Putin sang Việt Nam để tạo liên minh các bạo chúa?!
Dân Trần/VNTB
Lương Tam Quang sẽ vào bộ chính trị ngay trong năm nay
Chánh Thành/VNTB
26/6/2024
(VNTB) – Liên minh này giữa những bạo chúa này sẽ là đối trọng của nền dân chủ tiến bộ thế giới
Putin đã kết thúc chuyến thăm Việt Nam với 11 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước. Đồng thời đã có hai cuộc gặp quan trọng với hai người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam hiện nay là Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm. Những văn bản này có lẽ chỉ là chất xúc tác cho mối quan hệ giữa hai bên, chứ thật ra không có những ràng buộc rõ ràng. Về 11 văn kiện này, người viết đã phân tích tại bài viết “Hiệp định Việt – Nga: ký cho vui chứ chẳng ý nghĩa gì“.
11 văn kiện này chỉ là cái cớ để Putin củng cố mối quan hệ Nga-Việt trong bối cảnh Nga đang sa lầy trong cuộc chiến tại Ukraine, trong khi Việt Nam thì đang tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ và phương Tây. Sa lầy tại Ukraine thì Putin phải kết thêm bạn để bớt thù. Trong khi đó, chỉ chưa đầy nửa năm, Việt Nam đã ký hiệp định đối tác chiến lược với 3 nước Mỹ, Nhật, Úc, đây là những nước phản đối hành vi xâm lược của Nga mạnh mẽ nhất. Rõ ràng ông Putin có lý do để lo lắng về quan điểm ngoại giao của những lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Năm ngoái tổng thống Biden sang tận Việt Nam để ký hiệp định đối tác chiến lược toàn diện. Còn ông Tập Cận Bình cũng vừa có chuyến thăm Việt Nam cuối năm ngoái. Chứng tỏ các nước lớn đang rất quan tâm Việt Nam, các lãnh đạo cộng sản tại Hà Nội cũng đang rất hãnh diện về điều này. Putin cũng phải qua Việt Nam để giữ thắt chặt quan hệ với các lãnh đạo cộng sản Hà Nội.
Nhưng chuyến vi hành của Putin lần này không chỉ là vận động hành lang, để có thêm một đối tác ủng hộ trong liên minh các nước độc tài, mà Putin còn muốn nắm bắt thực trạng chính trị Việt Nam xem ai mới là người đứng đầu thực sự tại Hà Nội.
Chuyến đi này được thực hiện ngay sau khi Putin thăm Tập Cận Bình và Kim Jong Un. Hai nhà độc tài tàn bạo nhất Đông Á hiện nay và cũng nắm toàn quyền kiểm soát quốc gia tại hai nước này. Trong khi Putin cũng là một bạo chúa tại Nga, liên minh này giữa những bạo chúa này sẽ là đối trọng của nền dân chủ tiến bộ thế giới. Nếu có thêm một bạo chúa tại Việt Nam thì càng củng cố thêm sự hiểm độc của liên minh.
Nhưng với việc liên tiếp thay đổi chủ tịch nước và các lãnh đạo cao cấp nhất trong nội bộ đảng cộng sản, tình hình chính trị Việt Nam đang rất khó đoán khi bất cứ thế lực nào cũng có thể bị lật đổ bất kỳ lúc nào. Putin buộc phải sang tận nơi để thăm dò, biết thực hư về tình hình của các thế lực tại Việt Nam. Từ đó xác định xem ai đang nắm thực quyền để có chiến lược ngoại giao lâu dài.
Sau khi chứng kiến tình hình sức khoẻ của Nguyễn Phú Trọng và uy quyền của Tô Lâm, chắc chắn Putin đã biết đất nước Việt Nam đang nằm trong tay ai. Một điểm tương đồng của Tô Lâm và Putin là đều có xuất thân từ tình báo, an ninh. Putin từng là giám đốc tổng cục an ninh Liên bang Nga, còn Tô Lâm thì từng là Tổng cục trưởng tổng cục an ninh Việt Nam. Có lẽ không cần phải phân tích về độ tàn ác của kẻ độc tài này.
Giờ đây, liên minh các bạo chúa đã có thêm Tô Lâm đứng sau Kim Jong Un, Tập Cận Bình và Putin, chưa kể tổng thống Belarus, Lukashenko, một đồng minh thân cận của Putin. Nếu thời gian tới Tô Lâm thống nhất hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước thì càng củng cố thêm khối độc tài Đông Á. Liên minh độc tài của Nga và Belarus lại có sự kết hợp với cộng sản Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên thì chắc chắn sẽ là một khối vững chắc hơn so với khối BRICS hữu danh vô thực hiện nay.
Tuy nhiên, liên minh này cũng khó mà bền vững. Khi mà nền kinh tế của các nước cộng sản hiện đang căng như bong bóng, có thể nổ bất cứ lúc nào, còn Nga và Belarus thì đang kiệt quệ trong cuộc chiến tại Ukraine. Đó là chưa nói tới những tranh chấp tại biên giới Nga-Trung, Trung-Việt. Không có sự đoàn kết mà chỉ mong trục lợi lẫn nhau thì nếu Putin hoặc Tập có ý định lãnh đạo liên minh hợp tung chống Mỹ và đồng minh thì chắc chắn không thể nắm phần thắng. Nhưng khi chiến sự xảy ra, khổ nhất vẫn là người dân.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
https://vietnamthoibao.org/vntb-putin-sang-viet-nam-de-tao-lien-minh-cac-bao-chua-nga/
Lương Tam Quang sẽ vào bộ chính trị ngay trong năm nay
Chánh Thành
26/6/2024
(VNTB) – Để củng cố thế lực của mình, Tô Lâm sẽ phá vỡ mọi quy tắc để đưa cho bằng được người thân tín vào bộ chính trị
Các phe phái hiện tại trong bộ chính trị
Bộ chính trị là cơ quan quyền lực nhất trong hệ thống cầm quyền của đảng cộng sản với khoảng trên dưới 15 người nắm trọn sinh mệnh của hơn 100 triệu dân Việt Nam. Trước đây cơ quan này khá đoàn kết để giữ gìn bộ mặt của đảng. Ngay cả lúc phe Nguyễn Tấn Dũng tranh đấu quyết liệt với phe Nguyễn Phú Trọng thì họ vẫn chừa cho nhau con đường “hạ cánh an toàn”.
Nhưng từ lúc Trần Đại Quang bỗng dưng chết bất đắc kỳ tử thì mọi chuyện đã thay đổi chóng mặt. Các phe phái triệt hạ nhau không từ một thủ đoạn nào. Từ việc lập trang web, trang mạng xã hội vạch mặt lẫn nhau, tới lợi dụng cái “lò ông Trọng” để thanh trừng đối thủ. Bây giờ có thể thấy bộ chính trị được chia làm 4 phe: phe ông Trọng, phe quân đội, phe chính phủ của Phạm Minh Chính, phe Tô Lâm.
Tô Lâm đã lộ rõ mưu đồ muốn thống nhất quyền lực để trở thành lãnh đạo tối cao tại Việt Nam. Quân đội và chính phủ có phần nghiêng về Tô Lâm trong khoảng thời gian gần đây. Trong khi đó, vây cánh của ông Trọng vẫn còn đông và vẫn chưa hoàn toàn bị phe Tô Lâm khuất phục.
Đặc biệt là các uỷ viên bộ chính trị có nguồn gốc từ khu vực Nghệ An – Hà Tĩnh như Phan Đình Trạc (trưởng ban nội chính), Trần Cẩm Tú (Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trung ương), Nguyễn Xuân Thắng (chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương), Lê Minh Hưng (Trưởng ban tổ chức trung ương).
Chiến lược liên minh và triệt hạ đối thủ của Tô Lâm
Để cân bằng lực lượng với phe Nghệ Tĩnh này, một mặt Tô Lâm phải liên minh với nhóm quân đội của Phan Văn Giang, Lương Cường và chính phủ của Phạm Minh Chính; một mặt phải triệt hạ bớt các đối thủ; và cuối cùng là đưa các đệ tử ruột vào bộ chính trị.
Đối với phe quân đội, bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang gần như im hơi lặng tiếng, còn Lương Cường thì vừa được trám vào vị trí của Trương Thị Mai. Tô Lâm có thể hoàn toàn yên tâm với phe này, khi kẻ thì toạ sơn quan hổ đấu, người thì mới chân ướt chân ráo trong vai trò mới.
Trong khi đó, phe chính phủ của Phạm Minh Chính vốn có gốc từ công an (ông Chính mang hàm trung tướng và từng là thứ trưởng bộ công an). Ông Chính chắc chắn phải bắt tay với Tô Lâm để yên vị nếu không muốn trở thành cái trụ thứ 3 bị trảm sau Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ.
Còn với phe Nghệ – Tĩnh, sau khi hạ bệ Vương Đình Huệ (gốc Nghệ An) thì thân tín của ông Huệ trong bộ chính trị là Đinh Tiến Dũng cũng vừa bị Tô Lâm cho về vườn. Phan Đình Trạc (đồng hương Nghệ An với Huệ) cũng vừa bị Tô Lâm dằn mặt với việc cách chức phó trưởng ban nội chính Nguyễn Văn Yên. Cần biết rằng Nguyễn Văn Yên là cánh tay đắc lực của Phan Đình Trạc trong suốt hơn 10 năm ông Trạc làm thủ trưởng tại ban nội chính trung ương.
Lê Minh Hưng (quê Hà Tĩnh) thì mới được bổ sung vào bộ chính trị. Còn Nguyễn Xuân Thắng (quê Nghệ An) thì chỉ là chủ tịch hội đồng lý luận trung ương, không phải là một thế lực mạnh. Phe Nghệ – Tĩnh có lẽ chỉ còn Trần Cẩm Tú là người có tiếng nói nhất chưa bị Tô Lâm đụng tới.
Đưa đệ tử vào bộ chính trị
Muốn khống chế đối thủ và duy trì quyền lực của mình một vững chắc, Tô Lâm cần phải nhanh chóng đưa những đệ tử ruột của mình vào bộ chính trị. Người đầu tiên chắc chắn phải là Lương Tam Quang.
Ngay từ đầu, Nguyễn Phú Trọng đã muốn đưa Phan Đình Trạc vào ghế này, với ý đồ đưa Tô Lâm theo con đường của Trần Đại Quang (từ bộ trưởng bộ công an lên chủ tịch nước và chết giữa nhiệm kỳ). Còn Lương Tam Quang thì không đủ tiêu chuẩn làm bộ trưởng bộ công an. Vì từ năm 1975 tới nay, chỉ có uỷ viên bộ chính trị mới có thể lên làm bộ trưởng bộ công an.
Bởi vậy Tô Lâm mới phải triệu tập cuộc họp các giám đốc công an tỉnh để ủng hộ cho Lương Tam Quang thắng được Phan Đình Trạc. Có thể thấy, việc Lương Tam Quang trở thành bộ trưởng bộ công an hoàn toàn nhờ vào sự hỗ trợ của Tô Lâm.
Ngoài ra, quy định 214 năm 2020 của bộ chính trị thì Lương Tam Quang cũng không thể làm uỷ viên bộ chính trị vì ông Quang chưa từng làm qua các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc trưởng các ban, bộ, ngành. Ông Quang cũng chưa đủ một nhiệm kỳ chính thức trong ban chấp hành trung ương đảng.
Nhưng một khi Tô Lâm đã muốn, thì không quy định nào là không thể sửa. Không cần vào bộ chính trị, Lương Tam Quang vẫn được lên làm bộ trưởng bộ công an được. Thì bây giờ chuyện phá lệ cho Lương Tam Quang vào bộ chính trị là chuyện dễ dàng thôi. Chẳng ai dám lên tiếng phản đối.
Trước Tô Lâm, Trần Đại Quang cũng từng là bộ trưởng bộ công an rồi lên làm chủ tịch nước, và bất ngờ “nhiễm vi-rút lạ” rồi mất mạng. Bài học của Trần Đại Quang chắc chắn đã đem lại nhiều kinh nghiệm cho các lãnh đạo tiếp nối. Cho nên việc điều động thuộc cấp củng cố thế lực với Tô Lâm là vô cùng quan trọng.
Sau khi đưa Lương Tam Quang vào bộ chính trị, có thể nhiệm kỳ sau Tô Lâm sẽ đưa một thân tín khác là thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc lên tiếp. Nguyễn Duy Ngọc vừa thay Lê Minh Hưng giữ ghế Chánh văn phòng trung ương Đảng thì không có lý do gì Ngọc không thể vào bộ chính trị để tiếp thêm vây cánh cho Tô Lâm.
Trên bước đường thâu tóm quyền lực, Tô Lâm đã gây thù chuốc oán với rất nhiều người, nên sắp tới, Tô Lâm có thể điều động Tô Ân Xô, một cánh tay đắc lực khác, về văn phòng chủ tịch nước để có thể tháp tùng và bảo vệ Tô Lâm trước các âm mưu tấn công hoặc hạ độc của các đối thủ.
Những tính toán này không chỉ củng cố thế lực cho Tô Lâm, liên minh hay triệt hạ đối thủ. Mà còn từng bước biến Tô Lâm thành kẻ độc tài nhất Việt Nam từ sau thời Lê Duẩn tới nay.
https://vietnamthoibao.org/vntb-luong-tam-quang-se-vao-bo-chinh-tri-ngay-trong-nam-nay/
Không có nhận xét nào