Header Ads

  • Breaking News

    CSVN: Nguyễn Phú Trọng và di sản chống ngôn luận

    Đốt lò không phải là di sản lớn nhất.

    Trịnh Hữu Long 

    22/7/2024

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong qua đời ngày 19/7/2024. Ảnh gốc: Dirk Spijkers, AFP. Đồ họa: Luật Khoa. 

    Trước hay sau giờ lâm chung của một nhà lãnh đạo, nhất là một nhà lãnh đạo mạnh, người ta sẽ không ngừng nói về di sản của người đó. Với Nguyễn Phú Trọng, di sản đó thường được cho là chiếc lò và công cuộc “đốt lò”, tức là chống tham nhũng. [1]

    Nhưng chống tham nhũng không phải là di sản duy nhất, và có khi còn chẳng phải là di sản lớn nhất của ông.

    Như quá nhiều người đã nói và đã phân tích, cuộc chiến chống tham nhũng mang màu sắc thanh trừng nội bộ và tranh giành quyền lực trong Đảng Cộng sản hơn là thực tâm làm trong sạch bộ máy công quyền. Kết quả của cuộc chiến đó, chẳng đáng tiếc mà cũng chẳng đáng ngạc nhiên, chỉ là những chiếc ghế to ghế bé gãy sấp gãy ngửa, chứ không phải là một cơ chế chống tham nhũng dù là què quặt.

    Cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng không tự cháy. Nó chỉ cháy chừng nào ông còn quạt. Ông buông quạt thì nó hết cháy. Ông chết đi, các đồng chí của ông sẽ chôn luôn cái lò với tất cả lòng hoan hỉ của mình.

    Nhưng đó vẫn chưa phải là điều tệ nhất. Không những ông không tạo ra được một cơ chế chống tham nhũng, mà ông còn thủ tiêu những thiết chế hay trật tự chính trị cần thiết cho một cơ chế chống tham nhũng hiệu quả.

    Đầu tiên, ông tập trung quyền lực về lại các ban đảng, nhất là Bộ Chính trị, và về cá nhân ông. Kể từ năm 2016, sau Đại hội Đảng lần thứ 12, Quốc hội đã mất hẳn vị trí ít nhiều có tác dụng giám sát mà họ có được trong một thời gian ngắn từ đầu những năm 2000. Không ai còn nghe thấy những tiếng nói phản biện và chất vấn chất lượng, đôi khi gay gắt của các đại biểu Quốc hội như Nguyễn Minh Thuyết và Dương Trung Quốc nữa. Không khí nghị trường sôi sục của những năm 2015 trở về trước đã tắt ngấm. Một vài đại biểu tích cực như Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân cũng đã bị bỏ tù. [2] Quốc hội trở về với địa vị thằng hầu con ở, bảo gì nghe nấy, sai gì làm nấy, rối rít vâng dạ như thể sợ “cụ Tổng” không cảm nhận hết được lòng tận trung của mình.

    Kế đến, ông Nguyễn Phú Trọng thẳng tay đàn áp các tổ chức xã hội dân sự vốn thường lên tiếng về nạn tham nhũng và hiệu quả thực thi chính sách. Không những chỉ là xã hội dân sự “phản động”, mà cả xã hội dân sự “chính thống” cũng không thoát khỏi tay ông.

    Nở rộ vào đầu những năm 2010 với những Câu lạc bộ No-U, Diễn đàn Xã hội Dân sự, GreenTrees, Hội Anh em Dân chủ, Nhà xuất bản Tự Do, nhưng cho tới cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông vào năm 2020, phong trào xã hội dân sự độc lập coi như đã cáo chung. [3] Đại dịch COVID-19 chỉ thay ông kết liễu phong trào đó bằng nhát cuốc sau cùng.

    Nhưng ông vẫn còn một nhát cuốc nữa để bổ vào: phong trào xã hội dân sự của các tổ chức chính thống - vốn xưa nay chưa bao giờ bị đụng đến. Kết quả là hàng loạt các nhà lãnh đạo nổi bật như Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Hoàng Thị Minh Hồng lần lượt xộ khám, đồng thời đặt dấu chấm hết cho một thời kỳ sôi động của giới xã hội dân sự có đăng ký. [4]

    Điều còn lại Nguyễn Phú Trọng cần làm là thủ tiêu nốt báo chí và không gian ngôn luận dân sự. Và ông đã làm điều đó một cách không thể xuất sắc hơn, biến nó thành di sản lớn nhất và có hậu quả nặng nề nhất trong toàn bộ sự nghiệp của ông.

    Tôi hiểu bạn đang nghĩ gì. Phải, ông Trọng không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm. Cơ chế lãnh đạo tập thể của Đảng Cộng sản không để cho ai độc tôn ra quyết định. Nhưng với tư cách là người đứng đầu, lại đứng đầu tới 2,5 nhiệm kỳ, cộng thêm những phát ngôn thù địch với tự do ngôn luận và xã hội dân sự của ông, không có lý do gì để nghi ngờ ông Trọng đóng vai trò lớn nhất và là một vai trò chủ động trong công cuộc đàn áp này.

    Trong một cuộc họp với Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2018, ông Trọng tỏ ra không hài lòng với công tác quản lý báo chí và Internet, cho rằng công tác tuyên truyền và kiểm soát thông tin còn yếu. [5] Ông nhấn mạnh phải lưu ý tới tác động của mạng xã hội và Internet tới xã hội, đẩy mạnh quy hoạch báo chí, nhằm mục tiêu phản bác các luận điệu sai trái của các “thế lực thù địch”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, nâng cao chất lượng tuyên truyền.

    https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/07/4723987434.png


    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 1/8/2018. Ảnh: Ban Tuyên giáo.

    Siết chặt báo chí nhà nước

    Giới báo chí nhà nước và giới quan sát những năm gần đây có nhiều người hoài vọng về một thời được gọi là “thời kỳ hoàng kim”, kéo dài từ năm 2000 cho tới khoảng muộn nhất là 2015. [6] [7] Hiển nhiên, những ai khắt khe hơn có thể không gọi đó là vàng hay bạc gì cả, nhưng ở đây tạm gọi đó là một thời kỳ báo chí nhà nước đóng được vai trò phản biện và giám sát nhất định đối với quyền lực nhà nước.

    Đó là thời kỳ báo chí nhà nước thương mại hóa, hiện đại hóa, và tư nhân hóa. Quá trình thương mại hóa đã diễn ra từ cuối thập niên 80 khi nền kinh tế bao cấp không còn đủ tiền chi trả cho mấy trăm cơ quan báo chí nữa. [8] Quá trình Đổi Mới sau đó tạo cơ chế cho báo chí nhà nước đi tìm kiếm doanh thu từ hai nguồn khác: bán báo cho độc giả và bán quảng cáo cho doanh nghiệp. Vậy là thay vì thuần túy đóng vai trò tuyên truyền cho đảng, giờ đây họ có một đối tượng phục vụ mới: độc giả. Điều đó có nghĩa là phải viết những gì độc giả quan tâm, dù vẫn còn đeo nặng vòng kim cô kiểm duyệt trên đầu. Các tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hay Đài Truyền hình Việt Nam đã phất lên từ đây.

    Hiện đại hóa đến sau một chút, khi Việt Nam có Internet vào tháng 11/1997. Điều này mở đường cho mô hình báo chí điện tử. Hàng loạt tờ báo truyền thống đều có bản online, nhưng một thế hệ báo mới đã ra đời với những tờ điện tử hoàn toàn như VietNamNet, VnExpress, Dân Trí, Zing. Nhanh nhạy nắm bắt công nghệ mới, họ thay thế báo chí truyền thống ở vị trí dẫn đầu thị trường tin tức.

    Hiện đại hóa song hành với tư nhân hóa. VnExpress và Zing dù hoạt động dưới danh nghĩa báo chí nhà nước nhưng thực chất lại mang màu sắc tư nhân rõ rệt với những doanh nghiệp lớn đứng sau, lần lượt là FPT và VNG. Bản thân nhiều báo đài nhà nước truyền thống cũng khoán một phần khâu sản xuất nội dung cho các công ty tư nhân theo dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh. Và sau cùng là sự tồn tại của những báo tư nhân, do các doanh nghiệp tư nhân sở hữu và vận hành nhưng không được gọi là báo: các trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc mạng xã hội như Kênh 14, CafeF, 24h, Vietcetera. [9]

    Khi Nguyễn Phú Trọng nhậm chức tổng bí thư vào năm 2011, tức là 14 năm kể từ khi Việt Nam kết nối với Internet, bức tranh báo chí Việt Nam đã lột xác hoàn toàn so với thời ông còn là một “nhà báo” công tác ở Tạp chí Cộng sản.

    Trong khoảng gần hai nhiệm kỳ đầu của ông, báo chí nhà nước vẫn trăm hoa đua nở, đưa được những đề tài nóng lên mặt báo như tranh chấp đất đai, án oan, tham nhũng, ô nhiễm môi trường, hay quan hệ Việt - Trung. Nghĩa là dù vẫn bị kiểm duyệt nặng nề, ít nhiều các báo vẫn có thể mở miệng nói khẽ một vài vấn đề nhạy cảm.

    Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào đầu năm 2019, với một thứ gọi là “quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, đề ngày 3/4/2019. Văn bản này ghi rõ là được ban hành dựa trên ý kiến của Bộ Chính trị và Ban Bí thư từ năm 2015. [10]

    Nội dung của quyết định này xoay quanh mấy việc: 

    Cắt giảm số lượng các cơ quan, tổ chức được phép thành lập cơ quan báo chí. Trước đây, một số cơ quan cấp sở, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh cũng được ra báo, nay chỉ còn các cơ quan trung ương, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương mới được phép. Chẳng hạn, báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh trước đây thuộc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, nay phải chuyển về Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

    Khống chế số lượng báo, tạp chí: mỗi tỉnh, thành chỉ được phép có một cơ quan báo chí thuộc cơ quan đảng bộ cấp tỉnh và một tạp chí thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Ngoài ra, chỉ có cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội trung ương mới được ra báo với giới hạn một tờ báo và một tạp chí. Hầu hết các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương chỉ được có một cơ quan tạp chí. Chẳng hạn, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hiện nay đang có ít nhất hai báo là Thanh Niên và Tiền Phong, nên đến cuối năm 2025 chỉ được giữ lại một báo.

    Cấm “báo hóa tạp chí”. Đã là tạp chí thì không được đưa tin thời sự mỗi ngày như một tờ báo. Chẳng hạn: Zing News chỉ có giấy phép tạp chí trực thuộc Hội Xuất bản Việt Nam nhưng đã hoạt động như một báo điện tử thực thụ, thậm chí từng được coi là báo điện tử số hai sau VnExpress. Kết quả là năm 2023, họ bị đình bản ba tháng và sau đó trở lại dưới một cái tên mới, ZNews. [11]

    Theo dữ liệu của Vietnam Media Project, một tổ chức độc lập chuyên nghiên cứu về báo chí Việt Nam, cho tới tháng 5/2024, có tới một nửa các báo mất giấy phép, phải đổi thành tạp chí hoặc phụ san của một báo khác. Ít nhất năm cơ quan báo chí đã ngừng hoạt động.

    Quy hoạch báo chí đã tạo ra hiệu ứng gây cóng trên toàn bộ hệ thống báo chí nhà nước, khiến các báo, đài phải vừa đi vừa dò đường kẻo giẫm phải “mìn”. Các đề tài gay gắt không còn hoặc ít khi xuất hiện trên mặt báo. Những tên tuổi lẫy lừng một thời như Tuổi Trẻ, Thanh Niên nay chỉ còn là cái bóng của chính họ. Znews cũng không còn dáng dấp gì của một Zing News hiện đại tả xung hữu đột vài năm trước.

    Một thời hoàng kim của báo chí nhà nước đã chấm dứt. Cuộc sống của những người làm báo trong nước, nhất là sau cuộc đại thanh trừng này hoàn toàn không được tính tới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi lìa trần đã kịp chứng kiến thành quả “vĩ đại” này của ông.

    Từ trái sang: Các nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang, các thành viên nhóm Báo Sạch. Ảnh: IJAVN, VnExpress. Đồ họa: Luật Khoa.

    Bóp chết báo chí phi nhà nước

    Nếu như báo chí nhà nước có một thời hoàng kim thì báo chí phi nhà nước cũng tương tự, cũng trong khoảng thời gian hai thập niên đầu của thế kỷ XXI.

    Báo chí phi nhà nước, như chính tên gọi của nó, không phải do chính quyền hay Đảng Cộng sản và các tổ chức chân rết của họ lập ra hay tài trợ. Báo chí phi nhà nước hoạt động độc lập với các cơ quan kể trên, phục vụ độc giả trong nước và/hoặc chủ yếu nói về vấn đề trong nước.

    Họ có thể hoạt động ở trong nước (Ba Sàm, Bauxite Việt Nam, Việt Nam thời báo, Báo Sạch) hoặc từ nước ngoài (talawas, Luật Khoa tạp chí, The Vietnamese Magazine). Các phiên bản Việt ngữ của báo nước ngoài như BBC News Tiếng Việt, Đài Á châu Tự do, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ không được tính trong nhóm này; cũng tương tự với các báo Việt ngữ ở nước ngoài phục vụ riêng một cộng đồng người Việt sở tại.

    Báo chí phi nhà nước nở rộ từ đầu những năm 2000 với sự xuất hiện của Internet, mà talawas (hoạt động từ Đức, 2001-2010) có thể được coi là tờ đầu tiên. Về sau xuất hiện thêm Dân Luận, Câu lạc bộ Nhà báo Tự do (2007-2009), Ba Sàm (2007-2017), Việt Nam thời báo của Hội Nhà báo Độc lập (2014-nay), Luật Khoa tạp chí (2014-nay), The Vietnamese Magazine (2017-nay), Chấn hưng TV (2017-2021), Báo Sạch (2020) và cùng một số báo, trang mạng khác.

    Trong thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng nắm quyền từ năm 2011, báo chí phi nhà nước dần dần bị truy bức tới mức gần như không còn tồn tại.

    Năm 2014, chủ nhiệm tờ Ba Sàm là Nguyễn Hữu Vinh bị bắt và kết án 5 năm tù. [12] Tờ Ba Sàm hoạt động cầm chừng được tới năm 2017 thì dừng.

    Năm 2019, đến lượt Phạm Chí Dũng (và sau đó là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn) của Việt Nam thời báo, với những cái án nặng nề, từ 11-15 năm tù. [13]

    Báo Sạch ra đời năm 2020, hoạt động hoàn toàn trên mạng xã hội (Facebook và YouTube), nhanh chóng trở thành một hiện tượng nhưng cũng lụi tàn vào cuối năm khi thành viên đầu tiên của nhóm là nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị bắt. [14] Các thành viên còn lại gồm Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng cũng lần lượt xộ khám vào năm sau đó rồi lĩnh những bản án hàng năm trời.

    Cuối năm 2020, nhà báo Phạm Đoan Trang của Luật Khoa tạp chí và The Vietnamese Magazine bị bắt rồi lĩnh án chín năm tù. Hai tạp chí này vẫn tiếp tục hoạt động từ bên ngoài Việt Nam. [15]

    Năm 2021, Lê Văn Dũng của Chấn Hưng TV cũng không thoát khỏi “lười trời”, lĩnh án 5 năm tù giam. Kênh truyền hình của nhóm này trên YouTube cũng biến mất. [16]

    Từ chỗ có trên dưới 10 báo, đài phi nhà nước hoạt động tích cực, đến nay chỉ còn lác đác vài nhóm, với độ phủ kém xa so với trước đây.

    Nguyễn Phú Trọng cũng được gọi là “nhà báo”, mặc dù thực ra đơn vị mà ông làm việc là Tạp chí Cộng sản, vốn dĩ là một cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản chứ không phải là một tổ chức báo chí đúng nghĩa. Cuối sự nghiệp của mình, ông đã khống chế được báo chí nhà nước và gần như diệt gọn báo chí phi nhà nước. Môi trường báo chí trong thời đại Internet trông có vẻ hiện đại nhưng cơ đồ thì tăm tối không khác gì thời bao cấp.

    https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/07/44723947.png


    Nhà báo Lê Văn Dũng (Lê Dũng Vova) đang phỏng vấn dân oan cho kênh YouTube Chấn Hưng TV. Ảnh: Reuters. Đồ họa: The Vietnamese Magazine.

    Khống chế toàn diện môi trường Internet

    Khi Việt Nam có Internet vào tháng 11/1997, sự nghiệp chính trị của Nguyễn Phú Trọng đang rục rịch cất cánh. Ông rời Tạp chí Cộng sản năm 1996, nơi ông công tác gần 30 năm, để sang làm phó bí thư Thành ủy Hà Nội - một động tác luân chuyển cán bộ trước khi cất nhắc vào các vị trí quan trọng. Tháng 12/1997, ông bước chân vào câu lạc bộ tinh hoa nhất của chính trường Việt Nam: Bộ Chính trị.

    Suốt từ đó cho tới khi ông lên làm tổng bí thư vào năm 2011, Internet ở Việt Nam phát triển như vũ bão và gần như vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của Đảng Cộng sản.

    Không những báo chí phi nhà nước nở rộ và gây được ảnh hưởng đáng kể tới công chúng, các nền tảng nước ngoài như Yahoo, Facebook, Google cũng thống lĩnh không gian Internet Việt Nam mà không chịu bất kỳ ràng buộc pháp lý nào về kiểm duyệt nội dung như các công ty trong nước.

    Các phong trào xã hội phát triển rầm rộ trên không gian Internet hay từ không gian Internet. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên vào cuối năm 2007, đầu năm 2008 đều do các diễn đàn trên mạng tổ chức. Phong trào chống dự án khai thác bô-xít cũng gây chấn động dư luận nhờ trang mạng của mình. Đến năm 2011, phong trào biểu tình chống Trung Quốc kéo dài tới ba tháng và được tổ chức thông qua Facebook. Kể từ đó, hàng loạt các phong trào biểu tình và phong trào xã hội khác cũng nở rộ nhờ Facebook. [17] [18]

    YouTube lại là một cơn đau đầu khác của ông Nguyễn Phú Trọng. Vào một ngày đẹp trời, nhân dân của ông phát hiện ra rằng họ có thể kiếm được những khoản tiền không nhỏ nhờ đăng những video cãi nhau với cảnh sát giao thông hay video “chống chính quyền”. Loại nội dung ăn khách này tạo cho họ một nguồn thu nhập mà cả họ lẫn ông Trọng chưa bao giờ ngờ tới. YouTube tự nó là một nền kinh tế, và các kênh YouTube “xấu độc” mọc còn nhanh hơn nấm sau mưa.

    Một nhà tuyên giáo bảo thủ bậc nhất như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dĩ nhiên không có lý do để ngồi yên.

    Hơn hai nhiệm kỳ ông Trọng nắm quyền cũng là quãng thời gian Việt Nam siết chặt dần và sau cùng kiểm soát được không gian Internet một cách toàn diện, với kết quả không ai trước đây có thể ngờ tới.

    Ở nhiệm kỳ đầu của ông, nỗ lực đáng kể nhất của chính quyền là ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý Internet, lần đầu tiên yêu cầu các công ty Internet nước ngoài phải tuân thủ luật Việt Nam. [19] Nhưng kể từ nhiệm kỳ thứ hai, bắt đầu vào năm 2016, khi ông đã củng cố được quyền lực của mình, chính quyền Việt Nam trên thực tế đã tuyên chiến với Internet.

    Dữ liệu của Google cho thấy bắt đầu từ năm 2017, chính quyền Việt Nam đã yêu cầu hãng công nghệ này gỡ bỏ nội dung. [20] Nửa đầu năm 2017, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã yêu cầu Google gỡ gần 3.000 video trên YouTube có nội dung chỉ trích Đảng Cộng sản và quan chức chính quyền, vi phạm Nghị định 72. Google đã gỡ hầu hết các video này. Suốt từ đó cho tới nay, ngày càng có nhiều yêu cầu xóa nội dung trên YouTube hơn, và hầu hết các nội dung bị xóa đều là chỉ trích chính quyền.

    Vào nửa đầu năm 2018, chính quyền Việt Nam cũng bắt đầu yêu cầu Facebook xóa bài, với khoảng hơn 1.500 bài. [21] Tỷ lệ đáp ứng của Google và Facebook thường rất cao, khoảng trên 90%. [22]

    Năm 2018 cũng là một năm bước ngoặt, với việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, một đạo luật bị dư luận phản đối mạnh mẽ. [23] Đạo luật này tiếp tục nhắm tới các công ty công nghệ nước ngoài, lần đầu tiên yêu cầu các công ty này phải lưu dữ liệu người dùng ở Việt Nam; phải lập văn phòng, chi nhánh ở Việt Nam; đồng thời phải xóa nội dung và cung cấp dữ liệu người dùng cho chính quyền Việt Nam khi được yêu cầu. Nó cũng đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để tập trung quyền kiểm soát Internet vào tay Bộ Công an.

    Giờ đây, chính quyền công khai tuyên bố mục tiêu chính sách quan trọng nhất là yêu cầu người dùng và các công ty mạng xã hội phải xác thực thông tin cá nhân của người dùng. [24] Nếu thành hiện thực, chính sách này sẽ thủ tiêu nguyên tắc ẩn danh và quyền riêng tư trên Internet, khiến cho ai muốn mở miệng lên tiếng cũng phải đắn đo suy nghĩ hơn xưa rất nhiều.

    Không gian Internet, bao gồm cả các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, từ chỗ gần như nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền và trực tiếp thúc đẩy tự do ngôn luận ở nước ta, giờ đây đã thúc thủ trước chiến lược kiểm soát của chính quyền. Chiến lược này hiệu quả tới mức vào năm 2023, nguồn tin của Facebook tiết lộ với tờ The Washington Post rằng Facebook lưu hành nội bộ một danh sách các quan chức của Đảng Cộng sản Việt Nam được bảo vệ trên nền tảng này khỏi các nội dung chỉ trích. [25]

    Không những tìm cách loại bỏ thông tin “xấu, độc” ra khỏi môi trường Internet, trong hai nhiệm kỳ đầu của ông Trọng, chính quyền đã cho ra mắt ba lực lượng chuyên làm nhiệm vụ thao túng các cuộc thảo luận trên mạng, gồm dư luận viên (mạng lưới của các ban tuyên giáo), Lực lượng 47 (trực thuộc quân đội), và Ban chỉ đạo 35 (mạng lưới rộng khắp trên toàn hệ thống chính trị). [26] Các lực lượng này đã tỏ ra vô cùng hiệu quả trong việc lèo lái các cuộc thảo luận chính trị trên mạng đi xa mục đích ban đầu của nó, tấn công những người phản biện, và reo rắc một nỗi sợ hãi trên toàn cõi mạng Việt Nam.

    Và sau cùng, bàn tay sắt của công an luôn sẵn chờ bắt đi bất kỳ ai phát ngôn trái ý chính quyền. Thời đại Nguyễn Phú Trọng không những bỏ tù những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, mà còn tạo ra một tiền lệ mới, chưa từng có trước đây: bỏ tù ngay cả những người dùng Internet bình thường, vốn không có hoạt động chính trị. Nếu không bỏ tù thì chính quyền sẽ áp đặt những mức phạt hành chính nặng nề cho những người dân bức xúc này, chẳng hạn như ba người dùng Facebook ở TP. Hồ Chí Minh bị triệu tập và phạt tiền, bị răn đe vì “công kích, xúc phạm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" sau cái chết của ông. [27]

    Chế độ độc tài kỹ thuật số đã chính thức ra đời ở nước ta, dưới thời Nguyễn Phú Trọng. [28]

    ***

    Ngày 19/7/2024, Nguyễn Phú Trọng trút hơi thở cuối cùng ở Bệnh viện 108, khi vẫn đang ở đỉnh cao quyền lực.

    Di sản chống tham nhũng của ông sẽ nhanh chóng bị các đồng chí của ông thủ tiêu hoàn toàn. Có chăng một số đồng chí của ông sẽ tiếp tục sử dụng quân bài chống tham nhũng để thanh trừng phe phái chứ không có gì hơn. Bổng lộc và phong bì vốn chỉ bị “ách tắc cục bộ” thời ông đốt lò, nay không có lý do gì mà không được phân phát trở lại như lệ thường.

    Di sản bền vững hơn của ông lại là một nền báo chí nhà nước đã trở về với thân phận thuần túy công cụ và một nền độc tài kỹ thuật số đã phát triển tới mức độ tinh vi. Hệ thống báo chí mới và những nhóm lợi ích mới trong đó đã định hình, khó có lý do gì mà có thể thay đổi trong ngắn hạn. Còn nền độc tài kỹ thuật số không những đã mọc nanh mọc vuốt, mà đã gắn chặt với quyền lực và quyền lợi của vô số người ở Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, và biết bao nhiêu ban bệ khác.

    Cái di sản đó của nhà độc tài Nguyễn Phú Trọng còn tai hại gấp trăm gấp nghìn lần so với những lợi ích kiểu bạc lẻ mà ông đạt được trong cuộc chiến chống tham nhũng.

    Chú thích

    Trần Phương. (2024, July 19). Nguyễn Phú Trọng: Một đời gác đền và đốt lò. Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2024/07/nguyen-phu-trong-mot-doi-gac-den-va-dot-lo 

    Viết Tuân. (2024, July 10). Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bị bắt. Vnexpress.net; Báo VnExpress. https://vnexpress.net/dai-bieu-quoc-hoi-le-thanh-van-bi-bat-4768439.html 

    Võ Văn Quản. (2023, April 24). Phong trào dân chủ thực sự suy thoái hay chỉ là một thử nghiệm lịch sử đang tiếp diễn? Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2023/04/phong-trao-dan-chu-thuc-su-thoai-trao-hay-chi-la-mot-thu-nghiem-lich-su-dang-tiep-dien 

    Trần Hà Linh. (2022, December). Khi NGO trở thành “đối tượng’’. Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2022/12/khi-ngo-tro-thanh-doi-tuong 

    B.T.Ngọc. (2018, August). Tổng Bí thư: Triển khai nhanh hơn công tác quy hoạch báo chí. Nld.com.vn; https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/thoi-su/tong-bi-thu-dac-biet-quan-tam-su-tac-dong-cua-mang-xa-hoi-internet-doi-voi-xa-hoi-20180801162902057.htm 

    Nguyen, X.-H., & Bae Yooil. (2023). Between State Tolerance and Direct Control of Mass Media in Vietnam !e Rise and Decline of Quasi-Private Press. Journal of International and Area Studies, 30(2), 1–24. https://doi.org/10.23071/jias.2023.30.2.1 

    Luong, A. (2022, August 5). 2022/79 “How the Party-State Retains Controls over Vietnam’s Blossoming Media Landscape” by Dien Nguyen An Luong. Iseas.edu.sg. https://www.iseas.edu.sg/articles-commentaries/iseas-perspective/2022-79-how-the-party-state-retains-controls-over-vietnams-blossoming-media-landscape-by-dien-nguyen-an-luong 

    Tien, T. H. P. (2002). Vietnamese Media in Transition: The Boon, Curse and Controversy of Market Economics. In 10. Vietnamese Media in Transition: The Boon, Curse and Controversy of Market Economics (pp. 231–248). ISEAS Publishing. https://doi.org/10.1355/9789812306081-014 

    Xem [6][7].

    Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Chinhphu.vn. https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2019/04/362.signed_01.pdf 

    KHUÊ, A. (2023, July 14). Lý do Zing News bị tước giấy phép 3 tháng, nộp phạt 243,5 triệu đồng. TUOI TRE ONLINE; tuoitre.vn. https://tuoitre.vn/ly-do-zing-news-bi-tuoc-giay-phep-3-thang-nop-phat-243-5-trieu-dong-20230714131737163.htm 

    Trịnh Hữu Long. (2019, May 5). Anh Ba Sàm ra tù, bị trại giam thu giữ trên 1.000 trang ghi chép cá nhân. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2019/05/anh-ba-sam-ra-tu-bi-trai-giam-thu-giu-tren-1-000-trang-ghi-chep-ca-nhan 

    MAI, T. (2021, January 5). Bị cáo Phạm Chí Dũng lãnh 15 năm tù. TUOI TRE ONLINE; tuoitre.vn. https://tuoitre.vn/bi-cao-pham-chi-dung-lanh-15-nam-tu-20210105141726544.htm 

    Ngọc, T. (2021, October 28). Chính quyền có thể bỏ tù Báo Sạch, nhưng không thể ngăn người dân biểu đạt lương tâm. Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2021/10/chinh-quyen-co-the-bo-tu-bao-sach-nhung-khong-the-ngan-nguoi-dan-bieu-dat-luong-tam 

    Yên Khắc Chính. (2021, December 13). Hỏi nhanh đáp gọn về phiên tòa xét xử nhà báo Đoan Trang. Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2021/12/hoi-nhanh-dap-gon-ve-phien-toa-xet-xu-nha-bao-doan-trang 

    Nhà báo Lê Văn Dũng bị tuyên y án 5 năm tù: “Ông ấy mỉm cười suốt phiên tòa!” (2022). Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/news/independent-journalist-le-van-dung-appeal-court-1682022-08162022050918.html 

    Vu, T. (2014). The Party v. the People: Anti-China Nationalism in Contemporary Vietnam. Journal of Vietnamese Studies, 9(4), 33–66. https://doi.org/10.1525/vs.2014.9.4.33 

    Kerkvliet. (2022). Public Political Criticism in Vietnam, 1990s–2018. Routledge EBooks, 62–72. https://doi.org/10.4324/9781315762302-5 

    Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Nghi-dinh-72-2013-ND-CP-quan-ly-cung-cap-su-dung-dich-vu-Internet-va-thong-tin-tren-mang-201110.aspx 

    Google Transparency Report. (2024). Google.com. https://transparencyreport.google.com/government-removals/government-requests/VN?hl=en&lu=country_breakdown&country_breakdown=period:2017H1&country_request_explore=period:2017H1 

    Content Restrictions Based on Local Law | Transparency Center. (2017). Meta.com. https://transparency.meta.com/reports/content-restrictions/country/VN

    Tạ Hiển. (2022, November). Yêu cầu Facebook, Google, TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm. BAO DIEN TU VTV. https://vtv.vn/xa-hoi/yeu-cau-facebook-google-tiktok-ngan-chan-go-bo-hang-chuc-nghin-noi-dung-vi-pham-20221101100615197.htm 

    Trọng Phụng. (2023, July 20). Timeline: Lịch sử Luật An ninh mạng Việt Nam. Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2023/07/timeline-lich-su-luat-an-ninh-mang-viet-nam 

    THANH, N. -. (2023, October 11). Xác thực tài khoản mạng xã hội là chính sách quan trọng nhất kiểm soát tin giả. TUOI TRE ONLINE; https://tuoitre.vn/xac-thuc-tai-khoan-mang-xa-hoi-la-chinh-sach-quan-trong-nhat-kiem-soat-tin-gia-20231011161533709.htm 

    Trần Hà Linh. (2023, June 19). Facebook có danh sách quan chức Việt Nam “bất khả xâm phạm”, theo Washington Post. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2023/06/facebook-co-danh-sach-quan-chuc-viet-nam-bat-kha-xam-pham-theo-washington-post 

    Trịnh, H. L. (2024). Foreign tech companies in Vietnam: Challenges and failures in upholding human rights. Legal Initiatives for Vietnam. https://www.liv.ngo/content/files/2024/06/LIV-Foreign-Tech-Companies-Vietnam-Human-Rights-2024.pdf 

    PHẠM DŨNG. (2024, July 22). Công an TP HCM triệu tập 3 đối tượng xúc phạm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nld.com.vn; https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/cong-an-tp-hcm-trieu-tap-3-doi-tuong-xuc-pham-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-196240722102140526.htm 

    Nemo, B., & Larsson, A. (2022, November 19). The Quiet Evolution of Vietnam’s Digital Authoritarianism. Thediplomat.com; The Diplomat. https://thediplomat.com/2022/11/the-quiet-evolution-of-vietnams-digital-authoritarianism 

    https://www.luatkhoa.com/2024/07/nguyen-phu-trong-va-di-san-chong-ngon-luan/?ref=luat-khoa-newsletter


    Không có nhận xét nào