Header Ads

  • Breaking News

    Vũ Thế Thành - Trả súng đạn này

    01/5/2024

    " Vậy mà bốn mươi năm trôi qua rồi. Chiều nay tình cờ xem 55 năm nhìn lại, đôi khi phải bám chặt tay vào thành ghế… Biết bao tâm tư chất chứa, cũng muốn một lần trải lòng, nhưng rồi thấy bà Dương Nguyệt Ánh đã ‘giành’ nói hết cả rồi, nói từ năm, sáu năm trước, nói ngắn, gọn và đủ. Nói cả những điều nhỏ nhặt mà lịch sử đã quên, đang quên và có lẽ cũng sẽ quên luôn: Người lính ra trận với vũ khí kém cỏi. Lỡ thua thì bị chê bai, nhưng nếu thắng thì chỉ những người bạn lớn được nói đến. Tủi quá! Xin cám ơn bà.

    Đã “sạch nợ sông núi rồi”. Mệnh Trời bắt thế, chỉ là lực bất tòng tâm thôi. Đâu cần phải đấm ngực Mea culpa… Mea culpa… Cái đó nên dành cho những chính khách salon, những người tinh hoa, những kẻ ba rọi. Sự thật là sự thật. Người lính bên nào lại chẳng đau, mỗi bên đau mỗi kiểu. Cuộc chiến tàn rồi. Ván cờ thế bày ra, không có cửa cho những tay chơi cờ thí chốt".


     Chuyện hôm nay mau quên, chứ chuyện ngày xưa lại nhớ dai.

    Tác giả tự sự: Tôi viết bài này cách nay 9 năm, định đưa vào tập tùy bút “Sài Gòn một góc ký ức”, nhưng không sao biên tập cho “tế nhị” hơn được, đành tự ý rút ra.

    Trong dòng ký ức của “mọi thứ như mới đâu đây, tưởng như chạm tay vào được. Hai mươi năm trước, cha bỏ xứ ra đi. Hai mươi năm sau, con bỏ nước ra đi. Bỏ đi không đành, con ngu hơn cha. Bây giờ con ngồi lẩn thẩn”, Vũ Thế Thành viết…

    Tôi có thể ngồi đồng cả ngày trên mạng, nhảy tường lửa, đọc tài liệu, đọc báo nhăng nhít, nhưng chưa bao giờ xem/nghe trọn một chương trình ca nhạc, dù là ở nhà hay trên những chuyến xe đò đường dài. Xem không trọn chỉ vì ngủ… gật, đúng hơn, trình độ thưởng thức của tôi chỉ tới cỡ đó. Vậy mà chiều nay tôi đã xem trọn một chương trình ca nhạc.

    Ở Việt Nam, các DVD ca nhạc hải ngoại Thuý Nga Paris, Vân Sơn… dễ kiếm, nhưng Asia thì khó. Asia ‘phản động’ lắm, lỡ bị phát hiện, sẽ bị tịch thu cả xe, hết đường sống, những người bán DVD dạo nói thế.

    Nhưng bây giờ, chỉ cần một media hub, người ta có thể tải từ internet đủ loại chương trình giải trí để xem qua TV. Ngủ gật cũng sướng như ăn vụng. Thỉnh thoảng tôi cũng click đại một liveshow nào đó để ru mình ngủ… gật. Và chiều nay, tôi muốn ngủ gật với Asia, để xem ‘phản động’ tới đâu. Tôi chọn chủ đề  55 năm nhìn lại  vì đoán là nói miền Nam từ thời di cư 54.

    Không chỉ là chương trình ca nhạc, mà đan xen vào đó là những thước phim tài liệu, những hình ảnh năm xưa, khỏi cần thuyết minh, tôi cũng nhớ ra gần hết. Chuyện hôm nay mau quên, chứ chuyện ngày xưa lại nhớ dai. Con tàu há mồm Passage to Freedom, Đệ nhất, Đệ nhị Cộng hoà, kinh tế, giáo dục, văn hoá, mùa hè đỏ lửa, đại lộ kinh hoàng… Mọi thứ như mới đâu đây, tưởng như chạm tay vào được. Hai mươi năm trước, cha bỏ xứ ra đi. Hai mươi năm sau, con bỏ nước ra đi. Bỏ đi không đành, con ngu hơn cha. Bây giờ con ngồi lẩn thẩn.

    Nhiều bản nhạc từ lâu lắm rồi, bây giờ mới nghe lại. Nghe lại mà có thể hát theo trong đầu được. Những ca khúc thanh bình thuở xưa đó, ngày trước nghe hờ hững, bây giờ lại thấy hay. Dĩ vãng sao êm đềm quá!

    “Trả súng đạn này, khi sạch nợ sông núi rồi. Anh trở về quê, trở về quê, tìm tuổi thơ mất năm nao…”

    Chưa bao giờ tôi nghe “Một mai giã từ vũ khí” với một cảm xúc ngậm ngùi như thế, như nuốt từng lời ca tiếng nhạc vào tim óc.

    Chương trình này cũng khéo ‘dụ’ được bà Dương Nguyệt Ánh làm MC. Cho dù là kịch bản đi nữa, thì MC Dương Nguyệt Ánh giống như nhà toán học có khiếu làm thơ: ngôn ngữ chắc nịch và giọng nói biểu cảm.

    Tôi cũng lần đầu nhìn lại nhiều khuôn mặt ca sĩ quen thuộc. Cận cảnh mới thấy thời gian nghiệt ngã. Son phấn không thể cứu vãn, kỹ thuật âm thanh cũng bó tay. Khi giọng hát vút lên đuối hơi, những đường gân hiện trên cổ thấy rõ. Con tằm đang nhả những sợi tơ cuối cùng cho đời…

    Tôi đọc đâu đó, có lần ông bác sĩ kiêm ca sĩ Trung Chỉnh phải nhảy trực thăng xuống vùng chiến sự để cấp cứu. Ông nhảy thoát được, nhưng túi đồ nghề thuốc men bị bắn bể. Ông y sĩ đành lấy tiếng hát thay thuốc men để làm dịu cơn đau của thương binh. Chuyện thật bao nhiêu phần trăm không rõ, nhưng thiệt đậm ‘chất người’ giữa làn ranh sống chết.

    Thời gian cứ thế trôi ngược theo hình ảnh và âm thanh…

    *

    Những ngày sau 75, nếu chết chưa chắc là hết, thì sau khi chết, tôi sẽ không quên được cảnh tượng các em thiếu niên đi tịch thu sách vở ‘đồi truỵ phản động’, quẳng rầm rầm lên xe ba gác, như chuyển hết căm thù vào đó, vừa quăng vừa dạy đời người lớn.

    Hai mươi năm sau, tôi sống lại cảm giác này khi đọc “Sống và chết ở Thượng Hải” của Trịnh Niệm. Người đàn bà cứng cỏi này, dù bị áp lực, ngược đãi tới đâu, cũng nhất định không nhận tội ‘phản động’, nhưng đã phải cuống quýt van nài bọn Hồng vệ binh, xin hãy tịch thu hết bộ sưu tập đồ cổ tranh quý của bà, nhưng đừng đập phá, dày xéo chúng. Cái cảm giác lạnh buốt chạy dọc theo sống lưng…

    Vài năm trước, một đạo diễn trẻ, bà Lê Phong Lan làm bộ phim tài liệu để chứng minh thảm sát Mậu Thân ở Huế chỉ là xuyên tạc. Và mới đây, phó giáo sư tiến sĩ sử học Vũ Quang Hiển, trả lời phỏng vấn đài BBC: làm gì có chuyện ngược đãi tù đày những người thua cuộc sau 75, chỉ là tập trung học tập cải tạo cho thông đường lối chính sách, thế thôi.

    Nhiều người hải ngoại phản ứng gay gắt. Tôi thì quen rồi. Những điều ‘vẫn thế’ như bao điều ‘vẫn thế’ ở đất nước này. Trước họ còn những G. Porter (Mỹ) chứng minh (bằng cách ‘chặt chém’ số liệu của người khác) rằng, thảm sát Mậu Thân chỉ là chuyện bôi nhọ. Lùi lại hơn chục năm, vị giáo sư này cũng cho rằng, xử chết ‘quá tay’ trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc cũng là chuyện bôi nhọ luôn. Nhà báo W. Burchett (Úc) đã từng ‘đi dạo’ ở Củ Chi thập niên 60 để viết bình luận, cũng lại là người hết lời ca tụng ‘Bước đại nhảy vọt’ và ‘Đại cách mạng văn hoá’ của Mao Trạch Đông. Thế đấy!

    Tôi phục họ. Bước ra khỏi ranh giới của nhân cách, đâu phải ai cũng dám làm.

    Lịch sử có thể được nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau, nhưng sự thật lịch sử thì chỉ có một. Nhân chứng còn đó, lịch sử vẫn còn đó.

    Bây giờ, những ngày cuối tháng Tư này, nơi đây đốt pháo hoa ăn mừng. Bên kia cúi đầu tưởng niệm. Triệu người vui, triệu người buồn. Vui nhiều kiểu, mà buồn chỉ một kiểu. Vui vì tự hào là người chiến thắng. Buồn thì chưa chắc đã vì chiến bại, mà hậu quả chiến bại thì đúng hơn. Bốn mươi năm rồi chứ đâu ngắn ngủi. Về kinh tế, chỉ cần nhìn qua các nước lân cận cũng đủ thở dài rồi. Giáo dục thúc đẩy bản năng nhiều hơn, cướp giựt chợ hoa, leo rào bơi miễn phí… Mỗi năm khoảng năm ngàn phụ nữ Việt bị đưa qua Malaysia và Singapore bán dâm. Đó là con số chính thức, thực tế nhiều hơn. Và đó cũng chỉ mới nói đến hai thị trường, còn Campuchia, Thái Lan, và nhất là Trung Quốc, còn nhiều hơn nữa.

    Nhưng cũng có những niềm vui vô tư vì ‘ngày giải phóng’ là ngày nghỉ dài, đi chơi thỏa thích. Rồi cũng có những nỗi buồn lẩm cẩm với quá khứ, nằm nhà nghe nhạc. Vui buồn, hiểu theo nghĩa tuyệt đối, thì mỗi năm sẽ thêm triệu triệu người vui. Còn buồn, thì vài ngàn, vài trăm, rồi vài chục, chỉ còn tí tẹo. Đất nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất nhì thế giới là thế. Ngẫm lại mới thấy hội chứng Stockholm thiệt éo le!

    *

    Vậy mà bốn mươi năm trôi qua rồi. Chiều nay tình cờ xem 55 năm nhìn lại, đôi khi phải bám chặt tay vào thành ghế… Biết bao tâm tư chất chứa, cũng muốn một lần trải lòng, nhưng rồi thấy bà Dương Nguyệt Ánh đã ‘giành’ nói hết cả rồi, nói từ năm, sáu năm trước, nói ngắn, gọn và đủ. Nói cả những điều nhỏ nhặt mà lịch sử đã quên, đang quên và có lẽ cũng sẽ quên luôn: Người lính ra trận với vũ khí kém cỏi. Lỡ thua thì bị chê bai, nhưng nếu thắng thì chỉ những người bạn lớn được nói đến. Tủi quá! Xin cám ơn bà.

    Đã “sạch nợ sông núi rồi”. Mệnh Trời bắt thế, chỉ là lực bất tòng tâm thôi. Đâu cần phải đấm ngực Mea culpa… Mea culpa… Cái đó nên dành cho những chính khách salon, những người tinh hoa, những kẻ ba rọi. Sự thật là sự thật. Người lính bên nào lại chẳng đau, mỗi bên đau mỗi kiểu. Cuộc chiến tàn rồi. Ván cờ thế bày ra, không có cửa cho những tay chơi cờ thí chốt.

    Tháng Tư nào trời chẳng mưa. Quá khứ đâu dễ gì quên được. Hai mươi năm đau thương của chiến cuộc, cũng may mắn có được những năm tháng bình yên. Rồi thêm bốn mươi năm nữa, học được biết bao chuyện trò đời… Nhưng vẫn còn sót lại đâu đó chút tình người, phải thế không?

    Xin kết thúc bài viết bằng lời nhạc:… Xin cám ơn, xin cám ơn… người nằm xuống…

    Vũ Thế Thành, Đà Lạt, 27-04-2015

    https://www.facebook.com/vu.thethanh.1


    Không có nhận xét nào