Header Ads

  • Breaking News

    VNCS: Mai mối cô dâu Việt ở Singapore: Đổi đời hay mộng đẹp vỡ tan?

    Tác giả, Thương Lê

    BBC News Tiếng Việt

    09/5/224

    " Ngọc Kiều và nhiều phụ nữ Việt Nam đã kết hôn với đàn ông Singapore cũng tìm cách giới thiệu họ hàng và bạn bè ở quê nhà của mình cho những người muốn tìm vợ. Những người này có thể nhận được phong bì đỏ gồm tiền vé máy bay cho cô dâu người Việt và phí giới thiệu.

    Giữa lúc đó, khách hàng Roger của ông vẫn mong mỏi gặp được một người yêu mình.

    “Tôi trả một cục tiền và dịch vụ của ông ấy là không giới hạn, tôi muốn tìm tình yêu đích thực, tôi chờ được.”

    Sau nhiều lần bay đến Việt Nam, Roger nay đã tìm được một người mà ông muốn lấy làm vợ và sẽ tổ chức đám cưới trong năm 2024".

    https://ichef.bbci.co.uk/images/ic/512xn/p0hwp75y.jpg

    Chụp lại video, Mai mối cô dâu Việt ở Singapore: Đổi đời hay vỡ mộng?

    Dưới cái nóng oi ả của Singapore, một người đàn ông ngoài 50 tuổi vẫn miệt mài đi tìm “tình yêu đích thực” của đời mình.

    Roger (không phải tên thật) tìm tới một dịch vụ mai mối kết hôn với cô dâu Việt tại trung tâm mua sắm Orchard Plaza với hi vọng tìm được một người vợ mới sau một lần đổ vỡ hôn nhân.

    “Khó mà lấy được vợ Singapore, lấy vợ Việt Nam dễ hơn nhiều, vì họ không có trình độ học vấn cao và không đòi hỏi quá nhiều,” ông nói với BBC.

    Dù đã về hưu, người đàn ông Singapore này chia sẻ mong muốn tìm được vợ trong độ tuổi 30-38, ngoại hình dễ nhìn và đặc biệt là “thật sự yêu ông”.

    “Nếu trẻ hơn thì họ sẽ bỏ đi khi gặp được người tốt hơn tôi, còn người 40 tuổi trở lên họ sẽ nghĩ tôi chưa chín chắn,” ông giải thích.

    “Gia cảnh đàng gái cần có căn bản một chút, vì cô ấy lấy chồng Singapore là để hạnh phúc. Tôi không muốn lấy nhau mà gia đình cô ấy cứ gọi điện ép gửi tiền về, rồi áp lực của cô ấy sẽ biến thành áp lực của tôi, nhức đầu lắm,” Roger nhấn mạnh.

    Ghi lại những yêu cầu của vị khách Roger, chủ cơ sở mai mối True Love Vietnam, Mark Lin, sau đó lấy cuốn catalogue toàn hình những phụ nữ trẻ người Việt với làn da trắng bóc, giới thiệu những người mà ông cho là phù hợp.

    “Những cô gái này đến từ mọi miền của Việt Nam, họ thường xuất thân nghèo khó và không có nhiều cơ hội. Họ muốn thay đổi và cải thiện cuộc sống của mình,” ông mai cho biết.

    Ông Lin tuyên bố đã mai mối thành công cho hơn 1.000 cô dâu Việt trong 31 năm làm nghề. Ngoài đàn ông Singapore, khách hàng của ông còn bao gồm công dân những nước khác như Malaysia, Hàn Quốc hoặc Việt kiều từ Úc, Mỹ…

    Roger (phải – yêu cầu làm mờ mặt) đang nói về những tiêu chuẩn kén vợ với ông mai Mark Lin (trái)

    Chụp lại hình ảnh, Roger (phải – yêu cầu làm mờ mặt) đang nói về những tiêu chuẩn kén vợ với ông mai Mark Lin (trái)

    Trong số đó, có nhiều người lớn tuổi hơn so với các cô dâu, thậm chí lớn hơn gấp đôi, và thường không đủ điều kiện lấy vợ trong nước. Nhưng ông Lin nói 90% trong số họ đều muốn tìm vợ trẻ đẹp.

    “Nếu trên 35 tuổi thì những người đàn ông này rất khó để tìm được phụ nữ đôi mươi, vì họ cho rằng cách biệt 7-8 tuổi là lớn," ông cho biết.

    "Nếu họ có tiền thì may ra, và cũng không được từng ly hôn, có con, hay mập, xấu, hói đầu… Nhưng ngay cả những người có điều kiện thì phụ nữ Singapore cũng không cho họ lựa chọn," ông nói thêm.

    Vì vậy, họ tìm đến phụ nữ ở những nước có cộng đồng người gốc Hoa lân cận như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam…

    Trong đó, Việt Nam là lựa chọn phổ biến nhất, vì dân số đông và có nhiều phụ nữ trẻ cho rằng đàn ông Singapore có thể mang lại cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn ở quê nhà.

    “Phụ nữ Singapore học rất cao, nên họ cần một người chồng vừa có tài chính, có nhà cửa xe cộ, lại vừa phải đẹp trai. Còn phụ nữ Việt Nam mình chỉ cần người biết lo cho vợ con, kinh tế ổn định chút xíu là đã thấy viên mãn rồi, không cần nhiều nữa,” Ngọc Kiều, một phụ nữ Việt Nam lấy chồng Singapore, nói với BBC.

    Ngọc Kiều (trái) và Jolie Phụng lấy chồng Singapore thông qua trung tâm mai mối

    Chụp lại hình ảnh, Ngọc Kiều (trái) và Jolie Phụng lấy chồng Singapore thông qua trung tâm mai mối

    Tour kén vợ ngàn đô

    Xuất thân từ Đài Loan, xứ sở có rất nhiều cô dâu Việt, ông Lin nhận ra tiềm năng của nghề làm mai khi theo người cha tới Việt Nam công tác vào đầu những năm 1990. Ông chọn mở công ty ở Singapore, vì ông nói nước này có hệ thống luật pháp rất tốt.

    "Những năm 2000 thì internet chưa phổ biến, tôi gõ cửa từng nhà rồi cho họ xem ảnh các cô gái, hỏi họ xem có muốn lấy vợ không."

    “Cứ mười nhà thì chín nhà đuổi tôi đi, nói tôi điên rồi, dân Singapore sẽ không bao giờ bỏ tiền kiếm vợ. Nay tôi thành công rồi thì nhiều người đã copy,” ông kể lại.

    Kinh doanh phát đạt, ông thu về hàng ngàn hay chục ngàn đô la Singapore (SGD) cho mỗi vụ mai mối thành công, đổi lại cam kết là phải tìm được cô dâu.

    Thời hạn hợp đồng là không giới hạn, miễn là các khách hàng lấy được vợ. Mỗi vị khách còn được ông Lin dẫn sang Việt Nam 4-5 ngày để gặp gỡ những ứng viên tiềm năng.

    “Nếu là khách Singapore, Malaysia thì mỗi vị trả tôi 4.000 SGD (khoảng 72 triệu đồng), còn nước khác thì phải trả 4.000 USD (97 triệu đồng) cho một tour ngắn ngày,” ông Lin tiết lộ.

    “Số tiền đó thì với người Việt Nam là nhiều, nhưng với người Singapore thì không đáng bao nhiêu. Với số tiền đó thì không bao giờ cưới được vợ Singapore,” cô Phụng (hay còn gọi là Jolie), trợ lý người Việt của ông Lin, nói.

    Còn những phụ nữ Việt thì không phải trả khoản phí nào. Họ được đài thọ vé máy bay và chỗ ăn ở trong trường hợp đàng trai muốn gặp mặt ở Singapore.

    Trong thời gian Covid, dịch vụ của ông Lin đã bị ảnh hưởng nhưng sau khi Việt Nam nới lỏng hạn chế sau đại dịch, mỗi tháng ông vẫn đích thân đưa khách sang TP HCM kén vợ.

    Cuốn catalogue hình ảnh những phụ nữ Việt Nam mà ông Lin giới thiệu cho khách hàng

    Chụp lại hình ảnh, Cuốn catalogue hình ảnh những phụ nữ Việt Nam mà ông Lin giới thiệu cho khách hàng

    Thi tuyển như thi hoa hậu

    Với sự sắp xếp của Phụng, mỗi lần ông Lin sang Việt Nam có thể dẫn theo sáu, bảy người khách. Họ sẽ được giới thiệu cho hàng chục phụ nữ khác nhau.

    “Đầu tiên, mỗi vị khách sẽ được gặp 30 cô gái. Họ thích cô nào thì giữ lại, không thích cô nào thì để cô đó đi, đơn giản vậy thôi.”

    "Vòng một họ chọn ra năm cô, vòng hai chọn ra ba cô. Sau đó từ Top 3 sẽ chọn ra một người, giống như thi Hoa hậu Thế giới vậy,” ông Lin ví von.

    Việc những phụ nữ Việt Nam thi tuyển để đàn ông nước ngoài kén vợ nhận được nhiều bình luận trái chiều. Năm 2012, từng có video với tựa đề "Thiếu nữ khỏa thân cho trai Hàn tuyển vợ" lan truyền cảnh hàng chục cô gái Việt ăn mặc thiếu vải xếp hàng làm những động tác khoe dáng cho đàn ông nước ngoài tuyển vợ khiến dư luận trong nước sục sôi. Nhiều người cho rằng những cảnh này là từ các vụ môi giới lấy chồng Hàn do đường dây tổ chức "coi mắt" do người Việt cầm đầu mà cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý.

    Theo Chính phủ Việt Nam, hoạt động kinh doanh môi giới kết hôn bất hợp pháp của một số tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức không lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận.

    Nhưng một luật sư nói với BBC là Việt Nam không có quy định cụ thể về những trung tâm môi giới có trụ sở nước ngoài tổ chức các tour sang Việt Nam tuyển vợ.

    “Do Việt Nam có hệ thống pháp luật hành văn, không ghi rõ là cấm những hoạt động đó, nên từng xảy ra một vụ người nước ngoài đến Việt Nam để môi giới kết hôn và bị phát hiện, nhưng chỉ bị phạt vi phạm hành chính vì nhập cảnh trái với mục đích du lịch, chứ không bị phạt là môi giới trái pháp luật,” thạc sĩ luật Vũ Thị Ngọc Phục từ công ty luật Celigal Lawyers cho biết.

    Ông Lin đưa khách sang Việt Nam tìm vợ

    Nguồn hình ảnh, Mark Lin 

    Chụp lại hình ảnh, Ông Lin đưa khách sang Việt Nam tìm vợ

    Ông Lin cho biết ông rất công khai trong hơn ba mươi năm làm nghề, thậm chí còn đưa danh thiếp cho hải quan mỗi lần nhập cảnh Việt Nam để họ giới thiệu con em mình cho ông mai mối.

    Chủ trung tâm mai mối này cũng kiên quyết bác bỏ ý kiến cho rằng công việc của mình là một hình thức buôn người, nói rằng các cô gái không hề bị ép buộc.

    “Tôi không lừa ai, không ép ai. Các cô gái không lừa tôi, không nói dối là chưa từng kết hôn dù đã có chồng là tôi mừng lắm rồi,” ông cho biết.

    Ở Singapore cũng có nhiều trung tâm mai mối cô dâu Việt khác, có trụ sở và giấy phép kinh doanh hợp lệ. Họ cũng có các nhân viên ở địa phương để tìm ra ứng viên giới thiệu cho khách hàng của mình.

    Tuy vậy, cũng có những “cô dâu hụt” như trường hợp của Nana Võ (đã đổi tên), khi người đàn ông ban đầu đồng ý kết hôn với cô nhưng rồi lại chọn một cô gái Việt khác cũng thông qua mai mối.

    “Em được làm mai với một anh Việt kiều Úc. Hai bên đã đồng ý đến với nhau. Em thông báo với gia đình và họ hàng để đặt tiệc cưới hết rồi thì nhận được tin anh đó đổi ý,” Nana kể lại.

    “Em rất bức xúc vì đáng lẽ ra chỉ nên mai mối một người với một người, chứ không nên gặp hết người này tới người khác rồi lựa tới lựa lui làm lỡ dở con gái người ta.”

    Tuy vậy, người phụ nữ quê ở Vĩnh Long vẫn lựa chọn ở lại một trung tâm mai mối Singapore để chờ được giới thiệu mối khác.

    Kết hôn chóng vánh

    Thông thường mất hai ngày để vị khách chọn ra cô gái "trúng tuyển", rồi sau đó một tháng là tiến tới hôn nhân luôn, ông Lin nói.

    Với những người được lựa chọn, cô dâu Việt sẽ bay đến Singapore và được các công ty môi giới hướng dẫn làm thủ tục kết hôn và làm giấy phép cư trú dài hạn.

    Những cuộc hôn nhân chóng vánh diễn ra hiếm khi được hình thành từ nền tảng tình yêu. Họ chỉ gặp gỡ vài lần trước khi kết hôn, thậm chí bất đồng ngôn ngữ.

    Dù chỉ tìm hiểu qua mạng trong hai tháng trước khi kết hôn, Ngọc Kiều và chồng nằm trong số những cặp đôi sống hạnh phúc.

    Đến Singapore đã chín năm, cô cho biết rất hài lòng với công việc bán hải sản ngoài chợ và có người chồng tốt cùng hai người con lai Sing-Việt ngoan ngoãn.

    “Qua đây tiền Sing cao hơn tiền Việt và miễn được chồng yêu thương thì mọi thứ đều ổn hết,” Ngọc Kiều tâm sự.

    Nhưng không phải cô dâu nào cũng có được cuộc sống màu hồng như họ từng mong ước ở quê nhà.

    Tâm Nguyễn (đã đổi tên), một phụ nữ đã kết hôn với chồng Singapore được bảy năm thông qua mai mối, cho biết cô và chồng thường có mâu thuẫn do tìm hiểu không kỹ. 

    Nhưng cô đặc biệt thấy mệt mỏi vì thường xuyên bị mẹ chồng, người mà cô nói rằng khinh thường cô, không cho phép gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam và không được phép sử dụng tiếng Việt khi nói chuyện với con cái.

    Ngọc Kiều và chồng kết hôn sau hai tháng tìm hiểu trên mạng

    Nguồn hình ảnh, Ngọc Kiều 

    Chụp lại hình ảnh, Ngọc Kiều và chồng (bìa phải) gặp gỡ qua mai mối rồi kết hôn sau hai tháng tìm hiểu trên mạng

    “Gia đình chồng tôi nghĩ tôi kết hôn là vì tiền và luôn kiểm soát xem tôi có tiền riêng hay không. Tôi lấy chồng qua giới thiệu, nhưng chắc chắn không mong cảm giác ê chề khi phải ngửa tay xin tiền chồng để mua thứ nhỏ nhất,” cô nói.

    Ngoài việc bị gia đình chồng đối xử tệ, Tâm Nguyễn cũng chia sẻ về việc gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày vì không thông thạo tiếng Anh hay tiếng Hoa, cũng không quen với những khác biệt văn hóa ở xứ người.

    “Những năm đầu tiên tôi khóc rất nhiều, nhớ bạn bè và gia đình ở Việt Nam, đặc biệt là thời gian Covid không thể về thăm nhà, lúc nào tôi cũng cảm thấy lạc lõng.”

    Phần lớn cô dâu Việt kết hôn với người chồng Singapore thông qua bạn bè hoặc môi giới hôn nhân, hoặc gặp gỡ trên mạng. Một số cặp khác quen nhau khi những phụ nữ này tới Singapore làm các công việc không có thu nhập cao tại các khu ăn uống, tiệm làm móng, gội đầu…

    Những phụ nữ này bị phụ thuộc tài chính và chịu định kiến rằng kết hôn vì tiền.

    Tháng 12/2023, một bài đăng “đặt cọc” cô dâu Việt trên trang Facebook của trung tâm mai mối B & G Vietnamese Bride Marriage Agency đã gây tranh cãi ở Singapore.

    Eric Koh, chủ trung tâm này, viết rằng một cô dâu 17 tuổi đang tìm kiếm một người đàn ông Singapore không quá 35 tuổi và có thu nhập hằng tháng tối thiểu là 4.800 SGD (hơn 88 triệu đồng).

    Bất cứ ai không đáp ứng những điều kiện cơ bản này thậm chí sẽ không được tiếp xúc với cô, người chỉ sẵn sàng kết hôn sau khi đủ 18 tuổi.

    Bài đăng đã gây xôn xao trên các diễn đàn trực tuyến, khi nhiều cư dân mạng gán cho cô này là kẻ đào mỏ.

    Những khách hàng như Roger cũng tỏ ra kỹ tính về vấn đề tiền bạc. Người đàn ông có thu nhập 5.000 SGD (hơn 92 triệu đồng) cho biết sẽ chu cấp cho người vợ tương lai, nhưng muốn vợ mình phải đi làm chứ không được ở nhà.

    Nếu tôi lấy vợ và cô ấy đi làm thì tiền lương và phúc lợi cộng lại ít nhất là 3.000 - 4.000 SGD (54 - 72 triệu đồng). Khi đó nếu gia đình có chuyện gì và cần giúp đỡ thì cô ấy có thể giúp bằng tiền tiết kiệm, không cần gây áp lực cho tôi.

    'Cô lập'

    “Có nhiều cô dâu Việt lấy chồng Singapore và sống hạnh phúc, nhưng có người đang phải sống với bạo hành gia đình,” bà June Lim, Giám đốc điều hành Công ty luật Focus Law Asia có trụ sở tại Singapore, nói với BBC.

    “Thậm chí có những người có thể duy trì cuộc hôn nhân bạo hành cả chục năm để con cái họ lớn lên. Họ chịu mọi hình thức bạo hành cho đến khi không thể chịu đựng được nữa thì mới bỏ trốn hoặc cảnh sát mới vào cuộc,” nữ luật sư cho biết.

    “Tôi từng bào chữa cho một cô dâu Việt kết hôn qua mai mối và trước khi đến Singapore, cô ấy không hề biết chồng mình đã kết hôn nhiều lần và có con từ trước. Cô ấy tưởng mình là người vợ thứ hai nhưng thực ra là người thứ tư,” bà Lim nói.

    Kể về cựu thân chủ, bà Lim cho biết người phụ nữ đã có một người con riêng ở Việt Nam và một người con khác với chồng ở Singapore, nhưng vì rào cản ngôn ngữ nên cô ấy không biết nên làm gì trong nhiều hoàn cảnh.

    “Cô ấy từng xếp hàng ở hành lang trường học, đi theo các em học sinh để được gặp giáo viên và đăng ký cho con vào lớp. Cô ấy thực sự không biết hỏi ai, hỏi như thế nào, có thể hiểu cô ấy bị cô lập như thế nào,” bà Lim nói.

    Là một trong những người đại diện giúp cô dâu Việt làm thủ tục ly hôn miễn phí, bà cho biết những người phụ nữ này phải đối diện với khó khăn về nhập cư, công việc và rào cản ngôn ngữ.

    Trong trường hợp ly hôn, họ phải tìm được chỗ ở và công việc mới, điều đó không dễ dàng vì chi phí sinh hoạt ở Singapore rất đắt đỏ. Theo bà Lim, những khó khăn này khiến họ do dự trong việc trình báo bất chấp bị bạo hành về thể chất, tinh thần, tài chính…

    Singapore là một đô thị với chi phí sinh hoạt đắt đỏ

    Chụp lại hình ảnh, Singapore là một đô thị với chi phí sinh hoạt đắt đỏ

    Qua kinh nghiệm làm việc với các thân chủ thông qua Hiệp hội Luật sư Pro Bono Services, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho người nước ngoài kết hôn với công dân Singapore, bà Lim cho biết có nhiều cô dâu thực sự thiếu hiểu biết về quyền và lợi ích mà họ được hưởng.

    Cũng theo bà Lim, nhìn chung, những phụ nữ Việt qua Singapore kết hôn thường không có học vấn cao, mạng lưới quan hệ xã hội của họ bị hạn chế ở Singapore.

    Chỉ khi đến nhà tạm lánh, họ mới được nhân viên xã hội giúp đỡ và cho họ thấy rằng họ có nhiều cơ hội, hay có nhiều cách để giải quyết vấn đề.

    Bộ Nội vụ Singapore (MHA) cho hay những người nuôi con mang quốc tịch Singapore, được phép tạm trú dài hạn ở nước này cho đến khi đứa trẻ đủ 21 tuổi. Khi con tròn 21 tuổi, đứa trẻ có thể bảo lãnh cho mẹ có thẻ tạm trú dài hạn.

    Theo luật sư Lim, hậu ly hôn, nếu có con thì những phụ nữ Việt thường chọn ở lại Singapore để con cái được hưởng nền giáo dục và các dịch vụ ở đây. Cũng theo bà, trường học ở Singapore có nhiều học sinh đa quốc tịch, nên con cái của họ thường không bị bắt bạt ở trường vì có cha mẹ gặp nhau qua mai mối.

    Giấc mơ lấy chồng ngoại

    Theo thống kê của Bộ Công an Việt Nam, từ năm 2008 – 2018, mỗi năm có khoảng 18.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Trong đó, 72% là nữ, chủ yếu kết hôn với người Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…

    Có 78% số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, trình độ học vấn thấp và thất nghiệp, sống tại TP HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

    Báo cáo Dân số năm 2020 của Chính phủ Singapore viết rằng có 4.425 đàn ông Singapore kết hôn với cô dâu ngoại quốc vào năm 2019, chiếm 1/5 số cuộc hôn nhân của công dân địa phương.

    Bộ Nội vụ Singapore cho biết trung bình có 2.700 cô dâu/chú rể người nước ngoài nhập quốc tịch Singapore từ năm 2000-2022. Tuy nhiên, giới chức nước này không công bố số lượng người cụ thể theo từng quốc gia, vì có thể gây ra sự nhạy cảm đối với các nước khác.

    Mark Lin không tiết lộ phần trăm số cuộc mai mối Việt-Sing mà ông thực hiện kết thúc bằng ly hôn, nhưng cho biết đã bị một số khách hàng đâm đơn kiện vì không hài lòng với dịch vụ của ông.

    Nhưng ông Lin cũng nói rằng ông chưa bao giờ thua kiện. "Một số người thấy không hạnh phúc với cuộc hôn nhân hoặc họ cảm thấy hối hận. Tôi chỉ đưa hợp đồng cho họ ký và không ép buộc họ trả tiền. Nếu họ đổi ý, đó là vấn đề của họ", ông giải thích.

    Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có số lượng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài nhiều nhất Việt Nam. Hoàn cảnh gia đình khó khăn được cho là nguyên nhân chính thúc đẩy người phụ nữ muốn dùng hôn nhân di cư là cách thoát nghèo

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có số lượng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài nhiều nhất Việt Nam. Hoàn cảnh gia đình khó khăn được cho là nguyên nhân chính thúc đẩy người phụ nữ muốn dùng hôn nhân di cư là cách thoát nghèo.

    Tuy vậy, ông cho biết không hề lo lắng về tương lai công việc của mình, ngay cả khi mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò ngày càng phổ biến.

    Mỗi tháng vẫn có rất nhiều vị khách muốn lấy vợ Việt Nam tìm đến ông, vì sợ bị lừa đảo nếu nói chuyện với phụ nữ qua Facebook.

    “Nếu công ty của tôi mà ở Mỹ, tôi có thể mở rộng kinh doanh gấp 100 lần,” ông tuyên bố.

    Ngọc Kiều và nhiều phụ nữ Việt Nam đã kết hôn với đàn ông Singapore cũng tìm cách giới thiệu họ hàng và bạn bè ở quê nhà của mình cho những người muốn tìm vợ. Những người này có thể nhận được phong bì đỏ gồm tiền vé máy bay cho cô dâu người Việt và phí giới thiệu.

    Giữa lúc đó, khách hàng Roger của ông vẫn mong mỏi gặp được một người yêu mình.

    “Tôi trả một cục tiền và dịch vụ của ông ấy là không giới hạn, tôi muốn tìm tình yêu đích thực, tôi chờ được.”

    Sau nhiều lần bay đến Việt Nam, Roger nay đã tìm được một người mà ông muốn lấy làm vợ và sẽ tổ chức đám cưới trong năm 2024.

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cljdz6r1j3no


    Không có nhận xét nào