang bị thực tiễn thách thức gay gắt.
Lấy cảm hứng từ “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình, ông thúc đẩy một chiến dịch chống tham nhũng được gọi là “đốt lò”. Ông đã chỉ đạo hàng loạt cuộc điều tra, xét xử nhiều vụ tham nhũng lớn, đưa ra ánh sáng nhiều quan chức cấp cao.
Thế nhưng nỗ lực “đập chuột nhưng tránh vỡ bình” của ông sẽ là vô vọng vì chính chiếc bình sinh ra chuột và cuộc rượt đập này sẽ mãi mãi không bao giờ chấm dứt.
Ông đã đi từng bước có “lớp lang” về mặt đảng, nhưng về mặt quản trị Nhà nước, ông đã không đặt được một viên gạch nào đáng giá để lớp sau bước tiếp một cách chắc chắn. Trong thời kỳ ông trị vì: tự do báo chí bị bóp nghẹt, nhà nước pháp quyền suy yếu và xã hội dân sự bị triệt tiêu.
Khi ông qua đời, Báo chí Việt Nam trích dẫn lời của nhiều người ca ngợi và tiếc thương, thậm chí cộng đồng mạng còn đổi cả hình nền để tiễn biệt ông. Có lẽ không bao giờ còn tìm thấy một nhà lãnh đạo được yêu mến như vậy nữa.
Đằng sau ông sẽ là một Việt Nam rất khác. Ông là chiếc gạch nối cuối cùng giữa những gì gọi là sự trong sạch quê mùa trong chính trị với một tầng lớp quan chức thực sự giàu có và đầy thủ đoạn.
Ông là dấu chấm than của quá khứ đầy ảo tưởng với tinh thần “thanh bạch” kẻ sỹ xưa kia, sau đó là một tương lai bất định của chủ nghĩa tư bản đầy hoang dã hiện nay.
Thanh gươm chặt củi
Khi tiến hành đốt lò, ông rất cần một công cụ và thanh gươm ông sử dụng chính là Bộ công an do Tô lâm đứng đầu. Ông Tô Lâm đã theo thế “đà đao” mà ra đòn với các nhân vật có tiềm năng thay thế Ông Trọng.
Nhân vật đầu tiên được ông Trọng chọn là Trần Quốc Vượng đã bị hạ bệ. Người sau đó là Võ Văn Thưởng, Ông Trọng đã trực tiếp trao quyết định phân công ông Thưởng làm Thường trực Ban bí thư, rồi đưa lên làm chủ tịch nước như một sự ám chỉ về cương vị tương lai thay Ông.
Thế nhưng, con đường đi đến chức vụ cao nhất của Võ Văn Thưởng đã bị chặn đứng lại bằng “trách nhiệm chính trị” và ông buộc phải từ chức vào tháng 3 năm 2024.
Bà Trương Thị Mai cũng là một chiến hữu được ông ưu ái và cất nhắc, được coi là nhân vật số 2 đã ngồi ngay bên cạnh ông trong cả hai cuộc tiếp đón và hội đàm cùng Tổng thống Biden và Tập Cận Bình.
Một nhân vật khác nữa được ông tìm kiếm là Vương Đình Huệ, nhưng cũng không lâu ông Huệ Huệ cũng buộc phải từ chức mà phương pháp thực hiện cũng không khác bao nhiêu so với các nhân vật trước đó. Tức là “dứt dây để động rừng”.
Nhà báo Trương Huy San trước khi bị bắt đã nói Việt Nam nên học Trung Quốc ở chỗ nên coi “Công an là công cụ của Bộ chính trị chứ không để Bộ chính trị trở thành con tin của công an”.
Tiếc rằng thanh gươm Bộ Công an được ông Trọng sử dụng nhằm để triệt hạ những quan tham đã dần dần bành trướng, cản đường tất cả những ai có khả năng tiềm tàng bước đến vị trí cao nhất, và buộc bộ chính trị làm con tin để Tô Lâm thực hiện ý đồ của mình.
Tô Lâm: Quyền lực và kẻ thù
Với cương vị chủ tịch nước và là Trưởng ban Lễ Quốc tang cho ông Trọng, Tô Lâm đang là người có quyền lực nhất và ứng viên sáng giá nhất cho chức danh tổng bí thư.
Tuy vậy, Ông sẽ còn hơn 1 năm nữa, để chứng tỏ mình là lựa chọn duy nhất.
Trước mắt chắc chắn ông sẽ tiếp tục công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, đồng thời thực thi chính sách “Ngoại giao cây tre” để duy trì thế chiến lược quân bình giữa Mỹ và Trung Quốc.
Với chuyến “xuất mã” đầu tiên sang Lào rồi Campuchia, ông khẳng định cam kết coi trọng mối quan hệ láng giềng hữu nghị của Việt Nam với hai nước anh em và đã đụng đầu ngay với những lợi ích của Trung Quốc tại Cambodia qua kênh đào Funan Techo.
Trong bối cảnh có quá nhiều kẻ thù trong và ngoài nước. Liệu Ông Tô Lâm có đủ bản lĩnh để đối phó hay không?
Tất cả phụ thuộc vào sự khôn ngoan của ông trong việc dàn xếp nội bộ, theo đó tuyệt đối phải dàn hoà được với cánh quân đội, giữ tình hoà hiếu được với người anh Phương Bắc và cả Hoa Kỳ.
Nếu ông làm được như vậy, hình ảnh một vị tướng công an đã tham gia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, ăn bò dát vàng hay chỉ đạo tấn công vào làng Đồng Tâm có thể sẽ được quên lãng.
Khi đó tất cả những kẻ “bị lật tẩy”, gí súng và đuổi đi, hiện đang nghấp nghé, sẽ tự biết mình và quy phục.
Thế nhưng từ nay đến đại hội vẫn là một chặng đường quá dài đối với Tô Lâm.
Và “đêm dài lắm mộng”.
https://www.voatiengviet.com/a/sau-quoc-tang-la-dieu-gi-cho-to-lam-/7709523.html
Không có nhận xét nào