Quê Hương tổng hợp
Mỹ cân nhắc cấp quy chế « kinh tế thị trường » cho Việt Nam
Minh Anh /RFI
08/5/2024
Hôm nay, 08/05/2024, bộ Thương Mại Mỹ nghe điều trần về việc có nên công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường hay không. Đây được xem như là một nỗ lực của tổng thống Joe Biden nhằm lôi kéo Việt Nam lại gần hơn với tư cách là một đối tác chiến lược. Tuy nhiên, nỗ lực này đi ngược với mong muốn của ông thu hút phiếu bầu của giới công đoàn Mỹ.
Tại một nhà máy chế biến tôm của công ty Camimex ở Cà Mau, Việt Nam, ngày 22/07/2024. ASSOCIATED PRESS - RICHARD VOGEL
Theo Reuters, bộ Thương Mại sẽ nghe tranh luận giữa các nhà sản xuất thép, các nhà nuôi tôm Bờ Vịnh, bên phản đối cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, với ông Ted Osius, lãnh đạo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, cơ quan ủng hộ cấp quy chế.
Liên minh tôm miền Nam tại Mỹ, bao gồm ngư dân và các nhà chế biến phản đối việc cấp quy chế kinh tế thị trường, viện dẫn các rào cản từ chính quyền Việt Nam về quyền sở hữu đất đai, luật lao động yếu kém. Việc nâng cấp quy chế sẽ dẫn đến việc tôm nhập khẩu thấp sẽ được đánh thuế thấp hơn, gây thiệt hại cho các thành viên của Liên minh.
Năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ gia hạn thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh từ Việt Nam, nhưng chỉ ở mức 5,34% đối với tôm nhập khẩu từ Thái Lan, một quốc gia được công nhận là nền kinh tế thị trường.
Các nhà sản xuất thép còn cho rằng sự thay đổi này sẽ « làm xói mòn cơ sở sản xuất trong nước, làm suy yếu khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của Mỹ và củng cố vai trò của Việt Nam như là một kênh dẫn dòng hàng hóa Trung Quốc được buôn bán không công bằng ».
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Ted Osius, « Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường , đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng để được công nhận quy chế đúng như vậy."
Phía Việt Nam cũng đưa ra các lập luận là đã tiến hành nhiều cải cách kinh tế gần đây, đồng thời cho rằng việc Washington tiếp tục duy trì quy chế « nền kinh tế phi thị trường » có thể làm tổn hại đến mối quan hệ song phương ngày càng chặt chẽ với Việt Nam, mà Mỹ muốn xem như là đối trọng với Trung Quốc.
Hiện tại Việt Nam bị Hoa Kỳ xếp cùng với Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và 9 quốc gia khác trong danh sách các nền kinh tế phi thị trường và phải chịu thuế cao đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ."
Project 88: Việt Nam bắt giam ông Nguyễn Văn Bình, vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ LĐ-TB-XH
08/05/2024
Project 88 đưa tin về việc ông Nguyễn Văn Bình, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thương binh - Lao động - Xã hội, vừa bị bắt.
Công an Hà Nội vừa bắt giam ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), người được cho là đang dẫn đầu nỗ lực phê chuẩn Công ước 87 của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mà nếu được thông qua sẽ đảm bảo cho người lao động quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần sự cho phép trước, theo tổ chức nhân quyền Project 88.
Trong thông cáo hôm 6/5, tổ chức nhân quyền Project 88 có trụ sở tại Hoa Kỳ dẫn nhiều nguồn tin cho biết công an Hà Nội đã bắt giam Nguyễn Văn Bình, 51 tuổi, từ tháng trước.
Trong khi công an chưa công bố việc bắt này, Project 88 dẫn một nguồn tin nói với rằng ông Bình bị bắt với cáo buộc “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, theo Điều 337 Bộ Luật Hình sự.
Tổ chức này cho biết thêm rằng tên và chức danh của ông Bình đã bị xóa khỏi trang web của Bộ LĐ-TB-XH tầm khoảng 15/4.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Công an Tp. Hà Nội, đề nghị họ xác nhận việc bắt giam ông Bình, nhưng chưa được phản hồi.
Một nguồn tin không nêu danh tính vì lý do an toàn hôm 7/5 cho VOA biết rằng có thể ông Bình bị bắt từ giữa tháng 4. Người này nói: “Ông Bình là một người cải cách muốn thúc đẩy Việt Nam công nhận Công ước 87 của ILO về quyền thành lập nghiệp đoàn của người lao động”.
Vụ bắt giữ ông Bình diễn ra trong bối cảnh một làn sóng đàn áp mới ở Việt Nam, vẫn theo Project 88.
Năm ngoái, các lãnh đạo cấp cao của chính phủ đã ra lệnh đàn áp nhân quyền do lo ngại về sự can thiệp của nước ngoài, tổ chức này cho biết thêm.
“Vào thời điểm bị bắt, ông Bình đang dẫn đầu nỗ lực phê chuẩn Công ước 87 của ILO, nếu được thông qua sẽ đảm bảo cho người lao động quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần sự cho phép trước”, Project 88 nhận định.
“Vụ bắt giữ ông Bình là vụ bắt giữ một nhà cải cách chính phủ đầu tiên trong những năm gần đây”, tổ chức này đánh giá.
Ông Nguyễn Văn Bình được cho là người đã vận động trong chính phủ việc mở rộng các biện pháp bảo vệ cho người lao động.
Ông có bằng tiến sĩ luật kinh tế tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi ông thực hiện nghiên cứu về tổ chức công đoàn và cách tăng cường tính độc lập và tính đại diện của công đoàn ở Việt Nam.
Ông Bình từng làm việc cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL), trước khi làm việc tại văn phòng Hà Nội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong thời gian 5 năm, và sau đó trở thành nhà hoạch định chính sách tại Vụ Pháp chế của Bộ LĐ-TB-XH.
Project 88 đánh giá rằng ông Bình là “nhân tố chủ chốt” đằng sau Bộ luật Lao động 2019, tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam phê chuẩn các công ước của ILO bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Trước khi bị bắt, ông Bình đang chuẩn bị hồ sơ phê chuẩn Công ước 87 của ILO với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO để trình Quốc hội Việt Nam.
Theo Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), Việt Nam đã đồng ý phê chuẩn công ước này vào năm 2023, mặc dù chính phủ đã trì hoãn quá trình này và hiện tại Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa áp đặt bất kỳ hậu quả nào đối với sự chậm trễ của Hà Nội.
Văn Công Hùng - Ghi chép ngày 07.05.2024
1. "Bí thư Thành ủy vắng mặt hơn 10 ngày, bà Ngô Thị Mỹ Lợi tạm thời điều hành Thành ủy Đà Lạt"- Doọc hung rồi. Chắc noi gương cấp trên là anh Quận chăng?
Tự nhiên ở đâu lại ngoi ra cái anh Công Minh nữa. Nó nhiều tới mức giờ cứ lẫn lộn anh này với anh kia, may chỉ nhớ được mấy anh đời đầu như AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát vân vân...
Trong khi đó "Đến hạn, Đắk Lắk chưa thể cung cấp hồ sơ dự án cây xanh cho Bộ Công an".
2. "Phó giám đốc Trung tâm Chính trị TP Thủ Đức rơi lầu tử vong"- Đi đứng cẩn thận chút chứ, dạo này hay có chuyện rơi từ lầu cao xuống lắm, chắc do lan can thấp?
3. "McDonald's Việt Nam bị ném đá dữ dội, dân mạng đua nhau đòi tẩy chay"- Khà khà ngu rồi, đụng vào giang cư mận là tèo rồi, không sứt trán cũng mẻ đầu.
4. Hôm qua thấy bác Phúc vẫn trong đoàn lãnh đạo đi viếng ông cụ, nhà cháu thặc, nếu nhà cháu thì nhà cháu ở nhà chơi với cháu, nó đỡ xốn.
Mà thấy đoàn giờ thưa thớt lắm, khổ thặc.
5. Thương tâm ạ: "Vụ sạt lở đất xảy ra tại lán tạm của nhóm thi công đường dây 500 kV mạch 3 qua Hà Tĩnh khiến 3 công nhân tử vong, 4 người bị thương và 11 người khác chạy thoát"- Đang nắng nung người thế, mưa phát, sạt lở ngay.
6. "Khởi tố 20 bị can dùng mã độc chiếm Facebook, thu lời bất chính 90 tỉ đồng"- Làm chơi ăn thật, phỏng ạ?
7. Tít báo: "Đỗ Thị Hà, Lương Thùy Linh mặc quyến rũ đi chấm thi".
VĂN CÔNG HÙNG 07.05.2024
Bí thư Đà Lạt bỏ trốn hay đã bị bắt?
08/5/2024
Dân Trần
(VNTB) – Bí thư Thành ủy Đà Lạt Đặng Trí Dũng đã vắng mặt ở nơi làm việc hơn 10 ngày qua
Ông Đặng Trí Dũng, Bí thư Thành ủy Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã vắng mặt ở nơi làm việc hơn 10 ngày qua. Đây là dấu hiệu bất thường trong bối cảnh các quan chức lãnh đạo tại tỉnh này bị rờ gáy liên tục trong thời gian qua. Nhà chức trách cũng đưa ra những thông tin mơ hồ về sự vắng mặt của ông này.
Theo thông tin từ thành ủy thành phố Đà Lạt thì ông Dũng đã vắng mặt tại cơ quan từ trước ngày 30/04. Và các cán bộ ở đây mập mờ với báo chí là ông Dũng đi khám bệnh ở TPHCM, nhưng không khẳng định. Báo Thanh Niên ngày 06/05 chỉ ghi rằng “có nguồn tin cho rằng ông Dũng đi chữa bệnh tại TP.HCM”.
Như vậy, ngay cả các lãnh đạo thân thiết của ông Đặng Trí Dũng cũng không biết hoặc không dám nói ra thông tin chính xác là ông Dũng đang làm gì, ở đâu. Điều này càng làm dấy lên nghi ngờ rằng ông Dũng có thể bỏ trốn khỏi địa phương hoặc đã bị công an giam lỏng để điều tra về những sai phạm liên quan tới các lãnh đạo tại Lâm Đồng trong thời gian qua.
Ông Đặng Trí Dũng, sinh năm 1967, quê ở Tiền Giang, từng là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2010-2015; sau đó lên làm giám đốc sở này từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2020. Tới tháng 12/2020, thì ông Dũng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ngay dưới trướng ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh uỷ và Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 02/01, ông Trần Văn Hiệp bị bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam đối với về hành vi nhận hối lộ, thì ngày 04/01, ông Đặng Trí Dũng phải lập tức tháp tùng ông Trần Đức Quận bay ra Hà Nội “công tác”. Đây có lẽ là nước cờ cuối cùng của ông Quận để thương thuyết với các lãnh đạo trung ương nhằm chạy án.
Nhưng chuyến “công tác” này có lẽ đã thất bại. Dẫn tới ngày 24/01, ông Quận bị Bộ Công an khởi tố bắt tạm giam về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Lâm Đồng và các đơn vị liên quan dự án Khu đô thị thương mại nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (H.Đức Trọng), do đại gia Nguyễn Cao Trí làm chủ đầu tư.
Và trong khoảng thời gian từ sau chuyến công tác ngày 04/01 đó, ông Dũng bỗng nhiên mất tích gần 1 tháng. Không tham gia bất cứ sự kiện nào tại địa phương. Cụ thể, từ ngày 4 đến 28/01, ông Đặng Trí Dũng không có mặt ở nơi làm việc nên nhiều buổi họp phải hoãn hoặc vắng mặt ông Dũng, nhưng không có thông báo cụ thể. Đến ngày 29/01, ông Dũng đi làm việc trở lại. Theo thông báo từ lãnh đạo Đà Lạt thì ông này “đi công tác dài ngày”. Tuy nhiên, rất có thể chuyến công tác này là nằm ở trại tạm giam để phục vụ điều tra do liên quan tới những vi phạm của các lãnh đạo tại Lâm Đồng.
Với việc bí thư tỉnh và chủ tịch tịch tỉnh đều bị bắt do liên quan tới nhận hối lộ trong vụ án khu du lịch Đại Ninh, thì ông Đặng Trí Dũng, từng giữ vai trò phó chủ tịch tỉnh giai đoạn 2020-2022 không thể không tránh khỏi liên quan. Vì vậy việc ông này bị bắt giam hay bị giam lỏng để điều tra là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, việc chưa công bố lệnh bắt giam cho thấy có lẽ đang có những thương thuyết giữa các bên. Có thể ông Dũng đang cố gắng chạy án để thoát tội trong vụ này, hoặc phía công an muốn ông Dũng được tại ngoại để gom thêm tiền chung chi.
Ngoài ra cũng còn một lý do khác, có thể ông Dũng đang giả bệnh để tìm cách ra nước ngoài điều trị, hoặc xin giấy chứng nhận tâm thần để được khoan hồng, đây vốn là những cách làm khá phổ biến của các quan chức cộng sản trong nhiều năm trở lại đây.
______________
Tham khảo:
Nền tảng đạo đức của những quan chức hành xử như kẻ cướp
BS Võ Xuân Sơn
08/5/2024
Kayla Ng
“Anh có phải BS Sơn không?”.
“Chào bác sĩ. Bác sĩ có nhớ tôi không? Hồi đó bác sĩ mổ cho tôi”…
Gần đây, khi đi ra đường, đi siêu thị, ra sân bay… tôi thường xuyên được nghe những câu hỏi như vậy. Ngoài ra, nhiều người nhìn tôi, gật đầu chào. Mặc dù không nhớ họ là ai, nhưng tôi cũng chào lại.
Người ta bảo “anh em bốn bể là nhà” mà.
Cho nên, mỗi lần, ở những nơi công cộng, tôi luôn phải chú ý đến cách hành xử của cá nhân, không muốn ai đó lợi dụng lúc tôi nóng giận hay “hớ hênh” mà “trích xuất” một khoảng thời gian, không gian cụ thể để công kích tôi.
Mỗi lần viết bài gì, có ý kiến về việc gì, tôi đều tự đặt câu hỏi: “Nếu bản thân mình rơi vô hoàn cảnh đó, mình sẽ hành xử như thế nào?”. Mỗi khi hành xử một điều gì, tôi lại nghĩ, mình đã viết những gì về những điều liên quan, mình hành xử như vậy có trái với những gì mình đã viết, đã “tuyên bố”?
Mỗi khi có sự thay đổi quan điểm, tôi vẫn thường phải có bài viết mang tính “cáo bạch”, công bố về sự thay đổi quan điểm, để khi mình có những hành xử khác với quan điểm ban đầu, mọi người biết rằng mình đã có thay đổi về quan điểm, chứ không phải nói một đằng làm một nẻo.
Tôi không biết tôi làm như vậy có quá đề cao mình hay không. Tôi chỉ là một công dân bình thường, không có trách nhiệm phải nêu gương cho ai. Tôi chỉ có trách nhiệm làm một công dân, cố gắng thực hiện những điều mà cha mẹ và thầy cô dạy dỗ về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Tôi không biết các ông quan lớn của đất nước này có được cha mẹ và thầy cô của họ dạy dỗ về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín hay không. Hoặc khi họ bước chân vô quan trường, có những lời dạy dỗ khác, mạnh mẽ hơn, lấn át đạo nghĩa về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Nhiều người trong số họ luôn rao giảng đạo đức, nói toàn những điều tốt đẹp, cao siêu, trong khi hành xử thì như những kẻ vô đạo đức, vô lương tâm, những kẻ cướp tàn bạo, nhẫn tâm và độc ác nhất.
Những kẻ đó nhiều đến mức mà bây giờ, gần như chẳng còn ai bất ngờ khi những kẻ như vậy bị vạch mặt cả.
Mức độ vô nhân của những kẻ đó cũng ngày càng “dữ dội”, đến mức mà người dân đang dần quen với những khái niệm “ngàn tỉ”, “chục ngàn tỉ, “trăm ngàn tỉ”. Thậm chí, việc một số quan chức sẵn sàng kiếm tiền trên sinh mạng người dân trong vụ dịch, hoặc lợi dụng dịch bệnh để bóp nặn tiền của người dân, cũng trở thành chuyện bình thường.
Nhiều lúc tôi tự đặt câu hỏi: Không biết cha mẹ, thầy cô của các quan chức hành xử như kẻ cướp có dạy dỗ họ không? Hay có gì đó mạnh mẽ hơn những điều cha mẹ, thầy cô dạy cho họ, đã lấn át và thay đổi nền tảng đạo đức của họ.
Thực ra, tôi sẽ không đặt câu hỏi này, nếu việc hành xử như kẻ cướp của những quan chức ấy không ảnh hưởng đến người dân, đến đất nước.
https://baotiengdan.com/2024/05/07/nen-tang-dao-duc-cua-nhung-quan-chuc-hanh-xu-nhu-ke-cuop/
Không có nhận xét nào