Header Ads

  • Breaking News

    Trận Điện Biên Phủ và kính vạn hoa lịch sử

    Thúy Mùi / Tạp chí Luật Khoa

    06/5/2024

    " Để cân bằng tranh luận của mình, Christopher Goscha phân tích cái giá (human cost) rất đắt mà Việt Nam phải trả cho chiến thắng Điện Biên Phủ. [17]

    Một lực lượng lớn dân thường (1,6 triệu người, trong đó một nửa là phụ nữ) bị huy động làm việc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt đã dẫn tới sự kiệt sức của toàn xã hội (profound exhaustion of society).

    Thêm vào đó, khoảng 500.000 - 1 triệu dân thường thiệt mạng do vũ khí, đói, bệnh tật hoặc kiệt sức. Các thiệt hại này để lại những tổn thương lâu dài cho xã hội hậu chiến.

    Với hơn 500 trang sách, công trình của Goscha bao gồm những tư liệu học thuật cập nhật nhất về Điện Biên Phủ. Nó cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng thể và cân bằng hơn về cuộc chiến khốc liệt nhất thế kỷ 20.

    Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục tuyên truyền về tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, nhưng các tổn thương sâu sắc mà cuộc chiến gây ra cho xã hội cũng cần được nhìn trực diện và chữa lành để lịch sử có thể sang trang"

    Ảnh điện ảnh của Roman Karmen về chiến thắng trận Điện Biên Phủ ở nóc hầm De Castries. Nguồn: Tư liệu/ TTXVN phát. 

    70 năm sau trận Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) - trận chiến được coi là bạo lực nhất thế kỷ 20, toàn bộ các thiết chế, nguồn lực và phương tiện truyền thông của nhà nước Việt Nam được huy động để nhắc lại các diễn ngôn quen thuộc về tinh thần bất khuất hay đó là chiến thắng vĩ đại, thể hiện sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. [1]

    Những người nghiên cứu hay văn nghệ sĩ sáng tác làm cho nhà nước cũng đặt các tác phẩm của mình trong các khung diễn ngôn này. [2]

    Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức một cách có tính toán để vừa thể hiện sức mạnh (quân sự), vừa thúc đẩy du lịch (kinh tế-dân sự). Tuy nhiên, thông tin cụ thể, chính xác về kinh phí cho các hoạt động (được huy động thế nào, sử dụng ra sao) không được minh bạch hóa với công chúng. [3]

    Diễn ngôn chủ đạo của tất cả các hoạt động không nhắc tới những vấn đề như thiệt hại về con người (human cost), hoặc sang chấn tập thể thời hậu chiến (collective trauma). [4]

    Như nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã viết, mọi cuộc chiến đều diễn ra hai lần: một lần tại trận địa, và lần thứ hai trong ký ức.

    Việc viết về ký ức chiến tranh giúp làm rõ những khoảng tối lịch sử, rút ra bài học từ quá khứ để vượt lên những sang chấn hậu chiến và hướng tới tương lai.

    Mỗi bên tham gia Điện Biên Phủ ghi lại ký ức về trận chiến từ góc nhìn của mình và theo cách của mình.

    Tác giả có thể là học giả chuyên ngành chính trị, lịch sử, quốc phòng, có thể trực tiếp tham chiến hoặc không. Ví dụ: những người Việt tham gia Điện Biên Phủ xuất bản hồi ký tham chiến trong những vai trò khác nhau. [5]

    Các xuất bản bên ngoài Việt Nam áp dụng những kỹ thuật văn bản khác nhau, và sử dụng nhiều hình thức thể hiện khác nhau.

    Ví dụ: tác giả Pháp phản tỉnh sai lầm của chính phủ Pháp trong cuộc chiến Đông Dương [6]. Hội cựu chiến binh Mỹ có thư viện tập hợp các sách về chiến tranh Đông Dương [7]. Tác giả Úc phân tích ý nghĩa của Điện Biên Phủ với chính sách quốc phòng Úc [8]. Sử gia Anh phân tích Điện Biên Phủ trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh (Cold War) và sự tham gia của Mỹ vào Việt Nam [9].

    Tác giả Trung Quốc cho rằng Điện Biên Phủ là thắng lợi chiến lược của Trung Quốc và chuyên gia quân sự Trung Quốc [10]. Tác giả trẻ người Nhật kể câu chuyện tình yêu bị thử thách trong cuộc chiến Điện Biên Phủ dưới hình thức tranh vẽ manga [11]. Các tác giả khác sáng tác văn học dưới dạng tiểu thuyết lịch sử...[12]

    Trong hoàn cảnh thế giới sống cùng các cuộc chiến mới tại Trung Đông và Ukraine, một số học giả tiếp tục nghiên cứu Điện Biên Phủ từ khía cạnh so sánh lịch sử, mô hình và kỹ thuật chiến tranh. Cuốn sách “Road to Dien Bien Phu: A History of the First War for Vietnam” (tạm dịch: "Con đường tới Điện Biên Phủ: Lịch sử cuộc chiến đầu tiên với Việt Nam") của học giả Christopher Goscha [13] là một công trình như vậy.

    Công trình phân tích trận Điện Biên Phủ từ nhiều góc cạnh khác nhau và đưa ra một số luận điểm mới so với các tác phẩm trước đây. Bản thân tác giả đã có buổi giới thiệu sách tại Đại học Fulbright Việt Nam.

    Bài viết ngắn này điểm qua một số nội dung quan trọng của sách để bạn đọc có cái nhìn đa chiều hơn với trận Điện Biên Phủ sau 70 năm. [14]

    “Con đường tới Điện Biên Phủ: Lịch sử cuộc chiến đầu tiên với Việt Nam” không phải là tác phẩm về lịch sử chiến tranh. Thay vào đó, Christopher Goscha dùng thủ pháp dòng thời gian để mô tả bối cảnh tranh chấp quyền lực trên thế giới và Đông Dương, các vận động đã dẫn tới trận Điện Biên Phủ.

    Chiến tranh ở Việt Nam được xem xét dưới nhiều góc độ, từ sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc cho tới nỗ lực của Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông trong việc xây dựng quân đội chính quy, tổ chức bộ máy nhà nước, sử dụng mạng lưới thông tin liên lạc, xây dựng nền kinh tế thời chiến và huy động nguồn lực dân sự.

    Tác giả sử dụng một lượng lớn tư liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Vì vậy, công trình đưa thêm cách nhìn mới, không từ góc nhìn lấy phương Tây làm trung tâm.

    Cuộc chiến cộng sản 

    Hai câu hỏi trọng tâm mà nghiên cứu của Christopher Goscha đặt ra là: (i) làm thế nào mà Hồ Chí Minh tổ chức được chiến thắng có một không hai trong lịch sử giải phóng thuộc địa? và (ii) cái giá phải trả cho chiến thắng đó là gì?

    Để trả lời cho câu hỏi thứ nhất, Christopher Goscha bắt đầu với việc xem xét sự hình thành thuộc địa Đông Dương của Pháp (French Indochina), và bối cảnh dẫn tới chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (First Indochina War). Việc dẫn dắt câu chuyện theo cách này giúp người đọc thấy trận Điện Biên Phủ là kết quả của một tiến trình xảy ra theo logic nhất định.

    Các tư liệu về thiệt hại mà cuộc chiến gây ra cho Việt Nam được Christopher Goscha sử dụng để trả lời cho câu hỏi thứ hai.

    Christopher Goscha cũng so sánh Hồ Chí Minh với những người Việt phản kháng sự đô hộ của Pháp như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học.

    Dựa trên sự ảnh hưởng tư tưởng và mối liên kết chính trị của Hồ Chí Minh với Đảng Cộng sản Pháp, Liên Xô và Trung Quốc, Christopher Goscha khẳng định chủ nghĩa dân tộc (nationalism) và lòng yêu nước (patriotism) của người Việt không phải là động lực duy nhất dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ.

    Ông gọi Điện Biên Phủ là cuộc chiến cộng sản (war communism). Đây là tranh luận cơ bản của Christopher Goscha.

    Tác giả quyển sách trình bày các bằng chứng rằng Hồ Chí Minh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DRV), Việt Minh có sự kết nối với, và, được hỗ trợ bởi Hành lang cách mạng Á-Âu (Eurasian Revolutionary Trajectory) [15]. Đây là yếu tố quan trọng khiến cho mô hình Điện Biên Phủ không thể lặp lại.

    Lực lượng Việt Minh được thành lập năm 1941 chính là đỉnh của cánh cung Á-Âu (tip of the Eurasian arc). Cụ thể, chiến thuật để Hồng quân Nga thực hiện Cách mạng tháng Mười đã lan sang Trung Quốc và sau đó tới Việt Nam.

    Vào cùng khoảng thời gian đó, Algeria cũng được Ai Cập hỗ trợ để đánh Pháp. Tuy nhiên, Algeria không thành công vì không được kết nối với Hàng lang cách mạng Á-Âu. 

    Theo Christopher Goscha, chiến tranh Đông Dương được thực hiện qua hai giai đoạn. Ban đầu, Hồ Chí Minh và những đồng chí của ông áp dụng chiến thuật chiến tranh du kích với những trận đánh nhỏ, lẻ. Khi quân đội được thành lập 12/1944, cuộc chiến chuyển sang hình thức chính thống với sự có mặt của lực lượng quân sự chuyên nghiệp. 

    Sau khi nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, Mao Trạch Đông bắt đầu có những khoản viện trợ lớn (trong đó có vũ khí) để giúp Hồ Chí Minh đánh Pháp. Hơn 200 chuyên gia quân sự Trung Quốc được huy động để đào tạo quân đội Việt Nam.

    Christopher Goscha cũng sử dụng những tư liệu thú vị về việc buôn bán giữa DRV và Quốc gia Việt Nam [16]. Thêm vào đó, DRV củng cố lực lượng bằng cách xây dựng đồng minh tại Lào và Campuchia.

    Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông đã áp dụng một loạt công cụ cộng sản của Liên Xô và Trung Quốc (Sino-Soviet communist toolbox) để xây dựng bộ máy nhà nước. Sự vận hành của bộ máy này là để chuẩn bị cho trận đánh quyết định tại Điện Biên Phủ. Các công cụ chính sách bao gồm:

    Đảng nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc để mở rộng tầm kiểm soát tới tất cả các tổ chức từ nhà nước tới các tổ chức quần chúng, quân đội, và cảnh sát.

    Tiến hành các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ để “thi đua” xây dựng hình tượng “con người mới” của đảng viên, bộ đội, công an, cán bộ nhà nước, hoặc người nông dân hăng hái sản xuất. Mục đích của hoạt động này là xây dựng lực lượng để phục vụ cho Điện Biên Phủ.

    Áp đặt tư tưởng cộng sản, xây dựng lòng trung thành với Đảng và kiểm soát ý kiến trái chiều của các trí thức.

    Tuyên truyền về lòng yêu nước, anh hùng cách mạng khiến xã hội sùng bái lãnh tụ (Hồ Chí Minh).

    Đảng kiểm soát các hoạt động giáo dục và tuyên truyền.

    Duy trì nền kinh tế thời chiến: phát hành tiền.

    Cải cách ruộng đất: thay đổi cấu trúc xã hội từ hạ tầng (làng/xã). Tuyên truyền về lý tưởng của các cán bộ Đảng để thay thế vai trò của các chủ đất nông dân. Cải cách ruộng đất không phải chủ đề mới, nhưng cách Goscha đặt hoạt động này trong cơ chế/cỗ máy chiến tranh để dẫn tới trận đánh cuối cùng tại Điện Biên Phủ là cách nhìn mới.    

    Hồ Chí Minh và các đồng chí cũng áp dụng chiến lược huy động tổng thể nguồn lực của xã hội cho chiến tranh (social total mobilization). Thanh niên phải đi nghĩa vụ quân sự. 

    Ngoài ra, một lượng khổng lồ dân thường được huy động để chuyên chở vũ khí và lương thực cho Điện Biên Phủ, hoặc giao thông viên bưu điện.

    Christopher Goscha đã sử dụng nhiều tư liệu tiếng Việt để minh họa cho quá trình xây dựng nhà nước này.

    Theo ông, những gì xảy ra tại Việt Nam trong từ 1950-1954 rất giống với cách những người Bolsheviks huy động lực lượng xã hội Nga để thực hiện Cách mạng tháng Mười và nội chiến.

    Cái giá của chiến tranh

    Để cân bằng tranh luận của mình, Christopher Goscha phân tích cái giá (human cost) rất đắt mà Việt Nam phải trả cho chiến thắng Điện Biên Phủ. [17]

    Một lực lượng lớn dân thường (1,6 triệu người, trong đó một nửa là phụ nữ) bị huy động làm việc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt đã dẫn tới sự kiệt sức của toàn xã hội (profound exhaustion of society).

    Thêm vào đó, khoảng 500.000 - 1 triệu dân thường thiệt mạng do vũ khí, đói, bệnh tật hoặc kiệt sức. Các thiệt hại này để lại những tổn thương lâu dài cho xã hội hậu chiến.

    Với hơn 500 trang sách, công trình của Goscha bao gồm những tư liệu học thuật cập nhật nhất về Điện Biên Phủ. Nó cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng thể và cân bằng hơn về cuộc chiến khốc liệt nhất thế kỷ 20.

    Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục tuyên truyền về tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, nhưng các tổn thương sâu sắc mà cuộc chiến gây ra cho xã hội cũng cần được nhìn trực diện và chữa lành để lịch sử có thể sang trang.

    Chú thích

    [1] Đọc thêm tại đây.

    [2] Sao Khuê, Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu lịch sử Cao Văn Liên, báo điện tử Lạng Sơn, truy cập ngày 6/5/2024. Đọc thêm tại đây.

    [3] Cuối năm 2023, Tỉnh ủy Điện Biên có kế hoạch kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Kế hoạch này bao gồm hàng loạt các hoạt động như xây dựng/sửa chữa cơ sở hạ tầng (xây cảng hàng không Điện Biên Phủ, sửa chữa sân vận động, cải tạo điểm di tích); “đền ơn đáp nghĩa” (5.000 căn nhà đại đoàn kết); và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Tuy nhiên, kế hoạch này không chỉ rõ kinh phí cho các hoạt động đến từ đâu. Sau đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động các địa phương đóng góp cho các hoạt động của Điện Biên. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, có đợt, đã hỗ trợ tỉnh Điện Biên tới 85 tỷ đồng. Cho đến nay, công chúng không biết chính xác số tiền (gồm ngân sách nhà nước và tư nhân) cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm này là bao nhiêu. Xem thêm tại đây.

    [4] Ví dụ về các khái niệm danh tính quốc gia, ký ức tập thể, chiến tranh và sang chấn tập thể. Độc giả có thể tham khảo thêm tại: marquettehistorians; cambridge.org/core/journals; cambridge.org/core/books/abs

    [5] Ví dụ: Lê Mạnh Thái (2004), Điện Biên Phủ một góc nhìn, Hồi ký. Xem thêm.

    [6] Jules Roy (2002), the Battle of Dien Bien Phu; Jean-Jacques Arzalier (2021), Battle of Dien Bien Phu.

    [7] Đọc thêm tại đâyChristian C. Lentz (2019), Contested Territory: Ðien Bien Phu and the Making of Northwest Vietnam.

    [8] Alan Stephens (2007), Dien Bien Phu, and the Defence of Australia.

    [9] David J. A. Stone (2004), Wars of The Cold War Campaigns & Conflicts 1945 – 1990; Martin Windrow (2021); Dien Bien Phu 1954: The French Defeat that Lured America Into Vietnam.

    [10] Yi Jian Wen Hua (2015), Battle of Dien Bien Phu (Chinese Edition).

    [11] Daisuke Nishiima (2006), Dien Bien Phu Manga. Đọc thêm tại đây.

    [12] Danette Enrico (2021), Vietnam War Memoir: A Historical Novel About Dien Bien Phu: Dien Bien Phu.

    [13] Đọc thêm tại đây.

    [14] Các trao đổi của giới học thuật về cuốn sách, xem tại đây.

    [15] Về sự lan rộng của cách mạng từ Nga sang Trung Quốc trước và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, xem thêm: Alfred Rieber, The Origins of the Cold War in Eurasia: A Borderland Perspective in Eurasia, in Konrad H. Jarausch and Thomas Lindenberger (2007), Conflicted Memories Europeanizing Contemporary Histories, Berghahn Books

    [16] Quốc gia Việt Nam được thành lập theo thỏa thuận năm 1949 giữa vua Bảo Đại và tổng thống Pháp.

    [17] Ở khía cạnh này, Christopher Goscha có sử dụng tư liệu đã được các học giả khác viện dẫn.

    https://www.luatkhoa.com/2024/05/tran-dien-bien-phu-va-kinh-van-hoa-lich-su/


    Không có nhận xét nào