Header Ads

  • Breaking News

    Tưởng Năng Tiến – Công Đức & Công Quỹ

    Lần đầu tiên ghé phi trường Wattway, giữa thủ đô Vientiane, tôi ngại nước Lào khó kiếm chỗ đổi ngoại tệ nên chìa luôn năm trăm Mỹ Kim cho một cô gái xinh xinh (đang ngồi ngáp vặt ở quầy exchange money) và vô cùng bối rối khi được người đẹp trao lại cho cả chục triệu đồng – trông rất bèo nhèo – mà nàng gọi là tiền Kip.

    Tôi vừa nhét vội mớ tiền nhầu nhĩ vào ba lô, vừa lầu bầu bằng tiếng mẹ đẻ (“sao mà nhiều dữ vậy má non”) rồi chợt nhớ ra rằng người dân miền Nam –  ngày trước –  vẫn thường hay giễu cợt khi nói đến “tiền Lèo,” với hàm ý rằng đây là loại chỉ tệ mà giá trị thì vô cùng … tồi tệ ! 

    Bây giờ thì chắc chắn chả còn người Việt nào cười đùa như thế nữa vì tiền bạc ở xứ sở này, hiện nay, cũng chả khác tiền Lèo là mấy! Tiền Chùa thì khác. Nó không bị rẻ rúng như tiền Lèo nhưng cũng không được coi trọng gì cho lắm vì là của thiên hạ (tiền bá tánh/other people’s money) nên khi có dịp thì ai cũng tiêu dùng thả cửa, kể cả lắm vị sư tăng. 

    Dùng tiền công đức để đánh bạc, chơi đĩ, nhậu nhẹt (lai rai) tuy không phải là hiện tượng phổ biến nhưng cũng chả hiếm hoi chi, khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam lựa chọn phương châm hành đạo mới (“Đạo pháp - Dân tộc - Chủ Nghĩa Xã Hội”) và sinh hoạt “dưới bóng cây Kơ Nia” của Mặt Trận Tổ Quốc – kể từ tháng 11 năm 1981. 

    Cờ tới tay ai, người nấy phất. Tiền vô túi ai, kẻ nấy xài là chuyện bình thường. Chỉ có điều bất thường khiến nhà nước phải bận lòng (hay “động lòng”) vì số tiền công đức mà nhà chùa đang nắm giữ, ngó bộ, quá nhiều! 

    Nhiều là bao nhiêu?

    Bỉnh bút Văn Tâm tường thuật: Đến nay, GHPGVN chưa công khai số tiền công đức từ các ngôi chùa của mình. Tuy nhiên, có thể hình dung một phần nào đó về độ lớn của tiền công đức qua các con số khác. GHPGVN cho biết đã chi 6.838 tỷ đồng để làm từ thiện từ năm 2012 đến năm 2017. Hay vụ việc Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, xin nhận tài sản 200 – 300 tỷ đồng để hoàn tục sau khi bị tố cáo sàm sỡ phóng viên. 

    FB Thảo Dân nhận xét: “Nặn óc mới ra bao nhiêu thứ thuế, mà dân cũng chửi cho ủng óc. Rứa mà đồng chí chùa nhàn nhã thảnh thơi tiền như vỏ hến, nhà nước nào chịu được.”

    Vì không “chịu được” nên ngày 4 tháng 5 năm 2021, Bộ Tài Chánh ra thông báo “vừa hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Quy định này nhằm quản lý chặt chẽ nguồn tiền công đức, tài trợ cho các hoạt động nêu trên.”

    Nhà Chùa, tất nhiên, phản đối: 

    Ngày 20/4/2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi công văn phản hồi dự thảo thông tư lần thứ ba của Bộ Tài chính về việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích. 

    Theo đó, thứ nhất, giáo hội không chấp nhận quy định nhà chùa phải báo cáo cho nhà nước về các khoản thu, chi khi tổ chức lễ hội tại các di tích thuộc giáo hội.

    Thứ nhì, giáo hội phản đối yêu cầu dùng tiền công đức của nhà chùa để tổ chức các lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức tại các di tích tôn giáo.

    Thứ ba, giáo hội yêu cầu dự thảo không đặt ra quy định về việc quản lý chi tiêu, minh bạch tiền công đức, tiền tài trợ của các tổ chức tôn giáo và các di tích tôn giáo. (Thái Thanh. “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Không Muốn Minh Bạch Tiền Công Đức.” Tạp Chí Luật Khoa May 21, 2022).

    Vẫn theo nhận xét của tác giả Thái Thanh thì “yêu cầu này của giáo hội khó có thể trở thành hiện thực.”

    Sao mà “thành” được! Đâu thì không biết chớ ở nước CHXHCNVN thì thằng nào có súng là thằng đó nắm tiền. Khỏi có nói nhiều, và cũng khỏi phải bàn cãi lôi thôi gì nữa. Kể từ nay công đức và công quỹ là một, chấm hết!

    Thế cũng hay (cho nó tiện việc sổ sách) nhưng chưa “hết” đâu! Còn một vấn nạn mà nhiều người quên đặt ra là công quỹ hiện đang được sử dụng ra sao? Câu trả lời có thể tìm được dễ dàng, qua vài cái tựa ngắn ngủi, trên trang nhất của những tờ báo quốc doanh:

     Ngân sách nhà nước rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào, ngân sách dự phòng thì hết   

    Nợ công ngày càng tăng 

    Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội

    Ngân sách Nhà nước như một dòng sông đã cạn

    Tiền trong dân còn rất lớn, làm sao để huy động là điều rất trăn trở

    Ô hay! Thế thì ngân quỹ “biến” đi đâu?

    Tiền nhà nước thì cũng giống như tiền của nhà chùa vậy mà, cũng đều là của bá tánh cả. Sư tăng mà còn chơi xả láng (sáng về sớm) thì nói chi đến giai tầng cán bộ. Báo Người Lao Động, số ra ngày 16 tháng 5 năm 2022, ái ngại cho hay:

    Việc cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà bị cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Ninh bắt giam gây chú ý dư luận không phải vì quan chức này rơi vào vòng lao lý mà vì khối tài sản quá lớn. Theo đó, cựu chủ tịch này ngoài căn biệt thự đang ở được ước đoán có giá gần trăm tỉ đồng cùng dàn cây cảnh độc, lạ và 4 chiếc ô tô đắt tiền, gồm: 1 chiếc SUV hiệu Lexus LX570 có giá từ 8 - 10 tỉ đồng tùy phiên bản; 1 chiếc Lexus ES 250 giá từ 2,6 tỉ đồng; 1 chiếc SUV hiệu Vinfast Lux SA 2.0 giá từ 1,2 tỉ đồng; 1 chiếc Mercedes E 300 giá từ gần 2,9 tỉ đồng.

    Nói tóm lại thì dù công đức hay công quỹ cũng đều … thất thoát ráo trọi. Bỏ vô đâu thì cũng thế (thôi) nên tác giả Tân Phong có đề nghị rất thực tế như sau: “Cái hòm công đức phải được chia phần cho đều. ‘Của đồng chia ba, của nhà chia đôi,’ ít nhất thì cũng phải chia làm ba. Một phần nộp về Bộ Tài Chính, một phần nộp về Giáo Hội quốc doanh và phần còn lại chia cho các sư quốc doanh trụ trì …thì có thế mới yên được.”

    Trong tinh thần “tốt đạo đẹp đời” và với ý hướng “xây dựng khối đoàn kết dân tộc,” tôi hoàn toàn nhất trí với đề xuất thượng dẫn. Chứ nhà nước lại cứ nhất định muốn vơ hết phần của nhà chùa thì ngó cũng (hơi) khó coi, và cũng khó làm. 

    Chả lẽ, từ nay, Ban Tôn Giáo Chính Phủ lại phải gài thêm vào mỗi chùa vài nhà sư nữa để canh chừng tiền bạc? Và dù vậy (chăng nữa) cũng chưa chắc đã êm vì chả có gì bảo đảm là “chi bộ nhà chùa” sẽ không thông đồng với nhau để chia chác mấy cái thùng công đức.

    Hơn nữa, công bằng và khách quan mà xét, chính phủ không nên quên vai trò tích cực của nhà chùa trong việc … an dân! Trong số 17. 000 ngôi chùa hiện nay thì tuyệt đại đa số (14.500) đều được điều hành bởi những tu sỹ quốc doanh. Đám ma tăng trụ trì này đã góp phần không nhỏ trong việc ru ngủ đám đông bởi nhiều hủ tục mê tín dị đoan.

    Thay vì lên chùa (gọi vong, thỉnh vong, cúng vong, nhập hồn, giải oan, giải hạn, cúng linh …) quần chúng lại xuống đường (đòi hỏi quyền sở hữu đất đai, hủy bỏ điều 4 hiến pháp, bầu cử tự do, tam quyền phân lập …) thì lôi thôi lắm và lôi thôi lớn. 

    Với cái thế nước chông chênh hiện nay, và trong tình cảnh thù trong/giặc ngoài như hiện tại mà nhà nước vẫn nhất định không chịu ăn chia với nhà chùa thì e chả phải là một quyết định khôn ngoan. Ấy là tôi vì quá rảnh nên cũng bàn (chơi) thế thôi. Hy vọng cũng lọt tai được vài người, nhất là những vị vẫn hay bỏ tiền vào mấy cái thùng công đức ở những ngôi chùa của GHPGVN (không) TN!


    Không có nhận xét nào