27/5/2024
Danh từ ‘Ke Ga’ đang làm cho bà con Sài Gòn ngơ ngác hỏi nhau nó là cái gì. Ảnh: HCMC Metro Confessions
Câu chuyện ‘Ke Ga’ chỉ là một trong những câu chuyện dài về chữ nghĩa thời nay ở Việt Nam, nơi mà sự lẫn lộn giữa tiếng Anh, tiếng Pháp, và cách dịch sang tiếng Việt làm cho nhiều người thấy khó hiểu.
‘Ke Ga’
Mới đây, bà con Sài Gòn kinh ngạc khi thấy danh từ ‘Ke Ga’ xuất hiện trong các nhà ga xe điện tuyến Metro 1 Sài Gòn – Thủ Đức. Ai cũng ngơ ngác hỏi nhau ‘Ke Ga’ là gì. Nhà đầu tư giải thích rằng chữ này được du nhập từ miền Bắc: nó đã được dùng ở tuyến Metro Hà Nội và trong ngành ‘đường sắt’ hàng chục năm qua. Lại có người giải thích rằng danh từ này đã có trong luật đường sắt.
Nhưng tại sao ‘Ke‘? Mấy người Tây học thời nay giải thích rằng chữ ‘Ke’ là xuất phát từ tiếng Pháp ‘Quai’ (tiếng Anh là ‘Quay‘). Còn chữ ‘Ga‘? À, chữ đó, họ giải thích là từ chữ ‘Gare‘ trong tiếng Pháp. Nói cụ thể hơn, người ta dịch từ chữ ‘Quai de la Gare‘ bên Pháp sang tiếng Việt là ‘Ke Ga‘.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là người ta (chủ đầu tư) viết phụ chú bằng tiếng Anh là ‘Platform‘ dưới danh từ ‘Ke Ga‘. Ở các nước nói tiếng Anh, xe điện / xe lửa là một phương tiện họ sáng chế ra, và theo đó, chữ Platform, một cách đơn giản, có nghĩa là bến xe điện, là nơi mà hành khách lên xuống. Tiếng Việt tương đương với chữ Platform là ‘Sân Ga’ hay ‘Thềm Ga’.
Hai danh từ này, Sân Ga và Thềm Ga, rất phổ biến ở người Việt (Bắc, Trung, Nam) vì nó dễ hiểu. Nguyễn Bính từng sáng tác bài thơ bất hủ ‘Những bóng người trên sân ga‘ mà tôi tin rằng những ai ở thế hệ tôi đều biết.
Tại sao người ta không viết “Thềm Ga / Platform” cho dễ hiểu? Tại sao lại đi chế ra một cái tên vừa lai căng, vừa Tây bồi như ‘Ke Ga‘. Thú vị hơn là phía trên thì viết theo tiếng Pháp, còn phía dưới thì lại là tiếng Anh!
Người ta giải thích rằng danh từ ‘Ke Ga‘ có trong Từ điển Tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê (một học giả có uy tín ở trong nước), thế nhưng chính cuốn từ điển đó cũng có danh từ ‘Sân Ga‘. Họ giải thích thiếu tính thuyết phục.
Càng thiếu thuyết phục hơn khi chữ ‘Ke’ / Quai có nghĩa là ‘Đường dọc theo bờ sông. Thềm trước sân ga hay dựa bến tàu dành cho khách đến đợi rước người nhà hoặc khách đi tàu đợi lúc tàu sắp đến‘ (Từ điển Các từ Tiếng Việt gốc Pháp do Nguyễn Quảng Tuân – Nguyễn Đức Dân biên soạn). Nói cách khác, Ke /Quai thường dùng cho bến tàu, không phải bến xe điện.
Xin nói thêm rằng khi người Pháp chiếm Cần Thơ năm 1876, họ đặt bến ghe / tàu là ‘Quai de Commerce’ (dịch đúng nghĩa là ‘Bến thương mại’). Nhưng người dân Cần Thơ chẳng ai gọi là ‘Ke Com‘ kiểu tiếng bồi cả; họ gọi là Bến Hàng Dương vì ở đó có hàng cây dương. Thời Việt Nam Cộng Hoà, Bến Hàng Dương được đổi tên là Bến Ninh Kiều.
‘Ga tàu thuỷ’
Nói đến ‘bến‘, có lẽ bạn đọc còn nhớ một kiểu áp đặt ngôn ngữ khác liên quan đến cái bến tàu. Vài tháng trước, người Sài Gòn ngạc nhiên khi thấy cái bảng hiệu ‘Ga tàu thuỷ Bạch Đằng’ ngay tại Bến Bạch Đằng. Nói ‘ngạc nhiên’ là còn nhẹ, chớ trong thực tế người Sài Gòn sôi sục với cái kiểu định danh lạ lùng đó.
‘Ga Tàu Thuỷ Bạch Đằng’ làm cho bà con Sài Gòn một phen sôi sục. Ảnh: Báo Người Lao Động
Họ sôi sục là phải. Người Việt, dù Nam hay Bắc, đã quá quen với chữ ‘bến’, là nơi ghe tàu đậu và lên xuống hàng hoá, là nơi hành khách lên xuống tàu. Sài Gòn có nhiều bến tàu: Bến Nghé, Bến Hàm Tử, Bến Chương Dương, v.v. Miền Bắc cũng có nhiều bến: Bến Chèm, Bến Phà đen, Bến Bính, v.v.
Chẳng hiểu sao người ta lại chế ra cách gọi dài dòng kiểu ‘Ga tàu thuỷ Bạch Đằng’. Mà, cách gọi này … trật lất. Người Việt chúng ta dùng chữ ‘Ga’ cho xe lửa, xe điện, chớ có ai dùng chữ đó cho bến tàu bao giờ. Rồi lại ‘tàu thuỷ’! Nếu muốn làm ra vẻ thuần Việt, sao không là ‘tàu nước’ — có người hỏi.
Cái cách chế chữ như vậy tưởng là thuần Việt nhưng hoá ra thành … ‘ba rọi‘.
‘Sân bay’ và ‘Ga hàng không’
Cách định danh ba rọi như vậy còn lan sang ngành hàng không.
Trong tiếng Anh, chữ Airport có nghĩa là một quần thể công trình phục vụ cho hàng không dân sự. Airport bao gồm phi đạo (cho máy bay cất cánh và đáp), tháp kiểm soát không lưu, nhà để máy bay (hangar), và trạm đưa đón khách (terminal), và các công trình phục vụ hành khách như quan thuế, di trú, taxi và nhà hàng. Port là ‘Cảng’, do đó, Airport dịch là ‘Phi Cảng’ là hợp lý.
Ngày xưa, ‘Export’ và ‘Import’ dịch là ‘Xuất cảng’ và ‘Nhập cảng’, và hai danh từ này hợp lý hơn là ‘Xuất khẩu‘ và ‘Nhập khẩu‘.
Trước 1975, các nhà chức trách định danh rất chuẩn mực. Phi Cảng Saigon Tân Sơn Nhứt có tên tiếng Anh là ‘Saigon Tan Son Nhut Airport‘. Ảnh: Internet.
Trước năm 1975, thời Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), các nhà chức trách định danh rất chuẩn mực. Phi trường Tân Sơn Nhứt có tên chánh thức là ‘Phi Cảng Saigon Tân Sơn Nhứt‘. Tên tiếng Anh là ‘Saigon Tan Son Nhut Airport‘. Cách định danh tiếng Anh này phù hợp với cách định danh ở phương Tây. Ở Úc, phi trường Sydney là ‘Sydney Kingsford Smith Airport‘, cũng giống như ‘Singapore Changi Airport‘. Tức là người ta lấy tên thành phố trước và địa phương sau.
Sau 1975, Phi trường Tân Sơn Nhứt bị đổi tên thành ‘Sân Bay Quốc Tế Tân Sơn Nhất’. Ảnh: Internet.
Sau 1975, các nhà chức trách mới đổi tên ‘Phi Cảng Saigon Tân Sơn Nhứt‘ thành ‘Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất‘. Từ ‘phi cảng’ (Airport) thành ‘Sân bay‘ (Airfield, Aerodome), không đúng với ý nghĩa gốc, bởi vì Airfield hay sân bay chỉ là một phần của Airport.
Nhưng sự thay đổi địa danh ‘Tân Sơn Nhứt‘ thành ‘Tân Sơn Nhất‘ có thể nói là rất nhức nhối, vì sự thay đổi đó giết chết một địa danh trong lịch sử.
Thế rồi, sau này lại thêm một thay đổi nữa. Cái ‘Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất‘ giờ trở thành ‘Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất‘. Tên tiếng Anh là ‘Tan Son Nhat International Airport.’
À, có chữ ‘cảng’, nhưng thay vì ‘Phi cảng‘, người ta làm cho nó dài dòng hơn: ‘Càng hàng không‘! Có vẻ người ta tránh dùng chữ thời VNCH.
Thế nhưng điều thú vị là cái bảng hiệu thì lại đề là ‘Tan Son Nhat International Terminal‘! Như giải thích trên, terminal là một trạm đưa đón khách, chỉ là một phần của Phi Cảng / Airport. Terminal không phải là ‘Cảng hàng không‘.
Sau 1975, nhà chức trách đổi tên ‘Sân Bay Quốc Tế Tân Sơn Nhất’ thành ‘Cảng Hàng Không Quốc Tế Tân Sơn Nhất’ và tên tiếng Anh là ‘Tan Son Nhat International Terminal’ (dù tên tiếng Anh chánh thức là Tan Son Nhat International Airport). Ảnh: VietJetAir.
Hãy nhìn sang các nước chung quanh! Có nơi nào trương bảng hiệu kiểu ‘Tan Son Nhat International Terminal‘ ngay tại phi cảng? Không. Người ta viết là ‘Suvarnabhumi Airport’ (Thái Lan), ‘Singapore Changi Airport’ (Tân Gia Ba), ‘Incheon Airport’ (Nam Hàn), ‘Denver International Airport’ (Denver, Hoa Kỳ), Sydney Kingsford Smith Airport (Úc) v.v. Chỉ có Việt Nam là khác người.
Trái: Phi trường Changi, Singapore. Người ta viết rõ ràng là Singapore Changi Airport (không phải terminal như kiểu Việt Nam), phải: Phi trường Schiphol, Hà Lan–Amsterdam Schiphol Ariport.
Cái khác người đó còn thể hiện qua cách định danh phi trường quốc nội. Thật vậy, phi trường quốc nội hiện nay có cái tên tiếng Việt – Anh là ‘Ga hàng không trong nước — Domestic Terminal‘.
Ảnh: Báo Bảo vệ pháp luật
Domestic Terminal là gì?Là trạm xe bus nội địa, thuộc bến tàu nội địa, hay thuộc phi cảng nội địa?
Thấy gì qua cách định danh trên? Nó lẫn lộn giữa ‘Ga‘ và ‘Cảng‘. Tại sao khu vực quốc tế thì gọi là ‘Cảng hàng không‘, còn khu nội địa thì gọi là ‘Ga hàng không trong nước‘? Ga thường dùng cho nhà ga xe lửa, chứ có ai dùng cho cảng hàng không bao giờ? Mà, tại sao phải dài dòng ‘Ga hàng không trong nước’ mà không là ‘Phi cảng nội địa‘?
Tôi nghĩ, với tinh thần hội nhập quốc tế, các nhà chức trách nên: (a) đổi bảng hiệu “Tan Son Nhat International Terminal” thành “Saigon Tan Son Nhut International Airport“; và (b) đổi “Ga hàng không trong nước — Domestic Terminal” thành “Saigon Tan Son Nhut Domestic Airport”.
‘Slow Down’
Cách dùng tiếng Anh có vẻ tuỳ tiện trên còn lan sang cả các đường cao tốc nữa. Nếu có dịp đi trên các đường cao tốc ở Việt Nam, các bạn sẽ thấy danh/động từ ‘Slow Down’ để bổ nghĩa tiếng Anh cho động từ tiếng Việt ‘Giảm tốc độ.’
Thấy gì qua cách dịch như trên? Trong tiếng Anh, ‘slow down’ là một danh từ (cũng có thể là động từ) có nhiều nghĩa: giảm hoạt động, giảm sản xuất, chậm lại. Chẳng hạn như ‘economic slow down‘ có thể hiểu là nền kinh tế phát triển chậm. Điều này có nghĩa là khi dùng ‘slow down’, người đọc ngoại quốc có thể hiểu theo nhiều ý nghĩa khác nhau.
Bảng hiệu ‘Giảm Tốc Độ’ được dịch sang tiếng Anh là ‘SLOW DOWN’
Đáng lý ra họ nên dùng động từ ‘Reduce Speed’ thì đúng hơn. Reduce Speed có nghĩa là ‘Giảm tốc độ’. Đơn giản. Người đọc không thể hiểu cách nào khác, mà chỉ là ‘giảm tốc độ’. Ở phương Tây, đặc biệt là các nước nói tiếng Anh, Reduce Speed rất phổ biến trên xa lộ và đường xá. Tại sao không theo qui ước chung của nước ngoài, mà lại đi tái chế chữ ‘Slow Down’ cho khó hiểu?
Bảng hiệu giảm tốc độ ở nước ngoài rất rõ ràng: REDUCE SPEED. Viết bằng chữ trắng trên nên đỏ để cảnh báo.
Khó hiểu hơn đối với người miền Tây là danh từ ‘Nút Giao‘ đột nhiên xuất hiện trên các con lộ cao tốc. Hoá ra, cái danh từ ‘Nút Giao‘ này chính là ‘Giao Lộ‘ thời trước 1975! Thời VNCH, người gọi nơi mà các con lộ gặp / giao nhau là ‘Giao Lộ‘, rất dễ hiểu.
Thế nhưng có lẽ do kỵ huý ngôn ngữ thời VNCH, nên ngày nay người ta sáng chế là cái danh từ khó hiểu ‘Nút Giao‘. Ngoài ra, thay vì ‘Tỉnh Lộ’ (trước 1975), người ta sửa lại là ‘Đường Tỉnh‘, cũng chỉ là một kiểu kỵ huý. Tương tự, thay vì ‘Phi cảng’ (trước 1975) người ta làm cho dài hơn ‘Cảng hàng không‘!
Cái chết của phương ngữ Nam Bộ
Ở Việt Nam, có một số người nghĩ rằng họ biết tiếng Việt, và tiếng Việt họ nói và viết là ‘chuẩn’. Từ suy nghĩ đó, họ áp đặt loại ngôn ngữ họ nói và viết cho toàn quốc, không cần quan tâm đến, chứ chưa nói đến ‘tôn trọng’, phương ngữ. Ngạo mạn.
Hôm nọ, tôi có dịp nói chuyện với một bác sĩ ở miền Tây, và em ấy than phiền là rất vất vả giải thích cho con cái về những chữ ‘mới’. Sách giáo khoa tiếng Việt dành cho học trò bậc tiểu học ngày nay dùng toàn cách nói và từ ngữ miền Bắc. Học trò miền Nam ngày nay phải học những chữ như bát, thìa, mũ, lợn, v.v. và sẽ đến một ngày, trẻ em miền Nam sẽ không còn biết đến chén, muỗng, nón, heo, v.v. là gì. Thậm chí, ngày nay có em dùng ‘bố’ thay cho ‘ba‘!
Rồi những cách sửa thứ tự chữ như bảo đảm (nay là ‘đảm bảo‘), khai triển thành triển khai, bệnh dịch thành dịch bệnh, liên lạc thành liên hệ, bảo trì thành bảo dưỡng, khẩn cấp thành khẩn trương, khả dĩ thành khả năng, khả năng thành kỹ năng, hiệu đính thành biên tập, hồi âm thành phản hồi, diễn văn thành bài nói chuyện, hải phận thành lãnh hải, căn cước thành chứng minh nhân dân, và vô số cách thay đổi theo hướng Tàu hoá. Dĩ nhiên, lúc nào cũng có những người tỏ ra có học thức đứng ra trích dẫn đủ thứ và lý giải cho nhà chức trách về những thay đổi đó, nhưng rất tiếc là không thuyết phục.
Cái cách áp đặt ngôn ngữ đó được lặp lại với câu chuyện ‘Ke Ga‘ mà thiên hạ bàn tán mấy tuần qua. Xin nhắc lại, chữ ‘Ke Ga‘ được du nhập từ miền Bắc (như nhà đầu tư giải thích). Các đồng hương ngoài Bắc có khuynh hướng viết ‘bồi’ từ tiếng Pháp. Chẳng hạn như họ ‘chuyển ngữ’ chữ chambre thành ‘săm’, và envelope thành ‘lốp‘, hoặc có khi khó hiểu hơn như ‘Cu dơ bây’ (Coos Bay), thậm chí ‘Ben Dơ‘ (Bend thuộc tiểu bang Oregon)!
Do đó, không ngạc nhiên khi họ chế ‘Quai’ thành ‘Ke‘. Còn người miền Nam, tuy tiếp xúc với người Pháp sớm hơn, nhưng vẫn cố gắng thuần Việt hoá các danh từ gốc Pháp. Thay vì nói chambre, người miền Nam nói ‘ruột’, và envelope thành ‘vỏ’, ‘automobile’ thành ‘xe hơi’ (chứ không phải ôtô), cũng như ‘Quai‘ là ‘bến‘ vậy.
Không có lý do gì làm cho tiếng Việt khó hiểu và lai căng qua những cách pha chế từ ngữ kiểu ba rọi.
Nguyễn Văn Tuấn
Nguyễn Văn Tuấn: Áp đặt ngôn ngữ - DĐTK (diendantheky.net)
Không có nhận xét nào