Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Phạm Đình Bá - Ai kiểm tra Ban Kiểm Tra Trung Ương?

    28/4/2024

    Trên báo Tiếng Dân, tác giả Tạ Duy Anh so sánh và thách thức bạn đọc tìm xem có chỗ khác nhau giữa hai công bố tương tự. [1]

    1: Thông báo cho cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước: “… theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác”.

    2: Thông báo cho ông Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc Hội: “… theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Huệ đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên ‘đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân’. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông Vương Đình Huệ đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác”.

    Cách làm rập khuôn ở trên đặt ra câu hỏi là “Ai kiểm tra Ban Kiểm Tra Trung Ương?” 

    Nói cho ngắn gọn, có bốn yếu tố chính là chìa khóa khiến cho Ban Kiểm Tra Trung Ương (BKTTW) chỉ làm việc thủ tục hơn là một công cụ công bằng và hiệu quả trong việc bảo đảm kỷ luật và chế tài đối với đảng viên vi phạm luật đảng, luật pháp và luật đời. [2]

    Thứ nhất, đảng là một bộ máy đứng trên nhà nước, luật pháp, xã hội và có quyền lực lên mọi hoạt động trong đời sống hằng ngày của dân. Đảng thể chế hóa vai trò quyền lực nầy của đảng ngay cả trong hiến pháp. Nhà nước nầy không phải là nhà nước pháp quyền theo nghĩa chỉ có một bộ luật áp dụng bình đẳng cho mọi người, bất kể họ có là đảng viên hay dân thường. Hiện nay luật pháp chỉ áp dụng cho dân còn đảng viên có nghi ngờ tội phạm chỉ bị truy tố khi đảng mở đèn xanh cho phép truy tố.

    Mặc dù đã có nhiều quy định được thông qua nhằm tăng cường giám sát kỷ luật cán bộ đảng nhưng những quy định này vẫn còn nhiều bất cập, biểu hiện mơ hồ, tạo ra những sơ hở, dễ bị lợi dụng. Ngoài ra, thể chế nầy là thể chế “đảng trị” thay vì "luật pháp", do đó luật pháp và việc áp dụng chúng liên tục thay đổi và như kinh nghiệm khoảng 3 năm qua, có phần hỗn loạn.

    Thứ hai, các giá trị và truyền thống lâu đời bắt nguồn từ lúc ông Hồ còn làm việc hàm ý rằng "hình phạt hình sự không nên áp dụng cho cấp trên", đặc biệt là quan chức ở tột đỉnh của quyền lực. Trên trang VNTB, anh Cảnh Chân lập luận vững chắc rằng Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ đều đã phải từ chức để nhận trách nhiệm giải trình trong tư cách là người quản trị và điều hành nhân viên dưới quyền của họ, thì Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng không thể ngoại lệ. Thế thì kế đến có phải BKTTW sẽ có “cấp” báo kế tiếp để áp dụng điều lệ của đảng đến tận cùng đỉnh cao của quyền lực? [3]

    Các truyền thống “đảng trị” sâu sắc như thế tiềm tàng trong đảng. Trên trang điện tử của BKTTW có nhiều trang về quy định để kỷ luật đảng viên, nhưng thực tế là cách áp dụng các quy định nầy là bí ẩn, vô lường, lúc nầy lúc khác. Đây có vẻ như là một quá trình ngẫu nhiên, giống như ném bùn ngẫu nhiên lên tường mà không biết nó sẽ rơi đến đâu, khi thì dính vào bí thư cấp tỉnh, thi thoảng dính vào phó thủ tướng bộ trưởng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, và nhiều cái khác.

    Mạng lưới tham nhũng chống lưng các tập đoàn kinh doanh là yếu tố thứ ba đóng vai trò quan trọng để làm tê liệt hoạt động của BKTTW. Tất cả các khía cạnh đa diện của những mạng lưới tham nhũng đều có khả năng bảo vệ ở mức độ cao trước những nỗ lực đốt lò của ông Trọng. Trong bộ máy quan liêu hiện nay, uy quyền tối cao của các mạng lưới tham nhũng lan rộng đến mức “trăm hoa đua nở”, trở thành một hình thức tương tác xã hội được thể chế hóa, nhờ đó đảng viên và cán bộ có thể hoành hành thảo khấu và bảo kê những gì họ muốn mà không bị trừng phạt. 

    Ở những nước tự do, dư luận xã hội và báo chí đóng vai trò chủ đạo trong việc chống tham nhũng, bảo đảm mức độ nghiêm khắc tương ứng với mức độ tàn hại của những vi phạm, góp phần làm trong sạch nhà nước và doanh nghiệp. Ở trong nước, sự phẫn nộ của dân về các sự cố hàng loạt hiện nay không có chỗ thoát. Nhưng đây lại là điểm tích cực cho tương lai vì đó chính là mầm mống cho đổi thay, và có thể nhóm thành cách mạng màu làm tàng hình độc tài độc đảng toàn trị.

    Nguồn:

    1. Tiếng Dân. Tạ Duy Anh. Thủ giống thủ, xôi giống xôi. 26/04/2024; Available from: https://baotiengdan.com/2024/04/26/thu-giong-thu-xoi-giong-xoi/.

    2. Guo, X., Controlling Corruption in the Party: China's Central Discipline Inspection Commission. The China Quarterly, 2014. 219: p. 597-624.

    3. Cảnh Chân. VNTB – Nguyễn Phú Trọng phải từ chức để “chịu trách nhiệm người đứng đầu”. 27.04.2024; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-nguyen-phu-trong-phai-tu-chuc-de-chiu-trach-nhiem-nguoi-dung-dau/.


    Không có nhận xét nào