Header Ads

  • Breaking News

    Trần Nhật Kim - Quốc Hận 30 tháng 4 năm 1975

    Hậu quả của cuộc xâm lược

    25/4/2022

    30/4/2024

    https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/04/tnk-hauquaxamluoc1.png?w=640

    Khi chiếc xe tăng T-54B sản xuất tại Liên Sô của bộ đội miền Bắc, trên ngụy trang cờ “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”, húc đổ cánh cổng phụ của Dinh Độc Lập vào sáng ngày 30-4-1975, đã chấm dứt cuộc chiến tranh súng đạn giữa hai miền Nam-Bắc Việt Nam kéo dài 20 năm tang tóc. Nhưng lại khởi đầu một cuộc chiến mới trầm trọng, nghiệt ngã hơn, đã gia tăng sự “chia rẽ” trong lòng người dân Việt về ý thức hệ “Quốc gia – Cộng sản”.

    Sự giao động Tâm lý đã nẩy sinh trong tâm tư những người tuổi trẻ miền Bắc xả thân làm nghĩa vụ “Giải Phóng Miền Nam”, khi chứng kiến đời sống thanh bình ấm no của người miền Nam, khác hẳn với xã hội nghèo khó, lạc hậu của người dân miền Bắc. Đơn cử như cảm xúc của cô Dương Thu Hương, trong đoàn “Thanh niên xung phong”, ngồi khóc nơi lề đường thành phố Sài Gòn vào ngày 30-4-1975. Giọt nước mắt không làm cô vơi đi lòng tủi hận, vì để mất một thời tuổi trẻ tươi đẹp nhất cho một chủ nghĩa phi dân tộc, đã lừa gạt nhiều thế hệ tuổi trẻ từ ngày đầu cách mạng. Sau này nhà văn Dương Thu Hương đã trả lời trong buổi phỏng vấn với nhà báo Đinh Quang Anh Thái (người Việt TV) tại Paris-Pháp vào tháng 8-2015: “Tôi khóc vào ngày 30-4-75 vì thấy nền văn minh đã thua chế độ man rợ”. (1)

    Cô đã nhận ra sự khác biệt về nếp sống văn hóa “Dân vi quý” giữa hai chế độ Tự do và Cộng sản, khi thấy sách báo của các tác giả miền Nam cũng như miền Bắc in ấn, kể cả những tác phẩm nói về chủ thuyết cộng sản của các tác giả ngoại quốc, bầy bán tự do trong hiệu sách hay tại các sạp bán báo trên khắp đường phố Sài Gòn. Một sự thật trái ngược với những lời tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) về “Miền Nam bị áp bức kìm kẹp”.

    *

    Trở lại Hiệp Định Genève đình chỉ chiến tranh tại Việt Nam ngày 20-7-1954, có những điều khoản như: 

    – Dân chúng mỗi bên có quyền di cư sang lãnh thổ do bên kia kiểm soát trong thời gian quân đội hai bên đang tập kết.

    – Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự tạm thời. Quân đội Nhân dân việt Nam (Cộng sản miền Bắc) tập trung về phía Bắc; quân đội Liên Hiệp Pháp (bao gồm cả quân đội Quốc Gia việt Nam) tập trung về phía Nam. 

    Dọc theo hai bên bờ sông Bến Hải, có chiều rộng mỗi bên là 5 cây số trở thành vùng phi quân sự có hiệu lực từ ngày 14-8-1954. Thời hạn để hai bên rút quân là 300 ngày kể từ ngày Hiệp Định có hiệu lực. Mỗi bên sẽ phụ trách tập hợp quân đội của mình và tổ chức nền hành chính riêng.

    Hiệp Định Genève không có điều khoản nào quy định về thời điểm cũng như cách thức tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam-Bắc Việt Nam. Vấn đề thống nhất hai miền Nam Bắc chỉ được đưa ra trong “Bản tuyên bố cuối cùng” qua lời phát biểu mà không có chữ ký của các thành viên tham dự, cũng như không có sự chỉ định nước nào chịu trách nhiệm tổ chức cuộc bầu cử này.

    Đoạn 7 của “Bản tuyên bố cuối cùng” ngày 21-7-1954 nhấn mạnh:

    “Hội nghị tuyên bố, giải pháp cho những vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép người dân Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 1956.

    Đoạn 8 của “Bản tuyên bố cuối cùng” có ghi:

    “Những điều khoản trong Hiệp định đình chiến nằm bảo đảm sự an toàn cho người dân và tài sản phải được tuân thủ một cách nghiêm túc và phải cho phép mỗi người dân Việt Nam được quyền tự do quyết định nơi họ sinh sống.”

    Từ những điều trên: Ranh giới là Vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải), mỗi bên sẽ phụ trách tập hợp quân đội của mình và tổ chức nền hành chính riêng, hai miền Nam – Bắc với tên gọi khác nhau “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” (miền Bắc) theo thể chế Cộng Sản và “Việt Nam Cộng Hòa” (miền Nam) theo thể chế Tự Do, mặc nhiên trở thành hai quốc gia riêng biệt. Mỗi bên được các quốc gia của Liên Hiệp Quốc công nhận là một quốc gia độc lập với các Đại sứ quán đặt tại Thủ Đô Sài Gòn và Hà Nội.

    Đảng CSVN sửa soạn chiến tranh tiến chiếm miền Nam từ sau ngày ký kết Hiệp Định Genève 1954, khi biết không có ngày bầu cử thống nhất nào được ghi trong Hiệp Định, nên đã đưa một số người miền Nam tập kết ra Bắc trong khi những thành phần cán bộ cốt cán còn cài lại tại miền Nam. Biến những người tập kết ra Bắc trở thành đám con tin tuyệt đối tuân phục lệnh của Đảng, gia đình họ còn ở lại miền Nam trở thành trạm tiếp tế, che dấu những cán bộ nằm vùng của Cộng sản.

    Ngày 30-4-1975 được cộng sản miền Bắc gọi là ngày “Giải Phóng Miền Nam”, nhưng đã để lộ nguyên hình chỉ là một cuộc xâm lược, làm mất đi ý nghĩa cao đẹp “Giải phóng Dân tộc” của các quốc gia thuộc địa trong thập niên 50’. Việc hoàn trả quyền Tự Trị và Độc Lập của các quốc gia thuộc địa từ Âu sang Á, được sự đồng thuận của các quốc gia thành viên tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ban hành theo Nghị Quyết: 

    Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc với sự đồng thuận tuyệt đối, chính thức thông qua Nghị quyết số 1514 (XV) ngày 14-12-1960, hoàn trả quyền tự trị và độc lập của các quốc gia thuộc địa từ Âu sang Á. 

    Mục đích của Nghị Quyết nhằm thực hiện và kết thúc không điều kiện Chủ nghĩa Thực dân cùng các hình thức biểu hiện của nó. Nghị quyết cũng nhấn mạnh, tất cả mọi hành động vũ trang hoặc biện pháp đàn áp dưới bất kỳ hình thức nào phải chấm dứt, để tạo cho các dân tộc thực hiện một cách hòa bình và tự do quyền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Do đó, các nước láng giềng của Việt Nam như Mã Lai, Indonesia, Brunei…đều hưởng độc lập mà không phải gây chiến với Thực dân. Trong khi tại Việt Nam, ông Hồ và đảng CSVN đã hy sinh hàng triệu nhân mạng người dân vô tội để chống Thực dân giành độc lập. Thực ra, Việt Nam đã được độc lập từ sau khi Pháp bại trận và Nhật đầu hàng đồng minh từ nhiều năm về trước.

    Để phá hoại cuộc sống an bình của miền Nam, đảng CSVN dàn dựng, thành lập “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” (MTGPMN) ngày 20-12-1960, một thứ công cụ chịu sự chỉ huy của CS miền Bắc, mà sau này đổi tên thành “Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”. Sau khi chiếm trọn miền Nam, vì không còn giá trị lợi dụng, tổ chức “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” bị giải thể ngày 4-2-1977. Các nhân vật chủ chốt của MTGPMN như Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Tổng Thư ký Huỳnh Tấn Phát và Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Thị Bình, vốn chỉ là đám “hữu danh vô thực”, được đảng CSVN phát lương cho ngồi chơi xơi nước. Tổ chức “Câu Lạc Bộ Kháng Chiến” của cựu cán bộ trong MTGPMN được thành lập, nhưng chỉ một sớm một chiều bị đảng CSVN cho giải thể để ngăn ngừa sự kết hợp của người miền Nam chống đảng. Từ đó mầm mống chia rẽ Bắc Nam càng lộ rõ, nhất là các chức vụ trọng yếu tại miền Nam, những vị trí béo bở chỉ dành cho cộng sản miền Bắc. 

    Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thường tuyên bố: “Chức vụ Tổng Bí thư phải là người miền Bắc”. Tại sao không chọn người tài đức để lèo lái đất nước mà phải là người miền Bắc? Hay giới lãnh đạo đảng CSVN miền Bắc là thành phần bảo sao làm vậy, tận tụy trung thành với Trung cộng. Như Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng đã viết: “Không cần phải đánh Việt Nam chúng nó”. (2) 

    https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/04/tnk-hauquaxamluoc2.png?w=640

    “Tại sao phải đánh chúng khi hơn 700 Km2 vùng biên giới phía Nam của ta đã được chúng dâng cho ta, một nửa thác Bản Giốc đã được cắm cờ 5 sao, Ải Nam Quan đã trở thành Hữu Nghị Quan mà chúng vẫn cực kỳ coi trọng.

    Súng đạn nào mãnh liệt bằng phong bì tống vào miệng chúng để sau đó Đại Hán ta ngồi ngay trên nóc nhà Tây Nguyên, đào mồ xới mả đất mẹ của chúng và bộ Chính Trị của chúng vẫn khăng khăng đấy là chiến lược đã quyết, là chính sách công nghiệp hóa hiện đại đất nước không thể ngừng.

    Xe tăng đại pháo nào bằng hàng ngàn công trình xây dựng để những sư đoàn Trung Hoa trong bộ áo công nhân có mặt trên xứ sở của chúng, kéo dài từ mũi Cà Mâu cho đến Hữu-nghị Quan.

    Chưa bao giờ trong lịch sử bành trướng, chúng ta có được một đám Thái Thú địa phương làm tay sai đắc lực và hiệu quả như chúng…”

    (Trích: Không Phải đánh VN chúng nó
    Vũ Đông Hà-danlambaovn.blogspot.com)

    Người Việt nghĩ gì về tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN qua lời tuyên bố của Dương Khiết Trì? Tuổi trẻ Việt Nam nghĩ gì về nền độc lập mà đảng CSVN thường tuyên truyền, hay đó chỉ là một nền độc lập trong nô lệ? Trong 1000 năm đô hộ bởi các triều đại Trung Hoa, từ Vua quan đến thứ dân với lòng yêu nước và sự chiến đấu kiên cường, chúng ta đã không để mất một tấc đất của quê hương.

    Khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” trở thành kim chỉ nam của đảng CSVN. Lời tuyên truyền này đã lừa gạt, khích động lòng yêu nước của người miền Bắc đang sống trong cảnh “bịt mắt che tai”, bị ép buộc xả thân vào cuộc chiến chống Mỹ để đánh chiếm miền Nam, mặc dù vào thời điểm này quân đội Mỹ chưa xuất hiện ở miền Nam, nhưng tại miền Bắc đã có sự hiện diện của quân đội Trung cộng. Đơn cử như Trướng Trần Canh của Trung cộng đứng sau chỉ huy, đã góp phần lớn cho chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1953. Theo báo Hong Kong (Reuter), Trung cộng công nhận đã đưa 320 ngàn quân sang giúp CS miền Bắc kể từ thập niên 1960.

    *

    Ngày 30-4-1975 được gọi với nhiều tên tùy theo bên tham chiến. Phía Cộng sản Việt Nam (CSVN) cho đây là ngày “Đại thắng” sau khi chiếm miền Nam, trở thành ngày lễ lớn được đảng CSVN tổ chức ăn mừng rầm rộ tại các tỉnh từ Nam ra Bắc. Một cuộc chiến được truyền thông báo chí CS ca tụng là “bên thắng cuộc”.

    Ngày 30-4-1975 được miền Bắc tung hô là “Giải phóng miền Nam”, nhưng thực chất chỉ là một cuộc Xâm Lược. Hành động đánh chiếm miền Nam càng lộ rõ khi ông Hồ ra lệnh tấn công miền Nam trong thời gian thỏa thuận hưu chiến Tết Mậu Thân năm 1968. Lệnh tấn công được chỉ định là thời điểm khi Đài “Tiếng nói Việt Nam” đọc bài thơ chúc Tết của ông Hồ vào giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, mà hai chữ “Tiến Lên” được ông Hồ hét lớn như một khẩu lệnh khai hỏa cuộc chiến xâm lược: 

    Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
    Thắng trận tin vui khắp nước nhà
    Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
    Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta. (3)

    Thực ra, không có cuộc “Tổng nổi dậy” nào của nhân dân miền Nam, mà chỉ có người dân miền Nam chạy về phía quân đội miền Nam để tránh hành động dã man của “quân giải phóng” như tại Thừa Thiên – Huế”.

    Khi ông Hồ cầu xin Mao Trạch Đông viện trợ quân trang quân dụng để “đánh miền Nam đến người Việt Nam cuối cùng, dù phải đốt sạch dẫy Trường Sơn”, đã để lộ y đồ xâm lược miền Nam. Hành động của ông Hồ chỉ biểu hiện lòng trung thành của một gián điệp CS “mà không phải vì nền độc lập của dân tộc để loại trừ chế độ thực dân”. 

    Tất cả những hành động trên chứng tỏ ngày 30-4-1975 là hậu quả của cuộc xâm lược do Cộng sản miền Bắc tiến hành. Hành động xâm lược được xác định theo Điều 1 của Nghị Quyết 3314 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 12-4-1974: 

    “Hành động xâm lược được xác định theo Điều 1 của Nghị quyết 3314 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 12-4-1974. Xâm lược là việc sử dụng lực lượng vũ trang hoặc là bất kỳ hành động nào trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc của một quốc gia nhằm chống lại chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ hay sự độc lập về chính trị của quốc gia khác.”

    Sau ngày 30-4-1975, nhiều chính sách đàn áp tàn bạo được thực hiện tại miền Nam. Khởi đầu là bắt Quân, Cán, Chính miền Nam vào các trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc, được ngụy trang dưới mỹ từ “Học tập cải tạo”, nhưng thực ra chỉ là cách đẩy người miền Nam vào trong các trại tù. Như cán bộ CS thường hãnh diện cho “đó là nghệ thuật tài tình của đảng để bắt các quân nhân miền Nam đăng ký vào tù.”

    Từng đợt cán bộ miền Bắc vào chiếm ngụ các căn nhà của tù cải tạo miền Nam hay những nhà có người vượt biên. Với cách sống kênh kiệu, đặc quyền của kẻ chiến thắng đã phân biệt “Bắc kỳ 54” khác với “Bắc kỳ 75”. Một điều dễ biết nhà nào có cán bộ miền Bắc chiếm ngụ là nơi đó đèn thắp sáng chưng vì dùng điện tự do, với mùi phân heo nồng nặc do nuôi heo trên lầu, chất thải của heo được đưa xuống đường thoát nước lộ thiên công cộng. 

    Để hợp thức hóa tình trạng chiếm đoạt tài sản của người miền Nam, Quyết Định mang số 111/CP do Hội đồng Chính phủ ban hành tại Hà Nội ngày 14-4-1977 nhắm vào các thành phần người miền Nam. Đoạn IV của Nghị Quyết có ghi: (4) 

    https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/04/tnk-hauquaxamluoc_qd111cp.jpg?w=300&h=512

    Ảnh chụp màn hình : https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Quyet-dinh-111-CP-chinh-sach-quan-ly-cai-tao-XHCN-doi-voi-nha-dat-cho-thue-do-thi-tinh-phia-Nam-40396.aspx

    1. Mọi loại nhà cửa, đất đai trước ngày Giải phóng do chính quyền Mỹ Ngụy quản lý hoặc dành cho những tổ chức hay cá nhân, thuộc ngụy quân ngụy quyền và các tổ chức đảng phái phản động sử dụng, nay đều là tài sản công cộng, do Nhà nước trực tiếp quản lý. 

    2. Nhà cửa, đất đai của những người sau đây đều do nhà nước trực tiếp quản lý: 

    – Sĩ quan ngụy quân cấp từ thiếu tá trở lên. 

    – Sĩ quan cảnh sát từ cấp trung úy trở lên. 

    – Cán bộ thuộc bộ máy cai trị của ngụy quyền đã giữ chức vụ, từ Chủ sự phòng cơ quan Trung ương, Ty phó, Quận phó trở lên. 

    – Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng. 

    Tất cả hàng hóa lớn nhỏ từ các đợt đánh tư sản, đã cướp đoạt tài sản của người dân miền Nam bằng bạo lực. Số hàng hóa do nhà nước chiếm dụng trong kho, chỉ một sớm một chiều âm thầm biến mất không biết đi về đâu.

    Sau các đợt đánh Tư sản nhắm vào giới thương gia và các cơ sở buôn bán nhỏ, người miền Nam phải đối diện với các đợt đổi tiền. 

    Sau khi tiền bạc ký thác tại ngân hàng bị phong tỏa chiếm đoạt, nhà cửa bị trưng dụng, con cái không được học Đại học và gia đình bị đẩy tới vùng Kinh tế Mới, nhắm vào thành phần tiểu thương, thương gia, gia đình có thân nhân của Quân, Cán, Chính VNCH và thành phần đảng phái Quốc Gia, hiện đang trong các trại tù Cải tạo. Số người Sài Gòn bị đi vùng Kinh tế Mới lên tới hàng triệu người trong thập niên từ 1975-80. Trong một xã hội bị cưỡng bức về thể xác và căng thẳng về tinh thần, nhiều người tại Sài Gòn đã tự tử. 

    Để kiểm soát chặt chẽ hơn, chính sách Hộ Khẩu đã ra đời, đã “tóm dạ dầy” sau khi “bóp cổ” người dân miền Nam không còn một tiếng nói, tiếp đến với chính sách “Quốc hữu hóa đất đai”, đã gom tài sản của người dân vào tay đảng, cán bộ lãnh đạo đảng trở thành đám “Tư bản đỏ”.

    Trong hoàn cảnh khó khăn về đời sống vật chất và trù dập, căng thẳng về tinh thần, phong trào “Thuyền nhân tị nạn cộng sản” ra đời, khiến hàng triệu người bỏ nước ra đi với nửa triệu người vùi thân dưới lòng biển cả, đã lột chiếc mặt nạ giả tạo “Giải phóng Dân tộc” của đảng CSVN.

    Trước tình trạng người miền Nam liều chết ra khơi để thoát khỏi chế độ độc tài cộng sản ngày một gia tăng, Bà Ginetta Sagan, một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Ý, với Tổ chức Ân xá Quốc Tế thay mặt cho tù nhân lương tâm, đã diễn tả thực trạng thuyền nhân ở Việt Nam sau ngày 30-4-1975 với câu nói thường được người miền Nam nhắc lại: “Nếu cái cột đèn biết đi…”

    Kể từ sau ngày 20-7-1954, để sửa soạn cho cuộc tiến chiếm miền Nam, các cơ sở sản xuất tại Hà Nội đều trở thành trại lính thay vì tiếp tục sản xuất phục vụ đời sống người dân sau nhiều năm dài chiến tranh. Xã hội miền Bắc trở lên nghèo khó, phải nhận viện trợ từ các quốc gia cộng sản.

    Trong khi đó tại miền Nam, mặc dù vùng nông thôn luôn bị CS nằm vùng gây rối khủng bố, nhưng nhu yếu phẩm cần thiết vẫn đủ cho người dân xử dụng. Vụ mùa 1974 được bội thu, đạt con số trên 7 triệu tấn, chứng tỏ người dân miền Nam (VNCH) trước ngày 30-4-1975 chưa bao giờ phải ăn độn. 

    Sau ngày gọi là “Giải phóng miền Nam”, mặc dầu nằm trên vựa lúa miền Nam, CSVN đã đưa cả nước tới đói khổ, người dân phải ăn độn ngô, khoai, sắn và bobo, là thực phẩm trước đây miền Nam dùng để nuôi gia súc hay chế biến trong công nghiệp. 

    Nhiều người ngoại quốc ghé Sài Gòn đều tiếc nuối đời sống xã hội thời Việt Nam Cộng Hòa. Dân biểu Dân chủ phản chiến Leo Ryan đã nhận định, “Mặc dù miền Nam Việt Nam không là pháo đài của các nguyên tắc dân chủ, nhưng tại đây phe đối lập và báo chí vẫn có tiếng nói. Toàn dân cũng như các lãnh đạo chính trị đối lập không hề sống trong sự đàn áp.” 

    Ông Josh Gelernter cũng nhận định: Hãy tưởng tượng Việt Nam Cộng Hòa – sẽ như thế nào ngày nay. Một nửa dân số, ít nhiều, có thể sống tự do và thịnh vượng như người Hàn quốc hay Đài loan. Có lẽ còn thịnh vượng hơn Đài loan hay Hàn quốc, vì Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ ngoài khơi. (5).

    Sau khi tới thăm 130 quốc gia trên thế giới, ông Dennis Prager, một nhà truyền thông Hoa Kỳ đã nhận định về đời sống của người dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Ông diễn tả cảm súc của mình trong bài viết “Trip to Vietnam revives hatred of Communism”:

    (trích)

    “Thật khó có thể kiềm chế cảm xúc, nhất là sự tức giận, trong chuyến thăm Việt Nam của tôi vào tuần trước. Tôi càng ngưỡng mộ người dân Việt bao nhiêu – họ thông minh, yêu đời, tự trọng và chăm chỉ – tôi lại càng tức giận chính phủ cộng sản đã mang đến đau khổ cho họ trong nửa sau của thế kỷ 20…

    Tất cả những kẻ độc tài cộng sản trên thế giới đều là những kẻ ngông cuồng, thần thánh hóa cá nhân, tham quyền và khát máu. Hồ Chí Minh cũng thế…” (6) 

    *

    https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/04/tnk-hauquaxamluoc3.jpg?w=300&h=175

    Như vậy, 2 triệu người dân vô tội chết oan uổng trong chiến tranh Việt Nam để làm gì khi đảng CSVN không đánh Mỹ để dành độc lập cho dân tộc Việt Nam như thường tuyên truyền, hay chỉ vì uy quyền của ông Hồ và quyền lợi cho tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN mà người Việt phải hy sinh?

    Với chính sách đàn áp tàn độc “cướp của giết người” tại miền Nam của CS miền Bắc sau ngày 30-4-1975, đã minh chứng đây là một trong các cuộc “Xâm lược” tàn ác nhất trong lịch sử nhân loại mà nghĩa cử “Giải phóng Dân tộc” chỉ là tấm bình phong che đậy dã tâm chiếm đoạt. Người Việt đã nhìn rõ mặt thật của chế độ “Xã hội Chủ nghĩa”, một chế độ không mang lại đoàn kết, tình tự dân tộc, mà cũng là dịp so sánh thực chất của hai chế độ Tự Do và Cộng Sản, để nhận ra chế độ nào mới mang lại sự hưng thịnh cho quốc gia và đời sống cơm no áo ấm cho toàn dân.

    Đối với người miền Nam, những nạn nhân của cuộc chiến, xem ngày 30-4-1975 là “Ngày Quốc Hận”. Hành động “Giải phóng Miền Nam” chỉ là tấm bình phong che đậy dã tâm xâm lược.

    ***

    Chú thích

    Tài liệu và hình ảnh trên mạng Bách khoa mở (Wikipedia).

    (1)- Buổi phỏng vấn nhà văn Dương Thu Hương vào tháng 8-2015 tại Paris, Pháp do nhà báo Đinh Quang Anh Thái (người Việt TV) thực hiện.

    http://www.nguoiviettv.com/?p=29637

    (2)- Không cần phải đánh VN chúng nó – Dương Khiết Trì.

    https://conglyvasuthat.wordpress.com/2016/08/14/duong-khiet-tri-khong-can-phai-danh-viet-nam-chung-no/

    (3)- Báo “Nam Định điện tử” ngày 25-12-2021 (baonamdinh.com.vn/channel): Hiệu lệnh của ông Hồ trong bài thơ chúc Tết Mậu Thân 1968 trên làn sóng điện của đài Tiếng nói Việt Nam. (Theo Trần Đức Long)

    http://baonamdinh.com.vn/channel/5087/201802/50-nam-cuoc-tong-tien-cong-va-noi-day-xuan-mau-than-1968-hieu-lenh-cua-bac-ho-trong-bai-tho-chuc-tet-mau-than-1968-2523160/

    (4) Quyết định của Hội đồng Chính phủ số 111/CP ngày 14-4-1977

    https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Quyet-dinh-111-CP-chinh-sach-quan-ly-cai-tao-XHCN-doi-voi-nha-dat-cho-thue-do-thi-tinh-phia-Nam-40396.aspx

    (5)- If South Vietnam were free today 

    https://www.nationalreview.com/2015/04/if-south-vietnam-were-free-today-josh-gelernter/

    (6)- Trip to Vietnam Revives Hatred of Communism

    http://www.dennisprager.com/trip-to-vietnam-revives-hatred-of-communism/ 

    (*)- Về hai câu thơ: 

    Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công lý
    Đồng khởi vùng lên mất Tự do

    Nhiều người Việt thuộc hai câu trên nhưng không biết ai là tác giả. Có người cho rằng tác giả là nhà thơ Vũ Hoàng Chương. (5-5-1916 – 6-9-1976. Ông làm hai câu thơ trên sau khi bị bắt vào nhà tù Chí hòa –Sài Gòn năm 1976. (theo: Fb Ngọc Tuyên Đàm)

    Trần Nhật Kim
    Tháng 4-2022

    https://baovecovang2012.wordpress.com/2022/04/25


    Không có nhận xét nào