Header Ads

  • Breaking News

    VNCS: Chế độ đảng toàn trị thăng trầm tha hóa quyền lực và suy vong

    Bình luận của Huỳnh Trần

    23/5/2024

    Chế độ đảng toàn trị thăng trầm: tha hóa quyền lực và suy vong (phần 1)

    Diễu binh ở Quảng trường Đỏ tại Moscow hôm 8/5/1985 nhân kỷ nhiệm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2

     Patrick KAMENKA / AFP

    Khủng hoảng chính trị hiện nay của chế độ Đảng cộng sản toàn trị Việt Nam khiến giới quan sát suy đoán khác nhau về kết cục và tương lai của đất nước. Nguyên nhân cơ bản là sự tha hoá quyền lực, nhiều ý kiến cho rằng khủng hoảng đến đỉnh điểm ắt dẫn đến thay đổi, trong đó một kịch bản cực đoan là chế độ sẽ sụp đổ.

    Chế độ Đảng CS toàn trị là hình thức nhà nước được đặc trưng bởi một trung tâm quyền lực mạnh - Đảng CS, nỗ lực kiểm soát và chỉ đạo tất cả các khía cạnh của cuộc sống cá nhân thông qua ép buộc và đàn áp. Kiểu ‘Đảng - Nhà nước’ này có những đặc điểm chủ yếu sau: (1)Được tổ chức tập trung và bao gồm những người trung thành với chế độ; (2)Có quyền lực tuyệt đối, nghĩa là không chịu sự kiểm soát hoặc bị giới hạn bởi các biện pháp trừng phạt thực sự nào; (3)Sử dụng quyền lực để áp đặt một hệ tư tưởng chính thống – chủ nghĩa Mác - Lênin lên công dân của mình; (4)Đạt được sự ủng hộ rộng rãi đối với sự lãnh đạo của mình tuỳ thuộc vào một nhà lãnh đạo ‘lôi cuốn’ hay nhờ giáo dục và tuyên truyền…

    Bài viết trình bày quá trình thăng trầm của kiểu chế độ này thông qua hai mô hình Liên Xô và mô hình Trung Quốc và, Việt Nam là phiên bản, được xem xét nhấn mạnh vào sự tha hoá quyền lực tuyệt đối dẫn đến nguy cơ suy vong chế độ. Liệu có các kịch bản là Đảng CS tự thay đổi để cứu chế độ hay dân chủ hoá đất nước đề hoà vào dòng chảy tiến hoá xã hội loài người?

    Bốn nội dung của bài viết gồm: (I) 70 năm thử nghiệm chủ nghĩa xã hội thất bại, mô hình Liên – Xô sụp đổ; (II) Tư tưởng thực dụng Đặng Tiểu Bình hết thời, mô hình Trung Quốc thoái trào; (III) Phương Tây ‘tỉnh ngộ’, cuộc thương chiến thêm căng thẳng bởi đối đầu ý thức hệ; (IV) Tha hoá quyền lực Đảng CS Việt Nam, nguy cơ suy vong chế độ toàn trị.

    (I) 70 năm thử nghiệm chủ nghĩa xã hội thất bại, mô hình Liên – Xô sụp đổ

    Ra đời vào đầu thế kỷ 20, trong lòng và tồn tại song song với xã hội tư bản, mô hình Liên Xô - một chế độ Đảng CS toàn trị là một sự tìm kiếm một phương thức phát triển khác với chủ nghĩa tư bản, dựa trên tư tưởng của Các Mác (1818-1883) về chủ nghĩa duy vật lịch sử rằng, xã hội loài người tiến hoá qua năm giai đoạn từ công xã nguyên thuỷ, nô lệ, phong kiến, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Động lực cơ bản chuyển đổi là mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, trong đó thành tố sau đóng vai trò quyết định. Không chờ đến lúc chủ nghĩa tư bản “tự đào mồ chôn mình” Vladimir Lênin (1870-1924) nhận định “chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”[1] trong đó nước Nga là mắt xích yếu nhất để tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như đã biết, sau đó Cách mạng tháng 10/1917 diễn ra ở Nga, Nhà nước công – nông ra đời, một Liên bang Xô - Viết (từ năm 1922), một hệ thống xã hội chủ nghĩa (sau Thế chiến 2, năm 1945).

    Kiểu nhà nước này được gọi là chế độ toàn trị ‘cũ’ hay mô hình Liên Xô với đặc trưng cơ bản là Đảng CS lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối” xã hội với “bản chất cách mạng” bằng chuyên chính vô sản và nền kinh tế với công cụ kế hoạch hoá tập trung… Nó sụp đổ sau hơn 70 năm tồn tại, sự thử nghiệm đã cho biết về kết thúc một chu kỳ vận hành bao gồm ba giai đoạn chính: trỗi dậy, đỉnh cao, thoái trào. Trong giai đoạn đầu, mô hình Liên Xô trải qua nhiều khó khăn thách thức như nội chiến khốc liệt, cải tạo, quốc hữu hoá và, đặc biệt là thiết lập bộ máy cai trị với phương thức quản lý xã hội và nền kinh tế theo các chuẩn mực khác chủ nghĩa tư bản. Trong giai đoạn đỉnh cao thành tích kinh tế cũng được ghi nhận[2]. Chẳng hạn, tổng sản phẩm quốc nội GDP năm 1989 bằng khoảng 50%  thậm chí, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Samuelson (1915 –2009), người bảo vệ quan điểm của Keynes, từng có lúc nhận xét tích cực về nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung ở Liên Xô. Ngoài ra, chế độ Đảng toàn trị cũng thể hiện ưu thế trong tình huống cấp bách như trong cuộc thế chiến II chống phát xít Đức.

    Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn này kiểu chế độ Đảng CS toàn trị đã bị phê phán gay gắt vơi những cảnh báo được đưa ra. Điển hình là công trình nghiên cứu của nhà kinh tế đoạt giải Nobel người Áo, Friedrich Hayek (1899-1992), trong cuốn sách Road to serfdon (Đường về nô lệ). Nó lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1944 và, từng được NXB Tri Thức ấn hành năm 2008 (hiện bị cấm lưu hành!). Theo bà cố Thủ tướng Anh, Margaret Thatcher (1925 – 2013), tác phẩm trên là “lời phê phán mạnh mẽ nhất đối với kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa”, đồng thời cảnh báo rằng kiểu chế độ này tạo “cơ hội cho những kẻ vô đạo đức trở thành những người ra quyết định then chốt.”[3]

    Đối với những ai còn ‘mơ hồ’ về kiểu chế độ này, thì tác phẩm Năm 1984 (tiếng Anh: Nineteen Eighty-Four)[4] của nhà văn người Anh George Orwell. Được xuất bản vào năm 1949, cuốn tiểu thuyết vẫn nổi tiếng như một ‘chỉ dẫn’ về nghệ thuật ‘toàn trị.’ Mặc dù nó mô tả ‘u ám’ về sự tinh vi, xảo quyệt của các quan chức trong bộ máy cai trị của chế độ, nhưng là sự lên án nghiêm khắc bản chất toàn trị xấu xa. Chủ đề cuốn tiểu thuyết tập trung vào hậu quả mà chủ nghĩa toàn trị có thể gây ra, sự giám sát hàng loạt và sự đàn áp mọi hành vi của con người và xã hội. Mô hình hóa nhà nước độc tài Liên Xô trong kỷ nguyên của chủ nghĩa Stalin và Đức Quốc xã, Orwell đã xem xét vai trò của sự thật và sự thật trong xã hội và cách chúng có thể bị thao túng.

    Câu chuyện diễn ra trong một không gian và thời gian tưởng tượng, được cho là năm 1984, nhưng đến nay vẫn có ý nghĩa thực tế. Siêu quốc gia toàn trị kiểu nhà nước giả định “Oceania”, được lãnh đạo bởi Big Brother (Anh Cả), một nhà lãnh đạo độc tài được hỗ trợ bởi một sự sùng bái cá nhân mãnh liệt do Cảnh sát Tư tưởng của Đảng tạo ra. Đảng tham gia vào sự giám sát của chính phủ ở khắp mọi nơi và, thông qua Bộ Sự thật, chủ nghĩa phủ nhận lịch sử và tuyên truyền liên tục để bức hại cá nhân và tư duy độc lập…

    Giai đoạn thoái trào của chế độ Đảng toàn trị diễn ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1945-1990) dẫn đến sự sụp đổ của mô hình Liên Xô, mà nguyên nhân khách quan chủ yếu là do thua kém về năng suất trong cạnh tranh với hệ thống các nước tư bản phát triển. Tuy nhiên, một bài học quan trọng cần rút ra là lý thuyết xung đột của Mác, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, đã không được nghiên cứu nghiêm túc, ngay cả đối với Vladimir Lênin. Khi chuẩn bị cho Cách mạng năm 1917, coi nước Nga trước năm 1917 là mắt xích yếu nhất của “chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” nhưng chủ yếu tập trung công sức cho ‘lý luận’ về kiểu ‘nhà nước xã hội chủ nghĩa.’ Ông ấy nhấn mạnh "Nhà nước là một tổ chức lực lượng đặc biệt: nó là một tổ chức bạo lực để đàn áp một số tầng lớp xã hội…" Nó cần thiết để ‘chiếm đoạt những kẻ tước đoạt.’ Mặc dù, tác phẩm Nhà nước và Cách mạng (1917), được cho là có "đóng góp lớn nhất của Lênin cho lý thuyết chính trị"[5], tuy nhiên ông đã mất sớm, vào năm 1924, năm năm sau Cách mạng Nga 1917, và không kịp chuẩn bị lý luận thế nào về phương tiện để thực hiện mục đích chủ nghĩa xã hội…

    Người kế tục Lênin, Joseph Stalin (1878 – 1953), duy trì quyền lực đến cuối đời sự sùng bái cá nhân và hoang tưởng. Sau ông ta, Leonid Brezhnev (1906-1982) cũng vậy, lặp lại. Nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung tụt hậu về năng suất đã không cứu nổi chế độ Đảng CS toàn trị, một nhà nước đứng trên pháp luật và công dân để cai trị họ. Và, như hệ quả tất yếu, sự tha hoá quyền lực đảng dẫn đến sự diệt vong chế độ.

    _____________

    Tham khảo:

    https://www.britannica.com/topic/Imperialism-the-Highest-Stage-of-Capitalism;

    https://en.wikipedia.org/wiki/Economy_of_the_Soviet_Union;

    https://www.chungta.com/nd/tac-pham-hoc-thuat/duong_ve_no_le.html;

    https://en.wikipedia.org/wiki/Nineteen_Eighty-Four;

    https://en.wikipedia.org/wiki/The_State_and_Revolution;

    Chế độ đảng toàn trị thăng trầm: tha hóa quyền lực và suy vong (phần 2)

    Bình luận của Huỳnh Trần

    Chế độ đảng toàn trị thăng trầm: tha hóa quyền lực và suy vong (phần 2)

    Một người phụ nữ đi qua tấm biển có hình cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông hôm 13/7/2022 (minh họa)

     Jade GAO / AFP

    (II) Tư tưởng thực dụng Đặng Tiểu Bình hết thời, mô hình Trung Quốc thoái trào

    Quá trình phát triển của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được chia thành hai thời kỳ, từ 1949 đến năm 1978 và từ đó đến nay. Theo những đặc trưng toàn trị chủ yếu, trong thời kỳ thứ nhất tồn tại chế độ toàn trị kiểu Mao, kiểu cũ theo mô hình Liên Xô và, thời kỳ thứ hai đang diễn ra chế độ toàn trị kiểu mới. Năm 1978 được xác định là thời điểm bước ngoặt khi Hội nghị trung ương 3 khoá 11 diễn ra, tại đó Đảng CS Trung Quốc chính thức áp dụng tư tưởng thực dụng trong thực tế trị quốc. Đường lối xuyên suốt cho các chính sách và hành động có tên “Cải cách và mở cửa.”  Giới lãnh đạo Đảng gọi mô hình phát triển mới này là “chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc.”[1] Đây là kiểu trị quốc với phương châm hành động là tư tưởng thực dụng trong sự kết hợp ba yếu tố: (1)Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo, (2)chủ nghĩa dân tộc thông qua truyền thống Nho giáo thế tục từ chế độ phong kiến tập quyền và, (3)chủ nghĩa tư bản hiện đại. Tuy nhiên, cần lưu ý chế độ toàn trị mới cũng vẫn là sự kế thừa giai đoạn trước nhưng ‘thực dụng’ hơn với tư tưởng học thuyết Mác-Lênin và nhấn mạnh tầm quan trọng của lịch sử Trung Quốc để trị quốc, trong đó Đảng Cộng sản Trung Quốc - trung tâm của các thể chế, xã hội và kinh nghiệm hàng ngày định hình tất cả người dân.

    Tư tưởng thực dụng khởi xướng bởi Đặng Tiểu Bình (1904 - 1997), nổi tiếng với phát ngôn ‘mèo trắng, mèo đen không quan trọng miễn là bắt được chuột,’ được coi là chỗ dựa để chế độ Đảng CS toàn trị mới Trung Quốc hành động. Như đã nêu, mô hình này ra đời trước thời điểm Bức tường Béc Linh sụp đổ năm 1989 đã chứng tỏ được sự khác biệt với mô hình Liên Xô. Trước hết, đó là việc bãi bỏ công cụ kế hoạch hoá tập trung, một quyết định bước ngoặt, đồng thời mở cửa nền kinh tế với thế giới để thu hút vốn tư bản để thúc đẩy lực lượng sản xuất nhưng vẫn duy trì bộ máy tập quyền dưới sự toàn trị của Đảng CS. Những hậu quả từ những chính sách cực đoan dưới thời Mao Trạch Đông như “công xã nhân dân”, “đại nhảy vọt” và “cách mạng văn hoá” đã thúc đẩy sự ra đời sớm chế độ toàn trị kiểu mới. Ngoài ra, những chuyến du khảo sát các nước tư bản Đông Á, Singapore, Mỹ… khiến Đặng nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản “tham lam” nhưng có sức mạnh bí ẩn tạo ra lực lượng sản xuất.

    Ngoài ra, trong những nhân tố chủ quan phải kể đến sự kiện “ngoại giao bóng bàn”[2] (tiếng Trung là 乒乓外交 và tiếng Anh: Ping-pong diplomacy) giữa Trung Quốc và Mỹ. Từ đầu những năm 1970 những chuyến công du ‘con thoi’ của cố ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger (1923 – 2023) đã để lại dấu ấn. Người được xem là đã có ‘ảnh hưởng’ của chủ nghĩa thực dụng tới các lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ, kể cả Mao Trạch Đông. Như đã biết, sau khi Mao qua đời năm 1976, triết lý thực dụng kiểu Trung Quốc với tính linh hoạt, khó đoán định như “binh pháp Tôn Tử”[3], thứ nghệ thuật chiến tranh áp dụng cho lĩnh vực chính trị.

    Mô hình toàn trị kiểu mới tại Trung Quốc đã khiến thế giới ‘ngạc nhiên’ với những thành công kinh tế mà nó mang lại cho đất nước hơn một tỷ dân. Trong hơn 40 năm các số liệu thống kê[4] chỉ ra rằng, từ 1980 đến 2023 tổng sản lượng nội địa GDP tăng khoảng 39 lần (17,888.97/ 458.76 USD) và GDP/đầu người (12,681/ 312 USD) tăng khoảng 30 lần… Cơ sở vật chất được tăng cường, đô thị hoá nhanh chóng, những công trình thế kỷ như đập thuỷ điện Tam Hiệp hay mạng lưới tàu hoả cao tốc, xe điện và năng lượng mặt trời,…; Hàng trăm triệu việc làm được tạo thêm và, nhiều triệu người thoát nghèo…

    Những thành công kinh tế được “mạ vàng”[5] hay chí ít khiến người ta bỏ qua những ‘góc khuất’ của mô hình phát triển này cho đến khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn, hiện trạng này bùng phát trong giai đoạn kể từ khi Tập Cận Bình nắm quyền tối cao, Tổng bí thư Đảng CS kiêm Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, năm 2013. Những khiếm khuyết mang tính bản chất đã phơi bày, trong đó tham nhũng mang tính hệ thống đang gây ra khủng hoảng chính trị thượng tầng. Ngoài ra, các dữ liệu kinh tế - xã hội phản ánh rõ nét thực trạng này. Trước hết là sự trồi sụt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP theo xu hướng suy giảm, từ 2018 đến nay chỉ ở mức 2 đến 5% so với giai đoạn “đỉnh cao” chỉ tiêu này luôn từ 10-12%. Vốn đầu tư nước ngoài FDI, một trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế,  giảm sút nhanh, năm 2023 chỉ là 33 tỷ USD giảm 82% so với năm 2022 và là mức thấp nhất[6] kể từ năm 1993. Ngoài ra, kinh tế khủng hoảng cơ cấu nghiêm trọng: nợ công, nợ địa phương cao kỷ lục, sụp đổ bất động sản, thất nghiệp giới trẻ ở mức rất cao, trên 20%, chi phí lao động tăng cao, hậu quả tồi tệ của dư thừa công suất, thương chiến ngày càng căng thẳng với Mỹ và Liên Âu, … Về xã hội, già hoá dân số, trong thời gian từ 2021 đến 2022, số dân Trung Quốc đã giảm đi gần một triệu người, bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo gia tăng…

    Trong bối cảnh quốc tế phức tạp, thay đổi nhanh với xung đột địa chính tri và thương chiến giữa hai trục chính: Trung Quốc và Mỹ, dõi theo những chính sách và động thái của Đảng CS Trung Quốc đối phó với thực trạng chính trị, kinh tế xã hội u ám ở trong nước, các nhà quan sát đưa ra các kịch bản không mấy sáng sủa về triển vọng của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới và, một trong số đó là “phương án Nhật Bản.” Những đặc điểm kinh tế Trung Quốc ở giai đoạn “thoái trào” tương tự như 'Thập niên mất mát'[7] của Nhật Bản (tiếng Nhật: 失われた10) trong những năm 90. Đây là thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài sau khi bong bóng tài sản vỡ vào những năm 1990-1991, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản thấp hẳn đi, thậm chí không tăng, trong khoảng 20 năm.

    Trên phương diện kinh tế đây là ‘kịch bản bi quan’ không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với cả thế giới trong bối cảnh toàn cầu hoá đứt gãy. Tuy nhiên, Nhật Bản không phải là Trung Quốc khi khác biệt về chế độ chính trị. Giả định về phương án Nhật Bản mới chỉ là nửa vấn đề nếu thảo luận câu hỏi rằng liệu tư tưởng thực dụng của Đặng đã hết thời? Nỗ lực đối phó trước thách thức suy giảm tăng trưởng, Đảng CS Trung Quốc bộc lộ bản chất toàn trị. Ngoài những chính sách tăng cường an ninh chế độ như luật an ninh mới, những động thái trấn áp sự bành trướng ‘quá mức’ của tư bản của các tập đoàn kinh tế, công nghệ như  Alibaba, Tensen và giáo dục tư nhân… Hơn thế, bất ổn chính trị nội bộ là vấn đề khi chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” do Tập Cận Bình phát động từ hơn một thập kỷ qua không mang lại kết quả mong muốn. Tất cả những điều đó khiến ông Tập, mặc dù là “hậu duệ” của Mao Trạch Đông, lại trở nên “giống Stalin nhiều hơn” [8] khi ông ấy tăng cường kiểm soát Đảng Cộng Sản Trung Quốc, viết lại lịch sử và sửa đổi hiến pháp để cai trị suốt đời. Tha hoá quyền lực tuyệt đối làm chế độ suy vong. Liệu lịch sử có đang lặp lại?

    ____________

    Tham khảo:

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vcp-prepares-documents-for-14-th-party-congress-part-1-03052024094939.html

    https://en.wikipedia.org/wiki/Ping-pong_diplomacy;

    https://vi.wikipedia.org/wiki/Binh_pháp_Tôn_Tử;

    https://en.wikipedia.org/wiki/Historical GDP of China;

    https://www.cambridge.org/core/books/chinas-gilded-age/389BE063CCB6E75DDA144C36DABACD7A;

    https://vietstock.vn/2024/02/dong-von-fdi-vao-trung-quoc-yeu-nhat-trong-30-nam-775-1157284.htm;

    https://en.wikipedia.org/wiki/Lost_Decades/ Thập_niên_mất_mát_của Nhật_Bản;

    https://www.rfi.fr/vi/điểm-báo/20240503-tập-cận-bình-hậu-duệ-của-mao-nhưng-lại-giống-stalin-nhiều-hơn;

    Chế độ đảng toàn trị thăng trầm: tha hóa quyền lực và suy vong (phần 3)

    Bình luận của Huỳnh Trần

    Chế độ đảng toàn trị thăng trầm: tha hóa quyền lực và suy vong (phần 3)

    Người dự một hội chợ việc làm tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc hôm 19/2/2024 (minh họa)

     AFP

    (III) Phương Tây ‘tỉnh ngộ’, cuộc thương chiến thêm căng thẳng bởi đối đầu ý thức hệ

    Như đã biết, ngay sau sự kiện bức tường Béc Linh năm 1989 nhà nghiên cứu khoa học chính trị Fransis Fukuyama (1953-) đã tuyên bố về “sự cáo chung lịch sử”. Khi cho rằng chế độ dân chủ sẽ là hình thức xã hội cuối cùng của lịch sử nhân loại. Ông đã không nhận thấy mô hình Đảng toàn trị mới đã ‘thai nghén’ ở Trung Quốc từ 1978, bởi vậy lập luận của Fukuyama, cho đến nay, vẫn bị phê bình[1]  là ‘vội vàng’ và thiếu cơ sở thực tế. Việc dự đoán các vấn đề của con người luôn không đơn giản. Hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã và, mỗi quốc gia thành viên tìm sự tồn tại riêng của mình. Phần lớn các nước XHCN Đông Âu chuyển đổi sang chế độ dân chủ, nhưng Liên bang Nga đã dần bị sau đó chủ nghĩa dân tộc đại quốc lấn át… Trong bối cảnh quốc tế như vậy, mô hình toàn trị Trung Quốc “trỗi dậy”…

    Trong câu chuyện “Thế giới phẳng”[2] mà Thomas Friedman kể, việc các nhà đầu tư tư bản nước ngoài trực tiếp và gián tiếp kinh doanh, được ví như những con thú sừng dài sừng ngắn kiếm ăn, tìm kiếm lợi nhuận có thể khiến cho các mô hình xã hội, chính trị và xã hội đã bị thay đổi và thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn trước. Nghĩa là toàn cầu hoá khiến các quốc gia bất kể khác biệt về chế độ chính trị đều cùng trên cùng một quỹ đạo phát triển và, khi nỗ lực ‘thoát’ mô hình Liên – Xô, Trung Quốc và Việt Nam đã bắt đầu muộn hơn so với Nhật, Hàn Quốc, Malaysia và các nền kinh tế châu Á khác.

    Không chỉ các nhà nghiên cứu và quan sát mà ngay cả cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, trong một bài phát biểu vào năm 2000, từng tuyên bố: "Bằng cách gia nhập WTO, Trung Quốc không chỉ đơn giản là đồng ý nhập khẩu nhiều sản phẩm của chúng ta, mà còn đồng ý nhập khẩu một trong những giá trị ấp ủ nhất của nền dân chủ: tự do kinh tế. Khi các cá nhân có sức mạnh... để thực hiện ước mơ của họ, họ sẽ yêu cầu một tiếng nói lớn hơn."

    Ngoài ra, một số nhà đầu tư tại Trung Quốc cũng ‘cổ vũ’ cho kiểu mô hình phát triển này khi ‘bỏ qua’ sự khác biệt về chế độ chính trị. Raymond Dalio[3], người sáng lập một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn và làm ăn thành công tại Trung Quốc, năm 2017 đã xuất bản một cuốn sách bán chạy nhất (bestseller) theo New York Times, có tên “Nguyên tắc ứng phó với trật tự thế giới đang thay đổi” (tiếng Anh: Principles for Dealing with the Changing World Order). Ông nhận định rằng, Trung Quốc đã thành công theo "những cách đặc biệt" mà “không phân biệt hệ tư tưởng, dù đó là chế độ chuyên chế hay dân chủ” và mô tả chính phủ Trung Quốc như bậc "cha mẹ nghiêm ngặt" khi hạ thấp và phủ nhận các vi phạm nhân quyền… Khái quát sự thăng trầm của các đế quốc theo chu kỳ gồm ba giai đoạn chủ yếu: trỗi dậy, đỉnh cao và thoái trào, Ray Dalio cho rằng, trong thời hiện đại Hà Lan đã bị Anh quốc đánh bại, đến lượt mình Vương quốc Anh bị Hoa Kỳ vượt qua, Liên Xô chỉ tồn tại hơn 70 năm và, lưu ý về “mối lo ngại” Trung Quốc đang “trỗi dậy” cạnh tranh với Mỹ đang “thoái trào.”

    Tuy nhiên, các ý kiến nêu trên đang đối diện với thực tế Trung Quốc đang ở giai đoạn “thoái trào” như đã nêu trong phần trước. Hơn thế, phương Tây đã ‘tỉnh ngộ’ sau những điều “ngộ nhận” về Trung Quốc và, cuộc thương chiến Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, thế giới dần phân mảnh (decoupling) thành hai khối trục cơ bản và các nước thứ ba như thời chiến tranh lạnh 1.0 (1945-1990), nhưng thực dụng thay vì ý thức hệ. Những “ngộ nhận” được cho là bắt nguồn từ ba niềm tin[4] về cơ bản về Trung Quốc hiện đại: Một là, kinh tế và dân chủ là hai mặt của cùng một đồng tiền; Hai là, các chế độ đảng toàn trị không thể là hợp pháp; Và, ba là, người dân trong chế độ này sống, làm việc và kinh doanh như người phương Tây. Những “ngộ nhận” này phản ánh những lỗ hổng trong kiến thức của họ về lịch sử, văn hóa, con người và thể chế chính trị của chế độ Đảng toàn trị. Việc họ ‘tỉnh ngộ’ khi cho những niềm tin trên là “sai lầm” và, điều đó có ý nghĩa không chỉ đối với các nhà đầu tư tại đây mà còn đối với các quốc gia khi phân biệt nhau là đối tác hay đối thủ. Do khác biệt về triết lý Trung hoa và phương Tây[5] ba “ngộ nhận” nêu trên được trình bày dưới đây.

    Trước hết, giới cầm quyền chỉ quan tâm đến kết quả kinh tế vì tính chính danh của chế độ, họ sẽ chào đón các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài và, miễn là họ giúp mang lại tăng trưởng kinh tế, sẽ coi họ là đối tác bình đẳng. Điều này quan trọng đối với giới lãnh đạo chế độ, hơn thế với bản chất toàn trị họ sẽ không thay đổi quan điểm và đặt an ninh chế độ lên trên hết bất kể hiệu quả kinh doanh các đối tác nước ngoài của họ thế nào miễn là không là nguy cơ đối với quyền lực tuyệt đối. Ngoài ra, những thành công kinh tế trong bối cảnh sự suy thoái của nhiều nền dân chủ đã củng cố quan điểm của các nhà lãnh đạo của chế độ toàn trị rằng cải cách thể chế để phát triển kinh tế mà không cần tự do hóa chính trị.

    Hai là, các chế độ đảng toàn trị không thể hợp pháp, dưới góc nhìn dân chủ, bởi vì không có bầu cử tự do. Nay phương Tây ‘ngộ ra’ rằng hệ tư tưởng Mác – Lênin quyết định cho sự dẻo dai, tinh vi của chế độ. Trong khi chủ nghĩa Mác được lập luận về mục đích sẽ mang đến cho mọi người một kiểu xã hội tương lai phồn vinh, bình đẳng, bác ái thì chủ nghĩa Lê Nin khẳng định chuyên chế, sử dụng bạo lực là phương tiện đạt mục đích. Chẳng hạn, sở hữu toàn dân hay tập thể là cần thiết để đảm bảo phân phối tài sản công bằng thì cải cách ruộng đất, cải tạo công thương, quốc hữu hoá… sẽ là giải pháp chính sách. Hơn thế, dưới chế độ đảng toàn trị mới kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản, được coi như phương tiện để thúc đẩy lực lượng sản xuất, là chiến thuật tạm thời thay vì chính sách nhất quán bền vững.

    Ba là, như một hệ quả, sản phẩm của cỗ máy, người dân dưới chế độ Đảng toàn trị được tuyên truyền, học tập và, vì vậy nhiều người tin rằng những thành tựu kinh tế của đất nước có được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và, rằng dân chủ và tăng trưởng không chắc chắn phụ thuộc lẫn nhau. Bởi vậy, sự “ổn định” là quan trọng không chỉ đối với chế độ mà cả người dân. Chế độ biên chế nhà nước vẫn duy trì và việc trở thành công chức nhà nước là may mắn và thăng quan tiến chức là thanh đạt. Ngoài ra, sự trải nghiệm từ thế hệ này qua thế hệ khác đối phó với những rủi ro trước chiến tranh và nỗi sợ hãi từ các cuộc cách mạng bạo lực, đàn áp, cải cách ...  đã ‘dạy’ họ, rằng hãy đặt sự an toàn lên hàng đầu thay vì đòi hỏi các quyền tự do dân chủ… Họ chấp nhận chế độ “đảng cử dân bầu” và âm thầm, cam chịu đó là hợp pháp và hiệu quả. Ngoài ra, người dân luôn bị cuốn vào sự giáo huấn chấp hành các quy định về nhân quyền có các giá trị khác với phổ quát, phục tùng và kính yêu lãnh tụ… và. văn hoá truyền thống “tương thân tương ái”… được làm mới bởi chủ nghĩa tập thể…

    Mặc dù những xung đột địa chính trị căng thẳng, vũ khí hạt nhân vẫn đe doạ huỷ diệt thế giới và làm gián đoạn chuỗi cung, thương chiến giữa các quốc gia làm suy giảm sự hợp tác “cùng thắng”… nhưng việc cùng tồn tại và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo, trong đó quy luật cạnh tranh chi phối và, hậu quả vẫn là người thắng kẻ thua. Chế độ nào, dân chủ hay Đảng toàn trị, bền bỉ và năng suất hơn sẽ là người thắng trong cuộc cạnh tranh ý thức hệ.

    _____________

    Tham khảo:

    https://www.theguardian.com/books/2014/mar/21/bring-back-ideology-fukuyama-end-history-25-years-on;

    https://en.wikipedia.org/wiki/The_World_Is_Flat;

    https://en.wikipedia.org/wiki/Ray_Dalio;

    https://hbr.org/2021/05/what-the-west-gets-wrong-about-china;

    Chế độ đảng toàn trị thăng trầm: tha hóa quyền lực và suy vong (phần 4)

    Bình luận của Huỳnh Trần

    Chế độ đảng toàn trị thăng trầm: tha hóa quyền lực và suy vong (phần 4)

    Một phụ nữ đi qua tấm biển cổ động cho Đại hội 13 Đảng Cộng sản VN ở Hà Nội hôm 18/1/2021 (minh họa)

     REUTERS/Kham

    (IV) Tha hoá quyền lực Đảng CS Việt Nam, nguy cơ suy vong chế độ

    Chế độ Đảng toàn trị Việt Nam đã và đang thăng trầm trong hai chu kỳ, theo mô hình Liên xô và mô hình Trung Quốc, nhưng với lịch sử và đặc thù phức tạp. Mặc dù ‘nhen nhóm’ từ năm 1930 khi Đảng CS Việt Nam thành lập và chiếm ưu thế quyền lực trong phong trào giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, nhưng chế độ Đảng toàn trị ở đây chính thức được bắt đầu từ năm 1945 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Trong đó vai trò cá nhân của lãnh tụ Hồ Chí Minh được đề cao với sự kết hợp tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa dân tộc và sự ảnh hưởng của tinh thần “dân chủ”, “cộng hoà” từ phương Tây. Bản Hiến pháp đầu tiên[1] năm 1946 của chế độ để lại dấu ấn này. Như đã biết, sau đó là những biến cố lịch sử phức tạp, chiến tranh liên miên, đất nước chia cắt thành hai miền, thống nhất 1975, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội với xuất phát điểm kinh tế thấp kém, nghèo nàn với những khó khăn thời kỳ bao cấp khi vận hành kinh tế theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung… Trước nguy cơ sụp đổ chế độ năm 1986 đường lối Đổi mới được chính thức tuyên bố trong Đại hội 6 Đảng CS Việt Nam và, mô hình Đảng toàn trị kiểu mới ra đời.

    Chu kỳ thăng trầm của mô hình toàn trị Việt Nam, về cơ bản, như đã biết, cũng được chia tương đối thanh ba giai đoạn: (1)trỗi dậy, từ 1986 đến khoảng 1995; (2)đỉnh cao, từ 1996 đến 2011; Và, (3)thoái trào từ 2012 đến nay. Mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc nhưng sự thăng trầm của chế độ không đồng pha với Trung Quốc bởi những  khác biệt về độ dài mỗi giai đoạn và cả chu kỳ, biên độ dao động, tính dẻo dai và sự thành công kinh tế. Trong hai giai đoạn đầu của chu kỳ Việt Nam cũng đã ghi dấu ấn: thoát khỏi sụp đổ, tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh, xoá đói giảm nghèo, hội nhập với khu vực và thế giới…

    Tuy nhiên, trong giai đoạn “thoái trào” có hai vấn đề cốt yếu làm suy vong chế độ. Một là, tăng trưởng kinh tế để đảm bảo tính chính danh cho chế độ toàn trị đang đứng trước thách thức khủng hoảng cơ cấu và xu hướng tách rời (decoupling), nghĩa là các nhà đầu tư rời đi do bất ổn chính trị hay thương chiến Mỹ - Trung, tuy nhiên giới lãnh đạo Việt Nam ‘lầm tưởng’ rằng hiện tượng này chỉ xảy ra đối với Trung Quốc trong khi Việt Nam có thể hưởng lợi; Hai là, sự tha hoá quyền lực đảng có liên quan đến tham nhũng lên đến “vùng cấm” như Bộ Chính trị gây ra khủng khoảng nghiêm trọng ở thượng tầng. Hậu quả là niềm tin vào chế độ, sự trong sạch và năng lực Đảng lãnh đạo nền kinh tế thị trường đang lung lay. Vì vậy, triển vọng thay đổi chế độ toàn trị thế nào đang thu hút sự chú ý đặc biệt.

    Trước hết, sự ‘lầm tưởng’ hoặc do vô minh hoặc do bệnh thành tích trong tuyên truyền, đó là sự ngộ nhận rằng Việt Nam là nền kinh tế thị trường và kinh tế thị trường khác biệt với chủ nghĩa tư bản. Hệ quả là khi đánh giá tình hình kinh tế các nhà phân tích thường coi nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường với động lực là tiêu dùng, đầu tư và chi tiêu chính phủ, nhưng bỏ qua hay làm ‘mờ’ các tác động của yếu tố thể chế, cả kinh tế và chính trị, đến tăng trưởng. Chẳng hạn, có thể do ‘nhạy cảm’ nên sự khủng hoảng đô-mi-nô bất động sản và ngân hàng, số doanh nghiệp rời thị trường, khó khăn đơn hàng hay đầu tư, tham nhũng cản trở tiếp cận nguồn lực, công chức gây phiền hà người dân để ăn hối lộ … đã không được đánh giá tác động đến tăng trưởng.[2]

    Hai là, sự phân mảnh hay tách rời (decoupling) là thách thức mang tính chiến lược[3] đối với hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, mà còn đối với các quốc gia được coi là đối tác hay đối thủ cạnh tranh. Chẳng hạn, Trung Quốc bị Mỹ, EU coi là đối thủ không chỉ kinh tế mà cả về khác biệt ý thức hệ trong khi Việt Nam nằm trong chiến lược cạnh tranh này. Bởi vậy việc hưởng lợi từ sự tách rời chỉ là tạm thời.

    Suy giảm kinh tế khiến tính chính danh của Đảng lung lay, nhưng trong giai đoạn “thoái trào” nó diễn ra đồng thời sự tha hoá quyền lực Đảng sẽ dẫn đến suy vong chế độ. Trước hết, biểu hiện rõ rệt là sự chuyển giao chức vụ tổng bí thư qua các thế hệ của thời kỳ khai quốc, chiến tranh sang thời kỳ Đổi mới ngày càng khó khăn. Những dấu hiệu “bất ổn” dần nghiêm trọng trong giai đoạn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm quyền. Thực ra, việc ‘luân chuyển’ vị trí từ Chủ tịch Quốc hội sang Tổng bí thư có từ thời ông Nông Đức Mạnh được cho là để thích ứng với nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cân bằng quyền lực về cơ cấu ở thượng tầng. Trên cương vị của mình ông Nguyễn Phú Trọng đã tập trung quyền lực đảng, kiên định tư tưởng Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội, nỗ lực chống tham nhũng làm trong sạch và củng cố Đảng – Nhà nước. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã không ngăn được sự tha hoá quyền lực mang tính hệ thống, ông đang là Tổng bí thư Đảng ở cuối nhiệm kỳ thứ ba, và hơn thế, nguyên tắc tập thể lãnh đạo đã bị phá huỷ.

    Như đã biết, Quản trị nội bộ Đảng dựa trên các nguyên tắc chủ yếu như tập trung dân chủ (thảo luận dân chủ nhưng quyết định cuối cùng là người đứng đầu), lãnh đạo tập thể (đồng thuận chẳng hạn biểu quyết trong tập thể lãnh đạo)  và “song quy” (phê bình và tự phê bình, kỷ luật đảng và giải trình trách nhiệm của cấp dưới đối với cấp trên). Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội 13, sau khi năm Uỷ viên Bộ Chính trị “từ nhiệm”, trong số 13 Uỷ viên còn lại có đến năm có ‘xuất xứ’ từ Bộ Công an, hai từ Bộ Quốc phòng… Khả năng ‘công an hoá’ Bộ Chính trị được đặt ra và, thậm chí có đồn đoán về việc Tổng bí thư bị tiếm quyền khi ‘quan sát’ còn những ai (Uỷ viên Bộ Chính trị) xung quanh ông ấy.[4]

    Mỗi khi đối diện với thách thức, các nhà lãnh đạo của chế độ Đảng toàn trị lại được ‘động viên’ bởi câu nói của Lênin “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên.” Ở giai đoạn “đỉnh cao” người ta nói “sự dẻo dai của chế độ chuyên chế.”[5] vì có sự chuyển giao quyền lực dựa trên các chuẩn tắc, vì việc trọng dụng nhân tài sẽ thay đổi tính bè phái, vì các bộ phận của hệ thống chính trị được chuyên môn hóa và vì sự tham gia chính tri của người dân được tăng cường… Tuy nhiên, khi “thoái trào” chế độ toàn trị đã hiện nguyên bản chất với những đặc trưng đã nêu  ở đầu bài viết. Hơn thế, các lãnh đạo Đảng cầm quyền đang sử dụng, như lá bài cuối cùng, cơ chế “Thiên tử” (con trời), “thế Thiên hành đạo” (thay Trời để cai trị), vượt qua những quy định đảng và luật pháp để chống tham nhũng “không vùng cấm.” Về nhân sự đảng, hai vị trí Chủ tịch Nước và Chủ tịch Quốc hội trong “tứ trụ” đang ‘khuyết’ vì “chịu trách nhiệm chính trị” vì tham nhũng cũng như những vị trí khác thay thế họ sẽ lại được Đảng cử để Quốc hội thông qua vào kỳ họp ngày 20/5. Trong bối cảnh tham nhũng trầm trọng và mang tính hệ thống liệu người dân có thể tin rằng họ có thể đủ năng lực và đủ phẩm chất đạo đức để điều hành kinh tế và lãnh đạo nhân dân?

    Hãy nghĩ về các kịch bản khác nhau, nhưng suy cho cùng phải từ quyền lực. Chế độ Đảng CS toàn trị dựa trên hệ tư tưởng Mác – Lênin mặc dù được thiết kế tinh vi và bền bỉ để chiếm đoạt, tập trung và duy trì quyền lực, nhưng kinh tế mới quyết định đảm bảo tính chính danh của Đảng. Chia sẻ quyền lực, điều Đảng không muốn, nhưng đã đến lúc buộc phải làm trước nguy cơ sụp đổ chế độ vì tha hoá quyền lực. Phân chia quyền lực, sự tham gia chính trị thực chất của nhân dân không những làm quyền lực được nhân lên, mạnh hơn ‘tuyệt đối’ mà còn tạo ra sức mạnh kinh tế bởi nó thúc đẩy các quyền tự do - nguồn gốc của sáng tạo, kiến thức và sự thịnh vượng.

    ____________

    Tham khảo:

    https://vi.wikipedia.org/wiki/Hiến_pháp_Việt_Nam_Dân_chủ_Cộng_hòa_1946;

    https://www.youtube.com/watch?v=CYctOrzAjdU;

    https://hbr.org/2021/05/the-strategic-challenges-of-decoupling;

    https://www.rfi.fr/vi/tạp-ch%C3%AD/tạp-ch%C3%AD-việt-nam/20240429-vn-quanh-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-con-ai;

    https://www.journalofdemocracy.org/articles/chinas-changing-of-the-guard-authoritarian-resilience

    Chế độ đảng toàn trị thăng trầm: tha hóa quyền lực và suy vong (phần 4) — Tiếng Việt (rfa.org)


    Không có nhận xét nào