19/7/2024
CIVICUS: Việt Nam không nương tay với giới hoạt động bất chấp bị LHQ xem xét về nhân quyền
RFA
19/7/2024
CIVICUS xếp hạng Việt Nam trong bản đồ Đông Nam Á về không gian dân sự 2022
CIVICUS/RFA edited
Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc bắt giữ các nhà hoạt động và tăng cường đàn áp giới bất đồng chính kiến cả trước và sau kỳ Đánh giá Định kỳ Phổ quát (UPR) trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ) hồi tháng 5.
Trong phúc trình công bố ngày 18/7, tổ chức Liên minh Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS) nói rằng Việt Nam thực hiện “những nỗ lực có hệ thống nhằm bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và blogger, bao gồm cả việc bỏ tù họ theo điều luật an ninh quốc gia, hạn chế quyền tự do đi lại của họ cũng như tra tấn và đối xử tệ bạc khi giam giữ.”
Ngoài ra, chính quyền cộng sản bị cho là thi hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông, kiểm duyệt trực tuyến và kiểm soát trên phương tiện truyền thông xã hội cũng như các hạn chế đang diễn ra đối với các cuộc biểu tình ôn hòa.
Trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 19/7, ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của CIVICUS nói:
“Điều vô cùng đáng thất vọng là bất chấp việc xem xét nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền vào tháng 5 năm 2024, chính quyền Việt Nam vẫn phớt lờ các khuyến nghị của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nhằm bảo đảm các quyền tự do cơ bản và chấm dứt các hành vi bắt giữ và giam giữ tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền, những người bất đồng chính kiến chính trị và các nhà báo.”
Ông cho rằng có thể thấy điều này với việc bắt giữ và khởi tố nhà cải cách công đoàn Vũ Minh Tiến, luật sư Trần Đình Triển và nhà báo độc lập Trương Huy San trong thời gian gần đây.
Đàn áp quyền lập hội
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Johannesburg (Nam Phi) nói trong UPR vừa qua, nhiều quốc gia đã khuyến nghị Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa và chấm dứt các hành vi bắt bớ và giam giữ tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền, những người bất đồng chính kiến và các nhà báo.
Tuy nhiên, hai tuần trước đó, Việt Nam đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, một nhà cải cách quyền lao động, với cáo buộc làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 337 của Bộ luật Hình sự.
Vào thời điểm bị bắt, ông Bình đang dẫn đầu nỗ lực phê chuẩn Công ước 87 của ILO, nếu được thông qua sẽ bảo đảm cho người lao động quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần xin phép trước.
Hai tuần sau UPR, Việt Nam bắt tiếp ông Vũ Minh Tiến, người đứng đầu bộ phận chính sách và pháp lý của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Giám đốc Viện Công nhân và Công đoàn (IWTU), cũng theo cáo buộc của Điều 337.
Ông Tiến được cho đang dẫn đầu các nỗ lực đưa luật lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ông được giao nhiệm vụ sửa đổi Luật Công đoàn, dự kiến được Quốc hội ký thành luật vào cuối năm 2024.
Đàn áp quyền biểu đạt
Theo CIVICUS, tại Geneva, Argentina đã khuyến nghị Việt Nam thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, kể cả đối với những người bảo vệ nhân quyền và các nhà báo, bao gồm cả việc điều tra các mối đe dọa và trả thù họ cũng như trừng phạt thủ phạm.
Tuy vậy, các khuyến nghị này dường như không được Chính phủ ghi nhận với những vụ bắt giữ liên tiếp diễn ra được nêu trong phúc trình. Ông Benedict nói với RFA về điều này.
“Hội đồng Nhân quyền vào tháng 5 năm 2024 cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam bãi bỏ hoặc xem xét lại các điều 117, 118 và 331 của Bộ luật Hình sự để hài hòa với luật pháp quốc tế. Thay vì xem xét những khuyến nghị này, chính phủ đã tiếp tục vũ khí hóa các điều luật này để bắt giữ các nhà hoạt động và nhà báo, vi phạm nghĩa vụ nhân quyền của mình.”
Cũng trong phúc trình, CIVICUS nêu quan ngại về sức khoẻ của nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn, người đang thụ án tù 11 năm ở Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Biên tập viên của trang Việt Nam Thời báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam có sức khoẻ suy giảm trầm trọng do không được chăm sóc và điều trị y tế đầy đủ trong thời gian bị giam giữ.
CIVICUS cũng nhắc đến bài báo của RFA về trường hợp nhà hoạt động người Khmer Krom Triệu Siêu bị Sóc Trăng từ chối cấp hộ chiếu vì các hoạt động nhân quyền của mình như tham gia phổ biến Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Tuyên bố của Liên Hiệp quốc về Quyền của Người bản địa...
“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là EU - gần đây đã tổ chức đối thoại nhân quyền với Việt Nam - thúc giục Chính phủ Hà Nội bãi bỏ các luật lệ và quy định đàn áp, bãi bỏ việc truy tố và sách nhiễu các nhà hoạt động và những người khác thực hiện quyền của họ và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các nhà hoạt động đang bị bỏ tù,” ông Benedict phát biểu.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về cáo buộc của CIVICUS nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.
CIVICUS là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, một liên minh toàn cầu nhằm tăng cường hành động của công dân và xã hội dân sự trên toàn thế giới.
Tổ chức này liên tục xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ có không gian “đóng” với xã hội dân sự- đồng nghĩa với việc nhà nước không tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội.
Tổng Bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng từ trần
Báo Nhân Dân
19/7/2024
LGT: Như vậy là Báo Nhân Dân, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có thông báo chính thức về sự “ra đi” của đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chấm dứt những lời đồn đoán trên mạng xã hội hai hôm nay.
Xin mời độc giả đọc thông tin bên dưới của Báo Nhân Dân:
Theo thông tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia y tế đầu ngành… tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần vào hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có Thông cáo đặc biệt về tổ chức Lễ Quốc tang đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Trung Quốc phản đối đệ trình của Việt Nam với LHQ về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông
VOA Tiếng Việt
19/7/2024
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến (Lin Jian).
Trung Quốc hôm 18/7 lên tiếng “kiên quyết” phản đối việc Việt Nam đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS) hồ sơ về thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại khu vực giữa Biển Đông.
“Việt Nam đơn phương trình lên CLCS hồ sơ về ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến (Lin Jian) trả lời câu hỏi của Tân Hoa Xã hôm 18/7.
Ông Lâm nói rằng tuyên bố của Việt Nam “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế”, bao gồm Hiến chương LHQ.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối và đã có những phản đối nghiêm túc đối với Việt Nam”, ông Lâm nhấn mạnh.
Trước đó, trong cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố quốc gia Đông Nam Á này đã nộp hồ sơ với LHQ để khẳng định về ranh giới thềm lục địa mở rộng (ECS) ở Biển Đông, một tháng sau khi nước láng giềng Philippines trong cùng khu vực có động thái tương tự.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong một tuyên bố rằng việc nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý hiện tại là để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phù hợp với luật quốc tế về hàng hải.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng đất nước này cũng đã gửi công hàm tới Tổng Thư ký LHQ để nêu rõ quan điểm của Việt Nam về đệ trình tương tự của Philippines được nộp vào tháng trước.
“Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, tuyên bố của bộ ngoại giao nói thêm.
Về phía Trung Quốc, ông Lâm của bộ ngoại giao nước này viện dẫn quy tắc tố tụng của CLCS và nói rằng các đệ trình sẽ không được xem xét khi đang có tranh chấp, có nghĩa là CLCS sẽ không xem xét hoặc đánh giá các đệ trình liên quan của Việt Nam và Philippines về việc phân định này.
“Những đệ trình như vậy không có bất kỳ tác dụng thực tế nào mà sẽ chỉ làm nổi bật những khác biệt và làm trầm trọng thêm những xích mích, điều này sẽ không giúp giải quyết các tranh chấp”, ông Lâm nói.
Ông nói thêm rằng Trung Quốc sẽ vẫn “cam kết” giải quyết thỏa đáng các tranh chấp ở Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn với các bên liên quan.
Theo quan sát của VOA, Việt Nam chưa có phản ứng về những phát biểu của ông Lâm bên phía Trung Quốc.
6 tháng đầu năm 2024, hơn 5 tỷ USD kiều hối đổ về TP.HCM
6 tháng đầu năm 2024, hơn 5 tỷ USD kiều hối đổ về TP.HCM. (Ảnh minh họa: SOUTHERNTraveler/Shutterstock)
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt gần 5,2 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ.
Lượng kiều hối tăng mạnh nửa đầu năm
Ngày 18/7, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết kiều hối chuyển về TP.HCM đang có nhiều tín hiệu lạc quan.
Tính riêng quý II/2024, kiều hối chuyển về hơn 2,3 tỷ USD, tuy giảm 19,5% so với quý I/2024, nhưng vẫn tăng 4,2% so với quý II/2023. Trong đó, kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 56,1% và tăng 48,5% so với cùng kỳ.
Tổng 6 tháng đầu năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt gần 5,2 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ.
Lý giải nguyên nhân kiều hối tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, ông Nguyễn Đức Lệnh đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, yếu tố nguồn nhân lực và thị trường lao động tiếp tục là các yếu tố tác động tích cực đến lượng kiều hối chuyển về từ khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2024. Ngoài ra, còn phải kể đến dịch vụ chi trả kiều hối của các ngân hàng, công ty kiều hối… ngày càng tốt hơn, theo hướng thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dùng.
Ngoài các yếu tố nêu trên, các cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về kiều hối, ngoại hối và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cũng là những cơ sở, nền tảng vững chắc thu hút nguồn kiều hối chuyển về thành phố trong thời gian qua.
Kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng
Dòng kiều hối đổ về TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, nhất là khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi sắp có hiệu lực.
Đáng chú ý, trong lần thay đổi Luật lần này là việc công nhận các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của kiều bào hải ngoại nếu vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam. Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), điều này sẽ cho phép người có quốc tịch Việt Nam tại nước ngoài được đứng tên bất động sản, giúp giải quyết tình trạng khiếu kiện xảy ra khi lúc trước họ phải nhờ người nhà, người quen đứng tên giúp và phát sinh các trường hợp chiếm đoạt tài sản. Qua đó, tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư vào thị trường Việt Nam, tạo ra nguồn cầu bất động sản mới.
Với quy mô nguồn kiều hối chuyển về hằng năm, tính riêng trên địa bàn TP.HCM bình quân 6,9 tỷ USD/năm trong 5 năm qua, đây được xem là nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế – xã hội.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối và các giải pháp thu hút kiều hối có vai trò hết sức quan trọng tác động đến lượng kiều hối chuyển về, bên cạnh các yếu tố khách quan khác.
Để thu hút kiều hối, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách về ngoại hối; cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối. Điều này không chỉ đảm bảo mang lại lợi ích tối đa cho người thụ hưởng, người nhận kiều hối mà cả với người gửi tiền, thân nhân, kiều bào và người lao động ở nước ngoài.
Đồng thời, cần sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối, với định hướng và tập trung nguồn lực kiều hối để phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ thông qua các công cụ tài chính (trái phiếu chính quyền địa phương, quỹ đầu tư hoặc chứng khoán hóa…) để mang lại hiệu quả lớn hơn…
Hiện UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án thu hút nguồn kiều hối 2025-2030, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân của giai đoạn này hơn 10% mỗi năm. Đề án này hướng đến tinh thần không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận kiều hối, mà chủ yếu định hướng nguồn lực này vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Theo đó, TP.HCM định hướng phát triển hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các quỹ sản xuất như quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa, quỹ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài… Qua đó, tạo cơ hội cho cá nhân, tổ chức nhận kiều hối có thêm lựa chọn tham gia đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng như trường học, bệnh viện, công trình thể dục thể thao, trung tâm hội chợ, triển lãm… thông qua việc đề xuất phát hành trái phiếu Thành phố.
Phan Vũ
Công Bố Kết Quả Khám Nghiệm Pháp Y Cái Chết Bí Ẩn Của 6 Người Gốc Việt Tại Thái Lan
Mỹ Tiến tổng hợp/VNTB
19/7/2024
(VNTB) – Viện Pháp Y Chula đã công bố kết quả khám nghiệm thi thể của 6 nạn nhân được phát hiện tử vong tại phòng 502 khách sạn Grand Hyatt Erawan là do chất Cyanide (Xyanua) gây ngạt cấp tính.
Theo báo cáo cho biết có tổng 6 thi thể gồm 3 nam, 3 nữ. Trong đó có 4 người quốc tịch Việt Nam và 2 người quốc tịch Mỹ. 6 nạn nhân được cho là đã chết trước khi được phát hiện từ 12 đến 24 tiếng. Các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu cũng như chụp CT cắt lớp để tìm kiếm nguyên nhân gây tử vong.
Tiến sĩ Korkiat Vongpaisarnsin, Bác sĩ pháp y của Khoa Y học trường đại học Chulalongkorn cho biết: “khám nghiệm 6 tử thi cho thấy có dấu hiệu ngạt cấp tính, môi tím sẫm, móng tay tím sậm, Tại lớp sàng lọc phát hiện Xyanua. Tuy nhiên phải chờ báo cáo xét nghiệm máu để xác định được nồng độ Xyanua cũng như phát hiện thêm chất độc khác. Kết quả xét nghiệm chính xác sẽ có trong 1 đến 2 ngày tới”.
Trong buổi họp báo trước đó, cảnh sát Thái Lan cũng cho biết tìm thấy chất độc Xyanua có trong bình pha trà và 6 chiếc ly có trong phòng. Chất độc được xác định đến từ 1 trong 3 túi trà được pha trước khi án mạng xảy ra.
Trung tướng Trairong Phewphan cho biết: ”Nhân viên khách sạn mang ấm trà, sữa và hai bình nước nóng đến phòng. Có khả năng nghi phạm đã tẩm Xyanua vào trà. Túi trà ủ thường có màu nâu nhạt, nhưng vật chứng tại hiện trường cho thấy túi trà màu tối sẫm. Điều này khiến các chuyên gia nhận định túi trà đã bị tẩm một lượng lớn Xyanua. Đặc biệt đây là loại cực độc, sẽ phát tác chỉ sau 5 phút khi đi vào cơ thể. Vì chất Xyanua này không màu không vị, nên khi chất này được pha với trà, các nạn nhân đều không biết bản thân đang uống chất độc. Xyanua sau khi đi vào cơ thể sẽ khiến các tế bào máu không trao đổi được oxy, gây nghẹt thở. Bệnh nhân sẽ tử vong do suy hô hấp, co giật trong chưa đầy 5 phút”
Theo lời khai của phục vụ phòng khách sạn, vào lúc 13h57 ngày 15/7/2024, họ gọi đồ ăn và trà nước. Nhân viên phục vụ đã mang thức ăn và trà nước lên phòng, lúc đó trong phòng chỉ có một người là bà Sherine Chong. Nhân viên phục vụ đã đề xuất giúp bà Chong pha trà nhưng bà Chong từ chối và nói là sẽ tự pha. Nhân viên cũng cho biết nhìn bà Chong rất căng thẳng. Theo trích xuất camera, khoảng thời gian từ 14h03 đến 14h17 có thêm 5 người kéo vali vào phòng. Tất cả nạn nhân đều có mặt tại phòng 502 vào lúc 14h17 và không ai ra khỏi phòng ngay sau đó.
(Sơ đồ thi thể 6 người)
Cảnh sát Thái Lan cũng đã lấy lời khai của 10 người được cho là thân nhân của nạn nhân và được biết bà Sherine Chong hiện đang nợ 10 triệu Baht (khoảng 7,5 tỷ VND) của hai vợ chồng ông Phạm Hồng Thanh (49 tuổi, quốc tịch Việt Nam) và Nguyễn Thị Phương (46 tuổi, quốc tịch Việt Nam). Được biết hai vợ chồng ông Thanh, bà Phương là chủ một công ty cầu đường ở Việt Nam. Trước đây, bà Sherine Chong đã nhờ bà Nguyễn Thị Phương Lan (cũng là 1 trong 6 nạn nhân) thuyết phục vợ chồng ông Thanh, bà Phương cùng đầu tư khoảng 7,5 tỷ VND xây dựng một bệnh viện ở Nhật. Nhưng sau đó khoảng đầu tư không có tiến triển, hai vợ chồng ông Thanh, bà Phương liên tục hỏi bà Chong về khoảng đầu tư nhưng không có câu trả lời. Cuối cùng gần đây, họ hẹn nhau gặp mặt ở Nhật để giải quyết vấn đề, nhưng vì gặp khó khăn trong việc xin cấp thị thực ở Nhật nên nhóm này đã chuyển địa điểm gặp nhau ở Thái Lan.
Hiện tại cảnh sát vẫn chưa xác định được các ông Trần Đình Phú và Đặng Hùng Văn có liên quan gì trong sự việc này cũng như bà Chong có chất độc Xyanua từ đâu. Cảnh sát vẫn còn tiếp tục điều tra.
'Thuốc rắn số 7'
Theo báo Thái Lan, Phan Ngoc Vu, 35 tuổi, hướng dẫn viên Việt Nam đã làm việc cho bà Nguyen Thi Phuong Lan từ ngày 3 đến ngày 5/7.
Vu cho biết chưa từng gặp nhóm khách 6 người này nhưng biết một người trong số họ từ năm ngoái.
Bà Lan đã chuyển cho Vu 11.000 baht Thái để mua “Thuốc rắn số 7". Vu nhờ một người tên là ‘Tiger’ sắp xếp đơn hàng và giao cho thuốc cho bà Lan tại khách sạn Atrium (khách sạn khác).
Theo quảng cáo trên mạng thì đây là một loại thuốc có thành phần máu rắn và thảo dược, được nhiều du khách Việt Nam tìm mua.
Thuốc này có giá dao động từ 3.000-8.000 baht/lọ.
Hãng xe điện BYD của Trung Quốc công bố kế hoạch đưa xe ồ ạt vào Việt Nam, đe dọa VinFast
18/7/2024
Các nhà báo kiểm tra mẫu xe Atto 3 của BYD tại lễ ra mắt xe ở Jakarta, Indonesia hôm 18/1/2024
REUTERS/Willy Kurniawan
Hãng xe điện BYD của Trung Quốc hôm 18/7 công bố kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam qua việc mở rộng hệ thống phân phối xe tại quốc gia này sau khi đã mở các cửa hàng đầu tiên vào tuần này, đe dọa hãng xe nội địa non trẻ VinFast. Reuters loan tin vào cùng ngày.
Theo kế hoạch được công bố, BYD sẽ mở 13 điểm bán ở Việt Nam vào ngày thứ bảy (20/8) và hãng xe hy vọng sẽ đưa con số này lên khoảng 100 điểm vào năm 2026.
Ba mẫu xe đầu tiên được giới thiệu bao gồm xe Atto 3 sẽ tăng lên sáu mẫu vào tháng 10, người phụ trách hoạt động của BYD Việt Nam ông Võ Minh Lực được Reuters trích lời cho biết.
Tất cả các mẫu xe của BYD cho thị trường Việt Nam sẽ được nhập khẩu lúc này. Chính phủ Việt Nam cũng cho biết, hồi năm ngoái BYD đã quyết định sẽ xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại miền Bắc Việt Nam nhưng kế hoạch này đã bị chậm lại.
Ông Võ Minh Lực cho Reuters biết hãng đang thảo luận với một số địa điểm ở Việt Nam để thực hiện kế hoạch xây dựng nhà máy này.
Mẫu xe Atto 3 sẽ được bán với giá 766 triệu đồng (khoảng 30.000 đô la), cao hơn so với mức giá 675 triệu đồng của xe VF 6 của VinFast.
Theo Reuters, VinFast kém thành công hơn so với BYD – hãng sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.
VinFast mới chỉ bán được 32.000 xe điện hồi năm ngoái, và phần lớn số xe này là bán cho các công ty con trong tập đoàn. Trong khi đó, số xe mà BYD bán được trên toàn cầu trong năm 2023 là hơn ba triệu chiếc.
Các tổ chức môi trường quốc tế chỉ trích Nhật Bản cho Việt Nam vay tiền khai thác khí đốt
18/7/2024
Công nhân của Rosneft Vietnam ở mỏ khí đốt Lan Tây ngoài khơi Vũng Tàu hôm 29/4/2018 (minh họa)
REUTERS/Maxim Shemetov
Các tổ chức môi trường quốc tế bao gồm cả Greenpeace Thailand mới đây đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Nhật Bản cho Việt Nam vay tiền để phát triển dự án khí Lô B – Ô Môn ngoài khơi bờ biển Tây Nam Việt Nam vì cho rằng khí đốt làm ô nhiễm môi trường.
Nikkei Asia hôm 18/7 cho biết, các tổ chức môi trường quốc tế “lên án mạnh mẽ” Ngân hàng Hợp tác Quố tế Nhật Bản (JBIC) vì giúp tài trợ cho dự án khí đốt trị giá 10 tỷ đô la vào khi Tokyo đang cam kết chấm dứt tài trợ cho việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trong bức thư chung được gửi vào ngày 17/7, các tổ chức bao gồm như Trend Asia, Trung tâm Năng lượng, Sinh thái và Phát triển… viết rằng hai nước nên thực hiện “việc phi carbon hóa bằng cách chuyển hướng nguồn tiền tài trợ sang phát triển và tích hợp nhiên liệu tái tạo”.
Vào ngày 8/7 vừa qua, JBIC thông báo Việt Nam nhận được khoản vay hợp vốn trị giá khoảng 832 triệu đô la, trong đó phần của JBIC là 415 triệu đô la, phần còn lại là từ các tổ chức cho vay tư nhân.
Đây là dự án ở Lô B ngoài khơi tỉnh Kiên Giang, bao gồm việc xây dựng đường ống đưa khí đến các nhà máy điện ở phía Tây Nam Việt Nam.
Dự án phát triển mỏ khí Lô B-Ô Môn có sự tham gia của hãng Mitsui Oil Exploration với 23% cổ phần; hãng này cũng nắm 15% cổ phần của dự án đường ống dẫn khí.
Dự án phát triển mỏ khí Lô B còn có sự tham gia của Tập đoàn Dầu KHí Việt Nam (Petrovietnam) và PTT Exploration & Production của Thái Lan.
Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng dự án này sẽ phá hoại sự chuyển giao cấp bách và cần thiết sang năng lượng sạch.
Mặc dù vậy, JBIC trong thông báo của mình lại khẳng định việc tài trợ này là đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
“Khí đốt tự nhiên, tạo ra ít khí nhà kính hơn nhiên liệu hóa thạch, đang thu hút sự chú ý như là một nguồn năng lượng trong việc chuyển đổi năng lượng sang hướng thực hiện một xã hội phi carbon hóa” – thông báo của JBIC cho biết.
Tuy nhiên các nhà hoạt động môi trường đã bác bỏ lập luận này và cho rằng khí đốt thực ra chỉ là nhiên liệu hóa thạch và được tiếp thị sai là nhiên liệu sạch.
Các tổ chức khác cũng tham gia ký bức thư này còn có Liên minh Nhân dân vì quyền đối với nước và Nhóm làm việc Đông Nam Á về khí hóa thạch và chuyển đổi năng lượng công bằng.
Việt Nam và Nhật Bản đều đang hướng tới mục tiêu đưa khí nhà kính về không vào năm 2050. Việt Nam nhìn nhận khí đốt là một năng lượng chuyển đổi khi quốc gia này chuyển từ than sang năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Không có nhận xét nào