Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam

    10/7/2024

    Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam 

    Tàu hải quân USS BLUE RIDGE và tàu tuần duyên WAESCHE đến Cam Ranh, Việt Nam

    bởi U.S. Mission Vietnam 

    Tháng Bảy 8, 2024

    Cam Ranh, Việt Nam, ngày 8/7/2024 – Soái hạm USS Blue Ridge (LCC 19) của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ và tàu Tuần duyên Waesche đã cập cảng quốc tế Cam Ranh, Việt Nam ngày 8/7, bắt đầu chuyến thăm chung kéo dài năm ngày của lực lượng Hải quân và lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ.

     

    Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo của Hạm đội 7, tàu USS Blue Ridge và tàu tuần duyên Waesche sẽ gặp lãnh đạo Hải quân Nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, và tỉnh Khánh Hòa. Các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm bao gồm các buổi trao đổi chuyên môn và các hoạt động giao lưu cộng đồng.

     

    Thủy thủ đoàn cùng các nhân viên Hạm đội 7 sẽ tham gia vào các hoạt động cộng đồng và giao lưu văn hóa cùng người dân tỉnh Khánh Hòa nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam, phù hợp với Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam.

     

    Là soái hạm của Hạm đội 7, tàu hải quân USS Blue Ridge là tàu hoạt động lâu năm nhất còn vận hành của Hải quân Hoa Kỳ. Đây là lần thứ hai tàu USS Blue Ridge tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995.

    Hạm đội 7 là hạm đội tiền phương lớn nhất của Hải quân Hoa Kỳ, thường xuyên giao lưu, hoạt động với đồng minh và đối tác để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

    Soái hạm USS Blue Ridge của Hạm đội 7 ghé đến Việt Nam

    Duan Dang

    10/7/2024



    Đây không phải là lần đầu tiên soái hạm USS Blue Ridge của Hạm đội 7 ghé đến Việt Nam, nhưng sự xuất hiện của nó ở vịnh Cam Ranh lần này mang một ý nghĩa đặc biệt đối với một người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, nơi từ thuở nhỏ, bọn nhóc chúng tôi vẫn thường nghe câu quở của mấy bà già: "Tụi bây ăn như Hạm đội 7", mỗi khi ăn uống vô tư và nhiệt tình.

    Có lẽ một phần nhờ quê quán mà mình có vinh hạnh được mời lên tàu USS Blue Ridge neo ở cảng quốc tế Cam Ranh vào một buổi chiều hoàng hôn tuyệt đẹp. 

    Tay cầm chai bia, lang thang trên boong tàu, lòng đầy cảm khái khi tìm kiếm vị trí nơi từng có chiếc trực thăng UH-1 Huey bị đẩy xuống biển để nhường chỗ cho các chuyến bay sơ tán khác trong chiến dịch Gió Lốc năm nào. Một cảm giác kỳ lạ, như thể đang chạm vào một phần lịch sử bao năm chỉ nghe kể lại.

    Giữa dòng suy nghĩ miên man, thấp thoáng bóng một người gốc Việt cao dong dỏng, luôn miệng cười hiền hòa, trông rất quen nhưng lại không thể nhớ ra được là ai. Mãi đến khi bước xuống tàu, mới sực nhớ hóa ra đó chính là phó đề đốc Nguyễn Từ Huấn, nay đã về hưu, xuất hiện trong trang phục dân sự giản dị.

    Rảo bước trên cầu tàu về bãi xe, nhìn ra đêm đen trên Biển Đông, những hình ảnh lẫn lộn về chiến dịch Market Time, về chiếc trực thăng Huey, về ông Từ Huấn cũng dần mờ đi trong tâm trí. 

    Chỉ còn đọng lại nỗi băn khoăn, chỗ này bắt Grab có không ta. 

    Thật là một trải nghiệm khó quên!


    Ân xá Quốc tế lại tố Việt Nam tiếp tay cho Myanmar nhập nhiên liệu bị cấm 

    10/07/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Một cuộc không kích của quân đội Mynamar ở Mung Lai Hkyet, Laiza, Myanmar.

    Một cuộc không kích của quân đội Mynamar ở Mung Lai Hkyet, Laiza, Myanmar. 

    Tổ chức Ân xá Quốc tế lại tố cáo Việt Nam tiếp tay cho chính quyền quân quản Myanmar nhập khẩu nhiên liệu máy bay để thực hiện các cuộc không kích ở quốc gia này bất chấp lệnh trừng phạt của phương tây.

    Trong một báo cáo mới được công bố vào ngày 8/7, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Anh cho biết rằng họ phát hiện các bằng chứng chứng tỏ chính quyền quân sự ở Myanmar đã nhập khẩu lậu nhiên liệu dùng cho máy bay chiến đấu thông qua sự liên kết của một công ty ở Việt Nam với hãng tàu biển Trung Quốc.

    Hồi đầu năm nay, cũng Tổ chức Ân xá Quốc tế đã vạch trần các mánh khóe lẩn tránh mới của quân đội Myanmar trong việc nhập khẩu nhiên liệu hàng không trong suốt năm 2023, sau các lệnh trừng phạt áp đặt đối với các pháp nhân trong chuỗi cung ứng của nước này.

    “Mô hình đó tiếp tục với ít nhất hai và có thể là ba chuyến hàng nhiên liệu hàng không đã đưa thêm vào nước này từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay. Giống như các lô hàng trước đó bị Tổ chức Ân xá Quốc tế phát hiện vào tháng 1, nhiên liệu đã được mua bán nhiều lần trước khi đến chặng cuối là nhập vào Việt Nam rồi chuyển đến Myanmar”, báo cáo viết.

    Ân xá Quốc tế dẫn dữ liệu theo dõi và thương mại tàu thuyền cho thấy tàu chở dầu HUITONG78 của Trung Quốc đã vận chuyển hai lô hàng nhiên liệu máy bay đến kho cảng Puma Energy trước đây tại Thilawa, cảng Yangon, vào ngày 14/1 và 29/2 và cũng con tàu này lấy nhiên liệu tại Kho xăng dầu Cái Mép Việt Nam do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Linh (TNHH Hải Linh) điều hành trước khi khởi hành đi Myanmar.

    “Trong hai trường hợp, tàu chở dầu HUITONG78 của Trung Quốc vận chuyển nhiên liệu từ Việt Nam sang Myanmar”, báo cáo viết.

    Ngoài ra, Ân xá Quốc tế cũng cho rằng các công ty khác dường như cũng đóng một vai trò trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả công ty kinh doanh nhiên liệu có trụ sở tại Singapore Sahara Energy International Pte. Ltd.

    VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và công ty TNHH Hải Linh, đề nghị họ đưa ra bình luận về báo cáo mới này của Ân xá Quốc tế, nhưng chưa được phản hồi.

    “Không thể chấp nhận được việc Việt Nam tiếp tục đồng lõa trong việc cung cấp nhiên liệu máy bay cho chính quyền quân quản bất hợp pháp của Myanmar”, bà Yadanar Maung, người phát ngôn của tổ chức phi chính phủ Justice for Myanmar, nêu nhận định với VOA qua email. “Chính quyền Myanmar cần nhiên liệu máy bay để tiếp tục chiến dịch khủng bố trên không, trong đó tàn sát dân thường mà không bị trừng phạt, gây ra những cuộc di tản hàng loạt và lan rộng”.

    Bà Maung kêu gọi chính phủ Việt Nam ngừng tiếp tay cho chính quyền Myanmar và nên thực hiện nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình bằng cách chặn tất cả các nguồn ngân quỹ, vũ khí và nhiên liệu máy bay cho chính quyền Myanmar.

    Ngoài ra, bà còn kêu gọi Hoa Kỳ nên khẩn trương áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Công ty TNHH Hải Linh của Việt Nam.

    Như VOA đã đưa tin, Ân xá Quốc tế hồi tháng 1/2024 phát hiện rằng trong năm 2023 có đến 7 chuyến hàng nạp nhiên liệu hàng không tại một kho chứa nhỏ có tên là Cảng xăng dầu Cái Mép gần thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, do Công ty TNHH Hải Linh điều hành.

    Khi ấy, bà Montse Ferrer, Phó Giám đốc Khu vực Nghiên cứu của Ân xá Quốc tế đưa ra ý kiến: “Vai trò của Việt Nam ở đây đặc biệt có vấn đề. Cảng Cái Mép đóng vai trò thiết yếu để chuỗi cung ứng mới này hoạt động – và vì vậy chính phủ Việt Nam có nghĩa vụ phải đảm bảo các cảng của mình không bị sử dụng cho các hoạt động liên quan đến vi phạm nhân quyền”.

    Năm 2023, Anh, Mỹ, EU và các nước khác áp đặt các lệnh trừng phạt đối với chính quyền quân quản Myanmar sau cuộc đảo chính năm 2021 khiến đất nước này rơi vào hỗn loạn, với phong trào kháng chiến chống quân đội bùng nổ trên nhiều mặt trận sau các cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội vào các đối thủ. 

    Hồi tháng 8/2023, Hoa Kỳ tiếp tục thông qua vòng trừng phạt mới nhất đối với nhiên liệu máy bay nhập vào Myanmar.

    https://www.voatiengviet.com/a/an-xa-quoc-te-lai-to-viet-nam-tiep-tay-cho-myanmar-nhap-nhien-lieu-bi-cam/7691578.html

    CIVICUS đưa Thái Lan vào Danh sách Giám sát, đề cập đến vụ bắt ông Y Quynh Bdap

    RFA
    10/7/2024

    CIVICUS đưa Thái Lan vào Danh sách Giám sát, đề cập đến vụ bắt ông Y Quynh Bdap

    Ba người từng bị bắt, bắt cóc ở Thái Lan (từ trái): Đường Văn Thái, Y Quynh Bdap, và Trương Duy Nhất 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngRFA edited 

    Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS) bổ sung Thái Lan vào danh sách các quốc gia đang bị suy giảm nghiêm trọng về không gian dân sự sau các vụ đàn áp các tiếng nói bất đồng trong nước và vụ bắt giữ nhà hoạt động người Việt Y Quynh Bdap theo yêu cầu của Hà Nội.

    Hôm 10/7, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Johannesburg (Nam Phi) công bố Danh sách Giám sát tháng 7, bày tỏ quan ngại việc Chính phủ của Thủ tướng Srettha Thavisin nhắm tới các nhà hoạt động, nhà phê bình và phe đối lập, cũng như tham gia vào việc đàn áp xuyên quốc gia.

    Theo CIVICUS, các nhóm nhân quyền báo cáo sự gia tăng đàn áp nhắm vào người nước ngoài đang tìm kiếm quy chế tị nạn ở Thái Lan.

    Tổ chức xã hội dân sự này cáo buộc các chính phủ nước ngoài đã quấy rối, giám sát và bạo lực thể xác đối với nhiều người bất đồng chính kiến ​​và nhà hoạt động lưu vong, thường với sự hợp tác và hiểu biết của chính quyền Thái Lan.

    Nhắc tới trường hợp nhà hoạt động người Việt Y Quynh Bdap bị giam giữ tại Thái Lan vào ngày 11/6/2024, có nguy cơ bị trục xuất về nước và đối diện với bản án tù dài hạn, thông cáo trích dẫn ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của CIVICUS nói:

    "Chính quyền Thái Lan phải chấm dứt những hành động như vậy và thay vào đó tạo ra nơi trú ẩn an toàn cho các nhà hoạt động chạy trốn sự đàn áp từ các nước láng giềng.

    Chia sẻ thêm với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 10/7, ông Josef Benedict nói Thái Lan từng là nơi trú ẩn an toàn cho những người lưu vong từ các nước láng giềng và xa hơn, nhưng trong những năm gần đây quốc gia này đã trở thành một nơi nguy hiểm đối với những người đào thoát sự đàn áp ở quê nhà.

    Các quốc gia chịu trách nhiệm về việc đàn áp xuyên quốc gia đối với công dân sống ở Thái Lan bao gồm Campuchia, Việt Nam, Lào và thậm chí cả Trung Quốc. Điều này đã xảy ra mặc dù một số người được UNHCR (Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn-PV) cấp quy chế tị nạn,” ông nói trong tin nhắn gửi RFA. 

    Ngày 15/7 tới đây, toà án ở Bangkok sẽ đưa Y Quynh Bdap ra xét xử về cáo buộc “lưu trú quá hạn” và có thể cho phép Việt Nam dẫn độ ông về nước, nơi ông đã bị kết án 10 năm tù giam về tội danh “khủng bố” trong phiên toà vắng mặt đầu năm nay.

    Ông Benedict cũng nhắc lại trường hợp Od Sayavong, một nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền hàng đầu của Lào sống ở Bangkok, đã mất tích kể từ tháng 8/2019.

    Ông nói những hành động này vi phạm các điều khoản cấm không gửi trả người tị nạn về một quốc gia mà họ có nguy cơ bị khủng bố dựa trên "chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, một nhóm xã hội cụ thể hoặc quan điểm chính trị" trong các hiệp ước nhân quyền quốc tế đã được Thái Lan phê chuẩn.

    Chính quyền Thái Lan cũng đã vi phạm Đạo luật ngăn chặn tra tấn và cưỡng bức mất tích có hiệu lực từ tháng 2 năm ngoái. Ông Benedict thay mặt CIVICUS kêu gọi:

    Chính phủ Thái Lan không tạo điều kiện hoặc đồng lõa với các chính phủ khác trong hoạt động đàn áp xuyên quốc gia. Chính phủ Thái Lan phải điều tra kỹ lưỡng và công bằng các cáo buộc về hành vi sách nhiễu, hăm dọa, đe dọa, giám sát và ép buộc trở về từ Thái Lan của các chính phủ nước ngoài. 

    Thái Lan cũng phải bảo đảm rằng các quan chức của họ hiểu đàn áp xuyên quốc gia là một vấn đề riêng biệt và đào tạo các quan chức thực thi pháp luật, nhập cư để nhận biết và ứng phó với đàn áp xuyên biên giới. Chính phủ cũng phải tôn trọng các quyết định của UNHCR về người tị nạn.”

    Phóng viên gửi email cho Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tư pháp, người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan với đề nghị bình luận về cáo buộc tham gia đàn áp xuyên biên giới, nhưng chưa nhận được phản hồi.

    Người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan lo lắng

    Hiện có rất đông người Việt bao gồm các sắc dân khác nhau như người Kinh, Thượng, Hmong... đang ẩn náu tại nhiều tỉnh thành của Thái Lan, phần nhiều trong số họ đã được Văn phòng Cao uỷ về người tị nạn của Liên Hiệp quốc (UNHCR) có trụ sở tại Bangkok cấp quy chế tị nạn.

    Tuy nhiên, do Thái Lan chưa ký Công ước về vị thế người tị nạn 1951 vì thế những người tị nạn bị coi là sống bất hợp pháp, không được đi làm việc và sẽ bị bắt nếu cảnh sát phát hiện họ đi làm không phép.

    Nhà hoạt động Lê Sỹ Bình, một người đang tìm kiếm quy chế tị nạn từ nhiều năm qua, bày tỏ sự lo lắng về sự an toàn của mình khi an ninh Việt Nam và Cảnh sát Thái Lan tăng cường hợp tác.

    Nhắc lại việc blogger Trương Duy Nhất của RFA và Youtuber Đường Văn Thái bị an ninh Việt Nam bắt cóc đưa về nước, cùng với việc ông Y Quynh Bdap bị Cảnh sát Thái bắt giữ tháng trước, ông Lê Sỹ Bình nói với RFA trong ngày 10/7:

    Thực sự là tôi cũng cảm thấy rất là lo lắng cho bản thân mình cùng với tất cả những người đang tị nạn ở trên đất nước Thái Lan này. Người tị nạn chúng tôi không biết được rằng mối đe dọa của mình nó đến từ phía nào cả.

    Cũng có thể đến từ phía Cảnh sát Thái Lan với sự chỉ điểm của Bộ Công an Việt Nam và cũng có thể là đến từ phía an ninh mật vụ chìm của Việt Nam và được cảnh sát Thái Lan hỗ trợ trong việc bắt giữ.”

    Ông cho biết để bảo vệ mình, người tị nạn như ông chỉ còn cách sống cảnh giác cao hơn, khép kín, và co cụm nhằm tránh bị để ý cả từ phía chính quyền địa phương và mật vụ của Việt Nam.

    Ông bày tỏ mong muốn UNHCR đẩy nhanh việc xét duyệt và cấp quy chế tị nạn, và các quốc gia tiếp nhận người tị nạn rút ngắn thời gian xét duyệt để họ có thể sớm được tái định cư.

    Đàn áp xuyên quốc gia là những nỗ lực của các chính phủ hoặc cơ quan của họ nhằm bịt ​​miệng hoặc ngăn chặn những người bất đồng chính kiến ​​bằng cách thực hiện hành vi vi phạm nhân quyền đối với công dân của chính họ hoặc các thành viên cộng đồng hải ngoại bên ngoài phạm vi quyền tài phán lãnh thổ của họ.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/civicus-adds-thailand-into-watchlist-due-to-involvement-in-transnational-repression-07102024034912.html

    Vụ Ciputra: khơi lại trách nhiệm người đứng đầu của ông Nguyễn Phú Trọng?

    RFA
    08/7/2024

    Vụ Ciputra: khơi lại trách nhiệm người đứng đầu của ông Nguyễn Phú Trọng?

    Ông Nguyễn Phú Trọng trong ngày nhận chức Chủ tịch Quốc Hội, hết đảm nhiệm chức Bí thư thành ủy Hà Nội, 26/6/2006 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Mới đây, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan Nhà nước do Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, đại biểu Vũ Ngọc Anh nêu lại sự việc liên quan dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra).

    Theo ông Ngọc Anh, cuối tháng 11 năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  có thông báo số 01 kèm theo hồ sơ tài liệu gửi Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đề nghị có ý kiến thẩm định về hồ sơ điều chỉnh dự án Ciputra. Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu nội dung này.

    Tuy nhiên gần một năm sau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được ý kiến của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, mặc dù Bộ liên tục ra văn bản đôn đốc, đề nghị thành phố cho ý kiến để có căn cứ báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này.

    Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Lê Anh Quân cho biết đang tiến hành kiểm điểm từ ban giám đốc, phó giám đốc sở phụ trách trực tiếp rồi các cán bộ thụ lý hồ sơ nhằm chỉ ra những vấn đề, biểu hiện trong việc xử lý hồ sơ và những bất cập, từ đó khắc phục cho những dự án sau này.

    Theo tôi, đây là bước chuyển từ chế độ độc đảng toàn trị sang chế độ độc tài toàn trị. Trung Quốc họ đã thành công khi ông Tập Cận Bình nắm toàn bộ quyền hành với việc nắm cả hai chức vụ là tổng bí thư và chủ tịch nước. Kỳ này ông Tô Lâm có nắm được luôn cả chức tổng bí thư hay không sẽ là điều quyết định cho Việt Nam chuyển đổi từ mô hình độc đảng toàn trị sang độc tài toàn trị thành công hay không. - Nhà quan sát

    Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) là một trong những khu đô thị mới đầu tiên do nhà đầu tư Indonesia và Việt Nam hợp tác liên doanh xây dựng tại Hà Nội năm 2002, có quy mô lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích hơn 300ha, tổng số vốn khoảng hơn 2 tỷ USD.

    Năm 2006, báo Tuổi Trẻ có bài viết “Nhà nước thiệt hại 3.000 tỉ đồng do quyết định duyệt giá đất của UBND TP Hà Nội”. Theo bài viết, chỉ vì một quyết định của UBND TP Hà Nội ngày 14 tháng 12 năm 2004 duyệt giá thu tiền sử dụng đất của Dự án khu đô thị Nam Thăng Long sớm hơn 16 ngày so với việc công bố giá đất theo Luật Đất đai mà ngân sách Nhà nước đã thiệt hại 3.000 tỉ đồng. Được hưởng siêu lợi nhuận này là một nhà đầu tư bất động sản nước ngoài, tập đoàn Ciputra.

    Bài báo phân tích, Quyết định số 4622/UB-NNĐC (QĐ 4642) ngày 14 tháng 12 năm 2004 của UBND TP Hà Nội áp giá đất ở dự án Khu đô thị Nam Thăng Long thấp hơn giá thị trường rất nhiều, chỉ từ 620.000 đồng đến 1.540.000 đồng một mét vuông. Sau QĐ 4622 có 16 ngày, chiếu theo Luật Đất đai, giá đất mới được Thành phố Hà Nội công bố và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 năm 2005, giá đất được xác định là từ 6.480.000 đồng đến 12.000.000 đồng một mét vuông, cao gấp 8 -10 lần giá đất mà QĐ 4622 cho nhà đầu tư dự án Khu đô thị Nam Thăng Long được hưởng.

    Đứng đầu thành phố Hà Nội lúc đó là ông Nguyễn Phú Trọng, Bí thư thành ủy Hà Nội, vị trí lãnh đạo cao nhất của Thành ủy Hà Nội. Ông Trọng giữ chức này từ ngày 6 tháng 1 năm 2000 đến ngày 26 tháng 6 năm 2006. Sau khi Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm là ông Nguyễn Văn An từ chức, ông Trọng trở thành Chủ tịch Quốc hội kế nhiệm từ năm 2006 đến năm 2011, chính thức bước vào tứ trụ của Nhà nước Việt Nam. 

    Một nhà quan sát tình hình chính trị trong nước yêu cầu ẩn danh, nêu nhận định của ông với RFA:

    “Với quy định được ban hành vào tháng 4 năm 2024 của Bộ chính trị, là cơ quan cao nhất của ĐCSVN, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cho dù có nghỉ hưu, tức họ cho phép hồi tố. Và thời điểm Ciputra bắt đầu đầu tư vào Hà Nội là giai đoạn ông Nguyễn Phú Trọng làm bí thư thành ủy Hà Nội. Do đó, ông Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu.

    Với chủ trương “đốt lò” hiện nay, tôi nghĩ khơi lại vụ Ciputra là người ta đang đánh thẳng vào ông Nguyễn Phú Trọng. Như thế, ông Trọng hiện nay đang lâm vào thế thân bại danh liệt theo đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, và Việt Nam đang bước vào thời kỳ cuối của giai đoạn đấu đá quyết liệt nhất.

    Theo tôi, đây là bước chuyển từ chế độ độc đảng toàn trị sang chế độ độc tài toàn trị. Trung Quốc họ đã thành công khi ông Tập Cận Bình nắm toàn bộ quyền hành với việc nắm cả hai chức vụ là tổng bí thư và chủ tịch nước. Kỳ này ông Tô Lâm có nắm được luôn cả chức tổng bí thư hay không sẽ là điều quyết định cho Việt Nam chuyển đổi từ mô hình độc đảng toàn trị sang độc tài toàn trị thành công hay không”.

    Theo nhà quan sát này, dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) lấy ý tưởng từ sự thành công của khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở Sài Gòn do một tập đoàn Đài Loan đầu tư. Tuy nhiên, Ciputra thất bại vì một vài lý do căn bản như: đất xây khu đô thị Ciputra không phải là đất đầm lầy như khu Phú Mỹ Hưng nên việc đền bù cho người dân phải theo mức định giá đất của nhà nước, mà việc định giá đất luôn luôn làm thất thoát ngân sách; luật về đất đai và các bộ luật liên quan tới đất đai, về kinh doanh bất động sản thay đổi xoành xoạch dẫn đến việc Ciputra phá gần hết các quy hoạch; Ciputra được quản lý trên tư duy nông nghiệp lạc hậu chứ không phải bằng tư duy công nghiệp hiện đại.

    Như vậy là họ nhắm vào việc khoét sâu cái sai lầm, cái vi phạm luật pháp, cái khuyết điểm nặng nề, rất trầm trọng của ông Nguyễn Phú Trọng khi còn làm ủy viên Bộ chính trị, bí thư thành ủy Hà Nội. Bây giờ họ đưa vụ này ra để ép ông ấy, một là phải viết đơn xin từ chức như Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ. Ông ấy đã quá già yếu rồi và để lại một bộ máy đảng trị với công tác nhân sự yếu kém, trì trệ, ù lỳ đến độ anh em công an bây giờ họ cũng không chịu nổi. - Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn 

    Nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn thì cho rằng, khi một đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội nhắc lại vụ Ciputra, tức họ muốn nhắc lại sai lầm của ông Nguyễn Phú Trọng lúc còn làm Bí thư thành ủy Hà Nội. Ông nói với RFA:

    “Như vậy là họ nhắm vào việc khoét sâu cái sai lầm, cái vi phạm luật pháp, cái khuyết điểm nặng nề, rất trầm trọng của ông Nguyễn Phú Trọng khi còn làm ủy viên Bộ chính trị, bí thư thành ủy Hà Nội. Bây giờ họ đưa vụ này ra để ép ông ấy, một là phải viết đơn xin từ chức như Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ. Ông ấy đã quá già yếu rồi và để lại một bộ máy đảng trị với công tác nhân sự yếu kém, trì trệ, ù lỳ đến độ anh em công an bây giờ họ cũng không chịu nổi.

    Người ta phải công phá vào bộ máy thành trị đảng trị này để đảng có cơ hội cải cách và thể chế được cơ hội cải cách”.

    Trong khi hàng loạt cấp dưới của ông Trọng phải từ chức, bị bắt giam thì ông Trọng vẫn “bình chân như vại” là điều dư luận đặt câu hỏi, nhất là từ khi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Quy định số 142. Quy định nêu rõ, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả sau khi đã chuyển công tác và về hưu trong hai trường hợp: Giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan; không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác; Miễn nhiệm cán bộ không bảo đảm căn cứ, thủ tục theo quy định.

    https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/reviving-the-ciputra-case-targeting-nguyen-phu-trong-07082024124458.html

    Tổng Bí thư CSVN  Nguyễn Phú Trọng liên tục vắng mặt trong nhiều sự kiện quan trọng

    Nguồn hình ảnh, GAVRIIL GRIGOROV/POOL/AFP/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Lần gần nhất Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trước công chúng là khi Tổng thống Putin đến thăm Hà Nội vào 20/6

    9 giờ trước

    Sáng 9/7, vị tổng bí thư 80 tuổi đã không xuất hiện trong cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Quy định số 144. Trước đó, ông cũng vắng mặt ở hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 8/7 và hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương hôm 4/7. 

    Ngày 24/6, ông Trọng ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng ông cũng không dự lễ ra mắt sách này. 

    Lần xuất hiện gần đây nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước công chúng là trong buổi tiếp đón Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội vào 20/6, đến nay đã gần ba tuần. 

    Vắng mặt bất thường

    Ngày 8/7, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương đã tổ chức Hội nghị lần thứ 10, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để đánh giá về công tác sáu tháng đầu năm, đồng thời triển khai nhiệm vụ trọng tâm của sáu tháng cuối năm 2024.

    Hội nghị lần này có sự tham dự của nhiều ủy viên Bộ Chính trị gồm: Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cả hai đều là ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.

    Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang là phó bí thư thì chủ trì, điều hành hội nghị.

    Một số ủy viên Bộ Chính trị khác không thuộc Quân ủy Trung ương nhưng cũng tham dự, gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng. Theo một nhà quan sát, việc những ủy viên Bộ Chính trị này tham dự là vì hội nghị lần này có chuyên đề giới thiệu nhân sự cho Đại hội 14. 

    Với sự tham dự của nhiều cán bộ, lãnh đạo chủ chốt như vậy nhưng nhân vật quan trọng nhất, bí thư Quân ủy Trung ương, là ông Nguyễn Phú Trọng lại vắng mặt.

    Báo chí Điện tử Chính phủ viết về sự việc này như như sau: 

    "Vì điều kiện không thể về dự Hội nghị trực tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương gửi nội dung phát biểu chỉ đạo, gợi mở một số nội dung quan trọng để Hội nghị Quân ủy Trung ương tham khảo trong quá trình thảo luận."

    Tại Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương hôm 4/7, ông Trọng là thành viên của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương nhưng cũng không đến dự. Ông cũng đã gửi nội dung phát biểu dài hơn 4.000 từ đến cuộc họp này vì "không thể dự trực tiếp". Ông Trọng là tổng bí thư đầu tiên có mặt trong Đảng ủy Công an Trung ương.

    Báo chí, truyền thông trong nước đưa tin về sự vắng bóng bất thường của ông Trọng chỉ bằng những câu từ khá mơ hồ như "điều kiện không thể về dự" và "không thể dự trực tiếp" chứ không nêu lý do cụ thể.

    Điều này dấy lên những lo ngại về sức khỏe của người đứng đầu Đảng.

    Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện tại kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội khóa 15, khai mạc vào 15/1, giữa tin đồn về sức khỏe sau hai tuần vắng bóng

    Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và đầy kịch tính đang diễn ra giữa các đồng chí trước Đại hội 14, sức khỏe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ còn là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong chính trị Việt Nam. 

    Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye từng nhận định với BBC rằng, việc bà Trương Thị Mai từ chức bó hẹp lựa chọn người kế vị cho vị trí đứng đầu Đảng.

    Hiện chỉ còn hai người đủ tiêu chuẩn trên giấy tờ để kế nhiệm ông Trọng: ông Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

    Theo Giáo sư Vuving, việc chỉ còn hai người kế nhiệm sẽ nâng cao khả năng ông Trọng giữ ghế, làm tiếp một nhiệm kỳ thứ tư vô tiền khoáng hậu.

    Thế nhưng, nếu sức khỏe ông Trọng không đảm bảo thì chuyện kế vị ông Trọng sẽ được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng. 

    Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales (Úc), nhận định với BBC News Tiếng Việt mới đây rằng Bộ Chính trị khóa 14 sắp tới sẽ có nhiều gương mặt mới so với thông thường và có khả năng "sẽ có một tổng bí thư mới". 

    Sức khỏe tổng bí thư 

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944 và đã đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản từ năm 2011, liên tục trong ba nhiệm kỳ và điều này là đã trái với Điều lệ Đảng. 

    Đầu năm nay, ông Trọng đã vắng bóng trong hai tuần liền và bỏ lỡ một số sự kiện ngoại giao quan trọng. Thời điểm đó đã nảy sinh đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông. 

    Hãng tin Bloomberg ngày 12/1 đã dẫn lời hai quan chức giấu tên của Việt Nam nắm vấn đề về sức khỏe của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết ông Trọng, 79 tuổi, đã nhập viện.

    Tới ngày 15/1, ông Trọng xuất hiện trong phiên khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội khóa 15.

    Một số video về cuộc họp Quốc hội quay cận cảnh vị tổng bí thư cho thấy ông đi lại khó khăn. Cụ thể, khi đứng lên chào các đại biểu, ông Trọng phải bấu ghì vào bàn và đồng thời được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngồi cạnh đỡ lên thì mới đứng dậy được. 

    Sau cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 vào ngày 13/3, ông Trọng tiếp tục vắng mặt nhiều ngày hồi tháng 4 và 5, kể cả trong lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước Tô Lâm Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

    Trong tháng sáu, ông xuất hiện tại hai sự kiện: cuộc họp lãnh đạo chủ chốt vào chiều 12/6 và đón Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/6, rồi sau đó vắng mặt.

    Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình

    Chụp lại hình ảnh, Video trên trang Thanh Niên Online có đoạn ông Trọng đứng lên chào đã phải bấu vào bàn và được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đỡ dậy

    Sức khỏe của ông Trọng đã nhiều lần trở thành tâm điểm của dư luận.

    Vào ngày 14/4/2019, ông Trọng - khi đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - được cho là bị đột quỵ trong chuyến công tác tại Kiên Giang. Sau 10 ngày từ khi có tin đồn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng mới lên tiếng: "Cường độ làm việc cao đã ảnh hưởng tới sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng."

    Về phần mình, có đôi lần Tổng Bí thư Trọng nói ông không khỏe lắm. 

    Khi tái đắc cử nhiệm kỳ ba của tổng bí thư "vô tiền khoáng hậu" vào tháng 2/2021, ông Trọng nói trong cuộc họp báo sau khi bế mạc Đại hội Đảng lần thứ 13 rằng: "Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành.”

    Tháng 10/2019, ông Trọng chia sẻ với các cử tri tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 là "năm nay 75 rồi, cũng đang là bệnh nhân”.

    Hồi năm 2018, khi kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, ông Trọng nói: 

    “Trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn. Bác Hồ đã từng nói, khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp; điều đó cũng không có gì lạ trong khi năng lực, hạn chế của tôi là rất rõ mà tuổi tác lại lớn rồi.”

    Chuyện Việt Nam không công bố tình trạng sức khỏe của ông Trọng là theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Điều đáng chú ý là thông tin về sức khỏe lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam không nằm trong một mục "bí mật nhà nước" riêng, mà được xếp chung với vi sinh vật và dược liệu quý hiếm.

    Như vậy, nếu đúng vì lý do sức khỏe mà ông Trọng không thể tham dự các sự kiện quan trọng gần đây thì cách báo chí đưa tin chung chung, không rõ ràng có thể là đang chấp hành bảo vệ bí mật nhà nước. 

    Tuy nhiên, trong nền chính trị Việt Nam, dù có luật trên hay không, thường là bộ máy chỉ tiết lộ thông tin về sức khỏe lãnh đạo sau một thời gian dài, khi công chúng cơ bản đã biết qua các kênh không chính thức.

    Chẳng hạn, chỉ sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào tháng 9/2018 giới chức y tế mới cho biết ông từng sang Nhật Bản điều trị.

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cyj4eee2nlpo


    Không có nhận xét nào