BBC News
30/5/2024
IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Vào năm 2006, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã lập khối “BRIC”, viết tắt từ tên tiếng Anh của các quốc gia này. Nam Phi gia nhập vào năm 2010 và khối đã đổi tên sang “BRICS”
Thái Lan nhấn mạnh về tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và tạo lập một trật tự thế giới mới trong tuyên bố sẽ gia nhập khối BRICS.
Chính phủ Hoàng gia Thái Lan đã chấp thuận thư bày tỏ quan tâm gia nhập khối BRICS, được Bộ Ngoại giao Thái Lan đệ trình, theo tuyên bố ngày 28/5.
Chính phủ của Thủ tướng Srettha Thavisin đã hoàn tất các kế hoạch đệ trình đơn gia nhập khối BRICS. Nếu được chấp thuận, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN gia nhập khối do Nga, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc khởi xướng.
Các quốc gia không phải là thành viên đã được mời để tham dự Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16, sẽ được tổ chức tại thành phố Kazan (Nga) từ ngày 22-24/10.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông sẽ sử dụng vai trò chủ tịch tại Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 để gia tăng vai trò của BRICS trong hệ thống tài chính quốc tế, phát triển hợp tác giữa các ngân hàng và mở rộng sử dụng các đồng tiền trong BRICS và thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thuế và hải quan.
Chưa có thông tin Việt Nam sẽ tham dự thượng đỉnh lần này hay không.
Vào tháng 8/2023, Việt Nam là một trong 71 quốc gia được chủ nhà Nam Phi mời tham gia Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15.
Việt Nam sẽ gia nhập BRICS hay chần chừ vì ngoại giao 'cây tre'?14 tháng 5 năm 2024
Khối BRICS là gì và quốc gia nào sẽ gia nhập vào đầu năm 2024?31 tháng 12 năm 2023
Vì sao Việt Nam ráo riết vận động hành lang để Mỹ cho ra khỏi danh sách ‘nền kinh tế phi thị trường’?9 tháng 5 năm 2024
Cùng BRICS lập trật tự thế giới mới?
Theo người phát ngôn chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke, Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 sắp tới sẽ là cơ hội để Thái Lan thúc đẩy vai trò lãnh đạo trong các quốc gia đang phát triển và tham gia vào việc tạo lập chính sách quốc tế.
Trong thư bày tỏ quan tâm gia nhập khối BRICS, Thái Lan đã nêu bật tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, tăng cường sự hiện diện của các quốc gia đang phát triển trong hệ thống quốc tế.
Chính phủ Thái Lan đánh giá việc gia nhập khối BRICS sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia này, chẳng hạn như gia tăng vai trò trên trường quốc tế, gia tăng cơ hội tham gia vào việc xây dựng chính sách quốc tế và tạo một trật tự thế giới mới.
Việt Nam đến nay vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về ý định gia nhập BRICS.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam gần đây đã chính thức "bày tỏ sự quan tâm" tới việc mở rộng của khối.
Trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt vào ngày 14/5, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải từ Đại học Queensland (Úc) nhận định rằng Việt Nam sẽ phải chuẩn bị tâm thế, dù không muốn, "là đi theo một nhóm muốn tạo lập một trật tự quốc tế mới, đứng về một phe chống lại sự ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây".
Ông cũng đánh giá Việt Nam sẽ ngày càng lún sâu vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc khi Bắc Kinh xem BRICS là phương tiện cho những tham vọng địa chính trị để tạo lập một trật tự thế giới mới, tạo đối trọng với khối G7.
Thái Lan cũng đã đệ đơn bày tỏ sự quan tâm muốn gia nhập tổ chức Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gồm 38 quốc gia thành viên, với kỳ vọng sẽ giúp phát triển kinh tế.
Trước đó, xét trong khối ASEAN, Indonesia là quốc gia đầu tiên đàm phán gia nhập OECD vào tháng 3/2024.
Trong khối ASEAN, Thái Lan là nền kinh tế lớn thứ hai sau Indonesia đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao sang thu nhập cao vào năm 2027.
Tốc độ phát triển kinh tế của Thái Lan được dự báo từ 2,2% đến 2,7% trong năm 2024, giảm so với mức dự báo trước đó hồi phục xuất khẩu chậm, theo Reuters ngày 8/5.
Du lịch vẫn là ngành mũi nhọn trong nền kinh tế Thái Lan, dự báo sẽ đón 35 triệu lượt du khách trong năm 2024.
Sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Thái Lan ngày càng xích lại gần Trung Quốc. Hai nước đã xác lập Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược toàn diện. Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Thái Lan.
Từ ngày 1/3, hai quốc gia đã tiến hành miễn thị thực song phương lâu dài cho du khách để thúc đẩy phát triển du lịch.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Thủ tướng Srettha Thavisin đang theo đuổi chính sách ngoại giao mang tính đa dạng hơn.
Cho đến nay, mặc dù Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm đưa siêu dự án "Cầu Cạn" (Land bridge) kinh phí 28 tỷ USD của Thái Lan vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhưng Bắc Kinh chưa nhận được sự đảm bảo nào.
Thay vào đó, ông Srettha đang công khai kêu gọi đầu tư từ Mỹ, Trung Đông và các khu vực khác cho dự án đầy tham vọng về giao thông trên bộ ở miền nam Thái Lan.
Việt Nam sẽ gia nhập BRICS hay chần chừ vì ngoại giao 'cây tre'?14 tháng 5 năm 2024
Việt Nam có phải là nền kinh tế thị trường, tại sao cần Mỹ công nhận?12 tháng 3 năm 2024
Vì sao Việt Nam ráo riết vận động hành lang để Mỹ cho ra khỏi danh sách ‘nền kinh tế phi thị trường’?9 tháng 5 năm 2024
Truyền thông Trung Quốc và Nga ca ngợi quyết định của Thái Lan?
/AFP/GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Jair Bolsonaro khi đương chức Tổng thống Brazil, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại cuộc gặp các lãnh đạo BRICS bên lề Thượng đỉnh G20 tại thành phố Osaka (Nhật Bản) vào ngày 28/7/2019.
Truyền thông thân chính phủ Trung Quốc đánh giá cao quyết định tham gia BRICS của Thái Lan.
Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) hôm 29/5 dẫn lời ông Vương Hữu Minh, Giám đốc Viện Các nước đang phát triển thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định:
"Việc tham gia BRICS sẽ mang lại một chân trời kinh tế rộng mở cho quốc gia Đông Nam Á này trong nỗ lực phát triển công nghệ hiện đại và chuyển đổi số, một phần trong các mục tiêu phát triển bền vững của nước này."
Hãng thông tấn TASS của Nga hôm 29/5 đăng thông tin rằng việc Thái Lan gia nhập BRICS trong bối cảnh vai trò của đồng đô la và euro trong kinh tế toàn cầu suy giảm là điều cần thiết.
TASS trích dẫn nhận định từ nhà khoa học chính trị người Thái Lan Rom Phiramontri:
"Việc sử dụng đồng đô la Mỹ và euro sẽ suy giảm trong tương lai. Vì vậy, gia nhập khối BRICS là bước đi cần thiết. Công tác chuẩn bị đã được minh chứng qua việc tăng lượng dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Thái Lan và giảm sự phụ thuộc vào USD trong giao thương với Trung Quốc và các quốc gia trong ASEAN."
Giáo sư Padraig Carmody từ Đại học Trinity College Dublin trả lời BBC News hồi tháng 2 về mục đích chính của Trung Quốc trong khối BRICS:
"Thông qua BRICS, Trung Quốc đang cố gắng gia tăng quyền lực và tầm ảnh hưởng, biệt tại châu Phi. Trung Quốc muốn trở thành tiếng nói dẫn đầu Nam Toàn cầu," ông nói.
Nga, một quốc gia lớn khác trong BRICS, lại có một mục đích khác.
Nhà nghiên cứu Creon Butler từ Viện nghiên cứu Chatham House nói vào tháng 2/2024:
“Nga xem khối này nằm trong một cuộc chiến chống phương Tây, giúp vượt qua các lệnh trừng phạt bị áp đặt sau cuộc xâm lược của Ukraine.”
Thái Lan truy tố cựu Thủ tướng Thaksin tội xúc phạm hoàng gia29 tháng 5 năm 2024
Bong bóng trà sữa Trung Quốc sắp phát nổ?21 tháng 5 năm 2024
Vì sao ông Putin thay Bộ trưởng Quốc phòng ‘trung thành’ bằng một nhà kinh tế?14 tháng 5 năm 2024
Khối BRICS sẽ mở rộng như thế nào?
Vào năm 2006, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thành lập khối “BRIC”, viết tắt từ tên tiếng Anh của các quốc gia này.
Nam Phi gia nhập vào năm 2010 và khối đã đổi tên sang “BRICS”.
Từ đầu năm 2024, BRICS có thêm 6 thành viên mới gia nhập, gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Như vậy, hiện có 11 nước tham gia BRICS.
Khối BRICS gồm tổng dân số khoảng 3,5 tỷ người, tương đương 45% dân số thế giới.
Tổng giá trị nền kinh tế của các quốc gia này đạt hơn 28.500 tỷ USD, chiếm 28% nền kinh tế toàn cầu.
BRICS hình thành nhằm mang các quốc gia đang phát triển quan trọng nhất đến gần nhau, tạo đối trọng về kinh tế và chính trị với các quốc gia giàu có hơn ở Bắc Mỹ và Tây Âu.
Hồi tháng 7/2023, Nam Phi cho biết có hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm muốn gia nhập BRICS, trong đó có 22 nước đã chính thức đệ đơn gia nhập.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải đánh giá với BBC rằng tiếng nói của Nam Toàn cầu (Global South) - hay các nước đang phát triển - đang mạnh lên.
Nam Toàn cầu và Bắc Toàn cầu [Global North] là các thuật ngữ địa chính trị, với sự phân chia không hoàn toàn theo địa lý như các thuật ngữ Nam Bán cầu và Bắc Bán cầu.
"Tôi nghĩ thế giới hiện nay đang cho thấy sự phân cực rõ nét hơn. Một thế giới đa cực và đa trung tâm cũng rõ hơn và trong thế giới này thì Global South cũng đang khẳng định tiếng nói của mình mạnh mẽ hơn."
"Nhưng nếu nói là thách thức với nghĩa là có khả năng thay đổi trật tự hiện nay thì chưa đủ khả năng. Nói như vậy không có nghĩa là tôi xem nhẹ vai trò của Global South, mà chỉ muốn nói là cần phải có thêm thời gian và chừng nào mà Mỹ và các nước phương Tây vẫn có ảnh hưởng về kinh tế, đóng vai trò duy trì và cân bằng quyền lực, thì trật tự thế giới hiện nay sẽ không thay đổi. Thách thức ư? Có! Nhưng chưa thể thay đổi trật tự tế giới hiện nay ít nhất là trong 30 đến 50 năm nữa."
Thái Lan sắp gia nhập BRICS, Việt Nam thì sao? - BBC News Tiếng Việt
Không có nhận xét nào