02/7/2024
Dân biểu California: Cần phóng thích sư Thích Minh Tuệ nếu ông đang bị giam giữ bất công!
RFA
02/7/2024
VietnamNet
Dân biểu California: Cần phóng thích sư Thích Minh Tuệ nếu ông đang bị giam giữ bất công!
Dân biểu gốc Việt của Hạ viện tiểu bang California gửi thư đề nghị Đại sứ Mỹ tại Việt Nam quan tâm tới trường hợp của sư Thích Minh Tuệ, người bị mất tích lần thứ hai từ tối 12/6/2024.
Ngày 1/7, sau khi sư Thích Minh Tuệ (thế danh Lê Anh Tú) mất tích gần 20 ngày, em trai của ông là Lê Anh Thìn đã thay mặt gia đình gửi đơn trình báo đến công an ba cấp, gồm: xã Ia Tô, huyện Ia Grai và tỉnh Gia Lai với đề nghị giúp đỡ việc tìm kiếm.
Cùng ngày, Dân biểu Tạ Đức Trí gửi thư cho Đại sứ Mỹ Marc Knapper, trong đó ông bày tỏ sự quan ngại về tình trạng của vị tu hành theo 13 hạnh đầu đà của Phật giáo vốn được dư luận trong và ngoài nước quan tâm vài tháng trở lại đây.
Dân biểu Tạ Đức Trí nhắc lại việc ông đã gửi thư cho Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) vào ngày 4/6 liên quan những lo ngại về tự do tôn giáo ở Việt Nam, sau khi đoàn của sư Thích Minh Tuệ và hơn 70 khất sĩ bị công an bố ráp trong đêm và đưa về các địa phương.
“Thật không may, kể từ khi tôi viết bức thư đó, tình hình của Thích Minh Tuệ trở nên xấu đi và mối quan tâm của tôi đối với tình trạng của ông ngày càng tăng lên đáng kể,” vị dân biểu viết trong thư viết bằng tiếng Anh.
Trong thư được đăng tải lên danh khoản Facebook cá nhân, vị dân biểu từng là thị trưởng thành phố Westminster nơi có nhiều người gốc Việt sinh sống, nói ông không tin tưởng vào khả năng các quan chức chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những tuyên bố trung thực về tình trạng của sư Minh Tuệ hoặc việc ông ấy đồng ý không xuất hiện trước công chúng trong thời gian dài.
“Tôi hy vọng ngài sẽ sát cánh cùng tôi vì tự do tôn giáo như một quyền cơ bản của con người và ngay lập tức kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp tôn giáo đối với Thích Minh Tuệ và trả tự do cho ông nếu trên thực tế ông đang bị giam giữ bất công. Hoa Kỳ phải tiếp tục thúc đẩy vấn đề này bằng mọi cơ hội có được với Chính phủ Việt Nam,” vị dân biểu viết.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam với đề nghị bình luận về lời kêu gọi của Dân biểu Tạ Đức Trí, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.
Chính quyền không minh bạch trong vụ sư Minh Tuệ
Theo nội dung đơn trình báo của gia đình, sư Thích Minh Tuệ thông báo với người thân ngày ngày 12/6 sẽ rời cốc (theo yêu cầu của một người nào đó) trong thời gian 5 đến 7 ngày rồi sẽ quay lại tiếp tục tu tập theo lời Phật dạy khi nơi tu tập của ông bị nhiều người dân đến đảnh lễ gây mất an ninh trật tự.
Tuy nhiên, cho đến ngày 01/7, vị khất sĩ chưa trở về và gia đình hoàn toàn không hay biết về tình trạng tinh thần và sức khỏe của ông.
Trong một video clip được đăng tải lên kênh Youtube N.S.N ngày 02/7, ông Lê Anh Thìn cho biết nội dung làm việc với nhà chức trách địa phương về anh ruột mình:
“Hôm qua tôi có đi làm việc với cơ quan chức năng và họ nói rằng ông Lê Anh Tú là công dân bình thường, ông không vi phạm pháp luật gì cả, nên họ không có quyền giữ ông ấy.”
Cũng theo lời của ông Thìn, cơ quan công an cũng "không biết thông tin thầy ở đâu và chỉ tiếp nhận đơn để giúp đỡ." Ông cũng nhắn gửi "qua đây cũng mong mọi người sáng suốt suy nghĩ không nên nghe theo thành phần chống phá nói cơ quan Nhà nước thế này, thế kia."
Một cư sĩ Phật giáo ở TPHCM theo dõi sát các thông tin về sư Minh Tuệ cho hay, cơ quan chức năng đã buộc những khất sĩ viết đơn cam kết tự nguyện không bộ hành, không khất thực, không mặc y phấn tảo và không để cho hình ảnh của mình phát tán lên mạng xã hội, mặc dù Hiến pháp và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo 2016 quy định công dân có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
Cư sĩ Đ.H.T. Hoà cho rằng cách làm của chính quyền không minh bạch và hợp pháp, ông nói trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 2/7:
“Hiện nay bên anh Thìn và gia đình mới làm đơn, chúng ta cần phải chờ xem cách chính quyền phản ứng với câu chuyện này thế nào nhưng mọi chuyện có vẻ đang khá phức tạp.
Vì thầy Thích Minh Tuệ (thế danh Lê Anh Tú) đã có Căn cước công dân, chính quyền địa phương phải bảo đảm cho thầy tất cả các quyền công dân ghi trong Hiến pháp. Còn không thì đừng có ép phải làm từ ban đầu.”
Về an nguy hiện nay của sư Minh Tuệ, vị cư sĩ này nhận định:
"Vì thầy Thích Minh Tuệ đã nói là thầy xả ly và chấp nhận mọi thứ xảy ra với mình như nhân quả. Thầy từng dạy cuộc sống vô thường, sống chết không rõ nên phải tu tập ngay. Họ cho thầy sống ngày nào thì thầy tu ngày đó"
Cũng theo ông này, các vị đồng tu 13 hạnh Đầu đà theo gương của sư Minh Tuệ cũng đã làm căn cước công dân và công an các tỉnh thành nên để cho họ được tự do tu tập chứ không phải cứ liên tục sách nhiễu, gây khó dễ như hiện nay.
Một nhà hoạt động ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, cho rằng công an tỉnh Gia Lai phải chịu trách nhiệm về tính mạng và sự an toàn cho công dân Lê Anh Tú.
Coi tấm gương tu hành khổ hạnh theo hạnh đầu đà của sư Thích Minh Tuệ là kính chiếu yêu đối với nhiều chùa “quốc doanh” trong nhiều năm trở lại đây, người này nói:
“Tôi không cho rằng mối nguy cho sư Thích Minh Tuệ đến từ phía chính quyền, mà có thể lại đến từ những kẻ đang lợi dụng tu hành để kiếm lợi từ việc cúng dường của dân chúng, vì sự khổ hạnh của ông khiến dân chúng tỉnh ngộ và không còn đến các chùa nặng tính thương mại như bao lâu nay nữa.”
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/californian-legisator-calls-for-religious-freedom-for-vietnamese-monk-thich-minh-tue-07022024054146.html
Cảnh sát Đài Loan bắt 64 người Việt tại ‘tiệc ma túy’
02/07/2024
VOA Tiếng Việt
Báo Taiwan News hôm 1/7/2024 đưa tin Cảnh sát Cao Hùng bắt giữ 64 người Việt Nam tại 'tiệc ma túy'.
Hôm 1/7, cảnh sát Cao Hùng của Đài Loan ra thông báo rằng họ đã bắt giữ 64 lao động nhập cư Việt Nam trong một cuộc đột kích vào tuần trước đó, tịch thu hơn 900 gói chứa chất cấm, theo hai trang tin Focus Taiwan và Taiwan News.
Tin cho hay cảnh sát bắt giữ những người này tại một tòa nhà ở quận Đại Liêu của thành phố Cao Hùng, nơi được sử dụng làm vũ trường và ổ ma túy vào những ngày cuối tuần.
Phòng Điều tra Hình sự thuộc Sở Cảnh sát Thành phố Cao Hùng cho biết vũ trường này đã thu hút hơn một trăm người vào mỗi tối thứ Sáu và thứ Bảy với các nhân viên bị nghi ngờ bán ma túy được ngụy trang trong các túi cà phê hòa tan, trang Taiwan News dẫn thông cáo của cảnh sát tường thuật.
Cảnh sát cũng tịch thu hơn 900 gói cà phê hòa tan tẩm ma túy chứa ketamine, amphetamine, cathinone và một số cần sa. Ngoài ra, khoảng 6 chiếc điện thoại di động cũng bị thu giữ, cùng với 1,73 triệu Đài tệ (khoảng 53.200 USD) tiền mặt, bản tin cho biết thêm.
Trong thông cáo báo chí, Cơ quan Điều tra Hình sự Sở cảnh sát thành phố Cao Hùng nói rằng vụ bắt giữ này được thực hiện vào ngày 22/6 như một phần của cuộc điều tra về một hộp đêm cuối tuần ở quận Đại Liêu của thành phố cảng miền nam Đài Loan.
Cảnh sát thành lập một đội đặc nhiệm để quan sát nơi này và theo dõi các đầu mối tiềm năng trong vài ngày. Ngoài số 64 người Việt Nam bị bắt giữ, còn có 9 người Đài Loan cũng có mặt tại địa điểm này, trang Focus Taiwan cho biết.
Cảnh sát Cao Hùng nhận được tin báo về địa điểm này thông qua một nguồn tin ẩn danh, tiết lộ rằng một khu nhà trống trong quận đang được sử dụng làm câu lạc bộ cuối tuần, vẫn theo trang Focus Taiwan.
Theo thông cáo báo chí, địa điểm bí mật này thường được hơn 100 người lui tới và cũng bán các chất bất hợp pháp.
Sau nhiều ngày theo dõi, lực lượng đặc nhiệm đã có được lệnh khám xét để đột kích địa điểm vào tối thứ Bảy, 22/6, các trang báo thuật lại.
Theo lực lượng đặc nhiệm, 14 trong số 64 người Việt Nam bị bắt giữ là lao động nhập cư, ở lại quá hạn thị thực hoặc bỏ trốn khỏi nơi làm việc ban đầu. Số công dân Việt Nam này đang được Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh quốc gia ở quận Bình Đông và thành phố Cao Hùng xử lý, trang Focus Taiwan đăng tin.
Cảnh sát cho biết dựa trên bằng chứng thu thập được, cảnh sát đã chuyển 4 người cho các công tố viên vì vi phạm Đạo luật phòng chống nguy cơ ma túy của Đài Loan, trong đó có một người Việt Nam bị khởi tố với cáo buộc “tàng trữ chất ma túy”.
VOA đã liên lạc với Ban Quản lý Lao động thuộc Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và đề nghị họ bình luận về việc bắt giam này, nhưng chưa được phản hồi.
Trước đó, hôm 28/6, cảnh sát thành phố Đài Trung của Đài Loan cho hay họ đã bắt giam 8 người lao động nhập cư từ Việt Nam mà trước đó nhóm người này bị xem là đã bỏ đi mất tung tích, trong đó có một cặp vợ chồng đang bị chính quyền Đài Loan truy nã về tội lừa đảo.
Đài Loan hiện đang là thị trường hấp dẫn nhất đối với lao động Việt Nam, thu hút lớn nhất lao động Việt Nam sang làm việc do chi phí thấp, yêu cầu đòi hỏi kỹ năng chuyên môn không cao, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam.
Trước tình hình người Việt Nam làm việc chui, bất hợp pháp tại nước ngoài, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam kêu gọi các địa phương trên cả nước hãy thực hiện các biện pháp di cư lao động an toàn, có trật tự, hợp thức.
Theo số liệu của Cục Quản lý Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2024 Việt Nam đã xuất khẩu 27 nghìn lao động sang Đài Loan, nâng tổng số lao động Việt Nam tại thị trường này lên hơn 280.000 người.
https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-dai-loan-bat-64-nguoi-viet-tai-tiec-ma-tuy-/7681697.html
Đến Hàn Quốc, Thủ tướng Việt Nam trấn an các nhà đầu tư
VOA Tiếng Việt
02/7/2024
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc ở Seoul hôm 1/7 năm 2024
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào sáng ngày 1/7 đã đến Seoul và có các buổi làm việc với các tập đoàn Hàn Quốc đang đầu tư ở Việt Nam trong đó ông đã trấn an họ về ổn định chính trị-xã hội và tình hình cung cấp điện, truyền thông trong nước cho biết.
Ông Chính đang có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30/6 đến ngày 3/7 theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo. Đây là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của một lãnh đạo Việt Nam kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào cuối năm 2022.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, ông Chính đã vận động các tập đoàn Hàn Quốc mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ cho biết.
Thủ tướng Việt Nam cũng đưa ra 3 bảo đảm để trấn an các nhà đầu tư Hàn Quốc: bảo đảm ổn định chính trị, an ninh xã hội và ổn định về chính sách; bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư và bảo đảm khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn là thành phần quan trọng của nền kinh tế, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.
Việt Nam vừa trải qua những xáo trộn chính trị chưa từng thấy với một loạt các lãnh đạo hàng đầu như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban bí thư liên tục bị mất chức, gây lo ngại về sự ổn định chính trị, vốn là một thế mạnh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Chính đã được Tuổi Trẻ dẫn lời nói nói với các nhà đầu tư Hàn Quốc rằng họ ‘có thể yên tâm đầu tư lâu dài’ ở Việt Nam.
Ông cũng trấn an các tập đoàn Hàn Quốc về nguồn cung điện của Việt Nam, nói rằng ‘đảm bảo Việt Nam không thiếu điện’ do nước này đang đa dạng hóa các nguồn điện.
Việt Nam từng xảy ra mất điện hồi năm ngoái, làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Hồi cuối tháng 5, Reuters đưa tin giới chức Việt Nam đã kêu gọi nhà cung cấp Foxconn của Apple tự nguyện giảm 30% mức tiêu thụ điện.
Tại buổi tọa đàm với các chuyên gia bán dẫn và trí tuệ nhân tạo Hàn Quốc cũng trong ngày 1/7, ông Chính đề nghị họ giúp đỡ Việt Nam phát triển các ngành công nghệ này và đề nghị Hàn Quốc cấp thêm học bổng đào tạo cho sinh viên Việt Nam về bán dẫn.
Tại Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc cùng ngày, Thủ tướng Chính đã đề nghị Hàn Quốc tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam trong các ngành đóng tàu, nông nghiệp, tàu cá và mở rộng ra ngành nghề mới mà Hàn Quốc có nhu cầu như công nghệ thông tin, điều dưỡng và dịch vụ…
Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 86 tỷ đô la Mỹ tính đến tháng 4 năm 2024. Hai nước đề ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ đô la trong thời gian tới và 150 tỷ đô la vào năm 2030.
https://www.voatiengviet.com/a/den-han-quoc-thu-tuong-viet-nam-tran-an-cac-nha-dau-tu/7680582.html
Nghịch lý Việt Nam: nhiều người không muốn tăng lương
Nguyễn Lại
02/7/2024
Ảnh tư liệu _ Nhiều người cao niên sau khi nghỉ hưu vẫn phải mưa sinh bằng nhiều công việc khác nhau vì không đủ sống bằng lương hưu.
Washington DC
Việt Nam chuẩn bị điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng lên 15%, thực hiện cùng thời điểm tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng bắt đầu từ ngày 1 tháng Bảy, theo báo chí nhà nước. Tuy nhiên, gần như tất cả những người đang hưởng lương hưu và cả các công chức đang làm việc được VOA phỏng vấn lại cho biết rằng họ… không muốn được tăng lương vì nhiều lý do khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, một cán bộ về hưu sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết khi nghe đến việc lương hưu của bà chuẩn bị được tăng 15% từ đầu tháng 7 tới, bà thực sự lo lắng. Bởi lương tăng đồng nghĩa với giá cả hàng hoá tiêu dùng, bao gồm cả những mặt hàng thiết yếu, sẽ tăng theo.
“Đương nhiên giá cả tăng rồi. Bây giờ thậm chí mới có nghe là sẽ lên lương thì giá cả đã tăng rồi. Mọi thứ đều đắt lên cả. Trước thịt lợn có 11 thôi thì giờ lên tới 14 rồi.” Bà Hương cho biết.
Trong suốt 10 năm nghỉ hưu, theo lời bà Hương, lương hưu của bà thực tế chỉ đủ trang trải một số hoá đơn thiết yếu của gia đình như tiền điện, tiền nước, Internet… “Giờ được tăng thêm 15% nhưng không biết có còn đủ trang trải trước mức tăng của hoá đơn các loại dịch vụ này trong thời gian tới.”
“Bây giờ thì điện tăng giá đắt nhé, nước cũng đắt lên nhé. Trong khi nhu cầu sinh hoạt của một gia đình trong dịp mùa Hè thì cũng tăng nữa. Điện cũng tốn hơn. Nên giờ có khi chỉ đủ trả tiền điện thôi. Điện giờ cũng tốn đến 3 triệu/tháng rồi. Mà đấy là tiết kiệm đấy, chỉ dám mở điều hoà một tiếng lúc buổi trưa và tối 11 giờ đi ngủ mới dám bật đấy.” Bà Hương than thở.
Cùng trong hoàn cảnh cán bộ về hưu như bà Hương, bà Nguyễn Thị Trâm, một cư dân cũng sinh sống tại Hà Nội thì lại tỏ vẻ thờ ơ khi được hỏi về câu chuyện tăng lương đầu tháng Bảy này. Nhưng bà cũng tỏ ra thông cảm với nỗi lo của những người hưởng lương hưu khi “lương tăng không theo kịp giá”.
“Là vì mình còn làm thêm, làm đủ thứ. Chứ còn rất nhiều người, người ta nhờ vào đồng tiền lương, chứ ngoài ra thì họ biết lấy cái gì để mà sống.” Bà Trâm cho biết.
Bà Trâm cũng nói dù nhiều năm nay không sống bằng đồng lương hưu, bà cũng rất không thích chuyện tăng lương. “Là vì mỗi lần tăng lương nó lại dẫn đến nhiều xáo trộn và biến động. Nếu mà không tăng cũng chết vì ngoài thị trường cũng tăng giá
đủ thứ. Mà tăng cũng chết. Nói chung là cứ cái này dẫm đạp lên cái kia. Bạn cứ hình dung là thế này: tăng lương là xăng xe rồi mọi thứ không sớm thì muộn, tất cả cũng tăng theo.”
VnExpress dẫn lời Bộ Lao Động cho biết, mức tăng 15% căn cứ vào nghị quyết của Quốc Hội về dự toán ngân sách, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, chính sách an sinh xã hội, phù hợp chỉ số tiêu dùng cũng như cân đối ngân sách và nguồn quỹ bảo hiểm.
Đối với những người còn đang đi làm và hưởng lương cao thì theo họ mức tăng 15% “chẳng thấm tháp gì.”
Anh Nguyễn Văn Kiên, một chuyên gia làm việc trong một tập đoàn viễn thông nhà nước cho biết: “Các bạn mình còn mong rằng giá như lương nó đừng tăng và vẫn như cũ. Bởi vì tăng như thế thì ăn thua gì so với vật giá. Chẳng hạn một căn chung cư ở Hà Nội cách đây hai năm, giá chỉ 30 triệu đồng/m2 nhưng giờ đã là 60 triệu đồng/m2. Thế thì có mà đi làm cả đời cũng chẳng mua được một căn chung cư ở Hà Nội.”
Anh Kiên cho biết và than thở rằng lương tăng nhưng giấc mơ về một căn chung cư riêng cho gia đình cậu con trai lớn thì vẫn rất xa vời khi mà lương tăng một nhưng giá bất động sản và nhiều chi phí khác lại tăng phi mã.
Theo VnExpress, dự kiến tổng kinh phí tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trong nửa cuối năm 2024 là hơn 16.200 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chi 3.760 tỉ đồng cho hơn 1,3 triệu người; Quỹ Bảo hiểm xã hội chi hơn 12.500 tỉ đồng cho 2,36 triệu người.
https://www.voatiengviet.com/a/7681288.html
Việt Nam rầm rộ ra mắt đội quân trật tự trị an ở cơ sở
VOA Tiếng Việt
01/7/2024
Lực lượng an ninh cơ sở diễn tập trấn áp hành vi gây rối trật tự công cộng trong buổi lễ ra mắt lực lượng hôm 1/7 năm 2024 trước cửa chợ Bến Thành
Hàng loạt các tỉnh, thành trên khắp Việt Nam hôm 1/7 vừa ra mắt lực lượng có tên ‘lực lượng an ninh, trật tự cơ sở’ gồm hàng trăm ngàn người làm tai mắt cho công an nắm tình hình đến tận thôn, xóm, tổ dân phố để bảo vệ an ninh cho chế độ, theo tìm hiểu của VOA.
Chủ tịch nước Tô Lâm, vốn từng là người đứng đầu Bộ Công an, và các lãnh đạo khác đã tỏa đi các địa phương để tham gia lễ ra mắt lực lượng này, theo báo chí trong nước.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Tô Lâm đã chứng kiến các màn trình diễn trấn áp gây rối trật tự công cộng, trấn áp đua xe… trong buổi lễ ra mắt lực lượng này với sự tham gia của đội quân đông đảo 1.000 người trước cổng chính chợ Bến Thành, tờ Người Lao Động cho biết.
Theo tờ báo này thì lực lượng an ninh, trật tự cơ sở ở thành phố lớn nhất nước có quân số trên 15 ngàn người, chia thành gần 5.000 tổ, mỗi tổ 3 thành viên, mỗi thành viên phụ trách 900 nhân khẩu.
Lực lượng an ninh, trật tự cơ sở được tổ chức như một lực lượng dân quân, bán vũ trang trên cơ sở gộp lại ba lực lượng có sẵn là công an phường, xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng, theo đạo luật được Quốc hội thông qua hồi cuối năm 2023.
Nhiệm vụ chính được quy định của lực lượng này là hỗ trợ công an chính quy nắm rõ địa bàn phụ trách và các nhiệm vụ an ninh cơ bản như hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội, hỗ trợ tuần tra trật tự, an toàn giao thông, hỗ trợ phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ vận động người dân tham gia bảo vệ an ninh.
Người dân có thể tham gia vào lực lượng này trên cơ sở tự nguyện, được trang bị các vũ khí như dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp chống đâm, găng tay bắt dao…, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an, cho biết.
Các thành viên lực lượng này sẽ được nhận tiền bồi dưỡng tùy vào khả năng ngân sách của các địa phương, chẳng hạn như ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ được bồi dưỡng từ 6 đến 6,5 triệu đồng một tháng, theo Người Lao Động, và được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Còn tại tỉnh Đắc Lắk, Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng gọi lực lượng trên 9.000 người ở địa phương này là ‘tai, mắt’, ‘cánh tay nối dài’ của công an, tờ Tiền Phong đưa tin. Đắc Lắk là địa bàn có vị trí được ông Hùng đánh giá là ‘chiến lược’ và ‘đặc biệt quan trọng’ ở Tây Nguyên nhưng cũng tiềm ẩn bất ổn vì đã từng xảy ra cuộc tấn công đẫm máu hơn một năm trước vào trụ sở chính quyền và trụ sở công an khiến 9 người thiệt mạng,
Tại Nha Trang, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chứng kiến lễ ra mắt của lực lượng an ninh cơ sở Khánh Hòa với trên trên 2.600 thành viên, còn tại huyện Bát Xát, Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ đã ủy lạo lực lượng an ninh cơ sở của Lào Cai với gần 4.700 thành viên, cũng theo Tiền Phong.
Ngoài ra, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Cà Mau cũng nằm trong số các địa phương đã ra mắt lực lượng này vào sáng ngày 1/7. Tính tổng cộng, trên cả nước lực lượng an ninh, trật tự cơ sở có quân số gần 300.000 người, tờ báo này cho biết.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-ram-ro-ra-mat-doi-quan-trat-tu-tri-an-o-co-so/7679116.html
Không có nhận xét nào