Header Ads

  • Breaking News

    Biển Đông: Va chạm tàu Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây ...

     Biển Đông: Va chạm tàu Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây, vì sao tổng thống Philippines ‘chậm trễ’ lên tiếng?

    BBC News

    25/6/2024


    Chụp lại hình ảnh, Phản ứng của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr về vụ va chạm ngày 17/6 được cho là “chậm trễ”, đồng thời thế hiện “lập trường thận trọng” của Philippines.

    24 tháng 6 2024

    Vụ va chạm giữa cảnh sát biển Trung Quốc và hải quân Philippines xảy ra ngày 17/6 tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) cho thấy những phản ứng khác nhau từ chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.

    Hôm 24/6, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro rằng Philippines sẽ tiếp tục các nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội tại Bãi Cỏ Mây, bất chấp việc cảnh sát biển Trung Quốc gây khó dễ cho công tác này vào tuần trước.

    "Đây không phải là sự hiểu lầm hay tai nạn," ông Teodoro nói trong một cuộc họp báo tại phủ tổng thống.

    "Chúng tôi không coi nhẹ sự cố này. Đó là một hành động sử dụng vũ lực một cách hung hăng và bất hợp pháp," ông nói thêm.

    Chỉ trước đó hai ngày, hôm 22/6, Thư ký điều hành Lucas Bersamin, người đại diện của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, nói hoàn toàn trái ngược.

    Ông Lucas Bersamin nói rằng vụ va chạm này nhiều khả năng là "hiểu nhầm hoặc sự cố".

    "Chúng tôi chưa coi sự việc là cuộc tấn công vũ trang. Tôi cho rằng đó là vấn đề có thể dễ dàng giải quyết. Nếu Trung Quốc muốn phối hợp, Philippines sẵn sàng làm việc với họ," ông Bersamin nói.

    Theo hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Philippines nếu quân nhân, tàu hay phi cơ của Philippines bị tấn công vũ trang ở bất cứ khu vực nào trên Biển Đông.

    Hôm 17/6, tàu hải quân Philippines làm nhiệm vụ tiếp tế gần Bãi Cỏ Mây đã có vụ va chạm với cảnh sát biển Trung Quốc. 

    Tàu hải quân Philippines lúc đó đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho chiếc tàu BRP Sierra Madre cũ nát, được Manila sử dụng như tiền đồn ở Bãi Cỏ Mây.

    Vụ va chạm, mà quân đội Philippines gọi là “cú đâm tốc độ cao có chủ đích” của cảnh sát biển Trung Quốc trong một nỗ lực ngăn chặn nhiệm vụ tiếp tế tới Bãi Cỏ Mây, đã khiến một thủy thủ Philippines bị thương.

    Người phát ngôn quân đội Philippines cho biết thủy thủ này đã bị mất một ngón tay và đang hồi phục trong bệnh viện.

    Trong khi đó, Bắc Kinh cáo buộc tàu của Philippines đã “phớt lờ những cảnh báo nghiêm trọng nhiều lần của Trung Quốc… và cố tình tiếp cận tàu Trung Quốc một cách thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến vụ va chạm” và tuyên bố “Philippines hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này”.

    Phản ứng ‘chậm chạp’ của tổng thống Philippines

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr từng nhắc tới "lằn ranh đỏ" của Philippines với hải cảnh Trung Quốc trong những vụ va chạm trên Biển Đông, ảnh chụp tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 31/5/2024

    Chủ nhật ngày 23/6, tức gần một tuần sau khi vụ xô xát xảy ra, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr nói rằng Philippines không có ý định gây chiến và luôn mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

    Tổng thống Marcos Jr nói: “Trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa, hoặc cố tình gây thương tích hoặc tổn hại cho bất kỳ ai”.

    Ông không nêu tên Trung Quốc trong bài phát biểu của mình.

    Theo bài viết ngày 24/6 trên South China Morning Post (SCMP), phản ứng của ông Marcos Jr được cho là “chậm trễ”, đồng thời thế hiện “lập trường thận trọng” của Philippines.

    Vì sao Philippines, nước vốn được nhìn nhận là có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, lại có sự chậm trễ này?

    Bài viết trên SCMP dẫn đánh giá của các nhà quan sát cho rằng ông Marcos Jr đang cố gắng giảm nhẹ tính nghiêm trọng của cuộc đụng độ ngày 17/6 nói trên, tránh đề cập đến phản ứng của các bên cũng như “lằn ranh đỏ” có thể khiến căng thẳng leo thang.

    “Lằn ranh đỏ” ở đây là nói tới định nghĩa ông Marcos Jr nêu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore khi trả lời câu hỏi về "lằn ranh đỏ" với hải cảnh Trung Quốc trong những vụ va chạm trên Biển Đông.

    Khi đó, ông Marcos Jr đã cảnh báo hành động khiến công dân Philippines thiệt mạng trong các vụ chạm trán ở Biển Đông sẽ là "lằn ranh đỏ" gần với việc tuyên chiến.

    Quay lại bài viết nói trên của SCMP, ông Matteo Piasentini, nhà phân tích an ninh từ ban Trung Quốc và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Geopolitica, một tổ chức nghiên cứu của Ý, đánh giá rằng Manila đang ở thế khó.

    "Theo tôi, khoảng thời gian mà tổng thống đưa ra phản hồi có thể là một nỗ lực hạ nhiệt tình hình, cũng như để tránh nói về các phản ứng và “lằn ranh đỏ” – những điều sẽ không có lợi cho bất cứ ai vào thời điểm này, đồng thời tái khẳng định lập trường của mình,” ông Piasentini nêu.

    Trong khi đó, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. 

    Mới đây, trong chuyến công du tới Hà Nội vào hai ngày 21-22/6, ông Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink đã nói rằng tình hình ở Biển Đông rất đáng lo ngại và cho biết các hành động gần đây của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp là "gây bất ổn sâu sắc"

    “Chúng tôi cho rằng các hành động của Trung Quốc, đặc biệt là các động thái gần đây của nước này xung quanh Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đối với Philippines, là vô trách nhiệm, hung hăng, nguy hiểm và gây bất ổn sâu sắc,” Reuters dẫn phát biểu của ông Kritenbrink trong cuộc họp báo ở Hà Nội.

    Thời điểm diễn ra vụ xô xát, Mỹ cũng đã lên tiếng đứng về phía Philippines.

    Đại sứ Mỹ tại Philippines, MaryKay Carlson, lên án các hoạt động "hung hăng, nguy hiểm" của Trung Quốc trên X (Twitter), cho biết vụ va chạm đã "gây thương tích về người".

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án những hành động mà họ gọi là "leo thang và vô trách nhiệm" của Trung Quốc.

    Việt Nam và Philippines nên hợp tác

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Đội bảo vệ bờ biển Philippines và các nhà báo chứng kiến ​​cảnh một tàu cảnh sát biển Trung Quốc di chuyển theo cách gây nguy hiểm cho tàu tiếp tế dân sự Unaizah của Philippines trong một nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên tại Bãi Cỏ Mây.

    Việt Nam và Philippines là hai trong số các quốc gia có nhiều tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc.

    Ngay trước chuyến công du của ông Kritenbrink đến Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cho biết sẵn sàng đàm phán với Philippines sau khi Philippines đệ trình Báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa ở Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định "Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước".

    Vào đầu tháng 5/2024, tờ Inquirer của Philippines tường thuật nhận định của các học giả tại một viện nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Philippines và Việt Nam nên củng cố hợp tác nhằm bảo vệ lợi ích chung trước những "hoạt động cưỡng ép" của Trung Quốc ở Biển Đông.

    Giáo sư Alexander L Vuving từ DKI APCSS nhận xét Việt Nam và Philippines là hai quốc gia dễ bị tổn thương bởi chính sách "chia để trị" của Trung Quốc.

    "Là những quốc gia nhỏ hơn, Philippines và Việt Nam nên hợp tác để giảm bớt sự chênh lệch quyền lực với Trung Quốc. Hai nước có thể chia sẻ kinh nghiệm và các cách thức hiệu quả nhất để chống lại hành động cưỡng ép," ông Vuving nói.

    Vào tháng 1/2024, Giáo sư Vuving từng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng:

    “Chiến lược tốt nhất của Trung Quốc là ‘tằm ăn dâu’, tức là dần dần đẩy đuổi Việt Nam và Philippines… rồi biến thành điều gọi là ‘bình thường mới’, và dần dần ép các nước chấp nhận thực tế mới của Trung Quốc. Đây là chiến lược tương đối hữu hiệu của Trung Quốc.”

    Mặc dù theo nhiều nhà quan sát, hai nước đều xem Trung Quốc là mối đe dọa chung trên Biển Đông, nhưng nhiều người Philippines cũng coi Việt Nam như một "kẻ thù" khác.

    Trên báo The Manila Times ngày 10/6, nhà hoạt động và bình luận viên người Philippines Rigoberto D. Tiglao mô tả Việt Nam là “mối đe dọa khác ở Biển Đông”, viện dẫn các hoạt động bồi đắp đảo của Việt Nam.

    Tuy nhiên, ông John Bradford, Giám đốc điều hành Hội đồng Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Yokosuka, nhận định trong bài viết ngày 20/6 của SCMP rằng hoạt động xây đảo của Việt Nam không phải là mối đe dọa trực tiếp đến chủ quyền của Manila, và rất khó có khả năng quan hệ Philippines - Việt Nam sẽ leo thang thành khủng hoảng.

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clkkkderxdzo


    Không có nhận xét nào