Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam

     Chuyện Việt Nam và linh tinh

    Bắc Triều Tiên: bị tử hình… vì nghe nhạc vàng

    Phạm Hồng Sơn/ Paris

    03/7/2024

    VNTB – Bắc Triều Tiên: bị tử hình… vì nghe nhạc vàng

    (VNTB) – Một nam thanh niên 22 tuổi ở Bắc Triều Tiên bị tử hình công khai vì đã nghe và truyền bá âm nhạc, điện ảnh của Hàn Quốc.

    Bản báo cáo nhân quyền của Nam Triều Tiên công bố hôm thứ Năm ngày 27 tháng Sáu vừa qua cho biết một nam thanh niên 22 tuổi ở Bắc Triều Tiên bị giết công khai trước sự chứng kiến của nhiều người dân vì đã nghe và truyền bá âm nhạc, điện ảnh của miền Nam.

    Nhằm cắt đứt mọi sự ảnh hưởng ngoại lai, chính quyền Bắc Triều Tiên sẵn sàng áp dụng mọi chính sách tàn khốc nhất. Bản báo cáo của Séoul do Bộ Thống Nhất thực hiện đã tập hợp được 649 nhân chứng là những người Bắc đào thoát vào Nam, trong đó có một nhân chứng nói về vụ hành quyết nam thanh niên ở tỉnh Hwanghae. Theo The Guardian, nạn nhân bị kết án vì đã vi phạm một điều cấm trong bộ luật do Bắc Triều ban hành năm 2020 nhằm đối phó với ‘tư tưởng và văn hóa độc hại’. Nạn nhân bị kết tội là đã nghe 70 bài hát và xem 3 (ba) bộ phim của miền Nam, sau đó còn tuồn cho nhiều người khác.

    Việc cấm nghe nhạc vàng (K-pop) của miền Nam đã bắt đầu từ thời Kim Jong-il và ngày càng siết chặt hơn dưới thời Kim Jong-un (con trai của Kim Jong-il. ND). Sự cấm đoán này nằm trong chính sách tổng thể của chính quyền nhằm bảo vệ người dân Bắc Triều tránh bị tiêm nhiễm «nọc độc» của văn hóa phương Tây.

    Bình Nhưỡng (ND xuýt viết nhầm là ‘Hà Nội’) đòi hỏi dân chúng phải tuyệt đối trung thành với triều đại nhà Kim và coi việc thâm nhập văn hóa miền Nam là một đe dọa cho quyền lực – chế độ đã thống trị Bắc Triều từ năm 1948 đến nay.

    Tuy nhiên, có vẻ như sự hà khắc của chính quyền chẳng cấm được gì ở lĩnh vực này: Trong một cuộc họp báo ở Séoul, một phụ nữ mới đào thoát khỏi miền Bắc đã khẳng định: «văn hóa miền Nam có sức hút rất mạnh ở miền Bắc». Nhân chứng còn cho biết, «thanh niên miền Bắc luôn để ý và học hỏi cách sống ở miền Nam, họ thực sự say mê tất cả mọi thứ từ miền Nam».

    “Tại sao chúng ta cứ phải sống như thế?”

    Nhân chứng vừa nói là một cô gái ở độ tuổi 20 đã trốn được vào Nam bằng một chiếc thuyền gỗ trong tháng Mười 2023. Cô gái đã mô tả nhiều nỗi thống khổ của người miền Bắc đang gánh chịu rồi ngậm ngùi phân trần «Sau những thảm cảnh như thế, nhiều thanh niên chúng tôi đã tự hỏi mình rằng: ‘Tại sao chúng ta cứ phải sống mãi như thế?’»

    Cô gái nhớ lại đã từng nghĩ đến chuyện quyên sinh, «ở miền Bắc, chết có lẽ tốt hơn sống». Cô cũng không giấu những cảm nghĩ cá nhân về chế độ Bắc Triều: «Dĩ nhiên chúng tôi không thể công khai nói thực những điều ghê tởm của Kim Jong-un, nhưng đây là chủ đề không cần phải e dè giữa những người thân, bạn bè».

    Bên cạnh việc nghe nhạc, nhiều hành vi khác cũng bị coi là «phản động», cũng bị trừng phạt nghiêm khắc. Váy trắng, kính đen, uống rượu trong các ly có chân dài bị coi là các hành vi chạy theo miền Nam.

    Báo cáo của Bộ Thống Nhất miền Nam còn khẳng định các điện thoại di động của người miền Bắc luôn bị kiểm tra để loại trừ các tiếp xúc, cách viết tên, các ngôn từ, hay cách nói không đúng ý chính quyền. Cho dù hai miền đều cùng dùng chung một ngôn ngữ nhưng nhiều khác biệt tinh tế đã hình thành giữa hai miền kể từ sau cuộc chiến dẫn đến chia đôi bán đảo Triều Tiên năm 1953.

    (Paris, 30 tháng Sáu 2024, 09:05 – ngày diễn ra cuộc bầu cử lịch sử đầy lo âu ở Pháp (và Liên Âu, thế giới dân chủ) – bầu cử (vòng một) trước kỳ hạn Quốc Hội Pháp sau khi đảng cựu hữu Le Rassemblement National thắng lợi giòn giã trong cuộc bầu cử Nghị Viện Liên Âu ngày 09 tháng Sáu 2024. Người dịch: một người sinh ra tại miền Bắc thời Việt Nam vẫn chia đôi như Triều Tiên hiện nay)

    Việt Nam: Hơn 5.300 người chết vì tai nạn giao thông trong 6 tháng 

    VOA Tiếng Việt 

    02/7/2024

    Người lái xe dừng chờ đèn đỏ ở một ngã tư ở Hà Nội.


    Người lái xe dừng chờ đèn đỏ ở một ngã tư ở Hà Nội. 

    Ủy ban Quốc gia về An toàn Giao thông Việt Nam hôm 1/7 cho biết đã có hơn 12.000 vụ tai nạn giao thông xảy ra khiến hơn 5.300 người thiệt mạng trong vòng 6 tháng đầu năm 2024, theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố.

    Trong số 12.353 vụ tai nạn giao thông xảy ra, có 8.728 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 3.625 vụ va chạm giao thông, làm 5.343 người chết, 5.557 người bị thương và 3.995 người bị thương nhẹ, VTV dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết. Như vậy, bình quân một ngày tại Việt Nam xảy ra 68 vụ tai nạn giao thông, làm 30 người chết, 30 người bị thương và 22 người bị thương nhẹ.

    So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao tăng 17,58%, số người chết giảm 11,78%, số người bị thương tăng 39,28%.

    Việt Nam đứng thứ tư trong danh sách 7 nơi bị xếp là nguy hiểm nhất thế giới đối với khách du lịch khi lái xe, bên cạnh các quốc gia láng giềng là Thái Lan và Malaysia, theo công ty nghiên cứu phân tích dữ liệu Swiftest.

    Swiftest đã đo lường mức độ an toàn đường bộ tại 50 điểm đến hàng đầu thế giới, dựa trên số lượng “sự kiện bất lợi” trên 100.000 dân mỗi năm.

    Cộng hòa Dominica có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ cao nhất thế giới ở mức 64,6 trên 100.000 dân, tiếp theo là Ả Rập Saudi, Thái Lan và Việt Nam, công ty này cho biết, trích dẫn dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới.

    Việt Nam hoàn thiện kế hoạch Quỹ thu hút đầu tư nước ngoài

    Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam đang hoàn tất dự án lập một quỹ thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì sức cạnh tranh. Văn bản đề ngày 29/06/2024 dự kiến được trình lên chính phủ từ nay đến thứ Sáu 05/07. 

    Thu Hằng / RFI

    03/7/2024

    A car frame is welded by robots at a Vinfast factory in Hai Phong, Vietnam on Sept. 29, 2023.

    Xưởng hàn ghép khung xe ô tô bằng rô-bô trong một nhà máy của tập đoàn Vinfast, tại Hải Phòng, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 29/09/2023. AP - Hau Dinh 

    Theo văn bản mà Reuters tham khảo được, nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ Đầu tư Việt Nam (Vietnam Fund for Investment Support) là ngân sách Nhà nước và thuế doanh nghiệp nhằm « duy trì khả năng cạnh tranh của Việt Nam trước tình hình thế giới thay đổi và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước trong việc thu hút đầu tư ».

    Quỹ Hỗ trợ đầu tư sẽ cung cấp tài chính cho các dự án đầu tư để trang trải một phần chi phí cơ sở hạ tầng, tài sản cố định và đào tạo nguồn nhân lực, bởi vì theo dự thảo « dù nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng trong những năm gần đây, nhưng số lượng dự án đầu tư nước ngoài ở quy mô lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao vẫn còn khiêm tốn, trong khi đó nhiều dự án đã có lại phải đình chỉ kế hoạch mở rộng ».

    Những khoản đầu tư đủ điều kiện được ưu đãi bao gồm các dự án công nghệ cao trị giá ít nhất 12 nghìn tỉ đồng (471,51 triệu đô la) và có doanh thu hàng năm ít nhất 20 nghìn tỉ động, cũng như các dự án đầu tư vào trí thông minh nhân tạo, chất bán dẫn trị giá ít nhất 6 nghìn tỉ đồng và các dự án mở trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá ít nhất 3 nghìn tỉ đồng. Văn kiện này rất được trông đợi vì nhiều nhà đầu tư tiềm năng vẫn cân nhắc và chờ thêm những thông tin, biện pháp khuyến khích đầu tư cụ thể.

    Khối lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 34,5% trong năm 2023, đạt 39,4 tỉ đô la. Dự thảo nêu rõ Việt Nam đặt mục tiêu thu hút từ 30 đến 40 tỉ đô la đầu tư nước ngoài hàng năm trong giai đoạn 2021-2025 và 40-50 tỉ đô la mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030.

    Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Theo Yonhap, ngày 03/07, nhân chuyến công du của thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, hai bên đã nhất trí mở rộng khối lượng trao đổi thương mại song phương, đạt đến 150 tỉ đô la từ nay đến năm 2030, đồng thời ký 9 biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực phát triển, trao đổi thương mại, thanh niên, môi trường, cạnh tranh…

    HRW: EU cần trừng phạt lãnh đạo Việt Nam thay vì cứ Đối thoại Nhân quyền

    RFA
    03/7/2024

    HRW: EU cần trừng phạt lãnh đạo Việt Nam thay vì cứ Đối thoại Nhân quyền

    Cờ Việt Nam và EU khi ký EVFTA 

    Reuters 

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói các cuộc Đối thoại Nhân quyền của Liên minh Châu Âu (EU) với Việt Nam không hiệu quả, thay vào đó EU có thể cân nhắc sử dụng các biện pháp trừng phạt để buộc Hà Nội phải cải thiện hồ sơ nhân quyền. 

    Lời kêu gọi được đưa ra chỉ một ngày trước Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam thường niên năm 2024 sẽ được tổ chức ở Brussels, Bỉ vào ngày 04/7.

    HRW cho rằng EU có thể cân nhắc biện pháp sử dụng hai hiệp định quan trọng là Hiệp định chung về Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa EU và Việt Nam (PCA) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để làm đòn bẩy buộc Hà Nội phải chấm dứt đàn áp nhân quyền.

    Dựa trên Điều 1 của PCA “tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền” như một “thành tố thiết yếu” của hiệp ước, EU có thể đình chỉ hai hiệp định trên hoặc áp dụng biện pháp trừng phạt khác đối với Việt Nam.

    Ngoài ra, tổ chức nhân quyền có trụ sở chính ở Mỹ cũng đề nghị EU có thể áp dụng các lệnh trừng phạt có mục tiêu nhằm vào các quan chức và tổ chức của Việt Nam chịu trách nhiệm việc đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống ở trong nước.

    Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng, người từng hai lần bị cầm tù tổng cộng bảy năm vì hai tội danh “gây rối trật tự công cộng” và “tuyên truyền chống nhà nước,” cho rằng hàng năm Việt Nam đều có các cuộc đối thoại nhân quyền với EU và nhiều quốc gia dân chủ trên thế giới nhưng việc đàn áp nhân quyền ngày càng trầm trọng.

    Do vậy, EU cần có chế tài cụ thể thay vì kêu gọi chung chung, ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 03/7:

    Tôi thấy rằng lời kêu gọi của tổ chức Theo dõi Nhân quyền dành cho EU rất hay. Theo tôi nhìn nhận hình như vấn đề nhân quyền đối với Việt Nam hiện nay giống như là một trò chơi hơn là những gì được cam kết nghiêm túc.

    Bởi vì những điều kiện cũng được đưa vào các hiệp định song phương của hai bên ví dụ như là Hiệp định Hợp tác và Đối tác hoặc là Hiệp định Tự do Thương mại Song phương giữa EU và Việt Nam, tuy nhiên, mặc dù các vi phạm nhân quyền của Hà Nội là rõ ràng nhưng mà điều đó gần như không ảnh hưởng gì đến những hiệp định trên cả.”

    Trong thông cáo, HRW nói EU và Việt Nam đã xúc tiến trao đổi về nhân quyền từ những năm 1990 và đã có khoảng 20 cuộc đối thoại nhân quyền tính từ năm 2002, tuy nhiên, từ đó tới nay, Việt Nam gần như không cải thiện một vấn đề nào được EU nêu ra.

    Thậm chí, việc đàn áp giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự còn trầm trọng hơn sau khi EVFTA có hiệu lực từ năm 2020, khiến cho chính quyền Việt Nam tự tin hơn về cảm giác được miễn trừ trách nhiệm, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) nói.

    Trong cuộc đối thoại năm ngoái, hai bên cam kết cải thiện hơn nữa việc thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị. EU đặc biệt nhấn mạnh đến quyền tự do ngôn luận và lập hội.

    Tuy nhiên, theo HRW, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam không hề cải thiện trong năm qua. Từ sau cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU và Việt Nam vào tháng 6/2023, Việt Nam đã kết án tám người vì đã lên tiếng phê phán chính quyền, trong đó có các nhà vận động dân chủ Phan Tất Thành, Dương Tuấn Ngọc, và Nguyễn Văn Lâm với các mức tù giam từ sáu đến tám năm theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, có tám nhà hoạt động khác bị bắt với cùng cáo buộc như Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Chí Tuyến, và Phan Vân Bách…

    Trong cuộc đối thoại năm ngoái, hai bên ghi nhận vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác, cũng như sự cần thiết đảm bảo môi trường thuận lợi để họ có thể tham gia hiệu quả, bao gồm trong khuôn khổ PCA và EVFTA.

    Mặc dù vậy, một tháng sau cuộc đối thoại, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Chỉ thị mật 24 trong đó yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị và an ninh ngăn chặn xã hội dân sự trong việc định hình chính sách của nhà nước và thành lập các nhóm đối lập chính trị.

    Chỉ thị, được tổ chức Dự án 88 tiết lộ, cũng xác định việc thành lập các công đoàn độc lập là một vấn đề an ninh quốc gia cần phải được giải quyết, quán triệt không để thành lập tổ chức của người lao động dưới hình thức dân tộc, tôn giáo.

    Cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa ký kết Công ước Số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Quyền Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền được Tổ chức, cho dù trước khi Quốc hội EU bỏ phiếu về EVFTA hồi tháng 2/2020, Việt Nam đã cam kết cụ thể sẽ thực hiện việc này trong năm 2023.

    HRW khuyến nghị EU tập trung vào sáu lĩnh vực ưu tiên liên quan tới tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam, bao gồm những người bị giam giữ vì lý do chính trị, giới hoạt động môi trường, tình trạng đè nén quyền của người lao động, tình trạng đối xử pháp lý không công bằng đối với các bị can và bị cáo hình sự, tình trạng hạn chế quyền tự do đi lại, đàn áp quyền tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng.

    Nhà văn, nhà báo kỳ cựu Võ Thị Hảo cho rằng đề nghị trừng phạt của HRW rất quan trọng. Bà nói:

    Tất cả những biện pháp đó đều hoàn toàn cần thiết và công bằng, vấn đề là 27 nước trong khối EU có kiên quyết thực hiện hay không. Nếu không thực hiện thì ảnh hưởng đến uy tín của khối EU vì cam kết giữa hai bên không phải là chuyện đùa.”

    Tuy nhiên, bà thừa nhận các quốc gia thuộc EU thường cân nhắc quyền lợi thương mại, quyền lợi kinh tế hơn, và không muốn rút chân khỏi quốc gia có vị thế địa chính trị như Việt Nam.

    Bà Thục Quyên, một nhà hoạt động về nhân quyền và môi trường người Đức gốc Việt, cho rằng để thúc ép khối EU, các tổ chức và cá nhân người Việt ở Châu Âu cũng cần phải nỗ lực. Bà nói trong tin nhắn gửi RFA:

    Nếu muốn EU phải có những biện pháp hữu hiệu thì các hội đoàn Việt Nam tại Âu châu, những người hoạt động ...phải từ bỏ thái độ xin xỏ giúp đỡ mà nắm vững những luật lệ EU để đòi hỏi EU phải buộc Việt Nam tôn trọng luật pháp nếu muốn có trao đổi thương mại, nhận những chương trình giúp đỡ.”

    Theo HRW, các biện pháp trừng phạt được cân nhắc trong trường hợp chính quyền độc đảng ở Việt Nam lại một lần nữa từ chối phóng thích các nhà bảo vệ nhân quyền và các tù nhân chính trị, không cam kết sửa đổi các điều luật vi phạm nhân quyền và không nới rộng không gian chính trị và dân sự.

    Ông Claudio Francavilla, Phó Giám đốc Vận động Khối EU của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bày tỏ, “Chỉ bằng cách đặt ra các lệnh trừng phạt có mục tiêu và các hậu quả cụ thể về quan hệ thương mại và chính trị mới thể hiện được thông điệp rõ ràng tới Hà Nội rằng EU coi nhân quyền là vấn đề nghiêm túc,” đồng thời cho rằng, “Nếu các cuộc đối thoại nhân quyền không trở thành cơ hội để đặt ra các hậu quả nêu trên và các mốc làm điều kiện để tránh các hậu quả đó, thì vẫn chỉ là một bài diễn tập lấy lệ mà thôi.”

    Việt Nam trấn át ngư dân đánh bắt ‘trái phép’ để ‘không ảnh hưởng đến đàm phán’ với Indonesia  

    VOA Tiếng Việt 

    02/7/2024

    Một binh sĩ Indonesia và các ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ở ngoài khơi bờ biển Natuna ở Anambas, tỉnh Kepulauan Riau.


    Một binh sĩ Indonesia và các ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ở ngoài khơi bờ biển Natuna ở Anambas, tỉnh Kepulauan Riau. 

    Chính quyền Việt Nam có kế hoạch trấn áp “quyết liệt” đối với các ngư dân đánh bắt xa bờ ở các tỉnh phía nam giữa lúc nước này và Indonesia bước vào giai đoạn “then chốt” của cuộc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế của hai nước, theo một báo cáo của Cục An ninh Nội địa thuộc Bộ Công an ban hành nội bộ hồi đầu tháng 5 mà VOA xem được.

    Sau 12 năm đàm phán, Việt Nam và Indonesia vào tháng 12/2022 đã bước đầu giải quyết được tranh chấp trên biển khi ký hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước, nhưng chi tiết của hiệp định chưa được công bố.

    Báo cáo lưu hành nội bộ của Bộ Công an cho biết chính quyền Việt Nam “đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lý hoạt động tàu cá và ngư dân” nhằm ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực đến việc đàm phán “Thỏa thuận thực thi áp dụng đối với khu vực chồng lấn quyền tài phán giữa Việt Nam-Indonesia”, vốn là một phần của hiệp định phân định EEZ mà cần sự phê chuẩn của quốc hội hai nước để có hiệu lực.

    Báo cáo, gửi đến Đại tướng Lương Tam Quang – nay là Bộ Trưởng Bộ Công an, cho biết rằng từ hồi tháng 4 tại khu vực phía nam đã diễn ra một số “hoạt động phức tạp”, trong đó có ngư dân biểu tình và khiếu kiện tập thể do “bất mãn” về việc chính quyền địa phương đã hạn chế hoạt động đánh bắt tại vùng biển ranh giới với vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia.

    Trước các đợt trấn áp “cấp bách” của chính quyền về tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép, các ngư dân ở ngư trường phía nam nói với VOA rằng họ không dám vượt ranh giới cho phép để đến các ngư trường truyền thống của mình. Điều này có nghĩa tàu cá của họ phải “nằm bờ” hay họ phải chuyển sang ngư trường khác hoặc phải chật vật đổi kế sinh nhai.

    Ngư dân bất mãn 

    “Tụi tui không dám đi ra ngoài đó nữa đâu. Trước đây tôi đánh xa bờ, nhưng họ làm căng quá nên chuyển qua nghề câu mực ven bờ”, ông Trần Sinh, 67 tuổi, một ngư dân ở Bình Thuận, từng đánh bắt vùng biển xa giáp với vùng biển của Indonesia nhưng nay đã chuyển sang nghề câu mực, cho VOA biết về những khó khăn của phần lớn ngư dân hiện nay.

    Ngư dân này cho biết tất cả tàu cá có chiều dài 15m trở lên bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình (VMS) và bất cứ khi nào tàu vượt ra khỏi ranh giới cho phép thì bị cơ quan chức năng Việt Nam sẽ ngăn chặn và phạt tiền, với mức phạt mới áp dụng từ cuối tháng 5 lên đến 200 triệu đồng/vụ.

    “Tôi rất sợ bị bắt. Ở ngoài khu vực giáp biên cũng có tàu Việt Nam canh mình. Tôi không dám vượt qua, đi qua một tí thôi là máy kia báo động liền. Máy này cũng báo về chính quyền tỉnh luôn”.

    Ngư dân có hơn 40 năm làm nghề biển này nhận định rằng việc đánh bắt gần đây rất khó khăn do nguồn tài nguyên thủy sản gần bờ không còn dồi dào như trước.

    “Bây giờ làm ăn thất thu ghê lắm, cá bên trong này cũng đâu còn nữa đâu”, ông Sinh nói.

    Cũng tại Bình Thuận, một phụ nữ có gia đình làm nghề biển chia sẻ với VOA rằng bà chứng kiến rất nhiều tàu cá phải “nằm bờ” do việc chính quyền Việt Nam siết chặt quản lý khu vực đánh bắt nơi giáp ranh với vùng biển của Indonesia. Người phụ nữ này không nêu tên vì lý do an toàn.

    “Người ta cũng bỏ ghe, đậu bờ, rồi chuyển qua làm cái này, cái kia rồi. Bây giờ người ta dẹp ghe hết. Bây giờ đậu bờ nhiều lắm. Từ ngày phân vùng như vậy thì cuộc sống bế tắc luôn, nhiều người vượt qua đó thì bị bắt”.

    Một số cuộc biểu tình và khiếu kiện mà Cục An ninh Nội địa ghi nhận gồm cuộc biểu tình của 31 người tại Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận sáng ngày 2/4/2024 và cuộc tụ tập có ý định biểu tình ngày 26/4/2024 tại huyện Đức Linh, Bình Thuận, đã bị chính quyền “kịp thời giải tán”.

    Ngoài ra, cục này cũng ghi nhận việc ngư dân đưa ra quan điểm chỉ trích chính sách “thiếu suy nghĩ” của chính phủ Việt Nam trên các diễn đàn trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... trong đó họ bị cáo buộc đã “xúi giục ngư dân biểu tình” để phản đối việc hạn chế đánh bắt.

    Trong báo cáo, Cục An ninh Nội địa nhận định rằng ngư dân các tỉnh từ Phú Yên đến Kiên Giang có tập quán đánh bắt tại ngư trường Đông Nam Bộ, trong đó có vùng biển giữa Việt Nam và Indonesia, và rằng việc yêu cầu ngư dân thay đổi hoặc hạn chế đánh bắt tại vùng biển quen thuộc này là điều “không phải chuyện dễ”.

    Theo báo cáo, khu vực mà Việt Nam và Indonesia tiến hành phân định thuộc ngư trường khai thác Đông Nam Bộ, có nguồn lượng thủy sản phong phú, trong khi nguồn lợi thủy sản Việt Nam bị cạn kiệt nhất là từ năm 2020 trở lại đây. Cục An ninh Nội địa thừa nhận rằng nghề biển là mưu sinh duy nhất đối với đa số ngư dân Việt Nam hiện nay và khó có khả năng tìm các công việc khác trên bờ.

    Nhưng Cục này nói rằng “trong giai đoạn then chốt hiện nay, cần tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán” dù phải thu hẹp phạm vi đánh bắt của ngư dân và hạn chế họ ra vùng biển quen thuộc.

    VOA đã liên lạc Cục An ninh Nội địa và Bộ Công an để tìm hiểu thông tin liên quan đến báo cáo này, nhưng chưa được phản hồi.

    Một tàu cá của ngư dân ở Quảng Ngãi.


    Một tàu cá của ngư dân ở Quảng Ngãi. 

    Áp lực kép 

    Hồi đầu tháng 4/2024, một nghị định của chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định số tiền phạt lên đến 200 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá vượt qua vùng được phép khai thác thủy sản trên biển mà không có văn bản chấp thuận. Ngoài ra, nghị định mới này nâng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản lên đến hai năm.

    Mức phạt cao này được quy định trong Nghị định 38/2024, có hiệu lực từ ngày 20/5, nằm trong chuỗi những nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) để nước này thoát khỏi tình trạng bị thẻ vàng trong ngành thủy sản mà Uỷ ban châu Âu (EC) áp đặt từ lâu nay.

    Ngoài ra, Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng xác định rằng công tác chống khai thác IUU là “nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài” đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

    Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Bình Thuận có 23 lượt tàu cá vượt ranh giới cho phép, trong đó, 5 trường hợp tàu cá bị lỗi thiết bị, 13 trường hợp trực ban liên lạc trực tiếp với thuyền trưởng đề nghị đưa tàu quay về vùng biển Việt Nam, 4 trường hợp liên lạc với thuyền trưởng, đồng thời làm việc với gia đình chủ tàu, theo trang Bình Thuận Online hôm 11/6.

    Trang mạng này cho biết thêm rằng trong năm 2024, có 1 trường hợp tàu cá vượt ranh giới, và cơ quan chức năng đã phát thông báo và đề nghị Ban chỉ đạo IUU Thành phố Phan Thiết “làm việc” với chủ tàu, yêu cầu thuyền trưởng tàu khẩn trương đưa tàu quay về vùng biển Việt Nam.

    Trong khi đó Cà Mau, một trong những tỉnh lắp đặt thiết bị VMS 100%, với hơn 1.500 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m đã lắp thiết bị này, được Cục An ninh Nội địa khen ngợi là tỉnh đã áp dụng các biện pháp “quyết liệt” như rút, không cấp phép mới giấy phép khai thác đối với chủ tàu cá vi phạm bị bắt giữ, tạo không khí răn đe...

    Ngư dân bị bế tắc? 

    “Ngư dân ở đâu cũng kêu rêu lắm! Chính quyền có giúp họ lấy lại tàu thuyền gì đâu. Họ cứ nói “từ từ xử lý, từ từ xử lý” chứ họ cũng không có đủ khả năng để làm gì được”, người phụ nữ ở Bình Thuận bày tỏ bức xúc về việc các tàu cá bị phía Indonesia bắt giữ trong thời gian qua.

    Chính quyền Indonesia bắt giữ 11 tàu cá nước ngoài đánh cá trái phép trong nửa đầu năm 2024, trong đó có tàu cá Việt Nam, trang KKP dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Giám sát Tài nguyên Biển và Thủy sản Indonesia (PSDKP) cho biết hôm 15/6.

    Về phía Việt Nam, từ tháng 2/2024, Văn phòng Chính phủ ra chỉ đạo nhắm đến tháng 4/2024 không còn tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép, bằng các giải pháp “cấp bách, trọng tâm”, đồng thời hối thúc các địa phương điều tra, đưa ra xét xử các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, theo Cổng thông tin Chính phủ.

    “Thực ra không có giải pháp nào để thay thế”, một chuyên gia tư vấn cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề cho các ngư dân ở Cà Mau thừa nhận với VOA, nói thêm rằng các ngư dân vốn đã quen với nghề biển thì rất khó có thể thích hợp với các công việc khác.

    “Tôi có hỏi chính quyền địa phương thì họ chưa có cách nào để giải quyết hết. Họ chỉ thực hiện chính sách đó mà thôi”, vị chuyên gia này cho biết thêm. Ông là một trong những người tham gia dự án giúp ngư dân ven bờ ở Cà Mau tìm ngành nghề khác khi tỉnh này “quyết tâm” gỡ thẻ vàng IUU. Ông không tiết lộ danh tính vì tính nhạy cảm của vấn đề.

    Biện pháp trấn áp 

    Cục An ninh Nội địa đề xuất trong báo cáo rằng phải áp dụng các biện pháp tuyên truyền cho ngư dân “với những nội dung không thể vi phạm vùng biển, EEZ của Indonesia ngay cả tại vùng biển chồng lấn” để “nâng cao nhận thức của họ đối với tầm quan trọng của Hiệp định phân định EEZ giữa Việt Nam và Indonesia.”

    Cơ quan chuyên tham mưu cho Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam về việc đảm bảo an ninh nội địa còn đề xuất “xử lý dứt điểm” các hành vi tàu cá, ngư dân trong nước cố tình vi phạm.

    Cục này cho biết họ quyết không để việc khiếu kiện của ngư dân trở nên “phức tạp”, hay hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, đồng thời triển khai các biện phát trinh sát theo dõi những ai phát biểu “sai sự thật, chống Đảng, Nhà nước” khi chính quyền thực hiện các chính sách về ngư dân.

    Kênh đào Phù Nam sẽ được Campuchia động thổ nhân dịp sinh nhật ông Hun Sen

    02/7/2024

    Kênh đào Phù Nam sẽ được Campuchia động thổ nhân dịp sinh nhật ông Hun Sen

    Chủ tịch Thượng viện Campuchia - ông Hun Sen - đi qua đội danh dự tại tòa nhà Thượng viện ở Phnom Penh hôm 3/4/2024 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngTANG CHHIN SOTHY / AFP 

    Kênh đào Funam (Phù Nam) Techo sẽ được Campuchia cho động thổ nhân dịp sinh nhật của ông Hun Sen.

    Thủ tướng Hun Manet, trưởng nam của ông Hun Sen, thông báo như vừa nêu tại tỉnh Kampong Cham hôm 1/7. Ông này nói rõ Kênh đào Funan Techo là biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc Campuchia và ông Hun Sen là người khởi xướng.

    Cụ thể, ngày động thổ dự án dài khoảng 180 km với kinh phí đầu tư chứng 1,7 tỷ USD sẽ được diễn ra ngày 5 tháng 8 là ngày sinh nhật của ông Hun Sen, cựu Thủ tướng ở cương vị lâu nhất tại Xứ Chùa Tháp cũng như ở khu vực Đông Nam Á và hiện là Chủ tịch Thượng viện Campuchia.

    Giới chuyên gia môi trường và phía Việt Nam lo ngại dự án Kênh đào Funan Techo của Campuchia khi chuyển nước từ Sông Mê Kông vào kênh này sẽ gây nên tác động đáng kể đối với dòng chảy khiến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực hạ lưu sẽ trầm trọng thêm.

    Phnom Penh cho rằng đó là dự án nội địa của Xứ Chùa Tháp nên Campuchia có toàn quyền quyết định, không phải tham vấn Ủy hội Sông Mê Kông như đã thỏa thuận giữa các nước có chung dòng sông nay.

    Vào ngày 1/7 chính ông Hun Sen lên tiếng kêu gọi tất cả các chùa chiền tại Xứ Chùa Tháp hãy đánh chuông, trống và bắn pháo hoa trong ngày khởi công dự án Kênh đào Funan Techo.

    Vào tháng tư vừa qua, Hà Nội lên tiếng thúc giục Phnom Penh cung cấp thông tin và đánh giá tác động của dự án Kênh đào Funan Techo đối với tài nguyên nước và cân bằng sinh thái của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

    Đặc phái viên của Thủ tướng Campuchia phụ trách các vấn đề ASEAN, ông So Naro, đáp lại rằng Phnom Penh không có nghĩa vụ phải gửi bất cứ tài liệu nào liên quan viện nghiên cứu và xây dựng Kênh đào Funan Techo cho phía Việt Nam.


    Không có nhận xét nào