BBC News
21/5/2024
NGUỒN HÌNH ẢNH,NHAC NGUYEN / AFP
Chụp lại hình ảnh,Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm, người được đề cử làm tân chủ tịch nước, có mặt trong phiên khai mạc cuộc họp thường kỳ thứ 7 của Quốc hội ngày 20/5
2 giờ trước
Sau đề nghị của thủ tướng, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Bộ trưởng Công an Tô Lâm, để mở đường cho việc bầu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước.
Báo chí Việt Nam đưa tin, đầu giờ chiều nay 21/5, với 468/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã đồng ý bổ sung thêm một nội dung nữa vào chương trình kỳ họp 7 Quốc hội 15.
Theo chương trình mới được điều chỉnh, vào cuối giờ chiều cùng ngày, Quốc hội bắt đầu thực hiện các quy trình phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Công an và bầu chủ tịch nước với ông Tô Lâm.
Việc bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết của Quốc hội và nghi lễ tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước thì sẽ được tiến hành vào sáng ngày 22/5.
Như vậy, ông Tô Lâm sẽ rời ghế bộ trưởng Công an trước khi vào "Tứ Trụ".
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông báo rằng, việc thêm vào lịch trình khâu miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an là ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nội dung phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an và dự kiến bố trí Quốc hội tiến hành nội dung này cùng với nội dung về công tác nhân sự tại phiên họp chiều 21/5 và sáng 22/5,” ông Cường báo cáo Quốc hội.
Khác với trước đó, vào ngày 19/5, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Quốc hội sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm trong kỳ họp này.
Những thay đổi đột ngột nói trên dường như gợi ý rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc bố trí nhân sự, hoặc có sự bất đồng ở nhóm lãnh đạo cấp cao. Bởi lẽ, chương trình họp Quốc hội vốn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chốt nội dung từ trước.
Ai sẽ thay ông Tô Lâm?
So với thông báo vào trước khi khai mạc kỳ họp, thì nay Quốc hội chỉ bổ sung duy nhất nội dung miễn nhiệm chức danh bộ trưởng của ông Tô Lâm, còn việc xem xét nhân sự để bổ nhiệm bộ trưởng Công an không thấy bổ sung.
Như vậy, có thể hiểu vị trí bộ trưởng Công an vẫn chưa được giới thiệu Quốc hội phê chuẩn. Và có thể sẽ phải "vẫn chờ cơ quan có thẩm quyền, Bộ Chính trị xem xét, quyết định" như lời ông Bùi Văn Cường nói ngày 19/5.
Hiện Quốc hội đã tán thành việc miễn nhiệm đối với ông Tô Lâm nhưng chưa xem xét nhân sự bộ trưởng Công an, như vậy, có khả năng thủ tướng sẽ chỉ định người làm quyền bộ trưởng hoặc làm thứ trưởng phụ trách bộ.
Tình huống tạm thời này cho thấy có nhiều vấn đề trong công tác nhân sự.
Chụp lại hình ảnh,Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm với ông Tô Lâm về chức danh bộ trưởng Công an
Theo các chuyên gia, việc bà Trương Thị Mai từ chức đã tạo thêm áp lực lên Đại tướng Tô Lâm theo hướng ông rời bộ Công an để làm chủ tịch nước.
Nhưng việc Đảng Cộng sản chưa chọn được người thay thế ông Tô Lâm ở vị trí bộ trưởng Công an mà đã giới thiệu ông để bầu chủ tịch nước cho thấy nhiều khả năng.
Một là có thể Đảng đang lúng túng trong vấn đề chọn nhân sự, nhất là khi Bộ Chính trị khóa 13 đã có sáu người bị loại khỏi hàng ngũ. Hai trong số đó là hai chức danh trong "Tứ Trụ" - chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội.
Hai là có thể ông Tô Lâm không muốn rời chức vụ bộ trưởng bộ Công an, một vị trí có thực quyền, có thẩm quyền điều tra sâu rộng - để giữ chức chủ tịch nước, một vị trí mang tính lễ nghi nhiều hơn là thực quyền.
Cụ thể, một khi làm chủ tịch nước thì ông Tô Lâm không còn nắm bộ Công an nữa, cũng có nghĩa là ông sẽ mất quyền điều hành trực tiếp bộ máy điều tra khổng lồ, vốn là công cụ chính của chiến dịch “đốt lò”. Đây hẳn là điều ông Tô Lâm ít mong muốn nhất.
Trong trường hợp giải pháp thay thế tạm thời, tức làm quyền bộ trưởng hoặc "thứ trưởng phụ trách bộ" thì một số nhân vật có thể đảm đương trọng trách là các thứ trưởng.
Bộ Công an có sáu thứ trưởng gồm: ba thượng tướng là ông Trần Quốc Tỏ, ông Lương Tam Quang, ông Nguyễn Duy Ngọc; ba trung tướng là ông Lê Quốc Hùng, ông Nguyễn Văn Long và ông Lê Văn Tuyến.
Ở đây, nếu xét theo cấp bậc hàm thì ba thượng tướng nói trên "có suất" hơn.
NGUỒN HÌNH ẢNH,ĐẠI HỘI ĐẢNG 13
Chụp lại hình ảnh,Từ trái qua: Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc
Cả ba vị thượng tướng đều là ủy viên Trung ương Đảng, đủ tiêu chuẩn cho vị trí bộ trưởng, theo Quy định 214 QĐ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ sinh năm 1962, quê ở Ninh Bình, ông là ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 12, 13 và là đại biểu Quốc hội khóa 14, 15.
Có nhiều ý kiến từng cho rằng ông Tỏ có thể trở thành bộ trưởng Công an chính thức thay thế ông Tô Lâm nếu được bầu vào Bộ Chính trị vì ông là thượng tướng duy nhất có trên một nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, một điều kiện cần để trở thành ủy viên Bộ Chính trị.
Ông Tỏ cũng là thứ trưởng thường trực và là phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương (ông Tô Lâm làm bí thư) nên khả năng ông làm quyền bộ trưởng là rất cao.
Hai vị thượng tướng còn lại là ông Lương Tam Quang và ông Nguyễn Duy Ngọc. Đáng chú ý, cả hai đều quê quán ở tỉnh Hưng Yên, là đồng hương của Đại tướng Tô Lâm.
Ông Lương Tam Quang trở thành thứ trưởng bộ Công an vào tháng 8/2019. Tới tháng 5/2020, ông Quang kiêm chức thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an và được thăng hàm thượng tướng vào năm 2022.
Ông Nguyễn Duy Ngọc được thăng hàm thượng tướng vào tháng 12/2023. Khi là phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ông Ngọc là người ký ban hành kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng.
Bên cạnh đó, có thể chức vụ bộ trưởng Công an sẽ tạm để trống cho đến khi Bộ Chính trị chọn được nhân sự.
Xét các đời bộ trưởng bộ Công an từ sau 1975 tới nay thì có một đặc thù là tất cả những nhân vật này đều đã được bầu vào Bộ Chính trị trước, rồi sau đó mới lên làm bộ trưởng Công an.
Bộ trưởng Bộ Công an là chức danh quyền lực, nếu không có chân trong Bộ Chính trị thì cũng sẽ không thể tham gia các cuộc họp vốn đưa ra những quyết định trọng đại đối với nội bộ của Đảng và của đất nước.
Ngành công an được coi là lĩnh vực trọng yếu nên việc bộ trưởng Bộ Công an phải có chân trong Bộ Chính trị còn để thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc gia.
Vì vậy, nếu bầu bộ trưởng Công an chính thức, khả năng cao Đảng sẽ chọn người trong Bộ Chính trị.
Trong Bộ Chính trị khóa 13, ngoài ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính thì còn có một số ủy viên khác có xuất thân từ ngành công an, gồm: ông Phan Đình Trạc, cựu Giám đốc Công an Nghệ An; ông Nguyễn Hòa Bình, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Bộ Công an và ông Nguyễn Văn Nên - người từng là cán bộ công an cấp huyện.
NGUỒN HÌNH ẢNH,ĐẠI HỘI ĐẢNG 13
Chụp lại hình ảnh,Từ trái qua: Nguyễn Hòa Bình, Phan Đình Trạc, Nguyễn Văn Nên
Ông Phan Đình Trạc, sinh năm 1958, quê ở Nghệ An, từng làm giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, với cấp hàm đại tá. Ông cũng có chân trong Ban Bí thư và hiện là Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng.
Một số ý kiến cho rằng nếu ông Tô Lâm vào “Tứ Trụ", khả năng cao ông Trạc sẽ là người thay thế ở vị trí Bộ trưởng Bộ Công an. Nếu ông Trạc vào vị trí bộ trưởng Công an, dự kiến chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục "nóng".
Bộ trưởng Công thường là cấp đại tướng, còn ông Trạc chỉ mới cấp đại tá. Tuy nhiên, xét tiền lệ trước đó thì có ông Lê Hồng Anh - người được phong thẳng lên đại tướng sau khi ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng Công an.
Ông Nguyễn Hòa Bình sinh năm 1958, quê ở Quảng Ngãi. Hiện ông giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Ông tốt nghiệp trường Đại học An ninh Nhân dân và từng kinh qua các chức vụ trong Bộ Công an từ năm 1992 đến năm 2008.
Trong thời gian này, ông Bình làm Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra án tham nhũng. Ông cũng là Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và mang hàm thiếu tướng.
Ông Nguyễn Văn Nên sinh năm 1957, quê ở Tây Ninh. Trước khi vào Trung ương Đảng vào năm 2011, ông Nên từng là chủ tịch Ủy ban Nhân dân và bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh. Ông từng là Trưởng Công an huyện Gò Dầu từ năm 1989 - 199.
Ông Nên được nhận định là một cán bộ mẫn cán, gần gũi dân. Trong đại dịch Covid 19, ông từng phát biểu “xin nhân dân lượng thứ” cho những lúng túng của chính quyền thành phố. Câu nói này của ông được nhiều người khen ngợi là chân thành.
NGUỒN HÌNH ẢNH,ĐẠI HỘI ĐẢNG 13
Chụp lại hình ảnh,Ông Trần Cẩm Tú
Nhắc lại trường hợp của Đại tướng Lê Hồng Anh thì Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú cũng có thể là ứng cử viên thay ông Tô Lâm.
Trước khi giữ chức bộ trưởng Bộ Công an, ông Lê Hồng Anh không hoạt động trong ngành công an mà làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ông Trần Cẩm Tú cũng đang giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông sinh năm 1961 và có lợi thế về tuổi tác khi là một trong ba ủy viên Bộ Chính trị sẽ chưa quá 65 tuổi vào thời điểm Đại hội 14. Ông cũng là người có chân trong Ban Bí thư.
Ông Trần Cẩm Tú quê ở Hà Tĩnh. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 11,12 và 13. Tháng 5/2018, ông được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 12 và được bầu bổ sung vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 12.
Vì sao chủ tịch nước không thể làm bộ trưởng?
Sau phát biểu của ông Bùi Văn Cường về việc chưa miễn nhiệm chức danh bộ trưởng mà tiến hành bầu chủ tịch nước với ông Tô Lâm, một số câu hỏi đã được đặt ra.
Bởi lẽ, nếu chưa miễn nhiệm bộ trưởng mà đã được bầu lên chủ tịch nước thì ông Tô Lâm sẽ kiêm nhiệm cả hai chức vụ.
Điều này dẫn đến "sự xung đột thẩm quyền và vi phạm nguyên tắc phân công, phân nhiệm, phân quyền trong bộ máy nhà nước", theo chuyên gia phân tích với BBC.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 19/5, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), phân tích:
"Theo quy định hiện hành, trường hợp chủ tịch nước kiêm nhiệm chức vụ bộ trưởng Công an là không thể xảy ra trong hệ thống chính trị Việt Nam," ông Hợp nói.
Tiến sĩ Hợp cũng nhấn mạnh thêm rằng các chức vụ lãnh đạo quan trọng này đều phải được tách bạch và bổ nhiệm cho các cá nhân khác nhau để đảm bảo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Do chức chủ tịch nước độc lập với chính phủ nên trường hợp ông Tô Lâm kiêm nhiệm sẽ dẫn đến sự "tréo ngoe" trong việc điều hành bộ máy nhà nước và chính phủ.
NGUỒN HÌNH ẢNH,NHAC NGUYEN/AFP
Chụp lại hình ảnh,Phiên họp thường kỳ thứ 7 của Quốc hội khóa 15
Điều 88 Hiến pháp quy định chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn là "đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ".
Như vậy, với cương vị là nguyên thủ quốc gia, ông Tô Lâm có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm chức vụ của thủ tướng là ông Phạm Minh Chính.
Nhưng đồng thời, với cương vị bộ trưởng thì ông Tô Lâm lại dưới quyền Thủ tướng Chính. Ông Tô Lâm chịu trách nhiệm trước Quốc hội và ông Chính về lĩnh vực được phân công phụ trách.
Đáng chú ý, Hiến pháp cũng cho chủ tịch nước quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, thủ tướng; phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của chính phủ;
Như vậy, nếu ông Tô Lâm chính thức trở thành chủ tịch nước và không muốn rời ghế bộ trưởng Bộ Công an, ông chỉ cần không đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chính mình.
Một nhà quan sát khác thì nói với BBC rằng, việc Quốc hội bổ sung nội dung miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an thể hiện rằng đã có những ý kiến phản ánh trong nội bộ về vấn đề ông Tô Lâm kiêm nhiệm hai chức vụ.
Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Công an Tô Lâm, ai sẽ thay? - BBC News Tiếng Việt
Không có nhận xét nào