Reuters: Cái chết của ông Raisi có thể làm xáo động cuộc đua kế nhiệm ông Khamenei
Tổng thống Raisi tử nạn tác động như thế nào tới tương lai Iran?
Nguồn: Jack Detsch, “What Raisi’s Death Means for Iran’s Future,” Foreign Policy, 20/05/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
21/5/2024
Cái chết đột ngột của vị tổng thống sau vụ tai nạn trực thăng có thể khiến đất nước rơi vào bất định ngay giữa bối cảnh hỗn loạn trong khu vực.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vừa qua đời sau khi chiếc trực thăng chở ông và một phái đoàn quan chức bị rơi xuống vùng núi phía bắc Iran, khiến tương lai của đất nước và khu vực càng trở nên bất định.
Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo Iran xác nhận Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian và một số quan chức hàng đầu khác cũng đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trong chuyến đi ở tỉnh Đông Azerbaijan của Iran. Sương mù dày đặc đã cản trở hoạt động tìm kiếm và cứu hộ suốt nhiều giờ trước khi địa điểm máy bay rơi được tìm thấy. Sương mù dày đặc đến mức Iran đã phải kêu gọi sự hỗ trợ của các vệ tinh Liên minh châu Âu để giúp xác định vị trí chiếc trực thăng.
Cái chết của Raisi đã đặt dấu chấm hết cho một kỷ nguyên ngắn ngủi nhưng đầy biến đổi trong nền chính trị Iran, khi nước này lựa chọn đường lối cứng rắn hơn và đe dọa đưa Trung Đông đến bờ vực chiến tranh khu vực. Trong gần ba năm nắm quyền, Raisi đã đưa chính trị trong nước và chính sách xã hội của Iran đi theo hướng bảo thủ hơn và củng cố vai trò “kẻ chống Mỹ” trong khu vực sau khi người tiền nhiệm Hassan Rouhani – người đã đánh bại ông trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2017 – từng tìm cách để hoà hoãn với phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran, trước khi đẩy mạnh các cuộc tấn công ủy nhiệm.
Là một luật gia Hồi giáo được chú ý nhờ quan hệ thân thiết với Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, và được nhiều quan chức và chuyên gia xem là ứng viên tiềm năng kế nhiệm vị lãnh tụ lớn tuổi, nhiệm kỳ của Raisi đã chứng kiến việc Iran tăng tốc độ làm giàu uranium và trì hoãn các cuộc đàm phán về Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, ba năm trước khi Raisi nhậm chức.
Iran dưới thời Raisi cũng tích cực hỗ trợ Nga trong cuộc chiến chống Ukraine bằng việc xuất khẩu máy bay không người lái cảm tử Shahed và đạn pháo, tăng cường các cuộc tấn công của lực lượng uỷ nhiệm trong khu vực để chống lại Mỹ và Israel sau cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas vào Israel hồi tháng 10/2023. Và chỉ một tháng trước khi ông qua đời, Raisi đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái và tên lửa nhắm vào Israel.
Các chuyên gia cho rằng bất kể người thay thế Raisi là ai, thì chiến lược mà ông theo đuổi khó có thể thay đổi, vì nó đã được củng cố trong giới lãnh đạo chính trị và giáo sĩ cấp cao của Iran.
“Có hay không có Raisi, chế độ Iran vẫn đang hài lòng với bối cảnh Trung Đông sau ngày 7/10,” Behnam Ben Taleblu, một nghiên cứu viên cấp cao chuyên về Iran tại Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ (FDD), nhận định. “Họ có thể tiếp tục chiến lược triệt hạ đối thủ bằng ngàn nhát dao nhỏ (death-by-a-thousand-cuts strategy), tấn công trực tiếp vào Mỹ và Israel thông qua lực lượng ủy nhiệm, và thậm chí trực tiếp ăn miếng trả miếng một vài lần như đã thấy hồi tháng 4, và cứ như thể họ đã thắng vòng này.”
Theo Hiến pháp Iran, Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber nhiều khả năng sẽ tạm thời đứng đầu nội các trong vòng 50 ngày tới, cho đến khi bầu cử được tổ chức. Các nhà phân tích nói rằng các kỳ bầu cử quốc hội gần đây có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục. Hơn nữa, Khamenei và các đồng minh của ông đã nỗ lực đáng kể để đảm bảo chiến thắng của Raisi trong cuộc bầu cử tổng thống gần nhất vào năm 2021, theo đó loại bỏ các đối thủ tiềm năng.
Trước khi trở thành tổng thống, Raisi phục vụ trong ủy ban công tố Iran, cơ quan đã xử tử khoảng 5.000 nhà bất đồng chính kiến vào năm 1988. Ông từng bị Liên Hiệp Quốc cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người và bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt. Nhưng cách tiếp cận mạnh tay của ông vẫn được duy trì với cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi, người đã bị cảnh sát đạo đức Iran giam giữ vào tháng 9/2022 sau khi bị cáo buộc không đội khăn hijab đúng cách ở nơi công cộng. Vụ việc đã gây ra làn sóng biểu tình trên toàn quốc.
Ngoài khả năng xảy ra bầu cử không theo lịch trình hoặc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm tới, còn có khả năng xảy ra biến động trong giới lãnh đạo cao nhất của Iran. Vì không nhiều người có thể kế vị Khamenei, hiện đã 85 tuổi, ngoài con trai của ông, Mojtaba Khamenei, cái chết của Raisi có thể khiến tương lai chính trị của Iran rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), nhánh lớn nhất của lực lượng vũ trang Iran hiện đang kiểm soát các khu vực lớn của nền kinh tế, cũng có thể tận dụng biến động này để tăng cường sức mạnh của mình.
David Des Roche, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông và Nam Á của Đại học Quốc phòng Mỹ và là đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, nhận xét “Hiện không có người kế vị rõ ràng nếu Khamenei ra đi. Phải chờ xem liệu IRGC về cơ bản có tiến hành một cuộc đảo chính chậm rãi hay không.”
Trong lúc các nhân viên cứu hộ tìm kiếm chiếc trực thăng bị rơi của Raisi, truyền thông nhà nước đã yêu cầu người dân Iran cầu nguyện cho tổng thống. Tuy nhiên, sau khi có báo cáo chính thức về vụ tai nạn, một số người Iran đã đốt pháo hoa ăn mừng sự ra đi của nhà lãnh đạo theo đường lối cứng rắn.
“Vụ tai nạn ngày hôm nay và nhiều khả năng là cái chết của tổng thống Raisi cùng ngoại trưởng của ông ấy sẽ làm rung chuyển nền chính trị Iran,” Afshon Ostovar, giáo sư tại Trường Sau đại học của Đại học Hải quân Mỹ và là chuyên gia lâu năm về Iran, viết trong một bài đăng trên X trước khi cái chết của tổng thống được xác nhận. “Bất kể nguyên nhân là gì, giả thuyết về một vụ chơi xấu sẽ lan nhanh trong chế độ. Các phần tử tham vọng có thể gây áp lực để giành được lợi thế, dẫn đến những phản ứng từ các phe phái khác trong chế độ. Hãy chuẩn bị tinh thần.”
Dù các chuyên gia cho rằng khó có khả năng một nhân vật theo chủ nghĩa tự do sẽ xuất hiện trong cuộc bầu cử không theo lịch trình hoặc bầu cử tổng thống năm 2025 ở Iran, cái chết của Raisi có thể tạo ra một kẽ hở nhỏ cho các phong trào phản kháng vẫn đang tồn tại âm thầm ở Iran.
Ben Taleblu, chuyên gia FDD, cho biết: “Những phong trào này vẫn chưa chết hẳn. Họ chỉ hoạt động ở cấp độ thấp, ở vùng ngoại vi – thường là đình công, công đoàn, hay tương tự như vậy. Vụ việc lần này có thể dẫn tới một vụ bùng phát trên toàn quốc, nhưng cũng có thể chẳng có gì. Nhưng câu hỏi không phải là có xảy ra biểu tình hay không, mà là xảy ra lúc nào.”
Jack Detsch là phóng viên về Lầu Năm Góc và an ninh quốc gia của Foreign Policy.
Tổng thống Raisi tử nạn tác động như thế nào tới tương lai Iran? (nghiencuuquocte.org)
Reuters: Cái chết của ông Raisi có thể làm xáo động cuộc đua kế nhiệm ông Khamenei
Reuters dẫn theo nhận định từ bên trong chính giới Iran cho biết vụ Tổng thống Iran Ebrahim Raisi chết do tai nạn máy bay trực thăng có thể làm đảo lộn kế hoạch của các chính trị gia cứng rắn vốn muốn ông Raisi kế nhiệm Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei và cũng sẽ khuấy động các cuộc cạnh tranh nội bộ về việc ai sẽ nắm quyền tại nước Cộng hòa Hồi giáo nếu ông Khamenei qua đời.
Ông Ebrahim Raisi, 63 tuổi, là hậu bối của ông Ayatollah Ali Khamenei, nổi lên trên chính trường Iran qua hệ thống chính trị thần quyền. Ông được nhìn nhận rộng rãi là ứng viên hàng đầu kế nhiệm quyền lực của Lãnh đạo Tối cao 85 tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định người kế nhiệm ông Khamenei trong một nền chính trị không rõ ràng như Iran.
Ông Ebrahim Raisi được bầu làm tổng thống Iran vào năm 2021. Sự thăng tiến của ông Raisi lên vai trò tổng thống là một phần của sự củng cố quyền lực vững chắc trong tay các chính trị gia cứng rắn luôn tận tâm bảo vệ các trụ cột của Cộng hòa Hồi giáo chống lại các rủi ro đặt ra bởi những người bất đồng chính kiến trong nước và các kẻ thù hùng mạnh trong một khu vực đầy biến động.
Ông Raisi là người kiên định ủng hộ ông Khamenei và lẽ ra có thể đi lại con đường mà giáo sĩ 85 tuổi này đã kinh qua. Ông Khamenei đã giữ chức tổng thống Iran trước khi trở thành Lãnh đạo Tối cao vào năm 1989 sau khi nhà sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran, ông Ayatollah Ruhollah Khomeini qua đời.
Vị trí Lãnh đạo Tối cao nắm giữ quyền lực tối thượng tại Iran, là tổng tư lệnh quân đội và quyết định đường hướng chính sách đối ngoại vốn được định hình phần lớn bởi xung đột với Mỹ và Israel.
Mặc dù ông Khamenei chưa tán thành bất kỳ người kế nhiệm nào, nhưng các nhà quan sát tình hình Iran nói rằng ông Raisi là một trong hai cái tên thường được đề cập, người thứ hai chính là con trai của ông Khamenei, ông Mojtaba. Ông Mojtaba được cho là có ảnh hưởng tới chính trường Iran từ hậu trường.
Ông Vali Nasr, giáo sư Nghiên cứu Trung Đông và các Vấn đề Quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Tiến bộ John Hopkins cho rằng ông Raisi nhận được hậu thuẫn của một nhóm các chính trị gia cứng rắn muốn thấy ông trở thành Lãnh đạo Tối cao. Bản thân ông Raisi rõ ràng cũng muốn giữ vai trò lãnh đạo đó.
Ông Vali Nasr nói: “Bây giờ họ không có ứng viên, và bây giờ mở cửa cho những phe phái khác hoặc những nhân vật khác nổi lên cạnh tranh nhau gây gắt”.
Vẫn theo lời giáo sư Vali Nasr, đối với ông Raisi – một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite tầm trung, thì chức tổng thống là phương tiện để ông vươn tới vị trí Lãnh đạo Tối cao. “Bây giờ không có ứng viên khác với nền tảng như vậy và đó là lý do tại sao cuộc bầu cử tổng thống Iran sẽ là yếu tố quyết định đầu tiên về việc điều gì sẽ đến tiếp theo”, ông Nasr nói.
‘Cú tát vào thể chế’
Quan điểm của ông Raisi là đồng điệu với ông Khamenei về mọi chủ đề lớn và ông ta cũng đã thực thi những chính sách của vị lãnh đạo tối cao nhằm cố thủ quyền lực của giới giáo sĩ, trấn áp những người đối lập, và áp dụng đường lối cứng rắn về các vấn đề chính sách ngoại giao chẳng hạn như các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, hai nguồn tin nội bộ tại Iran nói với Reuters.
Các chính trị gia cứng rắn đã duy trì được vị thế vững chắc của họ sau cuộc bầu cử quốc hội Iran diễn ra vào tháng Ba vừa qua, tuy nhiên số cử tri tham gia bầu cử đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ Cách Mạng Hồi giáo 1979.
Các nhà phê bình nhìn thấy số cử tri đi bầu cử thấp là phản ánh một cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp của giới tinh anh giáo sĩ, trong bối cảnh gia tăng khó khăn kinh tế và bất đồng nổi lên trong số những người Iran nổi giận về các hạn chế xã hội và chính trị. Nhiều cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng đã nổ ra sau cái chết của một người phụ nữ trẻ bị cảnh sát luân lý bắt giữ vào năm 2022.
Trong khi đó đối với ông Mojtaba, mặc dù cái tên này đã nổi lên là một trong những người có cơ hội kế nhiệm ông Khamenei, nhưng vị giáo sĩ tầm trung đang dạy giáo lý tại trường dòng tôn giáo ở thành phố Qom này dường như không nhận được sự ủng hộ của chính cha mình.
Một nguồn tin thân cận với ông Khamenei cho biết, vị Lãnh đạo Tối cao này đã từng bày tỏ quan điểm phản đối tư cách ứng viên kế nhiệm của con trai ông bởi vì ông không muốn thấy bất kỳ sự trượt dốc nào vào một hệ thống quy tắc cha truyền con nối tại Iran giống như chế độ quân chủ được Mỹ hậu thuẫn đã bị Cách mạng Hồi giáo lật đổ vào năm 1979.
Một nguồn tin khu vực thông thạo tình hình Tehran cho biết, việc ông Khamenei phản đối quy tắc cha truyền con nối sẽ loại bỏ cơ hội kế nhiệm của cả ông Mojtaba và ông Ali Khomeini – cháu trai của nhà sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini.
Một cựu quan chức Iran nói rằng các nhân tố có quyền lực, kể cả các Vệ binh Cách mạng và các giáo sĩ có ảnh hưởng tại Qom bây giờ khả năng sẽ đẩy mạnh nỗ lực nhằm định hình tiến trình lựa chọn vị lãnh đạo tối cao tiếp theo.
“Cái chết của ông Raisi là cái tát vào thể chế này và làm cho nó bây giờ không có ứng viên nào khác”, vị quan chức nêu trên nói và cho biết thêm rằng mặc dù ông Raisi đã được chuẩn bị để kế nhiệm ông Khamenei, nhưng không ai biết chắc chắn ý định của ông Khamenei thực sự là gì.
Không rõ ràng về người kế vị
Ông Khamenei không phải là người được ưa thích rõ ràng cho vai trò lãnh đạo tối cao vào năm 1989 và chỉ nổi lên sau các thỏa thuận hậu trường trong giới tinh anh giáo sĩ.
Theo hiến pháp Iran, Lãnh đạo Tối cao được chỉ định bởi Hội đồng Các chuyên gia, một cơ quan gồm 88 giáo sĩ chịu trách nhiệm giám sát Lãnh đạo Tối cao và về mặt lý thuyết có thể phế truất vị lãnh đạo này.
Mặc dù Hội đồng Các chuyên gia được chọn qua bầu cử, nhưng một cơ quan giám sát khác có quan điểm cứng rắn bao gồm các giáo sĩ và các thẩm phán vốn gắn kết với ông Khamenei có quyền phủ quyết các luật và quyết định ai có thể cầm quyền.
Hai nguồn tin hiểu vấn đề nêu trên cho biết, Hội đồng Các chuyên gia đã loại ông Raisi khỏi danh sách những người kế nhiệm tiềm năng từ khoảng 6 tháng trước bởi vì uy tín của ông Raisi bị sụt giảm do nền kinh tế Iran gặp khủng hoảng nghiêm trọng.
Một trong hai nguồn tin đó nói rằng các giáo sĩ có ảnh hưởng và ủng hộ ông Raisi thời gian qua đã tăng cường vận động hành lang để đưa ông trở lại danh sách những người kế nhiệm ông Khamenei.
Ông Ali Vaez, giám đốc chương trình Iran tại tổ chức Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nói rằng, “không ai ngoài một số những quan chức hàng đầu có thể biết được câu chuyện người kế nhiệm Raisi có bao nhiêu cơ sở thực tế”.
“Nhưng nếu đấy là kế hoạch, thì cái chết của ông Raisi tạo ra sự không chắc chắn rất lớn về người kế nhiệm”, ông Ali Vaez nói.
Ông Alex Vatanka, giám đốc Chương trình Iran tại Viện Trung Đông tại Washington, nói rằng nhiều người nhìn nhận vai trò của ông Khamenei trong việc thúc đẩy ông Raisi là dấu hiệu cho thấy ông Khamenei muốn ông Rasi là người kế nhiệm mình.
Cái chết của ông Raisi “có thể dẫn tới một cuộc đấu đá nội bộ trong chế độ [Iran] khác với bất cứ điều gì mà chúng ta từng thấy kể từ đầu những năm 1980”, ông Alex Vatanka nói.
Hải Đăng (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào