Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam

    08/7/2024

    ASEAN cần chuẩn bị cho kịch bản xung đột vũ trang ở Biển Đông

    Australian Outlook

    Tác giả: Aristyo Rizka Darmawan

    Dịch giả: Trần Phạm Bình Minh/ĐSKBĐ

    08/7/2024

    Căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông là điều rất đáng lo ngại. ASEAN cần phải chuẩn bị không chỉ ngăn chặn xung đột mà còn để ứng phó khi xung đột xảy ra.

    Trong vài tháng qua, việc Trung Quốc gia tăng căng thẳng với Philippines ở Biển Đông đã khiến nhiều người lo ngại, đặc biệt trong nội bộ ASEAN. Trung Quốc đã và đang khẳng định các quyền đơn phương chống lại Philippines ở Bãi Cỏ Mây bằng vòi rồng và các chiến thuật phong toả khu vực với sự tham gia của những tàu dân quân biển và hải cảnh lớn. Hiện tại, những động thái quyết đoán này đã được kiềm chế, nhưng vẫn có tiềm năng leo thang thành căng thẳng lớn hơn và dẫn tới xung đột vũ trang.

    Trong bối cảnh leo thang căng thẳng ở Biển Đông, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã nói rõ tại Đối thoại Shangri-La rằng Manila sẽ coi hành động của Trung Quốc là hành động chiến tranh nếu người Philippines thiệt mạng. Ông cũng nhắc nhở rằng đây cũng là tiêu chí để kích hoạt phản ứng như được quy định trong Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines.

    Bất chấp nguy cơ leo thang, ASEAN dường như chưa có một chiến lược chắc chắn và rõ ràng về cách ứng phó nếu một cuộc chiến tranh bất ngờ xảy ra ở Biển Đông. Đã đến lúc ASEAN cần bắt đầu suy nghĩ và chuẩn bị cho các kịch bản khác ngoài các cuộc đàm phán đang được tiến hành với Bắc Kinh về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

    ASEAN nổi tiếng với những phản ứng mờ nhạt trước các cuộc khủng hoảng an ninh. Một ví dụ gần đây hơn là những lời chỉ trích dồn dập vào ASEAN vì khối không có phản ứng đáng kể đối với cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Myanmar và, đã được đoán trước, không tạo được tác động gì trong việc giải quyết xung đột.

    Về vấn đề Biển Đông, trước đây ASEAN đã thực hiện một số sáng kiến nhằm quản lý xung đột, bao gồm vô số hội thảo, cuộc họp và tuyên bố; mặc dù những sáng kiến này chỉ đơn thuần là cung cấp một kênh liên lạc và hợp tác. Tuy nhiên, tại thời điểm này, hàng nghìn cuộc thảo luận nữa có lẽ cũng không đủ để giải quyết nguy cơ về một cuộc xung đột tiềm tàng và tức thì trên biển. ASEAN cần phải làm rõ những gì được coi là vượt quá giới hạn ở Biển Đông. Đường ranh giới đỏ này phải được xem xét, nếu không vì lý do nào khác ngoài việc ngăn chặn những gì đã xảy ra với Philippines cũng sẽ xảy ra với các quốc gia khác trong ASEAN có yêu sách ở Biển Đông.

    ASEAN cũng cần xem xét nghiêm túc các giới hạn mà Marcos đưa ra. Nếu Trung Quốc cố ý hoặc vô ý sát hại công dân Philippines và dẫn tới một cuộc đối đầu vũ trang xảy ra, các thành viên ASEAN, riêng lẻ và tập thể, sẽ cần có phản ứng nào đó. Điều này đặc biệt quan trọng vì có thể sẽ có sự can dự của các cường quốc khác trong khu vực như Hoa Kỳ.

    Chắc chắn, bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào ở Biển Đông sẽ có tác động ngay lập tức tới tất cả các nước Đông Nam Á, nếu không muốn nói toàn bộ thế giới. Các cộng đồng ven biển và ngư dân sẽ là những khu vực đầu tiên gặp phải sự gián đoạn về lương thực và các tài nguyên khoáng sản khác. Những tác động cũng sẽ được cảm nhận trên phạm vi quốc tế. Theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, ước tính có khoảng 3,37 nghìn tỷ USD, tương đương 21%, thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông. Sự gián đoạn trên tuyến đường thương mại sẽ tác động lớn đến những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào Biển Đông, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tác động kinh tế là rất sâu rộng.

    Tất cả điều này để muốn nói rằng ASEAN cần phải chuẩn bị không chỉ cho việc ngăn ngừa xung đột mà còn cả phản ứng với xung đột. Điều này có thể bao gồm các kịch bản đảm bảo các tuyến đường thông tin liên lạc trên biển như thế nào, ASEAN có thể cung cấp và cho ai hình thức hỗ trợ gì, và những lựa chọn chính sách nào sẽ được đưa lên bàn thảo luận giữa các bên xung đột. Các nước ASEAN từ lâu đã có những lợi ích và chính sách xung đột nhau về vấn đề Biển Đông. Nhưng nếu xung đột xảy ra, phản ứng tốt nhất sẽ đòi hỏi một cơ chế vững chắc về cách đối phó với sự leo thang.

    Hiện nay, ASEAN đang dựa vào đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) để khẳng định các ý tưởng của mình về hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Nhưng COC không nên là cơ chế duy nhất để đối phó với Trung Quốc. Quả thực, có lẽ đã đến lúc ASEAN phải thừa nhận rằng COC khó có thể được ký kết. Quan điểm khác nhau giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp trong ASEAN từ lâu đã là một trở ngại lớn, có rất ít cơ hội cho bất kỳ thay đổi có tác động nào được thực hiện.

    Với việc Lào hiện đang giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, không có nỗ lực nào để tìm kiếm sáng kiến quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng leo thang căng thẳng. Một trong những lý do có thể là vì mối quan hệ chặt chẽ giữa Viêng Chăn và Bắc Kinh. Sang năm sau, đến phiên Malaysia sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch và nước này sẽ có cơ hội thể hiện khả năng lãnh đạo và giải quyết thách thức về cách ASEAN nên ứng phó trước kịch bản leo thang và xung đột ngày càng hiện hữu.

    ASEAN nên rút ra bài học từ các cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraina và Gaza, đồng thời xem xét những tác động khủng khiếp của các cuộc đụng độ đang diễn ra. ASEAN sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn những gì đã làm tốt nhất trước đây để ngăn chặn xung đột và chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột trong tương lai.

    _____

    TS. Aristyo Rizka Darmawan là học giả tại Trường Châu Á và Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Úc và là giảng viên luật quốc tế tại Đại học Indonesia. Trần Phạm Bình Minh là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. 

    https://baotiengdan.com/2024/07/08/asean-can-chuan-bi-cho-kich-ban-xung-dot-vu-trang-o-bien-dong/

    Ân xá quốc tế: Công ty của Việt Nam buôn lậu nhiên liệu máy bay sang Myanmar

    RFA
    08/7/2024

    Ân xá quốc tế: Công ty của Việt Nam buôn lậu nhiên liệu máy bay sang Myanmar


    Cảnh tượng sau một trận bom oanh tạc tại một tu viện ở khu vực Magway (Myanmar) ngày 09/5/2024 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAmnesty International 

    Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc một công ty của Việt Nam cùng với một số doanh nghiệp của Trung Quốc và Singapore xuất lậu nhiên liệu máy bay cho chính quyền quân sự Myanmar bất chấp lệnh cấm của Hoa Kỳ và Anh Quốc.

    Trong báo cáo công bố ngày 08/7, Ân xá Quốc tế nói nhiên liệu máy bay vẫn được nhập lậu vào Myanmar bất chấp những lời kêu gọi ngăn chặn các nguồn cung cần thiết cho quân đội nước này trong việc thực hiện các cuộc không kích bất hợp pháp chống lại quân nổi dậy đang chiến đấu nhằm chấm dứt sự cai trị của quân đội.

    Theo đó, chính quyền quân sự Myanmar đang lách các biện pháp cấm vận nhiên liệu hàng không bằng cách nhập khẩu nhiên liệu máy bay trực tiếp từ Việt Nam ít nhất bảy lần vào năm 2023.

    Ân xá Quốc tế nói hình thức nhập lậu này đã tiếp tục với ít nhất hai và có thể là ba chuyến hàng nhiên liệu hàng không đến Myanmar trong sáu tháng đầu năm nay.

    Theo tổ chức nhân quyền này thì doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào việc xuất khẩu lậu nhiên liệu máy bay vào Myanmar là Công ty TNHH MTV Hải Linh có trụ sở ở xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

    Phóng viên gọi cho công ty này theo số điện thoại công bố trên Internet nhưng không có ai nghe máy.

    Phát biểu trong email gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 08/7, Phát ngôn nhân Yadanar Maun của tổ chức Công lý cho Myanmar (Justice for Myanmar), nói:

    Không thể chấp nhận được việc Việt Nam tiếp tục đồng lõa trong việc cung cấp nhiên liệu máy bay cho chính quyền quân sự bất hợp pháp của Myanmar. Chính quyền cần nhiên liệu máy bay để tiếp tục chiến dịch khủng bố trên không, trong đó tàn sát dân thường mà không bị trừng phạt, gây ra sự di tản hàng loạt và lan rộng."

    Theo vị này, thay vì hợp tác với các đồng minh quốc tế để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar, Chính phủ Việt Nam đang cho phép các công ty xuất khẩu nhiên liệu máy bay chết người sang Myanmar và tiếp tục tài trợ cho một tập đoàn quân sự tham nhũng thông qua Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel).

    Việt Nam cần phải tôn trọng các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình bằng cách chặn tất cả các quỹ, vũ khí và nhiên liệu máy bay cho chính quyền quân sự Myanmar,” vị này nói.

    Tổ chức Công lý cho Myanmar cũng kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ khẩn trương áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với công ty Hải Linh.

    Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về báo cáo của Ân xá Quốc tế nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

    Ân xá Quốc tế cho biết trong năm nay, một tàu chở dầu có tên HUITONG78 thuộc sở hữu của Trung Quốc đã vận chuyển nhiên liệu máy bay từ Việt Nam đến Myanmar và các nhà kinh doanh nhiên liệu có trụ sở tại Singapore dường như đã đóng một vai trò trong chuỗi cung ứng.

    Giống như các lô hàng năm 2023, các lô hàng năm 2024 bao gồm nhiều hoạt động mua và bán lại cùng một loại nhiên liệu, khiến việc truy tìm nhà cung cấp ban đầu trở nên khó khăn,” tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London nói. 

    Ân xá Quốc tế nói dữ liệu theo dõi và thương mại tàu thuyền cho thấy tàu chở dầu HUITONG78 của Trung Quốc đã vận chuyển hai lô hàng nhiên liệu hàng không đến kho cảng Puma Energy trước đây (hiện do tập đoàn Shoon Energy có trụ sở tại Myanmar và Quân đội Myanmar kiểm soát) tại Thilawa, cảng Yangon, vào ngày 14/1 và 29/2.

    Giống như tất cả các lô hàng được Ân xá Quốc tế phát hiện vào năm 2023, tàu chở dầu lấy nhiên liệu tại Kho xăng dầu Cái Mép Việt Nam do Công ty TNHH Hải Linh điều hành trước khi khởi hành đi Myanmar.

    Quân đội Myanmar đang dựa vào chính tàu Trung Quốc và một số công ty Việt Nam để nhập khẩu nhiên liệu máy bay của họ, mặc dù Ân xá Quốc tế đã vạch trần chuỗi cung ứng liều lĩnh đó,” Tổng thư ký Agnes Callamard của Ân xá Quốc tế nói.

    Đó là sự thể hiện rõ ràng về miễn trừ tuyệt đối mà quân đội Myanmar đang hoạt động và sự đồng lõa hoàn toàn của các quốc gia chịu trách nhiệm, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc và Singapore,” bà Agnes Callamard nói.

    Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn đẫm máu kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử vào đầu năm 2021, chấm dứt một thập kỷ cải cách thăm dò.

    Các nhà hoạt động dân chủ đã cầm vũ khí và liên kết với những người dân tộc thiểu số nổi dậy đòi quyền tự trị, và cùng nhau họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể chống lại lực lượng chính quyền ở một số vùng trên đất nước trong năm nay.

    Tuy nhiên, quân nổi dậy có rất ít vũ khí hiệu quả để tự vệ trước các cuộc tấn công trên không.

    Tháng trước, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Myanmar nói các cuộc không kích quân sự nhằm vào các mục tiêu dân sự đã tăng gấp năm lần trong nửa đầu năm nay mặc dù Hoa Kỳ và Anh đã công bố lệnh trừng phạt đối với các công ty bán nhiên liệu máy bay cho chính quyền quân sự vào tháng 8 năm ngoái.

    RFA không thể liên lạc với người phát ngôn chính quyền của Myanmar để bình luận. Chính quyền quân sự Myanmar cho biết họ không cố ý nhắm vào dân thường.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/amnesty-says-vietnamese-firm-takes-part-in-smuggling-airplane-fuel-to-myanmar-07082024061246.html

    Liên minh nhân quyền: Thái Lan vi phạm luật trong nước và quốc tế nếu dẫn độ Y Quynh Bdap

    RFA
    08/7/2024

    Liên minh nhân quyền: Thái Lan vi phạm luật trong nước và quốc tế nếu dẫn độ Y Quynh Bdap


    Nhà hoạt động Y Quynh Bdap trước khi bị bắt giữ 

    Fb Y Quynh Buondap 

    Một liên minh nhân quyền quốc tế khẳng định Thái Lan sẽ vi phạm luật pháp của chính mình cũng như các Công ước quốc tế nếu trục xuất Y Quynh Bdap về Việt Nam, nơi ông đối mặt với sự tra tấn và bản án tù dài hạn.

    Ngày 04/7, Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền (Đài Quan sát), một liên minh của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) ra tuyên bố kêu gọi can thiệp khẩn cấp đối với trường hợp của nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap.

    Tòa án hình sự ở Bangkok sẽ đưa ông ra xét xử dẫn độ vào ngày 15/7 tới đây. Tổ chức có trụ sở chính tại Thụy Sỹ cho rằng, nếu bản án dẫn độ được thông qua Thái Lan sẽ "vi phạm trắng trợn các nghĩa vụ của mình theo luật pháp trong nước và các điều ước quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc không gửi trả được quy định trong Điều 3 của Công ước chống tra tấn và trong Luật Ngăn chặn tra tấn và cưỡng bức mất tích của Thái Lan."

    Luật mới này, có hiệu lực từ ngày 22/2/2023, nghiêm cấm việc đưa các cá nhân trở về các quốc gia nơi họ có thể phải đối mặt với sự tra tấn, ngược đãi và cưỡng bức mất tích.

    Ngoài ra, Thái Lan đã phê chuẩn Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích có hiệu lực vào ngày 13/6/2024, theo Đài quan sát việc buộc đưa Y Quynh Bdap về Việt Nam sẽ là hành vi vi phạm rõ ràng các nghĩa vụ này.

    Tổ chức có sứ mệnh "đảm bảo sự bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả cho những cá nhân bị sách nhiễu vì hoạt động nhân quyền ôn hòa của họ" nhắc lại vụ cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt giữ Y Quynh vào ngày 11/6, chỉ một ngày sau khi ông có cuộc phỏng vấn với Tòa Đại sứ Canada về việc tái định cư.

    Đài Quan sát lên án mạnh mẽ việc giam giữ tùy tiện này, cho rằng nó dường như chỉ nhằm mục đích trừng phạt ông vì các hoạt động nhân quyền hợp pháp, đồng thời kêu gọi chính quyền Thái Lan trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện.

    Liên minh này cũng kêu gọi Thái Lan chấm dứt mọi thủ tục dẫn độ đối với Y Quynh Bdap và chấm dứt mọi hình thức quấy rối, kể cả ở cấp tư pháp và hành chính, đối với ông và tất cả những người bảo vệ nhân quyền khác đang ẩn náu ở Thái Lan.

    Ông Huỳnh Trọng Mẫn, thành viên của nhóm Hiến Pháp đang tị nạn chính trị ở Thái Lan sau khi tích cực tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 ở Sài Gòn chống hai dự luật Đặc khu kinh tế và An ninh mạng, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 08/7:

    "Dù không liên quan gì đến vụ nổ súng ở Cư Kuin giữa năm ngoái, ông vẫn bị kết án một cách bất công với bản án 10 năm tù giam về tội danh nguỵ tạo ‘khủng bố.’ Do vậy, việc bắt giữ ông theo yêu cầu của Hà Nội là không chính đáng và việc trục xuất ông sẽ vi phạm cam kết quốc tế về nhân quyền của Thái Lan.”

    Ông Mẫn cũng đề nghị cảnh sát Hoàng gia không bắt giữ những nhà hoạt động đang lánh nạn ở Thái Lan và thúc giục các nước nhanh chóng làm thủ tục nhận người tị nạn nhằm tránh nguy hiểm.

    Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng ban điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, bày tỏ sự lo ngại về khả năng chính quyền Thái Lan trục xuất ông Y Quynh Bdap về nước vì theo ông, lực lượng an ninh của hai quốc gia này mới cam kết “tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, truy bắt, bàn giao các đối tượng truy nã của nước này trốn sang nước kia… tiến tới ký kết Hiệp định dẫn độ giữa hai nước.”

    Nhắc lại vụ an ninh Việt Nam bắt cóc blogger Trương Duy Nhất của RFA đầu năm 2019 và Youtuber Đường Văn Thái vào tháng 4/2023 ở Thái Lan, ông nói với RFA:

    “Dù các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng nhưng mà tương quan giữa Việt Nam và Thái Lan bây giờ quan trọng hơn là vấn đề nhân quyền và việc đưa anh Y Quynh về chỉ là vấn đề thời gian, bởi vì đó là chính sách chứ không phải nhu cầu nhất thời.”

    Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền thúc giục các tổ chức và cá nhân trên toàn cầu gửi thư đến Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng tư pháp, Tư lệnh cảnh sát… của Thái Lan về trường hợp của ông Y Quynh Bdap.

    Liên minh cũng thúc giục Thái Lan chấm dứt mọi hành động đàn áp xuyên quốc gia đối với các nhà hoạt động nước ngoài và tiến hành điều tra kỹ lưỡng và khách quan về sự tham gia của các quan chức Thái Lan trong mọi cáo buộc quấy rối, đe dọa, giám sát và buộc người tị nạn hồi hương theo yêu cầu của chính phủ nước ngoài.

    Phóng viên gửi email cho Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tư pháp, và người đứng đầu Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan về lời kêu gọi của liên minh nhân quyền trên, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

    Nhiệm vụ của Đài quan sát là đảm bảo sự bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả cho những cá nhân bị quấy rối do các hoạt động nhân quyền ôn hòa của họ dù ở đâu, bất kể lĩnh vực công việc cụ thể của họ - có thể là thành viên NGO, người bảo vệ quyền phụ nữ, luật sư , nhà báo, lãnh đạo công đoàn, người bảo vệ quyền đất đai và môi trường, nhà hoạt động LGBTQIA+, người bảo vệ quyền của người di cư, nhà hoạt động chống tham nhũng hoặc những công dân bình thường đứng lên bảo vệ nhân quyền.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/rights-alliance-day-thailand-violates-international-laws-if-it-deports-y-quynh-bdap-to-vietnam-07082024050613.html

    Bộ Công an VN muốn xây dựng Luật Dữ liệu để thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/07/bo-cong-an-muon-xay-dung-luat-du-lieu-de-that-chat-quan-ly-du-lieu-ca-nhan-scaled-1.jpg


    Việc xây dựng Luật Dữ liệu giúp sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu; thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân. (Ảnh minh họa: VRVIRUS/shutterstock) 

    Bộ Công an vừa công bố dự thảo Luật Dữ liệu để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và người dân.

    Bộ Công an đưa ra nhiều lý do để muốn xây dựng Luật Dữ liệu như hiện nay nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất về danh mục dữ liệu dùng chung gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu.

    Các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đồng nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống…

    Nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

    Theo Bộ Công an, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm cung cấp hạ tầng phục vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia giúp phát triển Chính phủ số.

    Luật cũng giúp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mở rộng kho dữ liệu tổng hợp, kho dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng…
    Luật sẽ thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân

    Bộ Công an cho biết hiện có 69 luật và hồ sơ đề nghị xây dựng luật có nội dung liên quan đến dữ liệu.

    Tuy nhiên, tất cả các luật đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu (như việc thu thập, số hóa, bảo đảm chất lượng, lưu trữ dữ liệu…).

    Các luật này cũng chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu, chưa quy định việc tạo lập cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành…

    Trong khi đó, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hiện nay có vai trò rất quan trọng.

    “Việc xây dựng Luật Dữ liệu giúp sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu; thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân”, dự thảo nêu.

    Theo dự thảo của Bộ Công an, Luật Dữ liệu được xây dựng gồm 7 chương, quy định về các nội dung như đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc chung, các hành vi bị nghiêm cấm.

    Dự thảo Luật còn có xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu quốc gia; hợp tác quốc tế về dữ liệu. Các chính sách về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia, sản phẩm và dịch vụ về dữ liệu, quản lý nhà nước về dữ liệu.

    Minh Long

    Philippines sẵn sàng đàm phán với Việt Nam về vấn đề Biển Đông

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/07/Untitlebvcd-10-768x480.jpg


    Trung Quốc có yêu sách chủ quyền với hầu hết khu vực Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình/Google Maps) 

    Bộ Ngoại giao Philippines cho biết nước này hoan nghênh việc Việt Nam công nhận đơn đệ trình của Manila lên Liên Hiệp Quốc nhằm bảo đảm quyền của nước này đối với thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông, đồng thời cho biết sẵn sàng đàm phán với Hà Nội để giải quyết mọi vấn đề, Reuters đưa tin.

    Bộ Ngoại giao Philippines nói trong một tuyên bố hôm 1/7: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam theo những cách khả thi để giúp đạt được giải pháp cùng có lợi cho các vấn đề ở Biển Đông”.

    Hồi tháng trước, Philippines đệ đơn xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của họ ở Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc khi nước này đề nghị được công nhận về các quyền lợi của họ bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý ở Biển Đông.

    Công ước Luật Biển Quốc tế của Liên Hiệp Quốc cho phép các quốc gia ven biển xác lập thềm lục địa bao phủ đáy biển và lòng đất dưới vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng không vượt quá 350 hải lý tính từ lãnh thổ của mình.

    Việt Nam nói “sẵn sàng đàm phán” với Manila vì Việt Nam tìm kiếm các biện pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước.

    Hồi tháng trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ phản đối đệ trình “đơn phương” của Philippines vì cho rằng đơn đăng ký đó vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.

    Việt Nam và Philippines có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên tuyến đường thủy trong vòng tranh chấp, nơi Trung Quốc, Brunei và Malaysia cũng có các tuyên bố như vậy.

    Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có lượng vận tải hàng hải trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD đi qua hàng năm.

    Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, Bắc Kinh bác bỏ phán quyết đó.

    Bảo Khánh

    HRW kêu gọi Liên minh Châu Âu xem xét lại đối thoại nhân quyền với Việt Nam

    08/7/2024

    VNTB – HRW kêu gọi Liên minh Châu Âu xem xét lại đối thoại nhân quyền với Việt Nam

    (VNTB) – “Chỉ có các biện pháp trừng phạt có mục tiêu và hậu quả cụ thể đối với quan hệ chính trị và thương mại mới cho Hà Nội biết rằng EU nghiêm túc về nhân quyền.”

    Tác giả: Salma Ben Mariem 

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi EU trong một báo cáo công bố hôm thứ Tư xem xét lại cuộc đối thoại với Việt Nam về những quan ngại về nhân quyền và kêu gọi EU thực hiện “các biện pháp hiệu quả hơn để giải quyết sự đàn áp ngày càng gia tăng của chính phủ Việt Nam,” trước thềm Đối thoại nhân quyền ở Việt Nam dự kiến ​​diễn ra vào ngày 4 tháng 7

    Đây không phải là lần đầu tiên HRW kêu gọi sự hỗ trợ của châu Âu để bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam. Tổ chức này đã đưa ra lời kêu gọi trước đó tới Liên minh Châu Âu với 27 thành viên vào năm 2022 về các tiêu chuẩn nhân quyền có thể đo lường được ở Việt Nam.

    Trước báo cáo hôm thứ Tư, HRW đã đệ trình một báo cáo lên EU hồi tháng 5, trong đó liệt kê các cáo buộc vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam. Các vi phạm nhân quyền bao gồm vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Báo cáo cũng liệt kê một loạt biện pháp mà chính phủ Việt Nam nên tuân theo để phù hợp với các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế.

    Trong báo cáo, HRW chỉ ra rằng EU và Việt Nam đã tham gia đối thoại về nhân quyền từ năm 1995, sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác EU-Việt Nam, một thỏa thuận song phương trong đó Việt Nam lần đầu tiên công nhận một điều khoản ràng buộc về nhân quyền. trong một hiệp ước với một tổ chức nước ngoài. Hơn nữa, hợp tác song phương giữa hai thực thể phát triển với việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU (PCA) vào năm 2012 và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vào năm 2020. Hiệp định này nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư hơn nữa và để cải thiện điều kiện nhân quyền ở quốc gia châu Á này.

    Tuy nhiên, báo cáo cho rằng chính phủ Việt Nam đã gia tăng đàn áp đối với các nhà hoạt động và nhà báo trong những năm qua, vi phạm các cam kết nhân quyền và không đạt được tiến bộ đáng kể nào trong các vấn đề mà EU nêu ra.

    Báo cáo cũng nêu bật những hành vi mà chính quyền Việt Nam thực hiện trong những năm gần đây, như bắt giữ các nhà báo viết bài trên mạng Internet chỉ trích chính phủ, và bắt giữ các nhà hoạt động môi trường. Các biện pháp hạn chế khác có liên quan đến EVFTA khi các nhà hoạt động Việt Nam lần đầu tiên bị ngăn cản tham gia Nhóm Tư vấn Nội địa EU của hiệp ước trước khi bị bắt.

    Theo HRW, những diễn biến này trái với cam kết của Việt Nam trong các hiệp định chính trị và thương mại song phương với EU. Báo cáo cũng nói thêm rằng Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU  (PCA) có một điều khoản “bao gồm mối liên hệ về thể chế và pháp lý với Thỏa thuận hợp tác và đối tác EU-Việt Nam, cho phép hành động thích hợp trong trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

    Trên cơ sở này và trước việc Việt Nam không tuân thủ các cam kết về nhân quyền, HRW khẳng định EU và các thể chế của EU cần can thiệp một cách hiệu quả để “ép” chính phủ Việt Nam chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền. Tổ chức phi chính phủ này kêu gọi EU áp đặt “các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với những người chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm nhân quyền có hệ thống ở trong nước, bao gồm cả giới lãnh đạo Việt Nam”.

    Phó Giám đốc Vận động Liên minh Châu Âu tại HRW Claudio Francavilla lặp lại đề xuất của tổ chức phi chính phủ này và nói thêm rằng “chỉ có các biện pháp trừng phạt có mục tiêu và hậu quả cụ thể đối với quan hệ chính trị và thương mại mới cho Hà Nội biết rằng EU nghiêm túc về nhân quyền”.



    Không có nhận xét nào