Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam

    09/7/2024

    11 Kitô hữu bị Việt Nam bỏ tù tổng cộng 90 năm hiện đang mất tích 

    VOA Tiếng Việt 

    09/7/2024


    Bản tin về Việt Nam trên trang International Christian Concern, 7/5/2024.


    Bản tin về Việt Nam trên trang International Christian Concern, 7/5/2024. 

    11 nam Kitô hữu người Việt, bị kết án tổng cộng 90 năm 8 tháng tù vì các hoạt động tôn giáo, gần đây đã biến mất một cách bí ẩn, gây ra nhiều lo ngại về việc chính quyền đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số ở Việt Nam, các trang International Christian Concern, The Christian Post và Premier Christian News cho hay.

    Những người nêu trên bị bắt từ năm 2011 đến năm 2016, bao gồm 6 người theo đạo Tin Lành và 5 người theo Công giáo. Hiện nay đang không có thông tin về họ trong hệ thống nhà tù của Việt Nam, tổ chức theo dõi nạn đàn áp tôn giáo International Christian Concern có trụ sở tại Mỹ loan báo hôm 5/7, được The Christian Post và Premier Christian News dẫn lại hôm 8/7.

    Theo International Christian Concern, 6 tín đồ Tin lành tham gia nhóm Tin lành Đề Ga và 5 tín đồ Công giáo là người theo đạo Hà Mòn. Vẫn International Christian Concern lưu ý rằng cả hai nhóm tôn giáo kể trên đều chưa được chế độ cộng sản Việt Nam chính thức công nhận. Chính quyền của đất nước này thường nhắm mục tiêu vào các nhóm như vậy với cáo buộc là họ “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”, The Christian Post nhận xét.

    International Christian Concern và The Christian Post đưa ra thông tin là những tín đồ Tin lành Ro Mah Pla, Siu Hlom, Rmah Bloanh và Rmah Khil bị xử lý với lý do cụ thể là họ theo Tin lành Degar.

    Trong khi đó, Sùng A Khua bị bắt vì “phá rừng” sau khi không chịu bỏ đạo, còn Y Hriam Kpa bị giam vì không chịu đóng cửa nhà thờ của ông. Năm người Công giáo - Runh, A Kuin, A Tik, Run và Đinh Kuh – cũng phải chịu các cáo buộc tương tự vì theo đạo Công giáo Hà Mòn.

    Người Đề Ga, còn gọi là người Thượng, là một nhóm người bản địa ở Tây Nguyên của Việt Nam, trước đây họ đứng về phía Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam và họ theo Kitô giáo.

    Các bài đăng của International Christian Concern, The Christian Post và Premier Christian News viết rằng theo tổ chức có tên Chiến dịch Chấm dứt Tra tấn ở Việt Nam, những Kitô hữu người Thượng thường bị ép phải bỏ đạo, phải đối mặt với những hậu quả nặng nề như bị đánh đập và bỏ tù nếu họ chống lại.

    Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ (USCIRF) từng báo cáo về những vi phạm liên tiếp ở Việt Nam, bao gồm việc đập phá nhà cửa và xua đuổi những gia đình như hộ nhà ông Sùng A Khua, nhằm đàn áp các hoạt động Kitô giáo.

    Năm 2018, Việt Nam ban hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, trên danh nghĩa là đặt ra quy định về các hoạt động tôn giáo nhưng bị chỉ trích vì luật có tính chất hạn chế, cấm đoán.

    USCIRF đưa ra đánh giá hồi năm 2019 rằng quy trình của Việt Nam về việc các nhóm tôn giáo đăng ký hoạt động rất “phức tạp và nặng nề”, đồng thời lưu ý rằng việc duyệt đơn đăng ký thường chậm trễ, kéo dài. Đạo luật này không chỉ kiểm soát các tôn giáo được công nhận mà còn gây áp lực buộc các nhóm không được công nhận phải tuân theo các hoạt động được nhà nước phê chuẩn, như vậy cản trở đáng kể quyền tự do tôn giáo, International Christian Concern, The Christian Post và Premier Christian News nêu lên quan sát.

    Báo cáo thường niên mới nhất của USCIRF, công bố hồi tháng 5, khẳng định rằng các vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn tiếp tục, với việc đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập đang diễn ra. Báo cáo nói rằng chính quyền đặc biệt mạnh tay với các nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo.

    Như VOA đã đưa tin, USCIRF đã khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại diện “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống, nghiêm trọng và không ngừng.

    Hơn 1 tháng sau, hôm 26/6, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo tự do tôn giáo về năm 2023, lưu ý rằng vẫn còn các trường hợp chính quyền Việt Nam xâm hại, sách nhiễu các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc của đất nước. Báo cáo nêu tên Việt Nam và 16 nước khác đáng đưa vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.

    Hôm 4/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói trong một cuộc họp báo rằng Hà Nội “lấy làm tiếc” là mặc dù báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo, tín ngưỡng, song “vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam".

    Bà Hằng khẳng định Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nhấn mạnh "Không ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật".

    Bà nói thêm rằng Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau về những vấn đề còn khác biệt, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Mỹ.

    "Trên tinh thần đó, Việt Nam đề nghị phía Mỹ cần có những đánh giá khách quan, dựa trên các nguồn thông tin chính xác và toàn diện về tình hình thực tế tại Việt Nam, sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo", nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

    https://www.voatiengviet.com/a/muoi-mot-kito-huu-viet-nam-bo-tu-90-nam-mat-tich/7690071.html

    Hai chiến hạm Mỹ thăm cảng Cam Ranh để thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

    Soái hạm USS Blue Ridge của Hạm đội 7 Hải Quân Hoa Kỳ và tàu tuần duyên Waesch của Mỹ cập cảng Cam Ranh, miền trung Việt Nam, ngày 08/07/2024, bắt đầu chuyến thăm 5 ngày. Chuyến thăm cảng nhằm mục đích « thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Mỹ-Việt Nam, phù hợp với Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ». 

    Thu Hằng / RFI

    09/7/2024


    Légende : US Ambassador to Vietnam Meets with C7F Aboard USS Blue Ridge, 08/07/2024, cam Ranh, Khánh Hòa, Việt Nam par U.S. Consulate General HCMC


    Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper gặp các thủy thủ Việt, Mỹ trên chiến hạmUSS Blue Ridge, cảng Cam Ranh, ngày 08/07/2024. U.S. Navy photo by Mass Communic - MC2 Belen Saldana 

     

    Theo thông tin trên trang web của đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, chỉ huy của Hạm đội 7 và của hai tàu Mỹ gặp gỡ chỉ huy Hải Quân, cảnh sát biển Việt Nam và các quan chức tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động trao đổi chuyên môn và các hoạt động giao lưu cộng đồng với người dân tỉnh Khánh Hòa.

    Là soái hạm của Hạm đội 7, đây là lần thứ hai USS Blue Ridge tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Vẫn theo đại sứ quán Mỹ, Hạm đội 7, có căn cứ chính tại quân cảng Yokosuka (Nhật Bản), là « hạm đội tiền phương lớn nhất của Hải quân Hoa Kỳ, thường xuyên giao lưu, hoạt động với đồng minh và đối tác để duy trì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».

    Mỹ không thể mở lại căn cứ ở Cam Ranh nhưng cần phải « tiếp cận thường xuyên nhất có thể », theo nhận định năm 2020 của cựu thứ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Dov Zakheim, được Nikkei Asia trích dẫn ngày 09/07. Mục đích là để « gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng Washington không chỉ đơn thuần là nhà quan sát thụ động trước những hăm dọa của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nhỏ ở trong vùng ».

    Trong những năm 2016, 2018 và 2023, nhiều tàu chiến của Hạm đội 7 đã đến Đà Nẵng như USS John S. McCain, tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer và tàu sân bay USS Ronald Reagan.

    Việt Nam luôn thận trọng trong việc tiếp đón chiến hạm nước ngoài và luôn cố giữ thế cân bằng trong khuôn khổ « ngoại giao cây tre ». Ngoài Mỹ, Việt Nam cũng đón tàu chiến của nhiều nước khác như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Pháp, Úc, Ấn Độ...

    https://www.rfi.fr/vi

    Nhiều dân biểu, nghị sĩ Mỹ kêu gọi Bộ trưởng Thương mại Mỹ giữ Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường

    Tạ Dzu

    08/7/2024

    62 dân biểu và 8 nghị sĩ Hoa Kỳ kêu gọi Bộ trưởng Thương mại Mỹ giữ Việt Nam là kinh tế phi thị trường.

    Liên Minh Vì Dân Chủ Cho Việt Nam, một tổ chức quy tụ nhiều hội đoàn, đảng phái đấu tranh của người Việt hải ngoại, ngày 3 tháng 7 cho biết, đã có thêm 37 dân biểu đồng ký tên trên một lá thư, kêu gọi Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục giữ CSVN, với nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong danh sách kinh tế phi thị trường. Cho đến nay đã có 62 Dân Biểu và 8 Thượng Nghị Sĩ lên tiếng khuyến cáo Bộ Thương Mại.

    Bức thư có đoạn: “Chúng tôi tin tưởng rằng việc xem xét đầy đủ và công bằng các bằng chứng theo sáu yếu tố pháp lý để xác định tình trạng nền kinh tế thị trường được quy định trong Đạo Luật Thuế Quan năm 1930 sẽ khiến Bộ Thương Mại kết luận rằng làm như vậy là quá sớm và không chính đáng. 

    Chúng tôi hiểu rằng mong muốn rộng rãi hơn của Chính Quyền là hợp tác với các đồng minh và đối tác để giải quyết những thách thức do hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhưng cả luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ cũng như các ngành công nghiệp và người lao động phụ thuộc không thể được coi là công cụ mặc cả trong những nỗ lực đó. Sinh kế của những người Mỹ chăm chỉ, bao gồm nhiều cử tri của chúng ta, phụ thuộc vào nó”.

    Nguyên văn: “We are confident that a full and fair review of the evidence under the six statutory factors for determining market economy status set forth in the Tariff Act of 1930 will lead Commerce to conclude that doing so would be premature and unwarranted.

    We understand the Administration’s broader desire to work with allies and partners in addressing challenges posed by China’s increasingly assertive conduct in the region and around the world. But neither the U.S. antidumping laws nor the industries and workers that rely on them should be treated as bargaining chips in those efforts. The livelihood of hardworking Americans, including many of our constituents, depends on it”.

    Bức thư trên cũng được nhắc đến trên kênh VOA Tiếng Việt.

    Hiện Hà Nội đang ráo riết vận động Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhằm lôi kéo các công ty Mỹ vào làm ăn khi các công ty đầu tư vào Trung Cộng bỏ chạy sau đại dịch Covid-19 để bớt lệ thuộc vào Hoa Lục.

    Được biết, liên minh nói trên có tên Mỹ là Alliance for Vietnam’s Democracy sẽ tổ chức buổi hội thảo với đề tài Hội Thảo Việt Nam và Kinh Tế Phi Thị Trường vào lúc 7 giờ sáng, ngày 10-7-2024, giờ California. Diễn giả là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Chữ.Độc giả có thể ghi danh tham dự hội thảo tại đường dẫn link này: https://bit.ly/VNNME 

    Việt Nam lấp liếp với quốc tế về tình trạng buôn người

    Châu Nam Việt

     

    (VNTB) – Nạn buôn người được hợp pháp hóa một cách tinh vi qua chiêu bài “xuất khẩu lao động”

    Mới đây, bà Phạm Thu Hằng – người phát ngôn Bộ ngoại giao đã khẳng định rằng, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống mua bán người. Nổi bật là việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và tăng cường điều tra, truy tố, xét xử các vụ mua bán người. Việt Nam cũng đã xác định và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, kịp thời ứng phó với những thách thức mới của tình hình mua bán người trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế hiện tại cho thấy rằng những biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh mẽ và hiệu quả để giải quyết triệt để tình trạng buôn người ngày càng phức tạp.

    Tình trạng buôn người tại Việt Nam vẫn đang diễn biến rất phức tạp và có nhiều dấu hiệu gia tăng. Theo Báo cáo của Bộ Công an, trong 05 năm (từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2022), trên cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, trong đó xử lý hình sự 386 vụ với 808 đối tượng. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng đã khởi tố và chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền 54 vụ với 68 đối tượng.(1)

    Riêng năm 2020, VKSND đã khởi tố 180 đối tượng bị tình nghi phạm tội buôn người trong 106 vụ án, tăng 152 đối tượng trong 84 vụ án so với năm 2019. Trong đó, đã truy tố 161 đối tượng về tội buôn người trong 102 vụ án, tăng 156 đối tượng và 91 vụ án so với năm 2019. (2) Điều này cho thấy số lượng đối tượng bị khởi tố và truy tố về tội buôn người đang tăng lên theo từng năm. Chứng tỏ rằng tội phạm buôn người ở Việt Nam vẫn tăng cao và nhà nước cộng sản vẫn không có biện pháp phòng chống hiệu quả để bảo vệ công dân Việt Nam.

    Theo báo cáo về nạn buôn người toàn cầu năm 2022 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố thì Việt Nam bị xếp vào nhóm các nước hạng ba, tức hạng cuối. Cụ thể, các nước hạng ba bị cho là có ít nhất một trong các vấn nạn sau: “buôn người trong các chương trình do chính phủ tài trợ, lao động cưỡng bức trong lĩnh vực y tế hoặc các lĩnh vực khác do chính phủ liên kết, nô lệ tình dục trong các doanh trại của chính phủ, hoặc tuyển dụng binh lính là trẻ em.”(3)

    Đến tháng 6/2024 thì Việt Nam chỉ còn bị xếp hạng cấp độ 2 (Tier 2), vì không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để loại bỏ nạn buôn người, nhưng đã thể hiện nỗ lực đáng ghi nhận. Đây có lẽ chỉ là một giải pháp ngoại giao vì chính phủ Việt Nam vẫn không thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người và chưa có nhiều nỗ lực để thực hiện điều này.

    Mặc dù Việt Nam đã sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và tăng cường điều tra, truy tố, xét xử các vụ mua bán người. Nhưng việc thực thi pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế. Chưa kể một số quan ngại về tình quan chức chính quyền đồng lõa, tiếp tay cho tội phạm buôn người với chiêu bài “xuất khẩu lao động” khi mà kiều hối của người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài gởi về luôn được đề cao là góp phần tăng nguồn ngoại tệ, tăng GDP cho cả nước.

    Căn cứ theo quy định tại điều luật số 69 về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có những hành vi bị nghiêm cấm rõ ràng. Đáng chú ý là khoản 8 của Điều 7, trong đó cấm hành vi “thu tiền môi giới của người lao động”(4).

    Song, trong thực tế, nhiều công ty xuất khẩu lao động vẫn ngang nhiên thu tiền từ người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu. Theo ghi nhận thực tế thì hiện nay, nếu người lao động muốn đi Nhật làm việc thì phải thông thì phải thông ty xuất khẩu lao động và đóng phí từ 80-120 triệu tùy ngành nghề. Việc thu phí quá cao đã khiến cho người lao động dễ bị rơi vào tình trạng buộc phải tìm mọi cách kiếm tiền để trả nợ. Trong khi đó, người dân một số nước Đông Nam Á khác đi xuất khẩu lao động thì không cần phải thông qua công ty môi giới cũng không phải tốn những khoản phí vô lí như ở Việt Nam.

    Như vậy, các số liệu chính thức về tình trạng buôn người thường không được chính phủ công bố đầy đủ hoặc chỉ được công bố một cách rất hạn chế. Những con số này đã không phản ánh thực tế thì rất khó đánh giá tình trạng buôn người và đưa ra giải pháp thiết thực. Đã vậy, việc buôn người còn được hợp pháp hóa một cách tinh vi qua chiêu bài “xuất khẩu lao động” thì càng tạo ra một bức tranh sai lệch về mức độ nghiêm trọng của vấn nạn buôn người ở Việt Nam.

    ________________

    Tham khảo:

    (1) https://quochoi.vn/tintuc/Pages/phiengiaitrinh.aspx?

    (2) https://vn.usembassy.gov/vi/2021-tipreport/

    (3) https://www.state.gov/reports/2022-trafficking-in-persons-report/

    (4) https://congan.binhthuan.gov.vn/nhung-diem-moi-cua-luat-so-692020qh14-quy-dinh-ve-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-theo-hop-dong–co-hieu-luc-tu-ngay-01012022-N1116.aspx

    https://vietnamthoibao.org/vntb-viet-nam-lap-liep-voi-quoc-te-ve-tinh-trang-buon-nguoi/

    Chủ tịch nước CSVN Tô Lâm sắp có chuyến công du nước ngoài đầu tiên 

    VOA Tiếng Việt 

    08/7/2024

    Chủ tịch nước Tô Lâm đón người đồng cấp Vladimir Putin ở Hà Nội hôm 19/6


    Chủ tịch nước VNCS  Tô Lâm đón người đồng cấp Vladimir Putin ở Hà Nội hôm 19/6 

    Chủ tịch nước Tô Lâm sắp có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Lào và Campuchia, hơn một tháng sau khi ông tiếp quản cương vị nguyên thủ quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo cho biết.

    Chuyến thăm sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 13/7 theo lời mời của ông Thongloun Sisoulith, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào, và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Thông tấn xã Việt Nam dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.

    Kể từ khi được Quốc hội Việt Nam bầu làm chủ tịch nước hôm 22/5, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà ông Tô Lâm đã tiếp xúc là Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm cấp nhà nước của nguyên thủ Nga đến Hà Nội hôm 19/6.

    Viếng thăm lẫn nhau khi mới nhậm chức là truyền thống lâu nay giữa lãnh đạo ba nước láng giềng Việt Nam, Lào, Campuchia.

    Chẳng hạn, hai người tiền nhiệm của ông Tô Lâm là các ông Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng cũng chọn Lào là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi lên làm chủ tịch nước, lần lượt vào tháng 8 năm 2021 và tháng 4 năm 2023.

    Hai ông Phúc và Thưởng sau đó đều bị mất chức giữa chừng do kết cuộc các cuộc điều tra chống tham nhũng trong nội bộ Đảng. Do đó, trong 4 năm qua, chỉ một Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã lần lượt tiếp đón ba vị nguyên thủ khác nhau của Việt Nam.

    Vientiane và Phnom Penh nằm trong số ít ỏi các nước mà Việt Nam có ‘quan hệ đặc biệt’ – khuôn khổ quan hệ thậm chí còn cao hơn ‘đối tác chiến lược toàn diện’. Quốc gia có quan hệ đặc biệt còn lại với Việt Nam là Cuba.

    Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Campuchia đã xác định16 chữ vàng là ‘láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài’.

    Tuy nhiên, khác với mối quan hệ được cho là ‘thủy chung’ với Lào, quan hệ giữa Việt Nam với Campuchia trong thời gian qua có nhiều nghi kỵ, nhất là với việc Phnom Penh cho Bắc Kinh xây quân cảng Ream và đào kênh Funan Techo nối từ sông Mekong ra Vịnh Thái Lan.

    Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba ở cả Lào và Campuchia. Ở Lào, Việt Nam xếp sau Trung Quốc và Thái Lan, còn ở Campuchia, Việt Nam xếp sau Trung Quốc và Mỹ. Hà Nội đang chạy đua tranh giành ảnh hưởng với Bắc Kinh ở cả hai nước láng giềng này.

    https://www.voatiengviet.com/a/7689319.html

    Thuận An: hễ mưa là ngập

    09/7/2024

    VNTB – Thuận An: hễ mưa là ngập

    Xuyến Chi

    (VNTB) – Chuyện khu vực Lái Thiêu của thành phố Thuận An hễ mưa là ngập hoàn toàn không mới…

    Khoảng 15 giờ ngày 8.7.2024, những hạt mưa bắt đầu rơi nhiều hơn ở địa phận thành phố Thuận An (trước đó cũng đã có một ít, đủ để làm ướt đường). Trong vòng mấy tiếng đồng hồ, nhiều con đường của khu vực Lái Thiêu, thành phố Thuận An tựa như những con sông.

    Có đoạn thì “sông” nhỏ, có đoạn thì “sông” dài…

    Không có gì là lạ trước tình cảnh này, với ông Tư Ếch thì ông cũng không hiểu, tại sao con đường bằng phẳng, đẹp đẽ, có nhiều đoạn gần sông, mà hễ mỗi lần mưa là ngập. Tình trạng này, có thể nói là hoàn toàn mới, nhưng theo quan sát của cư dân địa phương như ông Tư, năm nào cũng như năm nấy.

    Chính phủ quy định, thành phố thuộc tỉnh được thành lập khi đạt 10 tiêu chuẩn. Cụ thể là các tiêu chuẩn: Đã được cấp có thẩm quyền công nhận là đô thị loại III trở lên; quy mô dân số đạt từ 150.000 người trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành đạt từ 80% trở lên so với tổng số lao động; tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ – du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 80% trở lên; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cùng cấp trực thuộc đạt từ hai phần ba trở lên;…

    Để thành lập thành phố thuộc tỉnh, chức năng đô thị của thành phố này phải đáp ứng tiêu chuẩn đô thị tỉnh lỵ trung tâm tổng hợp cấp tỉnh, đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh hoặc đô thị thuộc tỉnh, trung tâm chuyên ngành của vùng liên tỉnh, đầu mối giao thông, giao lưu của vùng liên tỉnh; có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của một vùng trong tỉnh, một tỉnh hoặc một số lĩnh vực đối với vùng liên tỉnh.

    Theo đó, ngày 07/03/2017 Bộ Xây dựng  ra Quyết định số 114/QĐ-BXD về việc công nhận thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương là đô thị loại III.

    Đến 01/02/2020, thị xã Thuận An được nâng cấp lên thành phố theo Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH14 ngày 10/012020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

    “Cứ nghĩ lên thành phố đồng nghĩa với việc đường sá sẽ thay đổi. Thì đúng là đường phố ở khu vực Lái Thiêu ít ổ gà, ổ voi thiệt. Nhưng tình trạng ngập lụt, vẫn y như cũ, như cái thời chưa lên thành phố. Tin không, khúc nào ngập, tui đoán trúng y bóc, thậm chí, có thêm những khúc khác bị ngập nữa. Lách qua khúc khác thì lại ngập chỗ khác. Nước ngập đâu có ít, tràn lên vỉa hè, tràn vô quán cà phê luôn”, vừa mới chật vật băng qua những đoạn đường ngập nước, anh Minh Nguyễn, người tham gia giao thông lắc đầu ngao ngán.

    Vừa dắt bộ, vừa cảm giác bực bội trước cảnh ngập nước, với chị Minh Ngọc thì: “Ngập hoài luôn, từ hồi còn cầu sắt, đã ngập. Mà có con đường cầu sắt thì còn né được cái khúc ngập từ khu vực bùng binh đi lên tới trạm thu phí. Cầu sắt thì tháo, giờ đâu còn lối thoát. Nó ngập không tưởng. Không lẽ chính quyền không biết? Họ biết mà để im vậy luôn đó hả? Không có biện pháp thoát nước phù hợp thì chí ít cũng cử những tổ lưu động sửa xe cho dân. Chứ vừa mưa, vừa tối, vừa ngập, người dân bị tắt máy xe, dẫn bộ mệt thấy bà”.

    Câu chuyện khu vực Lái Thiêu của thành phố Thuận An hễ mưa là ngập hoàn toàn không mới, mà theo chia sẻ của anh Minh Nguyễn, chuyện đường ngập nước sau mưa vậy cũng đã hơn chục năm. Đã được lên thành phố trực thuộc tỉnh nhưng tình hình đường sá vẫn còn như ngày xưa, xem ra, có vẻ như tầm nhìn và trình độ quy hoạch đô thị của nhà cầm quyền địa phương không ổn chút nào…

    https://vietnamthoibao.org/vntb-thuan-an-he-mua-la-ngap/


    Không có nhận xét nào