Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam

    12/7/2024

    Cựu TNLT Huỳnh Thục Vy bị từ chối cấp hộ chiếu vì lý do “an ninh quốc gia”

    RFA
    12/7/2024


    Cựu TNLT Huỳnh Thục Vy bị từ chối cấp hộ chiếu vì lý do “an ninh quốc gia”


    Bà Huỳnh Thục Vy sau khi mãn hạn tù 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngFb Huỳnh Thục Vy 

    Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk từ chối cấp hộ chiếu cho cựu tù nhân lương tâm (TNLT) Huỳnh Thục Vy viện dẫn lý do “an ninh quốc gia” nhưng không đưa ra bất kỳ văn bản nào.

    Bà Thục Vy, người sáng lập Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam và có nhiều bài viết về dân chủ, nhân quyền bị kết án 33 tháng tù giam với tội danh "xúc phạm quốc kỳ" trong phiên tòa hồi tháng 11/2018 nhưng được hoãn thi hành án do đang mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

    Tòa án thị xã Buôn Hồ cũng đồng thời ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh đối với bà.

    Đến ngày 1/12/2021, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an thị xã Buôn Hồ tổ chức thi hành Quyết định thi hành án phạt tù đối với bà Vy. Ngày 01/6 vừa qua bà được trả tự do sớm hơn ba tháng so với bản án.

    Ngày 6/6, bà đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Đắk Lắk để làm thủ tục xin cấp hộ chiếu mới do hộ chiếu của bà bị an ninh cửa khẩu Tân Sơn Nhất tịch thu hồi năm 2015 khi chuẩn bị sang Bangkok dự khoá tập huấn về bảo mật kỹ thuật số của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF).

    Tuy nhiên, cán bộ của phòng này nói rằng bà vẫn còn bị tạm hoãn xuất cảnh đến ngày 26/6/2024.

    Ngày 27/6, bà Thục Vy làm thủ tục trực tuyến xin cấp hộ chiếu mới. Đầu tháng này, bà nhận được một giấy thông báo của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh hẹn đến làm việc vào ngày 09/7 về việc cấp hộ chiếu.

    Tuy nhiên, khi bà đến cơ quan này như giấy hẹn thì chỉ có hai người của an ninh tỉnh Đắk Lắk ra làm việc với bà. Bà thuật lại với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 12/7:

    “An ninh của tỉnh Đắk Lắk thông báo cho Thục Vy biết là Thục Vy vẫn còn đang ở diện hoãn xuất cảnh, vì thế sẽ không được cấp hộ chiếu. 

    Họ nói là việc không cấp hộ chiếu không phải là vĩnh viễn mà sẽ tùy thuộc vào thái độ của Thục Vy, nghĩa là Thục Vy có còn tiếp tục lên tiếng có còn những hoạt động xã hội hay không để mà họ dựa vào đó để mà xem xét thái độ và cứu xét chuyện cấp hộ chiếu cho Thục Vy.”

    Phía an ninh nói bà là một trong ba trường hợp không được cấp hộ chiếu, cụ thể là liên quan đến an ninh quốc gia mà bà cho là “rất mù mờ.” Tuy nhiên, họ không đưa ra bất cứ văn bản giấy tờ gì liên quan.

    Phóng viên gọi điện đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh của Công an tỉnh Đắk Lắk để xác minh thông tin thì được cán bộ trực điện thoại yêu cầu đến cơ quan này để làm việc.

    Cái đó đâu có thể nói trên điện thoại được anh! Anh xuống làm việc thì anh phải lên trên này, có giấy giới thiệu anh ạ.”

    Theo khoản 3 Điều 21 của Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 về trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, trong đó có "trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an."

    Cũng theo khoản 3 Điều 22, thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh được tính đến khi không còn ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh theo quyết định của bộ trưởng hai bộ nêu trên.

    Khoản 9 Điều 36 cũng nói rằng một người cũng có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của người này ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, và chỉ có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hay Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định.

    Bà Thục Vy cho hay, một trong những yêu cầu phía công an đưa ra để bà được xem xét cấp hộ chiếu là không lên tiếng với truyền thông và không viết bài về các vấn đề của xã hội, không tụ họp với những người bất đồng chính kiến khác. 

    Phía công an lập biên bản làm việc yêu cầu bà ký tên nhưng lại không đưa bản sao biên bản. Bà cho rằng mình đang bị chèn ép bởi chính quyền địa phương:

    Thục Vy cảm thấy mình không còn cái quyền công dân nữa vì tưởng là mình ra tù là đã được tự do, đã có thể trở về cuộc sống bình thường nhưng hóa ra họ vẫn tiếp tục chèn ép và không để cho Thục Vy có được một cuộc sống như một người công dân bình thường.”

    Gần đây, bà và em trai là Huỳnh Trọng Hiếu mở một quán cơm bình dân ở gần nhà để mưu sinh. Hai chị em kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cùng đóng góp để trao mỗi ngày 50 suất ăn trưa miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ.

    Trong buổi làm việc ngày 09/7, phía an ninh cảnh báo không được làm từ thiện nữa, nói rằng “việc phát quà từ thiện nếu thực hiện không đúng cách sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.”

    Do vậy, mấy ngày gần đây họ không được phát cơm miễn phí ở bệnh viện này nữa, mà chỉ có thể trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn ở trước cổng chợ Buôn Hồ cách xa so với địa điểm ban đầu.

    Bà Vy cũng tuyên bố dừng nhận tiền quyên góp và sẽ phát nốt 2.000 suất ăn từ số tiền đã nhận sau đó sẽ dừng việc phát cơm từ thiện.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-prisoner-of-conscience-huynh-thuc-vy-not-allowed-to-have-passport-due-to-national-security-07122024043203.html

    EVN báo cáo lỗ thêm hơn một tỷ USD trong năm 2023

    11/7/2024

    EVN báo cáo lỗ thêm hơn một tỷ USD trong năm 2023


    Thợ điện đang lắp dây diện ở Hà Nội hôm 4/12/2023 (minh hoạ) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngNhac NGUYEN / AFP 

    Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa báo cáo thêm khoản lỗ hơn 27.300 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) trong năm 2023.

    Truyền thông Nhà nước ngày 10/7 dẫn báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của EVN với khoản lỗ như vừa nêu.

    Theo báo cáo của EVN, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của tập đoàn này trong năm ngoái đạt 500.719 tỷ đồng, tăng chừng 8% so với cùng kỳ năm 2022; tuy nhiên do giá vốn hàng chiếm 487.677 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 13.041 tỷ; tăng hơn 23% so với năm 2022.

    Cả năm 2023, doanh thu hoạt động tài chính của EVN được báo cáo giảm mạnh xuống chỉ hơn 4.065 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm trước. Trong khi đó chi phí tài chính tăng lên gần 22.700 tỷ đồng gồm chi phí lãi vay gần 19.000 tỷ đồng. EVN cho biết trung bình mỗi ngày phải trả hơn 50 tỷ đồng tiền lãi vay.

    Theo tính toán của EVN, sau khi trừ các chi phí khoản lỗ sau thuế lên đến hơn 26.772 tỷ đồng, tăng 29% so với số lỗ năm 2022.

    Đây là năm thứ hai liên tiếp EVN báo cáo lỗ. Cả hai năm 2022 và 2023, EVN báo cáo khoản lỗ tổng cộng lên đến hơn 47.500 tỷ đồng.

    Tổng Giám đốc EVN, ông Nguyễn Anh Tuấn, được truyền thông Nhà nước dẫn lời rằng sau hai lần tăng giá điện bán lẻ trong năm 2023, thêm 7,5%, nhưng EVN vẫn không thể bù đắp chi phí sản xuất dẫn đến thua lỗ tiếp sang năm thứ hai.

    Độc quyền còn lỗ

    Lê Tự Do/VNTB

    12/7/2024

    VNTB – Độc quyền còn lỗ

     (VNTB) – Tiền điện tăng mà ngành điện lực vẫn báo lỗ hoài

    Không những cần thiết cho người dân mà còn là một trong số những ngành độc quyền tại Việt Nam,  song lâu lâu lại thấy ngành điện lực báo giá lỗ…

    Mới đây, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), doanh nghiệp quản lý ngành điện lỗ ròng hơn 26.700 tỉ đồng (khoảng 1,05 tỉ USD) do chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp ăn mòn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

    Báo cáo cho thấy, năm 2023, tổng doanh thu hợp nhất của EVN đạt hơn 500.700 tỉ đồng. tăng 8% so với năm 2022. Lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 13.000 tỉ, tăng hơn 20%. Trong đó, doanh thu từ bán điện của EVN năm 2023 đạt hơn 498.436 tỉ đồng, chiếm 99% doanh thu hợp nhất. Tuy nhiên, con số này không đủ để bù đắp chi phí lãi vay, chưa tính tới các chi phí hoạt động và quản lý.

    EVN đã phải trả gần 19.000 tỉ đồng lãi vay trong năm ngoái, chiếm khoảng 83% chi phí tài chính và tăng hơn 4.000 tỉ đồng so với năm 2022. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp phải trả hơn 52 tỉ đồng tiền lãi vay.

    Ngược dòng thời gian, chỉ tính sơ sơ vài cái tiêu đề, thì:

    Bài đăng trên báo Thanh Niên online ngày 11/7/2023: “Tập đoàn Điện lực Việt Nam chính thức công bố số lỗ gần tỉ USD” (Báo cáo tài chính năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do Công ty kiểm toán Delloitte thực hiện vừa được công bố với khoản lỗ gần tỉ USD).

    Bài đăng trên tạp chí điện tử VnEconomy ngày 20/9/2023: “Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo lỗ lũy kế lên 1,8 tỷ USD” (Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy số lỗ lũy kế ở thời điểm hiện tại là hơn 43.800 tỷ đồng tương đương với khoảng 1,8 tỷ USD…).

    Bài đăng trên Tuổi Trẻ online ngày 14/12/2023: “2 lần tăng giá điện, EVN vẫn báo lỗ lớn năm 2023” (Mặc dù được điều chỉnh tăng giá điện thêm 3% và 4,5%, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn có kết quả lỗ trong năm 2023).

    Bài đăng trên báo Lao động ngày 10/05/2024: “EVN lỗ hơn 32 nghìn tỉ trong 6 tháng, trả lãi vay đến 8.744 tỉ đồng (Tình hình kinh doanh tại EVN trong 2 năm qua thua lỗ nặng, trong khi đó chi trả lãi vay lên đến 8.744 tỉ đồng).

    Có thể thấy, trong suốt những năm qua, ngành điện lực liên tục báo lỗ. Đầu năm 2024, Tổng giám đốc EVN cũng cho hay, năm nay sẽ tiếp tục là năm khó khăn về tài chính, cung ứng điện với tập đoàn này nếu không có thay đổi về chính sách, giá. Theo EVN, số lỗ của tập đoàn này chủ yếu do giá bán ra vẫn thấp hơn giá thành. Tính toán của EVN vào đầu năm nay, cứ mỗi kWh điện được bán ra, doanh nghiệp này lỗ gần 142,5 đồng.

    Hiện EVN và các Tổng công ty phát điện (các Genco) chiếm khoảng 37,5% nguồn điện; 62,5% còn lại phụ thuộc vào Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, các nhà đầu tư tư nhân, BOT…

    “Tôi không hiểu nổi, mấy ổng lỗ là lỗ sao? Người dân dù nhà có tiền hay nhà không tiền đều xài điện. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… dù Nhà nước hay tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài, cũng phải xài điện. Còn bệnh viện, trường học thì khỏi nói luôn rồi. Một mình EVN độc quyền về điện, thường xuyên tăng giá điện, gần như không có đối thủ cạnh tranh mà đụng chuyện kêu lỗ, là lỗ sao?”, ông Út, cư dân Bình Dương thắc mắc.

    “Cách đây mấy tháng, nhận được hoá đơn tiền điện, cao hơn bình thường một triệu mấy là thấy muốn tá hoả rồi. Cũng xài như vậy, mà sao cao quá vậy? Lên Internet, thấy cộng đồng mạng “show” hoá đơn tiền điện, mới biết, à té ra nhà nào cũng tăng tiền chứ không phải có mình  nhà mình. Vì sao tiền điện tăng mà ngành điện lực vẫn báo lỗ hoài?”, chị Thu, một cư dân ở Sài Gòn thắc mắc.

    Cũng theo lo ngại từ nhiều người dân, với thông tin điện lực Việt Nam lại tiếp tục báo lỗ, liệu rằng, sắp tới đây, điện sẽ còn tăng giá? Hoá đơn tiền điện sẽ bất ngờ nhảy vọt trước sự bàng hoàng của người dân?

    Càng lo ngại hơn khi theo Quyết định 05/2024 thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ 15.5 năm nay, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng. Tức là, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Theo Quyết định này, giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Nếu tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận.

    https://vietnamthoibao.org/vntb-doc-quyen-con-lo/

    Liệu Mỹ sẽ nhìn nhận Việt Nam là nền “kinh tế thị trường”?

    Trương Nhân Tuấn

    11/7/2024

    Có câu hỏi: Mỹ có nhìn nhận Việt Nam là nền “kinh tế thị trường” vào cuối tháng 7 này hay không? Ý kiến của tôi là “tùy”. Thực tế chỉ ra rằng, cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng XHCN” ở Việt Nam không phải là “nền kinh tế đa thành phần mà kinh tế nhà nước nắm phần chủ đạo”.

    Trong một quốc gia, khi mọi sinh hoạt kinh tế, xã hội của mọi pháp nhân đều “bình đẳng như nhau trước pháp luật”, bất kể nhà nước, tổ chức, hiệp hội hay tư nhân, thì xã hội đó chắc chắn là một xã hội pháp trị và nền kinh tế đó đã có thể là nền kinh tế thị trường rồi. Bởi vì kinh tế thị trường chỉ có thể đặt nền trên một nhà nước trọng pháp (pháp trị).

    Ta đã thấy tại các quốc gia EU, điển hình là nước Pháp, liên tục trong nhiều thập niên, các tập đoàn xí nghiệp “chiến lược”, kiểu điện, nước, gaz, hàng không, thông tin truyền thông, bảo hiểm xã hội, ngân hàng, các kỹ nghệ quốc phòng… đều là xí nghiệp nhà nước. Không có gì ngăn cản nước Pháp là một quốc gia theo tư bản chủ nghĩa và có nền kinh tế thị trường vững chắc.

    Điều cốt lõi của chế độ ở đây là mọi hoạt động (kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị…) đều tuân thủ theo pháp luật. Không có vụ ỷ lại “xí nghiệp nhà nước” thì được ưu đãi, hay “muốn làm gì thì làm”. Tức là “kinh tế đa thành phần mà bộ phận quốc doanh nắm phần chủ đạo” vẫn có thể được nhìn nhận là nền “kinh tế thị trường”.

    Cái khó của nền kinh tế Việt Nam (để Mỹ nhìn nhận là kinh tế thị trường) là một bộ phận lớn các xí nghiệp nhà nước làm kinh tế với cây súng lận lưng.

    Theo tôi thấy, với cây súng lận trong lưng, quân đội và công an “làm” kinh tế tới đâu, người dân trắng tay tới đó. Luật pháp, công lý là “cây súng”. Tài sản, đất đai ăn cướp, được “luật hóa”, gọi là “tài sản nhân dân”, là “đất quốc phòng”. Vụ đất Đồng Tâm, vừa giết người vừa cướp của, âm vang còn lồng lộng.

    Việt Nam có nên giữ mãi nền kinh tế cầm súng hay không? Nếu vẫn còn thì đừng hy vọng Việt Nam sẽ “hội nhập”…

    Nataliya Zhynkina: Thư tạm biệt Việt Nam!*

    Nataliya Zhynkina

    10/7/2024

    https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2024/07/450479126_8071577676227232_741022365563671448_n-1024x684.jpg


    Ảnh trên Facebook Nataliya Zhynkina

    Thưa các bạn thân mến, hôm qua là ngày cuối trong nhiệm kỳ của tôi tại Việt Nam. Tôi đang hướng đến Kyiv để đảm nhận một vị trí mới tại Bộ Ngoại giao Ukraine. 

    Tôi rời Hà Nội với một trái tim nặng trĩu.

    Một phần bởi vì, với tư cách là một nhà ngoại giao, tôi đã không thành công trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng trong cuộc chiến man rợ của Nga chống lại người Ukraine, không có chỗ giao dịch làm ăn như thường lệ với Nga. Và trong khi tên lửa của Nga nhắm vào các bệnh viện nhi và bệnh viện phụ sản ở Ukraine thì bọn tội phạm chiến tranh Nga được các quan chức cấp cao Việt Nam chào đón nồng nhiệt. 

    Một phần khác, như một người bình thường tôi lo lắng về tương lai sống dưới những mối nguy hiểm và khó khăn của chiến tranh.

    Nhưng có một phần lớn và rất quan trọng trong cuộc sống của tôi ở Việt Nam làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc và biết ơn. Đó là các bạn – những người bạn mà tôi đã gặp, trực tiếp và trên các mạng xã hội, qua email và qua điện thoại, trên đài phát thanh và trên truyền hình, giữa những người sống ở các thành phố lớn và nhỏ ở Việt Nam và trong cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. Các bạn, những người đã ở đó vì tôi và Ukraine để giúp chúng tôi bảo vệ đất nước và con người của chúng tôi bằng mọi cách có thể.

    Những trải nghiệm và kỷ niệm tại Việt Nam sẽ luôn là một phần quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp của tôi. Những bài học về lòng hiếu khách, sự kiên trì và tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và động lực để tôi cống hiến và hoàn thành tốt những nhiệm vụ trong tương lai.

    Xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn đã luôn đồng tình và ủng hộ tôi trong suốt thời gian qua. Tôi biết chắc rằng, dù ở bất kỳ nơi đâu, tình cảm và sự gắn bó với người Việt Nam vẫn sẽ luôn đồng hành cùng tôi.

    Do công việc tiếp theo của tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực kinh tế, tôi sẽ ít viết bằng tiếng Việt hơn về các sự kiện ở Ukraine. Mong các bạn tiếp tục theo dõi trang Facebook của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam Embassy Of Ukraine In Vietnam

    Nataliya Zhynkina

    —————

    * Tựa đề do DĐTK đặt. Bà Nataliya Zhynkina là đại biện lâm thời của Ukraine tại Việt Nam từ tháng 10.2022 cho đến khi tân Đại sứ Ukraine tại Việt Nam, ông Oleksandr Gaman, đến vào tháng 4 năm nay.

    Ông Tô Lâm tặng Lào 20 xe điện VinFast nhân chuyến công du nước ngoài đầu tiên

    11/7/2024

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/to-lam-gifted-lao-20-vinfast-electric-cars-07112024074954.html/@@images/image


    Chủ tịch nước Tô Lâm trao tặng xe cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngDân Trí 

    Chủ tịch nước Tô Lâm trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên ở cương vị Chủ tịch nước đã tặng Lào 20 chiếc xe điện VinFast với mong muốn góp phần hỗ trợ Lào tổ chức thành công các hoạt động quan trọng trong năm là Chủ tịch ASEAN.

    Truyền thông Nhà nước hôm 11/7 cho biết, đây là món quà mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.

    Các hình ảnh và video được truyền thông Nhà nước đăng tải cho thấy ông Tô Lâm đã lên xe điện VinFast với Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và tự mình lái xe một đoạn.

    Xe điện VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là một hãng xe điện non trẻ của Việt Nam chỉ mới chuyển sang sản xuất xe điện từ năm 2022 và đang có tham vọng chinh phục thị trường toàn cầu.

    Hồi tháng 10 năm ngoái, VinFast đã chuyển 150 xe điện sang Lào khởi động dịch vụ taxi xanh tại nước láng giềng. VinFast cũng có kế hoạch triển khai dịch vụ tương tự ở Campuchia nhưng chưa được Thủ tướng Campuchia chấp thuận.

    Đây là chuyến thăm Lào từ ngày 11 đến 12/7 của ông Tô Lâm. Trong chuyến thăm này, ông Tô Lâm đã có cuộc hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào và hội kiến các lãnh đạo cấp cao khác của nước này, truyền thông Nhà nước loan tin.

    Trong cuộc gặp Thủ tướng Lào Sonexay Siphadone vào sáng ngày 11/7, hai bên nhất trí thực hiện hiệu quả các nghị định thư, kế hoạch hợp tác quốc phòng, an ninh đã ký kết; phối hợp tìm ra các biện pháp mang tính đột phá để giải phóng nguồn lực cho hợp tác kinh tế giữa hai nước nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng thương mại 10 – 15% trong năm 2024.

    Sáu tháng đầu năm, Việt Nam xảy ra hơn hai ngàn vụ cháy khiến hơn 100 người thương vong

    RFA
    11/7/2024


    Sáu tháng đầu năm, Việt Nam xảy ra hơn hai ngàn vụ cháy khiến hơn 100 người thương vong


    Người dân chứng kiến vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội hôm 13/9/2023 (HMH) 

    AFP 

    Việt Nam đã xảy ra 2.222 vụ cháy trong vòng sáu tháng đầu năm 2024, khiến 57 người tử vong và 45 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính gần 128 tỷ đồng.

    Đó là con số thống kê được Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Bộ Công an thông báo, tờ Thông tấn xã Việt Nam đưa tin trong ngày 11/7.

    Theo Cục Cảnh sát, các vụ cháy xảy ra tại nhà dân chiếm tỷ lệ cao nhất với 37%, các vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh đứng thứ hai, chiếm 12,2%. Ngoài ra, có 125 vụ cháy rừng cũng đã xảy ra trong nửa đầu năm làm thiệt hại 529 hecta rừng.

    Nguyên nhân được nói đa số là do sự cố hệ thống, thiết bị điện với tỷ lệ gần 73%, do sơ suất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nhiệt chiếm 18,3% và các nguyên nhân khác.

    Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cũng nhận định nửa đầu năm qua, tình hình cháy, nổ vẫn diễn ra tập trung tại các khu công nghiệp, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, chung cư mini. Bên cạnh đó, nhiều công trình, cơ sở chưa đảm bảo điều kiện an toàn, thiếu phương tiện PCCC.

    Đặc biệt sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội diễn ra hồi tháng 5/2024, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, được truyền thông loan trong ngày 26/6, cho biết thực hiện theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, thành phố Hà Nội, công an thành phố đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát các chung cư mini, nhà thuê trọ trên địa bàn.

    Qua đó đã kiểm tra hơn 3.000 chung cư chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC), hoạt động sau khi Luật PCCC có hiệu lực, phát hiện 9.466 lỗi vi phạm.

    Ngoài ra, Công an thành phố này cũng đã kiểm tra toàn bộ 37.000 cơ sở nhà thuê trọ thuộc diện quản lý về PCCC. Hơn 3.000 trường hợp vi phạm bị phạt gần 13 tỷ đồng. 672 trường hợp vi phạm bị tạm đình chỉ và 75 trường hợp bị đình chỉ.

    Liên quan vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội trong năm 2023 khiến 56 người chết, vào đầu năm 2024, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam sáu cựu lãnh đạo, cán bộ phường với cáo buộc đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.


    Không có nhận xét nào