Tác giả,Huyền Trân
Vai trò,BBC News Tiếng Việt
30 tháng 5 2024
IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tục lên tiếng chính thức về dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, gần nhất là vào ngày 23/5
Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol đề cập khả năng ngăn lũ tràn sang Việt Nam như một ưu điểm của kênh Phù Nam Techo. Trong khi đó, lũ lại đóng vai trò quan trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol nói với người đồng cấp Việt Nam Lê Minh Khái bên lề Hội nghị Tương lai châu Á ở Tokyo, Nhật Bản hôm 23/5 rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ giảm lũ ở 5 tỉnh Campuchia và ngăn nước lũ tràn sang Việt Nam.
Ông Lê Minh Khái trong cuộc gặp này cũng đề nghị Campuchia cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC) trong việc chia sẻ thông tin về dự án.
Ông Sun Chanthol còn nêu hai điểm đáng chú ý khác về kênh Phù Nam Techo bao gồm:
Ba điểm khóa nước ở các tỉnh Kandal, Takeo và Kep đảm bảo nước mặn không xâm nhập.
Lượng nước hiện tại chảy từ sông Mekong ra biển là 8.000 mét khối/giây, sông Bassac là 1.400 mét khối/giây trong khi kênh đào Phù Nam Techo chỉ có sử dụng 5 mét khối/giây, khoảng 0,053%.
IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua thời gian hạn mặn khắc nghiệt. Ảnh một khu vườn tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bị khô héo vì thiếu nước vào ngày 26/4/2024.
Không còn mùa nước nổi?
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong trước khi đổ ra Biển Đông, có hai mùa là mùa mưa và mùa khô. Các tháng cuối của hai mùa này thường xảy ra tình trạng lũ lụt và khô hạn.
Mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm.
Lũ lụt đóng vai trò quan trọng trong nên sinh thái của vùng châu thổ, mang lại tài nguyên nước, đất, sinh vật...
Trong hơn hai thập niên qua, quy luật khí tượng và thủy văn lưu vực sông Mekong nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng đã bị đảo lộn nghiêm trọng vì hiện tượng thời tiết cực đoan.
Một nghiên cứu hồi năm 2020 của PGS TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Cần Thơ, có nội dung cho rằng trong hai thập niên qua, xu thế giảm số năm có lũ lớn và gia tăng số năm lũ nhỏ, đồng thời đường ranh mặn đang vào sâu hơn ở khu vực ven biển.
Nguy cơ hạn hán, xâm mặn, sạt lở, sụt lún ở ĐBSCL cũng đã làm nóng nghị trường trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 vào ngày 29/5.
/BLOOMBERG/GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Một người nông dân đứng trước cánh đồng khô cằn ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vào ngày 26/4/2024.
PGS TS Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ngày 28/5 bình luận với BBC News Tiếng Việt rằng trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu lũ, việc kênh đào Phù Nam Techo gây giảm lũ "là một tác động bất lợi". Trên thực tế, trong nhiều năm gần đây, Việt Nam và nhiều chuyên gia quốc tế đã luôn coi lũ sông Mekong (nước nổi) là nguồn tài nguyên.
Ông bình luận với BBC News Tiếng Việt:
"Điều Phó Thủ tướng Sun Chanthol nói là có cơ sở, vì khi đào kênh người ta sẽ đắp bờ kênh cao lên. Bờ này cũng có thể được nâng cấp thành đường giao thông. Ngoài ra, do giao thông trở nên thuận tiện nên hai bên bờ kênh sẽ xuất hiện các khu dân cư. Kết quả là bờ kênh và các khu dân cư được bảo vệ bằng đê bao hoặc có nền đất cao sẽ ngăn lũ chảy tràn về Việt Nam."
Ông cũng nêu vai trò của nước lũ đối với Đồng bằng sông Cửu Long:
"Nước tràn bờ vào ruộng sẽ thau chua rửa mặn, cung cấp nguồn phù sa, tôm cá, làm sạch ruộng đồng, kênh mương. Nói cách khác, nước nổi cung cấp sự sống cho đồng bằng châu thổ. Tuy nhiên, các đập thủy điện thượng nguồn đã ngăn nguồn nước lũ về đồng bằng, làm dân miền Tây có khá nhiều năm phải mỏi mòn chờ mùa nước nổi."
"Như vậy, trong bối cảnh đồng bằng đang thiếu lũ, việc kênh đào Phù Nam Techo gây giảm lũ là tác động bất lợi."
PGS TS Lê Anh Tuấn bình luận trên Facebook của ông vào ngày 26/5 với nội dung chính: Việc xem lũ lụt ở miền Nam là một thiên tai như ở miền Bắc hay miền Trung là một đánh giá sai lầm.
"Phải khẳng định lũ lụt mang lại sự giàu có bền vững nói chung của đồng bằng, kể cả vùng biển chung quanh. Lũ lụt mùa mưa cao giúp mùa khô bớt thiếu nước ngọt và giảm bớt diện tích bị nhiễm mặn. Các nhà địa lý ở nước ngoài gọi vùng châu thổ sông Cửu Long là 'flood plain', nghĩa là 'đồng lũ'.
Không có hoặc kém đi lượng lũ lụt, đồng bằng sẽ rơi xuống tình trạng tan rã, nghèo kiệt và bất ổn. Không phải vô cớ mà nhiều nông dân than thở với những từ mới như 'đói lũ', 'khát lũ', 'lũ nghèo', 'lũ kiệt'… trong mấy năm gần đây.
Vậy mà phía Campuchia nói với quan chức Việt Nam rằng kênh đào Funan Techo sẽ ngăn lũ tràn sang Việt Nam như là một ưu điểm, thì tôi mường tượng một viễn cảnh bất an, rủi ro và tổn thất cao cho người dân vùng châu thổ sông Cửu Long trong các năm sau."
PGS TS Lê Anh Tuấn nói với BBC News Tiếng Việt hôm 30/5 rằng lưu lượng nước từ sông Mekong đổ ra biển là khoảng 8.000 mét khối/giây là con số trung bình của cả năm, nghĩa là trung bình cả mùa mưa lũ và mùa khô.
"Dùng con số trung bình này để lập luận là không hợp lý, mà phải lấy con số mùa khô mới có ý nghĩa tác động vì người dân cần nước cho mùa khô để sử dụng canh tác, cấp nước… hơn là mùa mưa," ông nêu ý kiến.
Từ Hoa Kỳ hôm 28/5, Kỹ sư Phạm Phan Long, nhà sáng lập và hoạt động cho tổ chức phi chính phủ Viet Ecology Foundation, nói ông không rõ Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái có nói với người đồng cấp Campuchia là Việt Nam không chống lũ mà thay vào đó nên chào đón lũ để có mùa nước nổi hay không, cũng như Campuchia chào đón lũ với lễ hội hằng năm ở Biển Hồ.
Kênh Phù Nam Techo đổ ra biển chỉ khoảng 5 mét khối/giây?
Phó Thủ tướng Campuchia nói kênh đào có 3 cửa cống ở các tỉnh Kandal, Takeo và Kep, giúp ngăn nước mặn xâm nhập.
PGS TS Vũ Thanh Ca đồng ý với nhận định này và cho rằng các điểm khóa nước (hay còn gọi là âu tàu) sẽ có tác dụng điều tiết dòng chảy, mực nước, tạo độ sâu cần thiết phục vụ giao thông vận tải và ngăn xâm nhập mặn tại khu vực giáp biển của Campuchia.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, cựu Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu (Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ), hôm 28/5 nhận định với BBC rằng việc ngăn mặn nếu có, chỉ chủ yếu cho phía Campuchia, còn phía Việt Nam thì tác động ngăn mặn sẽ không rõ vì ông không thấy số liệu cụ thể nào.
Sông Mekong dài hơn 4.000 km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở độ cao trên 4.000 m, chảy qua tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, đi dần xuống bắc Thái Lan, qua vùng trung và hạ Lào, đến miền bắc Campuchia thì nhận thêm nguồn nước tả ngạn từ vùng Tây Nguyên của Việt Nam đổ xuống, dòng chảy trao đổi với dòng Tonle Sap phía hữu ngạn và cuối cùng đi vào địa phận ĐBSCL của Việt Nam qua hai dòng sông Tiền và sông Hậu trước khi đổ ra Biển Đông.
Sông Mekong sau khi đi qua thủ đô Phnom Penh của Campuchia thì tách ra làm hai nhánh, là Bassac River (sông Hậu) và Trans-Bassac River (sông Tiền) rồi chảy vào Việt Nam, trước khi đổ ra Biển Đông.
Về thông tin Phó Thủ tướng Chanthol nói lưu lượng nước hiện nay từ sông Mekong đổ ra biển là khoảng 8.000 mét khối/giây, sông Bassac là 1.400 mét khối/giây trong khi kênh Phù Nam chỉ là 5 mét khối/giây để trấn khả năng dòng chảy sông Mekong bị hao hụt là không đáng kể, ông Kỷ Quang Vinh đã đặt ra các câu hỏi:
"Không biết ông Chanthol nói lưu lượng sông Mekong đổ ra biển là 8.000 mét khối/giây là mùa nào và ở đâu. Vì tùy thời điểm trong năm và ở chi lưu nào mà lưu lượng nước đổ ra biển sẽ thay đổi rất nhiều."
PGS TS Vũ Thanh Ca đánh giá theo số liệu quan trắc nhiều năm trên sông Mekong thì lưu lượng nước trên hai dòng chính của sông Mekong biến động rất mạnh trong năm.
"Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, vào mùa nước nổi, lưu lượng nước trên hệ thống sông rất lớn, hiện nay khoảng trên 24.000 mét khối/giây. Vào mùa khô, lưu lượng nước khoảng 5.000 mét khối/giây."
"Về lưu lượng nước trên kênh Phù Nam Techo, số liệu được công bố của Campuchia cho thấy lưu lượng mà kênh lấy từ sông chỉ khoảng 5 mét khối/giây. Tuy nhiên, đây chỉ là lưu lượng nước phục vụ giao thông. Tôi cho rằng ngoài phục vụ mục đích giao thông, con kênh này có thể sẽ được sử dụng để phục vụ mục đích tưới tiêu và các hoạt động kinh tế khác. Vì vậy, lưu lượng thực mà kênh lấy từ hai dòng chính của sông Mekong cần được tính lại cho phù hợp."
Việt Nam vẫn chờ thông tin từ Campuchia?
GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Lũ lụt vốn đã đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên sự trù phú của Đồng bằng sông Cửu Long
PGS TS Vũ Thanh Ca nêu ý kiến việc đào kênh và sử dụng nước là nhu cầu chính đáng của Campuchia.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh để hạn chế thấp nhất các tác động môi trường, đặc biệt đối với Đồng bằng sông Cửu Long, thì "Việt Nam và Campuchia cần có những trao đổi, cung cấp đầy đủ nhất các số liệu để đánh giá một cách chính xác nhất các tác động môi trường nhằm xây dựng chính sách ứng phó phù hợp, phù hợp với Hiệp định Mekong năm 1995 và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước".
Cựu Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, gần đây đã lên tiếng thúc giục đẩy nhanh tiến độ khởi công siêu dự án này.
"Tôi đề nghị tân thủ tướng và chính phủ không chờ đợi quá lâu. Nếu có thể động thổ sớm thì hãy thực hiện bởi vì sẽ có thêm nhiều phản ứng. Chúng ta cần suy nghĩ cho nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta cần suy nghĩ cho nền độc lập của chúng ta."
Cho đến nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bốn lần lên tiếng chính thức về dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, gần nhất là vào ngày 23/5, nhấn mạnh quốc gia láng giềng cần cung cấp thêm thông tin để đánh giá đầy đủ về dự án.
Tuy nhiên, Campuchia vẫn chưa gửi thêm tài liệu cho phía Việt Nam để có đánh giá đầy đủ về các tác động môi trường cho dự án trị giá 1,7 tỷ USD này, đồng thời ông Hun Sen bác bỏ thông tin cho rằng kênh Phù Nam Techo thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson, đánh giá với BBC News Tiếng Việt vào ngày 10/5 như sau:
"Các nhà lãnh đạo Campuchia vẫn tiếp tục ca ngợi lợi ích thủy lợi của kênh đào này. Cách duy nhất để sử dụng kênh đào này có ý nghĩa cho tưới tiêu là lấy nước từ các kênh của con sông Mekong vào mùa khô. Cách sử dụng nước như thế này có một tác động đáng kể đối với nhu cầu tưới tiêu của Đồng bằng sông Cửu Long."
"Việc sử dụng nước trong mùa khô của Campuchia từ dòng chảy chính của sông Mekong phải tuân theo tiến trình tham vấn và đồng thuận với các nước Thái Lan, Lào và Việt Nam được xác định trong Hiệp định sông Mekong năm 1995."
Vào năm 1995, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã ký Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong (Hiệp định Mekong năm 1995) sau gần 4 năm đàm phán (1991 - 1994), thành lập Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC).
Ra đời năm 2003, Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) là một trong 5 bộ quy tắc mang tính thủ tục của MRC.
"Tôi không nghĩ là chúng tôi có quyền ngăn chặn một dự án, bởi vì Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận [PNPCA] là nhằm để tránh, giảm thiểu tác động của dự án được đề xuất, và về hợp tác [chia sẻ thông tin và đối thoại], không phải về chuyện phủ quyết," ông Sophearin Chea, trưởng bộ phận quy hoạch lưu vực sông Mekong của MRC, nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 5/5.
Không có nhận xét nào