Header Ads

  • Breaking News

    Cù Mai Công: Dự án thoát thủy cho Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận

     25/5/2024

    A book with a drawing on it

    Bìa 1 Dự án thoát thủy cho Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận

    PHẦN 1.

    Đây là một dự án thoát nước năm 1972 của Sài Gòn và ngoại ô, với “hợp tác và yểm trợ của USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ)” có tầm nhìn đến năm 2000. Trong đó, ước tính mốc dân số Sài Gòn của dự án từ năm 1971, 1972 này gần như khớp với thực tế dân số TP.HCM 25-30 năm sau, cụ thể vào các năm 1995, 2000…

    A screenshot of a cellphone

Description automatically generatedA paper with numbers and lines

Description automatically generated


    Trang 4 DỰ ÁN THOÁT THỦY CHO ĐÔ THÀNH SÀI GÒN VÀ VÙNG PHỤ CẬN, trong đó có dự báo các mốc dân số Sài Gòn và vùng phụ cận.

    Thực tế dân số TP.HCM năm 1995 và 2000 gần như khớp với dự đoán của dự án lập năm 1971, 1972

    Đó là trình độ và tầm nhìn của nhà quy hoạch, điều mà lâu nay chúng ta luôn thiếu và yếu. Để cứ ngập lụt lại đổ cho mưa lớn, mưa quá thiết kế, hệ thống cũ, quy hoạch cũ (cũng của ta) không phù hợp… Gần đây thêm do biến đổi khí hậu. Tức toàn do khách quan, do ông Trời và do dân (đổ rác bậy) chứ không do trình độ, tầm nhìn của con người, của vô số cán bộ lẫn chuyên gia.

    Việc chống ngập ở Sài Gòn và ngoại ô lúc ấy, ở giai đoạn đầu, tập trung cho thoát nước ra các kinh rạch. Giai đoạn 2 sẽ là xây dựng hai hệ thống thoát nước mưa và thoát nước dơ riêng biệt.

    Tôi có bản gốc của dự án này, xin đăng, như góp thêm một tham khảo cho công việc chống ngập ở TP.HCM hiện nay.

    ĐẠI CƯƠNG

    Chương trình Thoát thủy khẩn cấp mà Sài Gòn Thủy cục được giao phó thực hiện theo kế hoạch tứ niên 1972-1975 chỉ là giai đoạn đoạn đầu của Dự án Thoát thủy quy mô đã được nghiên cứu nhiều năm qua với sự hợp tác và yểm trợ của USAID.

    Mô tả chương trình

    Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận (environs, tức vùng ngoại ô – CMC), với khoảng 2,8 triệu dân sống chen chúc trên một diện tích 171 km2, chiếm 1/1.000 về diện tích và 156/1.000 hay 15,6% về dân số của miền Nam Việt Nam.

    Với số dân trung bình 356 người trên một mẫu tây (hecta) đất, Đô thành là một trong những đô thị có mật độ dân cư dầy đặc nhất trên thế giới (gấp 2,5 lần Tokyo và 5 lần nhiều hơn các đô thị lớn của Hoa Kỳ).

    Với số dân bằng 3/4 của tổng số dân cư ở các thành phố của Việt Nam Cộng hòa, Đô thành Sài Gòn hiện nay là trung tâm phát triển quốc gia và sản xuất được 1/4 lợi tức quốc gia, Đô thành Sài Gòn đòi hỏi 1 sự cải tiến cấp thiết về những tiện nghi vật chất cũng như tinh thần.

    Do đó nhiều vấn đề đã được đặt ra như: vấn đề gia cư, tiện ích và nhất là vấn đề vệ sinh thành phố mà yếu tố thiết yếu là hệ thống thoát thủy ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sức khỏe của đồng bào Đô thành.

    Xây dựng trên một vùng đất bằng phẳng, quá thấp so với mực nước biển trung bình (cote 0,00), Đô thành Sài Gòn từ nhiều năm, sử dụng một hệ thống thoát thủy đa dụng, thiết lập lần hồi bắt đầu từ năm 1870 với một chiều dài công chánh (đường kính > 0,80m) lối 112 Km và 156 Km cổng phụ (đường kính ≤ 40cm). Hệ-thống thoát thủy đa dụng này hiện tiếp nhận 3 loại nước:

    – Nước dơ gia dụng

    – Nước dơ kỹ nghệ, và

    – Nước mưa.

    Sau đó đưa các loại nước này thẳng vào các rạch thiên nhiên hoặc kinh đào nhân tạo quanh thành phố như: Rạch Thị Nghè, Rạch Bến Nghé, Rạch Lò Gốm, Kinh Đôi, Kinh Tẻ, Kinh Hồng Bàng; Kinh Bao Ngạn, Kinh Tham Lương v.v… và tất cả đều chảy ra Sông Sài Gòn. (Phụ bản I)

    A map of a city

Description automatically generated

    Phụ bản 1 của dự án- Kinh rạch thoát thủy quanh Sài Gòn

    Gần đây, vì tình hình chiến cuộc, một mặt thì dân số Đô Thành gia tăng quá mau, một mặt vì việc giải quyết nhà ở không đáp ứng kịp mức đòi hỏi vượt bực, dân chúng cất nhà trên những khu vực không có cống rãnh hoặc xây cất bừa bãi choán mất một số kinh rạch.

    Điển hình, tại Rạch Thị Nghè, Rạch Lò Gốm nhà cửa xây cất dọc hai bờ rạch choán gần hết bề ngang lòng rạch. Tệ hại hơn nữa, tại Kinh Hồng Bàng – Bao Ngạn nhà cửa đã xây bít hẳn con kinh. (Phụ bản II)

    A black and white photo of a city

Description automatically generated 

    Phụ bản 2 – Rạch Lò Gốm, ngã ba kinh Hồng Bàng

    Tình trạng này đưa đến sự ngập lụt trong mùa mưa và gia tăng độ nhiễm uế nước sông trong mùa nắng.

    Nếu có dịp đi qua khu Phú Thọ Hòa, khu Ngã tư Bảy Hiền, khu Cầu Tre – Tân Hóa vào mùa mưa và nhất là sau một trận mưa to, mọi người sẽ thấy nước mưa tràn ngập, có nơi không còn thấy mặt đường mà chỉ thấy một vũng nước đục lều bều rác rến và đồ xú uế, ai ai chắc phải khổ tâm giùm cho dân chúng cư ngụ và trong vùng này vì phải chịu cảnh lưu thông gián đoạn, buôn bán ế ẩm, ra vào khó khăn và không còn gì là vệ sinh tối thiểu nữa. (Phụ bản III)

    A page of a book with pictures of a flooded street

Description automatically generated 

    Phụ bản 3 – Tình trạng ngập lụt ở Sài Gòn và vùng phụ cận năm 1971, 1972, so với bây giờ chỉ là “muỗi”

    TÌNH TRẠNG NGẬP LỤT TRONG ĐÔ THÀNH VÀ VÙNG PHỤ CẬN

    Đứng trên cầu Trương Minh Giảng, cầu Công Lý, hoặc cầu Bông nhìn xuống, ta vẫn còn thấy nước đen ngòm trong khi mùi hôi xông lên rất khó chịu. Biết bao nhiêu vạn đồng bào ta sống trong cảnh mất vệ sinh đó!

    Tại các quốc gia tân tiến trong thế kỷ 20 này, một khuynh hướng rất rõ rệt đã đặt vấn đề thanh khiết hóa ngoại cảnh lên hàng quốc sách phương châm: “Khuyến khích mọi nỗ lực nhằm tránh hoặc loại bỏ những phương hại cho ngoại cảnh và bầu không khí, cùng tăng cường sức khỏe và tiện nghi đời sống con người”.

    Tại Việt Nam, nhất là trong thành phố Sài Gòn, vì sự tập trung quá mức của dân chúng tại những vùng quá chật hẹp nên các điều kiện gia cư, tiện nghi và vệ sinh khiếm khuyết tạo ra bệnh tật và đưa đến tình trạng suy đồi về kinh tế và xã hội. (Phụ bản IV)

    A page of a book with pictures of buildings

Description automatically generated

    Phụ bản 4 – Tình trạng nhà cửa trên kinh rạch ở Sài Gòn và vùng phụ cận năm 1971, 1972.

    Việc giải quyết nước dơ là một công tác chính yếu và gay go trong khuôn khô cải thiện tình trạng nói trên.

    Để thực hiện chương trình bảo vệ sức khỏe dân chúng Thủ Đô, Bộ Công chánh và Cơ quan USAID đã nghĩ đến việc thuê một hãng cố vấn tiến hành công cuộc nghiên cứu kế hoạch khả thi cho hệ thống cống rãnh trong Đô Thành và vùng phụ cận.

    Do Khế ước số A.I.D/VN-57 có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 15 năm 1969, một liên công ty gồm có:

    – Công ty Henningson, Durham & Richardson và

    – Công ty Lyon Associates Inc.

    (Đây là hai công ty thiết kế, quy hoạch, xây dựng rất lớn của Mỹ và Pháp, hiện vẫn hoạt động – CMC chú thích) 

    Được chọn làm hãng kỹ sư cố vấn để tiến hành việc nghiên cứu kế hoạch khả thi nói trên. Mục tiêu của công ty là: “Nghiên cứu trên phương diện kỹ thuật và kinh tế để ấn định một hệ thống cống rãnh thoát nước mưa và nươc dơ hữu hiệu nhất cho Đô Thành Sài Gòn”.

    Sau 18 tháng nghiên cứu, tháng 2 năm 1971, Liên hãng Henningson, Durham & Richardson và Lyon Assiociates Inc. đã lập xong bản “Phúc trình nghiên cứu Kế hoạch khả thi cho Hệ thống Thoát thủy trong Đô Thành Sài Gòn”.

    Dự án thoát thủy quy mô được đề nghị qua bản phúc trình nêu trên gồm các phần tóm lược sau:

    1/ Vùng nghiên cứu: gồm 2 phần:

    Đô Thành Sài Gòn: 11 quận, diện tích 60 Km2.

    Vùng phụ cận thuộc Tỉnh Gia Định (Quận Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn) diện tích 110 Km2.

    Diện tích tổng cộng 170 Km2.

    2/ Dân số: do các hãng này ước tính cho Sài Gòn và vùng phụ cận là:

    Năm – Dân số

    1968 – 2.580.000 dân

    1972 – 2.839.000

    1975 – 2.942.100

    1985 – 3.699.400

    1990 – 4.088.900

    1995 – 4.551.800

    2000 – 5.054. 700

    ***

    PHẦN 2.

    A small village in the middle of a river

Description automatically generated

    Kinh nước đen ở Sài Gòn trước 1975 – Ảnh chưa rõ tác giả

    Sau khi đăng phần 1, vài chuyên gia, thân hữu đã bày tỏ quan tâm đến tập tài liệu nội bộ của chánh quyền Sài Gòn trước 1975 này. 

    Tiến sĩ Bùi Mẫn, từng là “dân Ông Tạ gốc”, hiện là giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services, Dubai UAE); từng là giảng viên cầu đường tại Đại học Bách khoa TP.HCM và làm việc cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của các công ty tư vấn hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh như Fugro, WS Atkins, Amec Foster Weller. Anh cho rằng đây là “tài liệu quý”.

    Anh vừa có bài viết về chống ngập ở TP.HCM trên báo Dân Trí sáng nay 24-5-2024: 

    Còn anh Nguyễn Leo Long (Calitech – Chuyên gia Xử lý nước từ Hoa Kỳ) cho biết: năm 1997, anh có đi với một phóng viên của Đài truyền hình Mỹ CBS đến Việt Nam tìm tập tài liệu này ở một số nhà sách cũ như Bố Già mà không tìm được. 

    Cũng theo anh Long, sau khi bỏ cấm vận Việt Nam, Mỹ có ý định tài trợ dự án xử lý nước thải ở TP.HCM, nên họ đi tìm lại tài liệu này để nghiên cứu lại. Bản thiết kế này anh Long nghe nói năm 1972 WB (Ngân hàng Thế giới) tài trợ 200 triệu USD. Một trong hai kỹ sư Mỹ thiết kế dự án này hiện còn sống. 

    Tôi may mắn có được tập tài liệu nội bộ này, xin đăng tiếp phần 2:

    A map of a city

Description automatically generated

    Phụ bản 1b – Kinh rạch thoát thủy vùng Chợ Lớn

    12 KHU VỰC THOÁT NƯỚC VÀ HỆ THỐNG CỐNG RÃNH ĐẾN NĂM 2000

    3/ Khu vực thoát thủy:

    Vùng nghiên cứu được chia làm 12 khu vực thoát thủy căn cứ trên địa thế thiên nhiên, địa hình của lưu vực sông ngòi và mật độ dân số. (Phụ bản V)

    A map of a city

Description automatically generated

    Phụ bản 5 – Vùng nghiên cứu của dự án

    4/ Hệ thống cống dự trù trong tương lai sẽ gồm:

    Hệ thống thoát nước mưa;

    Hệ thống thoát nước dơ, riêng biệt.

    5/ Giai đoạn thực hiện:

    Dự án được chia làm 4 giai đoạn, bắt đầu khoảng năm 1975.

    Giai đoạn 1 hoàn tất năm 1985

    Giai đoạn 2 hoàn tất năm 1990

    Giai đoạn 3 hoàn tất năm 1995

    Giai đoạn 4 hoàn tất năm 2000

    6/ Chi phí chung là: 349.142.000 Mỹ kim (USD) 

    (Giá vàng thế giới năm 1972 khoảng 65 USD, tức chi phí này khoảng 5.371.000 ounce vàng, tính theo giá hiện nay, hạ tuần tháng 5-2024 khoảng 2.370 USD/ounce = khoảng 12.729.270.000 = khoảng 12,7 tỉ USD – CMC chú thích).

    Phúc trình dự án trên đã được đệ trình Thủ tướng Chánh phủ và Hội đồng Nội các.

    Sau khi duyệt xét dự án, Chánh phủ đã chấp thuận cho xếp công tác vào phần ưu tiên cần phải thực hiện để sớm giải quyết vấn đề ngập lụt và ô nhiễm ở Thủ đô.

    Vì ngân sách quốc gia eo hẹp, không đủ đài thọ, nên tạm thời, trong khi chờ đợi tìm nguồn tài trợ của các nước bạn, Hội đồng Nội các đã chấp thuận cho thực hiện công tác Thoát thủy Khẩn cấp cho Vùng III của dự án gồm có các khu Lò Gốm, Phú Lâm và Phú Thọ Hòa thuộc quận 6 và quận 11 Đô Thành thường bị ngập lụt trong mùa mưa vì lý do một số dân chúng đổ đất cất nhà một cách bất hợp pháp ngay trong lòng một số rạch, làm thu hẹp rất nhiều tiết diện thoát thủy của rạch, gây nên tình trạng ngập lụt ở các vùng thượng lưu.

    A river running through a city

Description automatically generated

    Khu vực trong ảnh phụ bản 2 Rạch Lò Gốm hiện nay – Ảnh Trần Tiến Dũng

    A page of a book with pictures of buildings

Description automatically generated 

    Phụ bản 4 – Tình trạng nhà cửa trên rạch Lò Gốm và rạch Ông Buông ở Sài Gòn trước 1975

    Chương trình Thoát thủy Khẩn cấp:

    Công tác dự định khởi công vào năm 1972 và hoàn tất năm 1975 gồm các công tác chính sau đây:

    1. Vét và đắp các Kinh Lò Gốm, Bãi Sậy, Bến Nghé.

    2. Đặt 4.262m ống cống tròn φ từ 0,40m đến 0,80m.

    3. Xây 5.676m đường hầm từ 2,40 x 1,80m đến 3,60m x 2,10m.

    4. Chi phú dự trù là 4.124.000 Mỹ kim, chia ra như sau:

    – 3.253.000 USD bằng tiền Việt Nam.

    – 871.000 USD bằng ngoại tệ.

    Ước tính thành tiền Việt Nam theo hối xuất 455 đồng/USD và tính chẵn là 1 tỷ 800 triệu chia cho 4 tài khóa 1972 – 1975. Số tiền này không dự trù phần bồi thường cho dân chúng khi cần giải tỏa.

    Tuy nhiên, theo biện pháp kinh tế mới ban hành và theo ước tính của Thiểm cục Chi phí có thể gia tăng lên 2 tỷ.

    Riêng ngân khoản năm 1972 – 1973 được định là 250 triệu. Sài Gòn Thủy cục dự trù khởi sự công tác vét kinh, thiết lập lại đường thoát thủy cho vùng đông dân cư đang bị ngập nước trong mùa mưa là Phú Thọ Hòa, Lữ Gia, Phú Lâm và Bãi Sậy, thuộc phạm vi các rạch sau đây:

    1. Rạch Bàu Trâu

    2. Rạch Tân Hóa

    3. Rạch Ông Buông

    4. Rạch Lò Gốm

    Ngoài công tác cải thiện kinh rạch, Sài Gòn Thủy cục sẽ xúc tiến việc vét sạch các đoạn cống chánh gần kinh rạch đã bị nghẹt một phần và làm lại các cửa chắn, ngăn nước và rác rến chạy ngược vào cống.

    Ngân khoản dự trù cho các công tác trên đã được Sài Gòn Thủy cục chiết tính và chuyển sang Tòa Đô chánh ngày 25-01-1972 để xin tài trợ theo chỉ thị của Thủ tướng Chánh phủ qua văn thư số 1591/Pth.T/PC2/3/M ngày 09-12-1971.

    Ngày 03-7-1972, sau khi nghe Sài Gòn Thủy cục thuyết trình về lợi ích của Chương trình Thoát thủy Khẩn cấp, Hội đồng Đô Thành đã chấp thuận tài trợ cho Sài Gòn Thủy cục thực hiện Chương trình Thoát thủy Khẩn cấp với kinh phí dự trù như sau:

    – Năm 1972: 50.000.000 đồng

    – Năm 1973: 200.000.000 đồng

    Đô Thành hứa sẽ hỗ trợ việc giải tóa nhà của dân chúng xây trên kinh rạch và khu vực cần thiết lập hệ thống thoát thủy.

    Ngày 07-12-1972 do Sắc lệnh số 179/SL/CC Thủ tướng Chánh phủ ủy nhiệm cho Sài Gòn Thủy cục đảm trách việc thực hiện Chương trình Thoát thủy cho Đô Thành Sài Gòn và vùng phụ cận.

    Kế tiếp, ngân khoản đầu tiên 50.000.000 đồng được Tòa Đô chánh chuyển sang chương (trương) mục của Sài Gòn Thủy cục theo lệnh phát ngân số 6619 ngày 09-12-1972.

    Với kinh phí này Sài Gòn Thủy cục sẽ cho vét sâu lòng rạch và nới rộng tiết diện thoát nước của đoạn rạch Lò Gốm dài khoảng 1200m từ Ngà ba Bà Lài Lò Gốm đến đường Bến Phú Lâm. (Phụ bản VI)

    A sheet music with lines and notes

Description automatically generated with medium confidence

    Phụ bản 6 – Thoát thủy khẩn cấp từ ngã ba Bà Lài đến đường Bến Phú Lâm

    1/ Thời hạn công tác:

    Công tác dự trù hoàn tất 4 tháng sau khi nhà cửa được giải tỏa. Tuy nhiên, công tác có thể thực hiện từng phần một, ở những nơi được giải tỏa xong.

    2/ Khó khăn gặp phải:

    Công tác sẽ gặp nhiều trở ngại vì nhà cửa của dân chúng xây cất bừa bãi dọc theo kinh rạch nên cần phải có một chương trình phối hợp với Tổng cục Gia cư, Tổng nha Kiến thiết và nhất là Tòa Đô chánh để giúp giải tỏa cấp bách các nhà xây cất bất hợp pháp đang làm trở ngại việc thoát thủy.

    Việc giải tỏa sẽ được dễ dàng nếu có chung cư hay nền nhà cho đồng bào bị giải tỏa có nơi cư trú. Về việc này, chúng tôi kêu gọi sự hỗ trợ của Tòa Đô chánh và nếu không có gì trở ngại xin Đô Thành cấp cho khu đất do xáng thổi lấp tại Quận 8 để cấp phát nền nhà cho đồng bào bị giải tỏa.

    Nếu đoạn rạch Lò Gốm nói trên được vét sâu và nới rộng, nước sẽ thoát nhanh chóng và nhờ đó và nhờ đó các vùng Phú Lâm, Phú Thọ Hòa, Cầu Tre… có thể tránh khỏi cảnh ngập lụt trong mùa mưa tới.

    3/ Kết luận:

    Tất cả đồng bào cũng như chánh quyền đều không muốn thấy cảnh lụt lội, sự lưu thông bị ngưng trệ, tình trạng đường sá bị hư hại tái diễn, làm tốn kém ngân quỹ và phương hại đến nền kinh tế quốc gia, nên đều mong rằng dự án thoát thủy sẽ được khẩn cấp thực hiện.

    Nhưng đơn phương Sài Gòn Thủy cục không thể nào hoàn thành công tác được. Chúng tôi chắc chắn phải trông vào sự giúp đỡ và hợp tác chặt chẽ của mọi giới đồng bào, quý vị dân cử, quý vị báo chí và quý vị chánh quyền các cấp trong Đô Thành.

    Tóm lại, Chương trình Thoát thủy của Đô Thành Sài Gòn và vùng phụ cận là một chương trình đại qui mô nhằm mục đích cải thiện đời sống của dân chúng Thủ đô bằng cách giải quyết cấp bách nạn ngập lụt hiện tại trong mùa mưa tại các vùng Phú Lâm, Phú Thọ Hòa, Xa Cảng và trang bị cho Đô Thành một hệ thống cống rãnh tân tiến trong tương lai khả dĩ.

    Cù Mai Công

    Cù Mai Công: Dự án thoát thủy cho Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận - DĐTK (diendantheky.net)


    Không có nhận xét nào