Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ tư 10 tháng 4 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    "Phán quyết lịch sử" về khí hậu: Tòa án châu Âu phạt Thụy Sĩ vì không nỗ lực đủ mức

    Trọng Thành /RFI

    10/4/2024

    Lần đầu tiên Tòa án Nhân quyền châu Âu (CEDH) ra phán quyết phạt một quốc gia vì hành động không đủ mức nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Phán quyết đưa ra hôm qua, 09/04/2024, được giới bảo vệ môi trường hoan nghênh như một bước tiến "lịch sử", mở đường cho các áp lực lớn hơn đối với tất cả 46 quốc gia thành viên Hội Đồng Toàn Châu Âu. 

    Thụy Sĩ bị hội "Aînées pour la protection du climat" gồm 2.500 phụ nữ trên 65 tuổi kiện vì không hành động bảo vệ khí hậu.

    Thụy Sĩ bị hội "Aînées pour la protection du climat" gồm 2.500 phụ nữ trên 65 tuổi kiện vì không hành động bảo vệ khí hậu. © Facebook / Aînées pour la protection du climat 

    Nhà nước Thụy Sĩ bị một hiệp hội nước này, mang tên "Aînées pour la protection du climat" (tạm dịch là Những phụ nữ cao tuổi đi đầu trong cuộc chiến bảo vệ khí hậu), khiếu kiện vì đã không có các biện pháp đủ mức nhằm hạn chế biến đối khí hậu, gây tổn hại cho quyền sống, sức khỏe và hạnh phúc của người dân. Chiểu theo Công ước Nhân quyền Châu Âu, phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu buộc tội Thụy Sĩ đã "không hành động kịp thời, một cách phù hợp và nhất quán" để thực thi các cam kết về khí hậu, và chính quyền Berne phải chịu trách nhiệm về "các thiếu sót nghiêm trọng", đặc biệt liên quan đến việc xác định các tiêu chuẩn định lượng quốc gia về khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GES).

    Trong vụ kiện này, chính quyền Thụy Sĩ không phải nộp tiền phạt, ngoài việc phải trả cho hiệp hội "Aînées pour la protection du climat" khoản tiền 80.000 euro, chi phí pháp lý. Phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu đối với Thụy Sĩ là mang tính bắt buộc và là phán quyết cuối cùng. AFP dẫn lời ông Alain Chablais, đại diện của Thụy Sĩ trước Tòa án Nhân quyền châu Âu, theo đó các cơ quan có thẩm quyền của Thụy Sĩ có trách nhiệm "xác định các biện pháp" để thi hành phán quyết của Tòa. Bà Anne Mahrer, một thành viên của hiệp hội Thụy Sĩ nói trên, cho biết hiệp hội "sẽ theo sát việc chính quyền Thụy Sĩ thực thi quyết định của Tòa án".

    Phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu, trong vụ chính quyền Thụy Sĩ bị kiện, được coi là một án lệ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, và có thể được sử dụng làm cơ sở cho các phán quyết đối với 45 thành viên khác của Hội Đồng Toàn Châu Âu. Ông Raphaël Mahaim, một luật sư của hiệp hội Thụy Sĩ "Những phụ nữ cao tuổi hành động vì khí hậu", nhấn mạnh : "Việc Tòa án đưa ra một loạt các yêu cầu buộc các quốc gia phải tuân thủ cam kết về khí hậu là điều hoàn toàn mới. Quyết định của Tòa thật là tuyệt vời, gây phấn chấn… Chúng ta hy vọng là mọi thứ sẽ thay đổi mau chóng".

    Nhà hoạt động môi trường Thụy Điển Greta Thunberg, có mặt tại Strasbourg, vào thời điểm tòa ra phán quyết khẳng định : "Đây chỉ là điểm khởi đầu cho làn sóng khiếu kiện về khí hậu, đang diễn ra khắp nơi trên thế giới". Cô Greta Thunberg cũng nhấn mạnh là phong trào đòi công lý khí hậu "không được lùi bước" và cần phải "sử dụng mọi biện pháp" để đạt mục tiêu, trong bối cảnh "thế giới vẫn luôn đi sai đường", "khí thải gây hiệu ứng vẫn không ngừng gia tăng" đe dọa "mạng sống của con người, động vật, các hệ sinh thái và sự tồn vong của nhiều quốc gia".

    Chiến tranh Ukraina: Mỹ cảnh báo Trung Quốc về việc tăng cường hợp tác với Nga

    Thanh Phương /RFI

    10/4/2024

    Hoa Kỳ hôm qua, 09/10/2024, cảnh báo Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Nga giành thêm lãnh thổ ở Ukraina, sau khi Bắc Kinh nhắc lại cam kết hợp tác với Matxcơva trong chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Nga.  

    Ông Kurt Campbell, Điều phối viên phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, phát biểu tại Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, tại Washington, ngày 07/12/2023.

    Ông Kurt Campbell, Điều phối viên phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, phát biểu tại Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, tại Washington, ngày 07/12/2023. AP - Mariam Zuhaib 

    Theo hãng tin AFP, tuyên bố với Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Kurt Campbell cho biết duy trì hòa bình và ổn định ở châu Âu là "sứ mệnh quan trọng nhất trong lịch sử" đối với Mỹ. Ông cảnh báo rằng việc Nga giành được lãnh thổ có thể "làm thay đổi thế cân bằng quyền lực ở châu Âu" theo cách "không thể chấp nhận được", sau hai năm chiến tranh ở Ukraina và trong lúc viện trợ của Mỹ cho Kiev vẫn bị Quốc Hội chặn từ nhiều tháng qua.

    Ông Campbell nói thêm: "Chúng tôi đã trực tiếp nói với Trung Quốc rằng việc họ tiếp tục tăng cường hợp tác với Nga sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không ngồi yên cứ như là "mọi chuyện vẫn ổn"

    Quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ đã có phản ứng như trên khi được hỏi về chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua, và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông sẵn sàng tăng cường sự phối hợp giữa hai nước. 

    Ông Campell nhắc lại Hoa Kỳ đã nhiều lần đe dọa trừng phạt Trung Quốc nếu nước này hỗ trợ đáng kể cho Nga. Theo Washington, Nga đang ngày càng chuyển sang sử dụng vũ khí từ Bắc Triều Tiên và Iran, hai quốc gia đang bị trừng phạt, để tiến hành cuộc chiến ở Ukraina. 

    Đáp lại lời cảnh cáo của ông Campell, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh hôm nay tuyên bố Trung Quốc bác bỏ mọi "chỉ trích hay áp lực" về quan hệ giữa Bắc Kinh với Matxcơva. Bà Mao Ninh khẳng định: "Trung Quốc và Nga có quyền có quan hệ hợp tác bình thường về kinh tế và thương mại"

    Cũng theo hãng tin AFP, Hoa Kỳ vừa cho phép bán cho Ukraina các thiết bị quân sự trị giá 138 triệu đôla để sửa chữa và nâng cấp các hệ thống tên lửa Hawk. Từ nhiều tháng qua, Kiev vẫn yêu cầu các đồng minh phương Tây cấp thêm đạn dược và hệ thống phòng không để chống trả quân Nga. 

    Về tình hình chiến sự, trong đêm qua, quân Nga đã oanh kích vào hai cơ sở năng lượng ở miền nam Ukraina, khiến 2 người bị thương, theo thông báo của quân đội Ukraina. Từ nhiều tuần qua, quân Nga oanh kích liên tục vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina, nhất là tại miền đông bắc, khu vực chung quanh thành phố Kharkiv, gây ra nhiều vụ cúp điện trên diện rộng.

    Mỹ chuyển cho Ukraine các vũ khí tịch thu được từ Iran 

    10/4/2024 

    Reuters 

    Súng trường tấn công AK-47.

    Súng trường tấn công AK-47. 

    Quân đội Mỹ hôm 9/4 cho biết nước này đã chuyển cho Ukraine hàng nghìn vũ khí bộ binh và hơn 500.000 viên đạn bị thu giữ từ hơn một năm trước khi Iran vận chuyển chúng cho lực lượng Houthi ở Yemen, theo Reuters.

    Các vũ khí này được đưa đi hồi tuần trước, là khoản hỗ trợ quân sự mới nhất mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cung cấp cho Kyiv trong cuộc chiến giành lại lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.

    Với việc lực lượng Ukraine sắp cạn kiệt vũ khí và đạn dược, đặc biệt là đạn pháo hạng nặng, Mỹ và các đồng minh đang tìm kiếm những cách mới để trang bị vũ khí cho Kyiv.

    Số vũ khí được Mỹ chuyển đến Kyiv hôm 4/4 “đủ trang bị” cho một lữ đoàn Ukraine, Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM) cho hay trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X.

    Một lữ đoàn bộ binh thường bao gồm 3.500 đến 4.000 quân, nhưng không rõ con số chính xác.

    Phái bộ thường trực của Iran tại Liên Hiệp Quốc nói: “Chúng tôi không thể bình luận về các vũ khí và khí giới chưa bao giờ thuộc về chúng tôi”.

    CENTCOM cho biết các vũ khí này bao gồm hơn 5.000 súng trường tấn công AK-47, súng máy, súng bắn tỉa và đạn chống tăng phản lực cùng hơn 500.000 viên đạn.

    Số đạn này bị thu từ 4 con tàu “không quốc tịch” bị tàu hải quân Hoa Kỳ và tàu của các lực lượng đối tác chặn lại - không rõ là lực lượng của những nước nào - trong khoảng thời gian từ ngày 22/5/2021 đến ngày 15/2/2023, CENTCOM cho hay.

    Vẫn theo CENTCOM, số vũ khí này được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran chuyển đến lực lượng Houthi.

    Nhật Bản có thể sẽ gia nhập liên minh AUKUS chống lại Bắc Kinh

    Rex Wilderstorm

    Minh Ngọc lược dịch

    10/4/2024

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/GettyImages-1248158778-700x420-1.jpg

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (giữa) tham gia cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái) trong hội nghị thượng đỉnh AUKUS tại Naval Base Point Loma ở San Diego California, ngày 13/03/2023. (Ảnh: Jim Watson/AFP qua Getty Images) 

    Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel đã nói rằng Nhật Bản “sắp trở thành đối tác Trụ cột II bổ sung đầu tiên” trong AUKUS, mối quan hệ đối tác ba bên giữa Úc, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ.

    Đây sẽ là sự mở rộng đầu tiên của thỏa thuận chia sẻ quốc phòng chặt chẽ bên cạnh ba đối tác ban đầu, bao gồm việc hợp tác cùng nhau trong các lĩnh vực như động cơ đẩy tàu ngầm hạt nhân và công nghệ lượng tử.

    Đáp lại, một nguồn tin chính phủ Úc nói với Australian Broadcasting Corporation (ABC) rằng Nhật Bản sẽ hợp tác trong các dự án công nghệ quốc phòng cụ thể thuộc AUKUS nhưng không nhất thiết phải gia nhập liên minh này với tư cách thành viên chính thức.

    Một phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles đã từ chối bình luận về tuyên bố của ông Emanuel. Ông Emanuel đã đưa ra tuyên bố này trong một bài bình luận đăng ​​​​ngày 03/04 trên The Wall Street Journal. 

    Trụ cột Một của AUKUS liên quan đến việc Úc phát triển các tàu ngầm được trang bị vũ khí thông thường chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng công nghệ tân tiến của Mỹ và Anh.

    Trụ cột Hai là một quy chế để các đối tác của AUKUS chia sẻ các hệ thống phòng thủ tân tiến bao gồm công nghệ lượng tử, hỏa tiễn siêu thanh, và trí tuệ nhân tạo.

    Nhật Bản có thể sẽ quan tâm đến việc hợp tác trong một số lĩnh vực, bao gồm robot tân tiến, sáng kiến ​​mạng, và chiến tranh chống tàu ngầm.

    Thông báo có thể có trong tuần này

    Ông Emanuel không cho biết khi nào sẽ có thông báo chính thức nhưng có vẻ như sẽ có thông báo trong tuần này, khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến Hoa Thịnh Đốn để gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, sau đó là hội nghị thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. 

    Vị đại sứ này viết: “Khi Tổng thống Biden và ông Kishida gặp nhau, họ sẽ đánh dấu một sự chuyển đổi sâu sắc trong quan hệ Mỹ-Nhật, khi một kỷ nguyên kết thúc và một kỷ nguyên khác bắt đầu.”

    Các quan chức Hoa Kỳ đã xác nhận rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ “nghiêm túc xem xét” việc đưa Nhật Bản vào làm đối tác công nghệ.

    Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell gần như đã xác nhận rằng một thông báo sẽ được đưa ra trong tuần này, khi nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Úc sẵn sàng đón nhận các quốc gia khác tham gia thỏa thuận.

    “Tôi nghĩ quý vị sẽ biết rằng chúng tôi có điều gì đó để nói về việc này vào tuần tới,” ông Campbell nói hôm 03/04.

    Vương quốc Anh đã nhiều lần phát đi tín hiệu rằng họ sẵn lòng cho các quốc gia khác tham gia Trụ cột Hai, với việc hồi năm 2021 Bộ trưởng Quốc phòng đương thời của nước này nói rằng AUKUS không được thiết kế như một thỏa thuận “độc quyền” và các quốc gia như Nhật Bản, New Zealand, và Canada có thể tham gia trong tương lai.

    Tuy nhiên mặc dù Úc bày tỏ sẵn sàng đón nhận Nhật Bản hợp tác với AUKUS, nhưng ông Marles cũng đã gợi ý hồi tháng Hai rằng có thể phải mất một thời gian nữa thì điều đó mới xảy ra.

    Vị bộ trưởng quốc phòng này lưu ý rằng các thành viên AUKUS hiện đang “tập trung rất nhiều vào việc phát triển các công nghệ cải tiến mới giữa ba quốc gia.”

    Ông Marles nói: “Khi Trụ cột 2 trở nên hoàn thiện hơn, điều mà sẽ phải mất vài năm… Tôi nghĩ rằng vào thời điểm đó sẽ có cơ hội để xem xét cách chúng tôi có thể hợp tác với Nhật Bản trong vấn đề đó.”

    Quốc gia còn lại có thể nằm trong số những quốc gia tham gia sớm nhất là New Zealand. Nước này đã thể hiện rất rõ mối quan tâm của mình tại các cuộc gặp song phương giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng với những người đồng cấp Úc vào đầu năm nay.

    Kể từ đó đến nay không có nhiều thông tin được công bố, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Judith Collins đã gặp nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ Honeywell vào tuần trước.

    Một bài đăng của bà Collins trên X cho biết cuộc họp “thảo luận về quốc phòng, công nghệ, khoa học, và không gian”. 

    Nhiệt độ Trái đất lại thêm kỷ lục mới vào tháng Ba

    Chấn Vũ, Vision Times

    10/4/2024

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/fg67.jpg

    Hôm 9/4, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) thông báo, Trái đất vừa trải qua tháng Ba nóng nhất trong lịch sử, đây là tháng thứ 10 liên tiếp thiết lập kỷ lục mới về nhiệt độ nóng.

    Hôm 9/4, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) thông báo, Trái đất vừa trải qua tháng Ba nóng nhất trong lịch sử, đây là tháng thứ 10 liên tiếp thiết lập kỷ lục mới về nhiệt độ nóng.

    Reuters đưa tin, hôm 9/4 Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu nêu trong bản tin hàng tháng rằng so với nhiệt độ hàng tháng tương ứng của những năm trước, nhiệt độ hàng tháng trong 10 tháng qua là nóng nhất trong lịch sử toàn cầu.

    C3S cho biết 12 tháng vừa qua, tính đến tháng Ba năm nay, cũng được liệt vào danh sách 12 tháng nóng nhất trong lịch sử Trái đất. Từ tháng 4/2023 – 3/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,58 độ C so với nhiệt độ trung bình trước thời kỳ công nghiệp hóa từ 1850 – 1900.

    Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, phó giám đốc Samantha Burgess của C3S chia sẻ: “Điều chúng tôi rất quan tâm là xu hướng dài hạn của những kỷ lục mới, mỗi tháng lại chứng kiến thêm kỷ lục mới về nhiệt độ cho chúng ta thấy khí hậu đang thay đổi nhanh chóng”.

    Cơ sở dữ liệu C3S có từ năm 1940, các nhà khoa học đã kiểm tra chéo dữ liệu của C3S với các dữ liệu khác và xác nhận rằng tháng trước là tháng Ba nóng nhất kể từ thời tiền công nghiệp.

    Năm 2023 được cho là năm có nhiệt độ trung bình cao nhất trong lịch sử nhiệt độ Trái đất tính từ năm 1850.

    Năm nay thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ bất thường đã tàn phá một số khu vực. Hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra ở rừng nhiệt đới Amazon đã gây ra các vụ cháy rừng kỷ lục ở Venezuela từ tháng 1 đến tháng 3, trong khi thời tiết khô hạn ở miền nam châu Phi phá hủy mùa màng và khiến hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói.

    Vào tháng Ba, các nhà khoa học biển cũng cảnh báo vấn đề nước biển nóng lên khiến có thể xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô quy mô lớn ở Nam bán cầu, đây có thể là điều tồi tệ nhất trong lịch sử Trái đất.

    Tẩy trắng san hô là hiện tượng màu của san hô biến trắng do ảnh hưởng của các yếu tố như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… Khi san hô bị biến trắng, nghĩa là các vi sinh vật sống bên trong san hô đã bị mất đi, dẫn đến tình trạng san hô yếu đuối và dễ bị tổn thương hơn. Điều này là nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái san hô.

    C3S cho biết nguyên nhân chính dẫn đến nhiệt độ cao bất thường là do con người thải ra khí nhà kính. Các yếu tố khác làm tăng nhiệt độ bao gồm El Nino, một kiểu thời tiết khiến nước bề mặt ở phía đông Thái Bình Dương ấm lên.

    Hiện tượng El Nino đạt đỉnh điểm từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 1 năm nay và hiện đang suy yếu, có thể vào cuối năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài do El Nino được hạ nhiệt.

    Theo C3S, dù hiện tượng El Nino đã giảm bớt trong tháng Ba nhưng nhiệt độ mặt nước biển trung bình trên thế giới vẫn đạt mức cao nhất mọi thời đại và nhiệt độ không khí đại dương vẫn cao bất thường.

    Tác động từ bầu cử quốc hội của Hàn Quốc 

    Dù không tranh cử, nhưng không ai có nhiều nguy cơ trong cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc vào thứ Tư hơn Tổng thống Yoon Suk Yeol khi Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông đã ở thế thiểu số kể từ năm 2020. Sau hai năm làm tổng thống, ông Yoon đã không thực sự thúc đẩy các chính sách đòi hỏi phê duyệt của nhánh lập pháp – tức những cải cách nghiêm túc nhất. Một chiến thắng của PPP sẽ cho ông cơ hội xây dựng di sản trong nước.

    Thăm dò dư luận không cho thấy PPP hay đối thủ của họ, Đảng Dân chủ, được ủng hộ hơn. Một bên thứ ba nổi bật do cựu bộ trưởng tư pháp dẫn đầu càng làm phức tạp thêm các dự báo. Nhưng thăm dò nội bộ của chính PPP cho thấy sự thiếu tự tin: ước tính lạc quan nhất của họ chỉ mang lại 140 trên 300 ghế. Tổng thống Hàn Quốc chỉ có thể phục vụ một nhiệm kỳ. Do đó, nếu những cuộc thăm dò này là đúng, ông Yoon sẽ phải học cách hợp tác – hoặc chịu đựng tình trạng tê liệt chính sách trong nước trong phần còn lại của nhiệm kỳ.

    Thượng đỉnh Mỹ-Nhật ở Washington

    Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp đón Kishida Fumio, thủ tướng Nhật Bản, tại Nhà Trắng vào thứ Tư. Họ dự kiến sẽ công bố các biện pháp tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh. Điều đó có thể sẽ bao gồm cải cách cơ cấu chỉ huy của lực lượng vũ trang để cải thiện việc lập kế hoạch và phối hợp. Chính phủ hai nước cũng có thể công bố thành lập hội đồng công nghiệp quốc phòng để hợp tác nghiên cứu và mua sắm trang bị.

    Nhưng cũng có những điều khó chịu trong quan hệ song phương. Ông Biden đã làm được nhiều việc để sửa chữa các liên minh châu Á của Mỹ sau nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump. Nhưng Nhật Bản thất vọng vì ông Biden về nhiều mặt vẫn tiếp tục đường lối bảo hộ của người tiền nhiệm. Người Nhật cũng khó chịu trước việc ông phản đối việc tiếp quản US Steel, một công ty thép Mỹ, bởi Nippon Steel của Nhật Bản. Và sau đó là khả năng ông Trump trở lại nắm quyền. Theo nhiều cách nhìn, có thể xem chuyến thăm của ông Kishida như một nỗ lực bảo vệ quan hệ Mỹ-Nhật khỏi những thiệt hại có thể xảy ra.

    Thị trường hồi hộp chờ quyết định của Fed

    Cục Dự trữ Liên bang mô tả lập trường tiền tệ của mình là phụ thuộc vào dữ liệu. Hiện tại, điều đó đang tạo nên biến động trên thị trường. Các nhà đầu tư đang phân vân giữa hai luồng suy nghĩ: một là ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất mạnh trong năm nay, và hai là liệu ngân hàng trung ương có cắt giảm lãi suất hay không. Vào thứ Tư, việc công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 có thể trở thành một trụ cột quan trọng cho những kỳ vọng về chính sách của Fed.

    Dự báo trung vị là giá tiêu dùng cốt lõi (loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm) có thể tăng khoảng 0,3% so với tháng 2, giảm nhẹ so với một tháng trước. Điều đó có thể giúp trấn an các nhà phân tích rằng lạm phát đang giảm dần, qua đó cho phép Fed cắt giảm lãi suất hai hoặc ba lần trong năm nay. Nhưng bất kỳ con số nào ở dưới hoặc trên mức 0,3% đều có thể dẫn đến những biến động lớn về triển vọng. Hãy thắt dây an toàn.

    Phe Cộng hoà trong Hạ viện Mỹ và những cuộc luận tội vô nghĩa

    Hai bên Hạ viện Mỹ tiếp tục không hợp tác với nhau. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện vẫn chưa xem xét gói viện trợ cho Ukraine, điều mà Đảng Dân chủ đang thúc đẩy. Thay vào đó họ lại dồn tâm trí vào hai cuộc điều tra luận tội không đi tới đâu, một trong số đó sẽ kết thúc vào thứ Tư.

    Đó là khi Mike Johnson, chủ tịch Hạ viện, hứa sẽ gửi hồ sơ luận tội Alejandro Mayorkas, bộ trưởng an ninh nội địa, tới Thượng viện. Đảng Cộng hòa cáo buộc ông Mayorkas không đảm bảo an ninh biên giới Mỹ, cho phép “hàng triệu người nước ngoài” vào nước này. Đảng Dân chủ đã từ chối tham gia; Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, dự kiến sẽ nhanh chóng tổ chức bỏ phiếu để bác bỏ cáo buộc.

    Cuộc điều tra còn lại của phe Cộng hòa tại Hạ viện là một chiến dịch tấn công rối rắm nhằm vào tổng thống Joe Biden, liên quan đến con trai ông, Hunter. Hồi tháng 2, bộ tư pháp đã buộc tội một trong những nhân chứng quan trọng của đảng Cộng hoà tội nói dối FBI, nhưng họ dường như không hề nản lòng.

    Xe điện Trung Quốc ế ẩm biến nhiều cảng ở châu Âu thành bãi đỗ xe

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/r_shutterstock_1589228278-768x512-1-768x480.jpeg

    Bãi đỗ xe tại cảng Zeebrugge của Bỉ vào năm 2019. (Ảnh: ambient_pix/ Shutterstock) 

    Do những vấn đề như doanh số bán hàng chậm lại và năng lực vận chuyển không đáp ứng đủ, nhiều nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã chất đống phương tiện của họ tại các cảng châu Âu, khiến nhiều bến cảng dường như đang trở thành “bãi đỗ xe” gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của cảng.

    Các CEO ngành cảng và ô tô nói với Financial Times rằng do thiếu tài xế và thiết bị vận tải nên nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang gặp khó khăn để có thể đáp ứng đủ xe tải vận tải, trong bối cảnh không thể chắc chắn về xe tải vận chuyển khiến có những cơ sở ô tô thậm chí đã đặt thời gian giao hàng bằng đường biển.

    Cảng vụ Antwerp-Bruges cho biết: “Ngày càng nhiều nhà phân phối ô tô dùng bãi đậu xe ở cảng làm kho. Ô tô không được lưu giữ tại các đại lý mà được nhận trực tiếp tại bến xe”.

    Cảng vụ này cho biết thêm rằng có tình trạng tắc nghẽn đáng kể tại “tất cả các cảng ô tô lớn”, nhưng không nêu rõ nguyên nhân.

    Antwerp-Bruges là cảng nhập khẩu ô tô sầm uất nhất châu Âu.

    Một số CEO ngành ô tô cho biết, doanh số bán ở châu Âu thấp hơn dự kiến ​​của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tắc nghẽn cảng trong khu vực. Một giám đốc chuỗi cung ứng ô tô nói: “Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc coi cảng là bãi đỗ xe”.

    Nguồn tin cho hay xe điện của một số thương hiệu Trung Quốc đã đậu ở các cảng châu Âu trong suốt 18 tháng. Một chuyên gia logistics ô tô cho biết nhiều xe dỡ xuống tàu vẫn ở lại cảng cho đến khi bán cho nhà phân phối hoặc người sử dụng.

    Tại Bremerhaven của Đức – cảng ô tô bận rộn thứ hai ở châu Âu, BLG Logistics – nơi vận hành một trạm bốc dỡ ô tô – chia sẻ rằng, kể từ tháng 12 năm ngoái khi chính phủ Đức ngừng trợ cấp cho việc mua xe điện thì thời gian lưu trú xe và cảng này đã dài hơn đáng kể.

    Trong bối cảnh các bến xe bị tắc nghẽn, nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, bao gồm BYD, Great Wall, Chery và SAIC, vẫn có kế hoạch xuất khẩu ô tô sang châu Âu để duy trì hoạt động cho các nhà máy của họ ở Trung Quốc.

    Năm 2023, lượng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng 58% so với năm trước, điều này tạo ra những thay đổi lớn trên thị trường ô tô.

    Nhưng giới CEO ngành ô tô nói rằng nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thiếu năng lực hậu cần nghiêm trọng, họ đang nỗ lực xây dựng đội ngũ ở châu Âu để giải quyết các thách thức về hậu cần.

    Một người quen thuộc với vấn đề này cho biết “thiếu xe tải” là vấn đề rất phổ biến, đồng thời nói thêm rằng nhiều xe tải đã được Tesla “đặt hàng trước” – vấn đề tác động dây chuyền đến việc vận chuyển.

    Hãng vận tải ô tô United European Car Carriers (UECC) của Na Uy phàn nàn đã trải qua “nhiều trải nghiệm khó chịu”, do tình trạng tắc nghẽn tại cảng khiến tàu của họ từng bị kẹt tại các cảng Livorno của Ý và Piraeus của Hy Lạp.

    Theo Trần Đình, Epoch Times


    Không có nhận xét nào