Header Ads

  • Breaking News

    ĐCSVN: Bế mạc Hội nghị Trung ương 9 ...

     ĐCSVN: Bế mạc Hội nghị Trung ương 9: chọn chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội và chốt nhiều nhân sự cấp cao

    BBC News


    18/5/2024


    Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã bế mạc sáng 18/5


    NGUỒN HÌNH ẢNH,VGP


    Chụp lại hình ảnh,Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã bế mạc sáng 18/5

    2 giờ trước

    Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, được Trung ương Đảng giới thiệu cho chức danh chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu để bầu làm chủ tịch Quốc hội.

    Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho hay đã thảo luận và thống nhất cao về "phương án kiện toàn chức danh chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội để giới thiệu Quốc hội xem xét, quyết định" tại kỳ họp thứ 7 dự khiến khai mạc ngày 20/5.

    Nội dung trên được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần thư 9 khóa 13 vào sáng 18/5.

    Diễn ra từ ngày 16/5 đến 18/5 giữa bối cảnh nhân sự cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam có biến động dữ dội, hội nghị này đã đưa ra những quyết định quan trọng về các vị trí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.

    ‘Thống nhất cao phương án chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội’

    Quy trình chọn lãnh đạo của Việt Nam là Đảng quyết trước rồi mới đến Quốc hội làm thủ tục bỏ phiếu, hoặc phê chuẩn tùy theo vị trí.

    Việc giới thiệu nhân sự cấp cao để Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu với Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15 là một trong những nội dung được chú ý tại hội nghị lần này.

    Sau sự ra đi của ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ, hai chiếc ghế chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội đang bị khuyết, khiến nhiều chuyến thăm của các lãnh đạo quốc tế bị ảnh hưởng và giới đầu tư nước ngoài e ngại.

    “Từng có thông tin rằng Tổng thống Nga Putin có khả năng đến Việt Nam nhân chuyến thăm Trung Quốc, nên nếu ông Putin không tới là vì Việt Nam không thể lấp đầy hai chỗ trống này,” Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales, Úc nói với BBC hôm 17/5.

    Theo nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm này, dù vị trí chủ tịch nước được cho là chỉ mang tính lễ nghi, nhưng chủ tịch nước là người xây dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo quốc tế và tạo dựng sự tin cậy với họ.

    “Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng người đồng cấp của ông Biden thực sự là chủ tịch nước Việt Nam," Giáo sư Thayer nêu ví dụ, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề này.

    Còn về vị trí chủ tịch Quốc hội, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ) nhận định với BBC rằng đây là vị trí "vô cùng quan trọng cho tính chính danh của Đảng".

    "Tôi nghĩ sẽ rất khó để đất nước vận hành mà không có chủ tịch Quốc hội khi mà luật và các quy định cần được thông qua. Việc không có chủ tịch Quốc hội sẽ gửi một tín hiệu rất xấu đến các nhà đầu tư nước ngoài," ông Abuza nói.

    Ông Trần Thanh Mẫn (bìa trái) và ông Tô Lâm (thứ hai từ trái) đã được giới thiệu vào “Tứ Trụ”


    Chụp lại hình ảnh,Ông Trần Thanh Mẫn (bìa trái) và ông Tô Lâm (thứ hai từ trái) đã được giới thiệu vào “Tứ Trụ”

    Hiện Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đang giữ quyền chủ tịch nước và Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

    Để đạt tiêu chuẩn đối với hai chức danh trong "Tứ Trụ", cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên, theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

    Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 cũng quy định chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội đều phải là đại biểu Quốc hội.

    Hiện những người thỏa mãn cả quy định của Đảng và quy định trong hiến pháp, pháp luật có ông Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính.

    Trong bốn người này, hiện ông Trọng và ông Chính đã ở trong "Tứ Trụ”, nhưng khó có khả năng hai ông có thể kiêm nhiệm hoặc thay đổi vị trí khác.

    Do đó, ông Tô Lâm là người duy nhất đủ tiêu chuẩn cho vị trí chủ tịch nước hoặc chủ tịch Quốc hội.

    Cũng theo Quy định 214, Ban Chấp hành Trung ương có thể xem xét trường hợp đặc biệt đối với các chức danh trong "Tứ Trụ", có nghĩa là sẽ có thêm các ứng viên khác là các ủy viên Bộ Chính trị chưa tham gia trọn một nhiệm kỳ.

    Việc ông Trần Thanh Mẫn được Trung ương Đảng giới thiệu để bầu chủ tịch Quốc hội là áp dụng "trường hợp đặc biệt" theo quy định này.

    Sau khi ông Tô Lâm được giới thiệu để làm chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu cho vị trí chủ tịch Quốc hội thì Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải tính toán phương án bộ trưởng Công an (thay ông Tô Lâm) và phó chủ tịch Quốc hội (thay ông Mẫn).

    Trong đó, chức danh phó chủ tịch Quốc hội sẽ do Quốc hội bầu; chức danh bộ trưởng sẽ do Quốc hội phê chuẩn.

    Công tác cán bộ

    Là người chủ trì Hội nghị Trung ương 9, ông Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy thực hiện theo đúng Điều lệ, quy chế của Đảng.

    “Khi làm nhân sự cần rà soát thật kỹ để lựa chọn, giới thiệu và bầu được người thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới,” ông nhấn mạnh.

    Nhân sự là một vấn đề nổi cộm dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Chỉ tính riêng khóa 13 (từ đầu năm 2021) đã có khoảng 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó nhiều người bị xử lý hình sự.

    Có tới 6 ủy viên Bộ Chính trị mất chức do sai phạm, gồm: Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai.

    Trường hợp của bà Trương Thị Mai được cho là “hạ cánh an toàn” như các lãnh đạo cấp cao trước đây.

    “Lí do bà Mai mất chức thật mơ hồ. Bà ấy đã không nêu gương như yêu cầu đối với một ủy viên Bộ Chính trị? Bà ấy đã vi phạm những điều đảng viên không được làm? Đó là gì? Chúng ta không biết,” Giáo sư Thayer đặt câu hỏi.

    Theo ông, việc bà Mai mất chức tạo ra sự hỗn loạn. Trước đó, ông từng đánh giá bà Mai có khả năng sẽ vào “Tứ Trụ”, tiếp tục đảm đương các trọng trách của nhà nước Việt Nam.

    “Bà Mai từng là một trong ba người đủ tiêu chuẩn để kế nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và tôi nghĩ đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến bà ấy bị nhắm đến,” Giáo sư Abuza nêu ý kiến.

    “Nhìn vào vụ việc ở tỉnh Lâm Đồng, chúng ta có thể thấy Bộ Công an có thể đào sâu đến mức nào. Tôi đoán là bà Mai đã không thể phản công hoặc nhận được trợ giúp để giữ được ghế thường trực Ban Bí thư,” ông nhận định.

    Nhân sự là một vấn đề nổi cộm dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam


    NGUỒN HÌNH ẢNH,VGP


    Chụp lại hình ảnh,Nhân sự là một vấn đề nổi cộm dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam

    Công an và Quân đội

    Người được chọn thay thế bà Mai cho chức thường trực Ban Bí thư là Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

    “Việc bà Trương Thị Mai từ chức đã tạo thêm áp lực khiến Đại tướng Tô Lâm phải rời Bộ Công an để làm chủ tịch nước. Sự kiện này cũng bó hẹp lựa chọn người kế vị cho vị trí đứng đầu Đảng hiện nay là ông Nguyễn Phú Trọng," Giáo sư Alexander L Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Hoa Kỳ), nói với BBC News Tiếng Việt hôm 18/5.

    Theo ông Vuving, hiện chỉ còn hai người đủ tiêu chuẩn trên giấy tờ để kế nhiệm ông Trọng: Đó là Đại tướng Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cả hai đều có nền tảng từ Bộ Công an. Điều này "sẽ làm tăng cơ hội để ông Trọng làm nhiệm kỳ tổng bí thư thứ tư liên tiếp, chưa từng có tiền lệ, nếu ông còn sống".

    "Việc thăng cấp thường trực Ban Bí thư cho Đại tướng Lương Cường giúp điều chỉnh lại cán cân quyền lực trong nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng, đặc biệt là giữa hai lực lượng vũ trang của Đảng – đó là công an và quân đội,” Giáo sư Vuving đánh giá.

    Giáo sư Abuza cũng đề cập tới vấn đề này, ông cho rằng ở thượng tầng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không còn có thể kiểm soát được chiến dịch chống tham nhũng của mình nữa.

    "Ông Trọng đã trao cho ông Tô Lâm quyền lực để chống tham nhũng và ông Tô Lâm đã sử dụng quyền lực đó để hạ tới 5 hoặc 6 ủy viên Bộ Chính trị. Và điều này đã gây ra những bất ổn chính trị chưa từng thấy ở Việt Nam. Tôi không nghĩ rằng ông Trọng có thể kiểm soát được tình hình vào lúc này," ông nói thêm.

    Vì vậy, theo ông hiện chỉ còn một đối trọng đối với Bộ Công an là quân đội.

    Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Thường trực Ban Bí thư thay bà Trương Thị Mai


    Chụp lại hình ảnh,Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Thường trực Ban Bí thư thay bà Trương Thị Mai

    16 ủy viên Bộ Chính trị

    Sự ra đi của bà Mai khiến số lượng ủy viên Bộ Chính trị còn 12, giảm 6 người so với đầu khóa 13.

    Hội nghị Trung ương 9 đã bầu bổ sung 4 gương mặt mới, bao gồm:

    Ông Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng

    Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

    Bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương

    Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

    Nói về bốn tân ủy viên này, Giáo sư Carl Thayer cho biết họ đều đã là thành viên của Ban Chấp hành Trung ương và bản thân họ đều giữ các chức vụ trong các ủy ban của Trung ương Đảng.

    "Họ sẽ không có đủ một nhiệm kỳ 5 năm ở Bộ Chính trị, vì vậy tất cả những gì họ có thể làm là hy vọng được bầu lại tại Đại hội tiếp theo, nhưng ít nhất họ cũng góp thêm những tiếng nói khác vào Bộ Chính trị," ông nói.

    Trong khi đó, Giáo sư Abuza cho rằng việc ba trong bốn người không có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước hay kinh tế thực sự cho thấy những mối quan tâm và một số bất an của chính Đảng Cộng sản Việt Nam.

    "Nếu bạn nhìn vào 4 ủy viên mới, bạn sẽ thấy Đảng đang lo lắng về công tác vận động quần chúng và sự kiểm soát của Đảng. Thế là họ đưa người đứng đầu Ban Dân vận vào, họ đưa người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào, rồi họ đưa trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vào," Giáo sư Abuza nhận xét.

    Từ trái qua: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng, ông Đỗ Văn Chiến


    Chụp lại hình ảnh,Từ trái qua: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng, ông Đỗ Văn Chiến

    Kỷ luật một số nhân vật cấp cao

    Cũng trong Hội nghị Trung ương 9 khóa 13, hàng loạt nhân vật cấp cao đã bị kỷ luật.

    Cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tước hết tất cả các chức vụ từng nắm giữ.

    Ngoài ông Hải, trong số cựu quan chức TP HCM còn có ông Lê Hoàng Quân và ông Nguyễn Thành Phong cũng có sai phạm được xác định có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

    Hai ông này đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo vào ngày 14/5.

    Trong thông cáo ngày 16/5 của Văn phòng Trung ương Đảng, có hai người khác bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, gồm:

    Ông Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

    Ông Mai Tiến Dũng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

    Cả hai ông Thái và Dũng đều đã bị khởi tố, tạm giam trước đó.

    Hôm 14/5, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội, cũng đã bị Ban Bí thư khai trừ khỏi Đảng.

    Ông Lê Thanh Hải đã bị Trung ương Đảng tước hết tất cả các chức vụ từng nắm giữ

    Chụp lại hình ảnh,Ông Lê Thanh Hải đã bị Trung ương Đảng tước hết tất cả các chức vụ từng nắm giữ

    Tóm tắt nội dung Hội nghị

    Sau ba ngày làm việc, dưới đây là một số diễn biến quan trọng trong Hội nghị Trung ương 9:

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái xuất sau thời gian dài không xuất hiện

    Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai bị cho thôi chức

    Đại tướng Lương Cường làm thường trực Ban Bí thư

    Bổ sung 4 người vào Bộ Chính trị

    Giới thiệu nhân sự để bầu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội (giới thiệu để Quốc hội bầu: ông Tô Lâm làm chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn làm chủ tịch Quốc hội)

    Kỷ luật một số nhân vật cấp cao, trong đó có cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải


    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clw0ywqqg2no


    Không có nhận xét nào