Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ...

    Báo cáo HRMI 2024: Người dân Việt Nam ‘không an toàn’ trước nhà nước  

    VOA Tiếng Việt 

    04/7/2024

    Báo cáo tóm tắt của HRMI về các chỉ số nhân quyền Việt Nam, 2024. Photo HRMI.


    Báo cáo tóm tắt của HRMI về các chỉ số nhân quyền Việt Nam, 2024. Photo HRMI. 

    Tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (HRMI) vừa công bố báo cáo các chỉ số nhân quyền 2024, đánh giá rằng người dân Việt Nam “không an toàn” trước nhà nước trong khi các quyền tự do dân sự và tự do chính trị đang “ngày càng xấu đi”. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Việt Nam lên án báo cáo của HRMI. 

    HRMI - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New Zealand - hồi tháng trước công bố báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền toàn cầu thông qua các Chỉ số Thực hiện Quyền Kinh tế và Xã hội (SERF) và xếp hạng hiệu suất của mỗi quốc gia bằng cách ấn định điểm số cho 3 tiêu chí chính: chất lượng cuộc sống, an toàn trước nhà nước và trao quyền. 

    Trong phần báo cáo về Việt Nam, HRMI cho rằng tình trạng nhân quyền của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong năm 2023. 

    Về hạng mục an toàn trước nhà nước, Việt Nam đạt 4,6/10 điểm, giảm 0,3 so với điểm 4,9 vào năm ngoái. 

    Theo báo cáo mới nhất của HRMI, nhiều người ở Việt Nam “không an toàn” do có những vụ việc bị bắt giữ, tra tấn, ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết hoặc giết người ngoài vòng pháp luật. 

    Về mục này, dù thiếu dữ liệu để so sánh trong khu vực, song báo cáo HRMI cho rằng mức an toàn của người Việt Nam trước nhà nước “thấp hơn mức trung bình” so với các quốc gia khác. 

    Theo HRMI, các nhóm có nguy cơ bị vi phạm các quyền này cao nhất là những người ủng hộ nhân quyền, những người có niềm tin chính trị hoặc sắc tộc cụ thể, và các nhà báo. 

    Về hạng mục trao quyền, Việt Nam bị đánh giá “rất tệ” ở cả 4 chỉ số. Cụ thể, nước này chỉ đạt 2,5 điểm về quyền hội họp và lập hội; 2,8 về bày tỏ quan điểm và biểu đạt; 2,7 về tham gia chính quyền và 2,4 về tôn giáo và tín ngưỡng.

    HRMI nhận định rằng Việt Nam có kết quả “kém hơn mức trung bình” về hạng mục trao quyền, với các nhóm có nguy cơ bao gồm những người phản đối hoặc tham gia các hoạt động chính trị bất bạo động, các nhà hoạt động nhân quyền, những người có tín ngưỡng hoặc thực hành tôn giáo riêng của họ, người dân bản địa... 

    Với 89,4% về quyền chất lượng cuộc sống, HRMI nhận định rằng chỉ số này cho thấy “Việt Nam đang thực hiện tốt hơn mức trung bình” về quyền chất lượng cuộc sống so với các quốc gia khác ở Đông Á. 

    Con số trên cho biết rằng hiện nay Việt Nam mới chỉ làm được 89,4% những gì có thể làm được với nguồn lực hiện có. Vì bất cứ điều gì dưới 100% cho thấy một quốc gia không đáp ứng nghĩa vụ hiện tại của mình theo luật nhân quyền quốc tế, nên HRMI đánh giá là “Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng nghĩa vụ trước mắt về các quyền kinh tế và xã hội”. 

    HRMI lưu ý rằng ở Việt Nam một bộ phận lớn người dân chưa được tiếp cận đầy đủ và không thể được hưởng trọn vẹn các quyền về chất lượng cuộc sống. Những nhóm người này bao gồm người bản địa, người thuộc các dân tộc hoặc tín ngưỡng cụ thể, người bị giam giữ và những người bị khởi tố, các nhà hoạt động nhân quyền và những người có địa vị xã hội hoặc kinh tế thấp, cùng những người khác, báo cáo cho biết. 

    VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra ý kiến về báo cáo mới này của HRMI, nhưng chưa được phản hồi. 

    Trong tuần qua, các trang báo nhà nước của Việt Nam đồng loạt lên án về bản báo cáo mới này của HRMI, trong khi giới hoạt động cho nhân quyền bày tỏ sự đồng tình với báo cáo. 

    “Đây thực chất vẫn là những luận điệu vô căn cứ, hoàn toàn không dựa trên tình hình thực tế về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam”, đài truyền hình Thông tấn VNews của Việt Nam đưa ra quan điểm hôm 1/7. “Những chiêu trò bổn cũ soạn lại này thực chất nhằm chống phá... hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, trang web của VNews nêu ý kiến. 

    Tổ chức HRMI “mượn lời những kẻ cơ hội chính trị, chống phá để chọc ngoáy, công kích Đảng và Nhà nước Việt Nam”, Thông Tấn Xã Việt Nam viết hôm 1/7. 

    Giới hoat động khi so sánh các chỉ số năm 2024 với các chỉ số trước đó vào năm 2022 và 2023 của HRMI, nhận định rằng tình hình nhân quyền của Việt Nam thiếu tiến bộ và ngày càng xấu đi, trong đó các quyền tự do dân sự và tự do chính trị bị “xâm hại”. 

    “Tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền đưa ra kết quả này hoàn toàn chính xác dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, theo hệ thống luật pháp của các nước dân chủ. Trong khi đó, Việt Nam phản biện dựa vào các luật lệ và lợi ích của họ”, nhà hoạt động nhân quyền Vàng Seo Giả ở bang Minnesota, Mỹ, nêu nhận định cá nhân với VOA. 

    “Bản báo mới nhất của HRMI cho thấy rõ ràng rằng việc tuân thủ nhân quyền của Việt Nam đang suy giảm dần. Hạng mục an toàn trước nhà nước và trao quyền của nước này phản ánh tình trạng suy thoái đặc biệt đáng lo ngại”, tác giả Aerolyne Reed nhận định trên tạp chí The Vietnamese hôm 2/7. 

    Nữ nhà báo này quan sát rằng mặc dù chất lượng cuộc sống ở Việt Nam vẫn được đánh giá cao nhưng những lợi ích này không phải ai cũng có thể tiếp cận được, vì theo báo cáo của HRMI, những người cần chất lượng cuộc sống nhất “thường không thể đạt được điều đó”. 

    Quốc tế kêu gọi Thái Lan không dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về Việt Nam

    BBC News

    04/7/2024



    Chụp lại hình ảnh, Ông Y Quynh Bđăp đang đối mặt nguy cơ bị dẫn độ về Việt Nam

    một giờ trước

    Các chuyên gia độc lập hôm 4/7 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam yêu cầu Thái Lan dẫn độ ông Y Quynh Bđăp, thông cáo của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc phát đi cùng ngày cho hay.

    Y Quynh Bđăp là một nhà hoạt động nhân quyền, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan. 

    Các chuyên gia nhân quyền độc lập kêu gọi Thái Lan "từ chối dẫn độ ông Y Quynh Bđăp hay bất kỳ yêu cầu nào khác nhằm buộc người Thượng đang tìm kiếm sự bảo vệ ở nước này phải hồi hương”.

    Ông Y Quynh Bđăp sống ở Thái Lan từ năm 2018, nơi ông được Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn cấp quy chế tị nạn và đang chờ tái định cư sang một nước thứ ba.

    Trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC hôm 14/6, mục sư A Ga, người sáng lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ tại Tây Nguyên hiện đang tỵ nạn tại Mỹ, nói rằng Y Quynh Bđăp đã gọi điện cho ông trước khi bị bắt.

    Mục sư A Ga thuật lại với BBC:

    "Hôm 4 và 5/6, Y Quynh báo cho tôi là cảm thấy không ổn vì cảnh sát đã biết nơi ở của anh ấy.

    "Sau đó Y Quynh phải tách rời vợ con, nhờ một tổ chức cho trốn vài ngày ở khách sạn.

    "Lúc anh ấy ở trong khách sạn thì cảnh sát bao vây bên ngoài.

    "Vào ngày thứ Hai vừa rồi (11/6), tôi gọi cho Y Quynh thì không nghe máy. Sau đó nhận được tin Y Quynh đã bị bắt.”

    “Y Quynh Bđăp khi đó đang trốn trong một khách sạn nhưng tối đó có tin anh ấy ra ngoài đi mua dép. Vừa ra ngoài thì cảnh sát Thái Lan ập tới bắt.”

    “Ông Y Quanh Bđăp vừa có cuộc phỏng vấn với Sở Di trú Canada hôm 4/6 và đang trong thời gian chờ đợi để chính thức đi định cư tại Canada."

    Ông Y Quanh Bđăp bị chính quyền Việt Nam kết án vắng mặt với cáo buộc khủng bố liên quan đến vụ tấn công vào các cơ quan chính quyền ở tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6/2023.

    Ông bị kết án vắng mặt 10 năm tù sau phiên tòa xét xử 100 bị cáo mà các chuyên gia độc lập cho rằng “không đáp ứng tiêu chuẩn xét xử công bằng theo luật pháp quốc tế”.

    Y Quanh Bđăp hiện đang bị giam tại một nhà ở Bangkok, chờ ra tòa vào tháng tới để quyết định ông có bị dẫn độ về Việt Nam hay không.

    Các chuyên gia kêu gọi chính quyền Thái Lan tôn trọng nghĩa vụ không trục xuất theo luật nhân quyền quốc tế, trong đó cấm đưa một người trở về quốc gia nơi họ có nguy cơ bị ngược đãi hoặc bị tra tấn, bị đối xử tàn ác, vô nhân đạo, bị ép phải mất tích, hoặc thậm chí bị mất mạng. 

    Các chuyên gia cho biết: “Chúng tôi tin rằng, nếu bị dẫn độ, Y Quanh Bđăp sẽ có nguy cơ bị cưỡng ép phải mất tích, bị tra tấn, bị đối xử tệ bạc hoặc chịu các hình thức trừng phạt hà khắc khác..."

    Các chuyên gia hoan nghênh Luật Ngăn chặn tra tấn và cưỡng bức mất tích của Thái Lan, có hiệu lực vào ngày 22/2/2023. Luật này cấm chính quyền Thái Lan “trục xuất hoặc dẫn độ một người đến một quốc gia khác nơi có căn cứ xác đáng để tin rằng người đó sẽ có nguy cơ bị tra tấn, bị đối xử tàn ác, vô nhân đạo, bị hạ nhục hoặc bị cưỡng bức mất tích”.

    Các chuyên gia cũng hoan nghênh việc Thái Lan phê chuẩn Công ước quốc tế về bảo vệ người dân khỏi bị cưỡng bức mất tích vào ngày 14/5/2024, trong đó cấm đưa một người quay trở lại nơi họ có nguy cơ bị cưỡng bức mất tích.

    Theo các chuyên gia, người Thượng và các nhóm tôn giáo thiểu số ở Việt Nam là nạn nhân của sự phân biệt đối xử và ngược đãi khác, bao gồm việc bị buộc phải từ bỏ các tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận và chuyển sang các cơ sở do nhà nước quản lý; xét xử hình sự các nhà lãnh đạo tôn giáo; và lạm dụng các cáo buộc khủng bố. 

    Các chuyên gia cho rằng tổ chức phi chính phủ Người Thượng vì Công lý đã bị chính phủ Việt Nam liệt vào danh sách một tổ chức khủng bố một cách oan ức. Các chuyên gia cũng nêu lên mối lo ngại về khả năng một người Thượng đang bị giam giữ ở Việt Nam đã bị tra tấn đến chết vào tháng 3/2024.

    Trước những rủi ro mà người Thượng phải đối mặt ở Việt Nam, nhiều người đã tìm kiếm sự bảo vệ ở Thái Lan. Các chuyên gia kêu gọi Thái Lan công nhận tình trạng tị nạn của họ theo luật trong nước, đặc biệt là theo Cơ chế Sàng lọc Quốc gia, hợp lý hóa tình trạng cư trú của họ và bảo vệ họ trước sự đàn áp xuyên quốc gia của chính quyền nước ngoài.

    Các chuyên gia đã bày tỏ quan ngại với chính phủ Việt Nam và Thái Lan về vấn đề này. Vì một số người Thượng đang chờ tái định cư hoặc đang chờ được duyệt hồ sơ xin tị nạn ở một nước thứ ba, các chuyên gia đặc biệt khuyến khích các quốc gia này xử lý hồ sơ nhanh nhất có thể.

    Các hãng khổng lồ và kế hoạch chuyển đầu tư khỏi Việt Nam

    RFA

    03/7/2024


    Các hãng khổng lồ và kế hoạch chuyển đầu tư khỏi Việt Nam


    Cơ sở lắp ráp và thử chip của Intel ở Saigon High Tech Park, TPHCM hôm 29/10/2010 (minh họa) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAP Photo/Le Quang Nhat 

    Những tập đoàn toàn cầu lớn, gồm Intel, LG Chemical, AT&S, Samsung và SMC, đang bỏ qua Việt Nam để đầu tư vào những nước khác hay đang xem xét không đầu tư thêm vào Việt Nam.

    Mạng báo The Investor thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài Việt Nam (VAFIE) vào ngày 3/7 dẫn nguồn từ Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Chính phủ Hà Nội về cảnh báo vừa nêu.

    Cánh báo được đưa ra trong một báo cáo liên quan dự thảo nghị định về Quỹ Hỗ trợ Đầu tư sắp được công bố.

    Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam, chính sách hiện nay của Chính phủ Hà Nội chỉ có hỗ trợ giới hạn với ưu đãi dựa trên thu nhập; trong khi đó Thuế Tối thiểu Toàn cầu (GMT) sẽ tác động bất lợi lớn đối với Việt Nam.

    Khung pháp lý lỗi thời của Chính phủ Hà Nội đã khiến những tập đoàn khổng lồ toàn cầu từng có đề nghị đầu tư lớn vào Việt Nam bỏ qua thị trường này để đầu tư vào những nơi khác.

    The Investor nêu vài trường hợp đáng chú ý.

    LG Chemical từng đề nghị dự án sản xuất pin tại Việt Nam với yêu cầu hỗ trợ 30% chi phí sản xuất bằng tiền mặt; cuối cùng hãng quyết định chọn đầu tư dự án này tại Indonesia.

    Intel cũng có đề nghị dự án đầu tư sản xuất chip vốn 3,3 tỷ USD với yêu cầu Việt Nam trả 15% bằng tiền mặt; cuối cùng dự án được quyết đầu tư tại Ba Lan.

    Tập đoàn AT&S của Áo chuyên sản xuất bảng bo mạch in cao cấp từng tiến hành khảo sát và đưa ra đề nghị đầu tư với Chính phủ Hà Nội, nhưng rồi quyết định đầu tư tại Malaysia vì Việt Nam không thể đáp ứng những hỗ trợ đầu tư và công nhân lành nghề cho dự án.

    Bắt ba người trong đường dây đưa người đi Úc lao động trái phép dưới “vỏ bọc” nhà sư

    RFA

    03/7/2024


    Bắt ba người trong đường dây đưa người đi Úc lao động trái phép dưới “vỏ bọc” nhà sư


    Hồ Văn Thìn giả sư nhằm thực hiện hành vi xuất cảnh trái phép. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBVCL 

    Ba người trong đường dây đưa người sang Úc lao động trái phép dưới vỏ bọc 'nhà sư' vừa bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ.

    Công an tỉnh Hà Tĩnh trong ngày 2/7 cho truyền thông hay đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Ngọc Hằng (ngụ quận 7, TP HCM) về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và "Làm giả con dấu, tài liệu, của cơ quan, tổ chức"; Đậu Thị Khuyên (tên gọi khác: Thái Hòa, ngụ tỉnh Hà Tĩnh) về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và Nguyễn Văn Khánh (SN 1996, ngụ phường Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

    Công an Hà Tĩnh cho biết, từ cuối năm 2023, Công an đã nắm được thông tin có một số nghi phạm lợi dụng việc các cơ sở Phật giáo ở Úc thường xuyên tổ chức các khóa tu học dành cho phật tử trên toàn thế giới nên đã móc nối, tổ chức cho nhiều công dân ở các tỉnh thành trong nước như Hà Tĩnh, Nghệ An, Bạc Liêu, TPHCM… trốn sang Úc lao động trái phép với thủ đoạn làm giả hồ sơ nhà sư. Chi phí mỗi lượt đưa đi thành công là 300 triệu đồng.

    Cụ thể, vào đầu năm 2024, Công an phát hiện Khuyên, Hằng và Khánh tổ chức cho Hồ Văn Thìn (ngụ Nghệ An) sang Úc lao động theo đường dây trên.

    Theo thỏa thuận, khi Thìn sang đến Úc, nhóm của Hằng sẽ cho người quen đón Thìn và sắp xếp công việc làm nghề nông tại Úc cho ông này.

    Để thực hiện hành vi trên, nhóm Hằng yêu cầu Thìn cạo đầu, mặc đồ tu hành đến Chùa Kim Quang (Đà Nẵng) để chụp ảnh giả mạo. Sau đó, Hằng liên hệ các cơ sở tôn giáo ở Úc để xin thư mời cho Thìn với pháp danh Thích Giác Ngộ và đang tu hành tại chùa Kim Quang.

    Nhóm Hằng cũng đã liên hệ với Nguyễn Văn Khánh (ngụ Đồng Nai) nhờ làm thay đổi hình ảnh chân dung trên căn cước công dân của Thìn thành phật tử theo Phật giáo.

    Tuy nhiên, đường dây của nhóm Hằng đã bị Công an phát hiện và đến ngày 9/5, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Hằng, Khuyên và Khánh. Hiện vụ án đang được cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra.

    EVN báo lỗ hơn 25.000 tỷ đồng trong năm 2023, đề nghị điều chỉnh giá bán lẻ điện

    RFA

    03/7/2024

    EVN báo lỗ hơn 25.000 tỷ đồng trong năm 2023, đề nghị điều chỉnh giá bán lẻ điện


    Thợ điện đang lắp đồng hồ đo điện ở Hà Nội (minh hoạ) 

    AFP 

    Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo lỗ hơn 25.500 tỷ đồng (trước thuế) trong năm 2023 do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao.

    Truyền thông Nhà nước trong ngày 3/7 cho biết EVN đã hoàn tất kiểm toán Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023.

    Theo đó, kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2023, EVN lỗ hơn 25.500 tỷ đồng (trước thuế), trong khi năm 2022 đã lỗ 18.600 tỷ đồng. Các khoản lỗ này chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá.

    Nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ được đại diện Tập đoàn này cho biết là do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện (phát điện) tăng cao.

    Theo EVN, giá nhiên liệu năm 2023, mặc dù có giảm so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020-2021.

    Hồi hè năm 2023, Miền Bắc đã phải trải qua tình trạng thiếu điện trong nhiều tuần lễ do các thuỷ điện thiếu nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều khu công nghiệp lớn. Đại diện EVN cho biết trong năm 2023, EVN đã phải tăng cường huy động nguồn nhiệt điện để bù đắp do thiếu điện. Đây lại là nguồn điện có giá mua cao, khiến chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN tăng cao và cũng là lý do mà EVN dù đã hai lần tăng giá điện trong năm 2023 (mức 3% và 4,5%), song đến nay khoản lỗ của EVN vẫn chưa thể khắc phục.

    Đây là năm thứ hai liên tiếp EVN tiếp tục lỗ sản xuất kinh doanh điện. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc EVN cho biết tại hội nghị tổng kết của EVN đầu năm 2024 rằng, hiện nay, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải, phân phối là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó, giá bán ra là 1.950 đồng/kWh.

    "Mặc dù chúng tôi đang cố gắng tối ưu hoá các chi phí để tiết giảm, nhưng việc cân đối tài chính của tập đoàn hết sức khó khăn. Do vậy, năm 2024 cần có sự điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện thì mới giải quyết được những khó khăn về tài chính của EVN", ông Tuấn nói trên tờ Lao động.

    Từ đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã kiến nghị điều chỉnh giá điện năm 2024 nhằm giúp EVN có nguồn để thanh toán cho các chủ đầu tư nhà máy điện, đồng thời “cõng” khoản lỗ của ông lớn điện lực này trong hai năm liên tiếp. Tuy nhiên kiến nghị trên vấp phải sự phản ứng từ người dân và giới chuyên gia. Trong hai lần tăng giá điện trong năm ngoái, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA cho rằng:

    “Cái lỗi của thượng tầng, tức là lỗi của người định hướng, là định hướng sai, nhưng nhân dân phải chịu. Nhân dân phải chịu đựng cái không đáng phải chịu đựng, thì cái đó không hợp lý.”

    Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc chạm mốc 40 tỷ USD

    RFA

    02/7/2024

    Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc chạm mốc 40 tỷ USD


    Một người bán đồ gia dụng ngồi trước cửa hàng ở Hà Nội hôm 28/6/2024 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngNhac NGUYEN / AFP 

    Nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2024 chạm mốc 40 tỷ USD, chỉ kém năm ngoái 10,2 tỷ USD. Tổng Cục Thống kê Việt Nam báo cáo và truyền thông Nhà nước loan đi ngày 2/7.

    Số liệu cụ thể cho thấy Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD, tăng gần 35%. Suốt cả năm ngoái, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 49,4 tỷ USD.

    Những nhóm hàng nhập khẩu lớn từ Trung Quốc vào năm ngoái được cho biết gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử đạt hơn 23 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và những phụ tùng khác đạt 22,5 tỷ USD; vải 8,3 tỷ USD; điện thoại và linh kiện 7,3 tỷ USD; sắt, thép 5,7 tỷ USD; sản phẩm từ sắt thép 3,4 tỷ USD; sản phẩm từ chất dẻo 4 tỷ USD; sản phẩm hóa chất 3,4 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 3,1 tỷ USD; hóa chất 2,9 tỷ USD; dây điện & dây cáp điện 1,5 tỷ USD; xơ, sợi dệt 1,3 tỷ USD; thủy tinh & các sản phẩm thủy tinh 1,1 tỷ USD.

    Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 28 tỷ USD. Cụ thể máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 5,7 tỷ USD; hàng rau quả hơn 2,3 tỷ USD…


    Không có nhận xét nào