Nguồn: Jack Detsch và Christina Lu, “Is It Too Late to Replace a Presidential Candidate?,” Foreign Policy, 28/06/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
01/7/2024
Theo các nền dân chủ khác trên thế giới thì Không.
Ngay từ tiếng chuông khai mạc cuộc tranh luận tổng thống tối thứ Năm vừa qua, cuộc tranh luận đầu tiên trong số hai cuộc tranh luận trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, Joe Biden trông đã có vẻ lơ đễnh. Giọng ông thều thào và khàn đặc – điều sau đó các nhân viên tranh cử của ông nói là do một cơn cảm lạnh không đúng lúc. Vị tổng tư lệnh 81 tuổi liên tục mất tập trung và gặp khó khăn trong việc diễn đạt các quan điểm của mình. Chỉ hơn 4 tháng nữa là đến Ngày Bầu cử, nhưng nhiều thành viên lo ngại của Đảng Dân chủ đã công khai tự hỏi liệu một người khác có nên thay thế Biden làm ứng viên của đảng hay không.
Đây không phải là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Mỹ. Năm 1968, khoảng bảy tháng trước khi cuộc bầu cử năm đó được tổ chức, Tổng thống Lyndon Johnson đã gây chấn động cả nước bằng tuyên bố từ bỏ nỗ lực tái tranh cử sau khi việc ông ủng hộ Chiến tranh Việt Nam đã khiến ông suýt mất chiến thắng bầu cử sơ bộ ở một bang quan trọng.
Tuy nhiên, ở phần lớn các nền dân chủ khác, việc thay đổi ứng viên bảy tháng trước cuộc bầu cử không phải điều kỳ lạ, và ý tưởng tổ chức một cuộc tranh luận trước Ngày Bầu cử hơn bốn tháng là điều mà chưa ai từng nghe.
Điều đó càng đặc biệt đúng ở các nền dân chủ nghị viện, nơi các cuộc bầu cử có thể được tiến hành bất cứ lúc nào nếu đáp ứng được các điều kiện cần thiết. Anh vừa có một chiến dịch kéo dài sáu tuần trong năm nay. Thời kỳ tranh cử chính thức của Mexico bắt đầu từ ngày 01/03, chỉ ba tháng trước cuộc tổng tuyển cử, giống như năm 2018. Còn các ứng viên Brazil chỉ có 2 tháng để vận động tranh cử vào năm 2022.
Mùa bầu cử kéo dài không phải là tiêu chuẩn. Ở hầu hết các quốc gia, không có cái gọi là bầu cử sơ bộ và các cuộc bầu cử lãnh đạo đảng thường diễn ra từ trước – đôi khi là trước nhiều năm. Tờ Foreign Policy đã xem xét làm thế nào một số nền dân chủ ở châu Âu, Mỹ Latinh, và châu Đại Dương có thể hoàn thành cuộc bỏ phiếu nhanh hơn nhiều so với người Mỹ.
Mùa bầu cử ngắn hơn
Trước khi một ứng viên tổng thống Mỹ tham gia tranh luận, họ phải tuyên bố tranh cử và trải qua sáu tháng bầu cử sơ bộ – bắt đầu với các bang Iowa, New Hampshire, Nevada, Florida, sau đó là các bang “Siêu Thứ Ba”.
Kế đến, khi tất cả số phiếu bầu và đại biểu được kiểm, vẫn còn 5 tháng nữa để tổ chức các đại hội đề cử của đảng, tranh luận, phát biểu, và bỏ phiếu sớm trước Ngày Bầu cử. Đó cũng chính là độ dài của 33 cuộc đua vào Thượng viện và 435 cuộc đua vào Hạ viện diễn ra mỗi hai năm một lần.
Tuy nhiên, ở những nơi khác trên thế giới, mọi chuyện không diễn ra như vậy. Ở Anh, hệ thống tương đương với hệ thống bầu cử sơ bộ kéo dài của Mỹ nhằm tìm ra các ứng viên tổng thống chính thức cho hai chính đảng lớn diễn ra rất lâu trước cuộc bầu cử. Keir Starmer được bầu vào vị trí lãnh đạo Đảng Lao động vào năm 2020. Thủ tướng Rishi Sunak lên tiếp quản Đảng Bảo thủ – và số 10 Phố Downing – vào tháng 10/2022, sau khi các đối thủ của ông rút lui.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron vừa kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội sớm vào ngày 09/06. Theo đó, bầu cử sơ bộ sẽ được gộp vào quy trình chung: vòng bỏ phiếu đầu tiên diễn ra vào Chủ nhật 30/06, sau đó là vòng bỏ phiếu phụ vào ngày 07/07 dành cho các ứng viên không giành chiến thắng với đa số hoàn toàn. Và ở nước láng giềng Đức, sau khi được đề cử, thì theo truyền thống, các ứng viên chỉ có từ 4 đến 6 tuần để triển khai chiến dịch tranh cử của mình.
Ngay cả Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới, thời gian bỏ phiếu cũng ngắn hơn Mỹ nếu cộng cả các cuộc bầu cử sơ bộ ở Mỹ. Ấn Độ đã tổ chức sáu tuần bầu cử theo từng giai đoạn vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua, và cuối cùng đưa Thủ tướng Narendra Modi trở lại nắm quyền.
Ngay phía nam nước Mỹ, ở Mexico – nơi vừa bầu ra nữ tổng thống đầu tiên, Claudia Sheinbaum – chiến dịch tranh cử chỉ được giới hạn trong thời gian ba tháng. Các ứng viên chính thức được phép bắt đầu vận động tranh cử vào ngày 01/03, trong khi cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 02/06.
Ở Brazil, thời gian tranh cử được phân bổ cho các ứng viên tổng thống thậm chí còn bị cắt ngắn hơn. Trong cuộc bầu cử gần nhất của nước này vào năm 2022, giữa Tổng thống đương nhiệm Jair Bolsonaro và cựu Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, chiến dịch tranh cử đã chính thức bắt đầu vào ngày 16/08 – cho cả hai ứng viên chưa đầy hai tháng để tập hợp sự ủng hộ trước cuộc bỏ phiếu ngày 02/10.
Hệ thống bầu cử tập trung
Dù có luật liên bang bảo vệ quyền bầu cử áp dụng cho tất cả người Mỹ bất kể họ ở đâu, nhưng bầu cử tổng thống ở Mỹ không phải là kỳ bầu cử tập trung. Các cử tri đã bỏ phiếu bầu tổng thống trong hơn 10.000 cuộc bầu cử địa phương vốn tuân theo các quy tắc do từng tiểu bang đặt ra và do chính quyền địa phương tiến hành. Điều này có nghĩa là thời điểm và cách thức bạn bỏ phiếu – và thậm chí cả việc bạn có đủ điều kiện bỏ phiếu hay không – có thể và thực sự khác nhau tùy theo từng bang, thậm chí đôi khi là theo từng hạt.
Trong khi hệ thống bầu cử của Mỹ – bao gồm cả Cử tri đoàn bầu ra tổng thống – một phần bắt nguồn từ Hiến pháp, người Anh lại không có một hiến pháp thống nhất và luật bầu cử đã được các Quốc hội liên tiếp cập nhật theo thời gian.
Nhưng mọi thứ đều được tập trung. Theo luật, Anh phải tổ chức bầu cử 5 năm một lần. Nhưng trên thực tế, thủ tướng – đồng thời là thành viên Quốc hội – có thể triệu tập một cuộc bầu cử sớm bất cứ lúc nào.
Sau khi Vua Charles III chấp thuận cho Sunak giải tán Quốc hội vào tháng 5, nội các vẫn được giữ nguyên, nhưng Hạ viện Anh đã không còn thành viên nào nữa – 650 nghị sĩ ngừng đại diện cho các quận của họ cho đến ngày 04/07, ngày bầu cử. (Sunak có thời hạn đến tháng 12 để kêu gọi một cuộc bầu cử.)
Bầu cử ở Pháp cũng được vận hành tương tự. Toàn bộ quá trình sẽ hoàn tất chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, với hy vọng rằng các cuộc đàm phán về một liên minh cầm quyền mới có thể được thực hiện kịp thời trước lễ khai mạc Thế vận hội Paris vào cuối tháng 7.
Có nhiều yếu tố khác nhau cho phép hệ thống của Pháp tiến triển nhanh hơn Mỹ, nhưng tất cả đều dựa vào việc tập trung phiếu bầu: (1) một vòng bỏ phiếu duy nhất cho bất kỳ cuộc bầu cử quốc gia nào – dù là bầu Tổng thống hay Quốc hội; (2) các cuộc bầu cử do Bộ Nội vụ Pháp trực tiếp quản lý, thay vì 50 tiểu bang và các vùng lãnh thổ khác của Mỹ, cùng với Quận Columbia, mỗi đơn vị đều có luật pháp và yêu cầu chứng nhận riêng; và (3) nước Pháp chỉ trải rộng trên một múi giờ thay vì sáu.
Ngoài ra, không có Cử tri đoàn, nghĩa là sẽ không có các cuộc kiểm phiếu kéo dài như cuộc kiểm phiếu tại Hạ viện Mỹ vào ngày 06/01/2021, vốn đã bị một đám đông ủng hộ Trump phá hoại. Trên thực tế, người Pháp đã có kết quả dự đoán gần như ngay lập tức sau khi bỏ phiếu, và sau đó chỉ chứng nhận lại.
Hạn chế ngân sách tranh cử
Ở Mỹ, quảng cáo chính trị có mặt ở khắp mọi nơi – nhiều đến mức các thành viên Quốc hội thường dành nhiều thời gian tại các ủy ban đảng của họ để kiếm tiền cho việc quảng cáo, hơn là làm việc trong văn phòng quốc hội để soạn thảo luật pháp. Các ứng viên phải đối mặt với giới hạn quyên góp, nhưng họ không bị ràng buộc bởi bất kỳ hạn chế nào về số tiền họ có thể chi tiêu. Các ứng viên tổng thống Mỹ đã huy động được gần 4 tỷ USD vào năm 2020.
Trong một cuộc họp phổ biến thông tin gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ray La Raja, giáo sư tại Đại học Massachusetts Amherst, nhận xét “Tác động của việc không có giới hạn chi tiêu là khá sâu rộng. Khi không có giới hạn, các chính trị gia có động lực để huy động nhiều tiền hơn, và sau đó, nhiều nhóm khác cũng tham gia vì họ có thể chi tiêu không giới hạn.”
Dù một số quốc gia cũng có chính sách cho ngân sách bầu cử tương tự như Washington, nhưng nhiều quốc gia khác lại áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với số tiền quyên góp lẫn chi tiêu chính trị của các ứng viên, bao gồm Pháp, Bỉ, Canada, Chile, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, và Slovenia. Một số quốc gia khác nữa, bao gồm Anh, Hungary, Ý, New Zealand, và Slovakia, thì hạn chế chi tiêu, nhưng không đặt ra hạn chế nào đối với khoản quyên góp mà ứng viên có thể nhận được.
Những chính sách này thường gắn liền với thời gian vận động tranh cử của một quốc gia. Ví dụ, ở Anh, một lý do khiến các cuộc bầu cử ở nước này diễn ra nhanh chóng là do hạn chế đối với số tiền có thể chi cho các chiến dịch tranh cử.
Đảng Lao động, Đảng Bảo thủ, và các đảng chính trị khác chỉ có thể chi khoảng 70.000 USD cho mỗi ghế quốc hội mà họ muốn tranh cử – nghĩa là nếu muốn giành chiến thắng ở tất cả 632 khu vực bầu cử, họ phải chi tổng cộng khoảng hơn 58 triệu USD, tính cả chi phí trung bình cho mỗi ứng viên. Con số này cũng tăng theo lạm phát, nhưng nó sẽ giảm khi cuộc bỏ phiếu đến gần hơn.
Ở Pháp, luật pháp giới hạn tổng số tiền mà các ứng viên tổng thống có thể chi tiêu, và chính phủ có thể trả lại tối đa một nửa số tiền chi tiêu cho chiến dịch tranh cử – với ý tưởng giới hạn số tiền quyên góp của cá nhân. Phán quyết Citizens United của Tối cao Pháp viện Mỹ đã cho phép các nhà tài trợ ẩn danh quyên góp số tiền không giới hạn cho cái gọi là siêu PAC, viết tắt của ủy ban hành động chính trị, nhưng luật ngân sách tranh cử lại cấm các hành động tương tự ở nhiều quốc gia châu Âu.
Tất cả những điều này có nghĩa là, xét theo tiêu chuẩn toàn cầu, các mùa tranh cử ở Mỹ đang kéo dài một cách bất thường. Ở nhiều quốc gia, thời gian chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử – hoặc bầu cử lãnh đạo đảng – là một quá trình diễn ra trong vài tuần chứ không phải vài tháng, gây khó khăn cho việc thay đổi ứng viên trong mùa bầu cử nóng bỏng. Nhưng tại Mỹ, vẫn còn khá nhiều thời gian trước cuộc bầu cử tháng 11 để các đảng thay đổi quan điểm về ứng viên của mình.
https://nghiencuuquocte.org/2024/07/01/da-qua-tre-de-thay-the-ung-vien-tong-thong-my/#more-57111
Không có nhận xét nào