Trang Việt Nam Thời Báo đã đăng tải một bài viết (“Tu Sĩ Giả, Linh Mục Dỏm”) tuy không nặng ký nhưng khá nặng lời, của tác giả Hoàng Lan Mộc Châu, về giới tăng lữ ở VN:
“Từ trước đến nay người ta phát hiện vô số tu sĩ, là giả, là dỏm. Thường thì bọn dỏm giả hay mang hình thức tu sĩ của các tôn giáo lớn, tổ chức lỏng lẻo, khó kiểm soát như Phật giáo, bây giờ đã có trường hợp linh mục công giáo giả, dỏm gây khó chịu cho người công giáo.”
Tuy không phải là kẻ vô thần nhưng tôi là người vô đạo (bất kể đạo gì) và chưa bao giờ có bất cứ kỳ vọng gì vào những kẻ khoác áo nhà tu nên không hề thất vọng chi về cái đám giả danh hay giả hình này. Chả những thế, trên đường đời – thảng hoặc – tôi còn may mắn gặp được lắm vị chân tu.
Đầu năm 1980, tôi bò đến được bờ biển Thái Lan nhưng bầm dập/te tua/ tơi tả cả xác lẫn hồn. Nơi đây, dưới một mái lều tranh (được dùng như nhà thờ tạm) trong trại tị nạn Songkhla, tôi gặp cha Joe Devlin – một tu sĩ Dòng Tên.
Dù không có nhu cầu học tiếng Anh ở trình độ vỡ lòng, tôi vẫn ngồi yên lặng nghe vị linh mục này giảng dậy rất nhiều buổi chiều – từ tháng này sang tháng nọ – chỉ vì giọng nói hiền hoà, ánh mắt nhân từ, và những cử chỉ bao dung thân ái của ông.
Cuối năm 1980, ở trại tị nạn Galang (Nam Dương) tôi lại gặp được một vị tu sĩ Dòng Tên khác: cha Gildo Dominici – tên Việt là Đỗ Minh Trí. Có thể nói mà không sợ quá lời là trong suốt thập niên 1980, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhiều người Việt tị nạn tại nơi đây (cũng như tại trại Bataan, Phi Luật Tân) tương đối khả kham là nhờ vào sự tận tụy của cá nhân ông.
Đến cuối đời, tôi lại còn được biết thêm nhiều vị tu sĩ can trường và khả kính khác nữa. Họ không chỉ hy sinh, cống hiến mà còn sẵn sàng chấp nhận cái chết một cách thung dung với đức tin mãnh liệt vào tôn giáo của mình.
“Sống chung với một số Thượng-tọa, Đại-đức, học được thái độ an nhiên tự tại, tôi khám phá ra đó là phương thức sống hay nhất trong nhà tù cộng sản và sau này suốt thời gian dài hơn, khổ hơn, nhục hơn ở các trại cải tạo lao động, càng thấy điều đó rất đúng. Cắt được mọi ray rứt, ân hận, tiếc nuối, mong ước, giữ cho tinh thần thật thảnh thơi càng có sức để chống lại âm mưu hủy diệt của cộng sản bằng những thủ đoạn bỏ đói, bỏ khát, cùm kẹp trong xà lim…
Tôi cũng đã gặp một số các Thượng-tọa, Đại-đức như thầy Quảng Độ, Huyền Quang, Thông Bửu, các thầy bị bắt trong vụ Việt Cộng tiếp thu Cô Nhi Viện Quách Thị Trang.. Thái độ chịu đựng những ngày đói khổ ở xà lim, tác phong đúng đắn, tư cách bình tĩnh của các thầy làm nhiều người rất kính phục. (Nguyễn Chí Thiệp. Trại Kiên Giam. Los Angeles, CA: Sông Thu, 1992).
Ở cùng trại, và chung vụ (vụ báo Hợp Đoàn) với tác giả Nguyễn Chí Thiệp là nhà báo Vũ Ánh. Trong Hồi ký Thung Lũng Tử Thần – Người Việt Books, 2014 – ông dành ra nhiều trang để viết về linh mục Nguyễn Văn Vàng. Tôi không có khả năng tóm gọn mối giao tình giữa hai ông nên xin phép được ghi lại đôi dòng, qua ngòi bút của nhà văn Phan Nhật Nam:
“Anh bị cắt khẩu phần ăn xuống chỉ còn một nửa so với thành phần lao động bên ngoài, nghĩa là chỉ còn 150 grams cho mỗi bữa ăn gồm khoản 5 lát khoai mì khô luộc và một muỗng cơm, tất cả chan đẫm nước muối và được phát cho nửa ca nước một ngày.
Ăn mặn mà uống nước ít, người rất dễ bị phù sẽ ảnh hưởng tới thận. Cho nên đói ăn lúc đó đã trở thành ít quan trọng hơn dù người tù kiên giam đang là con ma đói. Cái khát triền miên đã che lấp đi cái đói. Nếu muốn ăn được những lát sắn kia phải dùng ít nhất nửa phần nước để rửa bớt độ mặn của nước muối được chan vào cơm và khoai mì.
Anh không dám hy sinh những muỗng nước quý như vàng lúc đó để rửa phần khoai. Thế nên chỉ còn cách nhịn ăn, nhưng do càng đói lả thì mồ hôi càng ra như tắm. Và cuối cùng tình trạng kiệt sức ắt sẽ xẩy ra với cái chết chắc chắn. Chết vì đói. Chết vì khát.
Linh Mục Nguyễn Văn Vàng ra tay giải cứu. Ngài nói: ‘Anh không thể nhịn ăn mãi như thế. Nếu Chúa che chở cho mình, thì dẫu bị phù cũng không chết. Bố sẽ hy sinh nửa phần nước để anh rửa khoai mì cho bớt mặn’. Alpha khước từ: ‘Bố (tất cả người tù miền Nam đều gọi các tu sĩ của các đạo giáo là bố) lớn tuổi sức chịu đựng yếu rồi, nhịn khát như con không được đâu’.Ông cười: ‘Sao biết không được, đã thử đâu mà biết không được.
Giải pháp của Cha Vàng đã khiến cho một tuần, hai tuần, ba tuần qua đi nhanh và vô hiệu hóa được sự trừng phạt…. Vào tuần lễ thứ tư, như một phép lạ cuộc trừng phạt tự nhiên chấm dứt với viên cán bộ phát cơm nhà kỷ luật không phải là tên trực trại như thường lệ mà là một anh chàng lạ hoắc. Cuối tháng 11, cả hai được mở cùm cho ra đi tắm. Lần được tắm đầu tiên sau ba năm biệt giam.
Nhưng khi hai người ra đến bờ giếng là muốn trở lại ngay xà lim vì trời vào đông vùng miền núi miền Trung gờn gợn rét sắc. Cha Vàng run bần bật vì gió lạnh do chỉ mặc một chiếc áo len mỏng bên trong bộ đồ tù. Alpha cởi chiếc áo trấn thủ tự chế bằng tấm chăn trước khi đến trại nầy thay thế chiếc áo len mỏng của cha. Cả hai ngồi vào chỗ kín gió xong trở lại phòng biệt giam với chiến lợi phẩm là 10 viên B1 và hai bi thuốc lào do các bạn tù nơi trại nhà bếp và ông L.S, tỷ phú người Hoa đi tù do bị nhà nước đánh tư bản sau 1975 cung cấp.
Vào đến xà lim, hai người đồng thấy ra điều thất vọng: Lửa ở đâu mà hút thuốc lào! Cha Vàng đưa ý kiến, lấy lửa bằng phương pháp của thời kỳ đồ đá. Ông giảng giải: “Nền văn minh ngày nay đến từ việc phát minh ra lửa. Lửa chế ngự đời sống con người khi họ thoát ra thời kỳ ăn lông ở lỗ… Con người thời kỳ đồ đá đã biết dùng đá chọi vào nhau cho đến khi xẹt lửa” Cha Vàng kết luận: “Chỉ cần một thanh vỏ tre và miếng vải áo mục sẽ tạo ra lửa”, Alpha tạo kế xin từ nhà bếp một thanh tre để cạo lưỡi, và Linh Mục Vàng xé mảnh áo làm con cúi chuẩn tạo nên lửa để hút thuốc lào trong một dịp trọng đại.
Noel năm 1984, Alpha và Cha Vàng thay phiên nhau kéo thanh tre xuyên qua lỗ chiếc dép lốp, từ 9 giờ sáng cho đến hơn 11 giờ thì “phép lạ” xẩy đến. Đầu con cúi bắt đầu ngún và có khói, có nghĩa là bột tre nóng quá độ đã khiến cho lớp bông nhẹ trên con cúi bén lửa. Một lát sau khi thấy xuất hiện những đốm hồng, Cha Vàng thổi nhẹ nhẹ, vết lửa lan ra...
Đúng vào tối 24-12-1984, trước khi Cha Vàng cử hành thánh lễ nửa đêm trong xà lim số 6, hai người đã hút mỗi người một điếu thuốc lào. Hút bằng một miếng giấy cuộn tròn như loa kèn và miệng ngậm búng nước. Vào đúng lúc nửa đêm, cả hai đều cảm nhận được Thánh Lễ Giáng Sinh thực sự đang trở lại thung lũng Xuân Phước qua tiếng chuông của một nhà thờ dường như ở cách nhà giam xa lắm vọng về trong đêm lạnh giá u tịch.”
Không lâu sau, linh mục Nguyễn Văn Vàng qua đời trong xà lim trong xà lim số 6 (Trại Kiên Giam A-20, Xuân Phước) vào tháng 4 năm 1985. Tôi chưa từng biết ai khẳng khái trước việc nước như ngài, và cũng chưa từng thấy ai bình thản chấp nhận khổ nạn một cách thung dung như thế cả.
Chả thế mà cái chết của ông đã khiến cho người bạn đồng tù, nhà báo Vũ Ánh, thảng thốt: “Nhưng mơ ước của Ngài không thành, kể cả việc lớn trước đó là lập lực lượng võ trang để mong lật ngược lại tình thế của một đất nước vừa chìm đắm trong luồng sóng đỏ. Nhưng dù ngài đã mất đi, trong suy nghĩ của tôi cho đến bây giờ, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng vẫn là một ngọn lửa, âm thầm cháy như con cúi vải ngày nào bỗng bùng lên soi sáng cái không gian tăm tối của tất cả những xà lim đang hiện diện trên đất nước Việt Nam.”
Không có nhận xét nào